TRẠNG THÁI CÓ MẶT SÂU SẮC Ở HIỆN TẠI

Ông đã đề cập nhiều đến trạng thái có mặt sâu sắc như là một chìa khóa. Tôi cho rằng tôi có thể hiểu được trên mặt trí năng nhưng không rõ là tôi đã từng kinh nghiệm được trạng thái ấy chưa. Liệu trạng thái ấy có như tôi nghĩ không hay nó chỉ là một cái gì hoàn toàn khác hẳn?
Điều đó không phải như bạn nghĩ đâu! Bạn không thể nào nghĩ gì về trạng thái có mặt sâu sắc, lý trí của bạn không thể hiểu được trạng thái đó. Để hiểu về sự hiện diện sâu sắc thì bạn phải “là” sự hiện diện đó.
Hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ. Bạn nhắm mắt lại và tự bảo mình “không biết ý tưởng sắp đến ở trong tôi sẽ là ý tuởng gì đây”. Xong bạn rất tỉnh táo và chờ đợi sự xuất hiện của ý tưởng đó. Hãy giống như một con mèo đang canh chừng một hang chuột. Ý tưởng nào của bạn sẽ xuất hiện từ hang chuột đây? Hãy làm thử đi.


-----

Sao rồi?
Tôi phải đợi một thời gian khá lâu mới thấy một ý tưởng xuất hiện.
Đúng vậy, chừng nào bạn có mặt thật sâu sắc, bạn sẽ không còn một chút suy nghĩ nào nữa. Bạn cảm thấy rất yên tĩnh, nhưng tỉnh táo cao độ. Khi sự chú tâm của bạn bị chùng xuống dưới một mức nào đó, thì ý tưởng mới bắt đầu có thể tràn vào. Tiếng ồn ào của những suy nghĩ miên man mới bắt đầu trở lại, sự tĩnh lặng sẽ biến mất.
Bạn lại trở về với thời gian – quá khứ và tương lai.
Để đo lường mức độ có mặt của đệ tử mình, một thiền sư thường từ từ im lặng tiến đến sau lưng một người học trò của mình, rồi bất thần đưa cây gậy lên quất. Thật là một sự bất ngờ! Nhưng nếu một thiền sinh đang hoàn toàn có mặt, và đang ở trong trạng thái tỉnh táo cao độ, như cách nói của Chúa Jesus “Hãy che chở từng thớ thịt ở trong mình và giữ cho ngọn đèn tiếp tục cháy”, khi đó hẳn họ sẽ nhận ra rằng thầy của mình đang từ phía sau tiến lại, và họ sẽ đưa tay ra ngăn chiếc gậy lại, hay tránh đi bằng cách bước sang một bên. Nếu bị thầy đánh, tức là thiền sinh đó đang bị chìm trong suy tưởng, chưa thực sự có mặt, tức là thiếu sự tỉnh thức.
Thực tập có mặt trong đời sống hàng ngày giúp bạn bồi đắp gốc rễ ở trong ta, nếu không thì những suy nghĩ miên man, với quán tính rất mạnh của nó, sẽ cuốn bạn đi như một dòng sông hoang dại.
Vậy “gốc rễ ở trong ta” là gì?
Là an trú, là sự có mặt hoàn toàn với thân thể của mình. Là luôn hướng sự chú tâm của mình vào trường năng lượng bên trong của cơ thể. Có thể nói: đó là cảm nhận cơ thể của bạn từ bên trong. Nhận thức về cơ thể giúp ta hiện diện. Nhận thức về cơ thể giúp ta cắm neo trong Giây Phút Hiện Tại.


--------Sự có mặt sâu sắc cũng giống như Hiện Hữu (1)?

Khi ta ý thức được Tâm thì lúc đó Tâm cũng tự nhận ra được chính Tâm. Khi Hiện Hữu nhận ra được chính nó thì đó cũng chính là sự có mặt, mà bạn cảm nhận được ở trong bạn. Như thế, các danh từ: Hiện Hữu, Tâm, nhận thức hay đời sống đều có cùng một nghĩa như nhau, ta có thể nói rằng sự có mặt là khi nhận thức trở thành tự nhận thức, hay đời sống đạt mức tự nhận thức được chính nó.
Tuy nhiên, xin đừng bám vào từ ngữ, cũng đừng cố gắng để hiểu được nó. Đừng cố gắng hiểu một cái gì trước khi bạn trở thành có mặt.
Tôi hiểu những gì ông vừa nói, nhưng dường như là Hiện Hữu – thực tại tối hậu vượt thoát mọi hiểu biết của con người – vẫn chưa được hoàn thiện, rằng nó đang trong quá trình phát triển. Thượng Đế cũng cần thời gian để tự phát triển ư?
Đúng, nhưng chỉ đúng từ cái nhìn giới hạn của thế giới hữu hình. Trong Kinh Thánh, Thượng Đế đã phán: “Ta là Alpha và Omega, ta là Đời Sống Duy Nhất”. Cõi không-có-thời-gian nơi Thượng Đế ngự trị, nơi đó cũng là “căn nhà của bạn”, nơi bắt đầu và kết thúc, Alpha và Omega, đều là Cái Một và bản chất của tất cả mọi thứ trước đây và sau này cũng thế, đang hiện diện miên viễn dưới một trạng thái hợp nhất và hoàn thiện không hình tướng – hoàn toàn vượt khỏi bất cứ cái gì mà con người có thể hình dung hoặc thông hiểu được. Tuy nhiên, trong thế giới của các vật hữu hình có vẻ như tách biệt này của chúng ta, khái niệm sự hoàn thiện không bị chi phối bởi thời gian là một khái niệm mà chúng ta khó có thể hình dung được. Ở đây, ngay cả nhận thức, tức là ánh sáng phát ra từ Nguồn bất tận, dường như cũng đang trong quá trình phát triển, đây là do sự giới hạn về mặt cảm nhận của chúng ta. Trong thế giới tuyệt đối thì không phải vậy. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm về sự tiến hóa của nhận thức của con người trong thế giới này.
Mọi vật đang tồn tại đều có Hiện Hữu, đều có tinh-chất-của-Thượng-Đế, đều có một mức độ nhận thức nào đó. Ngay cả hòn đá cũng có một mức độ nhận thức thô sơ nào đó. Nếu không thì nó không thể tồn tại được, vì những nguyên tử và phân tử sẽ tự phân ly. Mọi thứ đều là ở thể sống. Mặt trời, quả đất, cây cối, động vật, con người… đều là thể hiện của nhận thức ở các mức độ khác nhau, các biểu hiện hữu hình khác nhau của nhận thức.
Thế giới chúng ta hình thành khi nhận thức mang hình và dạng, dạng suy tư và dạng vật chất. Hãy nhìn hàng triệu thể sống chỉ riêng trên hành tinh này. Chúng ở ngoài biển, trên đất liền, trong không trung; và mỗi thể sống đó nhân ra hàng triệu lần. Để làm gì? Có ai đó đang chơi trò chơi, một trò chơi “hình thể” không? Đây là câu hỏi mà các nhà hiền triết Ấn Độ xa xưa thường hỏi. Họ xem thế giới là lila, một loại trò chơi thiêng liêng mà Thượng Đế đang chơi. Trong trò chơi này, từng cá thể rõ ràng là không quan trọng. Ở ngoài biển, hầu hết các thể sống thường không sống lâu hơn vài phút sau khi được sinh ra. Hình hài con người cũng hóa thành cát bụi khá chóng vánh, và khi đã biến mất, có thể nói rằng sự biểu hiện ấy hình như chưa từng bao giờ có thực. Điều này có bi thảm hay tàn nhẫn quá không? Điều này chỉ bi thảm khi ta muốn tạo ra một thực thể riêng biệt cho mỗi hình dạng, chỉ bi thảm khi ta quên là nhận thức chính là bản chất của Thượng Đế (hay Phật Tánh) đang tự biểu hiện thành hình dạng. Nhưng ta chưa thể biết được điều này khi ta chưa nhận ra được “bản chất Thượng Đế” (hay Phật Tánh) của riêng ta, như là nhận thức thuần túy.
