Nhập đạo tứ hạnh quán - Huyết mạch luận

Ðường vào Ðạo có nhiều lối, nhưng cơ bản là không ngoài hai lối chính: bằng lý giải, tức là thông hiểu nghĩa lý, và bằng tập hạnh, tức là thực hành . Nhập đạo bằng lý giải có nghĩa là nhận thức được cái cốt yếu của đạo lý qua kinh điển và tin tưởng sâu xa rằng tất cả mọi chúng sinh đều có một chân tính như nhau. Chân tính đó thường không được hiển lộ vì bị che lấp bởi những cảm xúc và si mê. Người nào thoát ra khỏi những si mê này để trở về với cái chân thực, quay mặt vào vách để bích quán, thấy sự vô ngã của ta và tha nhân, sự đồng nhất của thánh và phàm, giữ cho tâm bất động không vướng mắc nơi giáo điều, người đó đã mặc khải được lý đạo một cách rốt ráo. Sự lý nhập đó không cần phải có nỗ lực dụng công .
Nhập đạo bằng tập hạnh có bốn hạnh chính bao quát: chấp nhận sự đau khổ (báo oán hạnh), tùy thuận với mọi việc (tùy duyên hạnh), không mong cầu (vô sở cầu hạnh), và thực hành đạo pháp (xứng pháp hạnh).

Thứ nhất, Báo oán hạnh, tức chấp nhận sự đau khổ đến với mình. Người tu Ðạo khi gập những nghịch cảnh phải tự nhủ rằng: "qua vô lượng số kiếp ta đã bỏ gốc theo ngọn, xa rời chân lý mà đuổi theo những cái phù phiếm, lang thang qua biết bao cõi luân hồi sinh tử, sân si vô lối và gây biết bao điều tội lỗi. Nay tuy không làm điều gì xấu, nhưng ta cũng bị báo ứng bởi những điều ác trong quá khứ. Không có trời người nào có thể thấy trước được khi nào đến lúc phải trả quả cho một nghiệp ác . Ta chấp nhận chúng bằng một tâm rộng mở không hề có oán than." Kinh nói: "Khi gập đau khổ không nên than trách, bởi vì mọi sự là theo đúng luật nhân quả." Hiểu như vậy ta sẽ ứng hợp được với lý đạo. Và qua con đường báo oán hạnh này mà ta đã đi vào được cửa Ðạo.
Thứ hai, Tùy duyên hạnh. Tất cả chúng sanh đều do nhân duyên mà hợp thành, chẳng phải do ở ta. Tất cả những sự đau khổ và vui sướng mà ta kinh nghiệm đều tùy thuộc vào nhân duyên. Nếu chúng ta được một phước báu, như được hưởng sự vinh quang, phú quý, thì đó là quả của nhân lành ta đã gieo từ trước. Khi duyên hết, mọi sự sẽ chấm dứt. Cần gì phải vui mừng khi nó đến? Mọi thành công hay thất bại là đều tùy thuộc vào nhân duyên , nhưng tâm thì lúc nào cũng vậy, không suy suyển thêm bớt. Người nào giữ được tâm bất động trước ngọn gió hoan lạc , người ấy đã mặc nhiên đi trên con đường Ðạo.
Thứ ba, Vô sở cầu hạnh. Con người trên thế gian này thật si mê. Họ luôn luôn tham trước và mong cầu. Nhưng bậc trí giả nhận biết được chân lý thì không chạy theo dục vọng thường tình; tâm họ an định, thân họ điều theo những biến chuyển của mọi thời. Mọi hiện tượng trên thế gian này vốn là không, chẳng có gì đáng để tham muốn cả. Vận rủi và vận may thường nối tiếp lẫn nhau. Sống nơi ba cõi trong thế giới ta bà này có khác gì sống trong một căn nhà đang bốc cháy. Có thân sanh ra là có khổ. Có người nào tìm được sự an bình trong thân vô thường này không? Những ai hiểu được điều này sẽ không chấp thủ vào những gì hiện hữu, không còn vọng tưởng mong cầu. Kinh nói rằng: "Còn mong cầu là còn khổ. Không mong cầu là an lạc." Không mong cầu, đó là đã ở trên con đường Ðạo.
