Dầu có khôn ngoan sáng suốt đến đâu nó chỉ khôn ngoan theo ý nghĩa của người thế gian. Dầu nó đem lại nhiều hạnh phúc đến đâu, đó chỉ là những hạnh phúc hiểu theo ý nghĩa của người thế gian, không thể đưa ta vượt ra khỏi thế gian.
Sở dĩ tâm ta còn chưa được an lạc là vì nó vẫn còn chứa chấp những thói xưa tật cũ. Chúng ta thừa hưởng các thói quen xưa cũ ấy từ những hành động trong quá khứ. Nó luôn dính liền và không ngừng quấy rầy ta. Ta tranh đấu, tìm lối thoát ra khỏi, nhưng nó đã trói buộc chặt chẽ và kéo lôi ta trở lại. Những thói quen ấy không quên những gì xưa cũ, thuộc phạm vi hoạt động của nó. Nó níu chặt, bám sát vào tất cả những sự vật quen thuộc củ để xử dụng, để vui thích ngắm nhìn và tiêu thụ; cuộc sống của chúng ta là vậy.
Ngày nào còn chưa nhận thức được giá trị của trạng thái giải thoát và chưa nhìn thấy đau khổ trong vòng trói buộc thì ta vẫn còn chưa có thể buông bỏ.
Khi nhìn thấy rõ ràng thì ta sẽ không cần nhẫn nại chịu đựng hay cố gắng cưỡng ép mình. Trạng thái an lạc sẽ khởi sanh từ những việc làm với toàn thể thân và tâm mà ta đã hoàn tất viên mãn.
Bất luận gì còn bỏ sót lại chưa thực hiện được, nó sẽ làm cho chúng ta cảm nghe như bất toại nguyện. Chúng sẽ trói buộc chúng ta trong lo âu, dầu có đi đâu hay ở đâu.
Trong pháp hành chúng ta chỉ nhìn vào tâm. Những người có tâm niệm chân chánh sẽ nắm vững pháp hành của mình họ luôn luôn kéo tâm trở về và tự mình phát triển.
Thế gian và những đường lối vô cùng tận của thế gian triền miên diễn tiến. Nếu chúng ta cố tìm hiểu nó, công phu ấy chỉ đưa ta đến hỗn loạn và rối trí. Tuy nhiên, nếu ta sáng suốt quán chiếu thế gian một cách rõ ràng thì trí tuệ thật sự phát sanh. Tất cả những giác quan hiển nhiên là “có hiện hữu”, nhưng tất cả đều là “không”, không chứa đựng gì là ổn định. Nó chỉ là những “tri giác”, phát sanh rồi hoại diệt, sanh rồi diệt.
Nếu ta thấu hiểu sự vật đúng với “thực tại” thì giác quan không có gì là “thực chất” mà chỉ là “những tri giác”, đến rồi đi. Trong thực tế thì không hề có “một cái gì”. Nếu không có “một cái gì” tức nhiên không có “chúng ta” và “chúng nó”. Nếu không có “chúng ta” xem như một con người, ắt không có gì “của ta”. Đó là phương cách để chấm dứt đau khổ. Không có bất luận một ai để thâu nhận sự khổ thì ai đau khổ?
Khi đau khổ phát sanh, ta “bám níu vào trạng thái đau khổ” và do đó, phải thật sự chịu đau khổ. Cùng thế ấy, khi hạnh phúc phát sanh ta bám níu vào hạnh phúc và do đó, ta chứng nghiệm lạc thú. Bám níu vào những cảm giác như vậy là làm khơi dậy khái niệm về “một cái ta”, về “tự ngã” và những tư tưởng về “chúng ta”, “chúng nó” liên tục phát hiện. Đây là đầu mối của tất cả, mang ta đi trong một vòng lẩn quẩn vô cùng tận.
Khi giác quan bị khuấy động chúng ta bị kích thích, bồn chồn, và giác quan trở thành kẻ thù nghịch. Nó thù nghịch với ta bởi vì chúng ta còn điên cuồng. Chúng ta không có trí tuệ để đối phó với nó. Ngày nào mà trí tuệ chưa thật sự phát sanh chúng ta vẫn còn thấy giác quan và những đối tượng của nó (tức lục căn và lục trần) là kẻ thù. Một khi trí tuệ phát hiện, căn và trần cảnh không còn là thù nghịch nữa mà trở thành con đường chân chính, đưa ta vào “tuệ minh sát” và Chánh Kiến.
Khi trí tuệ chín mùi và chúng ta bắt đầu hiểu biết cách thích ứng với Chân Lý, ta sẽ không còn bị lôi kéo lên xuống nữa. Khi sự vật không còn đối nghịch với ta nó sẽ trở thành ổn định và quân bình. Sẽ không còn lên xuống hoặc thấp cao. Chúng ta thấu triệt những sự vật của thế gian và hiểu biết rằng đường lối của chúng tự là vậy. Nó chỉ là thế gian pháp (tám pháp thế gian:được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ).
Khi “Thế gian pháp” biến thành “Con Đường” – tức Bát Chánh Đạo. “Thế gian pháp” có tám. “Con Đường” có tám. Nơi nào có “thế gian pháp” cũng có “Con Đường”. Khi chúng ta sống một cách sáng suốt rõ ràng tất cả những kinh nghiệm tại thế của ta trở thành pháp hành “Bát Chánh Đạo”. Nếu không sáng suốt rõ ràng, “thế gian pháp” sẽ lấn áp trội lên và chúng ta sẽ tách rời, lìa xa “Con Đường”. Khi Chánh Kiến phát sanh, trạng thái giải thoát ra khỏi mọi đau khổ hiện khởi ngay tại đây, trước mắt ta.
Khi có vấn đề gì nảy sinh, đó chính là lúc mà ta phải giải quyết, ngay vào lúc ấy! Không cần phải đi đâu, tìm kiếm cái gì đặc biệt, chỉ sống bình thường, luôn hiểu biết tâm ta ở đâu! Sống với Chánh Niệm và hiểu biết rõ ràng. Hãy để cho trí tuệ hướng dẫn ta, không nên dể duôi chểnh mảng, hờ hững lăn trôi theo những cơn buồn vui tùy hứng ấy!
Không có gì khác biệt với tâm ta. “Nhập vào trung tâm” có nghĩa là sống với Chánh Niệm, ghi nhận và hay biết rõ ràng, luôn luôn giác tỉnh, làm tất cả mọi việc một cách thỏa đáng và chính xác – đó là trung tâm của chúng ta. Thật sự không phải làm gì nhiều, chỉ thận trọng sống như vậy, luôn luôn giác tỉnh.
Đó là tất cả những gì ta cần phải biết: ngồi lại và suy niệm. Giác quan bao trùm và luôn luôn khơi động tâm. Khi một giác quan tiếp xúc với đối tượng, nó lập tức chạy đến tâm. Tâm quán chiếu, suy xét tận tường rồi nhập trở lại vào trung tâm. Ta sống an trú như vậy – giác tỉnh, hành động chính xác và luôn luôn giữ chánh niệm, hay biết với trí tuệ. Chỉ bấy nhiêu, và pháp hành của ta hoàn thành viên mãn.
Điểm nầy rất quan trọng. Chúng ta không nhất thiết phải ngồi thiền suốt ngày suốt đêm, hay là phải đi kinh hành suốt đêm suốt ngày. Nếu quan niệm pháp hành là vậy ta thật sự tạo khó khăn cho mình. Phải làm điều nào mà mình có thể làm được, lượng sức dẻo dai và năng lực của mình và xử dụng khả năng của cơ thể trong mức độ thích nghi.
Điều rất quan trọng là hiểu biết cái tâm và các giác quan. Thấu hiểu nó đến như thế nào và thấu hiểu nó đi như thế nào. Khởi sanh như thế nào và hoại diệt như thế nào. Trong ngôn ngữ của Giáo Pháp, tâm cột trói giác quan bằng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Biết rằng những sự vật ấy là vô thường, dính liền với đau khổ và không có gì gọi là “ta” thì phải là điên cuồng ta mới chạy theo chúng! Nếu không nhận thức rõ ràng như vậy ắt ta phải đau khổ.
Khi đã quan sát tận tường và thấy rằng những sự vật ấy quả thật là vô thường thì dầu nó có vẻ như đáng cho ta chạy theo, thật sự nó không đáng. Tại sao ta muốn làm gì trong khi bản chất của nó là đau đớn và sầu khổ? Nó không phải của ta, không có thực chất, không có gì thuộc về của ta. Như vậy tại sao ta chạy theo tìm nó làm gì? Tất cả mọi vấn đề khó khăn đều chấm dứt nơi đây. Còn đâu khác để ta chấm dứt nó?
Khi cái tâm đã thấy Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thì nó buông bỏ tất cả và tự phóng thích. Nó không còn bám níu vào đau khổ hay hạnh phúc. Đó là chất liệu dinh dưỡng cho tâm linh người có pháp hành, người thật sự đã tự rèn luyện. Tất cả chỉ có bấy nhiêu, thật giản dị! Ta không cần chạy tìm nơi nào khác. Như vậy bất luận việc gì mà ta đang làm, đặt tâm ở ngay tại đó. Không cần phải rầm rộ và phiền nhiễu. Làm như vậy đà tinh tấn và năng lực của pháp hành sẽ tiếp tục tăng cường và trở nên thuần thục. Năng lực của pháp hành nầy đưa ta ra khỏi vòng quanh sanh và tử.
Ajahn Chah