Trong sợ hãi, chúng ta sẽ trở thành vô cảm và không quan sát được việc gì đang xảy ra một cách trọn vẹn đúng đắn chân thật ý nghĩa của nó. Chúng ta dễ dàng bị trói buộc bởi truyền thống, theo sau người lãnh đạo hay vị đạo sư nào đó; chúng ta đánh mất đi sự cao quý của một con người cá thể.
Vì vậy, chính khả năng tu tập giúp đỡ chúng ta được tự do khỏi sợ hãi, khả dĩ đi đến sáng tạo thực sự. Sáng tạo sẽ bị hủy hoại khi chúng ta đang sao chép, đang bị trói buộc bởi truyền thống, hoặc đang tuân theo một người lãnh đạo hay một người thầy tôn giáo nào đó. Tuân theo bất kỳ vấn đề nào khác chắc chắn đều hủy hoại thông minh. Chính qui trình của tuân theo đã tạo ra có một ý thức của sợ hãi; và sợ hãi sẽ ngăn cản sự hiểu rõ về cuộc sống của tất cả cùng những phức tạp lạ lùng của nó.
Khi sợ hãi, ta luôn có khuynh hướng phải bắt chước. Những người sợ hãi bắt chước những người khác; họ bám vào truyền thống, hoặc một sức mạnh nào đó từ bên ngoài. Và sự bắt chước đã hủy hoại khả năng sáng tạo của chính mình. Như muốn được tự do để vẽ một cái cây, hay một bông hoa, chúng ta phải cảm thấy nó đang chuyển tải sang ta một cái gì đó. Điều này rất quan trọng – cố gắng chuyển tải ý nghĩa của cái gì ta nhìn thấy và không chỉ là sao chép, mà còn là làm cho chúng ta bắt đầu thức dậy sự tiến hành sáng tạo
Rất cần thiết phải vượt khỏi những hình thức của bắt chước này để cảm thấy được tự do, để hiểu rõ những sự việc cho chính mình, để chấp nhận một cách không suy nghĩ điều gì người nào khác nói, không đặt thành vấn đề người đó là ai. Hiểu rõ những sự việc cho chính mình, và không theo sau, là điều rất quan trọng. Chừng nào còn muốn theo sau cái gì đó, là còn có sợ hãi; và sợ hãi làm què quặt “cái trí” đến độ chúng ta không thể nào có được tự do, sáng tạo.
Cái trí tự do là gì? Chúng ta luôn đang theo dõi để thấy điều gì những người khác nói về mình. Cái trí như thê giống như ngôi nhà được bao bọc bởi một hàng rào hay bởi dây kẽm gai. Trong trạng thái đó sẽ không gì mới mẻ có thể xảy ra. Và cực kỳ khó khăn cho cái trí được tự do khỏi sợ hãi, bởi vì điều gì hàm ý muốn được tự do thực sự, thoát khỏi sự ham muốn để bắt chước, theo sau. Và rất quan trọng phải có một cái trí tự do thoát khỏi truyền thống, những hệ thống máy móc hình thành nên thói quen của cái trí.
Chúng ta có thể tự thấy cái trí làm việc như thế nào, nó vận hành, phản ứng như thế nào. Và bắt đầu hiểu rõ cái trí riêng trong khi chúng ta còn nhỏ là điều rất quan trọng, ngược lại ta sẽ lớn lên và tuân theo những truyền thống nào đó mà chẳng quan trọng chút nào cả; ta sẽ bắt chước, mà có nghĩa là tiếp tục vun quén những lo âu, sợ hãi, và thế là chúng ta sẽ không bao giờ được tự do.
Toàn cuộc sống của ta luôn bị vây bủa, giới hạn và bị kiềm hãm trong những ý tưởng nào đó; sâu thẳm bên trong có mầm mống của sợ hãi. Đó là lý do tại sao nhận biết được tất cả những việc này. Đầu tiên chúng ta phải nhận biết được tất cả mọi việc, để có thể thâm nhập chúng, có thể dò dẫm, học tập ở chúng! Chắc chắn, trong thế giới này, điều gì chúng ta cần không phải là nhiều người bắt chước hơn, không phải là có nhiều người lãnh đạo hơn hay nhiều người theo sau hơn. Lúc này, điều gì chúng ta cần là những cá thể giống như chúng ta đang bắt đầu thâm nhập tất cả những vấn đề này, không phải một cách hời hợt hay ngẫu nhiên, mà là sự thâm nhập sâu thẳm hơn và để cho cái trí được tự do để sáng tạo, được tự do để suy nghĩ, được tự do để thương yêu…
Lúc này, điều gì tất cả chúng ta nên làm là cùng nhau thâm nhập vào tất cả những vấn đề này, hiểu rõ những vấn đề cho chính mình, và không để phụ thuộc vào sự dốt nát lệ thuộc truyền thống nào đó.
Hãy quan sát những “thói quen” hàm ý một chuyển động được lặp đi và lặp lại. Điều đó đảm bảo không thể có bất kỳ điều gì mới lạ ngoại trừ sự đơn điệu? Thói quen là sự lặp lại, là một qui trình dựng lên một bức tường quanh chính mình. Như thế, ta sẽ không có được tự do. Khi có thông minh để nhìn ngắm mọi thứ xảy ra trong cuộc sống, thâm nhập mọi vấn đề; mọi biến cố, mọi suy nghĩ, cảm xúc – mọi phản ứng lúc đó mới có tự do khỏi sự sợ hãi.
Chúng ta cũng nên hiểu rõ nghi vấn của uy quyền. Uy quyền là sự ép buộc, cưỡng bách, quyền hạn của một người với một người khác. Do hoang mang, lo lắng, và không biết phải làm gì, chúng ta đi tìm kiếm một cách thoát khỏi sự hoang mang của mình. Bởi vì nghĩ người khác biết nhiều hơn mình, chúng ta tìm đến vị đạo sư, hay đến một người nào đó và nhờ người ấy chỉ bảo cho chúng ta phải làm gì. Thế là, do bởi sự ham muốn nhằm tìm ra một phương cách đặc biệt, cách cư xử mới tạo ra uy quyền. Đôi khi, với mục đích sống phù hợp vào lý tưởng nào đó, chúng ta tự-kỷ luật chính mình. Lý tưởng đã trở thành uy quyền, và ta cố gắng sống theo uy quyền đó. Thế là, cuộc sống khi ấy trở thành một trận chiến liên tục giữa “tôi là” gì và “tôi nên là” gì.
Vấn đề của kỷ luật cũng rất phức tạp, bởi vì hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng qua hình thức kỷ luật nào đó, cuối cùng chúng ta sẽ có tự do. Kỷ luật là vun quén sự kháng cự. Với kháng cự, ta dựng lên một chướng ngại bên trong chính mình nhằm chống lại điều gì đó mà ta nghĩ là xấu xa, ta nghĩ chúng ta có thể hiểu rõ và được tự do để sống trọn vẹn; nhưng đó không là một sự kiện. Chúng ta càng kháng cự hay đấu tranh chống lại điều gì đó nhiều bao nhiêu, ta càng ít hiểu rõ nó bấy nhiêu. Chắc chắn, chỉ khi nào có tự do, tự do thực sự để suy nghĩ, để khám phá – chúng ta mới có thể tìm ra bất kỳ điều gì.
Nhưng chắc chắn tự do không thể tồn tại trong một cái khung, trong một thế giới bị bao bọc bởi những ý tưởng. Chúng ta biết điều gì người ta nói, điều gì truyền thống nói, và điều gì ta đã học hỏi được. Tất cả những hình thức này tạo ra một loại bao bọc mà chúng ta sống trong nó; và đang sống trong sự bao bọc đó. Liệu một con người có khi nào được tự do nếu anh ấy sống trong một nhà tù?
Vì vậy, người ta phải phá vỡ những bức tường ngục tù của truyền thống, và tìm ra điều gì thực sự là đúng thật. Khoảnh khắc chấp nhận tuân phục, bắt chước; và theo sau, không bao giờ có thể khiến cho chúng ta tự do và hạnh phúc. Cho nên, điều quan trọng là phải được tự do để nhận thức rỏ và không phải bị bao bọc bởi một bức tường của những gì phải làm và những gì không phải làm; bởi vì nếu chúng ta liên tục được chỉ bảo phải làm gì và không làm gì, thì chúng ta chỉ là một thực thể không suy nghĩ mà chỉ tham gia vào nghề nghiệp nào đó, chừng nào ta còn bị trói buộc bởi truyền thống, không thể có sự hiểu biết sáng tạo.
Do bởi những lo toan, sợ hãi dần dần chúng ta hủy diệt tánh nhạy cảm của mình? Nhạy cảm là cảm thấy, có ấn tượng, có đồng cảm cho những người khác, có thương yêu, nhận biết được những sự việc đang xảy ra chung quanh ta. Khi chuông chùa đang rung, ta nhận biết được nó? Biết lắng nghe âm thanh? Có khi nào chúng ta thấy ánh sáng mặt trời trên dòng nước! Nhận biết được những người nghèo khổ, bị sai khiến, bị chà đạp suốt hàng thế kỷ bởi những người bóc lột. Tất cả mọi việc này hàm ý nhạy cảm. Nhạy cảm sẽ bị hủy diệt khi người ta bị kỷ luật, khi nguời ta bị sợ hãi hay quan tâm về chính họ. Quan tâm suy nghĩ về mình – mà hầu hết chúng ta đều làm trong hình thức này hay hình thức khác – là không nhạy cảm, bởi vì lúc đó cái trí và quả tim bị bao bọc và chúng ta mất đi tất cả sự trân trọng của vẻ đẹp.
Được thực sự tự do hàm ý nhạy cảm vô cùng. Không có tự do nếu ta bị vây bủa bởi tánh tư lợi hay bởi nhiều bức tường của kỷ luật. Chừng nào cuộc sống của mình còn là một qui trình của bắt chước, không thể có nhạy cảm, không thể có tự do. Trong khi ở đây, rất quan trọng phải gieo hạt giống của tự do, và đánh thức dậy trí thông minh; bởi vì cùng thông minh đó chúng ta có thể giải quyết được tất cả những vấn đề của cuộc sống.
Để tìm ra điều gì là đúng thật, cái trí phải được tự do để thâm nhập vấn đề, có nghĩa rằng nó không thể chỉ chấp nhận hay tin tưởng suông. Một ví dụ có thể đưa ra một diễn tả về sự thật, nhưng nó sẽ không là cùng sự việc như ta trải nghiệm về sự thật cho chính mình. Tất cả những quyển sách thiêng liêng đều diễn tả Thượng đế là gì, nhưng sự diễn tả đó không là Thượng đế. Từ ngữ “Thượng đế” không là Thượng đế!
Muốn tìm ra điều gì là đúng thật chúng ta phải biết không bao giờ chấp nhận, không bao giờ để bị ảnh hưởng bởi điều gì những quyển sách, những người thầy hay bất kỳ người nào khác nói. Nếu bị ảnh hưởng bởi họ, chúng ta sẽ chỉ tìm được điều gì họ muốn ta tìm được. Và ta phải biết rằng cái trí riêng của mình có thể sáng chế hình ảnh của điều gì mà nó ao ước, nó có thể tưởng tượng, Thượng đế có bộ mặt như thế nào đó. Cho nên, chúng ta phải nhận biết được những ham muốn riêng của mình, không để bị lừa gạt bởi những ao ước riêng. Nếu muốn thấy Thượng đế trong một hình dạng nào đó, hình ảnh ta thấy sẽ phụ thuộc vào những khao khát của mình; và đó sẽ không là Thượng đế! Vì vậy, cái trí phải tuyệt đối được tự do thật sự – không phải do sự chấp nhận của mê tín, cũng không phải do những quyển sách tạm gọi là thiêng liêng, hay do bởi theo sau vị đạo sư nào đó. Chỉ khi nào có sự tự do, thoát khỏi những ảnh hưởng bên ngoài cũng như những ham muốn và những khao khát riêng, chỉ đến lúc đó mới có thể tìm được Thượng đế là gì. Nhưng nếu chỉ ngồi đó và phỏng đoán, thì ấy cũng giống hệt như những phỏng đoán của vị đạo sư của ta, đều là ảo tưởng như nhau.
Ham muốn đã ngăn cản không cho ta lắng nghe. Nếu như ta ham muốn một việc, là ta đã tự giới hạn mình trong những ham muốn riêng ấy. Những ham muốn ấy sâu thẳm, muốn khám phá những động cơ riêng của nó là gì, cái trí đang tìm kiếm phải rất rõ ràng và tự do. Vì vậy trước hết hãy nhận biết được trọn vẹn những ham muốn; sau đó, bởi vì đã nhận biết được nhiều điều trên bề mặt, chúng ta sẽ có thể thâm nhập sâu thẳm hơn .
Chừng nào cái trí vẫn còn bị đúc khuôn hay bị quy định, nó không thể được tự do. Và hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chúng ta không bao giờ có thể làm tự do cái trí khỏi tình trạng bị quy định ấy, rằng nó luôn luôn phải bị quy định. Họ còn cho rằng ta không thể ngăn cản những cách suy nghĩ đó, những thành kiến đó, và rằng không thể có giải thoát, không thể có tự do cho cái trí. Một cái trí bị quy định như thế sẽ không bao giờ được tự do bởi vì nó không thể vượt khỏi những biên giới riêng, những rào chắn mà nó đã thiết lập quanh chính nó. Đây là ngục tù mà tất cả chúng ta đều đang bị trói buộc.
Chúng ta luôn muốn thực hiện nghi thức tôn giáo, ưa thích sự trình diễn hay vẻ đẹp của nó, thế là ta thực hiện nó. Nếu có thể sử dụng thông minh để thâm nhập nó mà không có thành kiến, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ phát giác rằng nó thực sự vô nghĩa.
Ta đã quen bị lệ thuộc, bị đúc khuôn đến độ sợ hãi, tự sáng tạo phương hướng riêng cho mình, vì vậy, thế hệ nối tiếp thế hệ, sự bắt chước luôn tiếp tục. Như thế sẽ không có sáng tạo thực sự, không có tự do; không có gì cả ngoại trừ cái chết dần dần. Một con người tự do không bao giờ có thể cảm thấy mình bị phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, giai cấp nào, hay loại suy nghĩ nào. Tự do có nghĩa tự do tại mọi mức độ, xuyên suốt; và nếu chỉ suy nghĩ theo một phương hướng đặc biệt nào đó thì không là tự do.
