Hành Đạo

...Tôn giáo nào cũng dạy làm lành, lánh dữ, dạy khoan thứ, vị tha, dạy tình thương, tình thương không những đối với cả bạn lẫn thù mà còn đối với cả muông thú, cỏ cây nữa. Tôn giáo cũng đưa ra những hình phạt tinh thần, tâm linh, không phải chỉ trong kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác về sau, không phải chỉ ở cõi thế gian này, mà còn ở các cõi khác, để làm lùi bước, làm chùn tay những kẻ bất lương có ý phá hoại an bình, trật tự của xã hội.
Về phương diện cá nhân, thì tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của con người, dù bán khai hay văn minh cũng vậy. Người ta không thể sống không tôn giáo. Vì vậy, tự do tôn giáo được coi là những quyền cơ bản của con người, đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, và đã trở thành một quyền hiến định trong mọi quốc gia.

Cá nhân nào nhiệt tâm, nhiệt tình hành ĐẠO như quan niệm trên, thì không những phước báo vô lường, mà còn tức thì giải thoát, nếu biết hành ĐẠO trong tỉnh thức.
Thế nhưng, đa số chúng ta, có thể nói là hầu hết, đã theo tôn giáo này, tôn giáo nọ, với tinh thần tham cầu và sợ hãi (tham cầu vốn là cái gốc của sợ hãi và luôn luôn đi đôi với sợ hãi). Chúng ta muốn cầu xin Đấng Siêu Hình đầy quyền lực giúp chúng ta đạt được những mục tiêu mà chúng ta nhắm tới. Có những mục tiêu cụ thể, cận kề, ngay trong kiếp này, như danh lợi, tình yêu, sức khỏe,v.v... Cũng có những mục tiêu xa xôi thuộc về tâm linh, không ở trong cuộc sống này, không ở cõi thế gian này.
Con người vốn rất sợ hãi sự chấm dứt cái tôi, tức sợ chết, vì vậy, luôn cầu mong cái tôi được liên tục, được trường tồn. Hơn thế, con người ai cũng sợ khổ, nên con người không những muốn trường tồn, mà còn muốn trường tồn trong vinh quang, trong hạnh phúc huy hoàng. Do đó, con người đã đến với tôn giáo để cầu xin một kiếp sống khác, ngay sau khi chết đi, ở một cõi khác, một kiếp sống vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối.
Ngoài ra, con người trong cuộc sống cũng còn cảm thấy yếu ớt, bất lực trước thiên nhiên, trước hoàn cảnh, nên luôn luôn băn khoăn, lo sợ, và cần đến một sự che chở của Đấng Quyền Năng.
Nếu không có những vấn đề, những mục tiêu vượt ngoài tầm tay mà con người cần được giải quyết hay nhắm tới, nghĩa là nếu vô sở cầu, thì chắc chắn người đời ít đến với tôn giáo. Giáo đường, Phật đường, Thánh Thất sẽ hương lạnh, khói tàn, lối rêu, sân cỏ.
Vào năm 1984, tôi có cùng đi chơi với một anh bạn, tới một cơ sở tôn giáo nọ, ở ngoại ô Sài-Gòn, có tiếng là linh thiêng trong vùng. Anh bạn tôi tìm đến nơi này để cầu xin một chuyến đi, hay đúng hơn là một chuyến vượt biên trót lọt, thuận buồm xuôi gió, tới bến, tới bờ. Chúng tôi đã thấy trên tường của cơ sở tôn giáo này đóng chi chít những bảng tạ ơn đúc khắc rất đẹp. Thì ra, trước nay đã có rất nhiều người, bổn đạo hay không bổn đạo, tìm đến nơi này chỉ để cầu xin Đấng Siêu Hình nhiều quyền năng giúp đỡ cho đạt được mục tiêu trong mọi mưu toan, tính toán riêng tư.
Tôi cũng có một anh bạn, sau khi đi cải tạo về, dốc lòng hành trì Phật pháp, đã tìm đến một ngôi chùa nọ, để làm công quả. Anh làm ở đấy một thời gian dài trước khi đi định cư ở nước ngoài. Anh bạn này có xác nhận với tôi rằng, hầu hết những người tới chùa chỉ để cầu xin chuyện nọ, chuyện kia, thậm chí cả chuyện mua may, bán đắt, hoặc trúng số, trúng đề.
Và chúng ta thường nghe người đời nói với nhau rằng, mỗi khi gặp khó khăn, như cơn đen, vận rủi, bệnh tật nan y, tai kia, nạn nọ, thì cứ kính cẩn cầu xin Đức Mẹ Maria, hay Bồ Tát Quán Thế Âm cứu giúp, là mọi việc sẽ êm xuôi, bệnh hoạn tiêu tán, tai qua, nạn khỏi.
Đến với Tôn Giáo với bản chất tham dục, con người coi ĐẠO là một phương tiện, để đạt các mục tiêu xa gần, thể chất hay tâm linh. Nhưng mục tiêu, là những gì thuộc về tương lai. Tương lai là thời gian tâm lý. Có thời gian, ắt có tư tưởng. Có mặt của tư tưởng, là có mặt của phiền não, khổ đau, và sợ hãi. Thế nghĩa là, đã có mục tiêu để theo đuổi, để rượt bắt, để cầu cạnh, thì không thể có giải thoát được.
Chính Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong "LỤC MÔN THIẾU THẤT" cũng khẳng định:

"Niệm Phật thì được nhân tốt.
Tụng kinh thì được thông minh.
Giữ giới thì được sinh lên cõi Trời.
Bố thí thì được phước báo.

Nhưng tìm Phật bằng những cách ấy, quyết chẳng được vậy".
Tìm Phật đây là tìm giải thoát. Niệm Phật, tụng kinh, giữ giới, bố thí là gây nhân tốt. Có nhân tốt, tất có quả tốt, nghĩa là có phước báo. Nhưng nếu niệm Phật, tụng kinh, giữ giới, bố thí với tinh thần tham cầu, sợ hãi, nghĩa là với sự có mặt của tư tưởng thì không thể có giải thoát được.
Hơn thế nữa, có tư tưởng là có phân biệt. Hành giả hành ĐẠO với cái tâm phân biệt thì tôn giáo, tín ngưỡng lại mang đến cho xã hội không ít đổ vỡ, đau thương. Phật học nói: "Nhất niệm khởi, thiện ác dĩ phân". Nghĩa là, hễ có tư tưởng, là lập tức có nhị nguyên đối đãi. Vì có tư tưởng là có so sánh, phân tích, phê bình, đánh giá, để đi kết luận tôn giáo này to, tôn giáo kia nhỏ, tôn giáo này hay, tôn giáo kia dở, tôn giáo này cao, tôn giáo kia thấp, Giáo chủ này hơn, Giáo chủ kia kém v.v... để rồi khởi yêu, khởi ghét, đưa đến oán thù, tranh chấp. Cổ kim sự kiện này không hiếm, thậm chí máu đã chảy, xương đã rơi. Thảm cảnh này xảy ra không phải chỉ giữa các tôn giáo khác nhau, mà còn ngay giữa các hệ phái trong cùng một tôn giáo nữa.
