Thiền Ngôn và cảnh đẹp ở Zurich


Bậc Thánh Alahán không phải là kết quả của một chuỗi nỗ lực của sinh, hữu, tác, thành, mà chính là buông hết mọi ý chí rèn luyện để trở thành và ngay đó trở về sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, các ngài không còn sinh khởi ý đồ nào nữa (không sinh), không còn ý chí bảo tồn sự hiện hữu của cái ngã (không hữu), không còn nỗ lực tạo tác nhân hữu vi (không tác) và không còn chỗ hướng vọng để đạt thành (không thành).

Viên Minh

Hãy chết đi từng ngày, chết đi từng phút với tất cả mọi thứ với ngày hôm qua và với cái chốc lát mới vừa thoáng trôi đi, chính sự "tử" này, dẫn đến sự "bất tử" của cái mới.
 
J. Krishnamurti
Tâm rỗng lặng là tâm không bị che lấp bởi khái niệm, tư tưởng, quan niệm, hay định kiến đã có sẵn. Khi nhìn qua những kính màu này thì không thể thấy được mọi sự mọi vật như nó là (thực tánh), do đó tâm cần buông xả rỗng rang giống như bầu trời không mây thì mặt trời sẽ tự chiếu. Thiền chính là tâm tự chiếu khi không bị mây vọng niệm, tạp niệm (tư kiến tư dục) che lấp vậy
 Viên Minh
Chân lý là sự thật của nội tâm, không ai dạy ai được, nên không ai là thầy của ai cả
 J. Krishnamurti

Khổ đau và hạnh phúc, chân và giả, thực và hư, không và có, Niết-bàn và sinh tử... đều ở ngay trong cuộc sống này và thậm chí ngay đây và bây giờ. Cứ trải nghiệm cuộc sống tự nhiên như pháp đến đi một cách trọn vẹn trong sáng thì con liền cảm nhận được sự mầu nhiệm của đất trời.
Viên Minh

Khi ao hồ khô hạn, cá mú phơi mình trên đất, để chúng ẩm ướt đôi chút thì việc thổi cho chúng một hơi thở hay một bãi nước bọt vẫn không thể thay thế được việc thả chúng vào hồ. Đừng làm cho ai phấn chấn với những giáo thuyết, hãy ném họ vào thực tại. Vì bí quyết của sự sống được tìm thấy trong chính sự sống, không phải trong những giáo thuyết về sự sống.
Anthony De Mello

- Đạo ở khắp mọi nơi bất kỳ ai "ít bụi trong mắt" đều có thể thấy, thậm chí dù chưa thấy thì hàng ngày họ vẫn ở trong đó, chỉ vì vọng tưởng lang thang tìm kiếm bên ngoài nên tưởng mình chưa có đó thôi! 

- Đạo, càng giản dị càng dễ thấy, nhưng ai cũng ưa phức tạp mới cao siêu, nên vọng cầu mà đành mất nó!



- Ngõ vào Thiền chính là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại để nhận ra bản lai diện mục của Sự Thật Đang Là. Đó chính là cốt lõi của thiền Vipassanā hay thiền Kiến Tánh.


Viên Minh
Luôn luôn chấp nhận phút giây hiện tại trước khi ta có thể ứng xử mọi chuyện một cách thích đáng. Dù phút giây hiện tại chứa đựng bất cứ điều gì, hãy chấp nhận y như chính ta đã chọn lựa nó như thế. Trong mọi trường hợp, nên luôn luôn dung hòa với phút giây hiện tại, không chạy trốn, phán xét hay chống đối. Hãy xem phút giây hiện tại là bạn, chứ không phải là kẻ thù của mình. Rồi bạn sẽ thấy, sự thực tập này sẽ đem đến sự chuyển hóa mầu nhiệm cho cuộc đời bạn.
Eckhart Tolle
Tu không phải là "làm sao" để được an lạc, cũng không phải "làm sao" cho đúng theo một khuôn mẫu đạo đức định sẵn nào mà là thấy ra sự thật... Giác ngộ là thấy ra Sự Thật chứ không phải để đạt được điều gì.
Viên Minh

Các tôn giáo thường dùng những giáo thuyết siêu hình để diễn tả và làm cho người ta tin vào đó. Tuy nhiên, vì giáo pháp của Đức Phật không phải là một học thuyết siêu hình. Trái lại, Đức Phật khuyên chúng ta nên tự mình chứng ngộ. Vì thế trong đạo Phật, không có một giáo thuyết siêu hình nào cả, và sự vắng mặt của giáo lý siêu hình này chính là nhân tố thuận lợi thúc đẩy bạn đi đến chứng ngộ thật sự. Sự chứng ngộ sẽ giúp bạn hiểu rằng thế giới hữu vi sinh rồi diệt. Nó không vĩnh cửu và rất giới hạn. Nó chỉ là những thay đổi, chuyển động hay rung động trong vũ trụ bao la nầy. 

Ajahn Sumedho
Trở về thực tại, thiền Vipassanā gọi là chánh niệm, và Thiền Tông gọi là thân tâm nhất như hay vô niệm. Tâm có chánh niệm thì không lang thang hướng ngoại hay không bỏ quên thực tại thân tâm, tức không rơi vào thất niệm, tạp niệm hay vọng niệm.

Tuy nhiên, trở về với chính mình không phải là trở về một khởi điểm nào đó đã trôi qua, mà chính là trở về tình trạng đang là, với một thái độ bình lặng, vắng mặt mọi ý đồ can thiệp, chọn lựa, lấy bỏ...
Viên Minh


Khi đã thấm nhuần nguyên tắc căn bản là luôn an trú trong phút giây hiện tại như một chứng nhân yên lặng mục kích tất cả những gì đang xảy ra ở bên trong – thấm nhuần bằng kinh nghiệm thực tập của chính mình – thì bạn có trong tay một phương pháp hiệu quả nhất để chuyển hóa thân tâm.
Eckhart Tolle


Pháp tu tự nhiên do tánh biết tự chiếu hơn là nỗ lực tìm hiểu và giải quyết của cái ngã lý trí muốn biết hoặc cái ngã ý chí muốn được. Thực ra, lý trí muốn biết của bản ngã chỉ là tà kiến, và ý chí muốn được của bản ngã chỉ là tham ái mà thôi. Tu không phải là nỗ lực để tác thành lý tưởng nào mà chỉ thấy ra Sự Thật như nó đang là.

Viên Minh





Dính mắc vào nguyên tắc và truyền thống luôn là điều nguy hiểm. Ngay cả trong đạo Phật, mặc dù những lời dạy của Đức Phật là đẹp và trong sáng biết bao, nhưng ít người chịu hành theo những lời dạy nầy để được giác ngộ. Họ thường bị dính mắc vào một bộ phận nào đó của giáo lý. Tuy nhiên, hiện nay, tôi cho rằng loài người đang có nhiều tiềm năng để ngộ được chân lý hơn, và chân lý nầy không phải chỉ dành cho tín đồ Phật giáo mà là chân lý đứng lên trên tất cả truyền thống và nguyên tắc tôn giáo.

Ajahn Sumedho
Bản ngã hoàn toàn được quyền tự do chọn lựa cách chơi của mình và chơi thế nào tuỳ ý, nhưng luật chơi cũng vô cùng nghiêm khắc, muốn gì thì muốn nhưng làm gì cũng đều phải trả giá tương xứng với nhân quả nghiệp báo không sai. Bản ngã muốn lừa gạt tánh biết, tiếm quyền tánh biết, trốn tránh tánh biết... nhưng dù biến hoá tinh vi đến đâu rồi tánh biết vẫn phát hiện được, vì nhược điểm của bản ngã là dù biến hoá cách nào cũng đều hiện tướng, trong khi tánh biết như có như không mà lại có mặt ở khắp mọi lúc mọi nơi, nên bản ngã không thể nào thoát được, chẳng khác nào Tôn Ngộ Không dùng cân đẩu vân bay nhảy nơi đâu thì vẫn không ra ngoài bàn tay Phật Tổ vậy.
Viên Minh


Đừng bị vướng mắc vào bất cứ ngôn từ nào. Bạn có quyền thay thế chữ “Phật” bằng những từ ngữ: an nhiên tự tại, hay Chúa, Vũ Trụ,… nếu những danh từ này có ý nghĩa hơn đối với bạn. Phật Tánh hay “tự tánh”, nói theo danh từ Phật giáo, chính là bản chất vốn đã có sẵn ở trong bạn. Sự khác nhau giữa Đức Phật hay Chúa Jesus và sự hiện hữu là ở chỗ, Đức Phật, hay Chúa là tượng trưng cho tính siêu phàm sẵn có ở trong bạn, bất kể bạn có ý thức về điều này hay không, trong khi sự hiện diện có nghĩa là sự tỉnh thức thiêng liêng hay tinh chất của Thượng Đế ở trong bạn.
Eckhart Tolle