Tri Kiến Như Thật

Lời dạy của Ðức Phật không hề mang ý nghĩa đem lại cho chúng ta một thứ cảm giác sống "thưởng thức" nào cả, mà là nhắm đến khả năng hiểu biết như thật về bản chất của chính từng cảm nghiệm. Giáo lý của Ðức Phật mang một tinh thần chủ đạo là dạy ta khám phá tất cả ý nghĩa cái gọi là sự hiện hữu. Chúng ta sống thiền định là vứt bỏ đi những ảo vọng thành kiến, chận đứng cái căn cội đau khổ của kiếp người và thấu suốt được bản chất của vạn hữu. Ðây chính là một hướng đời độc lập...Chúng ta chỉ đơn giản sống trong sự tỉnh thức về hơi thở: Ðơn giản biết mình qua từng hơi thở vào ra, sống thật trọn vẹn với chúng. Nhưng chúng ta làm vậy để làm gì nào? Tôi nghĩ rằng mọi người ở đây rồi cũng sẽ có thể tự trả lời cho mình câu hỏi đó. Một khi tâm hồn đã trở nên yên lặng, khả năng chú niệm đã vững vàng hơn, đời sống của chúng ta lúc này sẽ là từng giây phút tỉnh thức và hết mình với tất cả những gì đang xảy ra...


Tri Kiến Như Thật

Trong buổi nói chuyện chiều nay chúng ta có thể bắt đầu từ câu chuyện về cuộc đời Ðức Phật. Hễ nói đến Ðức Phật, ta có thể nhắc về Ngài từ hai góc độ. Ðó là câu chuyện về một con người lịch sử hoặc một biểu tượng cho con đường tu học của chúng ta.
Trước hết chúng ta có lẽ nên nhắc lại đôi dòng về quảng đời trai trẻ của Ngài, lúc đó Ngài dĩ nhiên là một ông hoàng có trong tay tất cả mọi thứ: tài sản, kiến thức, thể hình và cả tình cảm nam nữ. Trong kinh kể lại rằng khi Bồ Tát vừa chào đời, vua cha của Ngài đã được các nhà thông thái cho biết trước cái định mạng phi thường của vị hoàng nhi. Họ cho biết rằng khi lớn lên, Bồ Tát sẽ chọn một trong hai con đường sau đây cho cuộc đời mình: Hoặc trở thành một vị đại đế hoặc trở thành một bậc đại ẩn sĩ. Cha của Bồ Tát dĩ nhiên chỉ muốn con mình sẽ trở thành một nhà vua. Mọi người trong hoàng cung đều ngày đêm chăm sóc Bồ Tát thật cẩn thận. Bất cứ cái gì xấu xí cằn cỗi của người hay vật đều được thu dọn, tẩy xóa. Không ai muốn hoàng tử phải nhìn thấy cái gì đó khả dĩ đánh thức ở Ngài cái tâm lý xuất gia.
Cứ thế hai mươi chín năm trôi qua, Bồ Tát xem như chẳng biết gì chuyện bên ngoài hoàng cung. Quanh Ngài trong suốt chừng ấy thời gian chỉ toàn là những gì sạch đẹp, trẻ trung, tươi mát. Một hôm, Bồ Tát bỗng dưng muốn rời cung để đi du ngoạn ngoại thành. Vua cha phải buộc lòng đồng ý và cho người đánh xe theo hầu Bồ Tát. Một cách bất ngờ, hình ảnh đầu tiên lọt vào mắt Bồ Tát là một người bệnh đang nằm quằn quại rên siết. Bồ Tát thấy lạ mới hỏi người đánh xe của mình để biết con người đó đang ra làm sao mà lạ lùng đến thế. Người đánh xe cho Bồ Tát biết rằng đó cũng là con người bình thường nhưng thân xác anh ta đang phải trải qua một tình trạng bất ổn và đau đớn. Bồ Tát lại hỏi để biết thêm rằng điều đó có là biệt lệ đối với riêng ai không. Người phu xe lại trả lời rằng đã trót có thân thì ai cũng thế. Câu trả lời này đã tạo nên một cú sốc trong lòng Bồ Tát.
Ngày hôm sau, Bồ Tát lại tiếp tục xuất thành ngoạn cảnh thì trên con đường Ngài đang đi lù lù xuất hiện một ông lão mà cả người gần như bị bẻ gập làm đôi vì chiếc lưng còng, gầy còm, run rẩy với một cái đầu chẳng khác gì chiếc sọ người chỉ còn lại lơ thơ vài nhúm tóc bạc trắng, tay chân cơ hồ như không thể cử động như ý được. Bồ Tát lại hỏi người xa phu và Ngài giật mình khi biết rằng tuổi già là giai đoạn bắt buộc của một kiếp người. Bị chấn động tâm lý mãnh liệt, Bồ Tát lập tức hồi cung. Ngày hôm sau, như ta đã biết, Bồ Tát lại tận mắt nhìn thấy một xác người để rồi một hình ảnh khơi gợi khác nữa cũng đã xuất hiện trên đường du ngoạn của Bồ Tát đó là một sa môn đang tọa thiền dưới gốc cây. Từng câu trả lời của người xa phu cho những câu hỏi của Bồ Tát đã khiến Ngài tìm ra cho đời mình một hướng đi.
Câu chuyện đại khái chỉ có thế, nhưng đối với chúng ta, thì câu chuyện đó có ý nghĩa gì không? Có phải đó chỉ đơn giản là câu chuyện xưa để dành kể riêng cho những con em của chúng ta, câu chuyện về một con người đã hai mươi chín tuổi đầu vẫn chưa một lần biết đến chuyện già cả, bệnh hoạn và chết chóc của con người?
Ðối với tôi, câu chuyện trên đây về cuộc đời của Ðức Phật có cái giá trị tuyệt vời là mô tả lại một cách trọn vẹn cái khả năng tỉnh thức của con người đối với những giới hạn của đời sống thuần cảm giác. Tôi có thể đã thấm thía vấn để này khi nhớ lại những ngày tháng mình còn ngồi ở trường Ðại học. Hồi đó tôi vẫn thường đặt cho mình những câu hỏi kỳ lạ lắm, những câu hỏi mang tính định phận. Chẳng hạn như: - Tất cả những gì đang hiện hữu trước mắt mình thật ra chúng là gì? Tất cả rồi sẽ đi về đâu, có một kết cuộc như thế nào? Rồi tôi vẫn thường lấy làm lạ về cái chết để cứ rối óc với những suy nghĩ bòng bong:

 - Liệu cái bằng cấp đại học có ý nghĩa gì không khi mà cho dầu tôi có trở thành một vị kỹ sư danh tiếng, một người giàu có rồi cuối cùng cũng chỉ đi tìm đến cái chết mà thôi. Kể cả trường hợp tôi có đột nhiên trở thành một chính trị gia siêu hạng, một luật sư lừng danh, một cái gì đó tuyệt đỉnh, hoặc thậm chí có trở thành một thiên thể có tuổi thọ hàng tỉ năm thì đã sao chứ? Tất cả chỉ là một dấu hỏi lớn - cái ác nghiệt nữa là cũng vào ngay thời điểm đó tôi lại cứ nhớ đến chuyện ca sĩ Jimi Hendrix đã vì dùng thuốc phiện quá liều mà chết.
Tôi vẫn không sao tìm thấy cho mình một câu trả lời nào thích đáng về cái chết. Tôi vẫn cứ phải tự dằn vặt mình với trăm ngàn suy nghĩ về cái viễn ảnh đời mình để rồi tiếp theo sau đó lại là những chuỗi dài những thao thức: Cái chết là gì? Tại sao tôi lại có mặt ở đây? Việc đầu tư thêm những kinh nghiệm về đời sống có ý nghĩa gì khi tất cả rồi cũng chết đi?
Những trăn trở đó đã khiến tôi không thể tiếp tục học hành được nữa. Tôi bỏ đi du lịch. Tôi muốn mình được thư giãn tinh thần trong một thời gian vì dù sao những chuyến viễn hành đó vẫn luôn có nhiều thú vị. Tôi đã đi qua khắp mọi xứ sở: Marốc, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi Ấn Ðộ... vậy mà đầu óc tôi trong những ngày tháng đó vẫn cứ rối bù những thao thức khôn nguôi: Tất cả chỉ có vậy thôi sao? Nếu tôi có hành hương đến những đền chùa, miếu mạo rồi ăn uống và sinh hoạt theo khuôn khổ của một dân tộc, tín ngưỡng nào đó thì đã sao chứ?
Thật ra lắm người cũng có đôi lần bị nhức nhối vì những câu hỏi này khi họ được tận mắt chứng kiến những thảm cảnh của đời sống như một đám tang, một con bệnh hay một ông cụ, bà lão nào đó. Hoặc cũng có thể nhờ vào những phút giây tĩnh tọa mang tính tôn giáo nên người ta có thể thỉnh thoảng nhớ lại những bi kịch của đời sống. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ hời hợt, những cảm nghiệm không mấy sâu sắc trong khi tất cả vẫn không ngừng biến dịch, phân hủy một cách mãnh liệt và trung thực như đã là thế tự bao giờ. Chúng ta rồi cũng chẳng đi đến đâu hết cho dù có bất cứ cái gì trong cuộc đời này đi nữa. Do đó câu hỏi "chỉ vậy thôi sao?" là cả một tiếng chuông cảnh báo cho đáy lòng thâm u mộng mị của chúng ta.
Cho dầu chúng ta có qua được khóa thiền mười ngày này trong một lý tưởng cao khiết nhất thì sau đó còn lại được cái gì chứ? Chúng ta vẫn phải trở về công sở, vẫn phải tiếp tục đối diện với cuộc đời, hoặc trở về Melbourne (Úc), hoặc Tân Tây Lan thôi. Tất cả rồi cũng chỉ là một vòng lẩn quẩn. Ðâu có một sự khác biệt nào giữa một cảm nghiệm thiền định với một chuyến rong chơi trên du thuyền? Tất cả chỉ là một con số không chua chát.
Lời dạy của Ðức Phật không hề mang ý nghĩa đem lại cho chúng ta một thứ cảm giác sống "thưởng thức" nào cả, mà là nhắm đến khả năng hiểu biết như thật về bản chất của chính từng cảm nghiệm. Giáo lý của Ðức Phật mang một tinh thần chủ đạo là dạy ta khám phá tất cả ý nghĩa cái gọi là sự hiện hữu. Chúng ta sống thiền định là vứt bỏ đi những ảo vọng thành kiến, chận đứng cái căn cội đau khổ của kiếp người và thấu suốt được bản chất của vạn hữu. Ðây chính là một hướng đời độc lập.
Ở đây, chúng ta đang tu tập về án xứ hơi thở. Chúng ta chỉ biết làm việc với nó mà không cần phải cực lòng với cái gì khác ngoài ta. Chúng ta chỉ đơn giản sống trong sự tỉnh thức về hơi thở: Ðơn giản biết mình qua từng hơi thở vào ra, sống thật trọn vẹn với chúng. Nhưng chúng ta làm vậy để làm gì nào? Tôi nghĩ rằng mọi người ở đây rồi cũng sẽ có thể tự trả lời cho mình câu hỏi đó. Một khi tâm hồn đã trở nên yên lặng, khả năng chú niệm đã vững vàng hơn, đời sống của chúng ta lúc này sẽ là từng giây phút tỉnh thức và hết mình với tất cả những gì đang xảy ra.
Chúng ta ít nhất cũng thấy được rằng sự tĩnh lặng của tâm hồn là cả một nguồn sinh lực, đồng thời cũng là một khả năng giao hòa giữa mình với thế giới chung quanh. Bên cạnh đó chúng ta còn có thể cảm nhận được cái không gian bao la mà pháp môn thiền định đã mang lại cho nội tâm mình. Chúng ta còn thấy được cả cái giá trị của đời sống tỉnh thức. Sự chú niệm của chúng ta lúc này không còn là một khổ công gò ép nữa. Chúng ta đã được tự do. Tự do trong sự chú niệm và trong cả đời sống, một đời sống luôn chú niệm mà vẫn tự do!
Chúng ta thường có thói quen thích nắm giữ trong tay mình càng nhiều thứ càng tốt. Trong khi đó, khi có cái để sở hữu thì chúng ta lại bị chính nó sở hữu. Tất cả những âu lo, bức xúc đều từ đó mà ra và như vậy thì coi như khả năng chú niệm của chúng ta đã bị đánh mất. Chỉ bằng vào sự ổn định nội tâm, chúng ta mới có thể tạo được cho riêng mình một phương trời riêng tư lồng lộng để tự do chú niệm, tỉnh thức.
Nếp sống đó đẹp lắm. Một khi đã tự có một bản lãnh tinh thần rồi thì sau khi rời khỏi thiền viện, chia tay với các thiền sư sau những thiền khóa, ta vẫn tiếp tục thiền định trong mọi hoàn cảnh. Thực tại nào cũng đều có thể là một án xứ cho ta cả: những hàng cây xanh, từng làn hương của hoa cỏ, những lối mòn kinh hành, đôi ba nụ sen đang nở trong hồ... Tất cả những cảm nghiệm ngọt ngào này luôn có cái giá trị làm bình ổn và thư giãn nội tâm chúng ta một cách hữu hiệu chẳng khác gì những trò giải trí mà ở Tân Tây Lan này người ta vẫn xem như phương cách tốt nhất để thư giãn tâm hồn, chẳng hạn các trò lướt ván hay đánh xe bò lên núi.
Nhưng thứ hạnh phúc có được từ những cách thư giản như vừa nói không phải là cứu cánh mà Ðức Phật đề nghị ở chúng ta. Ðời sống thiền định vào giai đoạn bắt đầu này, như chúng ta đang đi qua, có thể mang lại rất nhiều niềm hạnh phúc nhưng như thế cũng vẫn chưa đủ. Bởi cái hạnh phúc có được từ một nội tâm tĩnh lặng bất chừng không phải là thứ tự do thật sự. Nó chỉ là một thứ cảm nghiệm còn vướng kẹt bởi quá nhiều hạn cuộc mà nhất là cái tinh thần Tự Thị.
Sự tự do thật sự mà Ðức Phật đã nhấn mạnh phải là trình độ tự tại được nuôi lớn từ công phu tu tập Trạch Pháp Giác Chi. Chỉ có sự tự tại này mới khả dĩ đủ sức đình chỉ mọi xung động và căng thẳng của nội tâm. Niềm tự tại hay tự do ở đây không hề bị giới hạn ở bất cứ nơi đâu và lúc nào trong đời sống của chúng ta cả mà lại an nhiên tồn tại trong từng cảm nghiệm, trong mỗi mỗi phút giây hít thở của chúng ta.
Một trong những điều kỳ diệu nhất của đạo lộ này là chúng ta có thể hàm dưỡng và áp dụng nó ở bất cứ tình huống nào. Chúng ta không cần thiết phải đến giam mình trong một tự viện nào đó hay trong một điều kiện sống thuận lợi nhất định mà xem ra có vẻ là nhu cầu thiết yếu cho công phu thiền định hay nói chung là nếp sống thực hành chánh pháp. Chúng ta thật ra vẫn có thể tu học trong những hoàn cảnh đau buồn nhất. Chúng ta thường thấy rằng mỗi khi đau khổ thiên hạ mới bắt đầu nghĩ đến chùa chiền, tu viện. Rồi khi được hạnh phúc, thành công thì người ta lại quên mình đi, tự đắm đuối mộng mị trong những cái ngọt ngào đó để rồi khi một chuyện buồn nào đó xảy đến họ lại tiếp tục bối rối, hoảng loạn không biết phải làm gì.
Ðối với phần đông chúng ta, con đường tìm đến đạo Phật thường là những cảm nghiệm về sự đau khổ. Nó đưa chúng ta đi thiền định, trầm tư để đến một lúc nào đó chúng ta mới nhận ra rằng ngoài những đau khổ, người hành giả còn phải thiền định về cái gọi là hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là về lý thuyết. Trên thực tế, người ta cứ đi tu thiền để trốn chạy đau khổ, chứ có ai trong lúc đang được hạnh phúc nhất lại tìm đến các vị thiền sư để yêu cầu được hướng dẫn phương thức đối diện với cái hạnh phúc mà mình đang có được!
Có thể nói đời sống tu tập của phần đông chúng ta thường chỉ được bắt đầu từ những trăn trở nhức buốt. Chúng ta cũng đôi lúc biết nghĩ về những mặt trái xót xa của đời sống nhưng đó chỉ là một thứ tư tưởng mang tính công đoạn. Ở Tây phương, chúng tôi vẫn thường nhắc đến cái gọi là "Lý luận của tuổi trung niên".
Những ông bà nào ở vào độ tuổi bốn mươi, năm mươi thường có thói quen đưa ra những nhận xét về cuộc đời thông qua chính kinh nghiệm đời mình bằng một thái độ chủ quan gần giống như cái khái niệm trong câu thành ngữ của người Trung Hoa là "Tứ Thập Bất Hoạt". Người ta tin rằng mình đã có được một cái nhìn tổng quan chín chắn về cuộc sống để rồi dừng lại ở đó với cái yên tâm rất đỗi nông cạn của mình. Ðó là đối với những mảnh đời êm đềm không có biến động. Rồi đến một ngày nào đó, đối đầu với những thứ thách khốc liệt của kiếp người, người ta mới bắt đầu biết đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về đời sống. Có thể nói rằng chính nhờ đau khổ là cái mà mọi người vẫn cảm nghiệm thường trực, thậm chí nó gần như trải dài suốt cả đời sống con người nên thật hợp lý khi Ðức Phật đã bắt đầu truyền thuyết giáo lý giải thoát của mình bằng chính vấn đề đau khổ. Không ai có thể phủ nhận được điều đó cả. Và ta cũng có thể nói rằng đạo Phật chỉ đơn giản là một con đường khám phá đời sống thông qua tất cả nỗi khổ.
Lý tưởng cao nhất của nhân loại hôm nay là làm thế nào để giải quyết hai tiếng "đau khổ". Tất cả chúng ta đã vận dụng toàn bộ trí thông minh của mình để củng cố tối đa những hạnh phúc và hạn chế tối đa những đau khổ bằng cách nghĩ ra vô số những phát minh càng nhiều càng tốt. Nói đến đây tôi lại nhớ tới một bài học mà Ngài Hòa Thượng tôi đã có lần nhắc nhở với nội dung liên quan đến vấn đề này.
Hồi đó, lúc tôi còn là sa di sống chung chùa với Ngài Ajahn Chah, đời sống vật chất khó khăn lắm. Cả chùa chỉ xài toàn nước giếng, và chúng tôi phải thay phiên nhau đi gánh nước. Mà chuyện này lại là cả một vấn đề rắc rối, chúng tôi mến thích ai thì thường đi lấy nước chung với người đó. Biết được chuyện này, Ngài Ajahn Chah đã nói một câu gần như bâng quơ mà sau này tôi mới thấm thía.
- Tại sao mấy sư lại chọn người để đi lấy nước với mình, cứ thử cố gắng làm việc chung với những vị không phải là bạn thân có được không?
Ngài nói rất đúng, lúc đó tôi là một sa di nhanh nhẹn nên luôn cố tránh phải đi lấy nước chung với một tỳ kheo già chậm chạp. Nhiều lúc kẹt quá, tôi phải đi chung với vị này rồi có những lần dằn lòng không được tôi đã vất cái thùng đi như để trút cơn bực bội của mình. Như vậy rõ ràng là việc đi lấy nước chung với một vị sư mà tôi không thích đã thành ra cái khổ cho tôi. Và như lời Ngài Ajahn Chah nói, tôi chỉ luôn tìm mọi cách để làm những gì mình muốn. Ðó là cách dùng trí khôn của bản thân để củng cố tối đa những hạnh phúc và hạn chế tối đa những đau khổ. Nhưng dĩ nhiên là cho dù chúng ta có làm được điều mình thích, sở hữu được cái mình muốn, thì chúng ta vẫn phải tiếp tục đau khổ, bởi vì đâu có sự toại nguyện nào là mãi mãi đâu. Ðịnh luật vô thường luôn chi phối mọi sự mọi thứ trên đời. Chúng ta hãy tưởng trượng xem nếu có lần nào đó được ngồi lại một mình để ăn thỏa thích một món hợp khẩu nhất thì chắc chắn là chỉ ở đôi ba phút đầu tiên, cái ngon miệng kia còn là niềm hạnh phúc cho chúng ta nhưng nếu bữa ăn đó được kéo dài đến đôi ba tiếng đồng hồ thì cảm giác của chúng ta sẽ ra sao?
Nói như vậy thì chúng ta phải làm gì trước những đau khổ trong đời sống? Ðức Phật dạy chúng ta hãy dùng trí tuệ của mình nhìn thẳng vào nó một cách trung thực và khách quan. Ðây cũng là lý do tại sao chúng ta phải tự khép mình vào một nếp sống nghiêm túc như thọ trì Bát Quan Trai chẳng hạn. Cái thật sự cần thiết mà chúng ta phải thực hiện là nhìn ngắm cái đau khổ chứ không phải đầu tư cái hạnh phúc. Ðời sống xuất gia cũng có ý nghĩa tương tự như vậy: Chúng tôi mặc trên mình lá y là để có được cái tự do nhìn ngắm vào những đau khổ chứ không phải mù quáng chán ghét, chối bỏ nó bằng một tinh thần yếm thế bi quan.
Các vị có biết không, ở đất Tây Phương thì việc mặc lên người thứ áo tu sĩ như chúng tôi là cả một vấn đề. Bên đây đâu giống như bên Thái. Lần đầu tiên sang Luân Ðôn tôi đã cảm thấy khó chịu vô cùng. Hồi còn là một người cư sĩ tôi luôn ăn mặc giản dị để khỏi phải bị ai dòm ngó, vậy mà khi đã xuất gia rồi, chính những y áo này lại đã khiến tôi trở thành điểm chú ý cho thiên hạ. Phải nói rằng đó là cái khổ cho tôi. Tôi đã mặc cảm ghê gớm lắm. Người ta ở đây cứ nhìn theo tôi hoài. Nếu bây giờ tôi cứ sống theo cái ý tưởng "Trốn khổ tìm vui" thì chắc là tôi phải sắm cho mình một bộ đồ tây và gầy lại bộ râu như ngày nào rồi. Nhưng tôi đã không thể làm vậy vì tôi đã là một người xuất gia phải giữ gìn các học giới. Mà đời sống xuất gia thì dĩ nhiên đâu có thể cho phép tôi được tùy tiện sống theo thị dục của mình chứ, phải nói rằng trong hình thức một tu sĩ Phật giáo như thế này tôi đã thật sự học hỏi được quá nhiều thứ.
Tất cả chúng ta ở đây đều đa đoan cả. Ðó là những bận rộn về gia đình, công việc... và đó có phải là những giới hạn trong đời sống của chúng ta hay không? Chúng ta phải làm sao để xử lý mọi việc? Thay vì bị cuống cuồng trong những giới hạn đó rồi nỗ lực và hy vọng những vận may kỳ tích xuất hiện thì tốt nhất ta hãy tự xem chúng là những cơ hội để hàm dưỡng trí tuệ. Nhưng chúng ta khéo léo, biết đối diện với thực tại để nhận ra bản chất đau khổ của đời sống thì quả là đáng quý, mà nếu không khéo ta lại tự mang lấy vào lòng mình một sự đau khổ khác trong khi chỉ riêng những đau khổ thực tế ngoài đời đã là quá nhiều rồi. Tôi nhắc lại, Ðức Phật chỉ đề nghị chúng ta lắng nghe một cách trung thực những đau khổ trong đời sống chứ không phải tạo ra thêm trong đời sống những đau khổ.
Trong thiền khóa này, vào những giờ thiền tọa, rất có thể quí vị đã có những giây phút cảm thấy tù túng và bị phóng tâm rồi cứ trông chờ tiếng chuông reo ở cuối giờ thiền định. Ðiều đó rõ ràng đến mức ai cũng có thể ghi nhận được cả, phải không? Nếu chúng ta cảm thấy mình không thể tiếp tục ngồi được nữa thì vẫn có thể tiếp tục bước ra ngoài để đi kinh hành. Nhưng nếu trong oai nghi này ta vẫn tiếp tục cảm thấy bất ổn thì sao? Rồi ta lại có thể nghĩ đến những phương cách khác để chấm dứt tình trạng này như xem ti vi hay đọc những trang sách báo nào đó chẳng hạn. Nhưng rồi nếu như tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn thì chẳng lẽ chúng ta lại phải lao mình vào trăm ngàn cách giải quyết khác hay sao? Ðến mức này chúng ta đã có thể thấy rõ rằng nội tâm của mình quả là chẳng yên tĩnh tí nào: Nó luôn đầy ắp những bôn ba, xao động. Lý do đơn giản là chúng ta chỉ biết nhắm mắt theo đuổi cái hạnh phúc và trốn chạy cái đau khổ. Mà thái độ đó lại chỉ là một cách trưởng dưỡng những phức loạn, đau khổ trong đời sống của chúng ta thêm thôi.
Dạy về Ðế Khổ, Ðức Phật không hề khuyên bảo chúng ta tầm cầu và giữ lại một cảm nghiệm nào, mà thay vào đó là thái độ nhìn ngắm trực tiếp cái khổ. Chúng ta có thể thiếu niềm tịnh tín nơi Ðức Phật nhưng chắc chắn rằng ai cũng có thể thấy sự đau khổ là một thực tế không thể chối bỏ. Không ai có thể nói mình chưa từng bị đau khổ hoặc chưa hề nghĩ đến nó bởi thực ra trong từng giây phút chúng ta vẫn cảm nhận đau khổ, chấp nhận nó như một điều không thể tránh được. Cho nên nói sao thì nói, đau khổ vẫn là cái gì đó hiện hữu thường trực trên cuộc đời và trong từng người.
Giáo lý Tứ Ðế còn cho ta biết thêm rằng bất cứ đau khổ nào cũng có một nguồn cội và khả năng chấm dứt. Có rất nhiều người Tây phương vẫn nghĩ rằng Phật giáo là yếm thế vì nội dung giáo lý hầu như chỉ nói về sự đau khổ. Nhớ lại hồi đó, trong thời gian còn sống ở Ấn Ðộ, tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc trở thành một nhà sư Phật giáo. Thế rồi vì bà tôi qua đời nên tôi phải trở về Ðức Quốc dự đám tang. Nhân dịp đó, tôi đã nói chuyện với mẹ tôi về ước muốn xuất gia của mình. Khi tôi nhắc đến khái niệm "Ðời là bể khổ" thì bà ngạc nhiên lắm. Xưa nay bà vẫn quen xem những đau khổ trong cuộc đời là một chuyện hết sức bình thường không đáng để bận tâm. Bà đã gần như không hiểu tại sao tôi lại muốn "chạy trốn" đau khổ khi đó chỉ là những gì mà ai trong cuộc đời cũng phải đi qua.
Rõ ràng là Ðức Phật không chỉ biết nói riêng về cái đau khổ. Ngài đã đề cập đến một cách trọn vẹn những gì cần thiết và có liên quan với nó nữa, đó là nguyên nhân của đau khổ, cứu cánh thoát khổ và con đường dẫn tới cứu cánh đó. Giáo lý của Ðức Phật có nội dung là nhắm tới Níp Bàn, một cứu cánh tịch tịnh và tự tại. Ðây cũng là những gì mà các nghệ nhân đã cố gắng thể hiện trên tranh tượng về Ðức Phật. Như quí vị cũng thấy đấy bức ảnh Phật trước mặt chúng ta ở đây đâu phải là hình ảnh của một "Ðức Phật đau khổ" mà đây chính là ảnh tượng của một "Ðức Phật trí tuệ và tự tại".
Ðể đạt được mục đích giải thoát, chúng ta phải thực hiện những gì cần thực hiện chứ không phải tự đáp ứng tất cả những gì mình muốn. Trên quan điểm thế tục, chúng ta thường tầm cầu những gì mình muốn và Níp Bàn kể ra cũng là cái mà người Phật tử chúng ta vẫn MUỐN dù có khi chưa biết nó là cái gì. Nhưng có điều là vấn đề ở đây có khác biệt nhau ở cách thỏa mãn các ước muốn. Khi chúng ta đói, chúng ta có thể tìm quán chợ mua cái gì đó để ăn uống. Rồi đến cả những nhu cầu khác nữa, khi cảm thấy cần được thỏa mãn thì chúng ta chỉ việc tìm cách đáp ứng. Còn đối với trường hợp chúng ta MUỐN đạt đến cứu cánh giác ngộ thì đây lại là một nhu cầu hết sức khác biệt và cách giải quyết cũng không giống như bất cứ một kiểu làm thỏa mãn nào. Bởi nếu Níp Bàn chỉ đơn giản là một đồ vật như nhà cửa, xe cộ thì cuộc tu có lẽ sẽ dễ dàng hơn, nhưng cái ác nghiệt là Níp Bàn không phải là vậy, vi tế và trừu tượng khôn cùng. Cứu cánh Níp Bàn luôn đòi hỏi ở chúng ta một khả năng trí tuệ đúng mức mà thuật ngữ Phật Học gọi là Trạch Pháp Giác Chi.
Cho nên kể từ bây giờ, tất cả trí tuệ của chúng ta không phải để củng cố tối đa hạnh phúc và hạn chế tối đa đau khổ nữa, mà phải được tập trung cho cái nhìn như thật về đau khổ. Chúng ta phải vận dụng tất cả trí tuệ của mình để suy tư tinh tường về mọi vấn đề, chẳng hạn như đối với câu hỏi "Tại sao tôi lại đau khổ?". Ta hãy thử nhìn xem, chúng ta đâu thể để mặc tư tưởng của mình bồng phiêu, trôi dạt vô định hướng - bởi từng dòng tư tưởng luôn có thể tự mang một giá trị rất quan trọng đối với cuộc tu. Nhưng dĩ nhiên ta cũng hiểu thêm rằng nếu chỉ với những tư tưởng mù mịt, vọng động thì ta không thể nào thực hiện được lời dạy của Ðức Phật. Việc điều hành tư tưởng là một vấn đề của nội tâm nên chúng ta phải tự giải quyết lấy với chính mình chứ trình độ tu chứng không thể nào được xác định và đảm bảo thông qua một bằng cấp học vị nào.
Lần đó, khi còn ở Anh Quốc chúng tôi đã đến viếng thăm một người Phật tử ở Lancaster. Ông ta là một học giả về triết học tánh Không, thuộc lòng nguyên văn bộ luận Trung Quán của Long Thọ. Ông muốn mời chúng tôi uống cà phê và tự tay pha chế lấy. Cầm lấy tách cà phê từ tay ông, cả chủ khách đều bật cười. Thì ra trong mấy chiếc tách đó chỉ có đường và sữa mà chẳng có một chút cà phê hay một giọt nước nào hết. Ông ta đã là một bậc thầy trong cái dòng triết học vẫn được xem là hết sức cao siêu ấy lại không có nổi một chút chánh niệm để pha cho xong một tách cà phê. Như vậy cái gọi là Trí tuệ trong Phật giáo không chỉ đơn giản là sự tích lũy đầy ắp những thứ khái niệm, kiến thức. Trí tuệ Phật giáo phải có một nội dung căn bản hơn thế rất nhiều, đó chính là cái căn bản được thiết lập trên khả năng thực chứng.
Trí tuệ của người Phật tử, nói khác đi, chính là cái khả năng khám phá đời sống và biết đặt ra những câu hỏi thật sự quan trọng, cần thiết. Chúng ta phải học được cách vận dụng tư tưởng để chỉ đạo nội tâm hướng về con người chín chắn. Chúng ta phải có trách nhiệm khám phá và phơi mở nội tâm trong mọi hoàn cảnh sống. Cái khả năng phơi mở này được song hành với những dấu hỏi chính đáng thì sẽ thành ra cái mà chúng ta vẫn gọi là pháp môn Thiền Quán: Trí tuệ thấu suốt sự hiện hữu của bản thân. Ý thức của chúng ta lúc này bao gồm những kiến thức về giáo lý và trí tuệ trực quan đối với các cảm nghiệm trung thực nhất. Với trình độ này, coi như chúng ta đã sở hữu được những khả năng phơi mở, chú niệm và tri kiến như thật về vạn hữu. Ðây cũng chính là trí tuệ về Giáo Lý Tứ Thánh Ðế mà từ lâu vẫn được nhấn mạnh đặc biệt trong đường lối tu chứng của Phật Giáo truyền thống.
Nói như nãy giờ thì trí tuệ trực quan về Khổ Ðế có phải là hoàn toàn phủ nhận tất cả mọi sự đầu tư với một cảm nghiệm nào đó hay không? Thực ra ở đây chúng ta phải hiểu rằng trí tuệ đó chính là sự đón nhận một cách tương ứng cái đau khổ của chúng ta, gồm luôn những xung đột và mâu thuẫn nội tại. Trí tuệ của người hành giả không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi cảm nhận được rằng mình đang đau khổ, vị ấy lại tiếp tục đặt ra cho mình câu hỏi tiếp theo về cội nguồn thật sự của cái đau khổ đó. Ðức Phật đã dạy chúng ta rằng tất cả đau khổ cũng đều nằm trong quy luật vô thường: Ở đây quí vị có thể lấy tôi làm một hình ảnh minh họa cho vấn đề vừa nói. Chẳng hạn như sau đôi ba mươi phút thiền tọa tôi lại cảm thấy khó chịu rồi dĩ nhiên tôi sẽ tự xét lấy nguyên nhân của cảm giác đó. Khi hiểu được mình đang bị tê mỏi, tôi lập tức thay đổi oai nghi và nhờ vậy mà cảm thấy dễ chịu hơn. Thế rồi ngay trong chính oai nghi vừa được thay đổi này, vài mươi phút sau, tôi lại thấy bất ổn như cũ. Thế là đến đây thì tôi đã có thể thấy được rằng mọi cảm giác của mình trong thời gian vừa qua chỉ là những mảnh vụn chắp nối. Rồi tôi lại ghi nhận thêm đôi điều khác nữa: Tôi thấy mình KHÔNG MUỐN cái bất an, mà chỉ MUỐN cái thoải mái. Như vậy từng giây phút đau khổ kia thực ra chẳng là gì cả, mà vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có thái độ từ chối nó mà thôi. Phải nói rằng trí tuệ Thiền Quán của chúng ta lúc này đã đến được cái giai đoạn lý tưởng lắm rồi, chỉ có điều là tuy nó có sâu thẳm thật đấy, nhưng sâu thẳm một cách chua chát và đầy thử thách. Chính trình độ trí tuệ Thiền Quán này mới khả dĩ mang lại cho ta một sức mạnh vừa đủ để hòa giải với tất cả đau khổ mà không cần thiết phải chạy trốn chúng nữa. Nội tâm hành giả lúc này sẽ tự nhiên bình ổn và tĩnh lặng.
Như vậy, nói cho cùng thì vấn đề căn cội mà nãy giờ chúng ta vẫn bàn đến không phải là cái cảm giác đau đớn mà chính là thái độ chối bỏ, trốn chạy một cảm giác nào đó mà thôi. Ước muốn là một vấn đề rất quan trọng và nó xuất hiện trong nhiều hình thức. Nhưng chẳng sao hết, chúng ta vẫn luôn có thể áp dụng trở lại phương pháp quán chiếu "Tôi đang muốn gì trong lúc này đây?" - Thánh Ðế thứ hai dạy cho chúng ta biết rằng cội nguồn của những đau khổ chính là lòng ham muốn. Chính nó đã khiến ta có cái cảm giác rằng mình sẽ được đáp ứng thỏa mãn nếu chiếm hữu được những gì vẫn mong mỏi. Nó làm cho chúng ta phải bù đầu với biết bao ước vọng: "Nếu như tôi có cái này, giá mà tôi trở thành cái kia, chứ phải tôi tránh được điều đó...". Ðại khái, lòng ham muốn của chúng ta là cả một dòng luân hồi bất tận: Khao khát và sợ hãi, trốn chạy rồi cũng quay đầu, kiếp sống này đầu tư cho kiếp sống khác, bất tận và vô chung.
Nói vậy không có nghĩa rằng cuộc luân hồi là tuyệt đối bởi chính Ðức Phật cũng đã từng nói đến một con đường giải thoát, đó là điểm dừng lại của tất cả đau khổ. Thuật ngữ Phật học gọi đó là Diệt Ðế hay Níp Bàn. Khi mới học về vấn đề Níp Bàn tôi chỉ hiểu mơ hồ rằng đó là trạng thái vắng mặt hoàn toàn tất cả phiền não. Từ cách hiểu đó, tôi lại nghĩ thêm rằng chỉ cần tôi đoạn trừ tất cả tham, sân, si thì coi như tôi đã là Níp Bàn rồi vậy. Thế là tôi cố gắng thiền định với cái lý tưởng sai lầm đó của mình và cái mà tôi đạt được chẳng là gì cả ngoài ra một thứ ngộ nhận trầm trọng thêm thôi.
Rồi theo thời gian, tôi tiếp tục thiền định và đã khám phá ra rằng sự chấm dứt đau khổ mà Ðức Phật đã nói đến trong Diệt Ðế còn có nghĩa là sự "đình chỉ" mọi sự ngay khi chúng vẫn còn đang tồn tại. Nhờ vậy, tôi đã trở nên điềm đạm và bình tĩnh hơn, không còn nghĩ về Níp Bàn hay cứu cánh giải thoát bằng cái ước muốn bồng bột, nông nổi nữa. Bởi vì trong cuộc tu, điều chúng ta cần làm không phải là một sự giải quyết manh động nào hết, mà là một thái độ bình thản "an trí" mọi phức loạn cho đến khi nào chúng tự hủy, tự diệt thì thôi. Chẳng hạn như trong trường hợp tôi đang có chuyện cãi vả với ai đó, nếu cả đôi bên cứ xử sự theo cơn nóng giận của mình thì có lẽ cả hai sẽ phải đánh nhau mất thôi. Hoặc nếu lúc đó tôi còn chút bình tĩnh để trở về phòng mình mà trong lòng vẫn cứ ấm ức thì xem ra cơn giận dữ kia vẫn tiếp tục tồn tại vì rõ ràng là tôi vẫn đang có thái độ đối kháng với nó. Có thể nói đối với các phiền não đều như vậy cả: Một khi ta buông mình theo chúng hoặc cố tình tống khứ chúng thì chúng vẫn không sao chấm dứt được. Ngọn lửa phiền não vẫn tiếp tục cháy!
Giáo lý Thánh Ðế dạy ta bốn vấn đề: Sự đau khổ, cội nguồn của đau khổ, điểm chấm dứt của đau khổ và con đường đưa đến điểm chấm dứt đó. Chúng ta có thể đem tinh thần của Tứ Thánh Ðế để áp dụng vào cuộc tu thường nhật của mình. Trong bất cứ tình trạng bất ổn nào của nội tâm, chúng ta đều có thể cảm nhận chúng bằng một trí tuệ tương ứng: "Tại sao tôi khổ? Tôi thật sự đang muốn cái gì?" Tôi nhắc lại, đó là Trạch Pháp Giác Chi.
Cái tối quan trọng trong cuộc tu của người Phật tử là khả năng áp dụng triệt để những lời dạy của Ðức Phật chứ không phải là sự đầu tư những kiến thức từ chương. Ngài Ajahn Chah thường nói rằng người Phật tử không nỗ lực tu tập thì giống như những con kiến bu quanh bên ngoài một trái xoài chưa gọt vỏ. Bầy kiến đó không bao giờ thưởng thức được vị ngon ngọt của trái xoài. Thỉnh thoảng, chúng ta nghe được ở đâu đó đôi ba điều về giáo lý của Ðức Phật rồi chủ quan tự mãn mình đã "Hiểu Ðạo". Trong khi đó giáo lý của Ðức Phật đâu phải chỉ đơn giản là một hệ thống tri thức để nghe và nói, mà yêu cầu cốt lõi của lời dạy Ðức Phật là đề nghị chúng ta phải hiểu biết về từng cảm nghiệm trong đời sống.
Ðến đây thì chúng ta đã hiểu được rằng trí tuệ của bản thân mỗi người không chỉ đơn giản được vận dụng để "tìm vui trốn khổ" một cách nông cạn, mà nó phải được sử dụng để tìm đến cái phương trời tự do cho nội tâm, vượt qua bên kia tất cả giới hạn nhận thức theo phàm tình để rồi chứng ngộ Níp Bàn. Chúng ta sử dụng trí tuệ của mình để tìm đến tự do chứ không phải bỏ mặc cho nó trở nên vô dụng, dùng nó để giải phóng tư tưởng chứ không phải để tầm cầu hạnh phúc. Trên tinh thần giác ngộ, chúng ta coi như phải vượt qua cả hai giới hạn hạnh phúc và đau khổ. Ý nghĩa của đời tu là thấu suốt tất cả cảm nghiệm chứ không phải đầu tư bất cứ cảm nghiệm nào. Ðây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Ðó là tất cả những gì mà tôi muốn gởi lại cho các vị trong đêm nay.

Tiểu sử:

Ðại đức Viradhammo (Vitauts Akers) sinh năm 1947 tại Esslingen, Ðức Quốc. Lúc lên năm tuổi, đại đức theo gia đình sang sống bên Toronto (Canada). Tuổi trưởng thành, đại đức theo học ngành cơ khí ở đại học Toronto nhưng rồi do chán nản nếp sống máy móc, đại đức đã quay về Ðức làm việc, lúc đó là năm 1969. Do điều kiện sống đưa đẩy, đại đức đã trôi dạt qua tận Ấn Ðộ và gặp được sư sa-di Bodhesako (đã qua đời). Sư Bodhesako giới thiệu với đại đức các tác phẩm Phật học của Ngài Nàvavìra. Chính từ nhân duyên này, đại đức đã đi qua Thái Lan rồi tu sa di tại chùa Mahathat, sau đó, năm 1974, đại đức đã thọ giới tỳ kheo tại chùa Pah Pong và trở thành một trong những vị sư Tây phương đầu tiên đến sống ở chùa Nanachat.
Sau bốn năm tu học ở Thái Lan, đại đức Vìradhammo đã trở về Canada và Ðức để thăm viếng gia đình (1977). Rồi cũng như trường hợp đại đức Tiradhammo, chưa kịp về lại Thái Lan thì đại đức Vìradhammo đã được Ngài Ajahn Chah cử sang tiếp tay các huynh đệ ở Anh Quốc hoằng pháp. Ở cả ba ngôi chùa Hampstead, Chithurst và Harnham đều có công lao phù trợ của đại đức.
Năm 1985, theo lời mời của Hội Phật Giáo Nam Tông Wellington, đại đức Vìradhammo đã cùng đại đức Thanavaro bay sang Tân Tây Lan. Trước tiên, hai vị sống tại thành phố Wellington, hai năm sau thì tìm được một miếng đất cách đó 9 km, rộng 43 mẫu, nằm trong thung lũng Stokes Valley. Chính tại đây, một ngôi chùa mang tên Bodhinyanarama được xây dựng vào năm 1987 và trở thành địa điểm tổ chức giới đàn tỳ kheo do đại đức Sumedho đích thân làm hòa thượng đàn chủ.
Ðại đức Vìradhammo hiện vẫn sống tại châu Úc để tiếp tục các cuộc thuyết giảng mỗi tháng ở Auckland và South Island.
Bài viết sau đây là một thời pháp của đại đức trong một khóa thiền được tổ chức tại Bangkok cho các Phật tử người Thái vào tháng 6 năm 1988.

Trích Họ đã nghĩ như thế
Tuyển tập các bài viết những đệ tử phương Tây
của Ngài Ajahn Chah
Dịch giả: Giác Nguyên

http://www.trungtamhotong.org/