TÌM ĐẠO - KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN




 Chỉ có người thức ngộ mới có thể thể hiện nguyên lý mà không lệ thuộc vào hình thức, sử dụng hình thức mà không rời xa nguyên lý trong mỗi nhịp sống hài hòa (nhân). Đối với họ, không có cái gì không phải là Đạo. Không có hành động nào không trong sáng hồn nhiên và lặng lẽ. 
Ngày kia có người hỏi :”Cái gì là Đạo?” 
Thiền Sư trả lời :”Thế ngươi nói cái gì không phải là Đạo?” 

Đạo không trong không ngoài, chẳng có chẳng không, nhưng:
Lặng lặng không đâu mà chẳng có
Loay hoay chẳng có ở nơi đâu! 



 KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN 

Không phải hễ cứ gọi đạo thì tức là con đường. Con đường luôn luôn có khởi điểm và có chỗ đến. Niết Bàn không phải là chỗ đến theo nghĩa một địa điểm. Cho nên, không có đường đến Niết Bàn.
Từ Đạo được dùng rất nhiều nghĩa:
Đạo trong Lão Tử Đạo Đức Kinh là chân lý rốt ráo. Đạo trong Thiên Chúa Giáo là lẽ thật và sự sống đời đời. Đạo trong Khổng Học là cách xử thế tiếp vật, minh đức thân dân và chí thiện.
Đạo dùng trong Đạo Đế có nghĩa là “sự thực hành nhằm vào khổ diệt”(Dukkha-nirodha-gàminì-patipadà), hoặc Đạo trong Bát Chánh Đạo được định nghĩa là “tiêu tan phiền não”(kilesemàrento). Nói theo Kinh Bát Nhã thì Đạo tức là “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”vậy.
Trong tất cả các thuật ngữ Đạo nói trên, không có thuật ngữ nào chỉ con đường có đi có đến cả. Đặc biệt trong Đạo Phật, Đạo chẳng liên hệ gì đến Niết Bàn, vì không có Đạo vẫn cứ có Niết Bàn. Nhưng không có Đạo thì không thể chứng ngộ Niết Bàn được.
Giống như người đang nằm trên giường có ảo giác bị rơi vào khoảng không không đáy, anh ta cảm thấy hụt hẫng và khiếp sợ. Chỉ cần ảo giác tiêu tan (hoặc thấy đó chỉ là ảo giác) thì người ấy trước sau vẫn nằm trên giường thoải mái bình yên. Niết Bàn cũng y như vậy.

Trích: Vi Tiếu
Tác giả: Viên Minh