Bất lập văn tự

Bất lập văn tự ở đây chẳng có nghĩa là hoàn toàn không dụng đến ngôn từ , chữ nghĩa như nhiều người thường nhận lầm, hiểu lầm qua cách định nghĩa từng lời, từng chữ một cách máy móc và giản đơn. Phải hiểu cách rốt ráo, rằng Tông chỉ của Ngài Bồ-đề Đạt-ma không ràng buộc vào ngôn ngữ, chữ nghĩa hay triệt để y cứ vào kinh điển theo thứ lớp mà truyền pháp, tức cũng có nghĩa Tông môn này không ra ngoài chánh pháp
mà hơn hai ngàn rưỡi năm trước đức Phật đã truyền cho Sơ tổ Ấn độ Ma-ha Ca-Diếp, ngay giữa hội Linh sơn khi Phật đưa tay có cầm nhành sen vàng giơ lên trước đại chúng, mà tất cả đều ngơ ngác, duy chỉ có Ngài Ma-ha Ca-diếp đã nhìn Phật mỉm cười lãnh thọ Tâm pháp, cũng là pháp thượng thừa tối vi diệu "Không pháp" từ đức Phật. Phật đã ấn chứng việc truyền thừa Tâm pháp cho Tổ Ca-diếp qua lời tuyên bố trước đại chúng: ‘ Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, Pháp môn vi diệu, nay trao lại cho Ma-ha Ca-diếp.’
Và sau đó chính bài kệ truyền tâm ấn của Phật cho vị Tổ đầu tiên của pháp môn này (Ma-ha Ca-diếp) đã nói lên tất cả ý nghĩa của nó :

Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.

Dịch :
Pháp gốc pháp không pháp
Pháp không pháp cũng pháp
Nay hồi trao không pháp
Các pháp đâu từng pháp.

Qua sự việc Thế tôn tay đưa nhành sen trước đại chúng (thầm trao Tâm pháp), chúng ta nào thấy Phật có thuyết pháp gì ở đây đâu, thế mà ngài Ma-ha Ca-diếp ngay đây trực nhận yếu chỉ.

Bỡi đây là Tâm pháp, một pháp môn tối vi diệu của Phật giáo mà Phật cũng như chư Tổ sau nầy thường gọi là Tối thượng thừa pháp, dành để chỉ dạy cho những người căn trí cao, phước sâu dày, và có duyên với Phật thừa vậy. Há chẳng phải như thế sao, khi mà cả đại chúng trong hội Linh sơn đều mờ mịt, duy chỉ có mỗi một đệ tử tối ưu của Phật, đệ nhất đầu đà Ma-ha Ca-diếp mới lãnh hội được yếu chỉ của pháp mônnầy mà thôi.
Tâm pháp hay Không pháp, cũng còn gọi là Thiền tông, từ sau Phật, tại chính đất Phật, đã được Tổ-Tổ trao truyền không gián đoạn, mãi đến Tổ thứ hai mươi tám của Ấn độ, ngài Bồ-đề Đạt-ma, và Ngài cũng chính là Sơ tổ của Thiền tông Trung hoa vậy.
Với Tâm pháp, không dùng chữ nghĩa, ngôn từ chẳng có nghĩa là không dùng gì cả mà có thể truyền phápđược, mà chữ nghĩa, ngôn từ hay hành động của các Thiền sư vượt thoát khỏi tri kiến nhị nguyên, không dính dấp, ràng buộc với kinh điển, hoặc liên hệ trực tiếp với sự việc đang được người đối diện đề cập đến theo vọng tâm phân biệt của họ, hay nói chính xác, lối dùng ngôn từ hay hành động có tính cách khai thị của chư Tổ thiền tông tuông ra từ cảnh giới tự chứng giải thoát, vượt quá giới hạn của thế trí để ngay đó phương tiện mở lối (khai thị) giúp người đối diện bất giác ngoảnh đầu, chỉ sátnna toàn bộ trí hiểu biết của tâm phân biệt cố hữu bị xóa sạch, như "mây đen qua trăng lộ sáng", đưa người đối diện trực diện Trung đạo, nhận rõ tự tánh (ngộ) để từ đây sống chơn thật với chính mình, cũng là sống đồng bổn lai tự tánh, cũng là Phật tánh (nhập) của mỗi người mà tu hành để tự giải thoát. Đến chỗ nầy, nói tu hành mà trong đây thật chẳng có gì gọi là tu nếu đã tự sống chân thật với chính nó, với tự thể tánh trọn thanh-tịnh, thì không còn đối đãi. Đến chỗ này ngôn ngữ chẳng thể với tới, mà chỉ có thân chứng mới tự tri, như chư Tổ thường nói, uống nước nóng lạnh tự biết vậy.
Nếu diễn-tả được trạng thái tâm thể này qua ngôn từ , chữ nghĩa thì Bồ-Đề Đạt-Ma đã có đề cập đến chữ Vô Tâm mà ý nghĩa là chỉ thể tánh Không -Vô tướng -Vô tác , Lục tổ Huệ Năng khi dùng pháp dạy người thì dụng chữ Không tướng - Vô Niệm - Vô truï , gần đây nhất thì Sư Đại Lãn thể hiện nó qua tự thể và diệu dụng của tánh bằng ba cụm từ Không tịch - Đương Niệm - Vô phân biệt , gồm lại thì một trong ba, phân ra thì ba trong một, nhưng nói cho rốt ráo vẫn chỉ một, chỉ tùy ở chỗ động-dụng của thể-tánh mà nói ba. Tuy-nhiên, dù dụng trăm lời ngàn chữ có lẽ cũng không thật rõ-ràng bằng câu thốt trực ngộ của Lục TổHuệ-Năng khi được Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn giảng Kim-Cang Kinh, đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" Ngài đã bất giác thốt lên :