Nếu có một con cá được sinh ra trong bể và ta đặt tên cho nó là John, viết cho nó một giấy khai sinh, cho nó một hoàn cảnh gia đình và hai phút sau đó, nó bị một con cá khác ăn, thì quả là bi thảm. Nhưng sở dĩ điều đó trở thành bi thảm vì ta đã phóng chiếu ra một thực thể riêng biệt – John – khi thực sự không có cái gì riêng biệt cả. Đó là vì bạn bám víu vào một phần nhỏ của một quá trình năng động của đời sống, một điệu múa ở cấp phân tử, và tạo cho nó một thực thể riêng.
Nhờ thông qua bạn, Tâm mới có thể giả vờ đóng vai những hình tướng cho đến khi những hình tướng này đạt đến một mức độ tinh vi nào đó thì Tâm tự đánh mất mình ở trong đó. Ở con người ngày nay, Tâm đã bị đồng hóa với cái mặt nạ chính nó tự đeo vào(2). Tâm quên đi bản chất thiêng liêng của chính mình, và chỉ biết nó chỉ là một hình tướng thôi và vì thế nó luôn sợ hãi rằng hình hài của nó sẽ bị hoại diệt về thể chất cũng như tâm lý. Đây chính là cảm nhận hạn hẹp của bản ngã(3) và cũng là nơi sự băng hoại được bắt đầu. Từ đó, bạn bỗng cảm thấy hình như có một điều gì rất sai đang xảy ra đâu đó trên con đường tiến hóa. Nhưng đây cũng là một phần của lila, trò chơi của Đấng thiêng liêng. Cuối cùng, dưới áp lực lớn lao của đau khổ do sự băng hoại của tự ngã ở trong bạn gây ra buộc Tâm phải thoát ly khỏi hình tướng, đưa nó ra khỏi giấc mơ hình tướng; Tâm “tự tỉnh thức” nhưng lần này sự tỉnh thức xảy ra ở một cấp độ sâu xa hơn trước đây, khi Tâm tự đánh mất chính mình.
Quá trình này được Chúa Jesus giải thích trong câu chuyện ngụ ngôn về đứa con rời bỏ nhà đi lưu lạc, tiêu hết của cải, trở thành cơ cực, do khổ đau quá sức chịu đựng mà phải trở về lại nhà. Khi người con trở về thì người cha đem lòng yêu thương con mình hơn trước nữa. Tâm trạng của người con cũng giống như trước đây, nhưng bây giờ có thêm chiều sâu. Câu chuyện ngụ ngôn này diễn tả cuộc hành trình của Tâm thức của chúng ta, bắt đầu đi từ sự hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu hiểu biết, cho đến khi sự bất toàn rất hiển nhiên và cả những “thói hư” tật xấu, sau đó thì nhờ thông qua bạn, Tâm mới đạt đến sự hoàn thiện về nhận thức.
Do đó bạn có nhận thấy ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn khi bạn trở nên có mặt, làm một kẻ quan sát tất cả những ý nghĩ, cảm xúc đang xảy ra ở trong mình không? Khi bạn quan sát tâm mình, là bạn tách nhận thức ra khỏi mọi loại suy nghĩ, biến nó thành một chứng nhân. Rốt cuộc phần quan sát ở trong bạn, tức là nhận thức thuần túy vượt lên trên hình tướng – trở nên mạnh hơn và những tâm tư đang hình thành khác(4) ở trong bạn trở nên yếu hơn. Khi chúng ta nói về thực tập theo dõi những gì xảy ra ở trong tâm ta, chúng ta đang cá thể hóa một sự kiện có ý nghĩa vũ trụ: vì nhờ thông qua bạn, mà Tâm đang thức dậy, đi ra khỏi giấc mơ đồng nhất nó với thế giới hình tướng và rút lui khỏi sự mê đắm này.
Đây là điềm báo, và là một phần của một biến cố lớn xảy ra trong tương lai. Biến cố ấy được gọi là “ngày khi mà thời gian chấm dứt”(5). Đó là khi thời gian tâm lý – tức quá khứ và tương lai – không còn thống trị chúng ta nữa. Nhưng điều này thường bị người đời diễn dịch một cách sai lầm rằng: “ngày khi thời gian không còn nữa” (The end of time), tức là “ngày tận thế”.
-----

