HOẠT ĐỘNG TOÀN HẢO CỦA VÔ NGÃ





Tâm con hướng Phật
Nay con cầu pháp
Kính mong chư đức
Tỏa sáng trong con
Tâm trí chưa thông
Cứ mãi long đong
Đi vòng Tịnh độ
Lại đến Thiền tông
Bến nào cũng không
Cầu mong chư vị
Chỉ rõ cho thông
A-di-đà Phật.

Trả lời:
Phật ở trong lòng 

Đâu cần tìm kiếm 
Thấy ra là thông
Hồi đầu là bến






Thiền nhấn mạnh trong sự giác ngộ mà từ đó hành giả nhìn thấy toàn bộ bên trong và bên ngoài như một. Đó là điều Đức Phật nhìn thấy. Và may mắn thay, chúng ta có mọi phương tiện khéo léo (upaya) để qua đó chúng ta thực hành và thật sự nhìn thấy được Pháp. Ở đây, tôi muốn lưu ý cái gì thật sự là Pháp. Bạn nghĩ thế nào về nó, và theo bạn cách tụ tập nào là đúng? Sau đó thưc hành và chiêm nghiệm sâu hơn về Pháp. Có thật sự bạn thực hành tốt. Đúng với những điều bạn đã nghĩ, đã nghe hay đọc? Theo những điều đã lĩnh hội, quán sát Pháp, làm tươi mát và sách tấn chính mình, để cho sự tu tập ngày càng tốt.

Chúng ta có thể kỳ vọng trong việc thực hành Pháp? Trong thiền có câu:”không mong cầu”(vô cầu). Câu đó có nghĩa là gì? Chúng ta nói,”Không đạt, không cầu giác ngộ. Ngồi thảng yên lặng, chỉ ngồi! Đây là con đường của người xưa”.Khi nói” người xưa”(cổ đức), chúng ta không giới hạn sự tụ tập vào một người nào. Bất cứ người nào –nam hay nữ, ở địa vị hay giai cấp nào-thành toàn được con đường đạo đều được gọi là cổ đức. do đó phẩm chất tu tập được của chúng rất quan trọng. Loại tụ tập nào chúng luôn theo, sự giác ngộ nào chúng ta có được? Loại chánh niệm ? Loại định nào? Kết quả nào chúng ta trải nghiệm? Dù không kỳ vọng một điều gì, sự tụ tập chắc chắn có một kết quả.
Một trong những giáo pháp quan trọng nhất là giáo lý nhân quả. Chúng ta có thể nói rằng toàn bộ những gì Đức Phật nói là về nhân quả. Không chỉ một nguyên nhân hay một vài nguyên nhân-tất cả mọi thứ là nguyên nhân cho một kết quả. Mọi sự việc đều kết nối nhau theo cách này hay cách khác. Có những nguyên nhân trực tiếp và có những nguyên nhân không trực tiếp, tất cả cùng vận hành. Chúng ta nói:”Nhân và quả không phải là hai thứ tách rời nhau; nhân và quả là một”. Thường chúng ta không có sự hiểu biết đó trong đời sống thực tiễn hay qua giáo pháp. Bạn hiểu nhân quả như thế nào? Một số người nghĩ rằng khi họ làm việc xấu, hành động của họ không thật sự xấu cho đến khi họ bị bắt- có thể ngày mai hay năm sau hoặc sau đó. Về vấn đề này, Lão sư Yasutani Roshi nhiều lần nói:”khi bạn ăn cắp một thứ gì, ngay lúc đó, bạn trở thành một tên trộm”. Thật như vậy chăng?
“Sống thế nào?” là câu hỏi đầu tiên cho chúng ta? Câu trả lời không phải những luật lệ do con người đặt ra được giữ gìn dưới những hoàn cảnh hay môi trường đặc biệt, hoặc do xã hội, nhóm người hay quốc gia. Dĩ nhiên, các luật lệ này có mức độ quan trọng. Nhưng có những thứ quan trọng hơn nhiều. Ngay cả việc quyết định điều gì tốt và điều gì xấu, điều gì đúng và điều gì sai, điều gì thật và điều gì giả-làm thế nào chúng ta đánh giá? May mắn thay, những điều này đã được đề cập trong giáo lý nền tảng của Đức Phật.
Giáo lý nền tảng của Đức Phật là bốn pháp ấn : vô thường, vô ngã, khổ và tịch diệt (Niết Bàn). Bạn có thấy rõ tính chất của đời sống là vô thường, vô ngã, không có gì cố định chăng? Đặc biệt tính chất vô ngã, không cố định. Vì sao đó lại là một kho tàng Pháp? Vì sao cái đó được goi là prajna, trí tuệ? Nếu có một vài ý niệm trong đầu, bạn sẽ không thể nào hiểu rõ câu “ mọi sự đều vô thường”, luôn luôn thay đổi.
Abhidharma ( hệ thống tâm lý học Phật giáo) nêu ra bao nhiêu sự thay đổi xảy ra trong 24 giờ đồng hồ, trong một ngày, một đêm. Tôi thích đề cập về điều vô cùng quan trọng này, và tôi càng ngày càng thấy chúng ta thay đổi 5.000 lần. Vì sự thay đổi quá nhanh, ý thức chúng ta không bắt kịp. Thân và tâm chúng ta thay đổi cũng nhanh chóng như vậy. Đó là đời sống của chúng ta. Sống trong dòng thay đổi nhanh chóng đó, chúng ta có thể kỳ vọng điều gì? Niệm tưởng nào cho chúng ta có thể thật sự có? Sự việc nào chúng ta có thể thật sự để tâm vào?
Giờ đây, chúng ta đang nói về nó, nhưng nó là cái gì? Quá khứ đã qua, nhưng chúng ta vẫn còn bám vào. Tất cả những thứ chúng ta nói đều là quá khứ hoặc tương lai. Ngay cả khi chúng ta nói về “ bây giờ” cũng không có cái gì thật sự có ý nghĩa đó. Cái “ bây giờ” đã trôi qua. Chúng ta chỉ tao ra sự hỗn độn, điên đảo. Dù chúng ta ý thức hay không ý thức về sự thay đổi nhanh chóng của đời sống, nó cũng đang diễn ra. Nhưng chúng ta làm gì với đời sống này? Chúng ta làm việc này, việc kia – toàn là những chuyện đã trôi qua hay chưa đến. Ý nghĩ, tư tưởng mà chúng ta có đầy trong đầu không phải sự hiện hữu chân thật mà chúng ta đang đối mặt tại đây, ngay bây giờ. Chúng ta không nên lẫn lộn. Đây là điểm vô cùng quan trọng.
Tôi không coi thường ý nghĩ. Tôi chỉ muốn lưu ý rằng chúng ta không nên lẫn lộn đời sống của chúng ta với ý nghĩ của chúng ta về đời sống. Điều chúng ta nghĩ và điều thật sự xảy ra. Điều đó được Đức Phật đề cập như sự biến đổi không ngừng. Mỗi và mọi thứ đang biến đổi không ngừng. Đó là đời sống thật không được biết đến đó - Ở bên ngoài mọi sự đánh giá, bám víu, tháo gỡ – vận hành một cách hoàn hảo, một cách không ý thức. Đó là cái mà đời sống này là. Đó là cái biểu hiện của vô ngã. Khi không nhận ra nó, đau khổ đang chờ đợi chúng ta. Khi nhận ra nó, thì liền có Niết Bàn, bình an.
Nghe Pháp, suy nghĩ về Pháp, thực hành Pháp và chứng ngộ Pháp. Nhận chân được đời sống của chúng ta là sự bình an. Nhận chân đời sống như chính chúng ta là, như nó đang hiện giờ, không phải những điều chúng ta đang suy nghĩ và đoán định. Chúng ta không cần kỳ vọng điều gì; chúng ta không cần cố gắng làm việc gì. Lý do thật đơn giản: nó đã sẵn có tại đây như chính đời sống của chúng ta. Điều đó không quyến rũ hay sao? Thật tâm lắng nghe, suy nghĩ, thực hành, kiểm chứng. Làm tất cả, đó là tu tập. Tất cả, đó là điều chúng ta đang làm. Điều quan trọng là hãy bình an, tịch diệt. Đó là điều Đức Phật dạy. Khi bình an rồi, còn điều gì chúng ta phải làm?


TAIZAN MAEZUME ROSHI 
 THỊ GIỚI dịch

Nguồn: The Perfect Working Of No-Self, từ Shambhala Sun