Vì vậy, tự do là điều rất quan trọng, không chỉ tại mức độ ý thức bên ngoài, mà còn sâu thẳm phía bên trong. Điều này có nghĩa là ta không bao giờ chấp nhận một cách không suy nghĩ, nhưng luôn luôn nghi ngờ, thâm nhập và phản kháng.Nó giống như sự ao ước của con chim để bay được, hay của những dòng nước của con sông để được trôi chảy. Chúng ta không thể kiếm được nó bằng cách đọc một quyển sách, hay bằng cách lắng nghe người nào đó giảng thuyết. Tự do thực sự không là điều gì đó để tìm được, nó là kết quả của hiểu biết chính xác. Tự do hiện diện cùng thông minh.
Để sáng tạo, có sáng kiến khởi đầu thực sự, phải có tự do; và muốn có tự do phải có thông minh. Vì vậy, chúng ta phải thâm nhập và tìm ra điều gì đang ngăn cản thông minh. Chúng ta phải thâm nhập cuộc sống, phải nghi ngờ những giá trị thuộc xã hội và không chấp nhận bất kỳ sự việc gì mà đã gây nên có sự sợ hãi. Nếu không thâm nhập vào nó thật sâu thẳm và thực sự hiểu rõ nó, sợ hãi sẽ luôn luôn gây biến dạng những hành động của chúng ta; nó tạo ra những rào chắn giữa những con người, và chắc chắn nó hủy diệt tình yêu.
Như thế, càng thâm nhập vào sợ hãi nhiều bao nhiêu, ta càng hiểu rõ và thực sự được tự do khỏi nó nhiều bấy nhiêu, sự hiệp thông của chúng ta cùng tất cả những sự việc chung quanh sẽ càng thăm thẳm bấy nhiêu. Nếu chúng ta có thể tự làm tự do khỏi sợ hãi, chúng ta sẽ có những tiếp xúc bao la, hiểu rõ thăm thẳm, đồng cảm thực sự, tình yêu, ân cần, và sự mở rộng tầm nhìn của chúng ta sẽ là vô giới hạn.
Khi chúng ta đóng kín những cửa ra vào của ngôi nhà và ở phía bên trong, ta cảm thấy rất an toàn, cảm thấy được bảo đảm, không bị quấy nhiễu. Nhưng cuộc sống không như thế. Cuộc sống liên tục đang gõ cửa nhà của chúng ta, đang cố gắng giật tung những cánh cửa để cho chúng ta có thể thấy nhiều hơn; và nếu như vì sợ hãi mà ta khóa chặt cửa ra vào. Chúng ta càng bám vào sự an toàn trong bất kỳ hình thức nào, cuộc sống càng đến và xô đẩy chúng ta mạnh mẽ hơn bấy nhiêu. Chúng ta càng sợ hãi và khép kín bao nhiêu, sẽ càng đau khổ bấy nhiêu.
Đó là lý do tại sao chúng ta nên thâm nhập và phá vỡ những cảm nhận của sợ hãi này để được tách khỏi chúng, và không bị vây bủa trong những ý tưởng, những truyền thống, thói quen, để là một con người tự do cùng sức sáng tạo vô hạn. Vì vậy trách nhiệm của chúng ta là cố gắng phát huy khả năng hiểu biết để không còn có sợ hãi, để có thể tìm ra con đường đúng đắn riêng của mình, cách thực sự mà ta muốn sống.
Trong thế giới mới mẻ đó tất cả những sự việc xấu xa của quá khứ sẽ không còn tồn tại – những hình thái của xung đột, xảo quyệt hay những Thượng đế chia rẽ, những nghi thức hời hợt của họ tuyệt đối không có ý nghĩa gì.
Điều chúng ta gọi là Thượng đế thì không phải là cái trí sáng tạo. Cái trí là kết quả của thời gian, và nó có thể sáng chế bất kỳ thứ gì, bất kỳ ảo tưởng nào. Nó có khả năng sáng chế những ý tưởng, tự chiếu rọi chính nó trong những mê đắm nhất thời, trong sự tưởng tượng; nó liên tục đang tích lũy, đang chọn lựa. Bởi vì có thành kiến, chật hẹp, bị giới hạn, cái trí có thể vẽ ra Thượng đế, nó có thể tưởng tượng Thượng đế là gì tùy theo những giới hạn riêng của nó, bởi vì những người thầy, những giáo sĩ, hay là đấng cứu rỗi nào đó đã nói rằng có Thượng đế và đã diễn tả ông ấy, cái trí có thể tưởng tượng Thượng đế trong những từ ngữ đó; nhưng hình ảnh đó không là Thượng đế.
Muốn hiểu rõ Thượng đế, chúng ta phải nhận thức rõ cái trí riêng của mình. Cái trí rất phức tạp, và để hiểu rõ nó không dễ dàng gì cả. Nhưng trái lại, ta rất dễ dàng khi ngồi xuống và chìm đắm trong loại mộng mơ nào đó, có vô số những ảo ảnh, những ảo tưởng, và sau đó nghĩ rằng chúng ta rất gần gũi Thượng đế. Cái trí có thể tự lừa dối chính mình. Vì vậy, để thực sự trải nghiệm điều này, cái trí của chúng ta phải tuyệt đối yên lặng. Chúng ta có lẽ đang theo sau vị đạo sư nào đó và ép buộc cái trí phải yên lặng; nhưng cái trí thực sự không yên lặng. Để khiến cho cái trí hoàn toàn yên lặng mà không cần ép buộc là một nghệ thuật tuyệt vời; và chỉ lúc đó mới có thể trải nghiệm cái mà có lẽ được gọi là Thượng đế.
Nếu như biết quan sát và lắng nghe, ta sẽ phát giác nhiều sự việc, không chỉ về con người mà còn về thế giới bên ngoài nữa. Đôi khi chúng ta có một thoáng mơ hồ về điều đó – như cảm thấy một vẻ đẹp, một nhận biết được những con chim trong bầu trời, những dòng nước đang chảy, một chiếc lá đang nhảy múa trong gió…. Và có cả sự tức giận, ồn ào, đau khổ… – tất cả việc đó đang ở trong không gian. Thế là tự nhiên chúng ta sẽ bắt gặp ý nghĩa của tất cả điều này trong nhận biết được cái sâu thẳm và bao la.
Cho nên tất cả những ảo tưởng của cái trí phải được chấm dứt, như thế ta mới có thể khám phá sự việc thực sự là gì. Nếu ta có thể thâm nhập tất cả những xung đột, những đau khổ, kiêu hãnh, sợ hãi …., và xuyên thấu chúng, vượt khỏi và ở trên chúng, như thế ta có thể thấy cái tối thượng đó.
Cái trí là gì? Đây không có ý nói về bộ não, cái mà nói “tôi suy nghĩ” “tôi muốn “tôi không muốn” Nếu chúng ta không bắt đầu hiểu rõ và làm cho mình hoàn toàn quen thuộc với toàn qui trình của sự suy nghĩ mà được gọi là cái trí, nếu không hoàn toàn nhận biết được nó trong chính mình, dần dần ta sẽ trở nên cằn cỗi, cứng nhắc, đờ đẫn, cố định trong một khuôn mẫu nào đó của sự suy nghĩ.
Cái mà chúng ta gọi là cái trí này là phương cách của sự suy nghĩ – cách ta suy nghĩ và cảm thấy… Cái trí ấy lớn lên, dần dần trở nên biến dạng hay cố định trong một khuôn mẫu nào đó. Chúng ta thèm khát, ham muốn để là hay trở thành cái gì đó, và ham muốn này thiết lập một khuôn mẫu; đó là, cái trí của chúng ta tạo ra một khuôn mẫu và bị trói buộc trong nó. Ham muốn bị cố định cái trí của chính mình.
Vậy là, trong ham muốn, thèm khát, cái trí tạo ra một khuôn mẫu, và trong khuôn mẫu đó nó bị trói buộc; và sau đó nó trở nên, đờ đẫn, dốt nát, không chính chắn. Cái trí là trung tâm của cảm thấy của sở hữu này, cảm thấy của “tôi” và “cái của tôi”. Cảm thấy của “tôi” và “cái của tôi” này là chính hạt nhân của cái trí. Cái trí càng có cảm thấy này của là người nào đó, quan trọng, rất thông minh, vân vân… nhiều bao nhiêu, nó càng thiết lập những bức tường quanh chính nó và càng trở nên khép kín nhiều bấy nhiêu. Sau đó nó chịu đựng đau khổ, bởi vì trong sự khép kín đó chắc chắn có đau khổ. Nhưng thay vì vượt khỏi những bức tường bao bọc bằng sự nhận biết, bằng sự suy nghĩ chín chắn, thâm nhập và hiểu rõ toàn qui trình mà chúng được tạo ra, nó lại đấu tranh để tìm ra cái gì đó phía bên ngoài mà tự bao bọc lại chính nó. Thế là, cái trí dần dần trở thành một rào chắn đối với tình yêu.
Thói quen của cái trí cũng là một dụng cụ của sự so sánh. “Cái này tốt hơn cái kia”; chúng ta so sánh chính mình với người nào đó. Sự nhận xét so sánh này khiến cho cái trí không nhạy bén, nó không khiến cho cái trí hiểu rõ, bao quát. Khi ta liên tục đang so sánh, thấy mặt trời hoàng hôn và ngay tức khắc so sánh nó với một mặt trời hoàng hôn trước. Chúng ta không chịu thực sự nhìn ngắm vẻ đẹp đang hiện diện ở đó, trước mặt mình. Vì vậy, sự so sánh ngăn cản không cho chúng ta nhìn ngắm trọn vẹn.
Trong cách này, cái trí mỗi lúc trở nên một so sánh hơn, chiếm hữu hơn, phụ thuộc hơn, thế là đang thiết lập một khuôn mẫu mà trong đó nó bị cột chặt. Bởi vì nó không thể nhìn ngắm bất kỳ cái gì mới mẻ, trong sáng hơn, nó hủy diệt chính hương thơm của sự sống, đó là tình yêu.
Chắc chắn, một cái trí tỉnh táo là một cái trí bất động, chỉ khi nào cái trí bất động mới có thể hiểu rõ Thượng đế là gì. Một cái trí bất động không bao giờ xin xỏ bất kỳ cái gì từ Thượng đế. Chính là một cái trí nghèo nàn mới cần nài nỉ, cầu xin. Cái gì nó nài nỉ nó sẽ không bao giờ nhận được, bởi vì cái nó thực sự ao ước là sự an toàn, sự thanh thản, sự vĩnh cửu. Nếu chúng ta van xin bất kỳ cái gì từ Thượng đế, ta sẽ không tìm được Thượng đế.
Chúng ta buông thả trong loại cầu nguyện này khi có đau khổ. Khi cảm thấy hoàn toàn cô độc, khi bị phiền muộn, chúng ta hay van xin Thượng đế giúp đỡ. Hình thức của cầu nguyện có thể thay đổi, nhưng ý định đằng sau nó thông thường lại giống hệt, cầu nguyện là một lặp lại, một nài nỉ, một van xin.
Khi cầu nguyện, thông thường chúng ta đang cầu xin được như thế nào đó! Chúng ta không thỏa mãn với việc gì đang có, với cái gì được cho, nhưng muốn cái chén được đổ đầy tùy theo những ao ước của mình. Vì vậy, cầu nguyện chỉ là một lặp lại; nó là một đòi hỏi mà ta phải được thỏa mãn, vì vậy nó không là cầu nguyện gì cả.
Chúng ta càng hiểu biết về chính mình qua sự nhận biết điều gì đang suy nghĩ, điều gì đang cảm nhận, chúng ta sẽ khám phá sự thật của cái gì là nhiều bấy nhiêu; và chính là sự thật này sẽ giúp đỡ chúng ta được tự do. Nếu chúng ta có thể thực sự lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sự thật của nó. Chính biết lắng nghe đúng đắn giải thoát cái trí, nó xóa sạch những vô giá trị của nhiều năm thất bại, thành công, khao khát.
Khi chúng ta nỗ lực để chú ý, chỉ đơn giản là đang lắng nghe, sẽ có sự thật trong điều ta lắng nghe, chúng ta sẽ phát giác một thay đổi lạ thường đang xảy ra trong chính mình – một thay đổi mà không hề bị lập kế hoạch từ trước hay có ao ước; sẽ có một đột biến thay đổi tuyệt đối mà trong nó là sự thật, một mình nó, là người thầy nhưng đó không phải là những sáng chế của cái trí. Chúng ta nên lắng nghe mọi thứ trong cách đó – không chỉ điều gì ta đang lắng nghe, mà còn cả điều gì những người khác đang nói, chim chóc, tiếng còi của một chiếc xe, tiếng ồn của một chiếc xe buýt đang chạy ngang qua. Chúng ta sẽ nhận ra rằng, càng lắng nghe mọi thứ thăm thẳm bao nhiêu, yên lặng càng vô tận bấy nhiêu, và lúc đó sự yên lặng đó không còn bị nhiễu loạn bởi sự ồn ào.
Cái cây, chiếc lá, con sông, người phụ nữ, người đàn ông, những người dân làng đang đội một gánh nặng trên đầu của họ và bước đi duyên dáng. Họ đi ngang qua, và kỷ niệm của nó vẫn còn lưu lại. Khi thấy cái gì đó đẹp đẽ, sẽ có sự hân hoan tức khắc, chỉ một vài khoảnh khắc sau, đã trở thành một kỷ niệm. Kỷ niệm của hân hoan đó là một sự việc chết rồi. Và qua ảnh hưởng chết rồi của những cài đẹp, chúng ta muốn nắm bắt lại sự hân hoan ấy. Nhưng kỷ niệm không có hân hoan; nó chỉ là hình ảnh của cái gì đó mà đã chấm dứt dù lúc trước nó đã sáng tạo sự hân hoan. Có sự hân hoan như phản ứng tức khắc đến vẻ đẹp, nhưng ký ức đã chen vào và hủy diệt nó. Nếu có sự nhận biết liên tục được vẻ đẹp trong từng khoảnh khhắc mà không có những tích lũy của ký ức – chỉ như thế có thể có sự hân hoan vĩnh viễn.
Những con người thích tích lũy và tôn thờ những hiểu biết, không chỉ hiểu biết khoa học nhưng còn cả hiểu biết tạm gọi là tinh thần. Họ nghĩ rằng hiểu biết rất quan trọng trong cuộc sống – hiểu biết về việc gì đã xảy ra, về việc gì sẽ xảy ra. Toàn qui trình này của tích lũy thông tin, của tôn thờ hiểu biết sẽ dần dần dựng lên một nền tảng của hiểu biết mà trở thành truyền thống; và đằng sau truyền thống này là nơi chúng ta ẩn náu. Sự liên hệ của xã hội được thiết lập dựa trên hiểu biết như thế, và chúng ta sẽ không thể sống nếu không có nó. Những hiểu biết như thế chỉ là những thông tin, dần dần chúng trở thành chất nuôi dưỡng của sự tự phụ, của cái ngã, “cái tôi”. Bởi vì cái ngã không thể tồn tại nếu không có hiểu biết này, đó chỉ là hình thức nào đó của sự phụ thuộc ăn bám.
Nếu chúng ta không hiểu rõ điều này, chỉ vượt qua những hiểu biết phổ quát và kiếm được những vị trí của thanh danh và quyền hành chắc chắn sẽ dẫn đến sự thoái hóa, đến sự suy sụp, đến sự tàn tạ từ từ của phẩm giá con người.
Muốn tìm ra tôn giáo thực sự là gì, trước hết chúng ta phải thấy nó không là gì, và loại bỏ nó. Vậy thì, ta sẽ tìm ra, bởi vì lúc đó có sự nhận biết hiệp thông. Vì vậy, chúng ta hãy thấy tôn giáo không là gì.
Thực hiện nghi thức thờ cúng, nghi lễ tôn kính, niệm một câu thần chú nào đó trước một bàn thờ hay một hình tượng. Nó có lẽ trao tặng chúng ta một ý thức của vui thú, một ý thức của thỏa mãn; nhưng đó không là tôn giáo? Chấp nhận những niềm tin, những giáo điều, những truyền thống nào đó – tất cả việc này không liên quan gì đến tôn giáo. Tôn giáo, trong ý nghĩa thực sự của từ ngữ có sự tách rời. Nhưng những niềm tin của ta tách rời chúng ta; vì vậy, những niềm tin không liên quan gì với tôn giáo. Dù ta có tin tưởng Thượng đế hay không tin tưởng Thượng đế chẳng có ý nghĩa bao nhiêu; bởi vì điều gì chúng ta tin tưởng hay không tin tưởng bị khẳng định bởi tình trạng bị quy định của chúng ta. Xã hội, văn hóa trong đó chúng ta được nuôi dưỡng, khắc sâu trong cái trí những niềm tin, những mê tín, những sợ hãi nào đó mà chúng ta gọi là tôn giáo; nhưng chúng không liên quan gì đến tôn giáo. Vì vậy, niềm tin không là tôn giáo, nó chỉ là kết quả của tình trạng bị quy định của chúng ta.
Tôn giáo là cái gì đó còn thâm sâu hơn nhiều, tinh khiết, bao la, rộng lớn hơn bất kỳ việc gì được hình dung bởi cái trí nhiều. Vì vậy, muốn khám phá tôn giáo thực sự ta phải thâm nhập sâu thẳm vào tất cả những sự việc này và được tự do vượt khỏi mọi sợ hãi. Nó giống như đi ra khỏi hang động tối tăm, nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Và chúng ta sẽ có khả năng trải nghiệm sự hiệp thông của điều mà được gọi là sự thật.
Khi đang đau khổ, cái ý muốn được tự do khỏi đau khổ. Đó là bản năng tự nhiên của tất cả chúng ta để không đau khổ thuộc thân thể cũng như cảm xúc. Nhưng cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống luôn luôn đang trải nghiệm những khổ đau, phiền não. Cuộc sống liên tục đang ập vào, dù thích hay không thích, chúng ta luôn luôn đang bị tổn thương, bị thất vọng, và có những phản ứng đau khổ. Cho nên, việc chúng ta phải làm là hiểu rõ toàn qui trình này.
Nhưng chúng ta thấy, khi có đau khổ phía bên trong, thuộc tâm lý, hầu hết chúng ta đều chạy trốn nó. Chúng ta hướng về một vấn đề khác nào đó để có sự thanh thản; như đọc một quyển sách, hay đi thực hiện nghi thức… Đây là những thể hiện của đang chạy trốn đau khổ. Nếu chạy trốn cái gì đó, chắc chắn sẽ không hiểu rõ nó. Nhưng nếu chúng ta biết nhìn ngắm, quan sát nó từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, ta sẽ bắt đầu hiểu rõ vấn đề trong nó, và đây không là tham vọng. Tham vọng chỉ nảy sinh khi ta chạy trốn đau khổ, khi bám vào nó, hay khi quanh nó từ từ dựng lên những lý thuyết và những hy vọng. Khoảnh khắc chạy trốn đau khổ, sự việc mà chúng ta chạy trốn trở thành rất quan trọng bởi vì ta đồng hóa chính mình cùng sự trốn chạy đó.
Nếu chúng ta thâm nhập đằng sau qui trình này của dẫn dắt và bị dẫn dắt, chúng ta sẽ phát giác rằng khi tuân theo một người khác, ta sẽ không có sáng tạo. Phải thấy tất cả điều này mới là điều rất quan trọng, để không bị bấn loạn, hay bị mê hoặc bởi những mẫu mực, những lý tưởng. Trong việc tuân theo một lý tưởng, một mẫu mực, điều này chỉ đang nhớ lại; và trong nhớ lại sẽ không có sự hiểu rõ. Chúng ta đang so sánh điều gì ta là với điều gì ta muốn là, và chính sự so sánh đó nó nuôi dưỡng uy quyền; nuôi dưỡng ganh tỵ và sợ hãi, trong đó không có tự do.
Chúng ta không thể được tự do nếu liên tục đang so sánh chính mình với lý tưởng, với điều gì ta nên là. Hiểu rõ điều gì ta thực sựđang là – dù xấu xa hay tốt lành, hay dù có bị kinh hãi đến chừng nào – nó không phải là một vấn đề của nhớ lại, sự hồi tưởng đơn thuần của một lý tưởng. Chúng ta phải nhìn ngắm, nhận biết được chính mình từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc trong sự liên hệ hàng ngày. Nhận biết được chính mình thực sự là gì, là sự tiến hành của hiểu rõ.
Nếu thực sự hiểu rõ ta sẽ được tự do khỏi tất cả những sự việc hoàn toàn giả dối mà những thế hệ quá khứ đã tạo ra. Chúng ta sẽ không bị tác động bởi sự bắt chước, sự nhớ lại đơn thuần của một lý tưởng, những thứ chỉ làm tật nguyền quả tim và cái trí của của mình, chỉ là nuôi dưỡng sợ hãi và ganh tỵ.
Có rất nhiều những ảnh hưởng khách quan; và nếu ta không có nhạy cảm, ta sẽ không bao giờ biết trân trọng chúng. Nhạy cảm là nhận biết được những sự vật không chỉ được gọi là đẹp đẽ, còn cả những sự vật được gọi là xấu xí. Con sông, những cánh đồng lúa xanh, cây cối xa xa, những đám mây của một buổi chiều – những sự vật này chúng ta gọi là đẹp đẽ. Những người dân làng, những người sống trong ổ chuột, hay những người không có khả năng suy nghĩ, không có nhiều cảm thấy – tất cả điều này chúng ta gọi là xấu xí. Lúc này, nếu quan sát chúng ta sẽ thấy rằng việc gì hầu hết chúng ta đều làm là bám vào những đẹp đẽ và xua đuổi những xấu xí. Nhưng liệu không quan trọng phải nhạy cảm đến điều gì được gọi là xấu xí cũng như đẹp đẽ, hay sao? Chính là không có nhạy cảm này mới khiến cho chúng ta phân chia sống thành những xấu xí và những đẹp đẽ. Nhưng nếu chúng ta khoáng đạt, thâu nhận, nhạy cảm đến những xấu xí cũng như những đẹp đẽ, chúng ta sẽ thấy rằng cả hai đều đầy ý nghĩa, và sự nhận biết này trao tặng khả năng sung mãn cho sự sống.
Vì vậy, nếu có trải nghiệm của trạng thái thực sự khoáng đạt, nhạy cảm đến mọi thứ này, nếu chúng ta nhận biết được một cách sâu thẳm tất cả những sự việc đang xảy ra, nhận biết được mọi suy nghĩ, được mọi cảm nhận. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể phân chia sự sống, toàn tiến trình của sự tồn tại là một tiến hành hợp nhất. Không có cái phân biệt chủ quan hay khách quan.
Nếu chúng ta được hợp nhất, những suy nghĩ, những cảm thấy và những hành động của mình hoàn toàn là một, chuyển động trong một phương hướng; chúng không mâu thuẫn với nhau. Chúng ta là một con người tổng thể, không có xung đột. Đó là điều gì được hàm ý trong từ ngữ hợp nhất. Tách rời là đối nghịch của điều đó; nó là tan ra từng mảnh, rời ra từng mảnh, rải rác cái mà đã được kết hợp cùng nhau. Và có nhiều cách mà con người tan rã, rời ra từng mảnh, đi đến hủy diệt chính họ.
Chính ham muốn để trở thành cái gì đó xứng đáng, để có nhiều hơn cái này hay nhiều hơn cái kia, đó là sự tham lợi, qui trình của thâu lượm, kiềm chế. Vì vậy, chúng ta càng kiếm được nhiều bao nhiêu, sự tách rời càng to tát bấy nhiêu. Chúng ta càng kiếm được nhiều tài sản hơn, nhiều danh tiếng hơn, nhiều trải nghiệm hơn, nhiều hiểu biết hơn bao nhiêu, chúng ta càng thoái hóa mau lẹ hơn bấy nhiêu. Từ ham muốn để là hay kiếm được nhiều hơn, sinh ra căn bệnh chung của ganh tỵ, so đo.
Trong đấu tranh để kiếm được chúng ta có thể trở thành tàn nhẫn. Trong tham lợi chúng ta không có tình yêu. Cách sống tham lợi là một trận chiến vô tận với xã hội, trong đó có sợ hãi liên tục; nhưng ta tìm cách bào chữa tất cả điều này, và chấp nhận ganh tỵ như điều không thể tránh khỏi. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải tham lợi – mặc dù chúng ta gọi nó bằng một từ ngữ nghe có vẻ hoa mĩ hơn như là tiến hóa, tăng trưởng, phát triển, tiến bộ…. và chúng ta nói nó là điều cần thiết.
Hầu hết chúng ta đều không nhận biết được tất cả điều này; không nhận biết được rằng chúng ta tham lam, tham lợi, rằng những quả tim của chúng ta đang bị gặm nhấm bởi ganh tỵ, rằng những cái trí của chúng ta đang thoái hóa. Và trong khoảnh khắc chúng ta có thể trở nên nhận biết được điều này, chúng ta bào chữa nó, hay chỉ nói rằng đó là sai trái; hoặc cố gắng chạy trốn nó trong những hình thức khác nhau.
Chính cấu trúc của cái trí được xây dựng trên tham lợi và ganh tỵ. Nếu quan sát những suy nghĩ riêng của mình, nhìn ngắm cách ta suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rằng thông thường ta gọi suy nghĩ là một tiến trình của so sánh. Suy nghĩ dựa vào cái nhiều hơn là công việc của cái trí tham lợi; đó là cách tồn tại của nó. Nếu không suy nghĩ dựa vào sự nhiều hơn, chúng ta sẽ phát hiện rất khó khăn khi suy nghĩ. Sự theo đuổi của cái được nhiều hơn là chuyển động so sánh của suy nghĩ, mà tạo ra thời gian – thời gian trong đó để trở thành, để là người nào đó; nó là qui trình của ganh tỵ, của tìm kiếm được. Vì vậy tham lợi, ganh tỵ, suy nghĩ so sánh tạo ra bất mãn, và phản ứng của chúng ta đối với điều này là nói rằng chúng ta phải cam chịu với số phận của mình, chúng ta phải mãn nguyện với điều gì chúng ta có. Đó là điều gì những tôn giáo toàn cầu rao giảng sự mãn nguyện.
Mãn nguyện thực sự không là một phản ứng, nó không là sự đối nghịch của tham lợi; nó là cái gì đó còn rộng lớn và quan trọng hơn nhiều. Con người mà mãn nguyện của họ là sự đối nghịch của tham lợi, của ganh tỵ, chỉ giống như một cây cỏ; là một thực thể chết rồi, giống như hầu hết mọi nguời đều là những thực thể chết rồi. Mọi người đều rất thụ động bởi vì phía bên trong họ chết rồi; bởi vì họ đã nuôi dưỡng sự đối nghịch – sự đối nghịch của mọi thứ mà họ thực sự là. Sự mãn nguyện thực sự không là tất cả điều đó; nó là cái gì đó sáng tạo và thăm thẳm hơn nhiều. Không có sự mãn nguyện khi ta chọn lựa để sống mãn nguyện; sự mãn nguyện không hiện diện theo cách đó. Sự mãn nguyện hiện diện khi chúng ta hiểu rõ mình thực sự là gì và không theo đuổi mình nên là gì.
Nói cách khác, qua qui trình của sự ganh tỵ chúng ta hy vọng đến được sự mãn nguyện. Qua một phương tiện sai lầm chúng ta mong chờ đạt được một kết quả đúng đắn. Sự mãn nguyện không là thỏa mãn. Mãn nguyện là cái gì đó rất giàu sức sống; nó là một trạng thái của sáng tạo trong đó có hiểu rõ cái gì thực sự là. Nếu ta bắt đầu hiểu rõ cái gì thực sự là từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, từ ngày sang ngày, chúng ta sẽ phát hiện rằng từ sự hiểu rõ này hiện diện một cảm thấy lạ thường của mênh mang, của hiểu rõ vô giới hạn. Đó là, nếu tham lam, điều quan trọng là hiểu rõ tham lam của mình vàkhông cố gắng trở thành không tham lam; bởi vì chính ham muốn để trở thành không tham lam vẫn còn là một hình thức của tham lam.
Cấu trúc tôn giáo, những cách suy nghĩ, cuộc sống xã hội của chúng ta, mọi thứ đều được thực hiện đặt nền tảng trên sự tham lợi, trên một tầm nhìn ganh tỵ, và suốt hàng thế kỷ chúng ta đã được nuôi dưỡng trong cách đó. Chúng ta bị quy định quá nặng nề vào điều đó đến độ chúng ta không thể suy nghĩ tốt hơn; vì vậy chúng ta đã khiến cho ganh tỵ thành ham muốn. Chúng ta không gọi nó là ganh tỵ, chúng ta gọi nó bằng từ ngữ hoa mĩ nào đó; nhưng nếu thâm nhập đằng sau từ ngữ chúng ta sẽ thấy rằng sự ham muốn lạ lùng này cho “nhiều hơn” là ích kỷ, tự khép kín. Nó đang giới hạn sự suy nghĩ.
