Lòng từ bi thay đổi thế giới

Mưu cầu của mỗi người trong cuộc đời này đều là mong mình hạnh phúc, vậy tại sao lại ngăn cản hay tranh giành hạnh phúc của người khác.
Nhà hiền triết Shantideva của Ân Độ từng nói trong cuốn Sống đời sống của Bồ Tát:
Khi cả tôi lẫn người khác
Đều muốn được hạnh phúc,
Thế tôi có gì đặc biệt đâu?
Vậy tại sao tôi lại đấu tranh cho hạnh phúc của riêng mình?

Người giàu cũng như người nghèo, người thông minh cũng như người bình thường, người xấu cũng như người đẹp, ai cũng muốn hạnh phúc và tránh được khổ đau.
Ta có thể tìm kiếm hạnh phúc theo nhiều cách khác nhau, nhưng thực tế, tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Như vậy có nghĩa là tất cả mọi người đều bình đẳng.
Trước đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng, chúng ta đều muốn hạnh phúc, điều cần làm là nỗ lực phát triển những mặt tích cực và hữu ích, đồng thời loại trừ những tiêu cực. Những thứ như dối trá, lừa lọc có thể đem cho ta cảm giác thỏa mãn ngắn ngủi, nhưng sau đó sẽ là khổ đau lâu dài.
Những điều tích cực sẽ đem cho chúng ta sức mạnh nội tâm, tiêu trừ sự sợ hãi và giúp chúng ta thêm tự tin, dễ mở lòng với người khác mà không vướng chướng ngại nào về tôn giáo, văn hóa hay bất kỳ mặt nào khác.
Con người cứ giữ mãi tâm sân hận sẽ dễ dàng đi đến hận thù và có thể giết hại cả những người đã từng tử tế và giúp đỡ chúng ta, hoặc chúng ta có thể gây nên những điều độc ác làm hại đến người khác.
Như vậy sân hận không bao giờ đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người. Chính sân giận là một loại kẻ thù vô cùng độc hại của tâm và chúng ta cần quán chiếu để tránh xa nó.



Một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ là khi tâm bị sận giận, hận thù, độc ác dẫn dắt chúng ta đến những hành động sai lầm, bất thiện đối với người khác.
Những ác nghiệp đó sẽ tàng trữ trong tâm thức của chúng ta và khi chết chúng sẽ đưa chúng ta đi tái sinh trong các cõi thấp hèn cực kỳ đau khổ. Lúc đó bao nhiêu công đức tu tập của chúng ta cũng đều tiêu tan.
Vì vậy để đối trị lại tâm sân giận và hận thù, chúng ta cần phải thực tập hạnh nhẫn nhục. Mặt khác, khi có người làm hại chúng ta, tâm chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất thái độ từ bi đối với họ.
Giáo pháp của Đức Phật dạy chúng ta chịu đựng và nhẫn nhục để có được tâm bình an và sáng suốt. Nhờ vậy, khi chúng ta phải va chạm với những năng lực thù hận hay nghịch cảnh nào đi nữa, tâm chúng ta vẫn có được thái độ bình thản và an lành.
Ngoài ra, sự nhẫn nhục chịu đựng của một người tu tập tâm linh trước các tình cảm khó khăn đau khổ, còn cho thấy giá trị của sự kiên cường và dũng cảm của họ, vì đó cũng là cơ hội để chuyển hóa tâm thức để đạt tới giác ngộ và giải thoát. Bởi vì khi không khổ đau, chúng ta sẽ không quyết tâm chấm dứt vòng luân hồi sinh tử.
Càng sân hận ta càng làm khổ ta, khổ người, khiến tất cả chúng ta chìm trong đau khổ.

Lòng từ bi là gì?


Trước khi có thể phát tâm từ bi, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của nó là gì. Lòng từ bi đơn giản là những ý nghĩ và tư tưởng tích cực giúp khởi sinh những điều tốt lành trong cuộc sống như hy vọng, lòng quả cảm, sự quyết tâm và sức mạnh nội tâm.
Theo Phật giáo, từ bi bao gồm mong muốn cho người khác thoát khổ (từ) và giúp người khác thoát khổ (bi).
Chúng ta có thể chia mọi thứ hạnh phúc, khổ đau thành 2 dạng: tâm và thân. Trong đó, tâm là thứ ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết chúng ta.
Trong cuộc sống, nếu thân chúng ta được thỏa mãn, chúng ta hầu như không nhận thức được điều đó. Tuy thế, tâm thì ghi nhận mọi điều. Vì thế, chúng ta dành hết mọi nỗ lực để tạo ra sự yên bình trong nội tâm nhiều hơn là thỏa mãn thân thể.
Từ kinh nghiệm, thầy Dalai Lama tin rằng, chúng ta có thể phát triển tâm của mình bằng sự rèn luyện thường xuyên. Khi chúng ta thay đổi thái độ, tư tưởng và quan điểm tích cực, những thứ tiêu cực sẽ bị loại trừ và tâm chúng ta cũng đổi thay.

Chúng ta có thể thay đổi “tâm”


Mọi thứ sẽ không thể thay đổi trong một đêm. “Tâm” rất ngoan cố, nó sẽ chống lại những giải pháp vội vàng. Với nỗ lực liên tục và lòng tin đặt cơ sở trên lý trí, khi nhận ra sự thay đổi là cần thiết, “tâm” chúng ta sẽ chuyển biến.
Chỉ cầu nguyện và mong ước sẽ không thể khiến “tâm” thay đổi. Nền tảng của sự thay đổi là chúng ta cần nhận biết rằng, chừng nào chúng ta còn trên cõi đời này, chúng ta còn phải đối mặt với những vấn đề này kia.
Nếu mất hy vọng thì chúng ta mất khả năng giải quyết những vấn đề này. Bằng cách nghĩ đến nỗi khổ của người khác, thể hiện sự từ bi đối với kẻ khác, nỗi khổ đau của chúng ta trở nên dễ chuyển hóa hơn.
Thái độ lạc quan, tích cực giúp chúng ta xem mỗi trở ngại mới như một cơ hội để cải thiện “tâm”. Mỗi ngày cố gắng từ bi hơn, chúng ta có thể phát triển những cảm thông cho sự đau khổ của người khác, có ý muốn giúp họ loại bỏ nỗi đau. Kết quả là, sự thanh thản đến với chúng ta và sức mạnh nội tâm ngày càng gia tăng.

Lòng từ bi thay đổi thế giới

Tất cả chúng ta đều có nhu cầu về tình thương yêu. Vì thế, bất kỳ người nào chúng ta gặp, ở bất kỳ hoàn cảnh vào, ngoại hình hay cách cư xử sẽ không còn là vấn đề để phân biệt.
Vượt qua những khác biệt về bề ngoài, chúng ta cùng là loài người trên tinh cầu nhỏ bé này, với nhu cầu chung sống trong bầu không khí cởi mở và hợp tác.
Trong thời đại ngày nay, toàn tinh cầu nối liền và không thể tách rời. Quốc gia này tùy thuộc vào quốc gia khác, muốn phát triển, tất cả đều phải lưu tâm đến nhau. Nhưng chúng ta cũng không thể đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai các chính trị gia. Mỗi cá nhân cũng có phần trách nhiệm của riêng mình.
Mọi sự thay đổi của cá nhân đều có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Lòng từ bi không chỉ là lý tưởng tôn giáo đơn thuần, nó là yêu cầu cần thiết cho toàn nhân loại nói chung.


Theo Thiền Viện Phước Sơn