1. Tự do của lệ thuộc và tự do của hỗn loạn
Trong những tôn giáo độc thần, giới luật là những định luật vật lý và tâm lý được một Thượng Đế độc thần gài vào trong khi sáng tạo vũ trụ. Và vị Thượng Đế độc thần ấy ra lệnh cho con người – cũng do ngài tạo ra – phải tuân thủ những giới luật ấy, nếu không, trong ngày cánh chung hay tận thế, cũng chính vị ấy sẽ xét xử những ai phạm tội bất tuân những điều luật do vị ấy đặt ra và quẳng họ vào địa ngục đời đời.
Con người dù có tuân theo những mệnh lệnh ấy để được phần thưởng là sự sống đời đời thì nó cũng đã mất tự do ngay từ đầu, khi bị quẳng vào một trò chơi với vốn liếng và những luật chơi mà nó không hề có trách nhiệm.
Làm sao tôi phải chịu cái quả cuối cùng khi cái nhân ban đầu không do tôi lựa chọn: Thượng Đế sinh ra tôi vốn xấu ác kém cỏi hơn người, làm sao tôi có thể phấn đấu bằng người trên con đường hướng thiện để đạt được cái quả tốt lành vào lúc cánh chung?
Đây là sự tự do của lệ thuộc vào một đấng Chủ Tể có một quyền hạn và trách nhiệm đối với tất cả mọi sự.
Nếu không chọn lựa một Thượng Đế độc thần mà sự chọn lựa và luật lệ của vị ấy có phần tùy tiện và không công bằng (chỉ một điều vị ấy chọn riêng dân tộc Do Thái làm con dân được chọn của ngài, những giống dân khác đều là “dân ngoại”, cũng đủ cho những người văn minh ngày nay e ngại có “sự phân biệt chủng tộc” ở đây), nếu chúng ta cho rằng đời sống chẳng có một định luật nào cả, tất cả đều may rủi ngẫu nhiên thì chúng ta lại rơi vào một sự không công bằng khác.
Chẳng lẽ mọi khác biệt, không bình đẳng giữa loài người với nhau, người sống lâu người chết yểu, người giàu người nghèo, người thông minh người kém trí, người làm đàn ông người làm đàn bà… chỉ là may rủi, ngẫu nhiên, chẳng có lý do, chẳng có nhân quả nào cả! Công nhận ngẫu nhiên may rủi là công nhận sự không công bằng, sự hỗn loạn đang ngự trị vũ trụ.
Cả hai cực đoan trên, một Thượng Đế toàn quyền và một thế giới phó mặc cho ngẫu nhiên may rủi là điều Phật giáo gọi là thường kiến và đoạn kiến hay chủ nghĩa vĩnh cửu và chủ nghĩa hư vô.
2. Tránh hai quan niệm cực đoan ở trên
Giới luật của Phật giáo thì khác. Nó dựa trên những định luật vật lý và tâm lý của một vũ trụ được sinh ra và tồn tại là do nhiều nhân duyên hợp thành, trong đó có cả nghiệp của loài người. Đó là luật nhân quả khách quan của một vũ trụ khách quan và hợp tạo. Luật nhân quả này là những định luật căn bản cho cả hai thế giới vật lý và tâm lý.
Chẳng hạn luật nhân quả vật lý: định luật bảo toàn năng lượng, ba định luật về lực của Newton…. Khoa học chỉ biết được mới một phần của luật nhân quả vật lý (bởi vỉ hiện nay, người ta mới chỉ biết khoảng 4% vật chất trong vũ trụ, còn lại 96% chưa biết được thì gọi là “vật chất tối”). Còn luật nhân quả tâm lý thì đến bây giờ khoa học cũng chưa biết ý thức, ý nghĩ là gì, nó có năng lượng khối lượng gì, tần số sóng ra sao, truyền xa tới đâu.
Khoa học chỉ biết những hoạt động sinh hóa trong những phần của bộ não, còn ý nghĩ là gì thì khoa học không chụp ảnh được, không cân đo được. Thế nên khoa học cũng không thể bác bỏ hay biện hộ gì cho luật nhân quả tâm lý.
