TRÍ THÔNG MINH – TRÍ TUỆ

Thiền sinh: Con đang cố gắng để chánh niệm trên bất cứ những gì đang diễn ra. Thầy đã dạy chúng con là phải chánh niệm một cách thông minh. Xin thầy giảng kỹ hơn cho con một chút về vấn đề này ạ.

Thiền sư: Miễn là tâm bạn giữ được trạng thái quân bình, buông xả thì tất cả những việc bạn cần phải làm chỉ là để tâm mình rộng mở và thu nhận (tất cả những gì đang đến, đang diễn ra). Bất cứ cái gì đến, bạn phải tư duy về nó một cách trí tuệ (như lý tác ý). Là một thiền sinh hành thiền Vipassanā, trước hết bạn phải biết chấp nhận bất cứ điều gì đang diễn ra.

Bạn biết rằng bây giờ mình đang lo lắng, bây giờ mình đang đau ốm... Nhưng sau đó bạn phải tự hỏi lại mình: "Tôi sẽ phải làm gì với nó bây giờ đây?". Bạn phải đưa trí tuệ của mình vào đó. Phiền não sẽ không thể làm gì được nếu bạn dành sự ưu tiên cho trí tuệ. Bạn cần phải sử dụng cách suy nghĩ trí tuệ để quyết định, xử lý mọi việc; chỉ mỗi cố gắng chánh niệm thì không đủ đâu. Chỉ cố gắng mỗi như thế thì không đủ. Phiền não vốn ngự trị rất nhiều, rất mạnh trong tâm chúng ta, chúng rất có kinh nghiệm và rất ranh ma và sẽ luôn thắng lướt chúng ta nếu chúng ta không hay biết sự có mặt của chúng. Nếu không nhận rõ bộ mặt của chúng và đưa trí tuệ của mình vào, nhất định chúng sẽ chiếm hữu và làm chủ tâm mình ngay lập tức.

*** ***** ***

Thiền sinh: Thầy nói rằng trí tuệ, dưới dạng này hay dạng khác, luôn luôn có mặt mỗi khi tâm chúng ta vắng bóng tham, sân, si. Vậy bạch thầy, làm sao để con biết được trí tuệ này đang có trong mình?

Thiền sư: Trước hết bạn phải tự hỏi mình: "Mình có thực sự hay biết được sự việc, kinh nghiệm hiện tại không?”. Rồi hỏi tiếp: "Mình nghĩ thế nào về kinh nghiệm này? Cái nhìn, cách nghĩ của mình về nó ra sao?”. Nếu bạn nhận ra được chánh kiến (quan điểm hay cách nhìn đúng đắn) đang có ở đó, thì đó chính là trí tuệ đang làm việc. Nhưng rất có thể ngay phút sau đó bạn đã lại thấy có tà kiến khởi lên rồi, khi đó điều quan trọng là phải luôn để mắt đến nó. Những gì mình hay biết và kinh nghiệm được sẽ luôn biến đổi, chánh kiến, tà kiến luôn đến và đi, có rồi không, không rồi có, vì vậy bạn phải luôn quán sát, tìm hiểu các kinh nghiệm của mình trong từng khoảnh khắc, không để gián đoạn 1 giây phút nào.

*** ***** ***

Thiền sinh: Con đang suy nghĩ về sự khác nhau giữa cái gọi là thái độ chân chánh và Chánh Tinh Tấn trong Bát Chánh Đạo. Đối với con hình như chúng rất mâu thuẫn với nhau. Thái độ chân chánh khi hành thiền dường như chỉ là sự không can thiệp (vào những gì đang diễn ra), sự chấp nhận và để mặc sự việc diễn tiến tự nhiên theo nó. Mặt khác, Chánh Tinh Tấn lại cứ như là phải can thiệp; phải tinh tấn loại bỏ các bất thiện pháp đã sanh khởi và ngăn chặn các bất thiện pháp chưa sanh, nuôi dưỡng và phát triển các tâm thiện.

Thiền sư: Cái gì ngăn chặn phiền não sanh khởi và cái gì loại bỏ phiền não đã sanh khởi? Cái tâm nào làm việc đó? Chánh niệm không thể nào làm được việc đó, chỉ có trí tuệ mới làm được. Vì vậy khi Đức Phật thuyết giảng về vấn đề này, ý Ngài thực sự muốn nói là mọi người hãy phát triển trí tuệ để ngăn chặn và loại bỏ phiền não. Bởi vì không hiểu được lời dạy của Đức Phật nên chúng ta cứ nghĩ rằng chính cá nhân mình phải cố mà ngăn chặn và loại bỏ phiền não.
Chúng ta có thể sử dụng tinh tấn hoặc có thể sử dụng trí tuệ để thực hành đều được cả. Kinh Tứ Niệm Xứ dạy chúng ta phải sử dụng trí tuệ để thực hành. Nếu muốn sử dụng tinh tấn thì bạn vẫn cứ phải quán sát cái tâm của mình - bởi vì phiền não sanh lên từ trong tâm- và bạn phải quán sát tâm mình một cách liên tục nữa. Làm gì còn cách nào khác để có thể ngăn chặn được phiền não bây giờ? Bạn có luôn luôn có mặt ở đó mỗi khi có một tâm mới sanh khởi lên không? Nếu bạn làm được điều đó, thì hãy luôn có mặt ở đó, trong từng giây phút, từng sát-na, với chánh niệm, luôn luôn sẵn sàng, bạn sẽ ngăn chặn được phiền não không xâm nhập tâm mình. Bạn phải lấp đầy từng khoảnh khắc bằng chánh niệm, và điều đó đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, rất nhiều tinh tấn. Bạn phải là một thiền sinh thật nhiệt tâm và phải làm rất nhiều việc đấy. Bạn có nghĩ là mình có thể làm được 1 khối lượng công việc nhiều đến thế không?
Một phương cách khác là hãy cố gắng tu tập và phát triển những tâm thiện. Nếu luôn tu tập thiện tâm, những tâm bất thiện sẽ tự động bị thay thế. Thế nên Đức Phật mới dạy chúng ta không làm mọi điều ác, làm tất cả việc lành. Bạn có thể sử dụng cái tâm của mình trong mọi lúc để làm mọi thứ chánh: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Tư Duy. Nếu lúc nào tâm cũng đầy những cái Chánh như thế thì tâm bất thiện chẳng thể xen vào được. Chúng ta phải quán sát tâm mình suốt cả ngày, trong mọi lúc. Phải đeo cho nó một cái biển đề tên (để dễ bề coi chừng nó), luôn biết những gì đang diễn ra và làm việc với chúng. Đó là một công việc phải dành trọn cả thời gian. Khi bạn bận rộn làm việc tốt thì chẳng lấy đâu ra thời gian mà làm việc xấu cả.
Nếu muốn thực hành bằng tinh tấn, hãy chỉ nghĩ những ý nghĩ thiện, chỉ nói điều thiện và làm mọi việc thiện. Cái đó dành cho những người có tính cách thiên về tinh tấn. Đối với họ, phương pháp này rất hiệu quả bởi vì họ là những con người thích luôn phải làm một việc gì đó. Có những người trội về chánh niệm, họ rất nhạy cảm, tỉnh giác, rất sắc và luôn biết mình, những người như thế nên dành nhiều thời gian thực hành chánh niệm. Người thiên về trí tuệ nên sử dụng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Người có sức định tốt nên bắt đầu từ việc thực hành thiền chỉ (samatha) rồi sau đó chuyển sang thiền tuệ (vipassanā). Người căn tánh đức tin có thể bắt đầu bằng niệm ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng. Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp thực hành bởi vì có rất nhiều loại người, rất nhiều loại căn tánh khác nhau. Nhưng dù theo bất cứ phương pháp nào, nếu không biết tâm của mình, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thực hành được đâu.

Thiền sinh: Như vậy trí tuệ đến từ sự hiểu biết đúng không, chẳng hạn khi con nhìn cái tâm sân của mình...

Thiền sư:
Trí tuệ bắt đầu từ thông tin. Thông tin đúng về pháp hành chính là một phần của trí tuệ. Sau đó chúng ta sử dụng trí thông minh, khả năng suy luận lô-gíc của mình để tìm ra cách sử dụng những thông tin đã có. Tất cả những công việc này đều là hoạt động của trí tuệ cả. Biết cách làm một công việc gì đó, đó chính là trí tuệ. Thời Đức Phật, tất cả những người đắc đạo quả ngay sau khi nghe một bài pháp của Ngài đều là những người thuộc căn tánh tuệ. Những người còn lại thì phải tiếp tục thực hành nữa.
Trí tuệ là con đường nhanh nhất. Bất kể bạn bắt đầu bằng pháp hành nào, cuối cùng vẫn phải thực hành thiền tuệ vipassanā. Khi phiền não còn rất nhiều, rất mạnh trong tâm, đừng bao giờ cố nhìn hay cố hiểu cho rõ nó - đó là việc không thể làm được. Chúng ta chỉ có thể giữ chánh niệm về bất cứ cái gì đang diễn ra và thu nhặt được chút ít trí tuệ. Khi phiền não còn rất mạnh thì không thể phát triển tuệ giác sâu sắc được. Song nếu chúng ta cứ chịu khó thu nhặt từng mẩu vụn như thế, trí tuệ sẽ lớn mạnh dần. Càng có nhiều trí tuệ thì phiền não sẽ càng giảm dần.
Có một lần, 1 thiền sinh hỏi tôi rằng liệu người ta có thể bỗng nhiên "nhập vào" Niết Bàn một cách tình cờ được không. Chẳng bao giờ có chuyện đó đâu. Chẳng có lý do gì để được "tự nhiên" rơi vào Niết Bàn như thế cả. Bạn phải trả cái giá của nó chứ. Chỉ khi các nhân duyên đã đầy đủ thì quả mới trổ sanh. Hãy kiên nhẫn và thực hành một cách miên mật. Đừng nghĩ về nó và cũng đừng hy vọng nữa, cứ tiếp tục thực hành đi thôi. Nếu mình còn rất xa Niết Bàn, bạn sẽ biết và nếu đang đến sắp gần, bạn cũng sẽ biết ngay thôi mà.

Trích: CHỈ MỖI CHÁNH NIỆM THÌ KHÔNG ĐỦ - THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA