CHÁNH NIỆM VÀ THIỀN

Thiền, theo cách tôi hiểu về nó, thì không phải là để tạo ra một cái gì cả (dù đó là sự tĩnh lặng, định tâm hay tuệ giác, hay bất cứ một cái gì khác)[6]. Mà thiền là để thấy rõ bất cứ những gì đang diễn ra trong hiện tại theo một cách nhìn rất đơn giản. Đặt mục tiêu là sự tĩnh lặng, hay cố gắng tạo ra sự tĩnh lặng hoặc tuệ giác là bạn đang cố bắt đầu đi từ nơi mà chúng ta sẽ đến. Do đó chúng ta sẽ luôn tụt lại chỗ đang đứng, bởi vì chúng ta không bắt đầu đi từ nơi mà chúng ta đang đứng. Một cách diễn tả khác nữa là: thiền là sự tiếp xúc, kết nối và thấu hiểu nội tâm hoàn toàn; hiểu biết về cuộc sống (những vấn đề của cuộc sống) một cách sâu sắc chính là thiền.

Không có gì khác nhau giữa việc giải tỏa những nút thắt đau khổ, giải quyết những vấn đề của mình (vấn đề tâm lý hay bất cứ vấn đề gì) với thiền tập. Nó đều là những thành phần của cùng một tiến trình.
Đối với tôi, làm công viêc tư vấn tâm lý và hướng dẫn thiền không có gì khác nhau lắm. Do đó, người nào không hiểu được tâm người khác mà chỉ có kiến thức sách vở suông thì không thể làm một thiền sư (hoặc người tư vấn) được mà chỉ là một học giả.
Hầu hết tất cả mọi người đều cần đến sự giúp đỡ của người khác để giải tỏa những gút mắc tâm lý của chính mình. Để làm được điều đó, một người thầy phàm tục với những kiến thức thế gian thông thường cũng có thể giúp được… Tôi đã thấy rõ điều này từ rất lâu trước đây, và đang ngày càng tìm hiểu sâu về nó. Ngay cả khi ở Mỹ, cách tôi làm việc với mọi người trước hết là phải tìm hiểu cuộc đời họ, những vấn đề và khúc mắc của họ, để xem họ bị bế tắc chỗ nào. Giúp cho họ thấy rõ những vấn đề của chính mình. Toàn bộ mục đích của thiền tập là để giải tỏa – giải tỏa những trói buộc bên trong và bên ngoài.
Không hề có một công thức khô khan và bất biến
nào cho tất cả mọi người. Con người không có ai giống ai. Do đó cần phải có sự linh hoạt.
Đức Phật đã sử dụng nhiều cách dạy khác nhau
cho những người khác nhau.
Theo cách hiểu của tôi thì một thiền sư phải là một người rất nhạy cảm và tinh tế. Người thầy phải là một người thấu hiểu chính bản thân mình một cách thật sâu sắc. Người thầy phải ý thức rõ về những nút mắc của chính mình; phải rất sáng tạo khi dạy dỗ mọi người; phải hiểu rõ từng học trò của mình một cách sâu sắc; kiên nhẫn và nhẹ nhàng khi hướng dẫn họ; không tạo áp lực hay đòi hỏi người học trò phải tiến bộ bởi vì điều đó sẽ làm cho họ cảm thấy mất tự tin và không thoải mái, không an vui. Người thầy phải hiểu được người học trò của mình đang đứng ở chỗ nào.
Bạn biết đấy, chúng ta phải xuất phát
từ nơi mà chúng ta đang đứng chứ không phải
từ nơi mà chúng ta sẽ đến.
Vì vậy, người thầy phải hiểu được người học trò của mình đang đứng ở đâu và hướng dẫn người học trò của mình để họ có thể bắt đầu cất bước đi từ nơi họ đang đứng.
Những kỹ thuật thiền tập đang được rất nhiều người dạy và thực hành hiện nay, đều có những mặt hạn chế nhất định. Đó là do họ không hiểu biết về thiền một cách đúng đắn và cố gắng thực hành như thể thiền là một phần nào đó tách rời khỏi cuộc sống.
Thiền chánh niệm đích thực phải bao hàm toàn bộ cuộc sống. Không để một phần nào trong cuộc sống tinh thần và thể chất (thân và tâm) của chúng ta bị chánh niệm bỏ quên. Tất cả mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta cần phải được thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc.
Một pháp hành thực sự phải hết sức tự nhiên, uyển chuyển, sống động, không bị gò bó, giới hạn và phải thực hành được ở mọi nơi, mọi lúc. Một cung cách thực hành chuyên biệt và tách rời[7] là không chấp nhận được đối với tôi. Giờ đây, tôi bắt đầu cảm thấy phương pháp thiền chuyên biệt hóa và gò ép theo một quy chuẩn nhất định là rất có hại (tôi không bao giờ có thể tự bó buộc và cưỡng ép mình làm điều đó được).
Đối với tôi, thiền không phải là
một công việc gì đặc biệt cả.
Nó là một phần trong sự học hỏi của tôi.
Điều lý tưởng nhất là luôn luôn chánh niệm.
Đối với tôi, tất cả mọi thứ trên đời dường như rất phù phiếm. Nó chỉ là những trò chơi điên rồ. Lúc nào cũng gấp gáp, vội vàng, vô nghĩa, thật vô nghĩa. Tại sao cứ phải lăng xăng nhiều đến vậy làm chi?
Thiền tập là việc thiện nhất trên đời.
Nếu có chánh niệm và trí tuệ, bạn sẽ không bao giờ bị lạc lối.
Việc tốt đẹp nhất mà tôi làm được cho chính mình là chánh niệm. Hãy nhìn kỹ vào tâm mình, nhìn kỹ vào cuộc đời mà xem, bạn bị lệ thuộc biết bao nhiêu vào người khác và vào sách vở. Hãy xem bạn dễ bị buồn chán như thế nào. Bạn có thể sống với sự buồn chán đó mà không làm gì khác, chỉ mỗi chánh niệm về nó thôi có được không?
Thực ra, không làm gì cả không phải là một điều dễ dàng. Tôi tin rằng bạn hiểu được điều đó từ kinh nghiệm thực tế của chính mình. Khi không làm gì cả, tâm bạn ra sao? Bạn đã quan sát kỹ điều đó chưa? Sự buồn chán thật là khó chịu đựng. Chính vì vậy mà chúng ta cứ phải cố đi tìm một việc gì đó để làm, để chạy trốn khỏi nỗi buồn chán. Cứ thử cố không làm gì cả trong vài ngày mà xem nó khó chịu như thế nào.
Không làm gì cả không phải là chuyện dễ. Nếu bạn cố để không làm gì cả, thì đó cũng là đang làm rồi. Nếu bạn cố gắng hoàn thành một việc gì đó, cũng là đang làm. Và khi đó bản ngã[8] của bạn rất mạnh. Còn khi không làm gì cả, bạn lại cảm thấy vô nghĩa và trống rỗng.
Không làm gì là một trạng thái tâm không còn bản ngã. Hành động mà không phản ứng; không có ai hành động cả. Và điều quan trọng nhất, làm những điều thiện mà không hề mong đợi được đền đáp lại bất cứ điều gì.
Hiểu biết đến với những người
không vội vàng tìm kiếm sự hiểu biết.
Hiểu biết giống như trồng cây ăn quả;
cần phải có thời gian để quả chín.
Chúng ta không thể cưỡng ép bắt cây phải ra trái.
Thay vì chạy trốn khỏi sự buồn chán, nếu bạn biết làm việc với nó bạn sẽ tìm thấy một sự tỉnh giác, sống động và sáng suốt ở đằng sau nó. Khi đó, tâm mới có khả năng làm việc được. Hầu hết chúng ta chỉ đầu hàng sự buồn chán và tự biến mình trở thành một kẻ bận rộn tối ngày. Khi bận rộn chúng ta mới có cảm giác mình là người hữu dụng, là người quan trọng. Khi không làm gì cả, chúng ta cảm thấy mình vô dụng và hổ thẹn về điều đó. Một số người còn lấy làm hãnh diện khi thấy mình bận rộn nữa chứ.
Bình thường tâm chúng ta luôn luôn ở một trạng thái đờ đẫn, mụ mị. Chúng ta cần phải có một sự kích thích nào đó, hoặc là phải nói chuyện hay đọc sách hay đi lại…để làm cho tâm mình tỉnh táo. Nếu không có những thứ đó, nó luôn ở trạng thái mụ mị, nửa tỉnh nửa mê.
Nếu luyện tập cho tâm mình luôn tỉnh táo
trong mọi lúc mà không cần những sự
kích thích như vậy, bạn sẽ tìm thấy cho mình
một nguồn năng lượng mới.
Chỉ nhờ vào chánh niệm liên tục từng giây phút
bạn mới đạt tới điều đó được.
Dù bạn đang thực hành trong những khóa thiền tích cực hay không, điều quan trọng là phải chánh niệm liên tục. Tham dự những khóa thiền tích cực rất có ích. Nhưng điều rất quan trọng là phải duy trì sự thực hành để có thể giữ gìn được trạng thái tâm sáng suốt đó. Nếu không bạn sẽ xuống dốc lại thôi. Giống như bơi ngược dòng, nếu không bơi liên tục bạn sẽ bị nước cuốn trôi trở lại phía dưới.
Sự tinh tấn trong thiền tập giống như sự cố gắng khi bạn tập đi xe đạp. Lúc mới tập, bạn cố gắng rất căng thẳng để giữ thăng bằng và thường là bị ngã. Khi đã tập đi tập lại nhiều lần, bạn học được cách cố gắng ở mức vừa đủ để giữ mình trên xe, vì vậy dành được thêm sức để đạp xe đi. Bạn học hỏi bằng cách thực hành.
Điều quan trọng nhất, theo tôi, đó là sự liên tục. Nếu bạn đã biết được chánh niệm có ý nghĩa như thế nào, bạn sẽ ngày càng chánh niệm hơn. Nhờ chánh niệm, bạn sẽ học được cách giữ chánh niệm bằng cách cố gắng một cách thư giãn, thoải mái. Nếu bạn nghĩ mình cần cố gắng nhiều hơn nữa, hãy thử đi mà xem điều đó ảnh hưởng đến tâm mình, ảnh hưởng đến chánh niệm của mình như thế nào. Dần dần bạn sẽ học được cách duy trì chánh niệm liên tục. Bạn sẽ thấy rằng khi thất niệm tâm bạn không còn được thoải mái và an vui nữa.
Tôi muốn được giải thoát và được bình an, cả về thể xác lẫn tinh thần. Do đó, tôi luôn tìm hiểu xem những gì làm cho người ta không được giải thoát và bình an.
Càng nhìn rõ những gì đang trói buộc mình,
chúng ta càng có nhiều cơ hội để giải thoát.
Câu trả lời rất đơn giản – sự dính mắc và ngã mạn. Nhưng thấy chúng đang thể hiện trong thực tế mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải chỉ mỗi suy nghĩ về nó mà thôi.
Tôi không muốn bận rộn. Bận rộn là một cách sống phí hòai. Khi bận rộn, bạn bị chìm đắm quá mức vào công việc đến mức không thể thấy gì đang diễn ra trong tâm mình nữa. Bạn thất niệm, không còn ý thức được chính mình. Chính vì vậy tôi không muốn trở thành một vị thầy bận rộn.
Nếu bạn muốn đạt được nhiều lợi ích nhất
từ thiền, hãy thực hành hết mình.
Hãy thực hành như thể không có việc gì khác
bạn muốn làm trên đời. Hãy để ý nhận biết
những thứ khiến tâm mình bị phân tán!
Nếu cách thực hành nào đó có hiệu quả đối với bạn (như việc niệm thầm chẳng hạn)[9], thì cứ thực hành theo. Thực hành lâu dài và thực hành thật tốt đến mức bạn hiểu hết mọi ưu điểm và khuyết điểm của phương pháp đó.
Để học bơi thì bạn phải xuống nước. Chứ không thể nào chỉ ngồi trên bờ và bảo người ta dạy bơi cho bạn được. Chỉ với những hướng dẫn tối thiểu là bạn có thể xuống nước và tự dạy mình bơi được rồi. Hãy chọn một (hay hai) đề mục thích hợp cho mình, và hãy chánh niệm liên tục về nó.
Sự liên tục là điều quan trọng nhất.
Suy nghĩ không làm cho bạn hạnh phúc. Hãy quan sát những suy nghĩ đó nhưng đừng mong muốn kiểm soát chúng. Khi bạn thấy chúng thật rõ ràng, chúng sẽ tự động dừng lại. Suy nghĩ là một gánh nặng rất lớn.
Thiền chánh niệm là ý thức về, là hay biết (một cách có ý thức) tất cả mọi thứ đang diễn ra qua 6 giác quan[10] trong mọi lúc, từ thời điểm đầu tiên khi bạn thức dậy cho đến thời điểm cuối cùng khi bạn chìm vào giấc ngủ. Chứ không phải chỉ mỗi lúc bạn ngồi thiền thôi đâu.
Điều quan trọng hơn nữa là phải chánh niệm và hiểu rõ những định kiến, những ý tưởng, những mơ mộng mà mình đang dính mắc, đang chấp thủ, cũng như sự cô đơn, nỗi buồn bực, bất mãn và các trạng thái cảm xúc, tình cảm khác, dù yếu hay mạnh đang có trong tâm mình.
Tôi cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình. Phải chuyện trò thật là chán. Mọi thứ trên đời và cả con người nữa đang ngày càng mất dần ảnh hưởng đối với tôi. Thật là khó để diễn tả cảm giác này. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn rất nhiều ở trong tim mình.
