Giai đoạn thứ hai được gọi là người trở lại một lần, tức là Tư đà hàm (nhất lai), giai đoạn thứ ba là người không trở lại, tức là Anahàm (bất lai), và giai đoạn thứ tư là Alahán. Người chiến thắng dòng chảy (Tu đà hoàn) buông bỏ ba trói buộc. Thứ nhất là bản ngã, cá nhân, ý niệm về cái ta tách biệt. Một cách tự nhiên đó là toàn bộ nguyên nhân gốc rễ của đấu tranh. Thứ hai, là sống rập khuôn theo nguyên tắc, lễ nghi; có biết bao nhiêu người tôn giáo nhưng họ chỉ sống theo nguyên tắc và lễ nghi. Họ không biết gì về tôn giáo cả. Lễ nghi không phải là tôn giáo, nguyên tắc không phải là tôn giáo.
Phật nói rằng có đôi điều mà người chiến thắng dòng chảy cần vứt bỏ. Một là bản ngã, hai là sống theo nguyên tắc và lễ nghi và ba là nghi ngại, do dự.
Tâm trí nghi ngại không thể thảnh thơi. Tâm trí nghi ngại không thể buông xuôi. Tâm trí nghi ngại không thể hiện hữu toàn bộ được: một phần cứ tranh đấu, một phần cứ nói không. Tâm trí nghi ngại không thể nói có tuyệt đối, mà đó là nền tảng của việc trở thành người chiến thắng dòng chảy - nói có với cuộc sống, nói có một cách vô điều kiện, nói có một cách đơn giản, bằng toàn thể bản thể bạn. Điều đó đủ là lời cầu nguyện. Nếu bạn có thể đơn giản ngồi im lặng và có thể nói có với sự tồn tại, thì cũng đủ - chẳng cần thêm gì nữa, không cần lễ nghi.
Ba điều này phải bị người chiến thắng dòng chảy (Tu đà hoàn) vứt bỏ. Thế thì giai đoạn thứ hai được gọi là người trở lại một lần (Tu đà hàm). Người trở lại một lần nghĩa là người sẽ chết và quay trở lại một lần nữa. Người này cần buông bỏ ham muốn, sắc dục và oán hận. Nhưng người này sẽ quay lại một lần nữa.
Giai đoạn thứ ba được gọi là người không trở lại (A na hàm), người sẽ không quay lại nữa. Người này cần phải buông bỏ lòng ham sống, ham muốn kiếp sống khác, khao khát được hiện hữu. Và giai đoạn thứ tư gọi là trạng thái của Alahán, người không có mặt (vắng bặt), người không là ai cả, người là hư không. Người đã trở thành phật.
Nếu bạn nói, "Tôi đã buông xuôi", thì bạn chẳng buông xuôi tí nào, vì làm sao bạn có thể buông xuôi được? Chính bạn phải bị buông xuôi. Cái ‘tôi’ phải bị buông xuôi. Bạn không thể nói, "Tôi đã buông xuôi". Nếu đấy là cái gì đó của việc bạn làm thế thì đấy không phải là buông xuôi.
Mọi người đến tôi và họ hỏi, "Làm sao chúng tôi có thể buông xuôi theo thầy được?" Và tôi nói, "Bạn không thể làm được điều đó. Bạn là chướng ngại cho việc buông xuôi. Bạn chỉ cần tránh sang một bên và việc buông xuôi có đấy."
Buông xuôi không phải là cái gì đó phải làm hay cái có thể được làm; nó không phải là việc làm. Buông xuôi là hiểu biết. Cái ‘tôi’ bao giờ cũng trong tâm trạng đấu tranh. Cái ‘tôi’ chưa bao giờ không tranh đấu: nó tồn tại qua đấu tranh, nó sống qua đấu tranh, nó phụ thuộc vào đấu tranh. Hoặc là bạn đấu tranh với người khác hoặc, nếu bạn thay đổi, thì bạn lại bắt đầu tranh đấu với chính mình. Đó là điều các tu sĩ vẫn thường làm trong các tu viện. Vì đã từ bỏ thế gian, họ không còn tranh đấu với ai nữa; bây giờ họ bắt đầu tranh đấu với bản thân mình.
Thân thể nói, "Tôi đói," còn họ nói, "Không." Bây giờ đây là đấu tranh. Bây giờ bản ngã đã nảy sinh theo cách mới. Bản ngã nói, "Trông đây, tôi kiểm soát thân thể giỏi làm sao! Tôi là chủ còn thân thể là nô lệ đấy." Mắt bạn mệt mỏi và chúng nói, "Buồn ngủ quá!", còn bạn nói, "Không, ta đã quyết định thức suốt cả đêm rồi. Đấy là việc thiền của ta. Ta đang thực hiện thiền đặc biệt. Ta không thể ngủ được." Và bạn cảm thấy dễ chịu. Bây giờ bạn đang đấu tranh.
Thân thể bạn muốn một chút tiện nghi, còn bạn thì ngủ trên tảng đá. Thân thể bạn muốn được một chút chỗ trú ngụ thì bạn lại cứ đứng ở ngoài trời nóng. Thân thể bạn muốn mặc quần áo ấm thì bạn lại cởi trần trong giá rét. Đây là những cách đấu tranh. Giờ đây bạn không còn đấu tranh với thế giới nữa cho nên bạn tự phân chia mình thành hai.
Bản ngã sống trong cọ xát; bất kì kiểu cọ xát nào cũng được. Chồng đánh vợ, vợ đánh chồng. Đây chẳng là gì khác hơn những cách nuôi dưỡng cho bản ngã. Bạn càng đánh nhau, bản ngã càng trở nên mạnh thêm và sức mạnh lớn nhất mà bản ngã nhận được là từ đấu tranh với chính bản thân bạn, vì đó là trận chiến gay go nhất. Giết ai đó khác là việc dễ dàng; còn tự giết mình dần dần, liên tục, kéo dài nhiều năm, là việc khó khăn, tự sát chậm chạp, và bản ngã cảm thấy rất thích. Đó là lí do tại cái gọi là những kẻ tu hành tôn giáo lại có bản ngã lớn thế; bạn sẽ không tìm được những bản ngã lớn như thế ở những người thường trong bãi chợ. Nếu bạn muốn thấy những bản ngã thực sự khổng lồ, nếu bạn muốn thấy họ thế nào, thì lên Himalayas và trong các hang động bạn sẽ thấy họ.
Người đã tự buông xuôi không thể tuyên bố rằng "tôi đã buông xuôi," người đó chỉ có thể nói buông xuôi đã xảy ra.
Vì bạn đã vứt bỏ cái ‘tôi’, đó là lí do tại sao bạn được gọi là người buông xuôi. Bạn không thể tuyên bố rằng "tôi đã buông xuôi." Nếu bạn tuyên bố, bạn làm lỡ toàn bộ vấn đề.
Người đó chẳng được cái gì như một vật cả. Trên thực tế, thay vì thu được cái gì đó thì người đó lại vứt bỏ luôn chính ý niệm đạt được. Đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy. Người đó đã vứt bỏ toàn bộ đấu tranh, toàn bộ cuộc chiến mà người đó đã theo đuổi từ vô số kiếp. Người đó đã vứt bỏ toàn bộ dự án, người đó không còn quan tâm đến nó nữa.
Người đó chẳng thể chỉ cho bạn thấy điều gì và nói, "Tôi đã được cái này! Thấy không! Đây là thắng lợi của tôi." Người đó không thể giới thiệu cái vương quốc mà người đó đã thu được. Người đó không đạt được bất kì cái gì thấy được. Trong thực tế, thay vì được bất kì cái gì thấy được, thì người đó đã vứt bỏ bản ngã của mình. Nhưng trong đó, việc mất đi bản ngã lại là một thắng lợi vĩ đại. Tuy nhiên, một thắng lợi như vậy không thể được công bố lên.
Trích từ "Kinh Kim cương"