Cái trí mà bị giới hạn bởi ganh tỵ, bởi “cái tôi”, bởi ham muốn kiếm được những sự vật hay đạo đức, không bao giờ có thể là một cái trí tôn giáo thực sự. Cái trí tôn giáo thực sự không là một cái trí so sánh, cái trí tôn giáo thấy và hiểu rõ toàn ý nghĩa của cái gì là. Đó là lý do tại sao rất quan trọng phải hiểu rõ về chính mình, nhận biết được những làm việc của cái trí riêng của mình: những động cơ, những dự tính, những khao khát, những ham muốn, áp lực liên tục của sự theo đuổi mà tạo ra ganh tỵ, tham lợi và so sánh. Khi tất cả điều này đã kết thúc qua sự hiểu rõ về cái gì là, chỉ lúc đó chúng ta mới biết tôn giáo thực sự.
Sự khao khát của con người là hướng về cái gì đó tuyệt đối vĩnh cửu, thường hằng – một tình trạng bền vững để có thể bám vào. Đó là lý do tại sao chúng ta nói Thượng đế là vĩnh cửu, hay sự thật là tuyệt đối.
Những gì ta có thể được tích lũy, thâu lượm qua trải nghiệm, nó không là sự thật; bởi vì đằng sau sự thâu lượm này ẩn nấp cùng tinh thần của sự tham lợi. Đó chỉ là một hình thức khác của sự sở hữu. Và rất khó khăn cho cái trí để không thâu lượm, không lưu trữ.
Chúng ta luôn bị cái trí lừa bịp và nó tạo nên có những đau khổ, trong những hoàn cảnh khốn cùng…. Chúng ta luôn mong muốn cái gì đó bất diệt, hạnh phúc vĩnh cửu. Và thay vì đi tìm vĩnh cửu, chúng ta hãy tìm cách làm thế nào để được tự do khỏi những đau khổ, cả thân thể lẫn tâm lý này. Khi được tự do, sẽ không có vấn đề gì để phải hỏi, trong khoãng trống rổng ấy thì có gì đề hỏi. Chỉ một người dốt nát, đang ở trong ngục tù, mới muốn biết tự do là gì; và những người dốt nát như anh ấy sẽ nói cho họ. Đối với người trong ngục tù, tự do chỉ là sự phỏng đoán. Nhưng nếu thoát khỏi ngục tù đó, anh ấy không phỏng đoán về tự do: nó ở đó. Nếu chúng ta có thể hiểu rõ sự giới hạn của suy nghĩ, thấy sự thật của nó, trong khám phá đó về sự thật có sự giải thoát.
Chỉ có hiểu rõ mới có sáng tạo, sáng tỏ là nhân tố giải thoát chứ không phải do những sự việc mà ta đã lưu trữ trong cái trí. Và hiểu rõ không ở trong tương lai. Chỉ có vun quén những ký ức tạo ra ý tưởng của tương lai; nhưng nếu ta hiểu rõ một cách hiệp thông, nếu ta thấy một cái gì đó rất rõ ràng cho chính mình, vậy thì sẽ không có vấn đề. Một vấn đề chỉ tồn tại khi nào chúng ta không thấy rõ ràng.
Đừng khởi sự bằng một lý luận, bởi vì mọi lý luận có thể được gặp gỡ bởi một lý luận ngược lại và chúng ta sẽ bị trói buộc trong mạng lưới của lý luận. Điều quan trọng là chính mình thấy một cách trực tiếp: sự thật là gì; và sau đó chúng ta có thể bắt đầu sử dụng lý luận. Khi chính mình nhận biết được cho điều gì là đúng thật; thì sẽ không lý luận nào có thể hủy diệt sự thật đó.
Nghiệp là một trong những từ ngữ làm sự suy nghĩ của chúng ta bị trói buộc. Như một người đã tử tế trong một đời trước và bây giờ họ đang gặt được phần thưởng của hành động quá khứ ấy. Nhưng đó có phải là ý nghĩa của từ ngữ nghiệp – chấp nhận những sự việc như chúng đang là? Nghiệp có nghĩa chấp nhận những sự việc như chúng đang là mà không nghi ngờ, không phản kháng. Vì vậy, chúng ta thấy quá dễ dàng làm sao khi những từ ngữ nào đó trở thành một mạng lưới mà chúng ta bị trói buộc trong nó, bởi vì chúng ta không thực sự đang sống. Ý nghĩa thực sự của từ ngữ nghiệp đó không thể được hiểu rõ như một lý thuyết; nó không thể được hiểu rõ nếu chúng ta nói: “Đây là điều mà kinh Bhagavad Gita nói”.
Như chúng ta đã biết: “Cái trí so sánh là cái trí dốt nát nhất, bỡi vì nó không có suy nghĩ. Vì vậy, điều quan trọng là quẳng đi tất cả những uy quyền và hãy thâm nhập và tìm kiếm mà không so sánh. So sánh là sự tôn sùng của uy quyền, nó là sự bắt chước, không có suy nghĩ. So sánh là chính bản chất của cái trí không thức tỉnh để khám phá điều gì là đúng sự thật. Nếu muốn khám phá được sự thật của bất kỳ thứ gì, chúng ta phải cực kỳ năng động, tự tin; và sẽ không thể có sự tự tin chừng nào ta còn đang suy nghĩ một cách so sánh.
Chúng ta thắc mắc về những xung đột, những đau khổ, những thảm họa… Chúng ta nhận ra rằng cuộc sống là xấu xa, phiền muộn, đau khổ, và khởi sự tìm hiểu; nhưng bởi vì không có đủ tự tin, thông minh, hồn nhiên để tiếp tục thâm nhập, chúng ta dễ dàng bị trói buộc trong những lý thuyết, trong loại phỏng đoán hay giáo điều nào đó mà giải thích một cách hài lòng tất cả những điều này. Dần dần, những niềm tin và giáo điều trở nên bám rễ sâu và không thể lay động, bởi vì đằng sau chúng có một sợ hãi liên tục về cái không biết được. Chúng ta không bao giờ quan sát sự sợ hãi đó; chúng ta lẩn tránh nó và ẩn náu trong những niềm tin. Mỗi bộ phận của những giáo điều hay những niềm tin có một chuỗi của những nghi thức tôn giáo, một chuỗi của những ép buộc đang trói buộc cái trí và tách rời con người khỏi chúng ta.
Thế là, chúng ta khởi sự tìm hiểu điều gì làđúng thật, điều gì là ý nghĩa của tất cả đau khổ này, phiền muộn này, và chúng ta kết thúc bằng những niềm tin, những nghi thức, những lý thuyết. Chúng ta không có sự tự tin, không có sự hồn nhiên để xóa sạch những niềm tin ấy và thế là, niềm tin bắt đầu hành động như một nhân tố gây thoái hóa trong những lối sống của chúng ta. Bởi vì đằng sau niềm tin và luân lý ấy thuộc cái lý tưởng ẩn núp “cái tôi”, cái ngã – cái tôi đang liên tục tăng trưởng to hơn và quyền hành hơn. Có người nghĩ rằng niềm tinThượng đế là tôn giáo. Có tin tưởng là một người tôn giáo. Nếu không tin tưởng, chúng ta sẽ bị coi như là một người vô thần và bị xã hội chê trách. Một xã hội chê trách những người không tin tưởng Thượng đế, và một xã hội khác chê trách những người tin tưởng. Cả hai đều giống hệt nhau.
Thế là, tôn giáo trở thành một vấn đề của niềm tin, và niềm tin hành động như một giới hạn bởi cái trí; và vì vậy cái trí không bao giờ được tự do. Nhưng chỉ trong sự tự do chúng ta mới có thể tìm ra điều gì là đúng thật, không phải qua bất kỳ niềm tin nào; bởi vì niềm tin của chúng ta chiếu rọi điều ta suy nghĩ Thượng đế nên là gì; cho điều gì ta suy nghĩ là đúng thật. Nếu tin tưởng Thượng đế là tình yêu, Thượng đế là tốt lành, chính niềm tin của ta đã ngăn cản không cho ta hiểu rõ Thượng đế là gì, sự thật là gì.
Như thông thường chúng ta biết, tôn giáo là một chuỗi của những niềm tin, những giáo điều, những nghi thức, những mê tín; nó là sự tôn sùng của những hình tượng, của những mê hoặc và những đạo sư, và chúng ta nghĩ tất cả việc này sẽ dẫn chúng ta đến mục đích tối thượng nào đó. Mục đích tối thượng đó là sự chiếu rọi riêng của chúng ta; nó là điều gì chúng ta ao ước, điều gì chúng ta suy nghĩ sẽ khiến cho chúng ta hạnh phúc, một cam đoan của tình trạng vĩnh cửu. Bị trói buộc trong sự ham muốn có vĩnh cửu này, cái trí sáng chế một tôn giáo của những giáo điều, của giai cấp giáo sĩ, của những mê tín và sự tôn thờ hình tượng. Tất cả những thứ ấy không đúng thật là tâm linh.
Chắc chắn, một trong những chức năng của giáo dục là sáng tạo những cá thể không bị trói buộc bởi bất kỳ hình thức nào của niềm tin, bất kỳ khuôn mẫu nào của luân lý hay kính trọng. Chính là “cái tôi” mới chỉ tìm kiếm để trở nên có luân lý, được kính trọng. Cá thể tôn giáo thực sự là người mà khám phá, mà trải nghiệm một cách hiệp thông Thượng đế là gì, sự thật là gì. Trải nghiệm hiệp thông đó không bao giờ có thể xảy ra được qua bất kỳ hình thức nào của niềm tin, qua bất kỳ nghi thức nào, qua bất kỳ sự theo sau hay tôn thờ một người khác. Cái trí tôn giáo thực sự được tự do khỏi tất cả. Chúng ta như một cá thể, sống theo cuộc sống riêng của mình, từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc để có thể khám phá sự thật, và thế là ta có thể tự do.
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng được tự do khỏi những vật chất của thế giới là bước đầu tiên hướng về tôn giáo. Không phải vậy. Bước đầu tiên là được tự do để suy nghĩ nguyên vẹn, tổng thể, và độc lập, mà có nghĩa không bị trói buộc bởi niềm tin hay bị nghiền nát bởi những hoàn cảnh, bởi môi trường sống, để cho chúng ta là một con người tổng thể, có khả năng, có sinh lực và sự tự tin. Chỉ đến lúc đó cái trí của ta, bởi vì tự do, không bị thành kiến, không bị quy định, mới có thể tìm được Thượng đế là gì. Chắc chắn, đây là mục đích cơ bản mà bất kỳ trung tâm giáo dục nào nên tồn tại: giúp đỡ mỗi cá thể tại trường học được tự do để khám phá sự thật. Điều này có nghĩa không lệ thuộc bất kỳ hệ thống, không bám vào bất kỳ niềm tin hay nghi thức, và không tôn sùng bất kỳ đạo sư nào. Cá thể phải thức dậy thông minh của anh ấy, không qua bất kỳ hình thức nào của kỷ luật, kháng cự, cưỡng bách, ép buộc, nhưng qua tự do. Chỉ qua thông minh được sinh ra từ tự do thì cá thể mới có thể khám phá cái vượt khỏi cái trí. Bao la đó – cái không thể đặt tên, cái không giới hạn, cái không thể đo lường được bởi những từ ngữ và trong nó có tình yêu mà không thuộc cái trí – phải được hiệp thông trực tiếp. Cái trí không thể hình dung nó; vì vậy cái trí phải rất yên lặng, bất động kinh ngạc, mà không có bất kỳ đòi hỏi hay bất kỳ ham muốn nào. Chỉ lúc đó cái mà có lẽ được gọi là Thượng đế hay sự thật mới có thể hiện diện.
Đó là việc mà hầu hết chúng ta nên làm. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của tôn giáo, phải nhạy cảm với vẻ đẹp của cuộcsống, một con chim đang bay lượn – và cũng với người ăn xin, với sự dơ bẩn của những người nghèo khổ, với những cao ốc mà con người đã dựng lên, với những con đường dơ dáy và những ngôi đền còn bẩn thỉu hơn. Chúng ta phải đối diện tất cả những vấn đề này. Vì vậy, chúng ta phải tìm ra sự thông minh. Chúng ta đã sử dụng từ ngữ đó rất tự do; nhưng bằng cách chỉ nói về thông minh thì không thể trở thành thông minh. Nên, đừng sử dụng những từ ngữ mà không hiểu rõ thực sự tất cả mọi điều chúng hàm ý.
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng thông minh là kết quả của thâu lượm hiểu biết, thông tin, trải nghiệm. Bằng cách có nhiều hiểu biết và trải nghiệm, chúng ta nghĩ chúng ta có thể gặp gỡ cuộc sống bằng thông minh. Nhưng sống là một việc lạ thường, nó không bao giờ đứng yên; giống như con sông, nó luôn luôn đang trôi chảy, không bao giờ đứng yên. Chúng ta nghĩ rằng bằng cách thâu lượm nhiều trải nghiệm hơn, nhiều hiểu biết hơn, nhiều đạo đức hơn, nhiều của cải hơn, nhiều sở hữu hơn, chúng ta sẽ có thông minh.
Trong gặp gỡ sống cùng sự tích lũy của trải nghiệm này, lại nữa cái trí đang tìm kiếm nhiều hơn, vì vậy nó không bao giờ là trải nghiệm, nó chỉ thâu lượm. Chừng nào cái trí chỉ là một dụng cụ của thâu lượm, sẽ không có đang trải nghiệm thực sự. Vì vậy, con người đang tích lũy, đang thâu lượm, con người đang ham muốn nhiều hơn không bao giờ đang trải nghiệm cuộc sống một cách trong sáng. Thông minh chỉ có thể hiện diện khi có sự tự do thực sự khỏi cái ngã, khỏi “cái tôi”, đó là khi cái trí không còn là trung tâm của sự đòi hỏi cho ‘nhiều hơn’, không còn bị trói buộc trong sự ham muốn trải nghiệm lan rộng hơn, to tát hơn, bao quát hơn.
Bản chất sâu thẳm của sáng tạo, khi một lần được khám phá, nó sẽ là một cái nguồn vĩnh cửu, một luồng chảy vô tận; và nó chỉ được tìm thấy qua thông minh. Khi hiểu rõ tất cả điều này, không chỉ bằng từ ngữ, mà tận sâu thẳm, ta sẽ phát giác rằng cùng thông minh được thức dậy, kia kìa hiện diện một sáng tạo là sự thật, là Thượng đế, mà không thể được phỏng đoán hay được tham thiền. Chúng ta sẽ không bao giờ nhận được nó qua sự thực hành tham thiền, qua những cầu nguyện hay những tẩu thoát khỏi “nhiều hơn”. Sự thật đó có thể hiện diện chỉ khi nào hiểu rõ trạng thái của cái trí riêng của chúng ta. Trong hiểu rõ những điều này, kia kìa hiện diện một trạng thái mà có lẽ được gọi là tình yêu. Tình yêu đó là thông minh, và nó sinh ra một sáng tạo là không thời gian.
Krishnamurti
Lời dịch: Ông Không