Phật giáo chỉ khám phá và làm rõ cơ chế nhân quả vật lý và tâm lý ảnh hưởng lên thân tâm con người ra sao, chứ những định luật nhân quả ấy không phải là do Phật giáo chế tác ra và áp đặt cho ai cả. Dầu anh có theo PG, định luật nhân quả không phải vì thế mà nương nhẹ cho anh,và anh không theo PG,định luật nhân quả không vì thế mà ghét bỏ anh. Nhưng dầu không thấy rõ định luật nhân quả, từ xưa con người dù sơ khai nhất cũng linh cảm là có nó, họ chẳng bao giờ nghĩ rằng mình làm một việc xấu ác (gieo nhân xấu ác) sẽ có một hậu quả tốt lành (gặt quả tốt lành).
Trong ý nghĩa đó, giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”.
3. Luật nhân quả là định luật của tự do
Định luật nhân quả là tuyệt đối, công bằng, không thiên vị ai. Nhưng nhân quả là định luật tuyệt đối trong một vũ trụ hữu hạn và tương đối (vì do vô số duyên sanh), nó là cái tuyệt đối của một cái tương đối, nên đứng về mặt tuyệt đối rốt ráo, nó vẫn là cái tương đối. Định luật nhân quả chỉ tuyệt đối trong vũ trụ chứ không tuyệt đối nếu ở ngoài vũ trụ.
Với Phật giáo, nhân quả là vòng Mười Hai Duyên Khởi. Mười Hai Duyên Khởi ấy vì là duyên khởi nên không có tự tánh. Một khi đã thấy Mười Hai Duyên Khởi là vô tự tánh, nó bèn bị chặt đứt và tiêu hủy. Do đó mà có giải thoát khỏi nhân quả.
Nhờ có nhân quả là định luật của thân tâm, mà con người có thể sửa đổi, làm cho thân tâm tiến bộ, theo đúng luật tiến hóa của con người.
Chính là do biết sử dụng định luật nhân quả áp dụng cho cả thân và tâm, chính nhờ định luật nhân quả mà con người ta có thể thoát ra khỏi bộ máy vận hành của vũ trụ. Người xưa nói: “Chúng ta đã té trên đất phải nhờ mặt đất để chống tay đứng dậy”. Như thế, định luật nhân quả chính là định luật để vươn tới tự do.
Giữ giới luật là cải thiện thân tâm mình trên con đường hướng đến tự do và hạnh phúc.
4. Không bị trói buộc bởi cái xấu gây ra khổ đau.
Giữ giới thì khỏi bị các quả xấu trói buộc. Giữ giới luật, nghĩa là hành động theo định luật nhân quả, không dại gì gây nhân xấu để rồi phải chịu quả xấu. Sự chọn lựa giữa nhân xấu cho quả xấu và nhân tốt cho quả tốt, đó là sự tự do. Chính bằng sự lựa chọn này, chúng ta thoát khỏi luật nhân quả (thoát khỏi quả xấu của luật nhân quả), chúng ta đang đi trên con đường của tự do.
5. Không bị ngăn che, làm hạn hẹp
Khi phát sanh và giữ một ý tưởng xấu trong tâm thức (giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối….), ý tưởng xấu làm nhiễm độc tâm thức, làm tâm thức mất sự trong sáng vốn có, làm tâm thức nặng nề rớt xuống chỗ thấp kém. Như thế là chúng ta đã làm cho tâm thức mất tự do, trói buộc tâm thức vào những gì nặng nề, thô trược, tối tăm. Khi nuôi dưỡng những ý định xấu ác chúng ta tự ngăn che tâm thức mình bằng những ý tưởng ấy, tâm thức trở thành hạn hẹp, bị trói buộc, bị trói nhốt. Tâm thức trở nên mất tự do.
Một nguyên lý của Phật giáo: tâm và cảnh là một. Đối tượng là phản ảnh của chủ thể và chủ thể được hợp tạo bằng những phản ảnh của đối tượng. Làm hư hoại cảnh tức là làm hư hoại tâm. Làm thương tổn đối tượng tức là làm thương tổn chủ thể.
Nếu tôi tham tiền (điều thiện thứ 8: không tham dục), tiền là tất cả ý nghĩa và giá trị đối với tôi, thì cây cối, chim thú, thiên nhiên và con người…đều bị tôi biến đổi thành tiền. Thế giới của tôi khi ấy mất mọi ý nghĩa và giá trị khác. Thế giới ấy là một thế giới chết.
Ngay một thứ tinh vi nhất, một quan niệm sai lầm, một tà kiến (điều thiện thứ 10: không tà kiến), nếu chúng ta cố chấp vào tà kiến ấy, tâm thức sẽ bị tà kiến ấy ngăn che, chướng ngại làm hạn hẹp và về lâu dài gây ra khổ đau.
Khi tâm thức không bị những ý tưởng xấu, những quan niệm sai lầm che ám, tâm thức ấy tự do. Như thế, chọn một ý tưởng xấu, một quan niệm sai lầm, chúng ta liền mất tự do. Và ngược lại, nếu giữ giới (không nuôi dưỡng những ý tưởng xấu,những tà kiến) tức là chúng ta đã lựa chọn tự do.
6. Mở rộng tâm thức là tự do
Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm…đó là chúng ta đang sống trong từ bi hỷ xả (thương yêu, thương xót, hoan hỷ và buông xả). Khi ta thương yêu một đối tượng nào, tâm thức ta mở rộng ra đến đối tượng đó. Khi chúng ta thương yêu rất nhiều đối tượng, tâm thức chúng ta mở rộng rất nhiều. Thương yêu đến vô hạn chúng sanh, tâm ta cũng mở rộng đến vô hạn. Thế nên Từ Bi Hỷ Xả được gọi là Bốn Tâm Vô Lượng.
Tâm thức càng mở rộng thì tâm thức càng tự do. Thế nên sát sanh, trộm cướp, tà dâm cho đến tà kiến – những cái đi ngược với Bốn Tâm Vô Lượng – đều là tự mình đánh mất tự do, tự mình làm cho mình nhỏ hẹp đến độ chật chội, bức ngặt gây ra khổ đau.
7. Sống trọn vẹn những ý nghĩa và giá trị của cuộc đời là tự do
Giữ giới là nhìn đời sống, trong đó có chúng ta, như một toàn thể với đầy đủ ý nghĩa của nó. Giữ giới là trả lại cho tâm - cảnh sự toàn vẹn với đầy đủ ý nghĩa vốn có của chúng. Giữ giới là trả lại tính thiêng liêng vốn có của sự vật, con người và cái siêu việt không thể nghĩ bàn.
Đời sống hay thế giới này là một văn bản. Sống nghĩa là giữ gìn, tìm hiểu và thưởng thức văn bản đó. Chúng ta không thể thông hiểu trọn vẹn từng câu cho đến khi nào chúng ta thông hiểu toàn bộ văn bản. Ngược lại chúng ta không thể thông hiểu toàn bộ văn bản nếu chúng ta chưa hiểu được từng câu tạo thành văn bản đó.
Thế nên bỏ một câu, làm hư hỏng ý nghĩa một câu (bằng sự không giữ giới của mình) trong toàn bộ ngữ cảnh của văn bản tức là làm hư hỏng sự toàn vẹn của văn bản. Càng làm hư hỏng, hiểu sai nhiều câu thì cái văn bản đời sống càng bị hư hỏng và hiểu sai, đến độ cái văn bản đời sống trở thành hư hỏng, vô giá trị và khổ đau.
Xâm phạm một ý nghĩa (chẳng hạn như tà dâm) tức là xâm phạm mọi ý nghĩa khác: sự trong sạch, chung thủy, ý nghĩa của tình dục, ý nghĩa tương quan giữa con cái và cha mẹ, ý nghĩa của sự trao đổi cho và nhận, trách nhiệm và bổn phận, gia đình, xã hội, thế giới….
Khi chúng ta có tà kiến (nghịch với chánh kiến, cái đầu tiên trong Tám Chánh Đạo) về chỉ một ý nghĩa và giá trị, tất cả mọi ý nghĩa và giá trị khác của đời sống liền bị ô nhiễm. Nếu tà kiến sai lầm quá nặng nề, thì toàn thể ý nghĩa và giá trị của đời sống đều bị xâm phạm, làm cho méo mó. Toàn thể đời sống sẽ trở thành sai lầm, hư hỏng.
Giữ giới là sống đời sống như một toàn thể đầy đủ ý nghĩa và giá trị. Sống cái toàn thể đầy đủ ý nghĩa và giá trị ấy tức là tự do và hạnh phúc. Chúng ta nên nhớ rằng cùng một văn bản đời sống trần gian này mà các vị thành tựu của Phật giáo đã diễn dịch, đã thông diễn (Thông diễn học, diễn giải học: Herméneutiqne) thành Niết bàn thường lạc ngã tịnh, trong khi người buông thả, không thực hành thì diễn dịch, thông diễn thành sanh tử phiền não khổ đau. Sự thông diễn của các vị thành tựu là vô ngại vì không còn những ngăn trở che chướng (phiền não chướng và sở tri chướng), mà những ngăn chướng này được tạo thành là do không giữ được giới ở nơi thân tâm.
Nguyễn Thế Đăng