Trích đoạn sách " Mạng lưới tư tưởng và Thiền" Krishnamurti


“MẠNG LƯỚI TƯ TƯỞNG VÀ THIỀN” được hình thành từ hai tác phẩm riêng biệt trong dòng sách chính thức của Krishnamurti đã được công bố và giữ bản quyền bởi hai cơ sở Krishnamurti ở hai nước và vào những thời điểm khác nhau.

MẠNG LƯỚI TƯ TƯỞNG (nguyên tác: The Network Of Thought) được công bố và giữ bản quyền năm 1982 bởi cơ sở Krishnamurti ở Hoa Kỳ).
THIỀN (nguyên tác: Meditations) được công bố và giữ bản quyền năm 1979 bởi cơ sở Krishnamurti ở Ấn Độ.
Việc gộp chung hai tác phẩm này làm một là chủ ý của người dịch nhằm khêu gợi sự chú ý của bạn đọc vào hai mảng đề tài về tư tưởng và thiền vốn cực kỳ trọng yếu trong toàn bộ những phát biểu, những hỏi – đáp cùng những bản văn viết khác của Krishnamurti khi ông trò chuyện với con người gần suốt sáu mươi năm.
Như ta đã biết, ngày 2.8.1929, Krishnamurti đã tuyên bố giải tán hội Cứu Tinh Phương Đông, đã được thành lập 18 năm và Krishnamurti đã được suy tôn lãnh đạo Hội. Cũng trong ngày này, đồng thời với việc giải tán hội, ông đã long trọng xác nhận: “Sự Thật Là Vùng Đất Không Có Đường Vào” mà hơn năm mươi năm sau được xem là phát biểu mở đầu cho toàn bản văn nói về Cốt Tủy Của Giáo Lý Krishnamurti.
Kể từ cuộc nói chuyện lần đầu tiên (2.8.1929) mang tính đột phá kinh thiên động địa chưa từng có trong thế giới tư tưởng ấy và hậu quả tất nhiên Krishnamurti đã cởi bỏ tất cả mọi ràng buộc vật chất và tinh thần mà người đời đã áp đặt lên ông suốt 18 năm, và cũng kể từ ngày đó ông tuyên bố ông không muốn áp đặt lên con người bất cứ ràng buộc nào cả đặc biệt là về tư tưởng, tinh thần. Và kể từ đó, không tiền bạc, không hành trang, không gia đình, không truyền thống, không quê hương xứ sở, không tất cả – Krishnamurti đã bắt đầu làm một cuộc hành trình đơn độc lặng lẽ nhưng cực kỳ dũng mãnh, đi cùng khắp thế gian để trò chuyện, thảo luận, đối thoại với con người thuộc mọi giai tầng xã hội đặc biệt trong một không khí bạn bè thân thiết, như giữa hai người bạn, tuy đôi lúc ông phải nói trước nhiều ngàn người, về một chủ đề duy nhất đó là Sự Thật và Krishnamurti, kiên trì không mệt mỏi, kêu gọi con người hãy đến với Sự Thật, hãy sống với Sự Thật, hãy là Sự Thật. Phát xuất từ suối người bất tận của Sự Thật, Krishnamurti nói với một người hay với nhiều ngàn người mà tuyệt đối không chuẩn bị trước bất kỳ nội dung của cuộc trò chuyện hay đối thoại, ông ứng đáp một cách tức thì, nói một cách tự phát. Biểu hiện này ẩn tàng một thứ trí tuệ kỳ diệu độc đáo mà con người chưa từng thấy. Và với phong cách ấy, Krishnamurti đã lặn lội cùng khắp thế gian và nói suốt nửa thế kỷ. Ta có thể hình dung một lượng khổng lồ các phát biểu, những hỏi - đáp cùng những bản văn viết khác mà Krishnamurti đã liên tục và dồn đạp gởi đến con người trên khắp trái đất như một thông điệp. Thông điệp ấy cực kỳ đơn giản chỉ vỏn vẹn gồm hai từ Sự Thật. Toàn bộ những phát biểu của Krishnamurti hình thành giáo lý của Krishnamurti.
Nhưng hình như Krishnamurti vẫn chưa yên tâm những việc mình đã làm do e ngại con người bị lạc lõng trong cái mênh mông của thế giới từ ngữ, của những phát biểu trải dài gần sáu mươi năm mà không thất được Sự Thật, cho nên đích Krishnamurti lần đầu tiên chấp bút viết và một đoạn văn bản gần khoảng hơn hai trăm từ bao quát toàn bộ giáo lý của Krishnamurti và được chính Krishnamurti xác nhận đó là Cốt Tủy Giáo Lý Krishnamurti – The Core Of Krishnamurti’s Teaching. Bản văn này đã được Krishnamurti thực hiện vào ngày 21.10.1980 cho tác phẩm “Krishnamurti: The Year Of Fulfilment”, cuốn sách thứ hai viết về tiểu sử của Krishnamurti của Mary Lutyens. Trước khi sách này được công bố bởi nhà xuất bản Farrar, Straus & Girounx năm 1983, khi đọc lại Krishnamurti có thêm vài câu.
Trong cốt tủy của giáo lý Krishnamurti, phần nói về tư tưởng có nội dung sau:
… “Tư tưởng là thời gian. Tư tưởng được sinh ra từ kinh nghiệm và kiến thức vốn bất khả phân với thời gian và quá khứ. Thời gian là kẻ thù tâm lý của con người. Hành động của ta dựa vào kiến thức, tức dựa vào thời gian do đó con người luôn luôn làm nô lệ cho quá khứ. Tư tưởng bao giờ cũng bị hạn chế, vì thế, ta triền miên sống trong xung đột và đấu tranh. Không có sự tiến hóa về mặt tâm lý”…
Đối với con người, tư tưởng là biểu hiện cao tốt nhất của trí tuệ và hành động, được xem là tinh túy của sự sống không thể thiếu được. Các nền văn minh vật chất và cổ thời cho đến nay đều là thành quả của tư tưởng. Chiến tranh và hòa bình, tình thương và thù hận, thiện và ác, tội và phước, đời và đạo, tự do và tù ngục,… con đường song hành này là nơi chốn quen thuộc đi về xuôi ngược của tư tưởng. Mọi người chúng ta điều chấp nhận điều này từ một nhà tư tưởng lớn cho đến một người nông dân bình thường. Nhưng ở đây, một lần nữa, tư tưởng được Krishnamurti nhận diện, bị vạch mặt chỉ tên và thực chất cùng cấu trúc của nó được trắng trơn lột trần.
Nói tư tưởng là thời gian, tức phải thấy tư tưởng luôn có mặt trên bất kỳ thời điểm nào của dòng thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Sự sống diễn ra trong hiện tại, điều này hết sức hiển nhiên, dù sự sống ở vật hay ở tâm, rồi lui vào quá khứ, rồi lưu lại trong ký ức những dấu ấn và đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này trở thành tri kiến thức và rồi tư tưởng sinh ra từ đó. Vậy gốc của tư tưởng là quá khứ, một mắt xích của thời gian. Tựa như đồng hồ cát: hạt rơi nằm bất động là quá khứ; hạt đang rơi là hiện tại; hạt sắp rơi là vị lai. Quá khứ, hiện tại, vị lai tất cả đều là cát bụi. Ở bất kỳ thời điểm nào trên dòng thời gian, tư tưởng luôn luôn có mặt, tức quá khứ chết chóc bất cứ lúc nào cũng như phủ che sự sống tâm lý. Lạ một điều mặc dù tư tưởng có nguồn góc từ quá khứ, là quá khứ nhưng lại luôn có mặt trong hiện tại nên sự sống luôn bị chiếm đoạt bởi ta luôn đứng trong hiện tại để tư tưởng. Thực ra, ta không bao giờ lùi được vào quá khứ cũng không tới được vị lai nhưng bằng tư tưởng ta có thể trở lui quá khứ (hồi tưởng) hoặc phóng tới vị lai (hy vọng, dự phóng) lui hay tới đều diễn ra trong hiện tại; lui hay tới đều sử dụng tư tưởng, tức quá khứ, cho nên hiện tại, vị lai đều là quá khứ. Quá khứ khống chế tất cả. Bi kịch tâm lý của loài người nằm ở chỗ này. Tư tưởng trong hiện tại là chết trong hiện tại thay vì sống trong hiện tại. Bấy giờ ở tâm không còn có sự sống nữa, ở tâm không còn có sự chuyển động nào nữa bởi quá khứ vốn chết chóc và bất động. Bấy giờ sự sống ở tâm đã bị thủ tiêu, ánh sáng đã bị che phủ bởi tư tưởng, tức quá khứ, tức thời gian. Yếu tố thời gian đã xâm nhập tàn phá, hủy hoại nội tâm nên Krishnamurti mới kêu lên “Thời gian là kẻ thù tâm lý của con người.” Sự sống ở tâm bị kẻ-thù-tư-tưởng giết chết mà sự sống ở tâm là sự sống cốt lõi, sự sống nền tảng, sự sống chủ đạo, là nguồn cội của sự sống, sự sống tâm lý mất đi, thân vẫn tiếp tục tồn tại nhưng trở nên bơ vơ, lạc lõng, vất vưởng, vô chủ, đui mù, do đó, gây tạo xung đột, hỗn loạn, đảo điên. Jidu Krishnamurti dùng từ “kẻ thù” để gọi tên tư tưởng hay thời gian, đã nói lên nổi bức xúc tột cùng của Krishnamurti muốn cảnh giác con người về sự mê lầm của họ quá dài lâu, sâu nặng và kiên cố. Krishnamurti đã dùng những ngôn từ cực kỳ mạnh mẽ và dữ dội mong đánh thức tâm trí loài người. Hóa ra từ lúc bắt đầu có thời gian, ta đã “nhận giặc làm con”, đã ấp yêu, nuôi dưỡng, tôn vinh kẻ thù làm người thân thiết. Thời gian là kẻ thù hoàn toàn chính xác như trong toán học vậy, bởi thời gian hủy phá tất cả thân cũng như tâm, kẻ thù là vật hay yếu tố hay tác nhân nào đó xâm nhập và hủy hoại vật khác. Hủy hoại là phân ra, chia cắt nhỏ ra, khiến các phần bị chia xô xát xung đột dẫn đến tiêu tán, biến dạng, mất đi, biến từ có vật thành không vật, như bóng tối là kẻ thù của ánh sáng, có tối thì không có sáng. Kẻ thù là sự có mặt của vật này khiến cho vật kia biến đi, lui đi. Thân bị yếu tố thời gian xâm nhập, nên bị phân rã, bị hủy hoại trên dòng thời gian. Theo thời gian mà thân có và cũng theo thời gian mà thân không. Thân sinh sôi nảy nở tốt tươi rồi già cỗi rụi tàn theo thời gian. Thân biến hiện trong thời gian. Thân chính là thời gian nên không có vấn đề loại trừ yếu tố thời gian ra khỏi thân.
Thời gian cũng là kẻ thù của tâm, nội tâm. Thời gian diễn ra ở tâm hay thời gian tâm lý, quá khứ, hiện tại, vị lai, như ta thấy rốt lại chỉ là màn độc diễn của quá khứ, khi thời gian xâm nhập tâm là đẩy là tâm lui vào quá khứ, vào cõi chết nên gọi “thời gian là kẻ thù tâm lý”. Thời gian giết chết tâm. Trên lộ trình tâm, quá khứ chiếm trọn nên bóng tối tràn ngập biến tâm thành cõi chết u ám tối tăm. Quá khứ như một thứ lỗ đen vũ trụ cuốn hút mọi sự sống tâm sinh lý. Sống là hành động và khi hành động của ta còn căn cứ và xuất phát từ tri kiến thức, tức dựa vào thời gian thì con người muôn đời vạn kiếp vẫn là tên tội đồ làm nô lệ cho quá khứ, cho thời gian, cho nên quá khứ là vấn đề sinh tử cốt lõi, vấn đề số một trên bình diện tâm lý của con người.
Trong cuộc thảo luận về việc “Phải sống cách nào trên thế giới này” Krishnamurti đã đặt cho ta nhiều câu hỏi xoáy sâu vào quá khứ thật vô cùng ấn tượng:
Phải chăng sống là phải luôn sống trong quá khứ, mọi hoạt động sống đều phải xuất phát từ quá khứ, mọi mối quan hệ sống ở đời đều là kết quả của quá khứ, phải chăng sống rốt lại chỉ là cái ký ức phức tạp của quá khứ? Tất cả những gì ta biết: quá khứ sửa đổi phần nào hiện tại và tương lai là kết quả do quá khứ này tác động qua hiện tại. Vì thế quá khứ, hiện tại và tương lai, tất cả đều là quá khứ. Và ta gọi quá khứ này là sống. Tâm trí là quá khứ, não bộ là quá khứ, cảm xúc là quá khứ và hành động xuất phát từ quá khứ chính là sự hoạt náo tích cực của kiến thức hay cái-đã-biết. Đấy là toàn bộ tiến trình của cuộc sống bạn và là tất cả mọi mối quan hệ và hoạt động sống mà bạn biết - (The Urgensing Of Change – Cuộc Thay Đổi Khẩn Thiết).
Vậy là kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp đời đời của ta không ở đâu xa, không ở trước mặt, sau lưng, hai bên, trên dưới mà là ở ngay trong chính ta và là ta, là tôi. Tôi mà là kẻ thù của chính tôi. Nghe thật kinh hoàng và lạ lùng, nhưng đó là một sự kiện nếu tôi chịu nhìn vào chính hoạt động của nội tâm tôi. Khi tôi là kẻ thù của tôi thì tôi phải giáp mặt với kẻ-thù-là-tôi ấy ra sao đây; tôi phải xử trí kẻ-thù-là-tôi ấy bằng cách nào đây? `tôi’ ở đây chính là tư tưởng của tôi. Tư tưởng hay niệm tưởng là kẻ thù của tôi. Một phát hiện và một phát biểu cực kỳ cổ quái nhưng cực kỳ hợp lý và chân thực làm đảo lộn tất cả mọi nếp nghĩ của toàn thể nhân loại. Vậy tôi phải làm gì?
“Khi con người, trở nên tri giác chính sinh hoạt của tư tưởng mình, sẽ thấy có sự phân chia giữa người-tư-tưởng và tư tưởng, giữa người-quan-sát và vật-được-quan-sát giữa người-kinh-nghiệm và kinh nghiệm. Người ấy sẽ phát hiện rằng sự phân chia này là một ảo tưởng. Bấy giờ chỉ còn là thuần quan sát, tức cái thấy thấu suốt vào trong, tức tuệ giác dứt tuyệt mọi bóng tối của quá khứ hay thời gian. Chính cái tuệ giác phi thời gian này khiến sinh một cuộc chuyển hóa thâm sâu, triệt để trong trí não.” (The Core Of Krishnamurti’s Teaching – Cốt Tủy Của Giáo Lý Krishnamurti.)
Phá sập mạng lưới tư tưởng để chấm dứt quá khứ hay thời gian, phải chăng đó là động thái thiền.

Người dịch