Đừng coi tình cảm và cảm xúc quá quan trọng. Và cũng đừng biện hộ cho chúng nữa. Bạn đang sống cuộc sống của chính mình và bạn có quyền được làm những gì mà bạn cho là đúng đối với mình vào thời điểm đó. Nếu bạn phạm sai lầm, hãy học hỏi từ chính những sai lầm đó – thế thôi.
Nếu bạn phạm sai lầm và gặp rắc rối, hãy nhìn thẳng vào nó và đừng kêu ca hay đổ lỗi cho người khác hay cho chính mình, đừng chạy trốn nó; cũng đừng tự biện hộ cho mình hay buồn bực về chuyện đã xảy ra. Nếu bạn có thể thấy ra được điều này mà không hề chống đối, kháng cự lại nó, bạn sẽ vượt qua và trưởng thành lên một cách dễ dàng và nhanh chóng. Giờ đây tôi đã làm được điều đó ngày càng tốt hơn.
Quan hệ giữa con người với con người thật là phức tạp. Tôi đã từng nói với bạn nhiều lần: tôi đang ngày càng trở nên cô độc hơn. Tôi rất hiểu bạn khi bạn nói rằng: “Tôi rút lui vào độc cư trong chính mình”. Nếu bạn quan sát tâm mình thật kỹ mà không mong muốn nó phải khác đi, nó sẽ tháo gỡ cho bạn những nút rối trong tâm, nhưng đừng nhìn tâm mình chỉ với mục đích là để giải quyết những nút rối. Điều đó sẽ tạo nên xung đột. Hãy nhìn thấy rõ bản chất vô ngã trong tâm bạn (anattā-vô ngã-thân, tâm này chỉ là tập hợp các hiện tượng tự nhiên đang diễn tiến, không có gì là tôi, của tôi, là tự ngã của tôi cả).
Tôi đã mệt mỏi với những “trò diễn” của cuộc đời.
Tháng vừa rồi, tôi dành nhiều thời gian hơn để hành thiền. Sống một mình thật là thích! Tôi ngày càng ít muốn đọc hơn. Giờ đây tôi chỉ muốn đọc tâm mình nhiều hơn. Tôi chẳng học được điều gì thật sự sâu sắc từ sách vở cả.
Khi tôi nhìn vào cuộc đời mình,
nhìn vào tâm mình thật rõ ràng, chỉ khi ấy
tôi mới học được điều gì đó thật sự sâu sắc.
Sống trong kiếp con người, hiểu biết về bản chất con người nói chung và hiểu biết về tâm mình nói riêng, là điều lợi ích nhất trên đời mà con người ta có thể làm được.
Những gì tôi đang làm ở đây thật vô cùng quan trọng đối với tôi (tôi muốn nói đến việc tìm hiểu tâm mình), đến mức tôi không muốn ngắt quãng nó trừ phi có một lý do nào đó thật đích đáng. Thực lòng tôi muốn đi đến một nơi nào đó vắng vẻ hơn, sống một mình và dành hết thời gian để hành thiền, không bị ngắt quãng chút nào. Chẳng có gì trên đời đáng để mình phải phân tán cả.
Bạn đã từng đọc; đã từng chuyện trò; đã từng thảo luận; đã từng suy nghĩ rất nhiều; và tâm bạn vẫn rối như tơ vò.
Đủ rồi, tất cả những điều đó đã quá đủ rồi!
Sự sáng suốt, thanh tịnh làm cho tâm mình bớt dính mắc hơn rất nhiều. Tâm tôi giờ đây rất sáng suốt và ít dính mắc. Tôi không muốn bị phân tâm vào bất cứ việc gì.
Bạn không mơ hồ gì về việc mình đang bị mơ hồ chứ? Nhiều người còn chẳng biết mình đang mơ hồ nữa cơ. Họ quá điên rồ hoặc quá bận rộn đến nỗi chẳng có thời gian mà nghĩ đến điều đó. Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là đừng suy nghĩ quá nhiều và hãy chánh niệm. Bạn biết đấy, suy nghĩ quá nhiều chỉ khiến mình càng thêm rối trí và mơ hồ hơn nữa mà thôi.
Nếu bạn có thể chánh niệm được trong lúc ốm đau, bệnh tật, bạn sẽ học hỏi được những điều vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Bạn sẽ thấy mình cô đơn đến như thế nào và mọi thứ trên đời này mới vô nghĩa làm sao. Khi việc tồi tệ nhất trong các việc tồi tệ xảy đến, chúng ta thật sự sẽ chỉ có một mình.
Tôi đang nhìn thấy sự cô đơn ngày một rõ hơn. Chỉ có một số rất ít người có thể chạm đến được với mình và hiểu được mình mà thôi. Giữa mỗi con người chúng ta luôn có một khoảng cách rất lớn của sự thiếu hiểu biết lẫn nhau.
Bạn có thể giải thích cho cô ấy làm thế nào để chánh niệm, quan sát được những suy nghĩ và cảm xúc của mình hay không? Đừng kiểm soát nó. Chỉ là sự chánh niệm đơn giản, thuần túy hay biết tâm mình. Nhưng mẩu đối thoại đơn phương, những câu đối đáp, những mẩu chuyện vô bổ đang diễn ra suốt ngày trong tâm mình. Những sự đánh giá và phán xét…
Chánh niệm là một cách sống. Bất cứ ở nơi đâu, bất cứ công việc gì đang làm, hãy làm một cách thật chánh niệm (một cách thật ý thức, có sự quan sát khách quan chính bản thân mình). Suy nghĩ là một trở ngại lớn đối với chánh niệm. Chúng ta cần phải lưu ý đến điều đó. Thực ra, chánh niệm về các suy nghĩ là một điều rất quan trọng. Hãy quan sát tâm mình mà không đổ lỗi hay đánh giá, phán xét nó. Hãy nhìn nó như chính nó đang là, không phải là mình, không phải là của mình.
Trong thiền, hãy quan sát bất cứ cái gì
đến một cách dễ dàng và tự nhiên.
Điều quan trọng nhất là phải hứng thú
và đúng ra là phải có hứng thú và niềm vui
khi làm điều đó.
Thực hành thiền đúng là phải cảm thấy một sự thỏa mãn trong khi thực hành. Mỗi khi bạn cảm thấy chán là tâm sẽ có thái độ tiêu cực với nó ngay. Khi có thái độ tiêu cực như vậy bạn sẽ thấy việc thực hành rất mệt mỏi. Bạn nói Tín tâm (saddhā) = Sức mạnh. Đúng vậy, khi có đức tin vào pháp hành, bạn sẽ có đủ sức mạnh để làm việc đó.
Nếu bạn thấy hứng thú quan sát tâm mình thay vì quan sát chuyển động phồng-xẹp của bụng[11], thì tại sao lại không làm việc đó? Tâm là cái thú vị nhất trên đời.