Thứ tư, Xứng pháp hạnh. Pháp là chân lý về tự tánh thanh tịnh của mọi vật. Ngộ được chân lý này, sẽ thấy tất cả mọi hình tướng đều là không. Vì có tánh không , nên không có si mê, không có chấp thủ, không có cái ta và cái ngoài ta . Kinh nói rằng: " Nöi Pháp không có chúng sinh vì nó xa lìa trần cấu của chúng sinh, nơi Pháp không có tự ngã vì nó xa lìa mê mờ của tự ngã." Người có trí tuệ hiểu và tin tưởng được chân lý này sẽ hành động xứng hợp được với Pháp. Và vì thực chất của tánh là không nên không có gì để tham lận, họ sằn sàng đem thân mạng, của cải ra bố thí, không hối tiếc, không có cái ngã để thấy người cho, vật cho, và kẻ được cho , với một tâm bình đẳng không chấp trước. Và để gạn lọc những cấu nhiễm, họ giáo hóa người khác mà không vướng mắc nơi hình tướng. Hành được như vậy, họ vừa làm lợi ìch cho tha nhân, mà còn trang nghiêm đạo Bồ đề. Ngoài hạnh bố thí, còn có năm hạnh ba la mật khác để diệt trừ vọng tưởng (trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Tuy có đầy đủ sáu hạnh ba la mật này, người ấy hành mà lại là không hành gì cả, như thế mới thực gọi là xứng pháp hạnh. 



Huyết mạch luận
Những gì khởi lên trong ba cõi tam đồ này đều từ do tâm mà ra. Vì vậy những vị Phật đời trước và đời sau này đều lấy tâm để truyền tâm, mà không dùng đến ngôn từ để diễn giảng.
Nhưng nếu không dùng ngôn từ, làm sao biết được tâm là gì?
Ngươi hỏi, đó là tâm của ngươi. Ta trả lời, đó là tâm của ta. Nếu ta không có tâm, làm sao trả lời được? Nếu ngươi không có tâm, làm sao hỏi được? Cái gì làm cho ngươi hỏi đó là tâm. Qua vô lượng a tăng tì kiếp từ vô thủy đến nay, bất cứ ngươi làm gì, bất cứ ngươi ở đâu, cũng là do cái gốc tâm của ngươi (bản tâm), do gốc phật trong ngươi (bản phật). Tâm này tức là Phật vậy. Ngoài tâm này sẽ không thể tìm thấy Phật được. Ði tìm sự giác ngộ hay Niết bàn ở ngoài tâm là chuyện không thể có được. Cái sự hiện hữu của tự tánh chân thật, không nhân, không quả, đó là ý nghĩa của tâm vậy. Tâm là Niết bàn. Nếu ngươi nghĩ rằng có thể lìa tâm mà giác ngộ hay chứng được Phật ở ngoài, thì không làm gì có điều đó được.
Cố công đi tìm Phật hay sự giác ngộ ở ngoài tâm cũng giống như muốn nắm giữ lấy không gian vậy. Không gian có tên nhưng không có tướng-- không thể bắt lấy hay buông ra được -- không phải là một cái gì có thể nắm giữ được. Cũng vậy lìa tâm sẽ không thể thấy được Phật. Phật là do tâm tạo thành. Sao lìa tâm mà đi tìm Phật được?
Phật trong quá khứ và tương lai đều chỉ nói về tâm. Tâm là phật, và phật là tâm. Ngoài tâm không có phật, ngoài phật không có tâm. Nếu nói rằng phật ở ngoài tâm, vậy phật ở đâu? Nếu đã không có phật ngoài tâm, sao lại còn phải vọng tưởng đến phật nào? Chừng nào ngươi còn bị lôi cuốn bởi những giả tướng ,còn bưng bít u mê thì còn chưa được giải thoát. Phật không có lầm lỗi, Nhưng chúng sanh lại si mê không biết đến phật ngay ở tâm mình. Nếu không họ đã chẳng đi tìm phật ở ngoài tâm.
Phật không cứu độ cho Phật. Nếu dùng tâm để đi tìm phật, ngươi sẽ không thấy được phật. Chừng nào ngươi còn đi tìm phật ở một nơi chốn nào ngoài tâm, ngươi sẽ chẳng thấy được phật chính là tâm. Ðừng lấy phật để cầu phật. Và cũng đừng lấy phật để niệm phật. Phật không tụng kinh -- phật không giữ giới -- và phật không phá giới. Phật không giữ, cũng không phạm -- không làm thiện, cũng không làm ác.
Muốn tìm Phật, phải thấy tánh của mình. Kiến tánh tức là phật. Nếu không thấy tánh, dù có tụng kinh, niệm phật, trì giới, cúng dường, tất cả cũng đều vô ích. Niệm phật sẽ được quả lành, tụng kinh được trí tuệ, trì giới được tái sinh lên cõi an lành, và cúng dường sẽ được nhiều phước báu.. nhưng không đạt được quả phật.
Nếu tự mình không thấu hiểu được, phải tìm thiện tri thức để được khai ngộ cho biết căn nguyên của sự sinh tử. Nhưng chỉ người nào đã kiến tánh mới có thể gọi là thiện tri thức được. Nếu không, dù cho có thuộc cả 12 bộ kinh, họ cũng chưa thoát được sinh tử luân hồi. Họ vẫn phải chịu đau khổ trong ba cõi tam đồ mà không có hi vọng gì được giải thoát.
Xưa kia, có thầy Thiện Tinh thuộc lầu cả 12 bộ kinh, nhưng vì không thấy được tánh nên ông vẫn không thoát được luân hồi sinh tử. Thiện Tinh thời xưa đã như vậy, huống gì người đời nay chỉ thuộc được vài ba bộ kinh đã cho là mình thông hiểu phật pháp thì thật là ngu muội. Không thấy tánh, có tụng bao nhiêu kinh cũng là vô ích.
Muốn tìm phật chỉ cần thấy được Tánh của mình. Tánh tức là Phật. Phật là người tự tại, vô sự, vô tác. Nếu không thấy tánh nơi mình mà cứ mải mông lung tìm kiếm ở ngoài, sẽ chẳng bao giờ thấy được phật. Sự thực là, không có cái gì để tìm kiếm cả. Nhưng muốn hiểu được điều đó cần phải có thầy khai thị cho và tự mình phải nỗ lực công phu để đạt lý. Chuyện sinh tử là quan trọng. Ðừng sống cuộc đời đau khổ một cách vô ích. Nhắm mắt tự phỉnh gạt mình không có lợi gì. Ví như có cả một núi vàng ngọc châu báu và kẻ hầu người hạ nhiều như cát sông Hằng, thì cũng phải mở mắt ra mới thấy được. Còn nếu nhắm mắt lại thì có thấy gì đâu? Bởi vậy, phải biết là những gì hiện ra trước mắt chỉ là mộng ảo.
Nếu không sớm tìm thầy học đạo, ngươi sẽ sống đời sống này một cách uổng phí vô ích. Con người ta thật sự là có sẵn phật tính, nhưng nếu không có thầy khai thị cho sẽ chẳng bao giờ biết được điều đó. Trong cả triệu người đã giác ngộ, họa may chỉ có được một người là không nhờ đến thầy.
Nếu vì những cơ duyên nào sẵn có mà có người thông hiểu được ý Phật, người ấy sẽ không cần có thầy. Họ đã có một trí tuệ tự nhiên vượt lên trên cả những giáo lý kinh điển. Còn nếu không có phước được như vậy , phải nỗ lực tu tập, và nhờ phương tiện giáo hóa để được khai ngộ.
Có những kẻ không hiểu biết gì, không học hỏi lại tưởng mình tinh thông, thật chẳng khác đám người u mê không biết phân biệt đen trắng là gì. Ðem Phật pháp ra diễn giảng càn, họ làm như vậy là phỉ báng Ðức Phật và làm ô danh đạo pháp. Những người ấy nói pháp như mưa. Nhưng những lời họ nói là lời nói của ma, không phải của Phật. Thầy của họ là Ma vương, đệ tử của họ là ma dân. Những kẻ si mê đi tin theo những lời giảng như vậy sẽ chỉ chìm đắm sâu hơn vào biển sinh tử luân hồi.
Trừ khi họ thấy Tánh của mình, làm sao những người đó tự gọi mình là Phật (là giác) được? Họ là những kẻ láo lếu lường gạt người khác đi vào con đường mê của ma giới. Nếu không thấy được tự tánh, có giảng cả 12 bộ kinh cũng vẫn chỉ là những lời nói của ma. Họ là tay sai của Ma vương, không phải là đệ tử của Phật. Không biết phân biệt trắng đen, làm sao họ có thể thoát vòng sinh tử được?
Người nào thấy được Tánh tức là phật; không thấy được Tánh là chúng sanh. Nhưng nếu cho là tánh phật xa cách hẳn với tánh chúng sanh, vậy thì nó ỏ đâu? Tánh chúng sanh của chúng ta chính là tánh phật. Lìa tánh này ra không thể có phật được. Phật tức là tánh. Không có phật nào ở ngoài tánh, Và không có tánh nào ở ngoài phật.
