Hỏi Đáp: Thế Giới Huyền Bí (THẦY VIÊN MINH)




1. CẦU HỒN

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Ba của bạn con sau khi qua đời thì gia đình nhờ người gọi hồn về. "Hồn" về nói được lên cõi Tịnh độ, nói vanh vách mọi chuyện trong nhà nên gia đình bạn con rất tin. Con thì không tin và nghĩ vì người lên đồng dựa vào tha lực nên mới biết chuyện nhà bạn con và họ thêm thắt vào để lừa gạt. Và có trường hợp nào một người bất đắc kỳ tử nhưng vẫn nghĩ mình còn sống không thưa Thầy? Những trường hợp này thì họ đang tái sanh ở cõi nào ạ?
Con biết đây là những câu hỏi không thiết thực lắm cho việc tu tập, con hỏi nhiều người nhưng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cả. Kính xin Thầy từ bi giải thích dùm con. Con tri ân Thầy. '
Trả lời:
Người chết rồi mà có thể gọi về nhập đồng được thì chắc chắn chưa lên cõi "Tịnh Độ" rồi, cao lắm là họ ở cõithường được gọi một cách lịch sự là "địa tiên" hoặc "quỷ thần". Chư Thiên ở những cõi Trời Dục Giới thấp nhấtcũng chẳng ai chịu để cho loài người gọi xuống nhập đồng cả. Các địa tiên hay quỷ thần này có thể biết được mọi chuyện của cõi người nên họ nói đúng chuyện gia đình bạn con là việc rất bình thường nhưng lại làm cho nhiều người tin tưởng kính thờ. Vì vậy mới có tín ngưõng nhân gian.

2. K
hông thể nói dối với người chết.

Câu hỏi: Thưa Thầy, con thấy người ta thường bắt máy tụng kinh cho người chết nghe. Vậy người chết rồi có nghe được không? Con xin Thầy giải thích giùm. Con cảm ơn Thầy

Trả lời: Người chết không nghe theo kiểu của người sống nhưng nghe qua cảm nhận, cảm ứng hay linh cảm. Ví dụ họ hiểu ý con nhưng không biết con nói gì, do đó con không thể nói dối với người chết được.

3. TÁI SANH

A. Câu hỏi: Thưa Thầy, nếu trước khi chết tâm vẫn giữ được chánh niệm tỉnh giác thì kiếp sau tái sinh cõi nào? Con cám ơn Thầy!

Trả lời: Nếu con phân vân không biết mình sẽ tái sinh cõi nào thì làm sao mà chánh niệm tỉnh giác được, còn nếu con thật sự chánh niệm tỉnh giác thì đâu cần phải quan tâm sau khi chết sinh về đâu!

B. Câu hỏi:

Thưa thầy! Con có đọc ở 1 số trang web về tái sanh và luân hồi có đoạn viết như sau: "TÁI SINH: Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thần thức của người ấy thấy cha mẹ tương lai của mình đang nằm với nhau. Nếu người ấy tái sinh thành người nam thì phát khởi tâm muốn chiếm hữu người mẹ mà rất ghét người cha. Nếu tái sinh trở thành người nữ thì ngược lại. Nhưng vì không thể thực hiện được ý muốn của mình, do đó họ nổi giận, chính cơn giận này đã làm chấm dứt thân trung ấm của họ và thần thức của họ được chuyển qua đời sống kế tiếp, bằng cách nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy, họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người." Con không biết cách lập luận như vậy đúng hay sai, con cảm thấy không đúng nhưng hiểu biết của con hạn hẹp nên không biết chính xác là thế nào mong thầy giải thích cho con hiểu. Con xin cám ơn thầy. 
Trả lời:
Sự tái sinh là có thật, nhưng có nhiều giải thích lại không đúng vì chỉ dựa trên suy luận hơn là thực tế. Nói chung điều gì không kliểm chứng được thì đừng vội tin, và cũng không nên tìm hiểu sâu về vấn đề này. Học Phật chủ yếu là đi vào cốt lõi của sự tu tập. Biết nhận thức đúng về bản chất chính mình và cuộc sống để sống đúng quy luật của pháp gọi là minh. Có minh thì không có luân hồi sinh tử. Không thấy biết đúng bản chất thực tại gọi là vô minh. Vô mính sinh ái dục, ái dục sinh nghiệp tạo tác, Tạo nghiệp nên mới có sinh, có tử, có tái sinh và có phiền não khổ đau. Đó là nghĩa đích thực của sự tái sinh.

3. HỘ NIỆM CHO NGƯỜI SẮP CHẾT



Câu hỏi: Kính bạch thầy, hộ niệm và cầu vãng sanh cho người sắp chết đang được tán dương, nhất là Việt kiều, có người khuyên con nên tìm hiểu và tham gia hộ niệm cứu người sắp chết khỏi đọa vào ngạ quỷ, họ nói có bác sỹ kiểm tra nếu khi chết đầu còn ấm là được về cực lạc, nếu thân ấm là được trở lại làm người... Xin thầy chỉ dạy, con cúi đầu đảnh lễ. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trả lời:

Hộ niệm có mục đích giúp người hấp hối bớt lo sợ, thương tiếc, ân hận v.v... cho tâm được bình an và vững tin trước giờ lâm chung. Có nhiều người nuối tiếc gì đó không đi được, sau khi tụng kinh liền đi rất thoải mái. Nói chung hộ niệm là tốt. Tuy nhiên có hai trường hợp không tốt, đó là người hấp hối không thích hộ niệm hoặc không cần hộ niệm. Không thích hộ niệm vì bình sinh người đó ghét tụng kinh, phản đối người nhà tụng kinh, Trong trường hợp đó nếu hộ niệm họ sẽ nổi sân thì phản tác dụng. Trường hợp không cần hộ niệm như người bình sinh thích yên tĩnh trong tâm thiền, lúc hấp hối họ cần yên lặng để tâm được định tĩnh nhất tâm, nếu hộ niệm có thể làm tâm họ đối kháng với âm thanh chuông mõ kinh kệ không định tĩnh được, như vậy hộ niệm sẽ phản tác dụng. Tóm lại, trong việc hộ niệm không nên quá chủ quan theo ý mình mà cần để ý đến nguyện vọng của người hấp hối.

4. THA LỰC 

A. Câu hỏi:
Thưa thầy, con vô tình đọc được trên trang web của thầy, con muốn hỏi xin ý kiến của thầy, cụ thể là, lâu lâu con ngủ thì có thấy những người mà con không rõ là ai, con đã nói chuyện với họ trong giấc mơ, chơi với họ, nhưng khi thức dậy thì con không nhớ rõ mặt, chỉ nhớ được nội dung câu chuyện. Bạn con cũng nhẹ vía giống như con, đêm nào ngủ cũng bị bóng đè. Tụi con rất hoang mang. Kính mong thầy cho con ý kiến. Chúng con xin cám ơn thầy. 
Trả lời:
Thầy xin lỗi vì có Phật sự phải đi Huế nên mấy bữa nay thầy không vào mạng được để trả lời câu hỏi của con sớm. Trước hết con nên bình tĩnh, đừng lo sợ. Trước khi ngủ con nên nằm thư giãn rồi niệm Phật thầm cho đến khi đi vào giấc ngủ, như vậy giúp con tự tin và vững tâm hơn. Con có thể niệm như sau: "ARAHAM SAMMÀ SANBUDDHO" (đọc là Á-rá-hăng xám-ma xam-bút-đờ-hô). Đó là hai Ân Đức trong 9 Ân Đức Phật, có nghĩa là đức tính hoàn toàn thanh tịnh trong sáng của chư Phật. Nếu có dịp đến chùa thầy tặng con một tượng Phật để đeo sẽ không còn hiện tượng đó nữa.