" Hà kỳ Tự tánh bổn tự thanh-tịnh,
" Hà kỳ Tự tánh bổn bất sanh diệt,
" Hà kỳ Tự tánh bổn tự cụ túc,
" Hà kỳ Tự tánh bổn vô động diêu,
" Hà kỳ Tự tánh năng sanh vạn pháp."

Dịch:

Không dè Tự tánh vốn tự thanh-tịnh,
Không dè Tư tánh vốn chẳng sanh diệt,
Không dè Tự tánh vốn tự tròn đầy,
Không dè Tự tánh vốn không lay động,
Không dè Tự tánh năng sanh các pháp.

Trong pháp dạy người, tùy căn cơ duyên nghiệp cao thấp, nặng nhẹ của từng người mà các vị Tổ thiền tông tự biết phải có những câu hỏi hoặc đáp khác nhau, hoặc có khi ngậm miệng chẳng nói năng, hoặc có lúc lại dùng hèo, dùng gậy, cú , đấm, vv… để khai thị kẻ đối diện hốt nhiên tỏ ngộ tự tánh.

Với lý đạo, tất cả các pháp đều như huyễn hoá. Ngôn từ, chữ nghĩa, dù là chữ nghĩa trong kinh điển đều cũng không ra ngoài tướng ảo hóa nầy. Mà đã là tướng ảo hóa thì làm sao có thể dùng nó để diễn tả, hay nói lên chỗ cùng tột chơn thật của đạo được. Phải là tự chính mình lìa được tất cả các tướng ảo hóa này mới mong lọt vào cửa đạo. Thế nên Sơ tổ Bồ-đề Đạt-ma khi nói "Bất lập văn tự" chẳng có nghĩa là hoàn toàn không dùng văn tự, mà có nghĩa là không dụng "Tướng" của văn tự, ngôn ngữ để truyền pháp vậy. Không dùng tướng văn tự, cũng có nghĩa là lìa văn tự, vượt thoát trên văn tự, không văn tự. Không văn tựở đây tức lìa các tướng, để ngay đó tự không gì vướng mắc, trói buộc, tức là giải thoát vậy. Đây chính là chỗ hàng hàng châu ngọc tuông ra từ cảnh giới giải thoát, nói thật nhiều mà thật chẳng có gì gọi là nói, cũng như cái im lặng vi diệu như sấm, như sét của Phật và chư Tổ, chẳng nói nhưng thật đã nói, đã chỉ quá rõ ràng, trọn vẹn, tất cả đều phơi bày trước mắt chúng ta. Ở chỗ này, trong Kim-cang kinh, Phật đã phơi bày tất cả ruột gan, tha thiết chỉ bảo, nói xa nói gần với các đệ tử của mình: muốn vào tri kiến Phậtphải nghe, phải thấy, phải hiểu "trên lời, vượt ý" khi Ngài nhắn nhủ : ‘ Suốt bốn mươi chín năm thuyết phápmà môi ta chưa hề động.’ Sự vi diệu và chân thật chính là chỗ này vậy.
Khi dạy người, ngôn từ hay hành động vượt thoát của các Ngài không ngoài mục đích trợ giúp phương tiện cho người đối diện lìa kiến chấp, tự xóa tan toàn bộ vô minh (mà con người tập nhiễm từ lâu đời lâu kiếp) mà họ đã tự nhận lầm vì chấp ngã qua cái biết của lục căn, lục thức. (Thật ra, cái biết đó chính là cái biết của vọng tưởng, của sanh tử nhưng cũng ít ai dám quay lưng lại với nó được, bỡi nặng chấp ngã) Một khi vô minh đã bị triệt tiêu, ngay đó nhận rõ thật tánh của các pháp , cũng là lúc tự mình khám phá được chính mình vậy.
Đối với Phật pháp, dù tu pháp môn nào đi nữa mà qua chữ nghĩa, ngôn từ thì chúng cũng chỉ là phương tiện dẫn dắt, dò dẫm, quan sát bên ngoài mà thôi, bỡi chúng (ngôn ngữ), thậm chí kể cả tri thức cũng đều là sản phẩm hư giả (hữu-tướng) của vọng tâm sanh diệt, nên chẳng thể thâm nhập, với tới được chỗ thật tướng mà không tướng, vô sở đắc của chơn tâm, cảnh giới của Thánh trí tự chứng, nhất như, phi sanh diệt.


Nhuận Bảo