SỰ TĨNH LẶNG CỦA TÂM

"Sự tĩnh lặng của tâm có ngay sau mỗi hơi thở ra của bạn, vậy nếu bạn thở ra một cách thông suốt, không có cố gượng ép, bạn sẽ nhập vào sự tĩnh lặng hoàn toàn của tâm."
Phương pháp tọa thiền mà chúng tôi thực hành, chỉ là trở về với con người tự nhiên của chính mình. Khi chúng ta không kỳ vọng một thứ gì cả, chúng ta là con người tự nhiên của chính mình. Đó là cách để sống trọng vẹn trong mỗi lúc. Và chúng ta phải tiếp tục tu tập như vậy mãi mãi.


Chúng ta nói "mỗi lúc", nhưng thật ra trong sự tu tập, "mỗi lúc" là quá dài bởi vì trong cái " lúc" đó tâm trí ta đã đi theo hơi thở của mình. Vậy nên có câu nói, "Chỉ trong một cái búng tay đã có cả triệu cái chớp của thời gian". Nói như thế là để nhấn mạnh đến cái cảm giác đang hiện hữu trong mỗi cái chớp của thời gian. Tâm trí bạn lúc đó rất là tình lặng.
Vậy chúng ta phải để ra một ít thời giờ mỗi ngày tập ngồi thiền chỉ quán đả tọa, không lay động, không kỳ vọng gì cả, như thể bạn đang ở trong giây phút cuối của cuộc đời vậy. Từng lúc một bạn cảm thấy như đang ở trong giây phút cuối của mình. Trong mỗi hơi thở ra, hít thở vào có vô số những cái chớp của thời gian. Ý định của bạn là sống trong từng giây phút đó.
Đầu tiên tập thở ra thật thông suốt, rồi mới hít vào. Sự tĩnh lặng của tâm là ở ngay sau mỗi hơi thở ra của bạn. Nếu bạn thở ra một cách thông suốt, không có cố gượng ép, bạn sẽ nhập vào trong sự tĩnh lặng hoàn toàn của tâm. Bạn không còn thấy mình hiện hữu nữa. Khi bạn thở ra như vậy, hơi thở hít vào của bạn sẽ tự nhiên theo sau từ đó. Tất cả lượng máu được làm tươi mới từ lại sẽ tràn ngập khắp châu thân, làm cho bạn cảm thấy sảng khoái tươi mát. Rồi khi bạn bắt đầu thở ra, tập kéo dài cái cảm giác tươi mới đó vào hư không. Làm như thế, trong từng lúc một, không cần phải cố gắng gì cả, bạn đang tiếp tục thực hành chỉ quán đả tọa.
Sự tu tập chỉ quán đả tọa toàn bộ có thể có một chút khó khăn vì bạn có thể bị đau ở bắp về khi ngồi xếp chân lại. Nhưng mặc dù thấy đau nơi bắp vế, bạn vẫn có thể làm được. Dù sự tu tập của bạn có không đủ tốt, bạn vẫn có thể làm được. Dần dần hơi thở của bạn sẽ tan biến đi. Bạn cũng sẽ dần dần tan biến, hòa nhập vào trong cái không. Hít vào không cần cố gắng là bạn đang tự nhiên trở về con người trong sắc tướng của mình,. Thở ra, bạn tan dần vào trong không - hoàn toàn rỗng không như tờ giấy trắng. Đó là chỉ quán đả tọa. Điểm quan trọng là lúc thở ra. Thay vì nhận thấy mình khi bạn hít vào, hãy tan vào trong không khi bạn thở ra.
Khi bạn thực tập như vậy trong phút cuối của cuộc đời, bạn sẽ không có gì để sợ hãi. Thực tế là bạn đang nhắm vào cái không. Bạn trở thành một với tất cả sau khi đã hoàn toàn thở ra với cảm giác này. Nếu bạn vẫn còn sống sau đó, tự nhiên là bạn sẽ hít vào trở lại. "Ồ! Tôi vẫn còn sống à! Thật là may, hay là xui đây?" Rồi bạn bắt đầu thở ra và tan hòa vào trong không lại. Có thể là bạn không biết cái cảm giác này như thế nào. Nhưng một vài người trong chúng ta có thể biết được, và biết đâu bạn cũng là người có thể biết được cái cảm giác loại này.
Khi bạn thực hành tu tập như vậy, bạn khó có thể nổi giận lên được. Nếu bạn chú ý lo hít vào hơn là thở ra, bạn dễ bị dao động nhiều hơn, dễ nổi giận nhiều hơn. Bạn luôn cố tìm cách sống còn. Hôm trước một người bạn của tôi bị nhồi máu cơ tim, và ông ta chỉ có thể thở ra chứ không hít vào được. Ông nói, đó là một cảm giác khủng khiếp. Nếu lúc đó ông có thể thực tập thở ra như chúng ta làm, là nhắm vào cái không, thì có lẽ ông đã không cảm thấy sợ hãi như vậy. Khi chúng ta thở ra, ta cảm thấy niềm an lạc lớn lao hơn là khi hít vào. Khi bạn tôi cố hít vào, ông chỉ sợ là ông không còn có thể hít vào được nữa. Nếu ông có thể thở ra được một cách nhẹ nhàng và hoàn toàn, tôi nghĩ ông sẽ hít vào được một cách dễ dàng hơn.
Tập thở ra là điều rất quan trọng. Chết quan trọng hơn là cố sống còn. Khi chúng ta cố sống còn, chúng ta sẽ gặp trở ngại. Thay vì cố để sống còn hay là cố hoạt động lên, nếu ta có thể bình tĩnh và chết đi hay hòa tan vào cái không, mọi sự sẽ tự nhiên tốt đẹp với chúng ta. Ta sẽ được Phật gia hộ. Bởi vì không còn rúc vào trong lòng mẹ được như lúc xưa, ta cảm thấy như ta không là con của mẹ nữa. Nhưng sự hòa tan vào cái không cho ta cảm giác như đang được rúc vào trong lòng mẹ, và mẹ sẽ lo cho ta. Đừng đánh mất công phu tu tập chỉ quán đả tọa trong mọi lúc này.
Có nhiều cách tu tập khác nhau trong tôn giáo, nhưng cũng theo tinh thần đó. Khi người ta nói, "Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật", người ta muốn trở thành con của Đức Phật A Di Đà. Vì thế người ta tập niệm danh của Đức Phật A Di Đa không ngừng nghỉ. Chỉ quán đả tọa cũng như vậy. Cái cách ta tu tập chỉ quán đả tọa, và cách họ niệm danh Đức Phật A Di Đà, cả hai đều không khác gì nhau.
Tu tập như thế, chúng ta sẽ có được sự an lạc và tự tại. Ta cảm thấy tự do khi diễn tả chính mình, bởi vì ta đã sẵn sàng để hòa tan vào trong không. Khi chúng ta cố hoạt động và tìm cách làm cho mình đặc biệt để đạt được một điều gì đó, ta sẽ không thể diễn tả chính mình được. Chỉ có thể diễn tả cái ngã nhỏ hẹp, nhưng cái ngã lớn lao sẽ không xuất hiện từ không được. Bởi vì từ không chỉ có thể xuất hiện cái ngã lớn lao. Đó chính là chỉ quán đả tọa. Nếu bạn thực sự muốn tu tập, sẽ không khó lắm đâu.


Thiền sư Shunryu Suzuki
Lưu Ly trích dịch 
Theo Ngocbao.com