Nhưng nếu không thấy tánh, có thể nào đắc đạo bằng cách tụng kinh, niêm phật, cúng dường, tinh tấn, trì giới, hay làm việc phước thiện được không?
Không thể được.
Vì sao?
Vì nếu có đắc được gì thì đó cũng chỉ là pháp hữu vi, còn thọ báo, nhân quả, còn ở trong vòng luân hồi; chừng nào còn phải chịu sự chi phối của sinh và tử, thì sẽ không thể thành phật được. Trừ khi ngộ được tự tánh, có nói gì về nhân quả cũng chỉ là những pháp ngoại đạo (hướng ra ngoài tìm đạo). Phật không tập những pháp ngoại đạo. Phật là người không còn nghiệp, không còn nhân quả. Nếu nói là người ấy đã đắc thành cái gì thì cũng như là đã phỉ báng phật. Có cái gì để đắc thành ? Phật không nhắm vào sở đắc nào của một tâm, một quyền năng, một lý giải , hay một tri kiến. Phật không có đối đãi. Bản chất của tâm phật vốn là không, không nhơ cũng không sạch. Phật không tu cũng không chứng. Phật không nhân cũng không quả.
Phật không giữ giới. Không làm thiện hay làm ác. Phật không siêng năng cũng không biếng nhác. Phật là người vô tác, không làm gì kể cả hướng tâm về nơi phật. Phật chẳng phải là phật. Ðừng nghĩ gì về phật . Nếu ngươi không hiểu được ý này, người sẽ không thể biết rõ được tâm mình.
Có những người không thấy tánh mà tưởng rằng mình có thể đạt được sự vô tác trong mọi lúc có tâm niệm rỗng không là những kẻ nói láo và ngông cuồng. Họ rơi vào trong vô ký. Như người say rượu, họ không biết được đâu là tốt đâu là xấu. Muốn vô tác, trước hết phải thấy tánh rồi sẽ dứt được mọi suy luận. Không thấy tánh, không thể nào thành phật đạo . Có những kẻ bác bỏ nhân quả, gây đủ mọi tội ác. Họ lý luận rằng tất cả vốn là không nên có làm điều ác cũng không có gì xấu. Những người như vậy sẽ phải đọa vào địa ngục tối tăm vô tận, không thể thoát ra được. Người có trí tuệ không có kiến giải như vậy.
Nhưng nếu những động tác, hành động trong mọi lúc đều là do bản tâm, sao tôi không thấy được bản tâm khi sắc thân này không còn nữa?
Bản tâm luôn luôn hiện tiền. Người không thấy đó thôi.
Nhưng nếu tâm hiện tiền, sao tôi không thấy được?
Ngươi có nằm mơ không?
Dĩ nhiên là có.
Khi ngươi nằm mơ, người trong mộng đó có phải là ngươi không?
Có, thật là tôi.
Và những gì ngươi làm và nói trong đó có khác với ngươi không?
Không khác.
Nếu không khác thì cái thân ấy chính là thể tánh chân thật, tức là pháp thân của ngươi. Và pháp thân ấy chính là bản tâm của ngươi. Tâm ấy, từ vô thủy, qua bao vô số kiếp vẫn không hề thay đổi. Nó không có sống chết, không sinh không tử, không thêm cũng không bớt. Nó không sạch cũng không nhơ, không có thiện ác, không có quá khứ hay tương lai. Nó không phải cũng không trái, không nam cũng không nữ, không hiện tướng tu sĩ hay cư sĩ, già hay trẻ, thánh hay phàm, phật hay chúng sanh. Nó không cần phải làm gì để chứng ngộ và nó không mang nghiệp quả. Nó không có sức lực hay tướng mạo. Nó giống như hư không, không giữ lấy được cũng không thể bỏ đi được, núi, sông, tường đá không ngăn trở được; năng lực thần thông tự tại của nó có thể xuyên qua núi ngũ uẩn, vượt khỏi giòng sông của tử sanh. Pháp thân này không ở trong vòng kiềm tỏa của nghiệp quả. Nhưng tâm này thật là vi diệu khó thấy được. Nó không giống như cái sắc tâm bình thường. Ai cũng muốn thấy được tâm này, và con người từ trong ánh sáng quang minh của tâm ấy mà hành động, vận chuyển chân tay, sự ứng dụng nhiều như Hằng hà sa số, nhưng khi hỏi tới thì không ai biết được. Thật chẳng khác gì như những hình nhân, thường thọ dụng tâm mình mà không hề thấy biết nó.
