“… Hãy chọn phương cách để lắng nghe, Pháp chỉ như thế này, Pháp không có gì khác. Pháp có màu sắc không? Có hình thể không? Có góc cạnh? Có ngắn, dài? Không có cách gì để biết ngoài những so sánh như thế này. Nếu quý vị hiểu những điều này, quý vị hiểu Pháp”.
“Đừng nghĩ rằng Pháp nằm ở đâu xa. Pháp ở ngay cạnh bạn; Pháp là về bản thân bạn. Hãy quán sát. Lúc buồn, lúc vui, lúc tự tại, lúc bất mãn, lúc giận, lúc oán trách người: Tất cả đều là Pháp…”
AJAHN CHAH“Đừng nghĩ rằng Pháp nằm ở đâu xa. Pháp ở ngay cạnh bạn; Pháp là về bản thân bạn. Hãy quán sát. Lúc buồn, lúc vui, lúc tự tại, lúc bất mãn, lúc giận, lúc oán trách người: Tất cả đều là Pháp…”
NGÔI NHÀ THỰC SỰ CỦA BẠN
Ngôi nhà bên ngoài không phải là ngôi nhà thực sự của bạn. Đó chỉ là căn nhà giả tưởng, căn nhà trong thế tục.
Còn căn nhà thực sự của bạn, đó là sự bình an. Đức Phật đã dạy ta xây căn nhà thực sự của mình bằng cách buông bỏ cho đến khi ta đạt được bình an, thanh tịnh.
RA BIỂN
Sông, suối, ao, hồ đều chảy ra biển. Khi hòa với biển, tất cả đều có màu xanh, đều có cùng vị mặn.
Đối với chúng sanh cũng thế: không quan trọng họ từ đâu đến –khi họ đã gia nhập dòng chảy của Pháp, tất cả đều cùng một Pháp.
NƯỚC NGẦM
Phật là Pháp; Pháp cũng là Phật. Pháp mà Đức Phật đã chứng là điều luôn hiện hữu ở thế gian. Nó chưa bao giờ biến mất. Nó giống như nước ngầm. Bất cứ ai đã đào giếng đủ sâu đều tìm được nguồn nước. Không phải là do người đó chế biến ra nước. Người đó chỉ dồn tất cả sức lực vào việc đào giếng đủ sâu để đến được nước đã có sẵn ở đó.
Cho nên nếu có đủ niềm tin, ta sẽ biết là Đức Phật không ở đâu xa. Ta đang ngồi trước mặt Ngài đây. Khi nào ta biết Pháp, ta thấy Phật. Những người chủ tâm thực hành Pháp không ngưng nghỉ -dầu họ đi, đứng, nằm ngồi ở đâu- họ đều luôn được nghe Pháp của Phật.
TẤT CẢ Ở NGAY ĐÂY
Phật là Pháp; Pháp cũng là Phật. Đức Phật không mang theo trí tuệ giác ngộ của ngài khi nhập diệt. Ngài để chúng lại cho ta ngay tại đây. Nói một cách đơn giản, giống như các thầy cô giáo ở trường học. Không phải sinh ra, họ đã là thầy, cô giáo. Họ phải học các ngành nghề trước khi họ có thể dạy học ở trường và được lãnh lương. Sau một thời gian, họ sẽ ra đi – khỏi ngành dạy học. Nhưng quý vị có thể nói rằng theo một cách nhìn nào đó, các thầy cô giáo không ra đi, không mất đi. Các tính chất làm nên một người thầy vẫn còn ngay đây. Chúng không mất đi đâu cả.
VOI, BÒ & TRÂU
Khéo luyện tâm là một hoạt động hữu ích. Quý vị có thể thấy điều này ngay ở các con thú được nuôi dạy như voi, bò và trâu. Trước khi có thể bắt chúng làm việc, ta phải huấn luyện chúng. Khi chúng đã được huấn luyện kỹ rồi, ta mới có thể sử dụng sức mạnh của chúng vào nhiều việc khác nhau. Ai cũng biết điều đó.
Tâm khéo được huân tập còn ích lợi hơn nhiều. Hãy cứ nhìn gương của Đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài. Họ thay đổi vị thế từ chúng sanh phàm phu thành thánh nhân, được tất cả mọi người kính trọng. Và họ đem lại nhiều lợi ích cho ta hơn ta có thể lường được. Tất cả đều nhờ họ đã khéo luyện tâm.
Tâm khéo huấn luyện giúp ta trong mọi ngành nghề. Nó giúp ta hoàn thành công việc với chánh niệm. Nó giúp ta có suy tính khi làm việc hơn là làm theo bản năng. Nó giúp ta sống hạnh phúc ở bất cứ hoàn cảnh nào trong đời.
GỐC RỄ
Chúng ta giống như một cái cây với rễ, gốc và thân. Mỗi chiếc lá, mỗi cành cây, đều dựa vào rễ để hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất, rồi đem lên nuôi thân cây.
Thân ta, cùng với lời nói, hành động, mắt, tai, mũi, lưỡi và cảm thọ, giống như cành, lá và thân. Tâm thì giống như gốc rễ, hấp thụ chất dinh dưỡng và đem chúng lên thân, lá, cành để cây ra hoa, kết trái.
MẤT BÓP
Giả dụ bạn đi ra khỏi nhà và bị mất bóp. Bóp rớt ra khỏi túi trên đường đi, nhưng một khi bạn chưa ý thức được điều đó, bạn vẫn thoải mái –thoải mái vì bạn chưa biết mình thoải mái vì điều gì. Đó chính là vì sự mất thoải mái sau đó. Khi bạn cuối cùng ý thức rằng mình đã bị mất tiền: đó là lúc bạn thấy hết thoải mái, và điều đó hiện rõ lên khuôn mặt bạn.
Đối với các hành động xấu, tốt của ta cũng thế. Đức Phật dạy chúng ta phải quán sát, biết rõ những điều này. Nếu không, ta sẽ không biết điều gì sai hay đúng, tốt hay xấu.
BÁNH XE- DẤU XE
Vòng luân hồi giống như chiếc bánh xe. Một con bò đang kéo xe. Nếu bò cứ tiếp tục kéo xe đi tới, không ngừng nghỉ, dấu bánh xe sẽ luôn xóa dấu chân bò. Bánh xe không dài, nhưng tròn. Hoặc bạn có thể nói bánh xe dài, nhưng chiều dài nó tròn. Ta có thể thấy cái tròn, nhưng không thấy cái dài của nó. Khi nào con bò còn kéo xe, không ngừng nghỉ thì bánh xe còn quay không ngừng nghỉ.
Cuối ngày khi con bò ngưng kéo xe. Bò đã mệt. Đã được tháo gỡ gông. Lúc đó thì bò đi đường bò, xe đi lối xe. Bánh xe đã tự ngừng quay. Nếu bạn bỏ xó bánh xe ở đó một thời gian dài, chúng sẽ tan thành đất, nước, gió, lửa, trở về với đất, cỏ.
Với những chúng sanh đang còn tạo nghiệp cũng thế: Họ còn chưa kết thúc. Những người nói lên sự thật chưa kết thúc. Những người với tà kiến chưa kết thúc.
TẢNG NƯỚC ĐÁ
Nếu bạn để một tảng nước đá ngoài trời nắng, bạn có thể chứng kiến nó tan chảy –thân cũng già rữa như thế- từng chút, từng chút một. Chỉ sau vài phút, vài giờ, tảng nước đá sẽ tan chảy thành nước. Đó được gọi là khaya-vaya: sự chấm dứt, hoại diệt.
Sự hoại diệt của các thứ do duyên hợp đều đã như thế từ bao đời, từ khi thế giới, vũ trụ này thành hình. Khi được sinh ra, chúng ta có cùng chung tính chất. Ta không thể vứt bỏ chúng đi đâu. Khi vừa được sinh ra, chúng ta đã phải chịu bệnh, già và chết. Khi được sinh ra, cùng lúc ta cũng hứng chịu những điều đó.
Hãy quán sát cách thân ta hoại diệt. Tất cả các bộ phận đều hoại diệt. Tóc rụng, móng tay, móng chân hư hoại, da nhăn. Tất cả mọi thứ, bất cứ là gì, đều hoại diệt theo luật tự nhiên.
CON CÁI, ĐẠN DƯỢC
Cây súng bắn các viên đạn –các con của nó- ra phía ngoài. Còn ta bắn con cái vào trong, vào trái tim ta. Khi các con ngoan, tim ta rộn rã. Khi chúng hư, tim ta cũng không an. Con cái, chúng là một vấn đề của nghiệp. Có nghiệp xấu, có nghiệp tốt, nhưng tốt hay xấu, cũng là con cái của ta, không có gì khác hơn.
Khi sinh chúng ra, chúng càng khiếm khuyết, ta càng yêu chúng hơn. Nếu có đứa sinh ra bị tàn tật, đó là đứa ta thương yêu nhất. Mỗi khi ra khỏi nhà, ta căn dặn đứa lớn, “Hãy trông chừng em con. Hãy coi chừng nó” –vì ta thương đứa đó. Khi sắp lìa bỏ cõi trần, ta căn dặn, “Hãy chăm sóc nó. Hãy bảo vệ con tôi”. Đứa trẻ đó khiếm khuyết, nên bạn càng thương nó hơn.
ĐUÔI RẮN
Phàm phu chúng ta không thích khổ. Ta chỉ muốn được hạnh phúc. Nhưng thực ra, hạnh phúc chỉ là đau khổ trá hình. Đau thì là cái khổ rõ ràng. Nói một cách đơn giản, khổ đau và hạnh phúc giống như rắn. Đầu nó là khổ, đuôi là hạnh phúc. Đầu nó chứa độc tố. Miệng nó chứa độc. Nếu bạn đến gần đầu rắn, nó sẽ cắn bạn. Nếu nắm đuôi rắn, bạn tưởng là an toàn, nhưng nếu nắm lâu, rắn sẽ quay đầu và cắn bạn như thường. Đó là vì đầu và đuôi rắn đều thuộc về một con rắn.
Cả hạnh phúc và khổ đau đến từ một nguồn gốc: tham ái và si mê. Đó là lý do tại sao có nhiều khi bạn cảm thấy hạnh phúc nhưng vẫn bất an –ngay cả khi bạn đã đạt được điều mình mong muốn, thí dụ được của cải vật chất, địa vị, danh tiếng. Khi có được những thứ này, bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng tâm không thực sự yên vì vẫn còn một nỗi lo sợ len lỏi vào, nhắc rằng bạn có thể đánh mất chúng. Bạn sợ rằng chúng sẽ biến mất. Chính nỗi sợ này là cái khiến bạn bất an. Đôi khi bạn thực sự mất tất cả những thứ này và thực sự khổ đau. Điều đó có nghĩa là dầu những thứ này đem lại hạnh phúc, khổ đau vẫn ẩn tiềm trong đó. Đơn giản là chúng ta không ý thức về điều đó. Cũng như khi bắt rắn: Dầu ta nắm được đuôi nó, nếu ta không buông ra, nó sẽ quay lại cắn ta.
Như thế, đầu và đuôi rắn, cái xấu và cái tốt: Những thứ này tạo ra cái vòng luôn quay. Đó là lý do tại sao dục lạc và khổ đau, tốt và xấu không phải là con đường đạo.
TỬ THẦN
Chúng ta sống như gà, không biết điều gì đang xảy ra. Sáng thì dẫn gà con đi kiếm ăn. Tối về chuồng ngủ. Sáng mai lại đi kiếm ăn. Chủ trại rải gạo cho gà ăn mỗi ngày, nhưng chúng không hiều tại sao chủ lại cho mình ăn. Gà và chủ trại suy nghĩ rất khác nhau.
Chủ trại nghĩ, “Không biết mấy chú gà này cân nặng bao nhiêu?” Gà thì chỉ lo cắm đầu ăn. Khi chủ trại nhấc nó lên để ước tính trọng lượng, nó còn tưởng chủ trại biểu lộ tình thương mến với nó.
Chúng ta cũng không biết điều gì đang xảy ra: ta từ đâu đến, còn sống được bao năm nữa, sẽ đi đâu, ai sẽ đưa ta đến đó. Chúng ta chẳng biết gì cả.
Tử thần thì giống như người chủ trại. Chúng ta không biết lúc nào thì hắn đến tìm ta, vì chúng ta đang đắm đuối –đắm đuối trong cảnh, âm thanh, mùi vị, xúc chạm và suy tư. Chúng ta không cảm nhận mình đang già đi. Chúng ta không biết đâu là đủ.
CÁI BẮT ĐẦU LÀ CÁI KẾT THÚC
Khi được sinh ra là ta đã chết, bạn có biết không. Tuổi già và chết là một thứ. Giống như cái cây. Có phần gốc; có phần ngọn. Khi có gốc, phải có ngọn. Khi có ngọn, phải có gốc. Khi không có gốc, không có ngọn. Không thể có ngọn mà không có gốc: Không có chuyện đó. Nó phải như thế.
Vì thế có vẻ buồn cười: Khi có người mất đi, chúng ta buồn, khổ. Chúng ta khóc lóc, đớn đau –biết bao thứ. Đó là ảo tưởng. Ảo tưởng bạn biết không. Khi một người mất đi, ta khóc. Đó là cách phải như thế không biết tự bao giờ. Chúng ta không dừng lại để quán sát cẩn thận. Thực ra -nếu sư được phép nói- ta nên khóc khi một người được sinh ra. Nhưng chúng ta đã làm ngược lại. Khi đứa trẻ được sinh ra đời, người ta hớn hở, vui cười hạnh phúc. Nhưng thực sự sinh là tử. Tử là sinh. Cái bắt đầu là kết thúc; cái kết thúc là cái khởi đầu.
LÁ CÂY
Khi chúng ta ngồi trong một khu rừng lặng gió, lá cây lặng yên. Khi có gió thổi, lá cây xào xạc.
Tâm ta cũng tựa lá cây. Khi gặp đối tượng, nó xao động theo bản tánh của nó. Bạn càng không biết Pháp, tâm bạn càng xao động. Khi được thỏa ý, nó chết vì dục lạc. Khi gặp điều bất toại, nó chết vì khổ đau. Tâm cứ xao động theo cách đó.
MÀU NƯỚC
Tâm ta, lúc bình thường, giống như nước mưa. Sạch, trong, bình thường. Nếu ta bỏ màu xanh, màu vàng vào, màu của nước sẽ thành màu xanh, màu vàng.
Tâm ta cũng thế: Khi gặp đối tượng nó thích, nó hạnh phúc. Khi gặp điều không ưa thích, nó bực bội, khó chịu –giống như nước đổi màu khi bạn cho màu xanh, màu vàng vào. Nó cứ đổi màu như thế.
MỒ CÔI
Tâm ta, khi không được ai chăm lo, nó giống như đứa trẻ không có cha mẹ chăm lo –một đứa trẻ mồ côi, một đứa trẻ không người bảo vệ. Người không được ai chăm lo, bảo vệ sẽ khổ đau, và tâm ta cũng thế. Nếu tâm không được huấn luyện, nếu quan điểm của tâm không chân chính, không đưa đến chánh kiến, nó sẽ gặp nhiều khó khăn.
TẠI SAO LÀ GÁNH NẶNG
Khi đau khổ phát sinh, bạn cần nhận biết khổ, và xét xem cái khổ này phát khởi từ đâu. Bạn có thấy ra điều gì không? Nếu ta nhìn sự vật với cái nhìn bình thường, thì không có khổ. Thí dụ, khi đang ngồi đây, chúng ta thấy rất tự tại. Nhưng được một lúc, chúng ta muốn lấy cái ổng nhổ, nên cầm nó lên. Giờ thì mọi thứ đã khác. Khác với khi ta chưa cầm cái ống nhổ lên. Khi cầm ống nhổ lên, ta cảm nhận sức nặng. Có lý do cho việc đó. Tại sao ta cảm thấy nặng nếu không phải vì ta đã cầm cái ống nhổ lên? Nếu ta không làm vậy, thì không có gì xảy ra. Nếu ta không nhấc nó lên, ta cảm thấy nhẹ nhàng. Vậy thì gì là nhân, gì là quả? Chúng ta chỉ việc quán sát chừng ấy, ta cũng hiểu. Chúng ta không cần phải đi học hỏi ở tận đâu. Khi ta bám chấp vào thứ gì, đó là nhân của khổ. Khi ta buông xả, không có khổ đau.
CÂY KIM CHÍCH
… Đây là khổ. Cái khổ thông thường là một việc; cái khổ vượt lên trên cái bình thường lại là chuyện khác. Các cái đau do thân tạo ra –đau khi đứng, đau khi ngồi, đau khi nằm: Những thứ này là cái đau thông thường, cái đau do thân tạo ra. Đức Phật cũng cảm nhận những cái đau giống như thế. Ngài cũng cảm nhận được lạc giống như thế, khổ giống như thế, nhưng ngài nhận thức được rằng chúng bình thường. Tất cả mọi hạnh phúc và khổ đau thông thường này, ngài có thể khiến chúng lặng yên vì ngài hiểu chúng. Ngài hiểu cái khổ thông thường: Đó là cách của chúng. Không thực sự lớn lao gì. Bên cạnh đó, ngài còn đón nhận khổ, cái khổ vượt lên trên cái khổ thông thường.
Giống như khi bạn bị bệnh và đi bác sĩ để tiêm thuốc. Mũi kim xuyên qua da, đến tận thịt. Có đau một chút, nhưng đó là chuyện bình thường. Không có gì to tát. Với ai điều này cũng xảy ra như thế. Cái khổ vượt lên trên cái bình thường là cái khổ của bám víu. Giống như ngâm mũi kim vào thuốc độc, rồi chích vào cơ thể. Làm thế ta không đau theo cách bình thường; đó không phải cái đau bình thường. Cái đau này đủ để giết bạn.
THỊT DÍNH KẼ RĂNG
Sự ham muốn dục lạc là điều khó tránh. Không khác gì khi ăn thịt, ta bị thịt dính vào kẽ răng. Rất đau. Ngay cả khi chưa dùng xong bữa, bạn phải dừng lại để tìm cây tăm lấy nó ra. Khi lấy nó ra được rồi, bạn cảm thấy nhẹ nhõm được một lúc và không muốn ăn thịt nữa. Nhưng lúc khác thấy thịt, bạn lại ăn, lại bị dính kẽ răng. Lại phải cạy ra, lại thấy nhẹ nhõm. Đối với dục lạc cũng giống như thế: không khác gì hơn miếng thịt nhét kẽ răng. Bạn cảm thấy bực bội, khó chịu, sau đó bạn phải cạy bỏ nó ra khỏi cơ thể bằng bất cứ cách nào. Bạn không hiểu thế là thế nào. Đúng là điên rồ.
CHẾT KHÁT
Như người lữ hành đường xa đang rất khát nước. Anh ta xin nước, nhưng người ta bảo anh, “Anh có thể uống nước này nếu muốn. Nước trong, không có mùi, vị ngọt, nhưng là nước độc, tôi cảnh báo anh. Nó độc đến chết người hay khiến anh đau như chết”. Nhưng người lữ hành không quan tâm vì anh ta quá khát.
Hoặc giống như người sau giải phẫu. Bác sĩ bảo không được uống nước, nhưng bệnh nhân vẫn xin nước uống.
Người khát dục lạc cũng giống như thế: khát cái nhìn, khát âm thanh, mùi, vị, tất cả những thứ độc hại.
Đức Phật dạy rằng sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp là độc hại. Chúng là những cái bẫy. Nhưng ta không lắng nghe Đức Phật. Giống như kẻ lữ hành khát nước không màng đến lời cảnh báo vì anh ta quá khát: Không cần biết sẽ bị ngộ độc, đau đớn đến thế nào, anh ta vẫn xin được uống nước. Anh ta không quan tâm, nếu sau khi uống, anh sẽ chết hay bị đau đớn như chết. Ngay khi có ly nước trong tay, anh ta sẽ uống không ngừng. Người khát dục lạc uống cảnh, uống âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và suy tư. Chúng có vẻ ngon lành, nên anh ta cứ tiếp tục uống chúng vào. Anh không thể dừng lại. Anh ta uống mãi cho đến khi chết –ngay trong lúc hưởng thụ dục lạc.
CHẠM Ổ KIẾN LỬA
Dục lạc tựa như nhánh cây chọc vào ổ kiến lửa. Ta càng chọc vào ổ, kiến lửa càng túa ra nhiều, tràn vào người, vào mặt, vào mắt, cắn tai, cắn mắt. Nhưng ta vẫn không thấy tác hại của việc ta làm. Ta chỉ thấy thích hành động như thế. Hãy hiểu rằng nếu ta không thấy được điều tai hại của những việc này, ta sẽ không tìm phương cách để thoát ra.
ẾCH MẮC CÂU
Thú bị bẫy rập đều khổ. Chúng bị cột xuống, bị dính chặt. Chúng chỉ biết nằm chờ thợ săn đến bắt chúng đi. Giống như chim bị mắc bẫy: cổ nó bị bẫy siết, nên dù nó có vùng vẫy bao nhiêu, nó cũng chẳng thể thoát. Nó cứ vẫy đạp, vật mình bên này, bên kia, nhưng nó không thể thoát khỏi bẫy. Nó chỉ có thể chờ thợ săn đến. Khi người thợ săn đến, thế là hết. Đó là Ma vương. Chim chóc rất sợ người này: tất cả mọi loại thú đều sợ người này vì chúng biết không thể chạy thoát.
Những chiếc bẫy của chúng ta là sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Chúng cột ta xuống. Khi ta bám chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, ta cũng giống như con cá bị mắc câu, chờ đợi người câu cá đến bắt. Dầu ta có vùng vẫy đến đâu, ta cũng không thể thoát. Thực sự ra, ta còn khổ hơn con cá bị mắc câu. Ta giống như con ếch bị mắc câu hơn –vì khi ếch mắc câu, lưỡi câu chui tuốt luôn xuống bụng. Khi cá mắc câu, lưỡi câu chỉ ở trong miệng cá.
CÁNH TAY NGẮN
Giáo lý của Đức Phật rất đơn giản, trực tiếp, và nhắm thẳng tới đích, nhưng lại khó cho người mới tu tập vì sự hiểu biết của họ có giới hạn. Giống như có cái lỗ hang: hàng trăm, hàng ngàn người than phiền rằng lỗ hang quá sâu, họ không thể với tới đáy. Gần như không có ai nói rằng vấn đề là vì cánh tay họ quá ngắn.
Đức Phật dạy ta phải buông bỏ mọi ác pháp. Nhưng chúng ta tảng lờ phần này đi và lao thẳng vào việc tạo công đức mà không buông bỏ các ác pháp. Như thế khác gì bảo lỗ hang quá sâu. Những người bảo rằng cánh tay họ ngắn là rất hiếm.
GÂU! GÂU! GÂU!
Có lần sư thấy một con chó không ăn hết chỗ cơm sư đã cho, nó chỉ nằm nhìn dĩa cơm ngay đó. Nó no quá rồi, không thể ăn thêm nữa, nhưng vẫn nằm trông chừng. Nó dần lờ đờ, muốn ngủ, rồi lại ngó tới chỗ cơm còn lại. Nếu có con chó khác đến ăn, dù to hay nhỏ, nó cũng sừng nộ. Nếu mấy con gà đến ăn, nó cũng gầm gừ: Gâu! Gâu! Gâu! Bụng nó no căng, nhưng nó không muốn cho ai khác ăn. Nó thật là ích kỷ, keo kiệt.
Con người ta cũng thế. Nếu họ không biết Pháp, nếu họ không biết bổn phận của mình đối với người trên, kẻ dưới, nếu tâm họ tràn đầy uế nhiễm tham, sân và si, thì dầu họ có bao nhiêu tài sản, họ vẫn là người keo kiệt và ích kỷ. Họ không biết chia sẻ. Họ khó thể chia sẻ với trẻ em nghèo hay người già không có cái để ăn. Sư đã nghĩ nhiều về điều này và cảm thấy họ giống như súc vật bình thường. Họ không có tính cách của con người chút nào. Đức Phật gọi những người đó là con người-súc sinh (manussa-tiracchano). Họ chính là như thế vì họ không có thiện tâm, từ ái, hoan hỷ và rộng lượng.
CON CHÓ NẦM TRÊN ĐỐNG THÓC
… Giống như chú chó nằm trên đống thóc. Bụng nó kêu đói, nhưng nó nằm đó, suy nghĩ, “Không biết tìm đồ ăn ở đâu đây?” Bụng thêm đói, nên nó nhảy xuống khỏi đống thóc chưa xay, đi tìm mấy túi rác.
Đồ ăn ngay đó, trong đống thóc, nhưng nó không biết. Nó không nhìn thấy cơm gạo. Nó không thể ăn thóc chưa xay.
Trí tuệ hiện hữu, nhưng nếu ta không thực hành, ta sẽ không hiểu. Ta cũng ngu si như con chó nằm trên đống thóc. Thật đáng thương. Gạo ăn được đó, nhưng bị trấu che –cũng giống như sự giải thoát ở ngay đây, nhưng nó bị các ảo tưởng của ta che mờ.
GHẺ LÁC
Đức Phật thuyết rằng: “Này các tỷ kheo, các ông có thấy con chó rừng chạy loanh quanh ở đây vào buổi tối? Các ông có thấy nó không? Đứng yên, nó cũng khổ. Chạy lòng vòng, nó cũng khổ. Ngồi xuống, nó cũng khổ. Nằm xuống, nó cũng khổ. Trốn vào hốc cây, nó khổ. Vào trong hang, nó cũng không yên. Nó khổ vì nó nghĩ: ‘Đứng chỗ này không tốt. Ngồi không tốt. Nằm không yên. Bụi cây không ổn. Hốc cây không im. Hang động không được’. Nên nó cứ chạy loanh quanh suốt. Thực ra, con chó rừng đó bị ghẻ lác. Sự khó chịu của nó không phải là ở bụi cây, hốc cây, hay hang động, hay ở việc ngồi, đứng, hay nằm. Nó khổ vì ghẻ lác”.
Quý vị cũng thế. Sự khó chịu của quý vị là do tà tư duy. Quý vị bám chấp vào các tư tưởng độc hại, rồi khổ đau. Quý vị không tập thu thúc các căn, rồi đổ lỗi cho những thứ khác. Quý vị không biết điều gì đang xảy ra trong tâm mình. Khi ở tu viện Nong Pah Pong, quý vị bức bối. Quý vị qua Mỹ, rồi cũng khổ. Qua Anh, cũng không yên. Đến chùa Bung Wai, cũng khổ. Quý vị đi đến các tu viện chi nhánh, rồi cũng khổ. Dẫu đi tới đâu, quý vị cũng không an ổn. Đó là do các tà kiến vẫn còn nằm bên trong quý vị. Quan điểm của quý vị không chính đáng, nhưng quý vị bám chấp vào chúng, vào những ý nghĩ độc hại trong tâm. Dẫu đi tới đâu, quý vị cũng không được bình an. Quý vị giống như con chó rừng ghẻ lác nọ.
Một khi quý vị đã chữa lành khỏi bệnh ghẻ lác, ở đâu quý vị cũng thấy dễ chịu: dễ chịu ở chỗ thông thoáng, dễ chịu ở chỗ hoang vu. Sư thường nghĩ về điều này và lúc nào cũng muốn nhắn nhủ đến quý vị vì giáo pháp này rất hữu dụng.
GIÒI MAGGOT
Khi có chánh kiến trong tâm, ta có thể hạnh phúc ở bất cứ nơi nào. Chỉ khi ta còn tà kiến, còn bám chấp vào các ý tưởng độc hại, thì ta sẽ khổ đau. Bám chấp theo cách đó thì khác chi con giòi. Nơi chúng sinh sống bẩn thỉu; đồ chúng ăn bẩn thỉu. Đồ ăn của chúng không đáng gọi là đồ ăn –nhưng đối với con giòi thì không có vấn đề gì. Thử lấy que gạt nó ra khỏi đống phân mà nó đang ăn, xem điều gì sẽ xảy ra. Nó sẽ ngọ nguậy, ngọ nguậy, nhanh chóng trở lại với đống phân cũ. Chỉ khi đó nó mới thấy hạnh phúc.
Đối với quý sư và các sa-di cũng thế. Các ông vẫn còn tà kiến trong tâm. Quý thầy có đến khuyên dạy các ông phương cách để có được chánh kiến, nhưng các ông không thấy thích. Các ông tiếp tục quay về đống phân cũ. Chánh kiến không thích hợp với các ông vì các ông đã quen với đống phân cũ. Chừng nào giòi bọ còn chưa thấy nơi chúng sinh sống là bẩn thỉu, chúng sẽ không rời bỏ. Chúng ta cũng thế. Chừng nào ta còn chưa thấy những khiếm khuyết của tà kiến, ta không thể tránh khỏi chúng. Chúng khiến cho việc tu tập của ta trở nên khó khăn.
SÔNG NGÒI
Sông thường chảy xuống đồng bằng. Chúng chảy theo bản chất tự nhiên. Sông Ayutthaya, sông Muun –bất cứ sông gì: Tất cả đều chảy xuống dưới thấp. Không có dòng sông nào chảy ngược lên cao. Đó là bản chất thông thường của chúng.
Giả dụ có người đang đứng bên bờ sông, nhìn dòng sông chảy nhanh xuống đồi, nhưng anh ta suy nghĩ ngược đời. Anh muốn dòng sông chảy ngược lên đồi. Anh ta sẽ phải khổ thôi. Anh ta sẽ không tìm được chút an bình nào. Ngồi, đứng, đi, hay nằm, anh ta vẫn không yên. Tại sao vậy? Vì cách suy nghĩ của anh ta không đúng.
GÀ & VỊT
Hai người kia thấy một con gà và một con vịt. Người thứ nhất muốn con gà là con vịt, và con vịt là con gà, nhưng không thể nào được. Có cả đời, điều này cũng không xảy ra. Nếu người thứ nhất không dừng suy nghĩ theo cách đó, anh ta sẽ khổ đau. Người thứ hai thấy con gà là gà, con vịt là vịt. Vậy thì không có vấn đề. Khi quan điểm của bạn chân chính, thì không có khổ đau.
Ở đây cũng thế. Anicca –những thứ vô thường- ta muốn chúng thường hằng. Khi chúng vô thường, ta buồn khổ. Người có thể thấy các pháp vô thường là vô thường, sẽ được tự tại. Không có vấn đề với họ.
Từ ngày có mặt trên đời, chúng ta đã chạy trốn sự thật. Ta không muốn sự vật như chúng là, nhưng ta cũng không thể khiến chúng khác đi. Đó chỉ là cách của chúng. Chúng không thể khác đi. Giống như cố gắng biến con vịt thành con gà. Điều đó không thể xảy ra. Con vịt là con vịt. Hoặc muốn biến con gà thành giống con vịt. Không thể giống được. Con gà là con gà. Ai nghĩ rằng mình muốn hoán đổi mọi việc như thế, sẽ phải khổ đau. Nhưng nếu ta nghĩ, “Sự vật là như thế”, ta sẽ tự tại –vì dầu bạn có cố gắng đến mức nào, bạn cũng không thể khiến thân bền vững hay tồn tại mãi.
MUỐI MÀ KHÔNG MẶN
Có một vị tự xưng là thiền giả, đến thăm và xin được ở lại thiền viện. Ông hỏi về phương cách chúng tôi tu tập, và tôi trả lời, “Nếu sống ở đây, ông không thể giữ tiền hay lưu giữ thứ gì. Chúng tôi sống theo giới luật”.
Vị ấy nói mình thực hành hạnh không bám chấp.
Sư nói: “Tôi không hiểu ý ông”.
Ông ta hỏi, “Nếu con sử dụng tiền mà không bám chấp, con có thể ở lại đây không?”
Nên sư nói, “Dĩ nhiên. Nếu ông ăn muối mà nói muối không mặn, thì ông có thể ở lại. Nếu ông chỉ tuyên bố là mình không bám chấp chỉ vì ông không muốn tuân giữ giới luật rắc rối, thì khó mà ở lại đây. Nhưng nếu ông ăn muối mà không thấy mặn, thì tôi sẽ tin ông. Ông có thể thực sự ăn cả ký muối mà không thấy mặn? Việc không bám chấp là điều không thể chỉ nói ngoài cửa miệng. Nếu ông nói năng theo kiểu đó, thì ông không thể sống ở tu viện này”.
Sau đó, vị thiền giả ra đi.
CON ĐƯỜNG ĐƠN ĐỘC
Dầu trong tâm có gì: Nếu suy nghĩ của ta chưa đủ tốt, ta không thể buông nó. Nói cách khác, tâm có hai mặt: mặt bên này và mặt bên kia. Người ta thường đi dọc theo bên này hay bên kia. Ít có ai đi ở giữa lộ. Đó là con đường đơn độc. Khi có tình thương yêu, chúng ta đi dọc theo con đường tình yêu. Khi có sân hận, ta đi dọc theo con đường sân hận. Nếu ta cố gắng đi theo con đường không có ái, không có sân, đó là con đường đơn độc. Chúng ta không muốn đi theo con đường đó.
CÁI GAI
Vạn pháp chỉ đơn giản là như thế. Chúng không nhằm đem lại đau khổ cho ta. Giống như cái gai: Cái gai nhọn có khiến ta đau không? Không. Đơn giản nó chỉ là cái gai. Nó không làm khổ ai. Chỉ khi ta dẫm lên nó, ta liền đau.
Tại sao ta đau? Vì ta dẫm lên gai. Nên chính ta mang cái đau đến cho bản thân.
KHIÊNG ĐÁ
“Buông xả” thực sự có nghĩa như thế này: Như thể ta đang khiêng một tảng đá nặng. Ta thấy nặng khi khiêng tảng đá, nhưng không biết phải làm sao, nên tiếp tục khiêng nó. Khi có người bảo ta hãy vứt nó đi, ta nghĩ: “Cái gì? Nếu vứt nó đi, tôi không còn gì cả”. Nên ta lại tiếp tục khiêng tảng đá. Ta không muốn vứt nó đi.
Ngay cả khi người ta bảo: “Nào, vứt nó đi. Như thế sẽ tốt hơn, bạn sẽ được lợi ích hơn”, ta vẫn không muốn vứt tảng đá đi vì sợ rằng mình không còn gì cả. Nên ta tiếp tục khiêng đá cho đến khi đã kiệt sức, đã yếu đến nỗi không còn có thể khiêng nó nữa. Đó là lúc chúng ta phải buông nó.
Chỉ khi đã buông xả thì ta mới hiểu ý nghĩa của nó. Ta cảm thấy tự tại. Và cảm nhận được từ bên trong rằng khi khiêng tảng đá, ta thực sự cảm thấy nặng nề làm sao. Nhưng khi đang khiêng đá, ta không biết sự buông xả có ích lợi dường nào.
CÁI DẰM
Đức Phật dạy chúng ta giải thoát qua trí tuệ. Giống như có một miếng dằm nhỏ hay gai trong chân. Khi đi đứng, có lúc ta cảm thấy đau, có lúc không. Khi va chạm vào đâu, ta cảm thấy đau. Nên ta mần mò trên chân, nhưng không tìm ra cái dằm, thế là ta cho nó qua đi. Sau đó ta đang đi thì vấp chân, và cái dằm lại làm ta đau. Điều này cứ tiếp diễn mãi. Tại sao? Vì cái dằm hay cây gai vẫn còn trong chân ta, chưa gỡ ra được. Cái đau cứ tái diễn. Khi đau, ta đi tìm cái dằm, nhưng không ra, ta lại cho qua. Sau rồi, nó lại đau, ta lại đi tìm nó. Cứ như thế mãi. Khi cái đau phát khởi, ta phải xem nó là gì. Chúng ta không để nó cứ qua đi. Khi chân ta đau, ta nói: “Ồ, cái gai mắc dịch vẫn còn đó”.
Khi cái đau phát khởi, ý muốn lấy cái dằm ra cũng có mặt. Nếu ta không lấy cái dằm ra, cái đau cứ tiếp tục trở lại, trở lại mãi. Ý muốn lấy cái dằm ra vẫn luôn còn đó. Cuối cùng rồi cũng có ngày khi ta quyết định lấy cái dằm ra, dù có thế nào, vì nó làm ta đau.
Ý muốn nỗ lực trong sự thực hành cũng phải giống như thế. Ở đâu có sự tiếp xúc, ở đó có bất an, chúng ta phải khám xét sự vật ngay tại đó, giải quyết sự việc ngay tại đó –giải quyết vấn đề của cái dằm trong chân bằng cách lấy nó ra ngay.
BẮT CÁ
… Khi bạn không thấy được các mối họa từ việc bám chấp này để buông chúng xuống, không thấy phần thưởng sẽ có được khi buông, thì sự tu hành của bạn không đạt được ý nghĩa gì. Giống như bạn chỉ đùa giỡn với những thứ này, lấy móng tay cào chúng chơi. Nếu ta thấy các khuyết điểm của chúng rõ ràng, thấy các lợi ích của việc buông bỏ rõ ràng thì tốt làm sao!
Giống như khi bạn đi bắt cá bằng nơm. Bạn cứ làm thế cho đến khi cảm thấy có cái gì trong nơm. Bạn có thể nghe tiếng động phát ra từ trong nơm. Bạn nghĩ rằng đó là cá nên bạn thò tay vào nơm và sờ soạn chung quanh, nhưng thứ bạn nắm bắt được không phải là cá. Nó là thứ gì đó sống dưới nước. Mắt bạn không nhìn thấy được. Bạn nghĩ có thể là con lươn, mà cũng có thể là con rắn. Bạn không muốn thả tay ra, sợ rằng đó là con lươn. Nhưng nếu là con rắn mà bạn không buông tay thì nó sẽ cắn bạn. Hiểu không? Bạn cảm thấy nghi ngờ vì sự việc không rõ ràng. Lòng ham muốn của bạn quá mãnh liệt đến nỗi bạn cứ nắm chặt nó, vì sợ rằng đó là con lươn. Khi bạn kéo được nó lên khỏi nước, thấy các vân phía sau cổ nó, bạn lập tức buông tay. Lúc đó không có ai bảo bạn, “Rắn đó! Buông đi! Buông đi!”
Không có ai bảo bạn. Tâm tự nói –rõ ràng hơn cả khi có ai đó bảo nó. Tại sao vậy? Vì tự bạn thấy sự nguy hiểm: Rắn có thể cắn. Ai cần phải bảo với tâm như thế? Nếu bạn đã rèn luyện nó như thế, nó sẽ không nắm giữ.
ỐNG NHỔ
Anatta, đơn giản chỉ có nghĩa là ‘vô ngã”. Nhưng nó tùy thuộc vào cảm giác có một cái ngã; nó tùy thuộc vào cảm giác có atta. Đó là lý do có anatta. Khi không có atta, anatta cũng không có. Thí dụ: Bạn không có ống nhổ trong nhà, thì vấn đề với cái ống nhổ này cũng không phiền hà bạn. Dầu nó bị bể, bị nứt hay bị mất trộm, không có gì làm bạn bận tâm –vì không có nhân, không có điều kiện. Tại sao thể? Vì không có ống nhổ trong nhà bạn.
Khi có ống nhổ trong nhà, thì cảm giác về một cái ngã phát sinh. Khi ống nhổ bể, bạn quan tâm. Khi nó mất, bạn quan tâm –vì giờ ống nhổ đã có chủ. Đó là trạng thái của nó. Còn về trạng thái của anatta, có nghĩa là không có ống nhổ trong nhà bạn, nên không có trạng thái tâm phải coi chừng và bảo vệ ống nhổ, không có sợ nó bị trộm cắp. Các trạng thái này không còn có mặt.
Những thứ này được gọi là tự tính pháp (state-phenomena -sabhava-dhamma). Cũng có nhân, có duyên, nhưng chúng chỉ có mặt, thế thôi.
VỎ (CHUỐI) & VỎ (DỪA)
Sư sẽ cho một so sánh đơn giản. Giả thử quý vị mua chuối hay dừa trong chợ, rồi mang chúng đi theo. Có người hỏi, “Tại sao sư mua chuối?”
“Sư mua để dùng”.
“Vậy sư ăn cả vỏ à?”
“Không”.
“Con không tin sư. Nếu sư không ăn vỏ, tại sao sư phải xách theo vỏ?”
Hoặc khi sư xách dừa, họ hỏi:
“Tại sao sư xách dừa?”
“Sư mang về để nấu cà-ri”.
“Vỏ cũng nấu cà-ri à?”
“Không”.
“Vậy sao sư phải xách theo?”
Thế đó. Quý vị sẽ trả lời các câu hỏi này như thế nào? Qua ái dục. Nếu không có ái dục, quý vị không thể phát triển được kỹ năng, không có được trí tuệ.
Đó là phương cách khi ta nỗ lực hành thiền. Dầu ta thực hành bằng cách buông bỏ, cũng giống như chuối hay dừa: Tại sao ta phải xách theo vỏ chuối hay vỏ dừa? Vì chưa tới lúc buông bỏ chúng. Chúng vẫn còn được dùng để che phủ phần thịt bên trong. Chưa tới lúc vứt bỏ chúng, nên ta còn giữ chúng lại.
Việc thực hành của chúng ta cũng thế: Các giả thuyết và sự buông xả phải đi với nhau, cũng như vì vỏ dừa bao cơm dừa bên trong, nên ta phải mang xách chúng chung. Nếu người có nghĩ là ta ăn cả vỏ dừa, thì sao? Ta biết việc ta làm là đủ.
LÀM TOÁN
Hành pháp cũng như làm toán. Có nhân, chia, cộng và trừ. Nếu ta có thể suy nghĩ theo cách đó, ta sẽ khôn ngoan. Ta biết đúng thời, đúng nơi cho mọi thứ. Ta biết trừ khi cần trừ, nhân khi cần nhân, chia khi cần chia, cộng chung lại khi cần cộng. Nếu lúc nào ta cũng nhân lên, thì tâm ta sẽ trĩu nặng phiền não. Nói cách khác, là ta không hề biết đủ. Không biết đủ nghĩa là không biết mình đang già đi.
Ai biết mình đang già đi là người biết đủ. Khi có đủ, ta dễ nói, “Ok, nhiều rồi mà”. Khi không biết đủ, tiếng “OK” khó nói ra vì ta cứ tiếp tục muốn có thêm. Ta không bao giờ vứt bỏ thứ gì, buông thứ gì, đặt thứ gì xuống. Ta luôn gom thêm. Nếu biết nói “OK”, ta thấy tự tại, dễ chịu. Thế là đủ.
LY BỂ
Giả thử bạn có một cái ly. Bạn nói: “Ly của tôi, còn nguyên vẹn. Hãy cẩn thận, OK? Đừng có làm bể ly của tôi, OK?” Nhưng làm sao bạn có thể ngăn vật dễ bể không bể? Nếu nó không bể bây giờ, sau này nó sẽ bể. Nếu bạn không làm bể ly, người khác có thể làm thế. Nếu người khác không làm bể, con vật nào đó có thể làm bể ly! Đức Phật dạy ta hãy chấp nhận điều đó. Khi ngài dùng một cái ly nguyên vẹn, ngài quán tưởng tới độ xem như nó đã bể. Ngài thấy cái ly còn nguyên, nhưng ngài muốn chúng ta xem như nó đã bể. Bất cứ khi nào ta cầm ly lên, ngài muốn ta nói rằng, “Cái ly đã bể”. Dùng nó rồi để nó xuống: Ngài nói cho chúng ta biết rằng nó đã bể. Đúng không? Sự hiểu biết của Đức Phật là như thế. Ngài thấy cái bể trong cái chưa bể. Vì sao Ngài biết rằng nó sẽ bể? Vì nó chưa bể. Đó là cách để ngài xem như nó đã bể. “Khi nào đến thời điểm, nó sẽ bể”: Ngài phát triển cách nhìn như thế và tiếp tục sử dụng ly. Một ngày kia, ly vuột khỏi tay ngài: “Choảng!” Không vấn đề. Tại sao không vấn đề? “Vì ta đã nhìn nó như đã bể trước khi nó thực sự bể”. Hiểu không?
Nhưng bạn nói, “Ly của tôi rất đắc. Đừng có bao giờ làm bể nó”. Sau đó con chó làm bể ly: “Hừm. Thật muốn giết con chó luôn!” Nếu con bạn làm bể ly, bạn giận con. Bạn sẽ có thái độ như thế với bất cứ ai làm bể ly –vì bạn đã xây đập trong lòng mình, nên nước không chảy xuôi. Bạn đã xây cái đập không lối thoát nước, nên nước chỉ có cách thoát là vỡ bờ, đúng không? Khi xây đập, bạn cũng phải xây lối thoát nước nữa. Để khi nước dâng cao đến miệng, nó có thể thoát ra lối đó, đúng không? Bạn cần một lối thoát nước. Đức Phật đã nhìn ra sự vô thường, và biết đó là bản chất của vạn pháp. Ngài đã nhìn thấy sự vô thường. Khi ta có thể nhìn mọi thứ theo cách đó, ta sẽ được bình an.
Tóm lại, đó là cách thực hành Pháp.
MUỐI
Nếu bạn tạo công đức để chấm dứt khổ, bạn phải đồng thời phát triển các đức tính thiện xảo trong tâm. Nếu bạn không phát triển các thiện pháp, thì trí tuệ không phát sinh. Công đức tự nó giống như miếng thịt hay cá sống. Nếu bạn cứ để như thế thì chúng sẽ hư hoại. Nhưng nếu bạn ướp muối, hoặc để vào tủ lạnh, chúng sẽ để được lâu.
CHẬU NƯỚC ÚP NGƯỢC
Một khi ta đã buông ác pháp, thì dầu ta chỉ tạo công đức từng chút một, ta vẫn có hy vọng dần dần được hoàn thiện. Giống như cái chậu để giữa trời: Dầu mưa có rơi chỉ từng giọt nhỏ, cũng sẽ có ngày cái chậu được đầy nước.
Nhưng nếu ta tạo công đức mà không buông các ác pháp, thì giống như cái chậu bị lật úp để giữa trời. Khi mưa xuống, nước mưa chỉ đọng trên đáy chậu, ở bên ngoài chứ không phải bên trong. Không có cách gì mà nước sẽ đầy được trong chậu.
CHẬU NỨT
Nếu ta tạo ác pháp, rồi cố gắng sửa chữa bằng cách làm thiện, thì giống như trám chỗ nứt ở đáy nồi, đáy chậu, rồi chế nước vào. Đáy nồi, đáy chậu không lành lặn. Sự buông bỏ ác pháp của ta chưa hoàn thiện. Nếu ta đổ nước vào đó, nước vẫn ngấm ra ngoài, và chậu vẫn cạn. Dầu bạn có đổ nước vào đó suốt ngày, nó vẫn từ từ ngấm ra ngoài, và dần dần cạn khô. Bạn sẽ không có được những lợi ích từ việc hứng nước như thế.
NƯỚC TRONG BÌNH
Khi trong tâm không có dấu vết của nhiễm ô, tất cả mọi phiền toái của ta sẽ biến mất. Cảm giác tự tại phát sinh vì ta biết chăm lo cho bản thân. Tâm trở nên thánh thiện. Khi nó lặng yên, nó trở nên định tĩnh. Khi nó định tĩnh, nó bắt đầu tiến đến trí tuệ. Như thế là ta biết cách để làm cho tâm trong sáng, rõ ràng. Điều gì não hại, ta buông. Điều gì sai trái, ta gạt qua một bên.
Giống như nước đựng trong bình thủy tinh. Ta múc từng gáo đầy, rồi đổ đi. Lại múc gáo thứ hai, đổ đi –tiếp tục múc nước đổ đi. Không lâu nước trong bình sẽ cạn đi. Tâm muốn đi vào thực hành cũng phải như thế.
Nhưng nếu ta không nhìn mọi thứ theo cách này, giống như chế nước vào bình, rồi lấy nó ra; chế vào bình, rồi lấy ra. Công đức, ác pháp; ác pháp, công đức; đúng, sai; sai, đúng; tốt, xấu; xấu, tốt: tự tại giây phút này, khổ đau giây phút kế.
KHUÔN MẪU
Quý thầy, cô là khuôn để nắn tạo con người, để ta quay hướng về Pháp và thực hành Pháp. Hãy hành xử để người khác noi theo gương bạn. Bạn là cái khuôn để tạo ra các đồng tiền làm bùa hộ mệnh? Bạn đã thấy nó chưa? Chỉ là một cái khuôn đơn giản: Họ đã khắc rất khéo, khuôn mặt, chân mày, cằm, không có thứ gì bị lỗi hay thiếu sót, nên các bùa hộ mệnh hình Phật chế tác ra rất đẹp. Khi các đồng tiền này được chế ra, chúng rất đẹp, là nhờ có một cái khuôn hoàn hảo.
Cũng thế đối với quý thầy, cô, những người làm khuôn mẫu cho học trò của mình, và cho người khác nói chung. Quý vị phải tự làm đẹp mình bằng các đặc tính được coi là khuôn mẫu của một người đạo đức. Quý vị phải luôn hành xử đúng theo giới luật và khuôn mẫu của một người dẫn đường, người hướng dẫn tâm linh. Hãy buông bỏ mọi hình thức của nghiện ngập, các hành vi bất thiện. Cố gắng lập lại các tiêu chuẩn siêu đẳng về đạo đức. Quý vị phải là tấm gương tốt cho học trò của mình.
DÂY LEO
Con cái giống như các loại dây leo. Ở đâu có dây leo nẩy mầm, nó phải tìm cây để gá thân. Nếu có một cái cây cách nó khoảng 15 phân, và cây khác khoảng 10 thước, thì bạn nghĩ nó sẽ leo cây nào? Dĩ nhiên, là cây gần nhất. Cây cách nó 10 thước quá xa tầm gửi của nó.
Cũng thế, thầy cô là người gần gũi nhất đối với học trò của mình. Con trẻ thường xem họ là khuôn mẫu để mình noi theo. Vì thế, thầy cô giáo phải hành xử tốt, có tiêu chuẩn đạo đức –trong ý nghĩa của những việc nên làm và không nên làm- trước mặt con trẻ. Đừng chỉ dạy bằng miệng. Cách quý vị đứng, đi, ngồi –mọi cử động, mọi lời nói- phải biến chúng thành bài học cho trẻ. Chúng sẽ noi theo gương quý vị vì trẻ con rất giỏi bắt chước. Chúng nhanh học theo hơn là người lớn.
LY NƯỚC DƠ
Nhiều người đến chùa có địa vị cao trong xã hội và quan điểm riêng về mọi thứ: về bản thân, về việc hành thiền, về những lời dạy của Đức Phật. Có người là doanh nhân giàu có, có người học vị cao, người là thầy, cô giáo hay công chức. Đầu óc họ tràn đầy ý kiến về mọi thứ. Họ quá thông minh để muốn lắng nghe người khác. Giống như nước trong ly. Nếu ly đầy nước dơ, nó không ích lợi gì. Chỉ khi nào bạn đã đổ nước dơ đi thì bạn mới có thể sử dụng ly. Quý vị phải buông bỏ hết các quan điểm trong tâm thì mới có thể học hỏi được điều mới.
Các bước thực hành của chúng ta vượt lên trên sự thông minh và ngu dốt. Nếu quý vị nghĩ, “Tôi thông minh. Tôi giàu có. Tôi quan trọng. Tôi hiểu rõ những lời dạy của Đức Phật”, thì quý vị không bao giờ thấy được chân lý về anatta hay vô ngã. Quý vị không có gì ngoài cái ngã –tôi và cái của tôi. Nhưng giáo lý của Đức Phật là về buông cái ngã. Trống rỗng. Giải thoát khỏi khổ. Hoàn toàn buông bỏ. Đó là Niết-bàn.
HÁI XOÀI
Nếu cây xoài cao khoảng năm thước, mà ta muốn hái trái, ta không thể dùng que dài mười thước để hái, vì dài quá. Ta cũng không thể dùng que hai thước, vì quá ngắn.
Đừng nghĩ rằng một ông tiến sĩ sẽ dễ thực hành Pháp vì ông ta biết nhiều. Đừng suy nghĩ theo cách đó. Đôi khi những người có bằng tiến sĩ giống cây que hái trái quá dài.
MÁY GHI ÂM BÊN TRONG BẠN
Giáo lý sư muốn dạy các bạn hôm nay là: Nếu lắng nghe Pháp thoại này có thể giúp tâm bạn trống không, lắng tịnh, là đủ tốt rồi. Bạn không cần phải thuộc lòng điều gì. Có bạn sẽ không tin điều đó. Nếu bạn để tâm yên tĩnh, rồi để bất cứ điều gì bạn lắng nghe đi qua, đi qua, nhưng bạn vẫn tiếp tục quán tưởng, thì bạn giống như cái máy ghi âm. Bất cứ khi nào nó được vặn lên, mở lên như thế này, thì mọi thứ ở ngay đó.
Các máy ghi âm ở bên ngoài có thể hư hoại. Sau khi bạn mua chúng xong, chúng có thể hư. Nhưng máy ghi âm bên trong bạn, khi pháp đi thẳng vào tâm: Ôi, nó thật tuyệt vời. Nó luôn có mặt, mà không hề làm hao tốn pin của bạn.
BONG BÓNG
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có những vị chứng ngộ được Pháp tối thượng trong khi ngồi lắng nghe Pháp. Họ rất nhanh. Giống như quả bong bóng: Khí trong quả bóng có sức tụ đẩy ra ngoài. Ngay khi bạn châm nó với một đầu kim, tất cả khí sẽ tràn ra ngay.
Ở đây cũng thế. Khi ta nghe Pháp theo đúng với thiên hướng của mình, nó sẽ đảo ngược các quan điểm, làm thay đổi từ thứ này sang thứ khác, và bạn có thể đạt được Pháp chân chánh.
KHÔNG SO BÌ VỚI BÒ
Một con bò kéo xe nặng trên khoảng đường dài –mặt trời càng xuống thấp ở phía chân trời, chiều đang tới, thì bò càng nhanh bước hơn, vì nó muốn đến đích nhanh chóng. Nó nhớ cái chuồng của mình.
Phàm phu chúng ta, càng già, càng nhiều bệnh hơn, càng gần với cái chết hơn: Đó là lúc ta cần phải tu tập. Không thể dùng tuổi già, dùng sự bệnh hoạn như là cái cớ để không tu, nếu không, ta còn thua con bò.
TÂM LÀ THẦY CỦA CHÍNH NÓ
Ai ở đây cũng giống nhau. Chúng ta không khác gì nhau. Ngay lúc này chúng ta chưa có thầy –vì nếu ta được Pháp khai ngộ, tâm phải dạy chính nó. Nếu tâm không tự dạy mình, thì dầu người khác có dạy cho ta bao điều, tâm sẽ không lắng nghe, tâm sẽ không chịu hiểu. Nó phải là thầy của chính mình.
Không phải dễ để tự mình soi lại mình. Rất khó. Vì thế hãy quán chiếu về điều này một chút. Tất cả chúng ta đều tạo ác nghiệp. Giờ đã lớn tuổi rồi, ta cần dừng lại. Hãy làm cho nó nhẹ đi. Hãy giảm bớt lại. Thực sự không có gì hơn. Tất cả chỉ có thế. Hãy hướng tâm theo đường đạo đức.
NƯỚC & DẦU
Nước và dầu khác nhau, cũng như người khôn khác với kẻ ngu. Đức Phật cũng sống với thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và tư duy, nhưng ngài là A-la-hán, nên ngài nhìn những thứ này ‘như chúng là’, chỉ có thế. Ngài tiếp tục buông bỏ, kể từ khi ngài nhìn ra được tâm chỉ là thế -là tâm, chỉ có thế; tưởng chỉ là thế -tưởng, chỉ có vậy. Ngài không pha trộn chúng với nhau.
Nếu ta có thể suy nghĩ theo cách đó, nếu ta có thể cảm giác theo cách đó, ta có thể giữ chúng tách biệt. Tưởng và cảm giác ở một bên này, tâm ở bên kia, giống như dầu và nước, dẫu ở cùng trong một bình chứa vẫn không trộn lẫn.
SƯ NGOÀI MẶT, SƯ TRONG TÂM
Một khi đã được thọ giới theo giáo lý nhà Phật, bạn được coi như sẽ trở thành nhà sư. Nhưng bạn chưa thực sự là nhà sư, phải không? Thân bạn là người tu: đầu tròn, áo vuông. Nhưng bạn chỉ là nhà sư ở mức độ bề ngoài.
Giống như khi người ta khắc gỗ, đổ xi-măng hay khuôn đồng tượng Phật ở mức độ giả định. Đó không phải là Phật thật.
Những ai vẫn còn là nhà sư giả định –nói cách khác, họ vẫn còn tham, sân, và si trong tâm: Những thứ khiến ta rơi vào vòng sinh, tử. Những thứ là lý do khiến ta không được an tịnh. Nếu bạn đã gột rửa tham, sân, si khỏi tâm, bạn sẽ được thanh khiết. Bạn sẽ đạt đến mức độ là sư chân thật –có nghĩa là một nhà sư thực sự trong tâm.
BÀN & GHẾ
Thanh lọc tâm để được thanh tịnh và an bình là điều tốt, nhưng khó làm. Ta phải bắt đầu với những thứ ở bên ngoài –hành động và lời nói ở thân- rồi từ đó đi trở vào trong. Con đường dẫn tới sự thuần khiết, đưa tới tĩnh lặng, là con đường có thể tẩy sạch tham, sân và si. Ta phải thực hành kiềm chế và tự thu thúc, đó là lý do tại sao nó khó –nhưng khó thì đã sao?
Cũng giống như khi lấy gỗ làm bàn, ghế. Rất khó, nhưng khó thì sao? Gỗ mộc phải đi qua một quá trình. Trước khi thành bàn, ghế, gỗ phải đi qua các giai đoạn nặng nề, thô ráp.
Chúng ta cũng thế. Ta phải trở nên thiện xảo ở những chỗ chưa thiện xảo, đáng ngưỡng mộ ở những thứ chưa được ngưỡng mộ, đầy năng lực ở những chỗ chưa đủ năng lực.
CON CUỐN CHIẾU
Khi số đông người đến sống cùng nhau, ta dễ tu tập hơn nếu ta có các quan điểm đúng đắn và thích hợp với nhau. Khi chúng ta sẵn lòng thay đổi và dẹp bỏ tự ái để hòa hợp, là ta đã đến cùng nhau theo tinh thần Phật, Pháp và Tăng. Bạn không thể nói rằng vì có nhiều người khiến ảnh hưởng đến sự thực hành của bạn. Giống như con cuốn chiếu. Nó có rất nhiều chân. Ta nhìn nó, ta nghĩ chắc nó khó sinh hoạt vì có quá nhiều chân. Nhưng nó vẫn đi. Đi tới, đi lui, nó không có vẻ gì khó khăn. Nó có nhịp điệu, có trước sau.
Giáo lý của Đức Phật cũng thế: Nếu ta thực hành giống như một đệ tử của Phật, thì rất dễ. Nói cách khác, nếu ta thực hành một cách đúng đắn, thực hành nghiêm túc, thực hành để được giải thoát khỏi khổ, và thực hành đúng pháp, thì dầu có hàng trăm người, hàng ngàn người, cũng không thành vấn đề. Tất cả mọi người đều đi theo dòng chảy.
QUÉT NHÀ
Công việc hằng ngày tạo cho ta nhiều sức mạnh. Ở đâu trong tu viện ta cũng có thể làm việc đó –không kể đó là trong thất riêng của ta hay của ai: Nếu nơi đó dơ, bừa bãi, hãy dọn sạch. Bạn không cần làm vì ai đó. Không cần làm để gây ấn tượng với ai. Bạn làm để được thực hành. Khi ta quét thất riêng, quét tu viện, giống như ta quét tất cả mọi ô uế khỏi tâm, vì ta là người đang tu tập. Sư muốn tất cả quý vị đều nghĩ như thế trong tâm. Như thế thì ta không cần đòi hỏi phải có sự hợp tác hay hòa hợp. Chúng đã có sẳn đây rồi.
TRỒNG TIÊU
Đức Phật, bổn sư của chúng ta dạy rằng sự việc diễn ra như thế nào là việc của chúng. Ta cứ nỗ lực thực hành, vì ta không thể khiến kết quả đến mau hay chậm. Giống như khi trồng cây tiêu. Cây tự nó biết phải làm gì. Nếu ta muốn nó lớn nhanh hơn, ta phải biết đó là ảo tưởng. Nếu ta muốn nó chậm lớn, đó cũng là ảo tưởng. Chỉ khi đã thực sự trồng nó xuống, ta mới biết kết quả có như ta mong muốn.
Khi trồng cây tiêu, bổn phận của ta là đào đất, tưới cây, bón phân, đuổi côn trùng cho cây. Chỉ có thế. Đó là thứ ta cần làm, là bổn phận của ta. Còn cây tiêu có xuất hiện hay không, đó là việc của cây. Không phải của ta. Chúng ta không thể kéo cây cho nó dài ra, lớn lên.
ĐƯỜNG TỚI TU VIỆN
Giới, định và tuệ: Đức Phật gọi đó là con đường. Con đường đó không phải là tôn giáo, không phải là thứ Đức Phật thực sự cần, nhưng đó là con đường đưa đến đích.
Cũng giống như khi ta đi từ Bangkok đến tu viện Nong Pah Pong. Bạn đâu muốn con đường phải đến đây. Bạn muốn đi đến tu viện kìa. Nhưng phải cần có con đường để bạn đi. Con đường không phải là tu viện. Nó chỉ là con đường để đến tu viện. Bạn phải đi theo con đường đó để đến tu viện.
Giới, định, tuệ là con đường đến bình an, là những thứ chúng ta thực sự cần.
THUỐC
Giống như khi bác sĩ đưa thuốc cho bệnh nhân đang bị sốt. Bên ngoài chai sẽ có hướng dẫn về các bệnh mà thuốc có thể chữa. Còn thuốc chữa bệnh thì ở bên trong chai. Nếu bệnh nhân chỉ đọc lời hướng dẫn –thì dầu anh ta có đọc hàng trăm, hàng ngàn lần- cuối cùng anh cũng chết, và chẳng được ích lợi gì từ thuốc. Nếu không biết chuyện, anh ta còn đi rêu rao rằng bác sĩ dỏm, thuốc không trị được bệnh như ghi trong toa, dầu chưa bao giờ mở nắp để lấy thuốc uống.
CỌ ĐÁNH LỬA
Sự thực hành giống như lấy cọ đánh lửa. Có câu rằng, “Lấy hai cành cây tre, cọ xát chúng với nhau, thì sẽ có lửa”. Nên có người cũng làm thế, nhưng với tâm không kiên nhẫn. Vừa cọ được một lúc, anh ta đã mong có lửa. Lòng anh cứ mong lửa đến nhanh, nhưng lửa không đến. Anh trở nên lười biếng, nên ngừng lại nghỉ. Rồi lại cọ cây một chút nữa, rồi lại dừng tay. Hơi ấm nếu có, lúc đầu đã biến mất, vì sức nóng không được tiếp hơi.
Nếu người đó cứ tiếp tục hành động như thế, dừng lại khi thấy mệt –nếu thực sự mệt cũng không đáng nói: Nhưng sự lười biếng xen vào, nên không có gì thành công. Thế là anh ta nghĩ là không thể có lửa, không còn muốn có lửa nữa, nên anh ta bỏ cuộc. Dừng lại. Không cọ cây đánh lửa nữa. Sau đó anh ta đi loan tin rằng, “Không có lửa. Không thể lấy lửa theo cách đó. Không có lửa đâu. Tôi đã thử làm rồi”.
CHÌA KHÓA THIỀN
Thực hành giống như chiếc chìa khóa, chìa khóa thiền. Khi đã có chìa khóa trong tay, ta không cần biết ống khóa ra sao. Ta không cần biết ống khóa chặt như thế nào, vì bất cứ khi nào ta tra chìa khóa vào ống, ta cũng mở được khóa, đúng như ý muốn. Nếu ống khóa không có chìa, ta không thể mở được khóa, không đạt được mục đích của mình. Bất cứ thứ gì bị khóa trong tủ, ta không thể lấy ra.
NÓNG & LẠNH
Ở đâu có lửa cháy cũng giống nhau; ở đâu có nóng, ở đó sẽ dịu xuống. Ở đâu có nóng, ta sẽ làm nó nguội ngay sau đó. Tương tự, Niết-bàn ở cùng chỗ với luân hồi, sinh tử; và luân hồi cũng ở cùng nơi với Niết-bàn.
Giống như lạnh và nóng ở cùng một chỗ: Lạnh ở chỗ nóng. Khi có nóng, cái lạnh biến mất. Khi cái lạnh biến mất, có nóng.
NGƯỢC DÒNG
Tu tập là đi ngược dòng: ngược với các dòng chảy trong tâm, ngược với dòng chảy của uế nhiễm. Bất cứ thứ gì khi nó đi ngược dòng đều khó khăn. Nếu ta chèo thuyền ngược dòng, cũng rất khó. Muốn xây đắp thiện tánh, đức hạnh là điều khó vì phàm phu thường có nhiều uế nhiễm. Ta không muốn làm điều đó. Ta không muốn bị phiền toái. Ta không muốn kham nhẫn, chịu đựng. Đa số chúng ta muốn mọi thứ chảy theo tâm trạng của mình. Giống như nước: nó chảy theo dòng. Nếu chúng ta để mọi thứ chảy theo dòng như nước, chuyện đó dễ nhưng đó không phải là tu tập. Muốn tu tập, ta phải biết kháng cự. Ta phải kháng cự uế nhiễm, kháng cự lại tâm, áp lực chính tâm mình, tăng trưởng sức mạnh của kham nhẫn. Đó chính là khi sự tu tập của ta đang đi ngược lại dòng chảy.
CON MÈO
Uế nhiễm giống như mèo. Nếu ta cho mèo ăn bất cứ khi nào nó muốn, nó sẽ quay lại mỗi lúc một thường xuyên hơn. Nhưng sẽ có ngày, nó sẽ cào ta, nếu ta không cho nó ăn. Vì thế ta không cần phải cho nó ăn. Nó sẽ kêu meo meo hoài, nhưng nếu ta không cho nó ăn một hay hai ngày, nó sẽ không quay trở lại.
Với uế nhiễm cũng thế. Nếu ta không dung dưỡng chúng, chúng sẽ không làm phiền ta. Lúc đó tâm ta sẽ có thể lắng xuống và an tịnh.
LÀM TRƯỚC, TRẢ TIỀN SAU
Nhiều người đến tu tập không muốn gì ngoài an lạc. Nhưng an lạc ở đâu ra chứ? Duyên nào đưa nó đến? Mọi hình thái của an lạc phải đến từ sự khổ luyện. Sau đó mới mong có an lạc. Bất cứ chúng ta làm gì: Ta phải làm việc trước, sau mới có lương để chi tiêu, đúng không? Ta phải đổ mồ hôi trên cánh đồng, sau mới có lúa gạo để ăn. Mọi thứ trước tiên phải trải qua khổ nhọc.
ĂN MÍA
Bạn đã từng ăn mía chưa? Khi bạn ăn từ ngọn xuống gốc, bạn thấy thế nào? Càng gần đến gốc, càng thấy ngọt –đến nỗi dầu chỉ còn tí tẹo, bạn cũng không muốn vứt nó đi. Sợ uổng phí. Mấy con kiến muốn ăn, bạn cũng không cho.
Vậy hãy tu tập giống như thế. Hãy thực hành Pháp giống như người ăn mía.
HÀNG RÀO
Đối với việc thực hành, hãy bắt đầu bằng cách thiết lập năng lực của kham nhẫn, sau đó tập quán sát. Quán sát các hoạt động của mình, việc đi, việc đến. Quán sát xem bạn đang dự tính điều gì. Bất cứ điều gì phát khởi, Đức Phật cũng đã dạy ta. Sự vật đến từ phương hướng nào, Đức Phật cũng đã dạy ta. Nếu ta đã biết mọi thứ, biết điều gì sẽ đến ở đây, ta sẽ thấy nó. Điều gì sẽ đến ở đó, ta sẽ thấy nó. Đúng ta biết. Sai ta cũng biết. Buồn ta biết. Hoan hỷ ta hay. Ta biết rõ mọi thứ.
Nhưng các tâm của ta, khi chúng quán sát, chúng chưa biết rõ ràng. Tâm chỉ biết mặt này, nhưng bỏ ngỏ mặt kia. Giống như khi ta làm hàng rào quanh vườn hay nhà nhưng không làm trọn vẹn. Ta chỉ rào một bên này, trộm cướp sẽ vào phía bên kia, nơi không có hàng rào. Tại sao vậy? Vì ta chưa đóng cổng. Hàng rào ta làm chưa hoàn tất. Nên trộm cướp đi vào chỗ trống, đó là chuyện bình thường. Nên chúng ta quán sát tiếp, làm thêm rào, tiếp tục đóng mọi thứ lại.
Dựng hàng rào ở đây có nghĩa là thiết lập chánh niệm và luôn tỉnh thức. Nếu ta làm thế, Pháp sẽ không đi đâu cả. Nó sẽ đến ngay tại đây. Tốt hay xấu, Pháp ta cần thấy và cần biết, sẽ phát khởi tại đây.
VÒNG TRÒN
Đối với việc thực hành, đừng nghĩ rằng phải ngồi mới là hành thiền, rằng phải đi qua, lại mới là hành thiền. Đừng nghĩ như thế. Thiền chỉ là vấn đề thực hành. Dầu bạn đang diễn thuyết, ngồi đây lắng nghe, hay đi khỏi nơi đây, hãy giữ sự thực hành trong tâm. Hãy tỉnh thức để biết điều gì đúng, điều gì sai.
Đừng cho rằng chỉ cần thực hành giới luật trong mấy tháng an cư mùa mưa, rồi buông bỏ chúng sau khi mùa an cư đã qua. Như thế là không được. Mọi thứ không thể giải quyết theo cách đó. Giống như dọn vườn. Ta phải luôn cắt tỉa, cắt tỉa, sau đó khi mỏi mệt ta mới dừng lại nghỉ ngơi. Ta dọn cuốc xẻng, rồi một hay hai tháng sau sẽ trở lại. Cỏ dại giờ còn cao gốc rễ đã cắt trước đó. Nếu chúng ta cố gắng dọn lại những nơi ta đã dọn, ta sẽ phí sức.
Ngài Ajaan Mun có lần đã nói rằng, chúng ta phải giữ cho sự thực hành của mình giống như một vòng tròn. Vòng tròn không có chỗ dừng. Hãy khiến nó tiếp tục, không dừng nghỉ. Khi tôi lắng nghe ngài, tôi nghĩ, “Vậy khi tôi đã lắng nghe xong pháp thoại này, tôi sẽ phải làm gì?”
Câu trả lời là hãy khiến sự tỉnh thức akaliko: vô thời hạn. Hãy chắc chắn rằng tâm luôn biết và nhận thấy được điều gì là đúng, điều gì sai.
LỬA & LŨ
Đức Phật dạy rằng đó là cách của thân và tâm. Chúng sẽ tiếp tục theo cách đó. Chúng không thể khác hơn. Nói cách khác, trước tiên chúng phát khởi, rồi chúng già đi, rồi chúng hư hoại, sau cùng chúng chết. Đó là sự thật, là chân lý, mà bạn đang trải nghiệm ngay hiện tại. Đó là chơn đế. Vì thế hãy quán sát với trí tuệ để thấy được nó, chỉ có thế.
