Sống ĐẠ0 - Krishnamurti

Hỏi :

- Chúng ta có cách nào để có thể sống đạo trong xử thế tiếp vật với đời chăng?

Krishnamurti :

- Khi dùng từ ngữ sống đạo, ý chúng ta muốn nói gì? Phải chăng bạn muốn nói đến một cách sống mà trong đó không có sự phân chia - phân chia giữa đời thường và đời sống tôn giáo, giữa điều nên và điều không nên, giữa tôi và bạn, giữa thích và không thích? Chính sự phân chia này đem lại mâu thuẫn, xung đột. Một đời sống đầy mâu thuẫn, xung đột thì không phải là sống đạo.

Chỉ có thể sống đạo khi chúng ta thấu hiểu nguyên nhân của mọi tranh chấp, mâu thuẫn. Sự thấu hiểu đó chính là trí tuệ. Với trí tuệ này, chúng ta sẽ hành động một cách công chính.
Điều mà nhiều người gọi là "trí tuệ", thực ra chỉ là sự khéo léo trong công tác kỹ thuật, hoặc lanh lợi trong giao dịch nơi thương trường, hoặc mánh lới, xảo thuật, trong lãnh vực chính trị.

Hỏi :

- Vậy thì câu hỏi của tôi có nghĩa là, làm thế nào người ta có thể sống trong sự hài hòa, thắm đượm tình cảm thiêng liêng, không phải chỉ đơn giản là chút tình thương từ trên cao ban bố trong cái khuôn tôn giáo -- bất kể là cái khuôn đáng kính cỡ nào và đã tồn tại bao lâu?

Krishnamurti :

- Một người sống an bình chốn làng quê, hoặc mơ màng trong một hang động trên sườn đồi "thiêng", rõ ràng không phải là sống đạo theo kiểu mà chúng ta đang bàn thảo. Chấm dứt sự xung đột, đối nghịch, là một trong những điều phức tạp nhất. Nó cần đến sự tự quan sát bản thân đồng thời mẫn cảm trong tỉnh giác đối với ngoại cảnh cũng như nội tâm. Mâu thuẫn, đối kháng chỉ chấm dứt khi có sự thấu triệt những mầm mống mâu thuẫn ngay từ chính bản thân. Mâu thuẫn này sẽ luôn luôn tồn tại nếu tự thân không thoát ra khỏi tri kiến, vốn là sản phẩm từ quá khứ. Giải thoát khỏi quá khứ có nghĩa là sống trong hiện tại, không bị ràng buộc bởi thời gian, thoải mái, khai phóng, không vướng mắc với quá khứ, với tri kiến từ quá khứ.

Hỏi :

- Trong câu giải thoát khỏi quá khứ, ý ông muốn nói gì?

Krishnamurti :


- Quá khứ là toàn bộ những kỷ niệm tích lũy của chúng ta. Trong phút giây hiện tại, từ những kỷ niệm này, bộ óc của chúng ta tạo ra những niềm hy vọng và những nỗi sợ hãi về tương lai. Những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi này chính là tương lai về mặt tâm lý; không có chúng, không có chuyện tương lai. Cho nên, hiện tại là tiến hành của quá khứ, và sự suy nghĩ chính là chuyển động của quá khứ này. Quá khứ hoạt động trong hiện tại tạo nên cái mà chúng ta gọi là tương lai. Sự đáp ứng này của quá khứ là hồn nhiên tự động, hiển nhiên xuất hiện trước khi chúng ta biết tới nó.

Hỏi :

- Trong trường hợp đó, làm sao chúng ta thoát được?

Krishnamurti :


- Phải tỉnh giác trước hoạt động này mà không lựa chọn - vì lựa chọn thì cũng lại còn quá là một hành động bắt nguồn từ quá khứ -, nghĩa là chỉ quan sát quá khứ: sự quan sát này không phải là một chuyển động của quá khứ. Quan sát mà không khởi lên một hình ảnh, ý niệm về tư tưởng nào thì đó là hành động về một quá khứ đã chết. Quan sát cái cây mà không có một ý nghĩ nào chính là hoạt động không bắt nguồn từ quá khứ. Chỉ thuần túy quan sát hành động của quá khứ thì cũng chính là hoạt động không từ quá khứ. Sự kiện nhìn quan trọng hơn là cái bị nhìn. Tỉnh giác về quá khứ trong sự quan sát không lựa chọn ấy không chỉ là hành động theo cách khác, mà là một sự thay đổi hoàn toàn khác. Trong sự tỉnh giác này, ký ức hoạt động không bị cản ngăn, phơi phới và hữu hiệu. . .
. . . Cho nên, giải thoát khỏi tri kiến là thật sự sống đạo. Đó không có nghĩa là xóa bỏ tri kiến, mà là bước sang một chiều hướng, một cách sống khác, cách sống này không xuyên qua tri kiến để ứng xử với đời, mà chỉ quan sát tri kiến thôi.
Hành động thấy mà không lựa chọn này là hành động của thương yêu. Sống đạo chính là sống như thế này, tất cả sự sống đều trong tình thương yêu này, trái tim thanh khiết cao thượng cũng chính là tình thương yêu này.

Cho nên tôn giáo thuần túy, tâm hồn, cuộc đời, tình yêu và lòng trắc ẩn, tất cả đều là một thể.

Danny Việt dịch