Ðức Phật nói chúng sanh si mê nên tạo nghiệp mà rơi vào trong giòng sông sinh tử vô tận. Và khi họ muốn thoát ra, họ lại chìm đắm sâu hơn. Ðó là bởi vì họ không thấy được tánh của mình. Nếu không mê, sao lại đi hỏi chuyện ở ngay trước mắt mình? Chân bước, tay cử động mà không hiểu vì đâu. Chúng sanh si mê không tự biết mình. Nhưng Phật thì không sai lầm. Chỉ có Phật, và không ai khác mới có thể thấu hiểu được một điều sâu xa khôn lường như vậy. Chỉ có thánh nhân mới biết được tâm này, còn gọi là tâm pháp tánh, tâm giải thoát. Không có sự sống nào, sự chết nào có thể giới hạn được tâm này. Không một cái gì có thể giới hạn nó được, cho nên mới gọi là Tự tại vương Như lai, là Bất tư nghì, là Thánh thể, là Trường sanh Bất tử, là Ðại tiên. Nhiều tên gọi khác nhau nhưng bản chất chỉ là một. Phật và thánh nhân cũng có nhiều loại, nhưng tất cả đều không ai xa rời tự tâm.
Khả năng của tâm là vô hạn, và sự ứng dụng của tâm là không cùng. Mắt trông thấy hình tướng, tai nghe tiếng động, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm các vị, mọi động tác hay trạng thái đều từ tâm mà ứng dụng vào. Và khi tới chỗ không còn lời gì để nói, bất cứ lúc nào, thì đó chính là tự tâm hiển hiện vậy.
Kinh nói: "Sắc tướng như lai là không cùng. Tánh giác như lai cũng như vậy." Sự biến hóa của mọi sắc tướng là do tự tâm mà ra. Cái khả năng của tâm thức phân biệt được mọi vật, trong bất kỳ mọi hình thái hay mọi động tác nào, là cái tánh giác của tâm. Nhưng tâm không có hình tướng và tánh giác của nó là không cùng. Vì thế mới nói là: "Sắc tướng như lai là không cùng. Tánh giác như lai cũng như vậy."
Sắc thân tứ đại là phiền não. Xác thân vật chất là có sanh tử. Nhưng pháp thân của chúng ta là luôn luôn thường trú, mà không trú ở đâu cả, vì pháp thân như lai không bao giờ thay đổi. Kinh nói rằng: "Chúng sanh phải nhận ra rằng phật tánh luôn luôn có sẵn nơi họ." Nhưng chỉ có Ka diếp mới ngộ được điều đó.
Bản tánh tức là tâm. Và tâm tức là tánh. Tánh này cũng giống như tâm của chư phật. Ngoài tâm này không thể ngộ được phật. Nhưng chúng sanh điên đảo lại không biết tự tâm mình là phật. Họ cứ mải tìm kiếm bên ngoài, không ngừng khấn cầu, lễ lậy phật, phật tại nơi đâu? Ðừng nên có cái kiến chấp như vậy. Chỉ cần biết được tự tâm của mình. Ngoài tự tâm ra, quyết không có phật nào khác. Kinh nói rằng: " Phàm cái gì có hình tướng cũng đều là hư vọng." Lại nói rằng, "Ta ở đâu tức là phật có ở đó." Tâm ta chính là phật. Ðừng đem phật mà lễ lậy phật.
Ngay cả khi nào có một vị phật hay bồ tát hiện tướng ngay trước mặt, cũng không nên kính cẩn lễ lậy. Tâm ta vốn rỗng không, không hề có hình tướng như vậy. Người nào chấp vào những hình tướng như vậy là đi vào con đường của tà ma. Sao lại đi lễ lậy những ảo tưởng do chính tâm mình dấy khởi lên? Lễ lậy như vậy tức là không biết, mà biết thì không lễ lậy. Càu khẩn lễ lậy là đã bị ma lực chi phối. Sợ ngươi không biết đến điều đó nên ta phải chỉ rõ ra nơi đây. Cái bản tánh như lai không có hình tướng như vậy. Hãy ghi nhớ điều đó, để khi thấy tướng lạ không bị mắc vào đó mà kính nể, sợ sệt, phải tin tưởng không nghi ngờ rằng tâm mình vốn tự là thanh tịnh, làm sao có thể có những sắc tướng như vậy được? Cho dù có sự hiển hiện của những loài thiên long, dạ xoa, quỷ thần, đế thích, phạm vương, cũng không nên mang một ý tưởng kính trọng hay sợ hãi nào trong tâm. Tâm ta vốn tự nó là không lặng. Mọi hình tướng đều là hư vọng. Ðừng chấp thủ vào hình tướng.
Nếu có khởi lên những vọng cầu được thấy phật, thấy pháp, thấy bồ tát mà đem lòng kính trọng đối với họ, thì đó là đã đặt mình vào cõi giới của chúng sanh. Còn nếu muốn ngộ được đạo , thì đừng chấp thủ vào bất cứ một hiện tướng nào. Ta không còn lời khuyên nào khác. Kinh nói rằng: "Mọi hiện tướng đều là hư vọng. Chúng không có hiện hữu lâu dài, không có thực thể nhất định, và chúng là vô thường. Ðừng chấp vào hình tướng thì sẽ hiểu được ý phật." Kinh lại nói rằng: "Lìa tất cả mọi tướng ấy là phật."
Nhưng tại sao chúng ta lại không nên lễ lạ
y chư phật và bồ tát?
Các loài thiên ma ba tuần, loài a tu la có năng lực thần thông, có thể biến hóa ra đủ loại tướng bồ tát. Nhưng tất cả đều là giả, không có phật ở trong đó. Phật chính là tâm mình. Ðừng lễ lạy vào nơi sai lạc.Phật là tiếng phạn, có nghĩa là tánh giác, là linh giác. Những tiếp xúc, cảm nhận, nhướng mày, chớp mắt, cử động chân tay, thẩy đều do linh giác ứng vào. Và tánh tức là tâm. Tâm tức là phật. Phật tức là Ðạo. Ðạo tức là Thiền. Nhưng nói đến chữ Thiền, cả thánh lẫn phàm nhân cũng đều khó suy lường được. Thấy tánh tức là thiền. Không thấy tánh, tức không phải thiền.
Dù cho có tài biện luận, thuyết giảng cả ngàn bộ kinh, mà không thấy được tánh cũng chỉ là những lời giảng của một phàm nhân, không phải của phật. Ðạo cả thâm sâu, không thể dùng ngôn từ để diễn đạt. Giáo lý kinh điển dựa vào đâu để nói? Nhưng nếu có người kiến tánh thấy được Ðạo, dù cho họ có không biết đọc chữ nào, cũng vẫn là phật. Thân phật vốn sẵn thanh tịnh, không dính nhiễm, và từ tâm ấy mà khởi dụng ra những ngôn từ. Nhưng ngôn từ là bất cập, không thể nào nói lên được tánh không vốn sẵn có , nên làm sao có thể đắc được phật ở nơi 12 bộ kinh kia?

Phật đạo tự nó viên thành, không cần phải tu phải chứng đắc. Ðạo không có thanh không có sắc, vi diệu khó thấy biết được. Cũng giống như khi uống nước, nước nóng hay lạnh như thế nào, ta chỉ biết được mà đâu thể diễn tả cho người khác cái nóng lạnh ấy. Ðiều Như lai biết, không trời hay người nào có thể biết được. Cái hiểu biết của phàm nhân là bất cập, nên mới chấp vào những hình tướng, họ không biết rằng tâm vốn tự nó là không lặng. Và vì những chấp mê theo hình tướng mà họ đi ra ngoài con đường Ðạo.
Nên biết rằng mọi pháp đều do tâm mà ra, vậy hãy đừng có chấp trước. Chấp trước thì không còn thấy biết được. Nhưng khi đã thấy được tánh, kinh điển giáo lý cũng chỉ là chữ nghĩa suông mà thôi. Cả ngàn vạn kinh luận là để cho người được sáng tâm. Nhưng nếu chưa nói dứt lời đã hiểu rồi, giáo lý còn dùng đến để làm gì?
Chân lý tuyệt đỉnh không thể dùng lời nói mà giảng được. Giáo lý chỉ là lời nói, không phải là Ðạo. Ðạo vốn không lời. Lời nói chỉ là vọng, là hư ảo. Chúng không khác gì những hình ảnh hiện ra trong giấc ngủ về đêm, nào cung điện xe pháo, công viên núi rừng, nào những nhà mát bên hồ.. Ðừng bị hấp dẫn bởi những điều đó. Chúng chỉ là cái nôi cho sinh tử luân hồi. Hãy nhớ kỹ điều này để khi lâm chung, đừng mắc vào những hiện tướng thì sẽ được giải thoát. Chỉ cần một giây phút lưỡng lự cũng đủ để bị ma lôi cuốn đi. Thể tánh chân thật của ta là thanh tịnh và không dính nhiễm. Nhưng bởi vì si mê nên chúng sanh không biết đến nó, và cứ trầm luân mãi trong nghiệp thọ báo vô tận. Một khi có hỷ lạc là cũng có những hệ lụy. Nhưng khi đã thức tỉnh mà ngộ được gốc tâm, gốc thân của mình thì sẽ được tự tại an nhiên.

Chúng sanh là người bỏ thánh theo phàm. Thánh nhân là người tự do không vướng mắc trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch, có năng lực tự tại không bị nghiệp quả vây hãm, và dù cho có nghiệp nào đi nữa họ cũng có thể chuyển được nghiệp. Ðối với họ, thiên đường hay địa ngục cũng không nghĩa lý gì. Phàm nhân thần trí mê mờ, không sánh được với trí tuệ của thánh nhân thường sáng tỏ thấu suốt trong ngoài.
Nếu (sau khi chết) chưa chắc chắn điều gì, không nên làm gì cả. Vì làm rồi thì sẽ rơi vào sanh tử và cứ luẩn quẩn loanh quanh trong đó, sau này có hối tiếc cũng không kịp. Cũng bởi thần thức theo vọng tưởng sai lầm mà sanh nơi nghèo hèn khốn khổ. Muốn hiểu được tâm này phải khuyên nhau mà tập "vô tác nhi tác", tức là không làm mà làm (không làm với tâm vọng tưởng, nhưng vẫn làm những việc cần làm), như vậy sẽ có thể ngộ được cái thấy biết của phật (ngộ tri kiến phật).
Trong những bước đầu vào đạo, thần trí còn chưa được an định, có thể thấy những cảnh lạ kỳ hiện ra như ở trong mơ. Phải biết rằng những cảnh ấy đều do tự tâm dấy khởi lên chứ không đâu khác.
Nếu ở trong giấc mộng có thấy ánh sáng quang minh hơn cả mặt trời , thì đó là những tập khí đã đến lúc hóa giải. Nhưng điều ấy chỉ có đương sự mới biết được, không thể diễn giải lại cho người khác. 

Hoặc giả, đang khi đi, đứng, nằm, ngồi trong rừng cây, bỗng thấy có ánh sáng chói hoặc mờ, đừng nói cho người khác biết và cũng đừng chú mục vào đó. Ðó chính là ánh sánh của tự tánh phát ra.
Hoặc giả, đang khi đi, đứng, nằm, ngồi trong đêm thâu tĩnh mịch, mọi thứ tự nhiên sáng chưng như ban ngày, đừng có sợ hãi. Ðó chính là tự tâm đang hiển lộ.
Hoặc giả, trong giấc mộng ban đêm, bỗng thấy trăng sao sáng tỏ phân minh, có nghĩa là tâm đã tuyệt dứt vọng cầu. Nhưng đừng nói cho ai biết. Và nếu giấc mộng lộn xộn không rõ ràng, như người đang đi trong đêm tối, đó là bởi vì tâm còn đang nhiều chướng ngại. Ðiều này cũng chỉ có người ấy mới biết được.
Nếu đã thấy được tánh, không cần phải tụng kinh niệm phật. Biết nhiều, học rộng không ích gì mà còn làm cản trở thêm cho sự giác ngộ. Giáo lý là phương tiện để làm cho sáng tâm. Tâm đã sáng tỏ rồi, cần gì phải chấp vào giáo lý nữa?

Muốn chuyển từ phàm qua thánh, phải dứt hết các nghiệp, dưỡng tâm nuôi thần, và chấp nhận mọi việc đến trong đời mình. Nếu tính hay nóng giận, thì đó là làm cho con người của mình đi theo hướng nghịch lại với đạo. Sống u mê không có ích lợi gì. Thánh nhân ra vào sinh tử tự tại, đi và đến tuỳ ý không cần phải định trước. Họ không bị nghiệp quả trói buộc, họ khuất phục được tà ma.

Chúng sanh khi thấy được tánh rồi, mọi tập khí xưa nay đều tiêu trừ, thần trí không còn mê muội, và sự nhận thức ấy phải đến ngay tức khắc, và ngay lúc đó. Nếu thực muốn tìm Ðạo, đừng chấp thủ vào một pháp nào hết. Một khi đã dứt được nghiệp và nuôi dưỡng thần thức của mình, những tập khí cũng tan biến và sự hiểu biết sáng suốt sẽ đến tự nhiên. Không cần phải dụng công hay nỗ lực. Nhưng những kẻ tu theo ngoại đạo không hiểu được ý phật, họ dụng công tối đa, càng cố gắng nhiều lại càng đi xa ý nghĩa của lẽ đạo. Suốt ngày họ chỉ lo tụng kinh niệm phật, không biết gì đến tánh giác hằng có nơi mình, và như thế họ không sao thoát khỏi vòng quay của bánh xe luân hồi.

Phật là người an nhàn . Phật không cần phải chạy quanh để cầu danh cầu lợi, vì nhiên hậu những thứ đó có ích gì đâu? Người không thấy tánh chỉ lo tụng kinh, niệm phật, tu học tinh chuyên, đêm ngày hành đạo, không dám nằm xuống nghỉ ngơi, cố công học cho rộng, nghe cho nhiều, tưởng đó là pháp phật. Nhưng thực sự ra là họ đã phỉ báng pháp phật. Các vị phật đời trước và đời sau đều chỉ nói đến kiến tánh. Tất cả mọi pháp hành đạo đều là vô thường. Trừ khi thấy được tánh, kẻ nào tuyên bố đã đạt được chánh đẳng chánh giác chỉ là kẻ dối gạt.
Trong 10 đại đệ tử của Ðức Phật Thích Ca, có ngài A-nan là con người uyên bác nhất, nhưng lại không thấy được phật tánh nơi mình, chỉ có lo học nhiều, nhớ nhiều. Hàng nhị thừa thanh văn, duyên giác, ngoại đạo không biết đến phật, chỉ lo tu để chứng đắc, nên họ bị vướng vào nhân quả, chịu nghiệp báo chúng sanh, không thoát được vòng sinh tử. Như vậy là họ đã đi nghịch lại ý Phật, có khác gì phỉ báng Phật. Kinh nói rằng: " Người xiển đề (kẻ vô đạo) không có lương tâm, không có lòng tin, có giết họ cũng không đắc tội; còn người có phát tâm tức là đã ở trong địa vị Phật."
(Xiển đề (Icchantikas), chỉ cho hạng người chỉ biết thỏa mãn chính mình, không có niềm tin đạo lý nào nơi họ. Họ phạm giới mà không biết ăn năn hối hận. Theo bản chữ Hán xưa kia của kinh Niết bàn, hạng người này không có phật tánh, và giới luật chỉ ngăn cấm giết hại chúng sanh có tánh phật, nên giết hại xiển đề, trên lý thuyết, là không đắc tội. Nhưng sau này kinh Niết bàn được hiệu đính lại đã sửa lại ý trên, cho rằng xiển đề cũng có phật tánh.)
Chưa kiến tánh được, không nên đi chỉ trích những cái tốt của người khác. Sống mê muội nào có ích gì. Thiện ác là tự nhiên thấy rõ, nhân quả là phân minh, thiên đường địa ngục là ngay trước mắt. Nhưng kẻ ngu si không có lòng tin tưởng nơi đâu, rơi ngay vào địa ngục đen tối mà không hay biết. Ðó là bởi vì nghiệp chướng của họ quá nặng nề, nên họ như người bị mù mắt, không thể tin là có ánh sáng. Dù cho có giải thích đến mấy họ cũng vẫn không tin, bởi vì họ có thấy gì đâu. Làm sao họ có thể nhận biết được ánh sáng mặt trời?
Cũng giống như những kẻ ngu si đã bị đọa làm súc sinh đủ loại, hay làm người sống đời cùng khổ, ti tiện bị khinh khi; họ sống không xong, chết cũng chẳng được. Nhưng dù khốn khổ như vậy, nếu hỏi đến là họ vẫn vui vẻ yêu đời như là đang ở trên thiên đường vậy. Thế mới biết, chúng sanh là si mê, dù họ có ở hoàn cảnh tốt xấu gì cũng vậy. Bởi vì nghiệp chướng của họ quá nặng nề nên không phát tâm tín ngưỡng được và không thể được giải thoát.
Người thấy được tánh tức là phật, đâu cần phải cạo đầu. Hàng cư sĩ tại gia cũng là phật. Nếu không thấy tánh, kẻ cạo đầu cũng chỉ là người ngoại đạo...


Trích: Đạt Ma Quán Tâm Luận