Hãy đi kinh hành[12] nhiều hơn và hãy chánh niệm. Nếu bạn càng nghĩ nhiều đến cách làm thế nào để cải thiện tình trạng hiện tại, bạn sẽ lại càng bất an hơn. Lúc nào cũng dự tính cho tương lai – “Tôi sẽ hạnh phúc nếu tôi được ở một nơi tốt đẹp”. Lúc nào cũng: “Tôi sẽ hạnh phúc nếu…”. Chứ chẳng bao giờ thấy: “bây giờ tôi đang hạnh phúc…”. Dự định, vạch kế hoạch, thay đổi cái này cái kia…quá đủ rồi!
Ước muốn “trở thành” cái này - cái kia, người này - người nọ, chi phối cuộc sống của chúng ta quá nhiều. Chúng ta không thấy được rằng chẳng có “ai” ở đó cả để mà ước, mà muốn. Làm sao có thể “trở thành” được khi không có một “ai” đó để mà trở thành? Hãy chỉ đơn giản nhìn những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại này, mà không có bất cứ động cơ thay đổi nó chút nào.
Tôi hiểu được sự đấu tranh, vật lộn (với phiền não) và nỗi khổ của bạn. Tôi biết bạn đang cố gắng hết sức để trở thành một người đệ tử tốt của Đức Phật. Khó! Ngay cả giữ được 5 giới[13] thôi cũng chẳng phải là điều dễ làm. Đúng thế, có người cho rằng đắc được đạo quả Tu-đà-hoàn (sotāpatti maggaphala)[14] chưa là cái gì cả. Họ không thể hiểu được sự phi thường thế nào khi tâm không còn tà kiến (micchā ditthi)[15], khi đã vượt qua được giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa)[16]. Để thấy được rõ ràng chỉ có thực hành Pháp[17] mới là con đường duy nhất đưa đến giải thoát và hạnh phúc. Họ không hiểu được sự phi thường khi tâm đã sạch bóng không còn mảy may thói ghen tỵ (issā); hoan hỷ với sự thành đạt của người khác; rộng lòng hào hiệp chia sẻ bất cứ thứ gì mình có cho người; đã vượt qua được tất cả mọi hồ nghi về sự thực hành pháp của mình (hồ nghi không biết đây có phải là con đường đúng hay không).
Thật là nhẹ nhàng thanh thản biết bao khi không
còn nghi ngờ gì nữa về con đường mình đang đi.
Tôi có thể hiểu được việc thực hành chánh niệm (sati) khó khăn như thế nào đối với những người sống một cuộc sống bận rộn như vậy. Bản thân tôi cũng chưa thể chánh niệm được đến 100%. Tốt nhất là bất cứ công việc gì không cần thiết, hãy cắt bớt đi. Trước nay chúng ta chỉ nhất nhất tuân theo những gì tâm mình sai khiến, nhưng nếu nhìn tâm mình sâu sát hơn, chúng ta sẽ thấy chúng ta không cần phải tin tất cả những gì tâm bắt mình phải tin, không phải chạy lăng xăng như một kẻ điên làm theo tất cả những gì tâm bảo chúng ta phải làm.
Người có khả năng làm được mọi thứ
cần phải học cách tự hạn chế bản thân mình.
GOETHE[18]
Chúng ta phí phạm biết bao nhiêu thời gian để theo đuổi những công việc rất phù phiếm, vụn vặt. Đức Phật dạy chúng ta nên sống ít phận sự, ít công việc (appakicco).
Nếu bạn cẩn thận tự hạn chế mình, bạn sẽ phát triển được mức chánh niệm sâu sắc hơn. Nếu không thể giữ chánh niệm được trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ không thể phát triển được những hiểu biết sâu sắc về cuộc đời. Hiểu biết về cuộc đời và hiểu biết về Pháp đi cùng với nhau. Điều đầu tiên là hãy học cách sống cuộc đời mình một cách có ý nghĩa, một cách tỉnh táo.
Tôi ít khi gặp được những người có lòng say mê sâu sắc trong Pháp như bạn. Hầu hết mọi người thậm chí còn chẳng biết được trạng thái tâm của chính mình.
Tất cả chúng ta đều có những trạng thái
tâm tốt (tâm thiện) và những trạng thái
tâm xấu (tâm bất thiện).
Chánh niệm, nhận biết cả hai trạng thái tâm đó
là điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm.
Chúng ta thực sự không kiểm soát được tâm mình chút nào hết, chính vì thế nó mới là vô ngã (anattā). Phải thấy ra rằng bạn không phải là người tạo ra những trạng thái tâm bất thiện ấy[19].
Hiểu biết về bản chất của tâm mình, tức là bản chất tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ngã mạn (māna)[20], ghen tỵ (issā), bỏn xẻn-keo kiệt (macchariya), hối (kukkucca)[21]…; cả chánh niệm (sati), định (samādhi), tuệ (paññā), tâm từ (mettā), tâm bi (karunā)…còn quan trọng hơn việc đắc được một tầng đạo quả nào đó hay đoạn trừ được một loại phiền não (kilesa)[22] nào đó.
Sự hiểu biết đến trước tiên;
sự vượt qua (phiền não) sẽ xảy đến một cách
tự nhiên sau đó.
Vì vậy, hãy sẵn lòng quan sát bất cứ những gì
đang diễn ra trong hiện tại.
Phải thấu hiểu bản chất của chúng trước đã.
Nếu bạn thất vọng bởi vì trong tâm bạn vẫn còn tham, sân…khi đó bạn sẽ không thể thấy được mọi thứ một cách rõ ràng bởi vì tâm bạn xáo động, tâm bạn có sân (khó chịu, bất mãn)[23]. Hãy nhìn ngay cả những cái đó nữa.
Chỉ khi bạn sẵn lòng nhìn tâm mình
mà không có mặc cảm tội lỗi, không muốn làm
bất cứ điều gì đối với nó, chỉ khi đó bạn mới
có thể thấy nó một cách rõ ràng.
Khi đó nó sẽ mất đi quyền lực đối với bạn bởi vì
nó đã bị lộ mặt – nó bị bạn thấy rõ.
Xin đừng lên án tham, sân, ngã mạn…Bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ chúng. Bạn không thể trưởng thành được trừ phi bạn hiểu biết thật rõ về chúng. Chỉ khi nào thấy rõ chúng với một cái tâm sáng suốt thì bạn mới học hiểu được về bản chất thật sự của chúng, nhất là bản chất vô ngã (ānatta).
Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong thiền là không đồng hóa[24] với các hiện tượng của thân (sắc-rūpa) tâm (danh-nāma)[25].
Thiền không phải là để vượt qua cái gì hết,
mà là vượt qua sự tự đồng hóa chính mình
với các tiến trình danh sắc (nāmarūpa).
Tại sao người ta buồn bực và thất vọng? Bởi vì họ tự đồng hóa mình với danh sắc. Vì vậy, mỗi khi tâm mình có tham, sân, dục vọng, ngã mạn hay dính mắc…điều quan trọng nhất là hãy nhìn chúng như là một hiện tượng tự nhiên, chứ không nhìn chúng như một cái gì đó thuộc về cá nhân mình. Đừng cố tìm cách vượt qua chúng[26].
Thất vọng là một cái bẫy của bản ngã.
Có người nào (attā) ở đó mà thất vọng? Thất vọng chỉ là một hiện tượng tự nhiên nữa mà thôi. Thất vọng là bản ngã phình đại. Nếu tâm không thất vọng, nếu không có sự đồng hóa trong tâm quan sát-nghĩa là quan sát một cách bình thản, với tâm xả, tâm sẽ quan sát được các trạng thái tham, sân…với sự hứng thú, định tĩnh và sáng suốt và thấy rõ như nó đang là – chỉ là một hiện tượng tự nhiên thoáng qua, không có thực và không thuộc về cá nhân ai cả. Không có sự đồng hóa, chúng sẽ không thể lớn mạnh như vậy được. Một vị thánh Tu-đà-hoàn (sotāpanna)[27] vẫn còn tham, sân…nhưng không còn tự đồng hóa mình với danh sắc (thân-tâm) nữa. Chỉ những bậc thánh A-na-hàm (anāgāmīs) và A-la-hán (arahats) mới hoàn toàn đoạn trừ được tham và sân. Nhưng chỉ bậc thánh A-la-hán mới thoát khỏi ngã mạn (māna).
Nếu bạn thất vọng vì thấy mình vẫn còn thích nghe nhạc thì tức là bạn đang đòi hỏi ở mình quá nhiều, đang mong đợi quá nhiều. Song nếu bạn nhìn cái tâm thích đó và quan sát nó một cách bình thản, chỉ khi đó bạn mới thấy được nó như nó đang là. Thất vọng, buồn bực (mà thực ra đó chính là tâm sân) là người bạn đồng hành gần gũi của tâm tham và ngã mạn. Bởi vì bạn nghĩ: tôi là một thiền sinh, lẽ ra trong tâm tôi không nên có tham và ngã mạn khởi lên như vậy, và bạn thất vọng về điều đó. Mỗi khi có tâm tham hay sự ham thích khởi lên, hãy nói với nó: hãy ở lại để tao soi xét, nghiên cứu mày. Thực ra nghiên cứu nó rất là hay. Tâm tham là một nghệ sỹ ảo thuật vĩ đại nhất. Hãy học hiểu và thấy rõ cách chúng tạo nên những cảm giác ưa thích như thế nào. Cái tâm mình bị tâm tham lừa đảo đến mức chúng ta không thể thấy được nó như một nhà ảo thuật, chúng ta chỉ thấy nó là “mình”.
Cái tâm mình rất là lưu manh. Nó luôn luôn muốn thay đổi, muốn có cái gì đó khác biệt. Nó khao khát sự giải trí, khao khát sự kích thích. Buồn chán là một vấn đề rất lớn. Đó là điều hầu hết mọi người đang làm – chạy theo sự kích thích dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nếu không cảnh giác quan sát tâm mình, chúng ta có thể sẽ tự mãn bởi vì mình là người hành thiền, là Phật tử, là người hiểu biết Phật Pháp; là người biết đúng-sai, phải-trái…đó cũng lại là ngã mạn nữa.
Mỗi khi khởi sanh tâm ngã mạn, hãy sẵn lòng quan sát nó, hãy nhìn nó thật kỹ. Đừng cố xua đuổi nó đi. Quan sát thật rõ ràng là điều rất quan trọng. Mọi việc còn lại sẽ tự nó lo cho chính nó. Chỉ khi nào bạn đắc đạo quả A-la-hán thì mới hoàn toàn thoát khỏi ngã mạn cơ mà.
Đừng cố tập hạnh khiêm tốn; đó sẽ chỉ là sự khiêm tốn khiên cưỡng, ép buộc. Chỉ cần chánh niệm quan sát cái tâm ngã mạn đó. Nếu nhìn tâm mình thật rõ, bạn sẽ trở nên khiêm tốn một cách tự nhiên. Bạn sẽ không cảm thấy mình đang cố tập hạnh khiêm tốn nữa. Bạn trở nên ít kiêu mạn hơn mà không cần phải cố tình làm điều đó.
Không thấu hiểu về hệ quả trực tiếp của các trạng thái tâm thiện và bất thiện, bạn sẽ không thể biết trân trọng Pháp một cách thực sự.
Sự tuân phục bề ngoài đối với bất cứ
một phương pháp thực hành tôn giáo nào
cũng không bao giờ đem lại được kết quả
sâu sắc và lâu dài.
Thấu hiểu những phản ứng của tâm đối với mọi sự tiếp xúc qua 6 giác quan là rất quan trọng, nhất là sự ảnh hưởng của các tư tưởng, quan điểm và ý kiến và sự dính mắc đối với chúng.
Bạn có hiểu về các trạng thái tâm thiện (kusala) và bất thiện (akusala) của mình không? Tôi nghĩ đây là điều căn bản nhất của pháp hành. Tôi không muốn dùng từ tốt và xấu để nói về kusala (thiện) và akusala (bất thiện). Tôi không nói hiểu chúng bằng cách đọc trong sách hay bằng suy nghĩ. Mà hiểu chúng bằng cách thấy chúng trực tiếp trong thực tế. Thấy rõ sự khác biệt của chất lượng tâm khi có tâm thiện và khi có tâm bất thiện.
Đôi khi tôi thấy những điều này thật rõ ràng và hiểu ra rằng không đáng phải có những trạng thái tâm bất thiện đó trong tâm mình dù bất kể ở hoàn cảnh như thế nào.
Nhất định phải có một cách thức thích hợp
để đối diện với những hoàn cảnh khó khăn
mà không nhất thiết phải khởi tâm bất thiện.
Đó là trí tuệ - có thể sống trong bất cứ
hoàn cảnh nào mà không khởi tâm bất thiện.
Để có được trí tuệ đó, đầu tiên là chúng ta phải chánh niệm rõ ràng về những phản ứng của tâm mình trong tất cả mọi tình huống. Phản ứng của tâm mình với tất cả mọi thứ chúng ta nhìn, nghe…
Hãy nhìn bất cứ những gì đang diễn ra trong tâm mình mà không muốn nó phải khác đi, dù đó là bất thiện, không đáng ưa thích, không đẹp đẽ, không đáng mong cầu, hay cả tham, sân, dục vọng, hồ nghi, ngã mạn; và nhìn bất cứ những gì ưa thích đang diễn ra trong tâm mà không muốn bám víu, dính mắc vào chúng, không muốn kéo dài chúng thêm (dù đó là sự tĩnh lặng, bình an, hỷ lạc hay sự tỉnh giác, sáng suốt…). Điều này rất quan trọng.
Mỗi lúc tâm muốn kiểm soát tình huống (phản ứng, cản trở hay ngăn chặn những gì đang diễn ra, hay cố tạo ra, mang đến hay làm cho nó phải kéo dài), tâm sẽ bị mất quân bình.
Phản ứng là tâm sân. Níu giữ là dính mắc.
Nhưng không phản ứng không có nghĩa là
khuyến khích, và không níu giữ
cũng không có nghĩa là xua đuổi.
Chỉ đơn giản quan sát là chánh niệm.
Quan sát mà không tham dự vào những gì
đang diễn ra.
Chúng ta đã quá quen lúc nào cũng phải làm một cái gì đó, phải tạo ra một cái gì đó đến nỗi không thể hiểu được chỉ đơn giản quan sát là như thế nào. Chúng ta cứ muốn phải kiểm soát mọi thứ. Chúng ta muốn tham gia vào mọi việc. Chính vì vậy chúng ta luôn gặp rắc rối. Tôi không có ý nói rằng: đừng tham gia, đừng kiểm soát bởi vì khi đó thì bạn lại cố để không tham gia, cố để không kiểm soát. Cái đó thực ra cũng lại là kiểm soát nữa. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang cố kiểm soát, chỉ cần đơn giản ý thức về điều đó.
Thực ra, tôi ngày càng nhận ra rằng khi không có chánh niệm, cuộc sống rất phù phiếm, rất hời hợt và nông cạn. Chánh niệm đem lại chiều sâu và ý nghĩa cho cuộc sống.
Thật là khó để hiểu được những điều này. Mọi người đều nói họ mong muốn hạnh phúc. Thế nhưng, tại sao họ lại không thể hứng thú khi có chánh niệm thực sự cơ chứ? Chắc chắn là vì họ cứ nghĩ hạnh phúc nằm ở nơi nào đó khác kia, chẳng hạn như ở những thú vui dục lạc, thành đạt được những gì mình mong muốn, trở thành một nhân vật nào đó, leo lên được một địa vị nào đó hay có những tình cảm, những cảm xúc vui thú nào đó.
Con người ta (cả bạn và tôi) đều tìm kiếm một sự say mê nào đó, một cái gì đó kích thích mình (đối với tôi, đó là tri thức). Đôi lúc chúng ta muốn nghỉ ngơi, những sự kích thích đó làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Khi đó chúng ta muốn thực hành chánh niệm, muốn giữ cho tâm mình tĩnh lặng. Có lúc tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi, cảm giác bị kiệt sức, vì đọc sách, vì nói chuyện, vì suy nghĩ, vì dự tính, kế hoạch… quá nhiều…Tâm tôi quay lưng lại tất cả những thứ đó. Tôi thấy chúng mới vô nghĩa làm sao, vô ích làm sao. Những lúc như thế, chỉ để tâm đơn giản chánh niệm lại rất dễ. Vì vậy, tôi mong mình cứ bị kiệt sức như thế hoài. Cảm giác bị kiệt sức như thế cũng OK. Thái tử Sĩ-đạt-đa đã từng cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi với cuộc đời như vậy khi ngài rời bỏ gia đình đi xuất gia.
Điều rất quan trọng là điều chỉnh thân và tâm mình cho thật chuẩn, giống như khi bạn điều chỉnh chiếc xe của mình hay chỉnh sóng đài radio. Chỉ khi nào thân tâm mình ở điều kiện tốt, chúng mới trở nên nhạy cảm và có thể bắt được những bước sóng, những rung động và tín hiệu cần thu nhận.
Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải tìm hiểu xem mọi thứ tác động đến thân tâm mình như thế nào. Thức ăn, thời tiết, tập luyện thể dục, nói chuyện, đọc sách, các thú vui; tất cả đều ảnh hưởng đến thân tâm mình. Và cả thiền nữa. Thiền làm cho tâm mình trở nên nhạy cảm hơn.
Đối với những người tâm dễ bị phân tán, tốt nhất là giữ cho tâm mình bận rộn ghi nhận hết đề mục này đến đề mục khác; đối với những người định tĩnh và chánh niệm, chỉ cần để tâm mình quan sát bất cứ đề mục nào đến một cách tự nhiên.
Con người ta thích mơ mộng; họ không muốn chánh niệm, chánh niệm về hiện tại, bởi vì trong hiện tại thì chẳng có cái gì cho họ mơ mộng cả.
Nhìn xuyên thấu tâm mình và không tự lừa dối bản thân mình, giờ đây đó là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với tôi. Khi tôi không tin điều gì đó, điều quan trọng đối với tôi là phải thấy thật rõ: tôi đang không tin, chứ không cố bắt mình phải tin.
Tâm chúng ta luôn muốn đắm chìm trong quá khứ hoặc tương lai: nó chỉ chạm vào hiện tại một cách thật mơ hồ và mờ nhạt, nó không muốn ở trong hiện tại; lúc nào cũng tìm kiếm những cái làm mình phải phân tán tư tưởng – xem TV, nghe ca nhạc, đài đóm, ăn uống, nói chuyện, hút xách, đọc sách (ừ, đúng rồi, tôi quên mất…cả đọc sách nữa chứ) và vô số thứ khác nữa. Chúng ta có thực sự chánh niệm không?... có, nhưng mà…ha..ha… Chả trách tại sao chúng ta lại sống nông cạn và phù phiếm đến thế.
Chúng ta thường sử dụng chánh niệm chỉ như một loại thuốc giảm đau.
Chỉ khi nào cuộc đời quá đau khổ chúng ta mới tìm đến một nơi yên tĩnh mà hành thiền.
Còn không chúng ta rất bằng lòng với những thứ làm mình sống phân tâm và quên mình như thế.
Chúng ta không thể hoàn toàn thoát khỏi sân giận. Nó sẽ đến khi đủ nhân duyên cho nó sanh khởi. Tất cả những gì chúng ta làm được chỉ là ghi nhận cơn sân đang có mặt. Nếu bạn thấy ra thực tế rằng tất mọi người đều đang đau khổ, điều đó sẽ giúp bạn được rất nhiều khi đối diện với sân hận.
Phản ứng tiêu tốn rất nhiều năng lượng của chúng ta. Khi cơ thể ốm yếu, chỉ cần một suy nghĩ tiêu cực thôi cũng đủ làm cho bạn kiệt sức rồi.
Hãy xem bạn tự làm hại mình như thế nào mỗi khi buồn bực và bất mãn. Không có gì đáng để cho mình phải buồn bực cả. Hãy chánh niệm. Hãy nhìn sân chỉ là sân, không phải “sân của tôi”.
Đừng nói rằng bạn không nên giận. Điều rất quan trọng là bạn phải thực tế. Chúng ta ôm ấp những lý tưởng, nhưng có thể chẳng bao giờ đạt được lý tưởng đó. Nhưng như thế không có nghĩa rằng chúng ta không nên có lý tưởng. Mà nghĩa là chúng ta phải ý thức được về khả năng thực tế của mình. Vì vậy, chớ nên nản lòng trước khó khăn, thăng trầm. Hãy cố gắng chánh niệm càng nhiều càng tốt. Hãy cố gắng hết mình.
Trước kia tôi thường cảm thấy khó chịu và xấu hổ về những lỗi lầm của mình, xấu hổ vì mình không hoàn hảo. Trong một số trường hợp là do sự mong đợi phi thực tế của mọi người đối với tôi; và không ý thức được điều đó tôi gánh lấy cái vai diễn mọi người muốn tôi phải đóng. Điều đó là không thể được-phi thực tế; thậm chí nó còn nguy hiểm; nó làm tôi cảm thấy mình yếu kém. Nhưng giờ đây tôi đã học được cách sống cho chính mình.
Hãy chánh niệm, dù rằng đôi khi điều đó thật là khó. Khi nào bạn nghĩ rằng không thể chánh niệm được trong lúc này, đó lại là lúc quan trọng nhất để chánh niệm.
Mỗi khi tâm bạn bất an, hành thiền là điều quan trọng hơn cả. Khi bạn cho rằng mình không thể thiền được bởi vì tâm mình đang rối tung, mờ mịt – đối với bạn đó là lúc quan trọng nhất để hành thiền.
Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthāna Sutta), Đức Phật nói: “Vikkhittam vā cittam vikkhittam cittam pajānāti”(khi tâm bất an, vị ấy hay biết rằng tâm đang bất an). Không yêu cầu bạn phải làm nhiều hơn thế.
Đức Phật không nói rằng bạn phải cảm thấy tội lỗi vì mình đã tham hay sân. Bạn chỉ cần hay biết những gì đang diễn ra. Đừng tự lừa dối chính mình. Đó là tất cả những gì bạn cần làm. Hãy chánh niệm, nhưng đừng tự dằn vặt mình. Chấp nhận thực tế và sống thật với chính mình là điều quan trọng nhất.
Chỉ cần hay biết được trạng thái tâm của mình trong hiện tại như thế nào là đủ. Nếu bạn cố làm điều gì hơn thế, cuối cùng sẽ chỉ càng bất mãn và thất vọng thêm nữa mà thôi. Không thể kiểm soát được gì cả, và điều đó chính là vô ngã (anattā).Sadosam vā cittam sadosam cittam pajānāti. (Khi tâm có sân, vị ấy hay biết rằng tâm đang có sân)…pajānāti là hay biết một cách rõ ràng; chỉ thế thôi, không làm gì hơn thế. Để có một cái tâm tĩnh lặng và bình an trong mọi lúc là điều không thể có được đối với những người hàng ngày phải tiếp xúc với quá nhiều người.
Tôi hiểu, đọc một số sách vở Phật pháp hay nghe một số băng đĩa thuyết pháp có thể làm cho người ta có cảm giác tội lỗi. Lý tưởng quá cao. Chúng ta không thể với tới được. Chúng ta không cần phải cảm thấy tội lỗi khi hưởng thụ các thú vui của đời miễn là điều đó không làm hại đến người khác. Hãy nhìn xem bản chất của những thú vui ấy là gì.
Sukham vā vedanam vedayamāno sukham vedanam vedayāmi pajānāti. (Khi có một cảm thọ lạc, vị ấy hay biết rằng mình đang có một cảm thọ lạc). Cảm giác tội lỗi ở đâu mà đến? Ai dạy chúng ta phải cảm thấy tội lỗi mỗi khi hưởng thụ cuộc sống như thế? Đủ rồi!
Ngay cả khi biết rằng chánh niệm là điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm được cho chính mình, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên bị lạc hướng, phân tán tư tưởng vào việc này việc kia. Chúng ta muốn có cái gì đó kích thích mình.
Hãy quan sát tâm mình và xem nó đang làm gì. Nếu bạn thấu hiểu tâm mình, hầu hết mọi vấn đề của bạn sẽ biến mất, bởi vì hầu hết tất cả mọi vấn đề của con người đều do tâm tạo – không có cái gì có thực bên ngoài tâm mình cả.
Điều tốt đẹp nhất bạn có thể làm được là hãy chánh niệm, ghi nhận, hay biết trạng thái tâm của mình mà không đổ lỗi hay biện hộ cho bản thân; không muốn nó phải khác đi hay chạy trốn nó; không cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn vì nó.
Hãy nhìn tâm chỉ là tâm, không phải là “tâm của tôi”. Dù nó là “tốt” hay “xấu”, hãy nhìn nó chỉ là vô ngã (anattā); thấy rằng nó sanh khởi bởi vì có đủ điều kiện, nhân duyên cho nó sanh khởi, chứ không phải là tự thân nó sanh khởi. Không có gì là một người nào, là tôi, là của tôi ở đó cả. Tìm hiểu phiền não (kilesa) rất thú vị.
Mong cầu là nguồn gốc của thất vọng. Ngay tự thân mong cầu thôi cũng đủ làm cho tâm bất an rồi.
Có đôi khi tôi nghĩ, mong ước một cuộc sống lý tưởng: tĩnh lặng, bình an và hạnh phúc cũng khiến cho con người ta thậm chí còn thất vọng, bất mãn (về hiện tại) hơn nữa.
Những người sống một cuộc sống độc cư, lánh xa thế gian có thể có được một cái tâm quân bình, buông xả[28] (nhưng tôi thì không như thế). Nhưng khi bạn tiếp xúc với người đời (với những con người ích kỷ, không biết điều, những người chỉ quen lợi dụng bạn), bạn sẽ thấy rất khó để giữ được cái tâm xả ấy.
Sự tĩnh lặng của nội tâm là một điều kiện cần thiết để phát triển tuệ giác thâm sâu; nó trái ngược với sự xáo động, bất an. Không có gì sai khi có được sự tĩnh lặng cả, nhưng hãy cảnh giác với sự dính mắc vào tĩnh lặng – sự dính mắc ấy rất nguy hiểm. Tĩnh lặng làm cho tâm sáng suốt. Nó làm tươi mới tâm mình và giúp tăng cường chánh niệm.
Yoniso manasikāra (như lý tác ý, định hướng tâm một cách đúng đắn) là cận duyên (nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp) của các trạng thái tâm thiện (kusala). Không có như lý tác ý sẽ không thể có tâm thiện. Phi như lý tác ý (ayoniso manasikāra) hay định hướng tâm sai lầm là nguyên nhân của các trạng thái tâm bất thiện (akusala).
Tất cả chúng ta đều làm một công việc là tự ám thị mình mỗi ngày, nhưng hầu hết chúng ta không ý thức được điều đó. Một số sự ám thị đó là tích cực và tất nhiên một số là tiêu cực. Tự ám thị rất gần với thái độ.
Chẳng có gì thay thế cho chánh niệm được. Bạn nói: “Tôi biết những vấn đề khó khăn của mình sẽ biến mất nếu tôi tiếp tục thực hành chánh niệm”. Chúng ta thường nói “nếu, nếu, nếu…”. Cái gì khiến chúng ta cứ phải nói như thế? Tại sao lại “nếu”? Dường như chúng ta không muốn khó khăn của mình đi mất. Hoặc giả, chúng ta không thực sự tin tưởng là mình làm được điều đó, vì vậy tốt nhất là nói “nếu”. Điều đó giữ niềm hy vọng cho chúng ta. Nếu chúng ta thực sự làm điều nó mà không thành công, khi đó chúng ta không còn chút hy vọng nào nữa. Vì vậy, tốt hơn cả là chẳng dấn thân vào đó làm gì. Chỉ hy vọng thôi. Nếu bạn không thực sự làm, thì lúc nào bạn cũng có thể nói “tôi có thể làm được”. Đó là cách cái tâm đang lừa đảo mình. Để tự bảo vệ mình khỏi nỗi thất vọng, nó không bao giờ dám làm bất cứ việc gì hết mình cả.
Tại sao chúng ta phải cố để thuyết phục người khác tin mình?
Khi tôi trở về từ Mỹ, nhiều người hỏi tôi ở Mỹ có nhiều người theo đạo Phật không. Và họ rất mừng khi thấy người phương Tây cũng thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Nhưng chính họ thì lại chẳng thực hành. Tại sao họ lại vui mừng khi thấy người phương Tây theo đạo Phật?
Tại sao chúng ta vui mừng khi thấy người khác cũng tin vào điều mình đang tin?
Những quan điểm được nhiều người tin theo đem lại cho người ta cảm giác an toàn.
Con người thật tức cười.
Chúng ta không biết chắc chắn về cái gì cả.
Nhưng chúng ta biết rằng mình đau khổ.
Nếu tâm không rối mờ, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời.
Niềm hãnh diện tìm ra câu trả lời lại khiến mình mù quáng.
Hãy làm bất cứ việc gì bạn muốn làm. Hành thiền, xuất gia, sám hối. Bạn biết việc gì là tốt nhất đối với mình. Nếu tôi có thể cho bạn một lời khuyên, tôi sẽ khuyên: hãy chánh niệm.
Hãy thực hành thiền thư giãn. Rất đơn giản. Ngồi thật thoải mái, hoặc nếu có thể thì nên nằm xuống. Thư giãn toàn thân bắt đầu từ đỉnh đầu trở xuống, rà soát, phát hiện và thư giãn tất cả những phần căng cứng, nhức mỏi trên cơ thể. Khi bạn ý thức nhiều hơn về các cảm giác khó chịu, bạn sẽ học được cách thư giãn các cơ, và sự căng thẳng, đau nhức sẽ dần dần tan biến. Thư giãn tất cả các bộ phận trên cơ thể, không để sót một chỗ nào. Thậm chí cả bên trong nữa (các cơ quan nội tạng). Thư giãn một cách thật kiên nhẫn và chậm rãi, thư giãn đến tận các ngón chân và ngón tay, phía trước và phía sau cơ thể. Thư giãn một lần toàn bộ cơ thể và làm lại một lần nữa.
Trước khi xuất gia trở thành một nhà sư, tôi đã đọc rất nhiều sách thiền. Tôi nghĩ thế là mình đã hiểu hết về thiền. Sau khi xuất gia được một năm, tôi nghĩ: chỉ đến bây giờ mình mới hiểu thiền là gì, và sau khi xuất gia được ba năm tôi nghĩ: chỉ đến bây giờ tôi mới thực sự hiểu được thiền là gì. Mọi việc diễn ra như vậy đấy.
Khi còn trẻ tôi đọc rất nhiều sách viết về thám hiểm, và tôi rất thất vọng khi nghĩ rằng chẳng còn chỗ nào chưa được con người khám phá nữa cả. Kể từ khi tôi phát hiện ra thế giới nội tâm, tôi biết đây là một thế giới hoang sơ và đã từng có nhiều người khám phá. Rất nhiều người đến với thế giới này mà không có được phương tiện thích hợp và rồi bị lạc lối. Tôi có được một phương tiện tốt nhất – chánh niệm.
Nhiều lúc tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều người có tín tâm mà chẳng hề biết ngay cả những điều đơn giản nhất về chánh niệm. Một số người nói rằng đây là lần đầu tiên họ nghe nói rằng người ta có thể thực hành chánh niệm ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, dù đang làm bất cứ việc gì. Nhiều người nghĩ rằng chỉ nên thực hành chánh niệm khi ngồi thiền mà thôi, và không nên làm bất cứ việc gì khác khi đang hành thiền. Họ chỉ dành thời gian riêng biệt đó để hành thiền, họ không sẵn lòng quan sát tâm mình trong khi giao tiếp với mọi người.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người dành rất nhiều thời gian để ngồi thiền nhưng lại chẳng nhìn ra tham, sân, lòng tham muốn, sự tức giận, thói ngã mạn, ghen tỵ… trong tâm mình. Nhiều thiền sinh không hề nhận thức được tầm quan trọng của việc quan sát một cách trung thực những phiền não khởi sanh trong cuộc sống hàng ngày, trong quan hệ giao tiếp, trong khi chuyện trò với người khác. Tôi nhấn mạnh rất nhiều đến việc thực hành chánh niệm trong lúc nói chuyện – bởi vì đó là lúc mọi người ít chánh niệm nhất.
Hầu hết các thiền sinh đều có thời gian biểu ngồi thiền mỗi ngày. Họ ngồi thiền nghiêm chỉnh lắm, họ chọn một vài đề mục để quan sát như hơi thở hay sự phồng xẹp của thành bụng, hay sự xúc chạm hoặc cảm giác. Họ lựa chọn đề mục để quan sát (điều đó tốt trong giai đoạn đầu tu tập). Lựa chọn nghĩa là loại trừ (họ loại trừ một số đề mục ra, không quan sát chúng), chánh niệm nên phải bao hàm (toàn bộ các kinh nghiệm) chứ không loại trừ. Theo cách hiểu của tôi, trước tiên mọi người cần phải chánh niệm về các phiền não trong mình đã.
Bhāsite sampajānakārī hoti. (Người thực hành chánh niệm nói năng trong chánh niệm). Nói chuyện là một phần tương đối lớn trong cuộc sống của chúng ta. Tập chánh niệm trong khi nói chuyện vô cùng lợi ích. Nó không dễ nhưng không phải là không làm được. Hãy chánh niệm về những chuyện bạn muốn nói, và trong khi nói chuyện hãy chánh niệm biết môi mình đang mấp máy ra sao, âm điệu và âm lượng to nhỏ của giọng nói như thế nào, hay bất cứ những gì có liên quan.
Những đau khổ lớn nhất của con người là xuất phát từ những mối quan hệ. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải chánh niệm trong khi giao tiếp với mọi người. Chúng ta phải ý thức được thái độ của mình đối với những người mình đang quan hệ.
Quan sát thái độ của mình đối với tất cả mọi thứ là điều vô cùng quan trọng.
Nếu không có thái độ đúng đắn, chúng ta sẽ tạo ra vô số rắc rối. Những thiền sinh không nhìn thấy rõ thái độ của mình thường tự gây ra rất nhiều khó khăn.

CHƯƠNG 1: TÂM, CHÁNH NIỆM VÀ THIỀN
TUYẾT GIỮA MÙA HÈ
Sayadaw U. Jotika
Tỳ kheo Tâm Pháp dịch Việt

http://www.sutamphap.com/