HOA TRẮNG NỞ VEN ĐỒI


Câu hỏi: Nam Mô A Di Đà Phật. Con bạch thầy. Con là một Ni trẻ. Con xin hỏi thầy những nghi vấn trong lòng con, xin thầy hoan hỉ. Thưa thầy năm nay con 25 tuổi con ở chùa từ nhỏ nhưng con mới xuất gia lúc 20 tuổi. Thầy ơi, mọi người đi tu ai cũng có lý tưởng, mục đích tu hành rõ ràng. Còn con sao con thấy mình không có mục đích gì cả. Đôi khi để ngày trôi qua không làm gì được cả. Đôi lúc con làm biếng, giải đãi, con biết có những việc không nên làm nhưng con lại không tự chiến thắng mình con tái phạm lần này đến lần khác. Con buồn lắm. Thầy ơi con phải làm sao đây?


Trả lời: Mục đích lý tưởng thì không cần thiết, bởi vì nó đã có sẵn nơi con, nếu con đặt một mục đích lý tưởng nào khácđể cố gắng đạt đến thì chính là con càng rời xa nó. Lười biếng không làm được gì cả lại càng tốt, bởi vì siêng năng "hướng ngoại cầu huyền" thì còn tệ hơn. Đức Phật dạy chẳng thà ngủ còn hơn nỗ lực làm sai bản chất thực tại của pháp.
Vậy những điều mà con tự trách không phải là vấn đề. Vấn đề của con là ở chỗ không biết sống "tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha". Hàng ngày con cứ tùy duyên (tình huống, hoàn cảnh, điều kiện...) mà phục vụ cho chùa, cho bá tánh, ví dụ như con lau chùi quét dọn chùa cho sạch sẽ, nấu nướng cho Ni chúng ăn, ân cần tiếp Phật tử đến lễ bái, cúng dường hoặc hỏi đạo học pháp, biết yêu thương giúp đỡ mọi người, biết kính trên nhừng dưới v.v... tức là con đang sống vô ngã vị tha.
Đồng thời qua các hoạt động bình dị tự nhiên đó con thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là (biết mình biết cảnh một cách minh bạch ngay nơi hiện tại), biết thận trọng, chú tâm, quan sát vào mọi việc con đang làm thì tâm con sẽ phát huy được sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành vốn có của nó. Và đó chính là mục đích có sẵn nơi con chứ không phải là lý tưởng ở tương lai hay ở một nơi xa xuôi nào đó bên ngoài.
Vậy Niết-bàn hay sinh tử đều ở nơi con, chỉ cần quay lại mà thấy (ehipassiko) thì trên thực tại đó (opanayiko) con có thể thấy ngay (sanditthiko) không mất thời gian (akàliko) mà con vẫn tự chứng (paccattam veditabbo) một cách bình thường. Đúng như một thiền sư đã nói: Tâm bình thường là đạo. Vậy con đừng ham muốn một lý tưởng bất thường hay phi thường nào cả, chỉ cần tự mình thắp đuốc mà đi (sống tỉnh thức). Thầy tặng con bài kệ:
Mục đích có sẵn rồi
Nào phải vọng xa xôi
Dặm trình thong dong bước
Hoa trắng nở 
ven đồi!


Hỏi Đáp: Trung Tâm Hộ Tông



***

"...có ai ngờ tất cả đang ở nơi thanh tịnh, chỉ vì vô minh, ái dục vọng động dấy lên để rồi chỉ thấy đâu đâu cũng là luân hồi đau khổ. Phật dạy trong Dìgha Nikàya: “Một khi đã thanh tịnh thì thấy tất cả các pháp đều là thanh tịnh”. Vậy hãy coi chừng ý muốn giải thoát (lẩn tránh) là cái vọng động dấy sinh làm mất thực tánh các pháp đang vận hành..."

"Mùa màng phong phú, nhưng không thợ gặt"
"...Nào phải vọng xa xôi
  ...Hoa trắng n
ở ven đồi!"

***



Ngày ........ tháng ........ năm ........
          
   Con thương mến,
            Thầy rất cảm động khi đọc thư con. Tiếc là Thầy ở xa con quá để có thể trong những trường hợp khó khăn như thế, chia sẻ với con những nỗi lo âu, phiền muộn, băn khoăn và đau khổ. Dẫu sao Thầy vẫn yên tâm là trong quyết định quan trọng như thế đối với vận mạng mình, con đã nghĩ đến Thầy và nhất là nghĩ đến những lời Thầy dạy.
            Trong giới hạn của ngôn ngữ và trong khuôn khổ của một bức thư dĩ nhiên không sao Thầy có thể chuyển đạt đến con trọn vẹn những gì Thầy muốn nhắn nhủ để con có thể an tâm lên đường đi vào thế cuộc. Như tâm trạng của người mẹ chuẩn bị hành trang cho đứa con trai duy nhất của mình lên đường viễn xứ, dầu đã chuẩn bị vô cùng chu đáo vẫn chưa yên lòng khi tiễn con đi. Và bây giờ khi con “xuống núi” Thầy cũng có một tâm trạng như thế. Tình thương là vậy. Nhưng thật ra Thầy vẫn bình thản dù con quyết định thế nào. Con có quyền làm theo ý muốn của con mà Thầy không hề can ngăn hay khuyến khích, cũng không đưa ra một lời tiên đoán hay cầu nguyện nào cho con cả. Vì sao vậy? Vì Thầy muốn con trưởng thành. Chính nghiệp mệnh sẽ giải bày một cách minh bạch và sống động nhất những gì nó cần phải giải bày. Hãy lắng nghe với niềm tin trọn vẹn. “Thượng Đế” sẽ nói với con những gì Ngài muốn nơi con và sẽ trả lời con những gì con muốn ở Ngài. Nghĩa là Chân Lý, Pháp, nghiệp mệnh hoặc nói cho dễ hiểu là đời sống luôn luôn tự thể hiện một cách chân thực, con chỉ cần để tâm học hỏi là giác ngộ.
            Bây giờ Thầy sẽ cố gắng một lần nữa trình bày sao cho con có thể lãnh hội những gì Thầy đã dạy hầu có thể cho con xuống núi với một nụ cười. Thế là Thầy an lòng.
            Thầy hiểu rất rõ tâm trạng con khi con viết: “Tâm con vô cùng dao động”, “rõ ràng là con không có sự tỉnh giác” hoặc “... con vẫn lo âu, vẫn thất vọng, chán nản trước cái hiện tại và vẫn khổ đau”... nghĩa là con muốn giải thoát ra khỏi những trạng thái ấy, những khổ đau vật chất lẫn tinh thần ấy, cái hiện tại đầy thất vọng, đầy chán nản ấy, bằng cách có một hành động tỉnh giác nào đó có thể xóa bỏ chúng đi phải không?
            Nhưng không phải thế đâu, con thương mến của Thầy, con đã hiểu sai chữ tỉnh giác mà Thầy đã dạy. Nếu có một thứ tỉnh giác nào như con hiểu thế, Thầy e rằng nó chỉ là công cụ của ý muốn trốn tránh thực tại mà thôi! Và trước hết tại sao con muốn giải thoát? Phải chăng con muốn lẩn tránh cái hiện tại đầy chán nản khổ đau để đạt được ở đâu đó một cái gì hạnh phúc hơn? Nhưng nói cho cùng quả thật không ai có thể trốn tránh nó được cả, và cũng không bao giờ có được ở đâu đó một hạnh phúc khác hơn. Đúng là:
            Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh              
           Xu hướng chân như tổng thị tà.

          Con ạ, giải thoát thật sự thì phải có trí tuệ, mà trí tuệ là thấy rõ thực tại đúng như nó đang là. Phật dạy rất rõ ràng:
Sabbe sankhàrà aniccà ti ... (Dh 277)    
Sabbe sankhàrà ca dukkhà ti ... (Dh 278)            
Sabbe Dhammà anattà ti    
Yadà pannàya passati    
Atha nibbindati dukkhe   
         Esa maggo visuddhiyà (Dh 279)
  (Tất cả hành vô thường ...   
  Tất cả hành là khổ ...   
  Tất cả pháp vô ngã ...   
 Thấy thế với trí tuệ   
 Liền thoát ly đau khổ   
 Đó là đường thanh tịnh)
          Vậy làm thế nào con có thể hy vọng thoát khỏi khổ đau khi bản chất các hành là đau khổ? Khi ba cõi bất an y như nhà lửa? Và khi con không thật sự giáp mặt với thực tại khổ đau bằng cái nhìn trí tuệ, mà chỉ lo toan lẩn tránh hay tìm cầu một hạnh phúc nào khác trên thế gian? Nói thế không phải là đành chấp nhận đau khổ một cách bi quan, hay đầu hàng khổ lụy. Vì thực ra vẫn có giải thoát, nhưng không phải là giải thoát về đâu mà là giải thoát chính mình ra khỏi vô minh ái dục để có thể thong dong tự tại giữa cuộc đời đau khổ này. Và vẫn có hạnh phúc, nhưng không phải thứ hạnh phúc loại trừ đau khổ mà là hạnh phúc dung nhiếp khổ đau, một “paramam sukham” như Phật đã dạy.
            Phật dạy: “Santi paramam sukham” (an tịnh (Niết-bàn) là hạnh phúc tuyệt đối). Cũng như ở trên Ngài dạy: “Maggo visuddhi...” là để chỉ một sự im lặng tuyệt đối trước tất cả mọi nỗi khổ đau trong cuộc đời, sự im lặng dung thông được tất cả mọi trạng thái mâu thuẫn hay hỗ tương của đời sống, chứ không phải là một trạng thái bất động của cơn thiền định xuất thần như biết bao nhiêu người ngộ nhận.
            Im lặng tuyệt đối cũng là Bát-nhã (Pannà), trí tuệ, viên chiếu, viên minh, tánh giác v.v... qua đó các pháp tự thể hiện một cách chơn thật, sống động. Và tuy rằng tướng của các hành, các pháp là vô thường, khổ, vô ngã nhưng im lặng tuyệt đối của trí tuệ vẫn viên dung vô ngại. đó chính là hạnh phúc, là giải thoát, ngoài ra không còn một hạnh phúc giải thoát nào hơn. Thầy muốn nói nếu có một sự giải thoát nào từ chối sự hiện hữu của vô thường, khổ, vô ngã thì đó là một sự giải thoát tạo nên càng thêm nhiều mâu thuẫn và khổ đau, là một sự giải thoát giả tạo do chính bản ngã dựng lên mà thôi.
            Để Thầy kể cho con nghe câu chuyện vi tiếu này:
            “Một thiền sinh bực mình về chuyện gì đó xảy ra trong viện với các thiền sinh khác, đến than phiền với thiền sư. Sư nói:
            - Chuyện như thế mà con không đương nổi sao?
            - Thưa Thầy, con thà đương sự giải thoát chứ không thà đương cái chuyện bực mình đó.
            Sư ôn tồn nói:
            - Thôi bỏ qua cái giải thoát của con đi, giải thoát thật sự thì vạn pháp còn đương nổi huống là một chuyện bực mình”.
            Con thương mến,
            Bây giờ trở lại vấn đề tỉnh giác. Khi con thấy “đây là dao động”, “đây là lo âu”, “đây là thất vọng”, “đây là chán nản”, “đây là khổ đau” v.v ... là tự nhiên con đã tỉnh giác rồi đó. Nhưng vì con chưa thấy được giá trị của tỉnh giác một cách vô tâm như thế nên con lại xen vào đó ý muốn giải thoát, thế là con đã đánh mất sự trong sáng vô tâm của vai trò tỉnh giác đích thực. Ý muốn giải thoát biến tỉnh giác thành dụng cụ và như thế làm gia tăng mâu thuẫn, chồng chất vô minh, trong khi tỉnh giác tự nó đã là cứu cánh rồi con ạ. Thầy quả quyết nếu con dẹp đi ý muốn giải thoát (trốn tránh thực tại) con sẽ phục hồi được nguyên tính của tỉnh giác và nó sẽ giúp con thấy các pháp như thực trong im lặng tuyệt đối, và con sẽ không ngờ đó lại chính là giải thoát đích thực, là:

                  Mục đích có sẵn rồi 
                  Nào phải vọng xa xôi 
                  Dặm trình thong dong bước 
                  Hoa trắng nở ven đồi.

          Thật vậy, có ai ngờ tất cả đang ở nơi thanh tịnh, chỉ vì vô minh, ái dục vọng động dấy lên để rồi chỉ thấy đâu đâu cũng là luân hồi đau khổ. Phật dạy trong Dìgha Nikàya: “Một khi đã thanh tịnh thì thấy tất cả các pháp đều là thanh tịnh”. Vậy hãy coi chừng ý muốn giải thoát (lẩn tránh) là cái vọng động dấy sinh làm mất thực tánh các pháp đang vận hành.
            Khi được hỏi: “Có cần ước muốn giải thoát mới được giải thoát không?”, Đức Phật trả lời: “Dầu không có ước muốn giải thoát mà thực hành đúng vẫn giải thoát” (Majjhima Nikàya).
            Nhưng thế nào là thực hành đúng? Con chỉ cần sáng suốt, định tĩnh, trong lành để có thể “thấy như thực thấy, nghe như thực nghe, xúc như thực xúc, biết như thực biết” như Đức Phật đã dạy. Một vị tỳ kheo biết mình sắp lâm chung liền tinh tấn thực hành những lời dạy đó của Phật và đã tự mình giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Để thấy nghe như thực, vị ấy phải thấy nghe với im lặng tuyệt đối, phải để các pháp hiện đúng bản lai diện mục của nó, chứ không thể lẩn tránh nó được.
            Trong kinh chép rằng có vị giải thoát như vậy ngay trong điều kiện mù lòa, tàn tật hoặc bịnh hoạn liên tục, v.v... Thầy nhắc như vậy để một lần nữa xác minh rằng giải thoát không cần phải loại trừ đau khổ. Đức Phật cũng đã xác minh điều đó với một người đau khổ cùng cực là nàng Pàtacàrà, không phải diệt trừ khổ đau mà chỉ cần diệt trừ nguyên nhân đau khổ. Trong im lặng tuyệt đối ở đó nguyên nhân đau khổ đã bị loại trừ, chúng ta sẽ thấy cái gì hư ngụy tự nó hủy diệt và cái gì chân thật sẽ tự hiển bày mà không cần phải dùng tới nhiều nỗ lực của ý chí và ước mong lẩn tránh nào.
            Con ạ, thật là giản dị nếu con có ước muốn, con hãy lắng nghe trong im lặng tuyệt đối rằng “đây là ước muốn”. Nếu con có dao động, con hãy lắng nghe trong im lặng tuyệt đối “đây là dao động”. Nếu con có chán nản, con hãy lắng nghe trong im lặng tuyệt đối “đây là chán nản”. Nếu có khổ đau, con hãy lắng nghe trong im lặng tuyệt đối “đây là khổ đau”... Khi nào con như thực thấy “nó phát sinh như vậy”... “nó an trụ như vậy”... “nó hủy diệt như vậy” tự nhiên con sẽ thoát ly đau khổ (Atha nibbindati dukkhe) tuy rằng chúng vẫn đến và đi nhưng không bao giờ còn có thể chi phối con nữa.
            Cuối cùng khi dừng bút, Thầy tặng con bài thơ mà Thầy đã viết tặng cho bằng hữu của con ở nước ngoài:

No way to Nibbàna              

Ways only to Màra              
Just look at what you are !              
And give up Màra with Nibbàna.                
No way to Pannà              
Ways only to Avijjà              
Just look at what you are !              
And leave Avijjà to Pannà.              
At last, ever you believe              
that no difference between              
Nibbàna and Màra              
Avijjà and Pannà.[*]
Thân ái chào con,
Thầy Vi
ên Minh.


Tuyển Tập Thư Thầy 5

                                

[*] Xưa khi mộng chửa vào đời
     Thênh thang mờ mịt đất trời nào hay
    Hốt hề hóa hiện thân này
    Không trung vô cớ hiển bày mà ra
    Áo cơm làm kiếp người ta
    Gót chân trần thế âu là cuộc chơi
    Cái tôi hoàn lại đất trời
    Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh.
    (Viên Minh dịch)