Hiện diện
“Ở đâu con sẽ tìm được sự Thức Giác?”
“Ở nơi đây.”
“Chừng nào điều đó xảy ra?”
“Đang xảy ra ngay bây giờ đây.”
“Vậy tại sao con không cảm nghiệm được?”
“Bởi vì con không nhìn.”
“Con phải nhìn để tìm gì?”
“Không để tìm cái gì hết. Chỉ nhìn thôi.”
“Nhìn gì?”
“Nhìn cái mà mắt con dán xuống.”
“Con có phải nhìn một cách đặc biệt không?”
“Không. Con chỉ nhìn một cách bình thường mà thôi”
“Nhưng phải chăng con không luôn luôn nhìn một cách bình thường?”
“Không.”
“Tại sao không.”
“Vì muốn nhìn, con phải hiện diện ở đó. Thường khi con vẫn ở đâu đâu.”
Nhận thức đúng thực tế
Các đệ tử bàn cãi sôi nổi để xem công việc nào là khó khăn nhất: Viết ra điều mà Chúa mặc khải là Thánh Kinh, hiểu những gì Chúa đã mặc khải trong Thánh Kinh hoặc giải nghĩa cho kẻ khác về Thánh Kinh sau khi mình đã lãnh hội được.
Khi được hỏi kiến, Minh Sư trả lời: "Thầy biết được một công việc khó khăn hơn bất cứ việc nào trong ba việc kể trên."
"Đó là gì?”
“Là cố gắng làm cho một đám ngu muội như các con nhận thức đúng thực tế."
Không cần nỗ lực
Có một người do dự dấn thân vào việc thăng tiến tâm linh vì sợ phải nỗ lực và từ bỏ, Minh Sư bảo người ấy:
"Phải cần đến bao nhiêu nỗ lực và từ bỏ để mở mắt ra mà nhìn thấy?"
Tưởng thưởng cho sự khổ chế
Có một người theo phái khắc kỷ sống đời độc thân tạo cho mình sứ mạng chiến đấu chống lại tính dục trong bản thân và trong người khác.
Lúc ông chết, đồ đệ của ông, người không thể chịu được sự mất mát cũng chết không lâu sau đó. Khi đến bên kia thế giới, anh không tin những gì mình thấy. Anh thấy thầy kính yêu của anh ở đó với một phụ nữ cực kỳ xinh đẹp ngồi trên đùi.
Cảm giác sốc của anh giảm xuống khi nhận ra thầy mình được tưởng thưởng vì biết kìm hãm dục vọng lúc còn trên trần gian. Anh đi thẳng về phía thầy và nói, “Thưa thầy quý mến, bây giờ con biết rằng Thiên Chúa là Đấng công minh, vì thầy được tưởng thưởng trên trời cho sự khổ chế của thầy dưới đất”.
Thầy có vẻ bực bội. “Ngớ ngẩn!”, ông quát, “đây không phải là thiên đàng và ta đâu có được thưởng cái gì – con mụ này cũng bị trừng phạt như ta thôi!”
Khi đôi giày vừa vặn, bàn chân bị lãng quên;
khi thắt lưng sít sao, không ai nhớ đến bụng;
khi mọi sự hài hòa, cái tôi không còn được nhớ đến.
Vậy, sự khổ chế của anh có ích gì?