B. Câu hỏi: Thưa thầy, Con có băn khoăn về câu hỏi của một bạn trong mục này về việc nhẹ vía và buổi đêm đi ngủ thường có cảm giác như đang nói chuyện với ai và ngủ xong thấy mệt mỏi. Thưa sư, theo như con biết thì hình như ở một vài trường phái tâm linh khác cũng có khi chủ động làm việc này như "xuất vía đi học hỏi trao đổi từ nơi này nơi kia hoặc làm một số việc này khác". Như vậy thì ở một góc độ khác việc này cũng không phải là vấn đề gì lắm, nếu mình thực sự có thể hiểu và chủ động trong việc này. Lại nữa, thầy có nói nên niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO là hai trong 9 ân đức của đức Phật, là đức tính hoàn toàn thanh tịnh trong sáng của chư Phật. Con cũng không hiểu về niệm Phật lắm nhưng con nghĩ chắc niệm Phật hay niệm một điều gì khác cũng mang lại định tâm thôi. Và có đoạn này con cũng hơi thắc mắc: "Nếu có dịp đến chùa thầy tặng con một tượng Phật để đeo sẽ không còn hiện tượng đó nữa", con cũng băn khoăn không biết tượng Phật có tác dụng nhiều không ạ vì con thấy bên Phật giáo Nguyên thủy ít nói tới vấn đề tha lực. Những điều trên theo con hiểu là vậy, không biết con có bị thiếu đức tin vào những điều thiêng liêng không? Con mong thầy chỉ bảo những sai thiếu cho con. Con xin cảm ơn thầy.

Trả lời:
1) Trạng thái "nhẹ vía" trong giấc ngủ đó có thể do bị xáo trộn tâm lý đưa đến thần kinh căng thẳng hay suy nhược, cũng có thể do "điển" bên ngoài quấy nhiễu. Trường hợp thật sự thông hiểu và chủ động được thì không sao, nhưng nếu thích xuất vía để thỏa mãn cái ta thì cũng có ngày gặp "ma", nếu không thì dần dần cũng rơi vào tình trạng ... suy nhược!
2) Nếu tâm trí luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì tất nhiên là không cần niệm Phật hay niệm bất cứ điều gì khác. Đeo tượng Phật cũng vậy. Đó chỉ là tùy bệnh mà cho thuốc, không bệnh thì cũng không cần dùng thuốc. Tha lực hay tự lực đều có chỗ sai chỗ đúng, tùy thuộc vào mức độ nhận thức của mỗi người. Nếu xem tự lực là bản ngã thì chẳng thà tin tha lực mà vô ngã còn hơn. Ngược lại, hoàn toàn nô lệ vào tha lực thì biết khi nào mới tự tri tự giác. Một người sống vô ngã thuận pháp thì tha lực và tự lực không hai, vì tha lực hay tự lực cũng đều là pháp cả.
Nếu hiểu tha lực là lực bên ngoài thì mỗi pháp tồn tại đều có tự và tha. Mỗi ngày chúng ta sống đều nhờ vào vô số nguồn lực bên ngoài làm sao mà hoàn toàn tự lực được. Sống là sự tương giao vận hành giữa trong và ngoài, do đó phải biết rõ sự tương giao đó hơn là phân biệt trong với ngoài, tự với tha. Nếu hiểu tha lực là lực siêu nhiên, như Ân Đức của Tam Bảo, oai lực của Chư Thiên v.v. thì vẫn có. Do đó, với những người chưa đủ chánh niệm tỉnh giác, thường thiên về đức tin, thì một số pháp môn như niệm Phật hay đeo tượng Phật là pháp hỗ trợ để tâm họ dễ an ổn hơn. Đó là mượn tha lực để phục hồi tự lực. Trong rất nhiều trường hợp đức Phật không dùng tới tự lực mà tha lực làm giúp Ngài. Ví dụ như khi đức Phật bị xúc phạm thì vi Hộ Pháp hiện ra làm cho người kia sợ hãi không dám xúc phạm Ngài nữa.


5. LUÂN HỒI SANH TỬ

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, Con xin có 2 câu hỏi: 1. Thầy dạy rằng: "Ngay tại đây và bây giờ nếu tâm khởi lên mà có tham sân si thì tại đây là luân hồi sinh tử". Thưa Thầy con chưa hiểu "luân hồi sinh tử" trong trường hợp này nghĩa là thế nào. Có phải là lúc này sát-na Tâm sinh và diệt hay đây là Nhân của Luân hồi sinh tử sau này khi thân hoại mạng chung? 2. Những người hành Thiền Vippasana sau khi chết đi và nếu được tái sinh làm người thì kiếp sau có được cơ hội tiếp tục Thiền Vippasana không? Con xin cám ơn Thầy. 
Trả lời:
1) Luân hồi sinh tử có hai nghĩa: Một là sự tái sinh từ kiếp này qua kiếp khác theo định luật nhân quả của nghiệp. Hai là sự sinh diệt của những tiến trình tâm-sinh-vật lý kế tục không dứt trong sự tương giao căn - cảnh - thức diễn ra trong đời sống hàng ngày đối với những người chưa giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Tiến trình này trong một giây có thể diễn đi diễn lại hàng triệu lần nên gọi là luân hồi sinh tử. Nếu đó là tiến trình tạo nghiệp thì đúng là nhân tái sinh trong những kiếp sau.
2) Một người hành đúng thiền Vipassanà thì nếu chưa hoàn toàn thoát ly sinh tử, trong kiếp sau họ đương nhiên sẽ có cơ hội hành thiền Vipassanà trở lại. Nhưng nếu hành không đúng thì kiếp sau họ sẽ hành một pháp thiền mà nội dung giống như họ đã hành sai trong kiếp này. Ví dụ, mặc dù họ nói là hành thiền tuệ, nhưng thực chất lại đang hành thiền định thì kiếp sau họ sẽ có duyên với một pháp thiền định nào đó tương ứng với trình độ tâm của họ, vì trong kiếp sau những gì còn lại chính là trình độ tâm mà họ tạo được trong kiếp này cộng với những kiếp quá khứ của họ.



6. THUYẾT LUÂN HỒI

Câu hỏi: Thưa sư, có phải người giàu, kẻ nghèo, người đẹp, kẻ xấu... tất cả đều do nghiệp? Con người sinh ra sống chết đều có số phải không sư? Còn thuyết luân hồi là thế nào ạ? Và có phải trong tương lai, đức Phật Di-lặc sẽ hạ thế ở cõi Ta-bà? Con cám ơn sư.
Trả lời:
Ngoài nghiệp còn có những định luật khác ảnh hưởng đến đời sống con người, nhưng nghiệp là phần mà con người chủ động tạo ra. Ví dụ như ảnh hưởng của mặt trăng, mặt trời, thời tiết, nhân quả v.v... là hiện tượng chung cho mọi người theo nguyên lý tự nhiên trong vũ trụ vạn vật, nhưng thái độ phản ứng hay xử lý đối với những hiện tượng đó thì mỗi người mỗi khác theo tư kiến tư dục của họ. Thái độ hành xử khác biệt này chính là nghiệp, và người ấy phải gặt lấy hậu quả của nó. Cái gọi là số mệnh chính là toàn bộ nội dung mà nghiệp của mỗi người tạo ra cho mình và cuộc sống. Do đó gọi là nghiệp mệnh đúng hơn là số mệnh đã được an bài. Và luân hồi chính là dòng nhân quả nghiệp báo triền miên mà mỗi người gieo và gặt, trả và vay luân lưu bất tận.
Đức Phật Thích Ca tiên đoán vị Phật tương lai của trái đất có tên gọi là Phật Metteyya (Di-lặc).

7. LUẬT NHÂN QUẢ

Câu hỏi: Kính thưa Sư, câu hỏi của con rất sơ cơ. Các sư hay dạy tụi con về nghiệp, quả báu, nhưng làm sao kiếp này mình bố thí, kiếp sau mình giàu sang, phú quý; hay dâng hoa, vô sân thì đươc xinh đẹp... Con thắc mắc vì con mong muốn có một dẫn chứng cụ thể như một phương trình hóa học chẳng hạn. Con kính tri ân Sư.

Trả lời:
Đó là luật nhân quả rất tự nhiên. Điều này con có thể chiêm nghiệm trong đời sống hàng ngày nơi bản thân hay nơi những người xung quanh là có thể thấy được. Không cần kiếp sau đâu, kiếp hiện tại cũng chứng minh được điều đó. Ví dụ, khi con sẵn lòng trao tặng, chia sẻ với người khác là con đã giàu rồi. Giàu không phải là có tiền của nhiều, vì lắm người tiền của dư dật mà vẫn vơ vét thêm, không dám chia sẻ cho ai, như vậy là quá nghèo phải không? Và khi nào tâm con sân cứ soi gương mà coi, lúc đó mặt con rất xấu. Một người tối ngày sân thì mặt mày nhăn nhó làm sao mà đẹp được. Ngược lại một người tâm không sân, luôn dịu dàng, hiền thiện, mát mẻ thì mặt mày tươi tắn như hoa sao mà không đẹp được!
Ý nghĩa rất thú vị của cuộc sống là khám phá ra chân lý ẩn tàng trong đó. Nếu con không chịu chiêm nghiệm học hỏi để khám phá sự thật mà nhờ người khác chứng minh thì giác ngộ đâu còn thú vị gì nữa! Hãy quan sát, chiêm nghiệm rồi sự thật sẽ là câu trả lời phong phú và chính xác nhất cho con. Đừng học đạo bằng lý trí thu nhặt những thông tin bên ngoài. Đạo chính là chân lý trong đời sống. Chiêm nghiệm đời sống là bí qyuyết thấy ra sự thật đó con. Chúc con thật hạnh phúc khi khám phá ra những sự thật này.

8. HẠNH BỐ THÍ

Câu hỏi: Bạch thầy, con biết định luật nhân quả chi phối cả vũ trụ và nhân sinh. Làm phước thì được phước. Những người làm ăn thành công ở đời thì thế gian cho là họ có số hên, trong Đạo thì giải thích đó là do phước hay quả của quá khứ, người ấy đã làm các việc thiện như bố thí, giúp đỡ người nghèo khó... Con rất muốn thực hiện hạnh bố thí, nhưng nếu không có điều kiện thì làm sao tích lũy phước cho đời sau? Mong thầy từ bi chỉ dạy. Con cám ơn thầy.
Trả lời:
Giàu không có nghĩa là nhiều tiền của mà là giàu lòng vị tha sẵn sàng chia sẻ cho người khác tùy theo sức mình. Bố thí cúng dường cũng không tính bằng số lượng tiền của cho ra mà là thái độ cho ra. Ở Thái Lan người ta thử điều tra thì thấy đa phần những người nghèo thường bố thí cúng dường nhiều hơn so với người giàu. Một nhóm sinh viên Việt Nam tại Mỹ, tổ chức thành một hội chuyên cấp học bổng cho học sinh nghèo ờ Việt Nam, không phải vì họ giàu mà chính họ cũng phải làm thuê để kiếm tiền đi học.
Muốn giúp đỡ người nghèo khổ là tốt, nhưng cũng phải tùy duyên, tùy khả năng. Không nên nghĩ những điều quá sức mình, vì nghĩ như vậy chỉ làm mình tự ti hoặc phát sinh tham vọng không thực tế. Nên thể hiện lòng vị tha trong khả năng mình có thể. Nếu không có khả năng bố thí thì phục vụ cũng là một hính thức bố thí vị tha.

9. Chứng bệnh cứ nghe trong đầu có ai đó nói chuyện hoài 

Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Con có đứa cháu mới 16 tuổi bị một chứng bệnh cứ nghe trong đầu có ai đó nói chuyện hoài và cháu có hành vi muốn đập phá một cái gì đó, ngoài ra thì tính tình và nói năng vẫn bình thường. Có đi khám bệnh 1 thời gian, nhưng sao vẫn không khỏi, con sợ rằng cháu nó sẽ chuyển sang bệnh thần kinh. Có cách nào đánh thức tâm thức của cháu để hết tình trạng này, con có nói là hãy chấp nhận căn bệnh và đừng chống đối nó, thì tự nhiên nó sẽ dần dần sẽ quen và cảm thấy không khó chịu nữa. Nhưng không biết con nói như vậy có đúng không?
Con kính mong được sự chỉ bảo thêm cho con, con xin tri ân Thầy và chúc Thầy có nhiều sức khỏe. 
Trả lời:
Cháu có thể đã bị suy nhược thần kinh. Có ba nguyên nhân: 1) Bị tổn thương về thể chất, như bị tai nạn hoặc cố gắng quá sức, ví dụ học quá căng, chơi game quá độ v.v… 2) Bị khủng hoảng tâm lý, như bị một áp lực nào đó, ví dụ thất tình, thất chí, oan ức v.v… 3) Bị ảnh hưởng của ngoại lực, như một trường năng lượng nào đó, ví dụ bị thôi miên, bị bùa ngải, bị tà nhập v.v… Nên đưa cháu đi khám ở khoa thần kinh để dùng thuốc thích ứng, đồng thời giải toả tâm lý cho cháu (nếu bị áp lực tâm lý) hoặc giải toả các ngoại lực bằng tâm từ và phước đức. 


10. TỬ VI

Câu hỏi: Thưa thầy, con và bạn con có tình cảm với nhau. Tuổi của con là Canh Ngọ (nam), tuổi bạn con là Nhâm thân (nữ). Theo Tử Vi thì đây là hai tuổi đại kị và sẽ không tốt cho hai đứa sau này nếu cả hai tiến tới chuyện tình duyên và thậm chí cả đường làm ăn... Tuy nhiên, Tử Vi có mô tả đúng Pháp không ạ? Con thấy cuốn sách Tử Vi đó nói về ba mẹ con rất đúng nhưng điều đó chưa đủ để con có thể tin hoàn toàn vì nó mới chỉ là một trường hợp nhỏ. Chuyện tìm hiểu về tuổi tác có hợp hay không trong cuộc sống rất nhiều. Điều đó có lẽ cũng phù hợp bởi họ cũng mong những điều tốt đẹp sẽ tới cho mình và mọi người. Có điều, con nghĩ chuyện coi tuổi phù hợp hay không chỉ thực sự tốt khi Tử Vi mô tả đúng Pháp và không có sự chọn lựa của cái bản ngã. Ngoài việc coi tử vi về đường tình duyên, người mình còn coi về nhiều thứ khác nữa như là làm ăn, chọn ngày xây nhà... Nếu Tử Vi không phản ánh đúng Pháp thì nó chỉ là trò chơi của cái bản ngã phải không thầy? Và điều đó có gọi là mê tín không ạ?
Trả lời:
Tử Vi là một bộ môn ứng dụng Dịch lý trên năm tháng ngày giờ sinh để tiên đoán vận mệnh của mỗi người. Tử Vi có 2 phần: Phần tĩnh là quả của nhân tạo tác quá khứ được biểu hiện trong một vận mệnh, và phần động là nhân mới được tạo ra từ phản ứng đối với vận mệnh đó. Tử vi chỉ nói đúng phần tĩnh, còn phần động chỉ suy đoán thôi vì không ai lường trước được một người sẽ phản ứng thế nào trước vận mệnh của mình. Hơn nữa tử vi có thể đúng nhưng khả năng của người tiên đoán có giới hạn nên độ tin cậy không cao. Và một khi "đức năng thắng số" thì tử vi còn tùy vào thái độ sống của mỗi người như thế nào. Ví dụ, một người có phần tĩnh của vận mệnh xấu nhưng người đó lại sống tích cực, lương thiện nên phần động lại tốt. Vấn đề không phải là có số tử vi tốt hay xấu mà là có học được từ vận mệnh của mình bài học nhận thức và ứng xử đúng tốt hay không.
Tuổi sinh khắc nhau cũng đúng, nhưng nếu có duyên phận với nhau thì sinh hay khắc cũng là duyên phận, làm sao tránh khỏi! Nhưng người có đức có trí thì dù sinh hay khắc cũng giúp họ trải nghiệm cuộc sống một cách phong phú và bản lãnh hơn. Nếu ai cũng chỉ muốn chọn cái tốt cho mình thì càng tự làm khó mình đó. Hãy đón nhận cuộc sống như nó là dù sinh hay khắc. Quan trọng là có biết học ra từ đó bài học bản chất thật của cuộc sống hay không.

11. ĐỊA NGỤC 

A. Câu hỏi:
Thưa thầy! Con có nghe 1 số băng đĩa của các thầy giảng rằng trong 6 cõi luân hồi không có cõi địa ngục, chỉ có cảnh giới địa ngục; hoặc có thầy nói địa ngục được nói đến để cảnh giới loài người không được làm việc xấu sống lương thiện hơn. Như vậy là có địa ngục không ạ? Con có 1 người thân và theo con biết thì người này rất xấu. Người nam này đã có vợ có con còn dụ dỗ hoặc cưỡng bức những cô gái dưới quê vì cuộc sống phải lên làm người giúp việc nhà, như vậy là đã phạm tội. Tuy nhiên, luật pháp không trừng trị được vì không có cô gái nào đủ can đảm để thưa kiện, vậy con chỉ còn tin vào nhân quả. Vậy mà càng ngày người này càng giàu có và ông ta vẫn tìm vui bằng nỗi đau của các cô gái trẻ người non dạ. Nếu không có địa ngục thì một người ác như ông ấy sẻ phải trả quả gì cho hành động độc ác của họ? Con mong được thầy ban pháp cho con được rõ. 
Trả lời:
Địa ngục Phật gọi là Niraya, một trong bốn đường ác tức là bốn cảnh giới khổ gọi là Duggati. Tất nhiên, địa ngục có nghĩa là cõi chỉ có khổ không có lạc, chứ không phải là một ngục tù ở dưới lòng đất như người ta tưởng tượng. Người làm ác mà gặp quả báo hiện tiền là may phước cho họ vì nhờ vậy mà họ thức tỉnh được. Còn người làm ác mà chưa gặt quả báo nhãn tiền là do duyên chưa đủ, chắc chắn họ sẽ bị quả báo trong cảnh giới khổ tương ứng với việc làm ác của họ ở tương lai. Trong Kinh đức Phật có kể rất nhiều cảnh giới địa ngục khác nhau, tùy theo mức độ độc ác của người tạo nghiệp ấy. Trong đó có địa ngục A-tỳ dành cho những người phạm ngũ nghịch đại tội, như giết cha, giết mẹ v.v... Thầy có hỏi một người trí thức Tây Phương xem anh ta có tin địa ngục không, ông ta trả lời: "Mặc dù tôi là người Thiên Chúa Giáo, và là một nhà khoa học nhưng tôi tin có địa ngục, bởi vì đó là tính tất yếu trong đạo đức con người, nếu không có địa ngục thì sẽ không giải thích được một cách thỏa đáng về khoa học luật nhân quả trong đạo đức xã hội nhân văn".


B. Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. 1. Con được nghe giảng địa ngục là tâm cảnh, do tâm tưởng mà ra. Làm sao con người có thể tưởng tượng nổi những hình phạt quá sức tưởng tượng như địa ngục nóng, địa ngục lạnh,... Sự thật là sao, thưa thầy? 2. Đạo Phật dạy từ, bi, hỷ, xả. Sao 3 cõi thấp có vẻ ... oán trả oán quá vậy thưa thầy?
Trả lời:
Những câu hỏi như vậy chỉ cần con động não một tí là thấy ngay sao lại hỏi thầy?
1) Địa ngục là tâm cảnh nhưng đã phóng chiếu thành cảnh hiện thực. Ví dụ một người vì tham lam mà ăn trộm bị trừng phạt bởi luật hình sự. Tham lam là tâm cảnh nhưng bị phạt hình sự là cảnh thật. Một người sân hận cho nổ bom một khu thương mại. Sân hận là tâm cảnh nhưng khu thương mại tan hoang khủng khiếp là cảnh hiện thực. Cảnh tâm và cảnh ngoài là phóng ảnh của nhau thôi, đâu có gì lạ.
2) Ân oán trả vay là luật nhân quả tự nhiên rất công bằng hợp tình hợp lý. Nhưng đó đâu phải Phật dựng ra để thưởng phạt mà nói Đạo Phật không từ bi! Phật chỉ cho thấy luật nhân quả vì muốn chúng sinh biết để đừng làm ác mà phải chịu khổ, đó chính là lòng từ bi chứ còn gì nữa. 



12. Sự mầu nhiệm của tụng kinh Pali

Câu hỏi:
Thưa Thầy, con muốn hỏi trong bài Pháp Thầy giảng ở Perth có nói về sự mầu nhiệm của tụng kinh Pali. Con có đọc một số sách nói rằng ở cõi giới vô hình, họ chỉ nghe bằng tâm ý mà thôi. Khi ta khởi ý nghĩ gì thì họ đều biết được. Vậy thì đâu cần thiết phải tụng ra tiếng họ mới nghe được. Xin thầy giải thích cho con được rõ.
Trả lời:
Tụng kinh thầm hay ra tiếng đều được, nhưng đôi lúc tụng kinh ra tiếng cũng có ưu điểm của nó nhờ có sự trợ lực của âm thanh. Khi tụng nên chú tâm lắng nghe lại âm thanh đang tụng đọc. Người Nhật Bản và Tây Tạng tụng kinh rất hùng hồn nên lực rất mạnh, họ còn trợ lực bằng tiếng chuông tiếng trống và các nhạc cụ khác như mõ, kèn v.v... mỗi âm thanh có một tác dụng riêng, như: tiếng trống giúp tinh cần, dũng mãnh, tiếng chuông giúp trầm lắng, chánh niệm, tiếng mõ giúp tỉnh thức, sáng suốt v.v... như vậy những âm thanh đó là phương tiện hỗ trợ cho tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Tụng kinh Pali cũng vậy, nhất là khi tụng tập thể, âm thanh cuồn cuộn như tiếng sóng vỗ (hải triều âm) tạo ra dũng lực rất mạnh giúp sách tấn, phấn khởi để xua tan phiền não, ô trược, dễ duôi, buông phóng hay trầm cảm. Tụng thầm thì nên nhắm mắt, chú tâm để cho định lực tập trung cao, hoặc thanh thản buông thư để nhẹ nhàng thanh thoát.
Đối với người âm, thì tâm lực cộng với oai lực của lời kinh (nhất là kinh Pali, vì đó là ngôn ngữ của Phật) được hỗ trợ bởi những âm thanh tạo ra dương khí giúp giải tỏa bớt âm khí của họ nên họ rất ưa chuộng lời kinh tiếng kệ tụng với tâm đức của người tu hành có thể giúp họ siêu thoát.

13. DÂNG CÚNG PHẬT


Câu hỏi:
Bạch Sư, con thấy các chùa bên Bắc Tông khi cúng ngọ chỉ cúng cho Phật một chén cơm không, không có cúng thức ăn, điều đó có ý nghĩa gì xin Sư hoan hỷ giải thích cho con biết. Thành thật cám ơn Sư. 
Trả lời:
Việc này con nên hỏi các chùa Bắc Tông, vì bên Nam Tông không có cúng ngọ như vậy. Đức Phật dạy cách cúng dường Ngài tốt nhất là sống đúng theo Pháp. Cúng Phật chỉ để tỏ lòng tôn kính nên người Phật tử Nam Tông chỉ cúng hương đèn và hoa chứ không cúng cơm theo truyền thống của người Hoa.



Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông