1. Cuộc đời có chút thuận, chút nghịch, chút khổ, chút vui con mới thấy ra bản chất và vẻ đẹp muôn mặt của đời sống.
Câu hỏi: Thầy cho con hỏi: làm thế nào để một người luôn kèn cựa với mình và không ưa thích mình có thể hiểu, thông cảm cho mình và trở nên gần gũi với mình? Con cám ơn thầy.
Trả lời: Tại sao con lại muốn người kèn cựa với mình, không ưa thích mình có thể hiểu, thông cảm và gần gũi với mình? Con không thấy ở trong thế đối lập bạn ấy đang giúp con phát huy những đức tính nhẫn nại, khoan dung, cảm thông, tế nhị, hòa đồng và nhất là qua bạn ấy con biết rõ mình biết rõ người hơn sao? Như vậy vô tình người đó đang giúp con trưởng thành, con không thấy vui và cám ơn bạn ấy sao? Đâu phải ai thích mình, hiểu mình , thông cảm và gần gũi với mình mới tốt. Một tô canh có chút cay, chút mặn, chút chua, chút đắng mới ngon chứ nếu chỉ ngọt, bùi không thôi thì sao mà ngon được. Cuộc đời có chút thuận, chút nghịch, chút khổ, chút vui con mới thấy ra bản chất và vẻ đẹp muôn mặt của đời sống. Nếu con chỉ thích bốn mùa đều biến thành mùa xuân thì không phải là đơn điệu và tẻ nhạt lắm sao? Hãy chiêm nghiệm, lắng nghe, học hỏi những gì đến với con dù là thế nào đi nữa, rồi một ngày kia con sẽ thấy mọi thứ đều là quà tặng của cuộc đời giúp con khôn lớn thành người. Vậy con hãy là người yêu thích, hiểu biết, cảm thông và gần gũi bạn ấy trước con nhé.
2. Ý nghĩa của cuộc sống là khám phá học hỏi ra sự thật chứ không phải đạt được điều mình muốn.
Câu hỏi: Kính thưa thầy,
Con đã đọc nhiều tâm sự trên mục hỏi đáp Phật Pháp và cả những lời khuyên của thầy. Con đã nhiều lần muốn xin thầy cho con lời khuyên nhưng lại cứ ngần ngại... Hôm nay con thấy mình thực sự cần một lời khuyên của Thầy.
Năm nay con 22t, thời gian qua con đã yêu một người bằng tuổi, chúng con học cùng lớp trên giảng đường đại học. Con và bạn ấy đã yêu nhau được 2 năm, đã cùng trải qua rất nhiều sóng gió... Con thấy con và bạn ấy thực sự là 2 người tri kỉ theo đúng cái nghĩa của nó. Chúng con cùng nhau học tập, cùng nhau rèn luyện, cùng nhau trải nghiệm cuộc sống. Nhưng bạn ấy đôi khi rất trẻ con và rất nóng tính. Con thì sống nội tâm và thích sự nhẹ nhàng. Đã có thời gian chúng con bất hòa triền miên và trong lúc đó có một người hơn con 7 tuổi cũng dành tình cảm cho con. Thời gian đó con tâm sự với anh ấy nhiều và con cảm thấy mình bị cuốn đi. Con đã chia tay bạn ấy và yêu người kia. Nhưng càng yêu con càng nhận ra con và người ấy không hòa hợp cả về lối sống lần tâm hồn. Và con lại thấy trong sâu thẳm lòng mình là bạn ấy, con muốn được chăm sóc được từ, bi, hỷ, xả trong tình yêu của bạn ấy. Anh kia cũng rất yêu con, luôn dành cho con tất cả những gì anh ấy có thể làm vì con. Giờ đây con đang phải trải qua một mối tình tay ba. Những khi con buồn, gặp khó khăn con chỉ có thể chia sẻ với bạn ấy. Gia đình con thì lại không muốn con yêu bạn ấy và rất quý anh kia. Con thực sự biết mình nên làm gì vì tình yêu đích thực chỉ có một. Nhưng con không làm được... con thực sự mệt mỏi và hoang mang thầy ạ. Chuyện của con thật sự phức tạp và còn dài nhưng con hi vọng thầy có thể hiểu đuợc cho con. Tình yêu và hôn nhân là hạnh phúc của cả đời người. Con mong có được lời khuyên của thầy. Con xin cám ơn Thầy.
Trả lời:
Điều con hỏi quả thật thầy không thể giúp con được một giải pháp cụ thể nào, bởi vì tình yêu và cuộc sống không có một công thức nào nhất định, mọi quan niệm về nó từ người khác không bao giờ phù hợp với tình huống riêng mà con đang trải nghiệm. Tình yêu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhận thức, hoàn cảnh, duyên nghiệp, mục đích... và tính cách hay bản chất của mỗi người. Nếu thầy có khuyên thì chỉ khuyên con nên thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình trong mối quan hệ với cuộc sống, về mọi lãnh vực chứ không phải chỉ riêng tình yêu nam nữ mà thôi. Đây là bài học mà chủ yếu là giúp con biết nhìn lại và thấy ra chính mình để có thể tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, hơn là tìm cách giải quyết hiện tượng bên ngoài. Vấn đề xuất phát từ bản thân con chứ không phải từ bạn ấy hay người kia. Ý nghĩa của cuộc sống là khám phá học hỏi ra sự thật chứ không phải đạt được điều mình muốn. Chính vì con mong đạt được điều mình muốn nên mới không học ra những bài học quý giá về bản chất của tình yêu, hạnh phúc, khổ đau, nuối tiếc và trói buộc... mà chính con đang trải nghiệm bằng trái tim mình. Hãy tìm ra cho mình ý nghĩa của cuộc sống hơn là tìm một giải pháp an toàn cho những vấn đề, có phải thế không con?.
3. Làm sao có thể quên...người ấy
Câu hỏi: Kính bạch Thầy. Chắc Thầy còn nhớ con chứ. Thầy ơi, con cũng không biết mình phải làm sao bây giờ nữa. Con có nhiều sư huynh lắm. Nhưng có một người con thich gần gũi nhất, vắng người đó là con buồn ghê lắm. Lúc nào con cũng nhớ nghĩ tới người đó hết. Nó làm cho con khó chịu, mất thời gian, mà còn khổ nữa. Con muốn không suy nghĩ tới nữa nhưng không được. Bây giờ con phải làm sao hở thầy, con không muốn như vậy đâu. Thầy ơi giúp con quên người đó đi!
Trả lời: Con chỉ cần sống thận trọng chú tâm quan sát vào hiện tại thôi, nếu có nghĩ tưởng gì thì nó tự sinh tự diệt chứ con bận tâm làm gì. Vì con không thấy ra chính mình trong hiện tại nên mới tạo ra sự mâu thuẫn nội tâm. Khi con có tâm trạng gì, cảm xúc nào... con chỉ nên lắng nghe quan sát để cảm nhận được nó chứ không nên gia thêm lo sợ, buồn phiền hay bực bội về nó mà sinh thêm rắc rối. Chủ yếu là con thấy ra được chính mình chứ không nên trốn chạy sự thật.
4. Cứ sống cho thật tốt còn chuyện thị phi kia sẽ có luật nhân quả trả lời đích đáng.
Câu hỏi: Kính thưa Sư, Con có chánh báo tương đối tốt nhưng y báo không tốt. Con đã phải chứng kiến nhưng mưu mô, lừa đảo của những người trong gia đình bên chồng và bên gia đình con. Những chuyện nhơ bẩn, lường gạt như vậy cứ ám ảnh con nhưng con không chia sẻ được với ai vì những vị đó có thế đứng vững chắc, đóng kịch rất giỏi. Vì sợ con tiết lộ với người khác lại còn đi đến những người quen thông báo với họ là con bị thần kinh nên nếu có nghe chi thì đừng tin con. Thưa Sư con phải có thái độ như thế nào? Con kính tri ân Sư
Trả lời: Trong thời đức Phật có một vị thánh nữ Tu-đà-hoàn lấy chồng là một người thợ săn, điều này gây ra sự bàn tán xôn xao. Nghi vấn đặt ra là liệu vị thánh nữ này có bị cộng nghiệp với người thợ săn không. Đức Phật khẳng định là không. Giống như cái vá múc canh tuy ở trong nồi canh nhưng không bị ảnh hưởng mùi vị chua cay... gì cả. Cũng vậy, Ngài Huệ Năng sau khi ngộ phải trốn trong rừng với nhóm thợ săn, ăn chung ở chung với họ, nhưng hòa mà không đồng. Cuộc đời vốn là vậy, không ở nơi này thì nơi khác chúng ta luôn phải đối mặt với cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, cái được cái mất... đó là tính bất toàn của đời sống. Nhưng nhờ thấy ra tính bất toàn đó mà người trí mới giác ngộ giải thoát. Nhờ sống trong y báo đó mà con thấy ra những mưu mô ám muội, nhận diện được những bộ mặt giả dối... để con biết thế nào là thiện là ác, là chân là giả hầu tránh được những sai lâm cho mình và không để vẻ bên ngoài đánh lừa được nữa. Nếu con không có cách gì để chuyển hóa họ được, thì hãy để đó cho Pháp chuyền hóa họ. Trước tiên con chỉ lo sống đạo đức và thường sáng suốt định tĩnh để đừng bị ảnh hưởng bởi người xấu xung quanh, đồng thời không để cho tâm con buồn phiền, bực bội.
Ngày xưa, Khuất Nguyên làm việc trong triều đình, thấy bá quan văn võ phần lớn đều ghê gớm dữ dội hơn tình trạng con vừa mô tả nhiều, nên ông buồn chán than trách chốn quan trường, một người lái đò nghe vậy đã khuyên ông bằng hai câu thơ:
"Thương Lương chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lương chi thủy trược hề khả dĩ trạc ngã túc"
(Nước sông Thương Lương trong, ta giặt dải nón
Nước sông Thương Lương đục, ta dùng rửa chân)
Gặp chuyện bất bình người Pháp thường nói: "C'est la vie!". Khi thầy qua Ấn Độ thấy người dân Ấn gặp rắc rối gì họ đều nói: "No problem!", còn người Việt Nam chúng ta nói tỉnh queo: "Chuyện nhỏ!" hay "Bình thường thôi!". Hãy chọn cho mình một thái độ sao cho trước tiên là con vẫn bình tĩnh sáng suốt là được. Đạo Thiên Chúa có câu nói đáng chiêm nghiệm: "Con hãy lo việc của Chúa còn việc của con để Chúa lo". Câu này cũng có nghĩa là con cứ sống cho thật tốt còn chuyện thị phi kia sẽ có luật nhân quả trả lời đích đáng. Chúc con một nội tâm thật sáng suốt và an bình .
5. Phương pháp đoạn trừ sự luyến ái sắc dục
Câu hỏi: Con chào thầy. Thầy ơi, thầy có thể chỉ cho con những phương pháp đoạn trừ sự luyến ái sắc dục (sắc đẹp, giọng nói, hương vị, sự xúc chạm của người nữ) được không ạ? Con xin cảm ơn thầy.
Trả lời: Khi tâm con rỗng lặng trong sáng, không bị tư tưởng chi phối nữa thì thoát được sắc dục.
6. Cuộc đời có vô vàn vẻ đẹp, mà vẻ đẹp cao quý nhất chính là thấy ra sự thật
6. Cuộc đời có vô vàn vẻ đẹp, mà vẻ đẹp cao quý nhất chính là thấy ra sự thật
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con được một người bạn giới thiệu trang web này và người đó cũng nói là thầy sẽ có thể giúp con có những giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề con đang gặp phải. Con năm nay 30 tuổi đã lập gia đình được 2 năm và có một bé trai rất xinh xắn. Con thực sự chẳng mong muốn gì hơn thế nữa, con đã nghĩ ông trời đã qua ưu ái với con. Cho đến khi bé nhà con được 9 tháng thì con phát hiện chồng có một mối quan hệ ngoài luồng, con đã rất đau khổ nhưng cũng cố gắng tha thứ để mong chồng "quay đầu là bờ" để con trai có một gia đình hạnh phúc. Nhưng chồng con đã lạnh lùng nói với con rằng anh ta không còn tình cảm với con và không chấm dứt mối quan hệ kia. Cho dù như vậy con vần cố gắng để cho chồng một cơ hội để suy nghĩ và nhận ra giá trị của gia đình. Chúng con đã nói chuyện thẳng thắn để tìm ra vấn đề của hai vợ chồng là gì, nguyên nhân của rạn nứt là gi? Anh ta nói với con rằng anh ta cưới con chỉ vì tình thương, chúng con không phải một đôi hoàn hảo hay tranh cãi và không hiểu nhau, v.v... Con biết mọi thứ đã không thể cứu vãn và chúng con quyết định li hôn nhưng trong lòng con không cảm thấy thanh thản... Con không tin người chồng mà mình đã gắn bó lâu nay (chúng con đã yêu và sống với nhau 5 năm trước khi kết hôn), con đau khổ vô cùng, thưa Thầy! Mong thầy hãy cho con vài lời khuyên để con cảm thấy thanh thản.
Con xin cảm ơn Thầy.
Trả lời:
Mỗi người một hoàn cảnh rất riêng nên khó mà có một lời khuyên nào xác đáng cho con. Phân tích vấn đề thì quá phức tạp nhất là chỉ trên mục hỏi đáp này. Con hãy xem lại một số câu trả lời trước đây về những vấn đề tương tự. Vào đọc thêm thư thầy trò trong Thư Viện, nghe pháp thoại v.v... trong trang web này để thấy thêm nhiều nỗi khổ đau khác của cuộc sống. Nếu có khuyên thì thầy chỉ khuyên con thế này: "Luôn luôn trong cái rủi có cái may" vậy tại sao con không nghĩ đến hướng may mà chỉ nghĩ đến hướng rủi? Nếu con nhìn cuộc đời bi quan thì thấy cái gì cũng khổ và lạc quan thì cái gì cũng vui. Vậy nếu con nhìn mọi sự với thái độ tích cực thì cuộc đời vẫn là bài học rất tích cực để con thấy ra bản chất của mình và đời sống. Nếu không trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống thì làm sao con thông suốt được ý nghĩa chân thực của cuộc đời, và chẳng lẽ con mãi mãi chìm đắm trong những ảo tưởng của mình hay sao? Con vẫn chưa thấy cái con gọi là hạnh phúc với người chồng ấy là một ảo tưởng hay sao? Hãy chiêm nghiệm thật kỹ đi con, cuộc đời có vô vàn vẻ đẹp, mà vẻ đẹp cao quý nhất chính là thấy ra sự thật. Con chẳng đã thấy ra sự thật đó sao?
Con đã từng mang nặng đẻ đau vậy mà khi có đứa con ra đời con lại thấy mình thật hạnh phúc. Vậy qua cơn đau này sao con không nghĩ rằng con cũng sẽ có một niềm hạnh phúc vĩ đại hơn nhiều đó là thấy ra đâu thật sự là tình thuơng yêu và đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống?
Con xin cảm ơn Thầy.
Trả lời:
Mỗi người một hoàn cảnh rất riêng nên khó mà có một lời khuyên nào xác đáng cho con. Phân tích vấn đề thì quá phức tạp nhất là chỉ trên mục hỏi đáp này. Con hãy xem lại một số câu trả lời trước đây về những vấn đề tương tự. Vào đọc thêm thư thầy trò trong Thư Viện, nghe pháp thoại v.v... trong trang web này để thấy thêm nhiều nỗi khổ đau khác của cuộc sống. Nếu có khuyên thì thầy chỉ khuyên con thế này: "Luôn luôn trong cái rủi có cái may" vậy tại sao con không nghĩ đến hướng may mà chỉ nghĩ đến hướng rủi? Nếu con nhìn cuộc đời bi quan thì thấy cái gì cũng khổ và lạc quan thì cái gì cũng vui. Vậy nếu con nhìn mọi sự với thái độ tích cực thì cuộc đời vẫn là bài học rất tích cực để con thấy ra bản chất của mình và đời sống. Nếu không trải nghiệm những thăng trầm của cuộc sống thì làm sao con thông suốt được ý nghĩa chân thực của cuộc đời, và chẳng lẽ con mãi mãi chìm đắm trong những ảo tưởng của mình hay sao? Con vẫn chưa thấy cái con gọi là hạnh phúc với người chồng ấy là một ảo tưởng hay sao? Hãy chiêm nghiệm thật kỹ đi con, cuộc đời có vô vàn vẻ đẹp, mà vẻ đẹp cao quý nhất chính là thấy ra sự thật. Con chẳng đã thấy ra sự thật đó sao?
Con đã từng mang nặng đẻ đau vậy mà khi có đứa con ra đời con lại thấy mình thật hạnh phúc. Vậy qua cơn đau này sao con không nghĩ rằng con cũng sẽ có một niềm hạnh phúc vĩ đại hơn nhiều đó là thấy ra đâu thật sự là tình thuơng yêu và đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống?
7. Duyên nợ
Kính bạch Thầy! Con muốn hỏi thầy vợ chồng lấy nhau đúng là do duyên nợ phải không ạ? Những người không lấy ai có phải họ không duyên không nợ với ai? con hiểu như vậy có đúng không? Kính xin Thầy từ bi chia sẻ cho con.
Đáp:
Con đặt câu hỏi như vậy liệu có ích gì? Sao không tự mình thấy ra chính mình xem có vấn đề gì trong duyên nợ hay không, còn có duyên nợ hay không có duyên nợ thì đâu có thành vấn đề? Tất nhiên có duyên nợ mới có mối quan hệ, không có mối quan hệ tức không có duyên nợ, còn không lấy ai có thể là duyên nợ chưa đến chứ không hẳn là không có duyên nợ với ai. Trừ khi một người thấy rõ mối quan hệ là do vô minh dục vọng mà tự ràng buộc lấy mình nên quyết định từ bỏ duyên nợ để không tiếp tục làm khổ mình khổ người thì mới không còn duyên nợ mà thôi
8. Không nên theo bất kỳ tổ chức tôn giáo nào mà chỉ nên theo chân lý thôi
Câu hỏi: Thưa Thầy, con có thể cùng theo đạo Phật lẫn đạo Chúa được không? Con thấy mỗi đạo đều có những điểm có thể bổ sung cho nhau và giúp cho con sống tốt hơn. Con đều mến cả 2 đạo này. Không biết có ai cùng theo 2 tôn giáo một lúc hay không? Kính xin Thầy chỉ dạy cho con.
Trả lời: Con có tinh thần hoà hợp như vậy là tốt, nhưng tốt hơn nữa là con chỉ nên sẵn sàng cởi mở để học hỏi bất cứ điều gì đúng với lẽ thật từ bất cứ nguồn nào chứ không phải chỉ riêng Phật giáo và Thiên Chúa giáo, đồng thời con cũng không nên theo bất kỳ tổ chức tôn giáo nào mà chỉ nên theo chân lý thôi. Chân lý thì không thuộc về tổ chức nào cả, chân lý khác xa với tổ chức.
9. Học gì không quan trọng mà qua đó ... phát hiện hay thấy ra được gì mới là đáng kể
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy. Con đang học cao đẳng, nhưng nhiều khi con nghĩ không biết việc học này quan trọng hơn hay là ta nên dành nhiều thời gian đi chùa để học hỏi hơn. Các sư nếu học xong 12 thì có học các ngành nghề bên ngoài không hay là đi học giáo pháp ạ?
Kính mong thầy giảng giải, con xin lắng nghe.
Trả lời:
Có nhiều cách học khác nhau. Học chương trình của Bộ Giáo Dục, học những kỹ thuật chuyên môn, học Giáo lý Kinh điển, học bản chất sự thật nơi chính mình và đời sống v.v... Học là việc mà mỗi người phải thực hiện trong suốt đời mình và khi nào chưa đến chỗ "Vô Học" thì vẫn còn học mãi. Thực ra học gì không quan trọng mà qua đó con phát hiện hay thấy ra được gì mới là đáng kể. Ví dụ con học lái xe thì đương nhiên con biết lái xe nhưng điều đó không quan trọng mà qua việc học lái xe con học được lòng nhẫn nại, sự tinh tế, biết thận trọng chú tâm quan sát... mới là quan trọng, phải không con?
10. Hãy sống thật bình thường và trung thực với chính mình, buông mọi ý đồ xuống và sẵn sàng đối diện với sai xấu để thấy ra mặt thật của nó...
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, không biết con có phải bị bệnh tâm thần hay không? Đôi khi con cứ nghe tiếng nói ở trong đầu và con bị bắt buộc phải trả lời lại. Khi con đi sâu vào tư tưởng thì hay bị co giật đầu. Con cố gắng hành thiền mấy năm nay rồi, đôi khi cũng thấy bớt. Người nhà bảo con hành thiền bị tẩu hỏa nhập ma, có phải không Thầy? Nếu vậy thì con có tu theo pháp môn của Thầy được không? Cuộc đời con cũng đã bị nhiều thất bại, con biết là con có nhiều tánh xấu lắm nên con bị như thế là phải. Con muốn sửa đổi những tánh xấu của con lắm, nhưng mỗi khi đối diện với nó là con bị cuốn theo, sau đó thì hối hận, nhưng làm như vẫn thấy mình đúng. Con cứ bị như vậy hoài.
Xin Thầy giúp con với, con tạ ơn Thầy.
Trả lời:
Đó là bệnh do tư tưởng mà ra. Con không biết học hỏi từ sai xấu để thấy ra đúng tốt, mà cứ tìm biện pháp để loại trừ sai xấu để rồi chỉ tạo thêm dồn nén, căng thẳng, suy nhược mà thôi. Con đang ít nhiều bị suy nhược tinh thần rồi đó. Nên ngưng ngay những biện pháp ức chế mà con gọi là thiền, hãy sống thật bình thường và trung thực với chính mình, buông mọi ý đồ xuống và sẵn sàng đối diện với sai xấu để thấy ra mặt thật của nó, chứ không trốn tránh, buông xuôi hay tìm cách kháng cự. Mục đích của sai xấu chính là để con học ra thế nào là đúng tốt. Hãy thư giãn buông xả cho thân tâm thật thoải mái tự nhiên để thấy ra chính mình.
11. Nhận thức đúng, hành vi tốt chính là sống thuận pháp
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, con là người xuất gia ở nước ngoài nhưng tự thấy mình còn dở nhiều mặt. Con thọ sadi đã gần 10 năm, cũng học được 1 khóa trung cấp Phật học ở Việt Nam nhưng vì phước duyên kém nên không có khả năng diễn đạt hoặc nói pháp, thậm chí trong việc nấu ăn con cũng rất tệ. Con đã xuất gia với một vị bổn sư là Tăng bên Khất sĩ, rồi thời gian đưa đẩy và gặp nhiều nghịch cảnh nên con không có nhân duyên gặp một vị Ni để đỡ đầu trong việc thọ giới thêm lên như Thức-xoa-ma-na, hoặc Tỳ kheo ni, nên con quyết định làm Sadi mãi mãi, sống ở chùa làm công quả và niệm Phật đến mãn báo thân này. Con xin hỏi con làm như vậy có tội hoặc có xứng đáng làm một người xuất gia không? Con kính xin thầy giải thích cho con rõ để con thể yên tâm tu hành.
Trả lời:
Con là gì, thọ giới phẩm nào hay chỉ làm công quả, không thành vấn đề. Điều cốt yếu là con sống có đúng tốt không. Có nhận thức đúng, hành vi tốt chính là sống thuận pháp, dù con đang làm công quả; còn nếu con thọ giới Tỳ kheo ni mà nhận thức và hành vi không đúng tốt thì vẫn sống nghịch pháp mà thôi.
12. Làm sao biết mình gây nghiệp gì mà sinh làm gái hay con trai?
Câu hỏi:
Bạch Thầy! Làm sao biết mình gây nghiệp gì mà sinh làm gái hay con trai. Con thấy con gái sao nhiều dính mắc quá, con rất khao khát giá như mình là con trai. Con phải làm gì để kiếp sau mình sinh làm con trai mà vẫn có duyên với giáo pháp.
Con Xinh đảnh lễ Thầy!
Trả lời:
Trong con người có hai phần đó là phần "con" và phần "người". Con trai con gái cũng chỉ là phần "con" thôi chứ chưa phải phần người. Phần "người" giúp chúng ta làm tròn nhân phẩm của mình, phần "con" chỉ là bản năng của sự sống. Nếu thể hiện bản năng tốt thì "con" gì cũng tốt, nếu thể hiện bản năng xấu thì "con" gì cũng xấu. Sở dĩ có con trai con gái để là để con người thấy ra hai mặt của cuộc sống mà thôi. Đang là "con" gì thì cứ học cho hết bài học của mình rồi chắc chắn sẽ được học bài học khác thôi chứ vội vã làm gì cho mệt.
13. Thói quen nói dối
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con được hỏi một vấn đề. Con có nghe các vị giảng là không nên huân tập những thói quen xấu, nó sẽ trở thành bản năng. Như việc nói dối, dẫu không làm hại ai nhưng con thấy dường như con đã bị thói quen đó ảnh hưởng. Con xin Thầy chỉ lối để con không bị thói quen đó làm mất đi bản tính của mình, đồng thời không gây tạo những nghiệp thức - chủng tử không tốt.
Trả lời:
Đơn giản là con cần phát hiện kịp thời cái tâm ý muốn nói dối. Nếu mỗi lầm khởi tâm muốn nói dối mà con nhận ra ngay sự sinh khởi đó thì sẽ không còn rơi vào thói quen nói dối nữa.
14. Đã chấp nhận đi mổ thì phải giao phó cho Bác sĩ thôi chứ biết làm sao?
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Sắp tới, con phải giải phẫu tim. Kính xin Thầy dạy cho con phải quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp như thế nào, khi thân con bị đánh thuốc mê và không còn tỉnh táo để quán sát thân tâm trong giây phút thực tại đó?
Dù chưa mổ, tức còn là chuyện tương lai, nhưng con nên chuẩn bị thế nào? Hay cứ mặc nhiên chấp nhận giao phó mạng sống vào tay của Bác sĩ giải phẫu? Con kính đảnh lễ tri ân Thầy.
Trả lời:
Đã chấp nhận đi mổ thì phải giao phó cho Bác sĩ thôi chứ biết làm sao? Tất nhiên quan trong là ngay từ bây giờ hoặc lúc chưa thấm thuốc mê con có thái độ thế nào đối việc giải phẫu này. Nếu từ bây giờ và lúc chưa mê mà con vẫn chánh niệm tỉnh giác với thân thọ tâm pháp, không lo âu sợ hãi... thì lúc mê cũng chẳng sao. Và nếu sau khi mổ tỉnh dậy mà con vẫn chánh niệm thấy rõ thân thọ tâm pháp thì quá tuyệt vời rồi còn lo gì lúc mê?
15. Chuyện mai táng
Câu hỏi:
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Con ở Sydney, trước hết con xin đảnh lễ thầy và chúc sức khỏe thầy. Con rất tri ân và ngưỡng mộ thầy về sự chăm sóc tâm linh cho Phật tử chúng con qua mục Hỏi Đáp này. Con đã học hỏi rất nhiều. Phải nói rằng Phật pháp thật là vi diệu và bao la, nhưng nếu không có một vị thầy trí tuệ uyên bác, hết lòng trải rộng tâm từ thì Phật tử chúng con khó mà thấm nhuần. Con có 2 câu hỏi, mong thầy giúp cho con.
1. Đứa con thân yêu của con mất đã được 2 năm. Tro cốt của cháu con đã gởi ở chùa. Trong tương lai con định đem tro cốt rải ở biển. Làm như thế có tốt không thưa thầy? Và nếu thực hiện thì có phải nhờ sư tụng kinh cho cháu không?
2. Kể từ lúc lo đám tang cho cháu đến nay, con vì nghe theo lời khuyên của bạn bè và gia đình nên không dám khóc lóc nhiều vì sợ cháu sẽ quyến luyến mà không siêu thoát được. Nhưng càng cố nín khóc thì con càng nhớ cháu và xúc động nhiều hơn... Con phải làm sao hả thầy?
Con xin cám ơn thầy.
Trả lời:
1) Rải tro cốt ở biển là rất tốt. Người đã qua đời chủ yếu là tâm thức tục sinh ở cõi khác nên xác thân chỉ trở về cát bụi không còn giá trị gì đối với người ấy nữa, vì vậy thiêu và rải tro cốt ở đâu cũng chẳng sao cả.
2) Đúng là không nên than khóc làm người đã mất lưu luyến mà khó siêu thăng, nên nếu không khóc thương sầu muộn là tốt. Nhưng không khóc mà tâm lại bi ai sầu muộn thì người âm vẫn cảm nhận được mà bịn rịn khó rời, vậy nếu khóc để vơi bớt nỗi buồn thì cũng nên khóc. Quan trọng là làm phước và thành tâm hồi hướng phước báu cho cháu để cháu có đủ sức mạnh siêu thoát âm cảnh là được.
Con ở Sydney, trước hết con xin đảnh lễ thầy và chúc sức khỏe thầy. Con rất tri ân và ngưỡng mộ thầy về sự chăm sóc tâm linh cho Phật tử chúng con qua mục Hỏi Đáp này. Con đã học hỏi rất nhiều. Phải nói rằng Phật pháp thật là vi diệu và bao la, nhưng nếu không có một vị thầy trí tuệ uyên bác, hết lòng trải rộng tâm từ thì Phật tử chúng con khó mà thấm nhuần. Con có 2 câu hỏi, mong thầy giúp cho con.
1. Đứa con thân yêu của con mất đã được 2 năm. Tro cốt của cháu con đã gởi ở chùa. Trong tương lai con định đem tro cốt rải ở biển. Làm như thế có tốt không thưa thầy? Và nếu thực hiện thì có phải nhờ sư tụng kinh cho cháu không?
2. Kể từ lúc lo đám tang cho cháu đến nay, con vì nghe theo lời khuyên của bạn bè và gia đình nên không dám khóc lóc nhiều vì sợ cháu sẽ quyến luyến mà không siêu thoát được. Nhưng càng cố nín khóc thì con càng nhớ cháu và xúc động nhiều hơn... Con phải làm sao hả thầy?
Con xin cám ơn thầy.
Trả lời:
1) Rải tro cốt ở biển là rất tốt. Người đã qua đời chủ yếu là tâm thức tục sinh ở cõi khác nên xác thân chỉ trở về cát bụi không còn giá trị gì đối với người ấy nữa, vì vậy thiêu và rải tro cốt ở đâu cũng chẳng sao cả.
2) Đúng là không nên than khóc làm người đã mất lưu luyến mà khó siêu thăng, nên nếu không khóc thương sầu muộn là tốt. Nhưng không khóc mà tâm lại bi ai sầu muộn thì người âm vẫn cảm nhận được mà bịn rịn khó rời, vậy nếu khóc để vơi bớt nỗi buồn thì cũng nên khóc. Quan trọng là làm phước và thành tâm hồi hướng phước báu cho cháu để cháu có đủ sức mạnh siêu thoát âm cảnh là được.
16. Cầu an - cầu siêu
Con xin đảnh lễ Sư. Bạch Sư, con có câu hỏi này con còn thắc mắc.
Trong đạo Phật Nguyên thủy có cầu an/cầu siêu không? Sao con thấy các chùa Bắc Tông thường có cầu an cho người hiện tiền, cầu siêu cho người đã khuất, như vậy có trái với nhân quả không, có đúng chánh pháp không? Vì khi sống làm gì thì quả sẽ đến, sao có thể cầu Phật gia hộ cho qua khỏi cái quả của những việc họ đã làm?
Con nghĩ việc cầu an/siêu không quan trọng, việc mình cần làm là làm nhiều việc công đức, cúng dường chư Tăng, những người đáng được nhận lãnh sự cúng dường để hồi hướng cho người mình cầu an hoặc siêu để tăng phước cho họ.
Suy luận của con như vậy có đúng không, mong Sư chỉnh sửa và giảng cho con hiểu về vấn đề này.
Namo Buddhaya, Dharmaya, Sanghaya.
Trả lời:
Con nghĩ đúng. Chỉ có thể dùng tâm lực và phước lực để hồi hướng cho thân nhân còn sống hay đã khuất hầu trợ duyên cho họ hoan hỷ với phước lành ấy mà được an hay được siêu, nên tưởng đó là cầu an cầu siêu thôi.
17. Thiền Phật giáo có mục đích khai tâm mở tuệ.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Có bệnh thì phải chữa và bây giờ người ta chữa bệnh bằng thiền dưỡng sinh hay tâm năng gì đó con thấy hiệu quả (con chứng kiến người thật việc thật). Nhưng ngày nào cũng phải ngồi thiền, nếu không thì mất năng lượng vì luân xa bị bịt mất. Nhưng suy cho cùng đau đớn cũng chỉ là cảm thọ, không ghét bỏ nó hay vui thích,... và việc cứ phải làm cái này cái kia... con thấy mệt mỏi. Con thấy bệnh hay đau gì đó, nó đến rồi nó đi, không biết con nghĩ thế có nên không ạ? Xin Thầy khai thị cho con chỗ này. Con kính xin cảm ơn Thầy!
Trả lời:
Có lẽ trung dung thì tốt hơn, nghĩa là có bệnh nếu thuận duyên, nếu điều kiện hợp tình hợp lý thì cũng nên chữa, nhưng nếu lo lắng lăng xăng, nôn nóng chạy chữa một cách chủ quan thì có khi bệnh nhỏ hoá to. Nói tóm lại, chữa hay không chữa đều phải tuỳ duyên thuận pháp chứ không nên chủ trương gì nhất định cả. Việc chữa bệnh bằng thiền cũng vậy, nếu tâm thường rỗng lặng trong sáng mà ít bệnh hoặc bệnh mau khỏi thì đương nhiên là tốt rồi, nhưng nếu cố gắng ngồi thiền để chữa bệnh thì lại hoàn toàn khác, bởi vì đó là khí công hay yoga với mục đích chữa bệnh thân chứ không phải là thiền Phật giáo có mục đích khai tâm mở tuệ.
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông