THIỀN ZEN - TRI KIẾN PHI KIẾN

Thiền không có bắt đầu và kết thúc....khi chưa tỏ ngộ, chưa nhận ra bản tính tịch nhiên vắng lặng chiếu soi nơi mình, thì chưa thật sự tham thiền, chưa biết thiền là gì và vẫn còn đứng ngoài ngưỡng cửa thiền. Mọi hành vi tạo tác của chúng ta dù có tinh vi khôn khéo đến đâu, thì cũng chỉ là sự cân nhắc tính toán dọ dẫm của ý thức mà thôi, nên không thể tránh khỏi vụng về dại dột lầm lẫn và đưa đến xung đột. Khi tỏ ngộ được tâm thái tự do, an nghỉ tuyệt đối của tự tâm, thì khi ấy cuộc sống mới tràn đầy ý nghĩa, và mọi động thái luôn được soi sáng. Một tầm nhìn mới về nhân sinh và vũ trụ được mở ra; thấy cõi đời không là biển khổ nữa, mà là một bức họa lung linh mầu nhiệm, một bản hợp tấu tuyệt vời. Chúng ta không nhìn đời bằng ánh mắt hoang vu, mà bằng đôi mắt bình đẳng và tràn đầy yêu thương chân thật.

Mỗi khi cánh cửa thiền rộng mở thì bậc thầy lui bước. Lúc này hành giả tự mình cất bước độc hành trên lộ trình giải thoát, mà không còn ai can thiệp vào nữa. Tuy nhiên vẫn còn có những cuộc chiến đấu, nhưng dù phải chiến đấu mình vẫn được soi sáng bởi tĩnh thức nội tại và không bao giờ bị lạc hướng bởi đã có một lần kinh nghiệm tỏ ngộ trạng thái thanh tịnh bản nhiên của tự tâm.
Khi lọt vào cửa , chúng ta sẽ trở thành con người mới với nhãn quan mới, tức sống đồng nhất với chân- lý. Sự tỏ ngộ không nhất thiết là lời khai thị của bậc tôn sư, mà lắm lúc chỉ cần một tiếng suối reo, một cơn gió thoảng, một chiếc lá lìa cành, hay một nhánh cây khô gãy. Khi ấy hành giả như người ngủ mê chợt giật mình tỉnh giấc, lập tức vụt thoát khỏi cơn mộng dài. Hành giả đã tỏ ngộ và thân chứng chân-lý, đã trực nhận ra tâm-thái tự do sống động và bất biến nơi mình, mình là vũ trụ, vũ trụ là mình. Ngay phút giây tỉnh thức ấy, hành giả không còn chiến đấu nữa và đã yên nghỉ trọn vẹn trong tâm-thái tự do và bình lặng tuyệt đối của mình. Một cơ duyên chuyển hóa toàn diện đã xảy ra, đưa tâm-thái đồng nhất với vũ trụ.
Như vậy, trước cuộc khởi hành diệu vợi, hành giả đã có bản đồ và kim chỉ nam trong tay. Hành giả đã nhận ra lộ trình và nơi đến. Hành giả đã có kinh nghiệm là bấy lâu nay tự đào xới tâm hồn mình bằng nhiều phương tiện và nay đã quá mệt mỏi vì những phương tiện ấy. Hành giả đã trực nhận ra sự dại dột trong việc dửng dưng dùng phương tiện ấy để dày xéo tâm hồn mình. Bây giờ hành giả đã tỉnh thức sang ngang, mà không trụ lại trên bất cứ cây cầu nào, cho dù cây cầu ấy tân kỳ đẹp đẽ đến đâu. Giờ đây hành giả không còn gì để làm, để nói cho dù chỉ một lời thôi. Bản-thể sống động bao hàm hiện hữu với tuệ-giác thực tại tuyệt-vời. Chân-lý hiện hữu uyên nguyên nơi mỗi chúng ta như hơi thở với không gian, như bầu trời chứa đầy trăng sao huyền nhiệm. Hành giả đã thân chứng chân-lý bằng tâm thanh tịnh bản-nhiên, mà không qua trung gian của dòng thức phân-biệt nào, nên không còn bị ảo giác và kiến thức đánh lừa nữa.


TRI KIẾN PHI KIẾN

Chính cái tình thức của ta bị chia chẻ manh mún bởi sự lộng hành vô độ của dục-ái đã đẩy đưa ta lang thang từ vạn kiếp luân hồi với bao khổ lụy bi ai. Ta cứ mãi than thân trách phận, hoặc ngậm buồn nuốt hận rồi đổ lỗi cho Đấng tối cao tạo ra kiếp người cùng khổ, hoặc phó thác cho số mệnh trời định bất công, hoặc trách cứ xã hội phân chia giai cấp một cách tàn nhẫn!
Chính lưới tà kiến mà ta và người đã dựng xây từ vạn kỷ, chính do mầm tham ái ở tại lòng mình mới là động cơ sinh ra mọi sự, tạo nên những sợi dây oan nghiệt trói chặt ta và đồng loại vào chốn đau thương.
Chính vì những lẽ trên, nên người ta dễ đi đến cực đoan, tạo tiền-đề ngăn cách giữa người và người, giữa tôn giáo nầy với tôn giáo nọ, giữa sắc tộc nầy với những sắc tộc khác…. Trong khi “Không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn, và trong dòng máu cùng đỏ như nhau”. Trân trọng thay lời nói ấy!
Cố chấp vào một quan điểm, vào một nhận thức, vào một luận thuyết mang tính chủ quan cục bộ của dòng thức, là tạo nên những kiến-thủ cực đoan ngăn đường bít lối ta đi đến chân-lý. Vì vậy, hãy mở rộng tâm hồn đón gió muôn phương, nhằm đem lại tươi mát, bình ổn và an lạc cho mình và tha nhân là rất cần thiết. Song, mọi ý hướng đi tìm chân-lý bởi thứ tình thức mang tính chủ quan, thì chẳng khác nào kẻ mù bị lạc vào rừng rậm, thật khó mà tìm ra lối trở về nhà.
Những mớ định kiến mà ta mang theo, nó tạo nên những uy lực đè nặng tâm-hồn và phân hóa thực-tại. Trong khi, chân tướng của vạn hữu là bản-thế sống động bao hàm, luôn luôn vận hành một cách lung linh mầu nhiệm.
Nếu tự quán sát tâm theo khuôn mẫu của ký ức đã chết cứng tự bao giờ, thì vô tình ta đã quay lưng sấp mặt, bỏ qua thực-tại với những uyên-nguyên của nó. Trong khi, ta chỉ cần rỗng rang mọi sự, thì tâm ta được giải phóng, thông lưu và vô nhiểm. Ta thấy lại con người thật xưa nay của chính mình một cách chân xác như nó đang-là, mà không bị một định kiến nào, hay một ý thức phân biệt nào can dự vào làm cho sai lạc.
Dùng mọi phương cách để theo dõi tâm, nhận dạng tâm, hướng dẫn tâm, điều phục tâm chỉ là cách chế ngự ý, an lập ý của Nhị thừa bởi người kiểm duyệt và kẻ bị kiểm duyệt. Trong khi, người kiểm duyệt và kẻ bị kiểm duyệt cũng chỉ là tâm. Song, “Tâm không thể nắm bắt từ bên ngoài, từ bên trong hay ở giữa. Tâm vô hướng, vô-niệm, không có chỗ sở y, không nơi chốn quy túc. Các đức Phật không thấy tâm trong thì quá-khứ, trong hiện-tại hoặc ở tương-lai” (Kinh Phật).
Cái mà chư Phật không thấy thì làm sao mà quán-niệm được. Nếu có quán niệm, thì chẳng qua là sự quán niệm về những vọng tưởng sinh-diệt của các đối tượng tâm ý … v.v… Một lưỡi gươm không thể tự cắt nó. Một ngón tay không thể tự sợ mó nó. Tâm không thể quán-tâm.
Trong khi ấy, mọi thứ tích tập từ vô lượng kiếp đến nay, nó chỉ là những sản phẩm vay mượn của người đi trước. Hãy quên đi tất cả mọi tư niệm, mà chính nó đã tạo nên những tràng hí luận hỗn man, dẫn ta về rối rắm. Quên đi cả những gì đang nói và quên luôn cả cái quên, thì cánh của chân-lý tức thời rộng mở. Những pháp môn được dựng lập bởi dòng-thức chỉ tạo thêm vòng lẫn quẩn bởi chính công họa sư tâm,ý và vẫn bị giam hãm trong cái rọ tư tưởng ngàn đời, chẳng khác nào kiến bò quanh miệng chén mãi tìm lối nhưng không thể thoát ra. Đem tâm tìm tâm hay đem tâm quán tâm, thì chẳng khác nào muốn tránh cái bóng mà lại đứng giữa ánh nắng mặt trời. Chẳng biết đó chỉ là “Đầu mọc thêm đầu, tuyết rắc thêm sương” mà thôi.
Sự liễu ngộ chân-lý không thể bị hạn cuộc bởi ngôn ngữ với mớ kiến thức vay mượn từ quá khứ, rồi đặt để cho hiện-tại, hay dự phóng về tương-lai. Nó là cái thấy biết chân thật nó siêu vượt khỏi tầm đối đãi của Nhị-nguyên. Hành vô-hành là lộ trình không tên gọi. Khi rễ vọng tâm không đất nương tựa thì vòng luân hồi vào chốn vô-sinh. Khi mặt trời lên thì đêm đen lui bóng. Đừng cho chi cũng chẳng nhận gì. Thử tìm xem là gì


Tỳ Kheo Thích Minh Điền Soạn
Theo: http://thuvienhoasen.org/