Tóm lại, Hành ĐẠO với cái tâm tham cầu và phân biệt, nghĩa là hành ĐẠO trong vòng trói buộc của không gian và thời gian, hay nói khác đi, hành đạo với sự chi phối của tư tưởng thì lợi đấy mà hại cũng đấy. Hậu quả là xã hội chia rẽ, tranh chấp, cá nhân thì vướng mắc, trói buộc, không giải thoát được.
Nếu nói Hành ĐẠO với tinh thần vô sở cầu hay vô tư, nghĩa là không theo đuổi một mục tiêu nào, thì mới được giải thoát. Vậy chứ chính sự giải thoát kia chẳng phải là mục tiêu mà người hành ĐẠO vô tư nhắm tới hay sao?
- Hành ĐẠO là sống với chân kiện. Chân Kiện là những gì ở ngay hiện tiền. "Đương xứ tức chân". Nói khác đi, hành ĐẠO là sống trọn vẹn với hiện tiền, là sống phi thời gian, tức phi tư tưởng vậy. Tư tưởng, một khi đã "phi" rồi thì phiền não, khổ đau, và sợ hãi không còn. Bất cứ ai hễ hành ĐẠO là giải thoát, và giải thoát tức thì, chứ không phải hành ĐẠO để rồi sẽ được giải thoát trong một tương lai xa gần nào đó sau này. Hành ĐẠO và giải thoát, như hai mặt của một đồng tiền. Hễ có cái này, là lập tức có cái kia. Từ hành ĐẠO đến giải thoát không có một khoảng thời gian nào để tư tưởng có thể lẻn vào gieo rắc phiền não, khổ đau, và sợ hãi. Ở đây nhân quả tức thì. Nhân đồng thời lại là quả. Nên mục tiêu tuy có mà cũng như không.
Trong cuộc sống, kể cả hành ĐẠO, hễ có mục tiêu, là có phiền não, khổ đau và sợ hãi. Nhưng trong cuộc sống thường nhật, chẳng lẽ con người lại có thể không theo đuổi một mục tiêu nào sao?
- Chắc chắn là phải có. Chúng ta không thể quan niệm được rằng, hành động của một người bình thường trong cuộc sống hàng ngày lại không nhắm tới một mục tiêu nào cả. Chẳng lẽ bạ đâu nói đấy, bạ đâu làm đấy, bạ đâu đi đấy hay sao? Nói, làm, đi, đứng phải nhắm tới một mục tiêu xa gần nào đó, nếu không, chỉ là điên dại. Mỗi lần ra khỏi nhà, nhất định là chúng ta phải đi tới một mục tiêu nào đó, như đi chợ, đến trường, đến sở làm, đi thăm viếng bà con, bằng hữu,v.v... Trường hợp chúng ta không đi đến một nơi nào rõ rệt, như đi tản bộ, hóng mát, hay vận động cho cơ thể được dễ chịu, thì cũng không phải là không có mục tiêu.

Hơn thế, một hành động có khi còn nhắm tới nhiều mục tiêu cùng một lúc. Thí dụ: một người thợ làm việc trong xưởng thì chắc chắn anh ta đang nhắm tới một số mục tiêu, gần có, xa có. Gần như hoàn thành chỉ tiêu giao phó, tiền lương được trả vào lúc mãn giờ, cuối tuần hay cuối tháng. Xa như tiền thưởng cuối năm, nâng cao tay nghề, nâng cao bậc lương, hưu bổng lúc về già,v.v... Không một hoạt động nào của con người là không nhắm tới một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu càng cấp thiết, càng gắn bó thì phiền não, khổ đau và sợ hãi càng nhiều.
Trường hợp ta đi thăm một người bạn, nếu gặp được, thì ta cùng bạn trò chuyện chốc lát cho vui, cho qua ngày giờ, bằng không gặp thì thôi, hoàn toàn khác với trường hợp ta đi tìm gặp một người bạn để giải quyết một chuyện có tính thiết thân. Nếu ông bạn ấy vắng nhà, thì chuyện không thành, và lỡ một dịp may hiếm có mà ta hằng mong đợi từ lâu. Trường hợp trên thì suốt dọc đường đi đến nhà bạn, tâm ta tương đối bình ổn. Còn trường hợp dưới, thì trái lại, tâm ta bồn chồn, sợ hãi.
Tôi còn nhớ lúc thiếu thời tôi theo học lớp nhất bậc tiểu học tại một thị xã nọ ở miền bắc Việt Nam. Tôi từ làng quê lên thị xã trọ học, nên gây tốn kém cho gia đình không ít. Ngay đầu năm học, cha mẹ tôi đã cho biết là cảnh nhà bần bạc, nên năm ấy tôi phải gắng học thế nào để cuối năm đậu được bằng Tiểu Học Pháp Việt. Đậu hay không đậu, cũng phải nghỉ học, vì gia đình tôi không còn khả năng cho tôi học tiếp. Đậu được, thì theo lệ làng, tôi được tham gia Hội Đồng Kỳ Mục tức là một hội đồng lập pháp cấp làng, được suốt đời miễn các dịch vụ cực nhọc như làm đường, đắp đê, đào kinh,v.v... Đậu được, có thể xin làm giáo làng, còn gọi là hương sư, với số lương tạm đủ sống ở thôn quê. Làm giáo làng, thì bề nào bản thân tôi và gia đình tôi cũng được người đời trọng nể hơn.
Còn không đậu, thì tôi phải đi học một nghề tay chân nào đó, chắc chắn là vất vả, cực nhọc hơn để kiếm sống, phải làm mọi dịch vụ cực nhọc của trai tráng đối với thôn làng. Bản thân và gia đình sẽ bị người đời xem thường, coi khinh. Ngoài ra, nếu không đậu được bằng Tiểu Học Pháp Việt để làm một chân giáo làng, thì sau này, khi lập gia đình hẳn cũng chẳng có hy vọng gì mà bước chân vào những danh gia, vọng tộc ở địa phương.
Tính toán và cân nhắc như vậy, mảnh bằng Tiếu Học Pháp Việt đã trở thành một mục tiêu cấp thiết của tôi. Tôi phải đạt mục tiêu này bằng mọi giá. Không đạt, không được. Đời tôi đi lên hay đi xuống cũng tùy ở chỗ tôi có đạt được mục tiêu này hay không. Tôi gắn bó với mục tiêu vô cùng chặt chẽ. Những lúc chú tâm làm bài, học bài, hay vui chơi giải trí thì thôi, còn hễ nghĩ đến thi cử là lại sợ hãi, sợ hãi suốt năm. Những hình ảnh xấu xa, nhục nhã của một mảnh đời đi xuống vì hỏng thi, luôn luôn đe dọa tôi không ngừng. Càng về cuối năm học, gần đến kỳ thi, thì những hình ảnh này càng thêm rõ nét, và sợ hãi cứ tăng dần.
Đến ngày thi, bước vào phòng thi, thân tôi run rẩy, mắt hoa, đầu váng. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Sau cùng, tôi đã đậu, và đậu hạng thứ.
Thế là cả một năm sống trong địa ngục sợ hãi đã hoàn toàn vô ích. Nếu tôi cứ chú tâm học hành, thì chắc chắn sẽ đậu, và đậu cao hơn, vì bao nhiêu sinh lực đáng lẽ dành cho việc học hành tiến bộ đã bị mối lo âu, sợ hãi hão huyền kia làm tiêu mòn đi.
Rõ ràng là hễ có mục tiêu, là có phiền não, khổ đau và sợ hãi. Càng có nhiều mục tiêu và càng gắn bó với chúng thì phiền não, khổ đau, và sợ hãi càng nhiều. Nhưng trong cuộc sống không có mục tiêu, thì không được. Vậy làm sao đây? Có thể nào vẫn theo đuổi mục tiêu, mà vẫn giải thoát được không?
- Sống là phải theo đuổi mục tiêu này, mục tiêu nọ. Một người trong cuộc sống thường có nhiều mục tiêu, ngắn hạn có, mà dài hạn cũng có. Mục tiêu là cột mốc để định hướng mọi hoạt động của con người. Nếu không có cột mốc, thì hoạt động của ta sẽ vô nghĩa, vô ích, và rối loạn, rốt cuộc chẳng thành đạt được gì. Một khi đã có cột mốc rồi, thì ta cứ việc chú tâm vào các hoạt động hàng ngày của ta, nghĩa là ta cứ sống cuộc sống bình thường trong tinh thần tỉnh giác, để tư tưởng không có dịp len vào, mà phóng chiếu ra những hình ảnh liên hệ xa gần đến mục tiêu, tạo nên những vui mừng, khổ đau, hay sợ hãi hão huyền. Như trường hợp cậu bé học lớp nhất bậc tiểu học, trong câu chuyện vừa kể trên. Khi đã biết là cuối năm học phải đậu được bằng Tiểu Học Pháp Việt, thì hàng ngày hãy chú tâm vào mọi sinh hoạt thường nhật như học bài, làm bài, cắp sách đến trường, nghe lời thầy giảng, hay những sinh hoạt khác như thể dục, thể thao, vui chơi họp bạn, thăm viếng người thân v.v... chứ đừng để tâm rời bỏ những sinh hoạt ấy mà phóng chiếu ra những hình ảnh tệ hại về cuộc đời một kẻ hỏng thi, mà sợ hãi không đâu, làm cho thần lực hao mòn, tinh thần bải hoải, suy thoái. Như thế, thì có mục tiêu mà vẫn như không, và lo âu, sợ hãi sẽ hết đường tác oai, tác quái.
Hơn nữa, ta nên biết rằng, khi có mục tiêu thì ta cứ việc làm hết sức mình, còn đạt hay không đạt mục tiêu chẳng phải do ta. Nếu hội đủ thuận duyên thì đạt. Nếu gặp nghịch duyên thì không. Nhưng thuận duyên, nghịch duyên đến hay không đến thì ta không thể nghĩ bàn. Khổng học cũng nói: "tận nhân lực mới tri thiên mệnh", nghĩa là khi đã làm hết sức mình ta mới biết được mệnh trời. Người Tây phương cũng nói "Man proposes, God disposes", tức mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Là thân phận con người, ta đâu có khẳng định được gì về tương lai. Thành hay bại, là do mệnh trời, một yếu tố không thể nghĩ bàn. Những ai khẳng định sẽ đạt mục tiêu này, mục tiêu nọ trong tương lai, đều là những kẻ đại ngôn. Tương lai không thuộc về ta, không nằm trong tầm tay ta. Mọi điều suy nghĩ về tương lai đều là ảo tưởng.
Ta thường nhất định cho rằng, đạt mục tiêu là thành công, là may. Không đạt là thất bại, là rủi. Nhưng không có cái may nào là không có nhân rủi tiềm phục, và cũng không có cái rủi nào mà lại không có mầm may ẩn tàng, y như chuyện Tái ông thất mã. Thật ra, chẳng làm gì có rủi, may, thành, bại. Nghiệp, duyên đã như thế, thì sự việc phải diễn ra như vậy, chứ không thể khác được. Rủi, may, thành, bại chỉ là trò chơi quen thuộc, độc hại của tư tưởng đẩy ta vào phiền não, khổ đau, và sợ hãi không cùng.
Có thể hành ĐẠO giải thoát và đồng thời cầu phước, cầu huệ được không?
- Hành ĐẠO để cầu mong một điều gì lớn nhỏ ở tương lai, hay nói khác đi, người hành ĐẠO hễ có bất cứ một tham cầu nào đều sa vào vòng lệ thuộc của không gian, thời gian, tức phải chịu sự chi phối của tư tưởng thì không giải thoát được. Hơn thế, tư tưởng là một tác nhân làm tiêu hao, làm soi mòn thần lực con người. Thần lực bị soi mòn, tiêu hao, thì huệ không có cơ khai mở. Hay nói khác đi, tư tưởng tức vọng tâm, là cái tâm ô nhiễm, loạn động chẳng bao giờ đưa tới huệ giác. Đức Phật đã dạy, chỉ khi nào tâm tịnh thì huệ mớikhai. Tâm tịnh, hay tâm thanh tịnh, là tâm hoàn toàn vắng bóng phiền não, khổ đau, và sợ hãi. Ngài J. Krisnamurti cũng nói: "the ending of sorrow is the beginning of wisdom", xin tạm dịch là sự chấm dứt phiền não, mở đường đi tới huệ giác.
Phiền não, khổ đau, và sợ hãi chỉ chấm dứt khi tư tưởng không còn. Phi tư tưởng tức phi ngã. Một khi ngã đã "phi" rồi, thì tình yêu thương chân thật mới ló dạng (không phải loại yêu thương sặc mùi vị ngã, đầy tính toán, so đo, cân nhắc, khi có mặt của tư tưởng, mà ta thường gặp hàng ngày). Với cái tâm thanh tịnh, sáng suốt, với tình yêu thương chân thật của một người đạt ĐẠO, ta sống và hành xử việc thế gian thì chẳng cầu, phước báo cũng khôn lường. Nói ngắn lại, hành ĐẠO GIẢI THOÁT thì vừa có phước, vừa có huệ, còn tu để cầu phước báo thì không giải thoát được và cũng chẳng bao giờ lại có huệ cả.
Trong Phật học, có nói đến trình tự: giới, định, huệ, nghĩa là chỉ có huệ khi có giới và định.
Giới là gì?
Giới không phải chỉ là việc tuân thủ những điều răn cấm của giáo luật, mà giới còn là giữ cho tâm thanh tịnh, không ô nhiễm. Muốn giữ cho tâm thanh tịnh, không ô nhiễm, thì chỉ có một cách là thực hành Chánh Niệm. Chánh Niệm là định, mặc dầu định có thể không là Chánh Niệm. Tâm định là tâm không loạn, là tâm thanh tịnh. Tâm tịnh thì huệ khai. Như thế thì hễ có giới, là có định, và có định là có huệ. Tuy ba, nhưng lại có mối liên hệ nhân quả gắn bó đến chỗ bất khả phân ly. Không thể có cái này mà lại không có cái kia. Không thể có huệ nếu không có định và không thể có định nếu không có giới. Nói khác đi chỉ có giới thì mới có định, và có định thì mới có huệ. Huệ chẳng phải cầu mong mà có được. Còn cầu huệ thì chẳng bao giờ huệ đến.
Hành ĐẠO có cần phải tụng đọc kinh sách không?
- Chúng ta ai cũng quan niệm là hành ĐẠO phải tụng đọc kinh sách. Theo ĐẠO nào thì tụng đọc kinh sách của ĐẠO ấy. Chúng ta thường hết lòng kính phục những người hiểu thuộc kinh sách. Ai hễ cất lời là viện dẫn kinh nọ, luận kia, để làm cơ sở lý luận thì được người đời coi là đạo cao, đức cả. Vì chúng ta quan niệm kinh sách là ĐẠO. ĐẠO không thể tìm đâu ngoài kinh sách. Hiểu và thuộc nằm lòng hết kinh sách là đạt ĐẠO. Chẳng hạn như trong Phật Giáo mà hiểu thuộc hết kinh sách, là có được tri kiến của Phật, là thành Phật rồi. Quan niệm này, hoàn toàn sai lầm. Đức Phật chẳng đã từng nói là tất cả những gì Ngài thuyết giảng trong bấy nhiêu năm chỉ là nắm lá trong tay Ngài, còn những gì Ngài hiểu biết thì như lá cây trong rừng.
Như vậy, tri kiến của Phật nhất định không phải chỉ gói trọn trong mấy bộ kinh. Và Ngài cũng lại nói nội dung kinh sách chỉ là cái ngón chỉ trăng. Trăng tượng trưng cho ĐẠO. Vậy kinh sách chẳng phải là ĐẠO.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, nên không đọc bất cứ kinh sách nào, mà sao Ngài cũng đạt ĐẠO và trở thành một bậc đại giác. Nếu nói ngài Huệ-Năng chỉ là một trường hợp đặc biệt, có phải ai cũng như Ngài Huệ Năng đâu. Vậy chứ trong Thiền tông, rất nhiều Thiền giả đã đạt ĐẠO và trở thành những bậc thiền sư lỗi lạc trong lúc Thiền tông chủ trương "bất lập văn tự". Cái kết quả sáng chói ấy chắc chắn chẳng phải chỉ do hiểu thuộc Kinh, Luận mà ra.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong thiên "Huyết Mạch Luận" của sách "LỤC MÔN THIẾU THẤT" cũng nói:
"Dẫu có giỏi nói được ngàn kinh, muôn luận, mà không thấy tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp Phật. ĐẠO lớn kín sâu, không thể nói cho hiểu. Kinh điển dựa vào đâu mà vói tới? Chỉ cần thấy tánh thì dầu không biết một chữ vẫn được ĐẠO".
Thiền Tông Nhật Bổn có câu chuyện khá phổ biến sau đây: Thiền sư Mu-Nan thấy mình đã già yếu muốn truyền cho Shoju, một đệ tử xuất sắc và đã đạt ĐẠO, một cuốn sách quý. Cuốn sách này lưu truyền từ thầy này qua thầy khác, đã bảy đời rồi, và chính Mu-Nan cũng đã bổ túc nhiều điều trong cuốn sách này. Shoju không nhận và thưa với thầy: "con đã thọ nhận Thiền không văn tự của thầy, con mãn nguyện rồi, xin thầy cứ giữ lấy cuốn sách ấy". Mu-Nan cứ đưa cuốn sách quý, ép Shoju phải nhận. Shoju nể tình thầy, cầm lấy cuốn sách, nhưng rồi sau đó đã vứt cuốn sách vào lò lửa. Shoju đã biểu lộ một tinh thần tự do đến tuyệt đối của người đã đạt ĐẠO, đã giải thoát, không còn bị ràng buộc vào bất cứ điều gì, kể cả kinh sách.
Kinh sách là cây đuốc sáng rực, soi đường cho nhân loại tối tăm. Kinh sách là kho tàng vô cùng quý báu. Đúng là: "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu". Nhưng vai trò của kinh sách cũng chỉ là cái ngón, cái bè. Ngón và bè là phương tiện. Phương tiện là để đạt cứu cánh. Vì cứu cánh mới có phương tiện. Nếu ta chấp phương tiện đến chỗ quên cả cứu cánh, thì rốt cuộc cứu cánh không đạt, mà phương tiện cũng trở nên vô ích. Cũng như cái bè kia là để sang sông. Nay ta cứ ngồi ôm chặt lấy bè, thì sông không sang được, mà bè rồi cũng bỏ đi.
Đọc kinh để nương vào kinh mà tìm ĐẠO thì nên. Còn đọc kinh mà vướng mắc vào kinh thì đừng. Vì vướng mắc vào kinh sách cũng chẳng khác gì như vướng mắc vào những chuyện trên cõi đời này, đều là phiền não, khổ đau và sợ hãi cả.
Đại thi hào Nguyễn Du là một nhà thâm cứu Phật Giáo. Cụ đã đọc kinh KIM CANG, một trong những bộ kinh cao tột của Phật Giáo, cả ngàn lần (Ngã độc KIM CANG thiên biến linh). Ấy thế mà trước "Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài" cụ cũng đã hạ bút khẳng định loại kinh "không chữ" mới thật là chân kinh (Tài tri vô tự thị chân kinh). Ý nói rằng người hành Đạo chẳng cần phải làu thông kinh kệ cho nhiều, vì Đạo tại tâm chứ không phải ở trong kinh kệ. Hiểu được chữ tâm là tự độ rồi (Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ). Tự độ là tự mình qua sông, sang bờ bên kia, bờ của giác ngộ, của giải thoát.
Hành ĐẠO có cần phải xuất gia, thê phát, quy y, mặc bận trang phục đặc biệt không?
- Hành ĐẠO cốt ở việc tịnh hóa cái tâm. Muốn tịnh hóa cái tâm, thì phải chú tâm vào mọi hoạt động của thân, tâm. Chú tâm là hành ĐẠO. Không chú tâm không phải là hành ĐẠO. Bất cứ làm việc gì, hễ có chú tâm đều là hành ĐẠO GIẢI THOÁT cả. Hành ĐẠO không cần phải gia nhập một tổ chức nào, cũng không cần phải tuân hành một thủ tục hay một hình thức nào. Đành rằng xuất gia đầu Phật có thuận lợi hơn cho việc hành ĐẠO, nhưng xuất gia, thế phát, quy y, mặc bận trang phục đặc biệt vẫn chỉ là những hình thức để trở thành một tu sỹ Phật Giáo. Hình thức chỉ là hình thức thôi, hình thức không mang tính quyết định, nghĩa là không bảo đảm cho việc hành ĐẠO và đạt ĐẠO. Đôi khi, chỉ vì chúng ta cứ tự cột ràng vào hình thức này, hình thức nọ, nên hình thức mới trở thành một vướng mắc.
Hành ĐẠO có cần sự hướng dẫn của một tôn sư, hay một tổ chức, và có cần phải tuân thủ một pháp môn nào không?
- Ta vẫn nói học ĐẠO phải tầm sư, hay "không thầy đố mày làm nên". Làm gì cũng phải có thầy, huống chi học ĐẠO. Nhưng thầy ở đây nên được quan niệm rộng rãi. Có thể là một vị cao minh, hay tài liệu, kinh sách quý giá nào đó chỉ cho ta rõ lý ĐẠO. Biết lý ĐẠO rồi, thì hành ĐẠO là việc của riêng ta. Ta phải độc hành. Chính ta mới làm được, chứ không thể cậy nhờ vào bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào trong giai đoạn này.
Thiền Tông Trung Hoa có lưu truyền câu chuyện dưới đây:
Một thiên sinh nọ mới nhập thiền viện có nói với thiền sinh huynh trưởng như sau: "Đàn em mới mẻ chắc hẳn là còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, xin đàn anh cảm phiền chỉ bảo, giúp dùm cho". Thiền sinh huynh trưởng đáp: "Em cứ an tâm. Anh sẵn sàng giúp em bất cứ chuyện gì khi em yêu cầu. Nhưng có một vài chuyện em phải tự làm lấy. Anh dù muốn cũng không có cách nào giúp dùm em được. Đó là:
- "Ăn uống thì em phải ăn uống lấy"
- "Ngủ thì em phải ngủ lấy
- "Tiêu hóa, bài tiết thì em phải tiêu hóa, bài tiết lấy"
- "Và hành ĐẠO thì em phải hành lấy".

Đúng vậy, hành ĐẠO là biết mình từng phút từng giây. Vậy còn ai biết mình hơn chính mình nữa. Chẳng lẽ ta lại phải nhờ đến sự chỉ dẫn, sự giúp đỡ của một ngoại nhân hay một tổ chức nào đó để ta mới hiểu biết được chính ta sao? Không cần phải hạ mình làm môn đệ của bất cứ ai, cũng chẳng cần coi ai là một tôn sư, để rồi ngày tháng sống dưới chân thầy, coi thầy là khuôn vàng thước ngọc, nhất cử, nhất động đều bắt chước thầy. Tương quan này không mang tính giải thoát.
Về lý ĐẠO, thì không cần phải tìm hiểu, nghiên cứu, hay nhờ ai giảng giải cho hết bộ kinh này, pho luận khác, mà chỉ một câu kinh, một bài kệ cũng đã đủ rồi (như bài trên có nói). Dĩ nhiên "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Ta hết sức tôn kính những vị tu sỹ, những bậc thiện-tri-thức, những tài liệu sách vở đã chỉ cho ta, dù chỉ một lời để ta biết đường vào ĐẠO. Với Phật Giáo, thì thật quả kinh sách như rừng, nhưng chỉ một bài kệ Tứ tuyệt dưới đây chẳng hạn, cũng dạy cho hành giả một hướng đi rốt ráo rồi:

- "chư ác mạc tác"
- "chúng thiện phụng hành"
- "tự tịnh kỳ ý"
- "thị chư Phật Giáo"

Phật trước, Phật sau (chư Phật), ngoài việc dạy làm lành lánh dữ, còn truyền dạy một điều quan trọng nữa là "tự tịnh kỳ ý". Căn ý mình phải do chính mình tịnh lấy. Chứ không thể trông mong vào sự giúp đỡ từ bên ngoài của bất cứ ai, hay bất cứ tổ chức nào. Nếu ta có may mắn gặp được một vị Phật bằng xương bằng thịt ngay cõi đời này, thì Ngài cũng chẳng giúp gì được ta, trong việc tịnh hóa căn ý của ta.
Huệ Khả trong buổi đầu yết kiến Tổ Bồ Đề Đạt Ma để cầu ĐẠO, có xin Tổ an giúp cái Tâm. Tổ nói với Huệ Khả hãy đưa cái tâm cho Tổ để Tổ an cho. Chừng nào ta có thể đưa cái tâm ta cho người khác an dùm, thì chừng ấy ta mới thật sự cần đến sự giúp đỡ của một tôn sư, hay một tổ chức nào đó.
Ngài J. Krishnamurti, người được Tây Phương tôn xưng là ông thầy của thế giới, là khuôn mặt cao cả nhất của nhân loại, suốt bao nhiêu năm giảng thuyết ở nhiều nơi, chẳng bao giờ Ngài lại tự nhận mình là tôn sư, cũng không muốn ai coi mình là tôn sư. Ngài không những không thuyết phục ai, không lôi kéo ai theo Ngài mà trái lại còn tỏ thái độ lạnh lùng đến như xua đuổi những ai có ý cầu cạnh để được làm môn đệ của Ngài. Ngài không chủ trương lập giáo nên đã từ chối chức vị Chưởng Giáo mà Hội Thông Thiên Học Thế Giới muốn tấn phong Ngài. Quan điểm tuyệt đối của Ngài là: "Chân lý ấy là sự thật của nội tâm, không ai dạy ai được, nên không ai là thầy của ai cả". Cái thông điệp mà Ngài muốn gởi tới mọi người là tự tu, tự ngộ, chứ không cần và cũng không thể trông cậy vào bất cứ thế lực nào. Trong những buổi giảng thuyết, mà Ngài thường chỉ gọi là những buổi nói chuyện, Ngài thường nhấn mạnh rằng, Ngài chỉ nói với tư cách một người bạn chuyện trò với những người bạn mà thôi. Còn Đức Phật thì lúc sinh thời Ngài cũng không đặt ra một khuôn mẫu nào và buộc những người theo Ngài phải tuyệt đối tin tưởng và rập theo. Ngài thường nói với mọi người là đừng tin vào những lời huấn thuyết của Ngài, cứ việc suy xét và thực nghiệm nếu thấy đúng thì theo, không đúng thì bỏ.
Đến lúc Ngài sắp viên tịch, tôn giả A-nan có xin Ngài cho phép lập giáo hội để tôn thờ Ngài là giáo chủ, Ngài không chấp thuận. Ngài nói Ngài và tăng chúng cũng như nhau thôi. Chẳng những với tăng chúng mà ngay với chúng sinh Ngài cũng vẫn thường coi là những Phật sẽ thành. Trên đường tu chứng có kẻ trước người sau. Rồi ra ai ai cũng sẽ thành Phật như Ngài cả.
Đúng là tinh thần bình đẳng đến triệt để của các bậc đại giác.
Hành Đạo là nhằm tịnh hóa cái tâm. Muốn tịnh hóa cái tâm thì hãy sống trọn vẹn với cuộc sống, nghĩa là hãy chú tâm vào mọi hoạt động của thân, tâm. Còn muốn gọi là pháp môn, hay là gì, thì cũng cứ được. Không nên vướng kẹt vào ngôn ngữ, văn tự làm gì.
Có phải người hiểu rộng, biết nhiều thì hành ĐẠO có hiệu quả hơn những người khác không?
- Người hiếu rộng, biết nhiều, đa văn, quảng kiến, là người có một cái kho to lớn tích lũy rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm đã tom góp được trong quá khứ. Nói hiện đại hơn, họ là một loại máy điện toán đời mới, tích trữ được cả hàng tỷ dữ kiện (data). Dĩ nhiên những kiến thức mà họ có đều là loại kiến thức duyên sanh, vay mượn, nghĩa là phải học tập, phải đọc sách vở, phải nghiên cứu tài liệu, phải được chỉ vẽ, giảng giải mới có được. Nhưng con người vốn có một kho báu của chính mình, đó là cái trí thông minh siêu đẳng, tuyệt luân mà Phật học gọi là huệ trí, hay huệ giác. Với huệ trí này, con người sẽ biết cùng khắp, không gì không biết. Cái biết tự có, không phải loại vay mượn duyên sanh. Một cái biết không thông qua lục căn, ngũ uẩn. Huệ trí, theo Phật học, chỉ khai mở khi tâm thanh tịnh. Tâm tịnh thì huệ khai. Tâm chỉ tịnh khi tư tưởng đã hoàn toàn ngưng dứt. Mà tư tưởng là gì? -Chính là con đẻ của kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong ký ức.
Những kiến thức vay mượn duyên sanh rất hữu ích cho cuộc sống, và rất quan trọng trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Ngày nay, cuộc sống con người trên trái đất đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là trong thế kỷ 20 này. Trong mọi lãnh vực sinh hoạt của con người, như ăn uống, di chuyển, liên lạc, y tế, nhà ở, y phục, v.v... đều có những tiến bộ rõ rệt làm cho đời sống con người có nhiều tiện nghi hơn. Âu cũng là nhờ vào sự tích lũy kiến thức của con người trong quá khứ.
Những kiến thức duyên sanh vay mượn này cũng vô cùng quan trọng, trong lĩnh vực hoằng dương giáo pháp. Trong Phật học chẳng hạn, thì chính các vị luận sư, các vị học giả Phật Giáo đã đóng góp nhiều nhất vào việc truyền bá Phật pháp.

Nhưng trong lãnh vực tâm lý, thì "sự đời biết ít phiền não ít" nghĩa là kiến thức và kinh nghiệm tích lũy là một trở ngại cho người hành ĐẠO GIẢI THOÁT. Trong Phật học thì các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được gọi là tập khí. Những người hành ĐẠO GIẢI THOÁT, theo Phật học, là phải loại trừ tập khí hay giải thoát tri kiến. Loại trừ được tập khí là ngưng dứt được tư tưởng vì tập khí là mẹ đẻ của tư tưởng. Ngài J. Krishnamurti cũng hô hào giải trừ kiến thức (freedom from the known).
Tại Trung Hoa, có một lần, một thiền sinh trong một thiền viện được tiếng là người hiểu rộng biết nhiều. Mỗi lần trò chuyện với thầy, với bạn, thiền sinh này thường có ý phô trương cái vốn kiến thức và kinh nghiệm rộng rãi của mình. Một hôm thiền sư nói với thiền sinh ấy như sau: "con hãy về vứt tất cả những kiến thức và kinh nghiệm ấy cho chó ăn, rồi hãy trở lại đây".
Phật học cũng có nói đến sở-tri-chướng, tức là những trở ngại do kiến thức và kinh nghiệm tích lũy gây ra cho người hành ĐẠO. Sở-tri-chướng là một loại nhà tù nhốt cẳng, cầm chân những bước đi giải thoát.
Trong Phật học xưa nay vẫn phân biệt hai dòng: dòng chuyên học hay giáo môn, và dòng chuyên tu, hay quán môn. Dòng chuyên học gồm các vị học giả uyên bác, hiểu rộng, biết nhiều, chuyên triển khai giáo lý Phật Giáo. Với các vị này, thì tích lũy kiến thức càng nhiều càng tốt. Đấy là những vị luận sư và đại luận sư. Các vị này chưa hẳn là đạt ĐẠO. Còn dòng chuyên tu thì gồm các vị hành giả tuy học hành, kiến thức chắng có là bao, thậm chí còn có vị mù chữ như Ngài Lục Tổ, nhưng chỉ nhờ hành ĐẠO mà đạt ĐẠO, và trở nên hoàn toàn giải thoát. Khi đã đạt ĐẠO, thì một lúc nào đó huệ trí của các vị mở ra và sự hiểu biết của các vị lại vô song. Cái hiểu biết tự có, và cùng khắp, mà ngôn ngữ Phật học gọi là chánh-biến-tri, một sự hiểu biết mà trong hàng các vị luận sư và đại luận sư không ai sánh kịp. Đó là trường hợp các vị Tổ, các vị thiền sư. Nói tóm lại, kiến thức và kinh nghiệm chẳng cần gì cho việc hành ĐẠO, nếu không muốn nói kẻ hiểu rộng biết nhiều còn tự tạo ra một loại nhà tù, nhà tù của sở-tri-chướng, để giam hãm, cầm nhốt mình, cản trở mình trên đường đi tìm giải thoát.
Hành ĐẠO có cần cố gắng không?
- Trong Phật học có nói đến tinh tấn. Hành ĐẠO phải tinh tấn. Trong Lục độ (sáu phép tu của Đại Thừa) thì có một là Tinh Tấn, và trong Bát chánh đạo thì có một là Chánh Tinh Tấn. Tinh tấn loại trừ lười biếng, giải đãi. Tinh tấn là sự chú tâm chuyên cần. Các tác giả Tây phương dịch tinh tấn là application, mà application được định nghĩa là assiduous attention, nghĩa là một sự chú tâm siêng năng, không sao lãng. Hành ĐẠO là chú tâm không sao lãng về mọi hoạt động của thân, tâm. Thân ta đi, đứng, nằm, ngồi v.v... ta chú tâm vào đi, đứng, nằm, ngồi v.v... Tâm ta buồn, vui, giận dỗi, oán thù v.v... ta chú tâm vào buồn, vui, giận dỗi, oán thù v.v... và như thế có đòi hỏi một cố gắng nào đâu. Chỉ có cố gắng khi nào ta ham muốn thành đạt một điều gì đó mà điều ấy lại vượt ra ngoài khả năng và phương tiện sẵn có. Như vậy cố gắng luôn luôn gắn liền với ham muốn, hay đúng hơn chính nó là ham muốn. Có cố gắng là có mặt của tư tưởng. Tư tưởng đã xen vào, thì ĐẠO ắt đi ra. Hành ĐẠO phải hồn nhiên. Hồn nhiên là ĐẠO. Ai hành chẳng được, một việc ở trong tầm tay, có gì cao xa đâu mà phải cố gắng.
Hành ĐẠO có cần phải tìm nơi am thanh cảnh vắng, hay núi động khuất nẻo không?
- Hành ĐẠO là hiểu biết chính mình (self understanding). Lấy ánh sáng của tâm thay vì soi rọi các đối tượng ở ngoài, ta quay vào soi rọi chính tâm ta, nhất là những khi có các kích thích của chợ đời, của cuộc sống, để ta biết ta đến kẽ tóc chân tơ. Biết mình đến nơi, đến chốn, không mảy may thiếu sót, chính là hành ĐẠO đến chỗ rốt ráo, là giải thoát vậy.

Còn sống trên non cao, động vắng, cách biệt với xã hội, với cuộc sống, thì tâm có thể an, nhưng cái an ở đây là do một yếu tố ngoại lai mang lại. Tâm ta phải nương dựa vào cảnh non động vắng vẻ để được an, y hệt như cái an của một kẻ dùng thuốc an thần. Tâm sẽ hết an khi thuốc hết hiệu lực. Nó không phải cái an của một người hiểu biết mình từng phút, từng giây. Người hiểu biết mình từng phút từng giây có thể an được tâm mình ngay, ngay trong cuộc sống đa dạng, phức tạp hàng ngày như khi đang ở trong xưởng thợ, trong sở làm, trong gia đình, như khi đang mua sắm trong một cửa tiệm đông người, hay đang di chuyển trên một chuyến xe chật khách.
Người đời thường nói: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Tu tại gia và tu chợ là tu ngay trong cuộc sống, cái tu của một người sinh sống, làm ăn bình thường trong xã hội như mọi người khác. Câu trên có ý nói là tu tại gia và tu chợ khó hơn tu chùa. Ta đồng ý là tu chùa có nhiều thuận lợi hơn vì người xuất gia đầu Phật đâu có phải đối diện với cuộc sống thế gian vốn vô cùng phức tạp này. Nhưng nếu ta thật sự hiểu biết ta đầy đủ, thì dù ở môi trường nào (tại gia hay giữa chợ) chẳng cứ là trong chùa, ta vẫn có thể an tâm, tịnh ý được.
Từ hành ĐẠO đến đạt đạo có phải qua một quá trình không?
- Ta thường cho rằng, hành ĐẠO phải có một quá trình dài lâu, trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, chứ chẳng ai bỗng chốc, chiều hôm sớm mai lại đạt ĐẠO được. Ta phải chiến đấu hàng giờ, hàng ngày, để tu tâm, sửa tánh loại bỏ dần các thói hư, tật xấu; dần diệt tham, sân, si, để rồi một ngày nào đó, không biết là bao giờ, các thói hư tật xấu không còn; tham, sân, si cũng sạch bóng, ta trở nên thánh thiện. Và tùy mức độ thánh thiện đã đạt được, ta chứng ĐẠO quả này, ĐẠO quả khác.
Như thế, Hành ĐẠO có nghĩa là hành giả phải trải qua một cuộc chiến đấu kiên trì, dài lâu đến bất tận, không kém phần gay go, trắc trở để thay đổi cấu trúc tâm lý hiện có bằng một cấu trúc tâm lý hoàn toàn mới. Thành ra trong suốt quá trình hành ĐẠO, tâm ta luôn luôn là một bãi chiến trường, luôn luôn có xung đột giữa hai thế lực cũ và mới. Nói đến chiến trường, đến xung đột, là nói đến xáo trộn, rối loạn, sóng gió, trái với tôn chỉ hành ĐẠO GIẢI THOÁT là bình thường hóa cái tâm. Đã mấy thiên niên kỷ rồi, con người theo tôn giáo này, tôn giáo nọ, hành trì giáo lý này, giáo lý nọ, mà cấu trúc tâm lý của con người có gì thay đổi đâu, nghĩa là vẫn tham, sân, si như thuở nào đây. Ngài J. Krishnamurti cũng xác nhận rằng, "chẳng làm gì có tiến bộ tâm lý".
Để an định cái tâm thì không có cách nào khác là phải hiểu biết nó. Muốn hiểu biết nó thật đầy đủ, rốt ráo, thì phải tỉnh thức. Nghĩa là, khi tâm ta khởi một niệm nào, là ta đều biết và biết ngay lúc niệm ấy mới ló dạng. Nếu một niệm nào khởi mà sau một thời gian nào đó, ta mới biết, thì không phải là tỉnh thức nữa. Bất kỳ một niệm nào khi vừa mới xuất hiện mà ta đã biết và theo dõi, thì nó biến ngay. Và nhớ là chỉ theo dõi thôi, chứ đừng phân tích, phê bình gì cả. Đành rằng, niệm ấy có thể tái xuất hiện nơi tâm ta nhiều lần sau đó, nhưng dù có trở lại mà ta tỉnh thức, thì nó cũng lại lui êm. Tỉnh thức là sống trọn vẹn với cuộc sống, hay sống trọn vẹn với hiện tiền. Một khi sống trọn vẹn với hiện tiền, là lập tức có giải thoát, một sự giải thoát trọn vẹn, là đạt ĐẠO, chứ không phải qua một quá trình nào cả. Hễ còn nói tới quá trình, là còn có thời gian, không gian, nghĩa là còn có tư tưởng, thì chẳng làm sao mà giải thoát được.
Hành ĐẠO giải thoát có cần áp dụng một phương pháp tu tập nào không?
- Thông thường làm gì ta cũng nghĩ đến một phương thức thi hành để việc làm bảo đảm được kết quả tốt đẹp. Nhưng hành ĐẠO GIẢI THOÁT thì không cần đến một phương thức nào cả. Hành ĐẠO trước sau chỉ là "trực chỉ nhân tâm" nghĩa là nhìn thẳng vào cái vọng tâm lăng xăng, lao xao của chính mình để vọng niệm tan biến và ta tức thì giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi, thế thôi.
Còn đòi hỏi phương thức là còn lệ thuộc vào mẫu mực, khuôn phép, và hậu quả tất nhiên lại là vướng mắc.
Có người cho rằng, hành ĐẠO giải thoát chỉ cần niệm Lục Tự Di Đà (Nam Mô A Di Đà Phật) là đủ, có đúng không?
- Làm gì mà có chú tâm, đều là hành ĐẠO giải thoát cả. Vậy, chú tâm niệm Phật đúng là hành ĐẠO. Chú tâm niệm Phật có nghĩa là khi miệng niệm thì tâm cũng niệm. Miệng và tâm luôn luôn đồng điệu, chứ đừng miệng niệm một đường, tâm nghĩ một nẻo. Nhưng cuộc sống đòi hỏi ta phải có các hoạt động đa dạng, lúc làm việc này, lúc làm việc khác, khi ăn uống vui chơi, khi viết thư, đọc sách v.v... chứ đâu có thể nào suốt ngày ngồi niệm Phật được, và cái tính nhất niệm vốn có của tâm không cho phép ta cùng một lúc có thể chú tâm vào hai hoạt động song song, nghĩa là đã chú tâm niệm Phật, thì không thể chú tâm vào hoạt động khác được. Thực ra thì niệm Phật, đọc chú hay quán sổ tức (đếm hơi thở) v.v... đều chỉ là những phương tiện để đạt cứu cánh ngưng dứt tư tưởng mà thôi. Vậy tốt hơn hết là ngoài những lúc rảnh rỗi chú tâm niệm Phật, ta cứ chú tâm vào mọi hoạt động đa dạng của thân, tâm. Như thế, là sống trọn vẹn với cuộc sống, là đạt cứu cánh ngưng dút tư tưởng, là hành ĐẠO vậy. Với lề lối này, ta có thể hành ĐẠO ngay trong lúc làm công việc hàng ngày, hành Đạo toàn thời gian một cách hồn nhiên, nghĩa là hành ĐẠO thường trực mà như không hành vậy.
Nhật báo San Jose Mercury News số ra ngày thứ bẩy, mồng 8 tháng 2 năm 1997, có đăng một bài nhan đề là "Putting Zen to work" của Richard Scheinin, một ký giả chuyên viết về các vấn đề tôn giáo, bài báo nói đến một thiền giả Hoa Kỳ, ông Les Kaye. Ông này làm cho Công ty IBM từ 1956. Ông đã hành thiền ba thập niên rồi. Ông là tác giả cuốn sách "Zen at Work: A Zen Teacher’s 30 Year Journey in Corporate America". Trong quá trình hành thiền ông Kaye đã nhận ra rằng ngồi trên tọa cụ (cushion) trong thiền viện hay ngồi trong phòng làm việc; mặc chiếc áo thầy tu (priests robe) hay bộ áo làm việc (business suit) thì cũng chẳng có gì khác nhau, và rằng công ty IBM đối với ông ta cũng là một thiền viện. Vì "yếu chỉ tọa thiền là liên tục thấy biết mọi hoạt động của ý căn: Tư tưởng xuất hiện rồi lại biến đi, xúc cảm cũng vậy. Ý căn có thể tự nó tịnh hóa bằng cách chú tâm vào hiện tiền".
Đúng thế, hành thiền (hay hành ĐẠO) là chú tâm vào những gì đang thực sự diễn ra ở nội tâm hay ngoại giới nên dù ở hoàn cảnh nào cũng vẫn hành được, đâu có cần đến bất cứ một hình thức, một phương thức, một nơi chốn hay trang phục đặc biệt nào. Cũng chẳng cần đến kiến thức sâu rộng hay hiểu thuộc kinh sách cho nhiều. Lại cũng chẳng cần đến sự giúp đỡ của bất cứ tha nhân, tha lực hay tổ chức nào.
***
Nói tóm lại, Hành ĐẠO GIẢI THOÁT là sống phi thời gian. Sống phi thời gian là sống trọn vẹn với hiện tiền, là sống trọn vẹn với cuộc sống, và cũng là sống với chân kiện. Vì chỉ có những gì ở hiện tiền mới là chân mà thôi. Còn những gì ở quá khứ, ở tương lai đều là vọng, là huyễn cả. Hành ĐẠO như thế cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Trong Phật Học thì gọi là hành Chánh Niệm. Hành Chánh Niệm có nghĩa là sống với hiện tiền, nên khi ta rời bỏ hiện tiền, thì ngôn ngữ Phật Giáo gọi là thất niệm.
Cũng có thầy gọi là Tỉnh Thức. Hành ĐẠO giải thoát là luôn luôn tỉnh thức trước những gì xẩy ra trong hay ngoài tâm giới, nghĩa là những gì xẩy ra trước mặt ta, hoặc trong tâm ta, ta đều thấy biết. Và ta thấy biết chúng y như chúng đang là, không phân tích, phê bình, lên án, hay tán dương. Đặc biệt là đối với những hiện tượng trong tâm giới mà ta nhận biết chúng ngay khi chúng mới mống khởi, thì chúng sẽ tự nhiên tan biến. Rất có thể chúng sẽ trở lại, nhưng nếu ta tỉnh thức miên mật, thì dù có trở lại, chúng cũng lại tự động ra đi, y như một kẻ gian ban đêm đột nhập vào nhà ta mà thấy ta còn thức, thì hắn phải tìm đường tháo thân, chứ đâu có thao túng và cướp phá gia trang của ta được, như khi ta ngủ say bất tỉnh. Và một điều quan trọng cần nhớ, là ta chỉ cần hay biết các hiện tượng tâm giới ngay từ lúc chúng mới ló dạng và chú tâm theo dõi chúng, chứ đừng bao giờ tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng.
Ngài J. Krishuamurti thì gọi hành ĐẠO là giữ "ConstantAwareness" mà tôi tạm dịch là sự tỉnh giác thường hằng.
Hành ĐẠO giải thoát là tìm hiểu cái tâm, lấy ánh sáng của tâm soi rọi lại tâm để nhận biết, ngay từ giây phút khởi đầu, các hiện tượng tâm giới, nên Phật học còn gọi là Hồi-Quang-Phản-Chiếu. Hồi-Quang-Phản-Chiếu được coi là một pháp môn cao tột của Phật Giáo,
Lại có thầy gọi hành ĐẠO là thực hành phép Lục Hòa. Đây không phải là phép Lục Hòatrong Phật học mà Lục Hòa ở đây có nghĩa là sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hòa hợp với nhau.

Theo Phật học thì mỗi con người có sáu căn hay sáu giác quan. Trong sáu giác quan này thì năm (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) luôn luôn chỉ sinh hoạt ở hiện tiền, không biết gì đến quá khứ và tương lai cả. Mắt ta không nhìn được những gì ở quá khứ và ở tương lai, mà chỉ nhìn được những gì ở hiện tiền. Tai ta không nghe được những âm thanh trong quá khứ hay âm thanh ở tương lai, mà chỉ nghe được âm thanh ở hiện tiền. Ba căn kia cũng vậy. Chỉ riêng có ý căn thì luôn luôn chao động, y như một con lắc đu đưa liên tục giữa quá khứ và tương lai. Hành ĐẠO GIẢI THOÁT là đưa ý căn về hòa hợp với năm căn kia, nghĩa là ý căn cũng có một sinh hoạt phi thời gian, một sinh hoạt ở hiện tiền như năm căn kia vậy.
Trong Thiền tông thì hành ĐẠO lại thường được gọi là Tọa Thiền, là Hành Thiền, là Tham Thiền, là Nhập Định.
Hành ĐẠO giải thoát tuy có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung chỉ có một nguyên tắc là phi thời gian. Xin nhắc lại thời gian đây là thời gian tâm lý. Phi thời gian tức phi tư tưởng. Tư tưởng đã "phi" rồi thì còn đâu là cội nguồn phiền não, khổ đau và sợ hãi nữa.
Nói khác đi, tư tưởng một khi ngưng dứt thì thế gian này không còn là khổ hải nữa mà lập tức là cõi giải thoát, là Niết Bàn đối với các hành giả.

Nhi Bất Nhược


Audio: Hành đạo