BỜ BÊN KIA

Người hỏi: Tôi muốn chia sẻ... tôi bất ngờ phát hiện thấy mình trong một thế giới hoàn toàn khác lạ, thông minh siêu hạng, hạnh phúc, với một tình thương mẫn cảm bao lao vô hạn. Tôi có vẻ như đang trên bờ sông bên kia, không cần phải vật lộn để băng qua đó, không cần hỏi những chuyên gia về đường lối. Tôi đã du hành trên nhiều địa phận khác nhau trên thế giới và đã quan sát mọi nỗ lực của con người trên những lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Chẳng có gì cuốn hút tôi ngoại trừ tôn giáo. Tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để đến được bến bờ bên kia, để thể nhập vào chiều kích khác và xem thấy mọi thứ dường như lần đầu tiên với đôi mắt vô nhiễm. Tôi cảm giác rất là mạnh mẽ là phải có một đột phá bất ngờ xuyên qua tất cả mọi phồn hoa hào nhoáng của cuộc sống. Chắc hẳn là phải có! Mới đây, khi tôi ở Ấn độ, tôi nghe được tiếng chuông chùa đang ngân và nó có một hiệu quả lạ thường trên tôi. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một cảm nhận đồng nhất khác thường và một vẻ đẹp dường như tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Nó xảy ra một cách bất ngờ đến nỗi tôi khá bị choáng váng bởi nó, và nó là thật, không phải là một sự tưởng tượng hoặc ảo tưởng. Sau đó, một hướng dẫn viên đến hỏi tôi là có cần anh dẫn tôi đến tham quan các ngôi chùa hay không, và thóang chốc đó, tôi lại trở về thế giới ồn ào và dung tục. Tôi muốn nắm bắt lại nó nhưng dĩ nhiên, như ngài chia sẻ, nó chỉ là một ký ức chết và do vậy mà vô giá trị. Tôi có thể làm gì, hoặc không làm gì, để đến được bờ bên kia? 
Krishnamurti: Không có đường lối nào để đi đến bờ bên kia. Không có hành động nào, không có khuôn mẫu luân lý nào, không có phương dược nào sẽ mở được cánh cửa để đến bờ bên kia. Đó không phải là tiến trình tiến hoá. Không phải là điểm cuối cùng của trau luyện. Nó không thể mua được, hoặc cho, hoặc mời mọc. Nếu điều này (được hiểu) rõ ràng, nếu tâm trí đã quên đi chính nó và không còn nhắc đến – bờ bên kia hoặc bờ bên này – nếu tâm trí đã dừng sự dọ dẫm và tìm kiếm, nếu có một sự trống rỗng hoàn toàn và không gian trong chính tâm trí của chính nó – khi đó, và chỉ khi đó nó ở đó. 
Người hỏi: Tôi hiểu điều ông nói trên mặt ngôn từ, nhưng tôi không thể dừng lại sự dò dẫm và ao ước, vì sâu thẳm bên trong, tôi không tin tưởng là sẽ không có phương pháp nào, không có sự tu tập nào, hoặc không có hành động nào mà nó sẽ đưa tôi đến bờ bên kia.
Krishnamurti: Ý ông là gì khi ông nói, “Tôi không tin là chẳng có đường lối nào”? Ý ông có nghĩa là một vị thầy sẽ nắm tay ông và đưa ông qua? 
Người hỏi: Không. Tôi hy vọng, dù vậy, có bậc tuệ giác nào đó sẽ chỉ thẳng tới nó, vì nó chắc chắn thật sự hiện hữu trong mọi thời và nó là thật. 
Krishnamurti: Chắc chắn là tất cả đều là ức thuyết. Ông có cảm giác bất ngờ về thực tại khi ông nghe được tiếng chuông chùa, nhưng đó là một ký ức, như ông đã bầy tỏ, và từ đó ông đi đến kết luận là nó chắc chắn luôn hiện hữu vì nó là thật. Thực tại là sự thể khác thường. Nó có đó khi ông không tìm kiếm, nhưng khi ông tìm kiếm, với sự tham lam, cái mà ông nắm bắt là cặn cáu tham lam của ông, không phải thực tại. Thực tại là một thực thể sống động và không thể nắm bắt, và ông không thể cho là nó luôn ở đó. Con đường chỉ có khi tiến đến một cái gì bất động, đến một điểm tĩnh, cố định. Với một thực thể sống luôn vận hành, không có chỗ yên nghỉ thì làm sao có thể có một sự hướng dẫn, một con đường để đến? Tâm trí quá gấp rút để đạt được nó, để nắm bắt nó, khiến nó trở thành một vật chết. Vì vậy, ông có thể nào để qua một bên cái ký ức về trạng thái mà ông đang có? Ông có thể để vị thầy, lộ trình, cứu cánh qua một bên để tâm trí của ông rỗng không với tất cả mọi sự tìm kiếm này? Hiện thời, tâm trí của ông quá bận rộn với đòi hỏi tràn ngập và chính sự bận rộn đó đã trở thành một chướng ngại. Ông đang tìm kiếm, đòi hỏi, ao ước, để được bước trên bờ bên kia. Bờ bên kia ngụ ý bờ bên này, và từ bờ bên này đến bờ bên kia thì có không gian và thời gian. Đó là cái đang nắm giữ ông và mang lại cho ông sự thống thiết để đạt bờ bên kia. Đó là nan đề thật sự - thời gian nó phân chia, không gian nó tách biệt; thời gian cần thiết để đến được bên kia và không gian là khoảng cách giữa bờ bên này và bờ bên kia. Bờ bên này muốn trở thành bờ bên kia, và phát hiện là vốn không thể được, bởi vì khoảng cách và thời gian cần để vượt qua khoảng cách. Trong vấn đề này, không chỉ có sự so sánh, mà cũng có sự đo lường, và tâm trí mà có khả năng đo lường thì cũng tạo ảo tưởng. Sự phân chia không gian và thời gian này, giữa đây và đó, là đường lối của tâm trí thường suy nghĩ. Ông có biết, khi có tình thương không gian và thời gian tan biến hay không? Chỉ khi tư tưởng và ham muốn đến trong nó thì có một khoảng cách của thời gian được bắt cầu. Khi ông thấy được điều này, thì bờ bên này tức là bờ bến đó. 
Người hỏi: Nhưng tôi không thấy nó. Tôi cảm thấy lời ngài dạy là đúng, nhưng nó vượt quá tầm hiểu biết của tôi.
Krishnamurti: Thưa ông, ông đã quá thiếu kiên nhẫn, và chính sự quá thiếu kiên nhẫn đó sở hữu tính bôn chôn, náo nức riêng của nó. Ông đang ở trong tâm trạng quá hùng hổ và cả quyết. Ông không yên lặng để quan sát, để lắng nghe, cảm giác thật sâu sắc. Ông muốn đến bờ bên kia bằng mọi giá và ông bơi một cách điên cuồng, không biết bờ bên kia là ở đâu. Bờ bên kia có lẽ là bờ bên này, và vô tình ông đang bơi xa nó. Nếu có thể được phép thì tôi khuyên: Hãy dừng bơi. Điều này không có nghĩa là ông sẽ trở nên đần độn, như cỏ cây và không làm gì cả, nhưng thay vì vậy, ông nên ý thức một cách thụ động phi chọn lựa bất kỳ điều gì và không đo lường – khi đó hãy xem chuyện gì xảy ra. Có lẽ không có gì diễn ra, nhưng nếu ông kỳ vọng tiếng chuông vang lần nữa, nếu ông phiền não kỳ vọng cảm giác và niềm vui sướng đó trở về, thì ông đã bơi ngược chiều rồi. Im lặng đòi hỏi năng lực lớn lao. Bơi lội khiến năng lực phân tán. Ông cần tất cả năng lực của ông cho sự yên lặng của tâm trí, và chỉ trong sự trống rỗng đó, trong sự trống rỗng toàn triệt đó, thì sự thể mới lạ mới có thể hiển bày.

Trích: Tám cuộc đàm luận
Tác Giả: J. Kristnamurti
Dịch Việt: Nhất Như

http://coinguonhanhphuc.blogspot.com.au/2013/03/tam-cuoc-am-luan.html