Khi nhận thức thoát ra khỏi trạng thái đồng nhất với hình tướng, vật chất cũng như tinh thần, nó trở thành cái ta có thể gọi là nhận thức thuần túy, nhận thức giác ngộ hay hiện hữu. Hiện nay điều này đã xảy ra ở một vài cá nhân, và có thể sẽ xảy ra với một quy mô lớn hơn. Hầu hết tâm thức nhân loại đang bị khống chế bởi loại nhận thức đầy tính bản ngã: tự đồng nhất mình với những lo sợ, những suy nghĩ miên man hay xuất hiện ở trong đầu mình và bị những tâm thức lo sợ ấy kềm chế. Nếu không kịp thời thoát ra khỏi sự khống chế này, chúng ta sẽ bị nó tiêu diệt. Chúng ta sẽ chứng kiến những cảnh hỗn loạn, xung đột, bạo lực, ốm đau, thất vọng và điên cuồng ngày càng gia tăng trên thế giới. Tâm thức bản ngã của nhân loại giống như một con thuyền đang chết chìm. Nếu chúng ta không thức tỉnh để bước ra khỏi thuyền, chúng ta sẽ chết chìm với nó.
Nếu loài người muốn tồn tại thì chúng ta phải đi qua giai đoạn phát triển tâm thức tiếp theo. Tâm thức đang tiến hóa khắp vũ trụ qua hàng tỷ dạng khác nhau. Nên cho dù loài người chúng ta không tiến hóa kịp, trên bình diện vũ trụ, điều đó sẽ không thành vấn đề. Nhận thức chỉ có thêm chứ không bao giờ bị mất đi, mà nó chỉ tự thể hiện qua các dạng khác. Việc tôi đang nói ở đây và các bạn đang đọc hoặc đang nghe tôi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhận thức mới đang giành được chỗ đứng trên hành tinh này.
Không phải tôi đang dạy các bạn mà chính bạn là nhận thức và bạn chỉ đang lắng nghe chính mình. Người phương Đông có câu: “Dạy dỗ là kết hợp giữa người dạy và cái được dạy”. Dù sao đi nữa thì ngôn từ tự nó cũng không quan trọng mấy. Ngôn từ đâu phải là Chân lý. Chúng chỉ giúp bạn hướng đến đó mà thôi. Tôi nói trong khi tôi đang hiện diện, và khi tôi nói, bạn có thể tham dự được với tôi ở trong trạng thái hiện diện đó. Mặc dù những chữ tôi dùng đều có một lịch sử riêng và chúng đã được hình thành trong quá khứ, nhưng giờ đây những chữ mà tôi đang nói với bạn đều mang một tần số rất cao của sự hiện diện, khác với ý nghĩa mà chúng thường có.
Sự im lặng còn là một con thuyền lớn chuyên chở được sự có mặt, cho nên khi bạn đọc, hay lắng nghe những gì tôi đang nói, bạn hãy ý thức về khoảng trống im lặng giữa hay đằng sau những từ đó. Hãy luôn chú tâm đến những khoảng trống im lặng ấy. Dù bất cứ đang ở đâu, bạn hãy lắng nghe sự im lặng vì đó là cách dễ dàng và trực tiếp nhất để giúp bạn trở nên có mặt. Dù đang có tiếng ồn đi nữa, vẫn luôn có một khoảng lặng ở đằng sau hoặc giữa những âm thanh ồn ào ấy. Lắng nghe sự im lặng ngay lập tức tạo ra sự yên tĩnh ở trong bạn. Và chỉ có sự yên tĩnh ở bên trong đó mới giúp bạn cảm nhận được những im lặng ở bên ngoài. Và sự yên tĩnh, không phải chính là sự có mặt của bạn, là nhận thức đã được giải phóng khỏi cả những biểu hiện khác nhau của suy tư đó sao? Đây chính là nhận thức sống động nhất về những gì chúng ta đang nói đến.


ĐỨC PHẬT: HIỆN THÂN CỦA SỰ HIỆN HỮU SIÊU PHÀM CỦA BẠN

Đừng bị vướng mắc vào bất cứ ngôn từ nào. Bạn có quyền thay thế chữ “Phật” bằng những từ ngữ: an nhiên tự tại, hay Chúa, Vũ Trụ,… nếu những danh từ này có ý nghĩa hơn đối với bạn. Phật Tánh hay “tự tánh”, nói theo danh từ Phật giáo, chính là bản chất vốn đã có sẵn ở trong bạn. Sự khác nhau giữa Đức Phật hay Chúa Jesus và sự hiện hữu là ở chỗ, Đức Phật, hay Chúa là tượng trưng cho tính siêu phàm sẵn có ở trong bạn, bất kể bạn có ý thức về điều này hay không, trong khi sự hiện diện có nghĩa là sự tỉnh thức thiêng liêng hay tinh chất của Thượng Đế ở trong bạn.
Những hiểu lầm và niềm tin sai lạc về Chúa Cứu Thế sẽ bị xóa tan nếu bạn nhận thức rằng Chúa không thuộc về quá khứ cũng không thuộc về tương lai. Nếu nói rằng Chúa “đã” hay “sẽ là” thì ta sẽ có sự mâu thuẫn trong ngôn từ. Vâng, có Jesus, một người có tên như thế đã sống cách đây hơn 2.000 năm và đã nhận chân được sự hiện hữu thần thánh – bản chất thực sự của mình. Vì vậy Chúa mới nói “Trước khi có Abraham, tôi hiện hữu” (Before Abraham was, I am.). Ngài đã không nói “Tôi đã có mặt trước khi Abraham sinh ra” vì điểu đó có nghĩa là Ngài vẫn đang còn trong cõi bị chi phối bởi không gian và thời gian và vẫn còn đồng nhất mình với hình tướng. Cụm từ Tôi là (I am) được sử dụng trong một câu bắt đầu bằng thì quá khứ(6) (Before Abraham was, I am.) biểu hiện một sự thay đổi tận gốc rễ, một sự bất liên tục trong cõi thế tục – cõi còn chịu sự chi phối bởi thời gian. Một cách nói rất thâm thúy của Thiền. Chúa Jesus muốn truyền đạt một cách trực tiếp, mà không qua những ý tưởng lan man, những ý nghĩa của sự có mặt, của sự nhận thức về tự tánh của mình(7). Ngài đã vượt qua chiều nhận thức vẫn còn bị chi phối bởi thời gian, và đi sâu vào vương quốc phi thời gian. Cõi bất diệt đã đi vào thế giới này. Dĩ nhiên bất diệt không có nghĩa là có thời gian liên tục, hay vô tận mà chỉ có nghĩa là không có thời gian. Như thế, cái người có tên là Jesus đã trở thành Chúa Cứu Thế, hiện thân của nhận thức thuần túy. Và Thượng Đế đã tự định nghĩa về mình như thế nào trong Kinh Thánh? Phải chăng Ngài đã nói: “Ta đã và sẽ luôn (hiện hữu)”? Dĩ nhiên là không, vì điều đó tạo ra một thực tại cho quá khứ và tương lai. Mà Thượng Đế nói: “Ta chỉ là ta mà thôi”. Không có thời gian ở đây, chỉ có sự hiện diện.

Đừng cá thể hóa Đức Phật hay Chúa. Đừng biến Đức Phật, Chúa thành một thực thể có hình dạng. Những bậc hóa thân, các thánh nữ, những bậc thầy giác ngộ là một thiểu số rất ít nhưng là những gì rất thật, nhưng không phải đặc biệt như những con người bình thường. Vì họ không còn một cái tôi giả tạo để bám víu, nuôi nấng hay bảo vệ. Họ rất đơn giản, đơn giản và bình thường hơn những người bình thường. Những người nào còn bản ngã lớn sẽ xem những bậc này là những người vô danh tiểu tốt, không đáng kết giao.
Nếu trong bạn có sự thôi thúc nội tâm muốn tìm đến một bậc thầy giác ngộ, chính bởi vì bạn đã có đủ sự hiện diện ở trong bạn để nhận ra sự hiện diện ở người khác. Nhiều người không nhận ra Chúa Jesus hay Đức Phật, cũng như ngược lại, luôn có những người thường bị cuốn hút bởi những bậc thầy giả hiệu. Bản ngã của ta thường bị thu hút bởi những bản ngã khác lớn hơn. Bóng tối không thể nhận ra ánh sáng. Chỉ có ánh sáng mới nhận ra được ánh sáng. Nhưng đừng tin rằng ánh sáng ấy ở ngoài bạn, hay nó chỉ có thể được biểu hiện qua một hình tướng đặc thù nào đó. Nếu thầy bạn đã là một hóa thân của Thượng Đế, thì bạn là ai, nếu không phải là một hóa thân khác của Thượng Đế(8)? Nếu bạn cho rằng bạn chỉ là một tư cách nào khác với tư cách này thì tất cả đều là tự đồng nhất mình một cách sai lầm với những biểu hiện của hình tướng, và khi bạn đã tự đồng hóa mình với hình tướng thì đó chỉ là sự đồng hóa mình với bản ngã nhỏ bé ở trong mình, dầu có được ngụy trang dưới hình thức gì đi nữa.
Hãy dùng sự có mặt, năng lực hiện diện của thầy mình để giúp mình suy gẫm về bản chất chân thật của chính mình, vượt lên trên Danh và Sắc(9), trở về lại với tự thân ta và trở nên có mặt sâu sắc, mạnh mẽ hơn. Ta sẽ sớm nhận ra là trong hiện hữu không có “của tôi” hay “của anh”. Hiện hữu chỉ là một.
Nếu được, bạn nên tìm đến để sinh hoạt trong một tăng thân hay một đoàn thể tu học. Điều này rất hữu ích, vì thực tập chung với tăng thân sẽ làm cho mạnh hơn ánh sáng của sự có mặt ở trong bạn. Khi nhiều người đến với nhau trong trạng thái có mặt, điều này giúp tạo ra một trường năng lượng tập thể có sức mạnh lớn của trạng thái hiện diện. Không những điều đó sẽ nâng cao mức độ hiện diện của từng thành viên mà còn giải phóng nhận thức tập thể của con người khỏi tình trạng bị chi phối bởi những suy tưởng miên man. Thực tập với tăng thân sẽ giúp cho mỗi cá nhân tiếp xúc được với trạng thái có mặt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong nhóm ít nhất phải có một người đã có căn bản vững chắc để duy trì tần số năng lượng ở trạng thái có mặt đó, nếu không thì tâm thức bản ngã sẽ dễ dàng bước ra, tự khẳng định mình và phá hoại sự cố gắng của tập thể đó. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta cũng không nên phụ thuộc vào đoàn thể mà quên đi nỗ lực và đóng góp bằng việc thực tập chuyên cần của riêng mình, ngoại trừ trong thời gian chuyển tiếp, khi bạn đang học hỏi và luyện tập để trở nên có mặt sâu sắc hơn trong mỗi phút, mỗi giây.

Trích: Chương v 

Sức Mạnh Của Hiện Tại
(The Power Of Now)
Tác giả: Eckhart Tolle
Dịch giả: Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh