ĐỜI SỐNG GIẢI-THOÁT

Đời sống giải thoát, đòi hỏi chúng ta phải hiện-thực một tâm-thức hoàn toàn tự do, không bị giới hạn bất cứ phương diện nào. Trong phương cách này, ta phải nhìn tất cả mọi hiện hữu với một tâm bình-đẳng (không định-kiến, so sánh, phê phán hay ngã chấp …), dù đó là triết-thuyết, lý-tưởng, hoặc ngay cả sự tiến bộ trong công phu tu tập. Chỉ như thế, ta mới có thể nhìn sự vật một cách khách quan được. Muốn tự do ta chỉ cần hai điều: tâm-hồn an lặng và trái tim cởi mở.
Nói đến “tu thiền” là người ta quen nghĩ đến tọa thiền (ngồi thiền). Thật ra đây chỉ là “một hình thức kỹ-thuật” để hổ trợ cho việc tu tập.

Nhưng nếu nhằm mục đích để giúp tâm bình an thì thiền phải là một hành-vi “hiện-thực linh động” ngay trong cuộc sống hàng ngày, giữa các thăng trầm của đời sống, các xung động của các dục vọng, cảm xúc…trong tâm hồn.
Để kiểm soát chúng. Hãy nhìn thẳng tâm mình trong an lặng, vì bản chất của mọi tư-tưởng và tình-cảm chỉ là tạm bợ và tự chúng không có đời sống riêng biệt. Nếu bám-víu vào chúng, là ta làm cho chúng ở lại lâu hơn; chỉ khi nào tâm-thức ta không còn thái độ dính mắc, bám víu hay chối bỏ nó, thì khi ấy ta mới có thể “nhìn cơn giận như là cơn giận, ham muốn như là ham muốn”. Sự thấy-biết nầy chính là trí-huệ. Khi không còn dính mắc với mọi xúc-cảm thì lúc đó bản chất bình an nội-tại của tâm-thức mới hiện ra. Bản chất bình an nầy làm ta có thể sống trọn vẹn từng giây phút của cuộc sống. Với sự thông hiểu và nhận thức mới nầy, ta sẽ có thể sống như một con người trọn vẹn và nhạy cảm hơn. Ta sẽ nhìn đời với một quan điểm mới mẻ và tươi mát hơn. Và kỳ diệu thay, những vấn đề trước kia sẽ không còn là vấn đề nữa.


TỈNH-THỨC VỚI THỰC-TẠI

Muốn có một tâm thức mới mẻ nầy, chúng ta phải có khả năng tỉnh-thức về bất cứ hành động nào của mình ngay trong hiện-tại: đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc .vv… Chúng ta có thể thực tập điều nầy bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Trong khi rèn luyện sự tập-trung, ta sẽ thấy là mình càng ngày càng bớt lơ đãng. Rồi về sau, ta sẽ có thể tỉnh-thức với những tư-tưởng và tình-cảm của mình ngay khi chúng mới nổi lên.
“Sống với giây phút hiện tại” chỉ là một cách nói, nó không phải là một điều răn bắt buộc ta phải răm rắp tuân theo, vì nếu quá bám níu vào giây phút hiện tại thì ta sẽ mất đi nghệ thuật sống thư-thả. Sống với giây phút hiện tại chỉ là một cách để tập cho tâm mình thôi xao động, không còn suy nghĩ mông lung …
Điều quan trọng là tập bỏ thói quen theo đuổi những tâm-vọng khởi lên, luyện cho tâm mình được tập trung và vững chải hơn. Nhưng trong thiền định, tập trung chỉ là một phần. Điều tối cần là phải xả bỏ dục-vọng, không phán đoán: thích hay không thích… điều này nghĩa là ta đã đạt đến tâm-xã (tâm im-lặng – Upekha) .
Để đạt đến một trạng thái cân bằng nội-tâm, để ta có thể nhìn sự hỗn loạn bên ngoài một cách khách quan, thay vì để ý đến sự lộn xộn ở bên ngoài thì ta nên dừng lại và nhìn thẳng lại tâm mình ở bên trong. Đây gọi là trí-huệ hay là nuôi dưỡng sự tỉnh-thức. Khi sự tỉnh-thức đủ mạnh và trong tâm có sự im lặng hoàn toàn thì tuệ-giác sẽ tức thời hiện đến cho chúng ta biết cách tốt nhất để đối phó với tình thế trước mắt. Khi tâm không còn thành-kiến, chúng ta sẽ có thể hành động tức thời, đầy sáng-tạo.

BUÔNG XÃ

Buông xả chính là không bám níu vào những ham muốn, tham dục, chớ không phải là buông bỏ tất cả mọi hành động. Chúng ta hãy dừng lại và nhìn về những ham muốn. Khi thấy được sự ham muốn, ta cũng sẽ thấy được sự bám-víu vào ham muốn đó. Và khi nhận ra sự bám-víu, ta thấy nó tự tan biến đi và ta tức thời buông-xả. Hành động nầy là một hành động không có căng-thẳng hay bực dọc đi kèm. Trong những cơn xúc-động, bởi vì diễn tiến tâm-lý biến đổi quá nhanh, ta chỉ nhận diện được những cảm-xúc thô kệch như nóng giận và thù hận. Sự ham muốn và bám-víu thì cần có định-lực mạnh hơn mới có thể nhận ra chúng được.
Bản-chất chấp-ngã vốn được hình thành từ trong vô-thức . Đến khi lớn lên thì cái khái-niệm về “bản-ngã” đã trở nên “hiện-thực”, đến nỗi ta khó phân biệt được đâu là ảo-tưởng và đâu là thực-tế. Ta không nhận ra cái “tôi” ấy vốn là tạm bợ, tương đối, và luôn thay đổi; bởi thế ta cố bám-víu vào chúng. Sự ham muốn bám-víu vào mọi sự vật sẽ làm cho việc tu tập “buông-xả” của chúng ta thật là khó khăn.
Nếu buông xả cái “tôi” và “của tôi” thì ta có mất hết lai lịch, sẽ trở thành lạnh lùng và vô cảm chăng? Nghe thật đáng sợ, giống như là sống trong khoảng hư vô. Nhưng không sao cả, chúng ta nên hiểu rằng cái ta đánh mất đi chỉ là một ảo-tưởng. Nó không bao giờ có thật. Chúng ta chỉ trút bỏ trong tâm “cái ảo tưởng về bản-ngã”.
Nếu dừng mọi suy nghĩ và ngồi lại để phản chiếu trên tâm, ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng ngay trong phút ấy mình đang được bình an. Bình an là bản chất tự nhiên của tâm-thức trong mỗi người chúng ta. Bình an đã có mặt ở đó kể từ ngày chúng ta sanh ra và nó sẽ tiếp tục ở đó cho tới ngày chúng ta chết đi. Đó là món quà vĩ đại cho mình; như vậy tại sao ta lại nghĩ rằng mình không được bình an? Khi nhìn vào tâm, ta thường chỉ nhận biết các tâm-trạng hoạt động, như là các tư-tưởng và các cảm-xúc đi chung với chúng. Nhưng ta lại có khuynh hướng bỏ quên các khoảng thời gian bình an ở giữa các tư-tưởng và cảm-xúc đó. Chúng ta quá say mê đấu đá với chính mình, cảm-xúc của mình đến nỗi sự đấu tranh nầy trở thành bản-chất thứ hai. Thế rồi ta lại than phiền rằng không được bình an! Tại sao ta không gạt qua một bên tất cả những ý-tưởng phức tạp nầy trong phút chốc để có thể ngắm nhìn bản-chất bình-an nội-tại nầy.
Chỉ khi nào khái niệm về “tôi” và “của tôi” nổi lên, thì tâm-thức mới bị lôi kéo vào những xung đột. Thích và không thích mau lẹ đi theo những khái niệm chấp-ngã đó. Đây là khởi đầu của phiền toái. Nhưng nếu chúng ta biết ngắm nhìn những tư-tưởng ấy trong giây lát. Nó nổi lên rồi sẽ mất đi, trừ phi ta bám níu vào chúng. Nếu chúng ta để mặc cho tư tưởng tiếp tục đi hết đời sống bình thường của chúng, chúng sẽ tự nhiên mất đi. Tư-tưởng cũng phải chịu qui luật về vô-thường. Bản chất của tư tưởng là tạm bợ, trừ khi cái “tôi” can thiệp và không cho chúng ra đi. Bằng cách bám-víu vào tư-tưởng và cảm-xúc, cái “tôi” sẽ tiếp tục kéo dài quá trình cảm-xúc. Chính là cái “tôi” cố bám níu vào tư-tưởng và cảm-xúc và để cho chúng gây bất an cho ta.
Cũng như muốn thấy một vật-thể di động trong không gian như thế nào, ta phải thấy được trọn khoảng không gian và các vật thể trong đó. Không có không gian thì vật thể không di động được. Vật thể có thể biến mất trong không gian, nhưng không gian vẫn còn đó. Tâm của ta có thể ví như khoảng không gian; còn tư tưởng và tình cảm ví như những vật thể di động . Nếu chúng ta có thể thấy rõ được khoảng không gian nầy, ta cũng sẽ thấy rõ hơn cái gì nổi lên và rơi rụng trong đó.
Bản thể của tâm bình an rất đơn giản. Nhưng chúng ta đã làm cho nó phức tạp bằng cách nghĩ phương pháp tìm nó phải là khó khăn. Ta bị điều kiện hóa để đạt được điều nầy, thành tựu điều kia v.v…nên tâm lúc nào cũng động. Nhưng nếu cứ tiếp tục nếp sống vội vã như là cách để tìm bình an, ta sẽ không tìm được bình an. Điều mà chúng ta cần quan tâm là nên sống chậm lại… để ta có thể tự hiểu mình và kinh-nghiệm được những gì đã có sẳn trong tâm mình.

TÂM AN LẶNG

Chúng ta thường nhìn thế giới qua một khung khái-niệm dựa trên lối suy-nghĩ phân-biệt nhị-nguyên. Khi vừa nhận-thức một sự vật, ta liền có phê phán nó; như là tốt-xấu… Ta đã chia thế giới khái-niệm theo sự phân cực nhị-nguyên, dựng lên có: thiện và ác, tốt và xấu, đúng và sai, theo tiêu chuẩn riêng của mình.
Đành rằng phải phân-biệt thì mới có thể sinh-hoạt trong đời sống thường ngày. Nhưng đấy là những phân-biệt dựa trên lý-luận; và thường thì chúng ta không dừng lại ở đấy. Ta tiếp tục áp đặt thêm những cảm-xúc như “thích hay không thích” trên nhận-thức. Ta có thể có phán đoán luận-lý về nó, nhưng vấn đề là chúng ta lại phán đoán dựa trên cảm-xúc. Khi phê-phán dựa trên cảm-xúc, chúng ta làm cho tâm bị gợn sóng, bị xáo động. Tựu trung là chúng ta mất liên lạc với sự im-lặng bên trong, tức tâm bình-an.
Tóm lại, nhị-nguyên tạo ra tâm khái-niệm. Chúng ta thích bám-víu vào những gì do ta đã tạo ra, nó đã trở thành một vật sở hữu. “Tôi” muốn bám giữ ý tưởng “của tôi” về cái đúng, cái đẹp, cái tốt lành. Do đó, tâm chúng ta bị cứng ngắc, và cuối cùng chúng ta nhìn thế giới qua những khe hở nhỏ hẹp. Bằng sự tỉnh-giác, mọi phê phán sẽ dừng lại. Khi không còn phê phán ta sẽ nhìn sự vật đúng như thật-tế, đây là cách duy nhất để thoát khỏi nhị-nguyên, thế giới sẽ mở rộng và sẽ đem lại sự cảm thông với người khác.

TỨ DIỆU ĐẾ TRONG ĐỜI SỐNG

Tứ Diệu-Đế là cột trụ của Phật giáo, là bốn sự-thật (chân-lý) của cuộc sống này, hiểu chúng sẽ giúp cho đời sống thường ngày của ta được tốt đẹp hơn. Chân lý thứ nhất là Khổ (Dukkha) phải được hiểu là bao gồm kinh nghiệm của con người từ sự bất mãn nhỏ nhoi đến những đau khổ tột cùng . Đó là sự kiện không thể tránh được của sinh–lão–bệnh–tử. Trong ý nghĩa thâm sâu nhất, Khổ là không hiểu được bản-chất giả tạm của mọi vật, chính nó là nguyên nhân của đau-khổ và như thế các chân-lý còn lại chỉ là con đường thoát khổ .
Ví như ta phiền hà vì tiếng động và muốn chấm dứt nó. Sự ham muốn nầy nổi lên từ sự bất mãn của ta với thực-tại . Sự ghét bỏ tạo ra một tình trạng căng thẳng. Nhưng ta không nhận thức được sự ghét bỏ và đau khổ mà nó đem đến. Ta cho Khổ là do người nào khác gây nên. Sự thiếu nhận thức nầy gọi là vô-minh. Sự ngu dốt nầy được diễn tả là tình trạng thiếu tỉnh-thức. Ngay lúc này ta hãy nhìn vào tâm. Sự bực bội sẽ bớt đi nhiều vì ta không còn bám-víu với vấn đề. Vấn đề không phải là tiếng ồn, mà là phản ứng của ta với nó.
Trong đời sống chúng ta được sinh ra với ý-chí tự-do, nên ta có thể làm bất cứ điều gì với chính mình. Không thể chấm dứt tiếng ồn, vậy ta có thể lựa chọn chấp nhận nó. Chấp nhận chỉ có thể được trọn vẹn nếu ta không chứa chấp sự phê-phán. Bây giờ ta đã thấy là mình có thể phá vỡ được chu trình đau-khổ bằng cách chỉ nhìn vào trong tâm trạng của mình. Đây thực ra là sự tỉnh-thức của tâm, là căn bản của sự tu tập trong Phật giáo. Sự chấp nhận mà chúng ta đang nói đây là sự tự-nhiên và tức thời hòa nhập và làm một thể với môi trường .
Sự bất-mãn với tình trạng ồn náo là chân lý thứ nhất về Khổ. Sự ham muốn hay khao khát được yên tịnh là chân lý thứ hai là Tập, là nguyên nhân của Khổ. Giây phút ta được tự-do thoát khỏi sự bực bội về tiếng ồn là Diệt tức chân lý thứ ba. Khi tu tập tỉnh-giác, thực ra ta đang thực hành con-đường Bát Chánh. Ta đang Chánh tinh-tấn tu tập Tỉnh-thức tức Chánh-niệm về sự bực bội. Do đó tâm ta được tập trung, tức Chánh-định.
Khi siêu-việt sự không thích tiếng ồn và không còn khó chịu, ngay lúc đó ta có thể nghe tiếng ồn như là thực tế, đây là Chánh-kiến. Khi không mong đợi nó chấm dứt hay trở nên ồn hơn, đó là Chánh tư-duy. Chúng ta có thể nói lên tình hình với nhận thức đúng đắn, gọi là Chánh-ngữ. Ta sẽ không còn có những hành động sai lầm, đó là Chánh-nghiệp. Từ Chánh-nghiệp nầy, ta đã thực hiện đời sống Chánh-mạng.

TÍNH HỢP NHẤT CỦA BÁT CHÁNH ĐẠO

Trong Phật-giáo, Bát Chánh-đạo là con đường dẫn tới sự giải thoát. Muốn hiểu Bát Chánh-đạo và áp dụng nó vào đời sống, chúng ta phải nhìn nó với sự hợp-nhất của thân, khẩu và ý và trên bình diện Giới–Định–Tuệ.
Mục đích chánh của Giới là để tránh làm tổn hại người khác bằng ngôn ngữ và hành động. Mọi hành động của thân, khẩu và tâm xảy ra liên tiếp nhau rất nhanh đến nỗi hình như là không có khoảng hở trống ở giữa. Khi tư-tưởng vừa nổi lên thì chúng ta thấy mình nói năng hay làm chuyện gì rồi. Chúng ta thấy mình không thể kiểm-soát lời nói và hành-động mình đủ nhanh để tránh làm tổn hại đến người khác. Nhưng sự tỉnh-thức của bản-tâm sẽ làm cho nó cảnh-giác về hành động và lời nói của chính nó.
Con đường tu-tập tỉnh-thức (chánh-niệm) là cách trừ dẹp được thói quen bận tâm về ngoại cảnh để có ý-thức về những gì xảy ra bên trong tâm. Khi sự tỉnh-thức xảy ra, chúng ta thấy tâm mình không còn hành động nữa, nó dừng lại như là một chứng-nhân để nhìn vào trạng thái bên trong. Khi sự quán-tâm nầy đã trở thành thói quen cố định, như là bản chất thứ hai, thì chu trình phản ứng vô-ý-thức đối với ngoại cảnh bị phá vỡ. Trong giây phút đột phá nầy, sự “thấy biết” hay “ý-thức” xảy ra: đó là sự nhận-thức trong sáng về sự vật đúng như thực-tế, về tình huống và nhân vật trong nhãn-quan “vô phân-biệt”, không có “thích hay không thích”. Trong tuệ-giác mới mẻ nầy – Chánh Tư-duy, Chánh-ngữ và Chánh-nghiệp sẽ tiếp theo – tương đối và thích ứng với mỗi trường hợp, không còn vấn đề tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai nữa.
Do đó, Giới–Định–Tuệ có thể được bao gồm trong từng giây phút tỉnh-giác của đời sống thường ngày – ngay khi đang ăn uống, làm việc, giải trí hay phấn đấu. Tóm lại, đời sống của ta, chính nó đã trở thành Bát Chánh-đạo.

TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA THIỀN

Trong một vài hình thức tọa thiền, người ta có thể đạt tới một tình trạng mà tâm-thức hoàn toàn vắng lặng, tập trung và tự chế, gọi là Vô-Tưởng Định. Trong định nầy, hành giả không thể sinh hoạt được. Đây chỉ là một tình trạng tạm thời và hành giả sẽ ra khỏi. Nhưng chúng ta đã nói về một lối thiền định khác, không qua tình trạng Vô-Tưởng Định.
Nếu chúng ta tu tập tỉnh giác trong đời sống thường ngày như là ta đang kinh-nghiệm thực-tại, ta sẽ không phải đi qua tình trạng tự chế đó. Tiến trình thiền định luôn luôn tích cực mặc dù ta đang tọa thiền hay thiền (chánh-niệm) trong sinh hoạt thường ngày. Thiền-định là kỷ luật nội-tâm cuối cùng sẽ đưa tâm ta về tình trạng thanh-tịnh hóa.
Thiền định không làm cho ta trở nên một người ù lì, vô tưởng hay vô cảm . Thật ra thiền định đem lại những gì tốt đẹp nhất trong ta – tình thương, sự nồng ấm và nhạy cảm đối với mọi chúng sinh.
Trong sự tu tập tỉnh-giác, mặc dầu là trong lối tọa thiền hay sinh hoạt thiền, là một tiến trình tích cực và tiếp diễn. Trong tọa thiền, mặc dầu thân ngồi yên, tâm ta vẫn tích cực quán và có ý-thức về thân tâm. Trong sinh hoạt thiền cũng thế, tâm tích cực tự quán mà không phụ thuộc vào cử động hay thời gian. Cái kỷ luật tâm-linh trong mỗi hình thức là điều tối quan trọng sẽ đưa tâm chúng ta tới tình trạng thanh-tịnh. Không phải tư thế ngồi đưa tới sự giác ngộ, mặc dầu tư thế cũng hữu ích khi giúp cho tâm tự an-định. Nếu hiểu rõ điều nầy, ta có thể thiền định bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

SỰ TẬP TRUNG VÀ THIỀN ĐỊNH

Tinh-yếu của thiền là nhằm đạt tới một sự hiểu biết cao hơn, tức là trí-tuệ (panna), là tỏa rộng tâm mình ra khỏi những “giới hạn của trí-thức” để đi vào lãnh vực của trực-giác, của trí-tuệ (hay tuệ-giác).
Mục tiêu của việc “tập trung ý” trong làm việc hay tiêu khiển hoàn toàn khác với mục tiêu của thiền-định. Trong khi làm việc, chúng ta chỉ quan tâm đạt đến một cái gì ở ngoài như là làm ăn thành công, thắng cuộc chơi, hoàn tất một thí nghiệm khoa học, vv… Trong thiền định, trái lại, sự thành-tựu là ở bên trong, sự thành-tựu của tự-ngộ và tuệ-giác tâm-linh. Trong những giai đoạn đầu tiên của thiền-định, có thể ta cần tập trung tâm ý trên một đối tượng ở ngoài tâm, như là chót mũi, hay là cử động lên xuống của bụng dưới, cho đến khi tâm được tập trung ở một điểm. Sự tập trung tâm ý ở một điểm nầy cũng xảy ra khi chúng ta làm việc hay vui chơi, nhưng sự tương đồng giữa tập trung và thiền-định chấm dứt ở đây. Trong khi thiền-định là tâm tập trung đang tiến về hướng triển khai tuệ-giác, tức là tu Quán (vipassana- Minh Sát). Nhận thức của tâm tự động chuyển về trên chính tâm đó, và tâm nầy tự ý tập trung trên những hoạt động hay tiến-trình của chính nó, để cuối cùng đưa hành giả đến tự-giác thật sự (tức đắc-ngộ). Sự giác-ngộ do thiền-định có tính cách trực-giác và tâm-linh.
Trong sự xuất thần của các hoạt động như vẽ tranh hay phổ nhạc, vv… “người biết, cái bị biết và sự biết” không hoàn toàn biến mất. Điều xảy ra là, trong những giây phút hoạt động nghệ thuật cao độ đó, người nghệ sĩ kinh-nghiệm được một loại hạnh-phúc trong đó ý niệm về cái “tôi” tan đi một phần lớn, nhưng không hoàn toàn. Ngoài ra, nhà nghệ sĩ cũng còn có ý-thức về đối tượng, dù đó là vẽ tranh, phổ nhạc hay cái gì khác. Do đó, cái bị biết cũng không hoàn toàn tan mất. Có thể gọi đây là “kinh nghiệm bán-tâm-linh” bởi vì nó gần với kinh nghiệm xuất thần của thiền-định, nhưng không hoàn toàn giống. Trên phương diện khác, loại hạnh phúc do miệt mài nghệ thuật nầy làm cho người nghệ sĩ trở nên nhạy cảm và tâm linh hơn đa số người khác. Như vậy, hai loại hiểu biết nầy hoàn toàn khác nhau về tính chất, và nhằm những mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

SỰ TỈNH GIÁC VÀ NHẬN THỨC

Thông thường, nhận-thức của chúng ta vương mắc theo tình thế bên ngoài, với những gì mà chúng ta tiếp xúc qua sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Nói chung, mọi phản ứng đối với những cảm-xúc nầy đều theo thói quen. Chúng ta lập đi lập lại việc nầy mà không nhận thức được những gì đang xảy ra trong tâm, điều nầy gọi là vô minh. Đây không có nghĩa là ngu dốt về trí-thức, mà là sự thiếu sót tuệ giác về chính mình .
Bình thường ta cũng có thể biết bản-tâm của mình. Như khi trải qua một cảm-xúc sôi nổi, ta chỉ nhận biết nó khi biến cố đã xong. Ngay trong lúc náo động thì ta bị lạc mất trong sự rối loạn. Chúng ta thường chú tâm đến những yếu tố bên ngoài mà nghĩ là nó đang ảnh hưởng đến mình. Thí dụ như trường hợp đang ăn. Sự chú tâm của ta tập trung trên thức ăn: mùi vị và hình sắc của nó. Nếu thức ăn không đúng như yêu cầu, ta lập tức phản ứng với sự bực bội – hay cả đến sự nóng giận nếu gặp lúc không vui. Rồi ta có thể trút sự giận dữ của mình trên người hay vật mà ta tiếp xúc.
Tỉnh-giác là tâm tự nhiên nhận thức. Không có hành động nào ở đây, chỉ là một sự tập trung và tức thời nhận biết cái mà nó “thấy” được. Ở đây, “sự tỉnh-giác là nguyên nhân mà sự nhận-thức là hậu quả”. Chúng ta phải bắt đầu tu tập tỉnh-giác để cho nhận-thức xảy ra bên trong.
Thường thì tâm chúng ta luôn luôn di động, suy-nghĩ, cảm-xúc, lan man từ đối tượng nầy sang đối tượng khác. Bởi vì sự di động liên miên nầy mà ít có chỗ cho sự nhận-thức xảy ra. Sự nhận-thức có thể thoáng qua, nhưng nó rất nhát nhúa, biếng lười và cùn nhụt. Những tư tưởng ồn ào và cảm-xúc thì luôn chế ngự bản-tâm. Chúng ta phải thoát khỏi chu kỳ nầy để cho sự nhận-thức có thể xảy ra toàn vẹn, tâm phải tự điều chỉnh, quay sự chú ý bên ngoài vào sự tỉnh-giác về chính nó.
Khi hướng tâm như thế, ta sẽ thay thế các hoạt động khác của tâm bằng sự tỉnh-giác. Thay vì bị kẹt trong những hoạt động tâm-lý đó, ta chỉ còn lại sự “chú tâm”. Ở mỗi giây phút, tâm chỉ có thể ở một trạng thái nào đó. Thí dụ như, khi có sự nóng giận trong tâm thì không còn chỗ cho hạnh phúc. Khi có sự tỉnh giác chiếm ngự toàn tâm thì không còn chỗ cho tư tưởng hay cảm xúc nổi lên, ngay lúc đó có sự chú ý hoàn toàn. Khi sự chú ý nầy được trọn vẹn, cái trạng thái giao động của bản tâm bị phá vỡ, tâm tìm được chỗ đứng cân bằng trong chính nó. Thế rồi sự nhận thức sẽ tự nhiên xảy tới.

TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Thông thường chúng ta luôn cảm thấy ngột ngạt và tù túng bởi cuộc sống. Nguyên nhân chính là vì tâm không được tự-do nên chúng ta không thể kinh nghiệm được trọn vẹn và đầy đủ giây phút hiện-tại.
Nếu tâm lúc nào cũng nặng trĩu đấu tranh và bực dọc thì ta không thể kinh nghiệm giây phút hiện-tại một cách trọn vẹn được. Không có sự trong sáng và chỗ trống cho kinh-nghiệm thực-tại. Trong tình hình như thế thì chúng ta thường sống trong quá khứ hay tương lai; kinh nghiệm hiện tại chỉ là một phần thôi. Ta không kinh nghiệm được sự tươi mát của giây phút hiện tại, và niềm hoan lạc của mọi sự vật mà ta tiếp xúc. Do đó ta lại muốn đi tìm sự tươi mát ở nơi khác, với những người khác và những mối liên hệ khác vv…
Chúng ta chỉ được hài lòng và thỏa mãn khi nào bản tâm không còn ham muốn và bám níu, bởi vì chỉ có một tâm hồn tự do mới có thể kinh nghiệm được giây phút hiện tại một cách trọn vẹn và đầy đủ, mỗi giây phút trôi qua đều là tươi mát và mới mẻ.

THIỀN VÔ THIỀN

Hình thức thiền quán định-chế đã trở nên cực kỳ phổ thông trong các xứ Phật giáo Á châu và ở Tây phương. Dù các viện-chủ và thiền-sư dùng phương pháp nào, ta thấy cũng có một điểm chung: một hệ thống hay hình thức trong đó thiền sinh tu tập thiền-định. Do đó, thiền vô tình trở nên đồng nghĩa với tọa thiền.
Trong lối thiền chính thức, chúng ta chú tâm ở một điểm trên trên thân thể (có thể là hơi thở hay cảm giác) để loại trừ mọi tư tưởng, cảm xúc hay hoạt động tri thức khác của bản tâm. Trong tiến trình nầy, ta học cách quán tâm mà không phê phán hay phân biệt, và cũng học cách buông xả. Chúng ta có thể quán tâm trong khi ngồi yên lặng trong tư thế tọa thiền, hay cũng có thể quán tâm trong khi sinh hoạt thường ngày. Cách nào cũng được, tùy theo cá tính của mình.
Chúng ta phải đối diện với chính mình rất thường xuyên. Muốn buông xả, trước hết chúng ta phải đối đầu với bản-ngã và niềm tự hào của mình. Trong lối tu tập nầy, sự đối đầu với bản-ngã chính nó là “hành động thiền” của bản-tâm. Nó đòi hỏi sự tỉnh-giác, cố gắng, an định và sự bình thản (upekha: tâm xả). Có thể là nó không cần kỷ luật nghiêm khắc cho thân thể, nhưng nhất định là nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật nghiêm khắc cho bản-tâm.
Chúng ta phải có đủ can đảm đối diện với chính mình. Đó là một sự phấn đấu lớn lao, nó đòi hỏi sự cố gắng và lòng can đảm để thực hành. Nhưng thật ra, đây là một sự cố gắng mà không cần cố gắng. Trong Phật giáo gọi là Vô-vi (viriya). Điều nầy có thể xảy ra trong sinh hoạt thường ngày hay trong khi ngồi thiền. Đường lối thực hành của “thiền vô thiền” không có một hình thức nghiêm khắc hay định chế nào, nhưng tất cả những phẩm chất của Thất Bồ-đề phần (tức là bảy yếu tố cho sự Giác-ngộ) đã được gồm đủ trong tiến trình tu tập. Đó là Tỉnh-giác, Tham-cứu, Năng-lực, Niềm-vui, An-tịnh, Tập-trung và Bình-thản. Với sự kiên nhẫn trong nội dung của sinh hoạt thường ngày, điều nầy làm cho tâm ta càng ngày càng được tập trung hơn, tức là Định (samadhi). Không những thế, hành động tỉnh giác trong sinh hoạt thường ngày cũng là một tiến trình hiện-thực với sự bình-thản vào trong tính chất của bản-tâm.

THƯƠNG VÀ GHÉT

Thương và ghét là hai khía cạnh của tâm phân-biệt, giống như hai mặt của một đồng tiền, và đều dẫn tới đau khổ. Chúng ta tự động phân loại người khác tùy theo những định-kiến của mình. Nếu họ đáp ứng được lý tưởng của ta và có vẻ hợp với sở thích thì tâm ta lập tức bám níu vào họ; nhưng nếu họ thuộc loại không hợp với sở thích thì tâm ta bắt đầu chối từ họ. Bằng cách nầy, ta đi tới thương và ghét. Điều nầy có nghĩa là tình thương của chúng ta thay đổi với tình huống, điều này cho thấy rằng những cảm-xúc là vô-thường, tương đối với thời gian và nơi chốn.
Đây là điều mà Đức Phật gọi là “ảo-tưởng của tâm-thức”. Cảm-xúc là ảo-tưởng sinh ra từ tâm khái-niệm; chúng phát xuất từ bản-ngã. Theo Phật-giáo, bởi vì bản-ngã chỉ là ảo-tưởng, tất cả những gì phát sinh từ tâm khái-niệm cũng đều là ảo-hóa. Nó không có thực chất, không thường tính và không bình an tính. Do đó tình thương thế tục là không bền, nó có thể trở thành sự ghét. Chúng ta tự mình vốn không có thương-ghét. Chỉ khi nào bắt đầu có thương ghét thì ta mới bị rắc rối bởi cảm-xúc. Ngay khi vừa nhận ra rằng chúng nó chỉ là ảo tưởng do ta tự tạo ra, ta được tự do. Chúng ta đã trở về tình trạng ban đầu trong bản-tâm đó không có thương và ghét.

LÒNG TỪ BI

Tâm Bi là một trong bốn đức tính tự có sẳn của Trí-tuệ. Một hành động bi-mẫn không thể đứng biệt lập, mà nó luôn biểu hiện với những đức tính khác của Trí-tuệ.
Chúng ta cũng phải phân biệt giữa việc làm tròn bổn phận một cách lãnh đạm, và hành động với tâm Từ và tâm Bi. Có một sự cách biệt rất nhỏ giữa hai loại hành động nầy. Sự lãnh đạm là kết quả của sự thiếu quan tâm, thiếu tình thương. Trong khi đó sự bình-thản phát sinh từ hiểu thấu và tình-thương. Tự nó không phải là một đức tính biệt lập. Nó là một phần trong toàn bộ của Trí-tuệ, tâm Từ, Bi, Hỉ và Xả.
Tâm Bi nếu biệt lập thì đó có thể chỉ là cảm-xúc phát sinh do sự điều-kiện-hóa hạnh kiểm dựa trên ý tưởng về lòng Bi, chớ không phải thật sự là lòng Bi. Lòng Từ Bi thật sự, là những biểu hiện tức thời của Trí-tuệ. Nếu có Trí-tuệ thì đã có Từ, Bi, Hỉ, Xả rồi. Tình thương giữ cho ta dấn thân vào tình thế; lòng Bi làm cho ta hòa đồng với người khác, sự bình thản (tâm Xả) giúp ta siêu thoát cảm xúc và nhìn sự vật một cách khách quan; và trí tuệ giúp ta nhận ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề.
Tâm Hỉ là niềm vui có thể đến trong toàn bộ hành động. Một hành động sẽ không có niềm-vui nếu nó được làm trên căn bản bổn phận thuần túy. Niềm vui cũng thiếu nếu chúng ta giúp người vì thương hại. Bổn phận và sự thương hại thì chưa đủ cho lòng Bi thật sự. Niềm vui chỉ có mặt khi hành động phát xuất từ trí-tuệ, tình-thương, lòng bi-mẫn và sự bình-thản.
Một hành động đầy niềm vui không bám níu vào cảm xúc sẽ làm cho sự dấn thân được hoàn mãn. Tâm thức phải hoàn toàn không bị bám níu thì lòng Bi mới thật sự đến. Mỗi tình thế là duy nhất và không giống với tình thế khác, cho nên chúng ta phải đối phó với nó một cách khác biệt, tùy theo yêu cầu và lợi ích của tình thế cá biệt đó. Nếu không có tuệ giác sáng tỏ và nếu hành động đem lại tai hại, thì ta và người khác phải đau khổ một cách vô ích.
Thêm vào đó, tình thương chỉ đến trong một tâm hồn hoàn toàn tự-do, không bị dính níu với bất cứ khái-niệm nào – ngay cả với khái-niệm buông xả. Cho nên, ta phải học cách tự giải-thoát mình khỏi khái-niệm buông xả bằng cách tỉnh thức về giây phút hiện tại. Chỉ trong những giây phút tâm-thức được hoàn toàn tự do thì sự bình thản (tâm Xả) mới siêu thoát được cả hai tình trạng dính níu và tách ly.

HẠNH PHÚC

Mọi cảm-giác trong tâm thì không có gì là chân thật, thường trực hay vĩnh cữu trong cõi đời nầy. Khi gặp người, sự vật, hoặc hiện-tuọng làm chúng ta hài lòng, có cảm giác hạnh phúc sung sướng hay khoái lạc – nhưng đó cũng chỉ là tạm bợ. Khi cố tìm hạnh phúc ở bên ngoài, cuối cùng ta vẫn ở trong vòng lẩn quẩn. Chúng ta không bao giờ có được sự thỏa mãn trọn vẹn từ bên ngoài. Ngay khi chúng ta tìm hạnh phúc, là ta đang ở trên con đường không hạnh phúc rồi. Chúng ta chỉ tìm được hạnh phúc khi ngưng đi tìm nó. Đó là mâu thuẫn. Vì ngay giây phút muốn hạnh phúc, ta bắt đầu có bám níu vào nó. Nghĩa là bám níu vào ý niệm riêng của con người về hạnh phúc. Chúng ta liên hệ với thế giới bên ngoài như là suối nguồn thỏa mãn và đi tìm những gì ta cho là có liên hệ với hạnh phúc – như là gom chứa tài sản, thành công, danh vọng hay quyền thế. Ngay khi bám níu với bất cứ ý niệm nào – hạnh phúc, thành công hay cái gì khác – ta đã bị căng thẳng rồi. Sự bám níu chính nó là một tình trạng căng thẳng, và những gì phát xuất từ nó cũng là căng thẳng. Cũng như ta nắm tay lại thành một nắm. Ngay khi bắt đầu nắm tay lại, ta phải dùng năng lượng để giữ cho các ngón tay liền chặc với nhau, khi ấy ta sẽ không có tự-do. Khi buông nắm tay, bàn tay lại được tự do. Tâm của ta cũng thế. Khi nó ở trong tình trạng nắm chặc, nó không bao giờ có tự do. Nó không bao giờ có thể kinh nghiệm được sự bình an và hạnh phúc. Cho nên chỉ khi nào ta biết buông bỏ mọi ước muốn, buông xả, dục-vọng muốn được hạnh phúc, thì ta sẽ có hạnh phúc.

Trích SỐNG THIỀN
Dr. Thynn Thynn. Bản dịch của Từ Thám