Trà Đạo Bửu Long 27.08.2016 (Cách hiểu và hành lời Phật dạy)


Cách hiểu lời dạy của đức Phật

Hỏi: Thưa Thầy trong Kinh Pháp Cú phẩm Ngu, đức Phật có dạy:
Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.
Nếu vậy chỉ tìm bạn giỏi để chơi mà bỏ mặc những người kém hơn mình xung quanh thì có đúng không thưa Thầy?

- Trước hết cần khắc cốt ghi tâm rằng không phải lời dạy nào của Phật cũng đúng cho mọi trường hợp, vì đức Phật chỉ đối cơ mà dạy cho trường hợp đặc thù nhất định nào đó thôi.
Nếu hiểu lầm lời Phật mà áp dụng lung tung thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia” oan cho Phật lắm. Thí dụ hôm kia thầy ăn món canh nói với người nấu bếp là “canh này chua quá” thì chỉ đúng với thời điểm đó, canh đó, người nấu đó thôi. Bây giờ nếu cứ gặp canh nào cũng bắt chước thầy nói “canh này chua quá” thì còn đúng nữa không. Rồi ai hỏi canh này ngọt sao lại nói chua thì bảo “Thầy nói vậy mà” như thế có oan cho thầy không? 

Đức Phật luôn dạy đúng với thời-vị-tính mỗi tình huống đặc thù của người đang đối diện thôi, không phải áp dụng cho ai cũng được. Cho nên, mỗi bài kệ Pháp Cú đều có một câu chuyện đi kèm để cho người sau thấy rằng bài kệ đó được nói trong bối cảnh đó thôi. Như lời đức Phật dạy “không phải của ta” cho nàng Paṭācārā chỉ thích hợp với hoàn cảnh khổ đau mất mát mọi người thân của nàng nên nàng mới tỉnh ngộ, nếu đem nói với một ông vua đang lúc thanh bình thịnh trị thì mang hoạ!
Câu Pháp cú số 61 ám chỉ trường hợp trưởng lão Mahā Kassapa sống với một người đệ tử ngu ngóc, sân hận, đã làm sai không nghe lời dạy bảo còn nổi giận đốt luôn tịnh thất của trưởng lão, nên đức Phật mới dạy rằng Kassapa thà sống một mình còn hơn sống với kẻ ngu, chứ không có ý nói bỏ mặc người kém hơn mình, nếu bỏ mặc người kém hơn mình sao đức Phật lại mất công đi hoằng hoá độ sinh.

Giáo Pháp Nguyên Thủy và cách hành

Hỏi: Giáo Pháp và cách thực hành theo Phật Giáo Nguyên Thủy là tự tu, tự chứng để diệt khổ cho mình, như vậy có vị kỷ cá nhân không, thay vì tu trong hoạt động vị tha để giúp đời bớt khổ như Đại Thừa?
 
- Vấn đề là ở chỗ hiểu ý nghĩa của cuộc đời như thế nào. Nếu xem cuộc đời là môi trường giáo dục, huấn luyện, đào tạo để giúp mỗi người phát huy trí tuệ và đạo đức thì để cho mọi người tự mình trải nghiệm những khó khăn gian khổ mà giác ngộ giải thoát là tất yếu. Như trong trường huấn luyện quân đội chẳng hạn, người ta phải thiết lập nhiều tình huống khó khăn nguy hiểm để học viên phải vượt qua mới phát huy được khả năng chiến đấu. Nếu có một ai đó nghĩ rằng sao lại để cho những học viên này cực khổ như vậy rồi anh ta đưa ra dự án san bằng mọi hiểm trở để biến trường huấn luyện thành khu nghỉ dưỡng 5 sao cho học viên hưởng thụ thì còn gì là ý nghĩa của trường huấn luyện khổ nhục!
Vậy cuộc đời đau khổ chính là để mỗi người học ra bài học giác ngộ giải thoát, nên từ xưa đến nay chưa có vị Bồ-tát hay đấng Cứu Rỗi nào, dù lòng vị tha rộng lớn đến đâu có thể dẹp mọi thăng trầm cho cuộc đời bằng phẳng được cả. Trong lịch sử từ khi có loài người xuất hiện trên trái đất này có thời đại nào thực sự bằng phẳng chưa? Như thế, lòng vị tha không phải là “nguyện độ chúng sinh” bằng cách dẹp bỏ những khổ đau trên cuộc đời để mọi người đều được hạnh phúc một cách không tưởng, mà điều kiện tiên quyết là mỗi người phải tự khám phá ra nguyên nhân đau khổ nơi chính mình để tự giác rồi mới có thể chỉ bày cho người khác biết tự giác ngộ giải thoát ra khỏi nguyên nhân khổ đau do chính họ gây ra như thế nào.
Đó là lý do vì sao đức Phật chỉ khai thị chứ không cứu rỗi, vì nếu cứu rỗi cho mọi người thì họ không còn khả năng tự giác để vượt qua những thử thách chông gai, để tự mình phát huy trí tuệ và đạo đức được nữa. Tự giác không phải là ích kỷ mà phải có tự giác mới có thể giác tha. Một hôm đức Phật ghé qua một gánh xiệc, thấy hai cha con cùng biểu diễn màn xiệc giữ thăng bằng khi đang nhào lộn trên một sợi dây. Đức Phật hỏi người cha làm sao hai cha con cùng biểu diễn có thể giữ thăng bằng tốt, người cha trả lời trong khi biểu diễn con để ý giữ thăng bằng cho con của con. Khi đức Phật hỏi qua người con, anh ta trả lời con chỉ lo giữ thăng bằng cho chính mình. Đức Phật khen người con đã làm đúng.
Vì mải lo giữ thăng bằng cho người khác thì chính mình đã mất thăng bằng rồi! Cho nên khi đi máy bay hành khách được cảnh báo rằng hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi mới giúp trẻ em và người khác sau. Đức Phật dạy tự mình giác ngộ trước vì khi đã giác ngộ thì tất nhiên mình sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người. Nhưng dù lòng vị tha có lớn tới đâu thì thầy giáo cũng chỉ dạy cho học sinh cách học để các em biết siêng năng học tập chứ không thể học giùm, thi giùm cho các em khỏi khổ cực trong học hành được.



Tác giả: Th
ầy Viên Minh