Ngay nếu như nhà bạn bị cháy, nếu như nhà bạn bị nước ngập, thì cũng chỉ nên quan tâm đến cái nhà. Nếu lửa cháy, đừng để nó đốt cả tâm bạn. Nếu nước ngập, đừng để nước tràn tâm bạn. Hãy để nước chỉ ngập nhà. Hãy để lửa chỉ cháy nhà, là thứ nằm ngoài thân. Còn tâm, hãy buông xả nó, vì đây đúng là thời điểm. Đã đến lúc phải buông bỏ.
ĐỂ LY XUỐNG
Tu tập bằng cách buông. Đừng nắm giữ. Hoặc giả nếu có nắm giữ, đừng nắm chặt. Bạn có hiểu việc không nắm giữ là gì không? Cái ly này đây: Ta cầm nắm nó lên và quán sát nó. Khi ta đã biết nó là thế nào, ta đặt nó xuống. Đó gọi là không nắm giữ -nói cách khác, nắm giữ nhưng không nắm chặt. Ta chỉ nắm giữ để quán sát, để biết, xong rồi ta để nó xuống. Ta bình thản. Cũng thế với mọi thứ khác ….
CHUỐI CÓ ĐỘC
Sư đến sống ở một tu viện, xuất gia làm sa-di khi mới chín tuổi. Những ngày ấy, sư cứ cố gắng thực hành, nhưng không hiểu nhiều về mọi thứ. Sư chỉ bắt đầu có hiểu biết khi được thọ giới làm tỳ kheo. Ôi! Sư thấy sợ tất cả mọi thứ. Khi quán sát đời sống đầy dục lạc của người thế tục, thay vì thấy vui vẻ, hạnh phúc như họ nghĩ, sư chỉ thấy khổ đau. Giống như bánh chuối. Khi ăn ta thấy nó ngon, ngọt. Ta biết vị ngọt của nó. Nhưng nếu ta biết ai đó đã bỏ thuốc độc vào chuối, nếu biết rằng ta sẽ tử vong sau khi ăn chuối, ta sẽ không màng chuối ngọt đến đâu, đúng không? Quan điểm của sư luôn là thế. Khi sư sắp sửa ăn thứ gì, sư luôn nhìn thấy chất độc bên trong. Đó là lý do tại sao càng ngày sư càng lánh xa thế tục, cho đến ngày nay, sư đã tu hành được bao năm rồi. Một khi bạn có hiểu biết, những thứ như thế không thể hấp dẫn bạn.
HỌC & HÀNH
Một số quý vị là học giả, đã nghiên cứu kinh điển, đã học nhiều thứ. Sư bảo, vậy thử hành thiền. Vấn đề của quý vị là ở việc bám sát theo sách vở: Khi bạn học, bạn học theo sách vở, nhưng khi thực hành, bạn phải thoát ra khỏi sách vở. Nếu bạn chỉ biết chiến đấu theo như sách vở, bạn sẽ không phải là đối thủ của kẻ thù. Đối với những vấn đề nghiêm trọng, bạn phải vượt thoát lên trên sách vở.
BÀN TAY
Những người học kinh điển và những người thực hành Pháp thường hiểu lầm nhau. Người nghiên cứu kinh điển sẽ nói, “Quý vị không học đạo, chỉ thực hành, chỉ nói theo quan điểm cá nhân”. Có nghĩa là họ nói mà không có bất cứ chứng cứ gì.
Thực sự có phương cách chứng tỏ cả hai quan điểm đều giống nhau. Điều đó giúp ta hiểu sự việc tốt hơn. Giống như phía trong và phía ngoài của bàn tay. Khi bạn đưa tay thẳng ra phía trước mặt, lòng bàn tay dường như biến mất. Nhưng thực sự nó không biến đi đâu cả. Nó chỉ giấu mình ở phía bên kia. Tương tự, khi bạn ngữa bàn tay lên, lưng bàn tay dường như biến mất. Nhưng thực sự nó không biến đi đâu. Nó chỉ ở phía dưới.
Bạn nên nhớ điều đó khi quán sát thực hành. Nếu bạn nghĩ là việc thực hành của mình giảm sút, bạn nên dừng việc học và chú tâm vào việc thực hành sao cho có kết quả. Nhưng dầu bạn có học Pháp nhiều tới đâu, bạn cũng không hiểu vì bạn chưa biết đúng theo chân đế. Một khi bạn hiểu bản chất thực sự của Pháp, bạn bắt đầu xả bỏ. Đây là sự quyết tâm tháo gỡ mọi chấp giữ, bạn không còn bám víu vào bất cứ thứ gì nữa. Hoặc giả có còn nắm giữ, thì nó cũng dần dần sút giảm.
Đó là sự khác biệt giữa học và hành.
CHỮ VIẾT
Dừng lại. Hãy bỏ các hiểu biết qua sách vở vào tủ. Đừng đem chúng ra nói ở đây. Bạn không thể mang thứ hiểu biết đó vào đây. Ở đây có loại hiểu biết mới. Khi sự việc thực sự phát sinh, nó không phải cùng một thứ.
Như khi bạn viết chữ, “tham”, và khi tham phát khởi trong tâm, nó không giống như chữ viết. Cũng thế khi bạn giận và khi bạn viết chữ “giận” trên bảng, đó không phải là một thứ. Đó là các chữ. Nhưng khi giận phát khởi trong tâm, nó xảy ra quá nhanh khiến bạn không thể đọc được gì. Nó phát khởi ngay lập tức trong tâm. Điều này quan trọng. Rất quan trọng.
TÉ CÂY
Cũng thế đối với lý duyên hệ. “Vô minh duyên hành. Hành duyên thức. Thức duyên danh và sắc”. Chúng ta đã học thuộc lòng điều đó, và đúng là như thế, cách Đức Phật đã chia sự vật ra thế để ta dễ học. Nhưng khi những thứ này thực sự phát khởi, chúng quá nhanh để ta nhận diện.
Giống như khi ta té từ trên cây xuống dưới đất –bụp! Ta không biết mình đã vượt qua bao nhiêu cành cây. Ngay khi tâm vừa chạm vào một đối tượng, nếu đó là cái nó thích, nó đi thẳng đến “tốt”. Nó không nhận biết các bước liên hệ trong quá trình. Các duyên đi theo đúng với kinh điển, mà cũng vượt lên kinh điển. Chúng không khẳng định: “Đây là vô minh. Đây là hành. Đây là thức. Đây là danh và sắc”. Chúng không có tín hiệu để ta nắm bắt. Giống như khi ta té từ trên cây. Đức Phật đã nói về các khoảnh khắc tâm linh đầy chi tiết, nhưng ở đây sư so sánh điều đó với té cây. Khi ta trượt tay khỏi cây –bụp!- ta không đo được mình đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu mét. Ta chỉ biết là mình đã té xuống đất và bị đau, bị thương.
CON DAO
Tập thể hình là để thân được khỏe và rèn luyện tâm để nó mạnh mẽ cũng đại loại giống nhau, nhưng hai phương cách thì khác nhau. Khi luyện tập thân, bạn phải chuyển động nhiều phần khác nhau trên cơ thể, nhưng khi luyện tâm, bạn khiến nó dừng lại, nghỉ ngơi, như khi bạn hành thiền. Cố gắng khiến tâm buông mọi thứ. Đừng để nó nghĩ về điều này, điều kia hay bất cứ thứ gì. Khiến tâm trụ trên một đối tượng. Nhờ đó, nó sẽ được mạnh mẽ. Trí tuệ sẽ phát sinh. Giống như khi bạn có một con dao, và bạn giữ cho nó luôn bén. Nếu bạn cứ dùng nó để cắt đá, cắt gạch, cắt cỏ, bất cứ thứ gì mà không có lựa chọn, dao sẽ hết bén nhọn.
HỌC VIẾT
Bạn phải thực hành mỗi ngày, mỗi ngày. Khi cảm thấy lười biếng, cứ tiếp tục thực hành. Khi cảm thấy siêng năng, cũng thực hành. Hãy thực hành Pháp bất kể ngày hay đêm. Khi tâm an bình, hãy thực hành. Khi nó bất an, hãy thực hành. Giống như khi bạn còn là đứa trẻ đang học viết. Lúc đầu các nét chữ không đẹp. Nét lớn, nét bé. Bạn viết như một đứa trẻ. Tuy nhiên, với thời gian, các nét chữ sẽ đẹp hơn nhờ bạn cứ tiếp tục thực hành.
TRẺ CON & NGƯỜI LỚN
Định và tuệ phải đi đôi với nhau. Ở giai đoạn đầu, tâm sẽ được bình an, tĩnh lặng nhờ các phương pháp thiền. Tâm sẽ có thể định tĩnh khi bạn ngồi với đôi mắt nhắm lại. Đó là sự tĩnh lặng. Bạn phải dựa trên thiền chỉ như một nền tảng để giúp trí tuệ cuối cùng phát khởi. Lúc đó tâm sẽ tĩnh lặng dù bạn ngồi nhắm mắt hay đang đi giữa đường phố náo nhiệt.
Điều đó giống như thế này: Hồi xưa bạn là một đứa trẻ. Giờ bạn đã trưởng thành. Đứa trẻ và người lớn đó cũng là một người. Tương tự, bạn có thể nói là định và tuệ là khác biệt. Hay giống như thức ăn và phân thải: Bạn có thể nói chúng là một, nhưng nếu nhìn từ một khía cạnh khác bạn có thể nói chúng khác nhau.
CÂY QUE
Thiền giống như cây que. Tuệ nằm ở đầu này của cây. Định nằm ở đầu kia của cây. Nếu bạn nâng que cây lên, thì chỉ có một đầu cây được nâng lên cao, hay cả hai đầu cây đều được nâng lên? Nếu ta nâng que cây lên, thì cả hai đầu cây đều được nâng lên cao. Tuệ là gì, mà định là gì, tất cả đều là tâm này.
VẼ TRANH
Sự chứng đắc trong tu tập được gắn với tuệ: thiền minh sát, nơi trí tuệ và tâm cũng là một. Một số người không cần nhiều công sức, nhưng thành tựu vẫn đến với họ. Thật thế, những người có trí tuệ không phải bỏ nhiều công sức làm gì. Hành thiền giống như là người họa sĩ. Bạn quán sát điều gì đó và bạn hiểu được nó. Bạn hiểu nó cho đến nỗi nó in vào tâm bạn. Bạn có thể vẽ tranh từ những gì trong tâm bạn. Bạn không cần phải ngồi trước cảnh vật và vẽ lên từ cái thấy của mình. Người không hiểu là người phải ngồi đó phác họa cho tới khi nó len lỏi vào tâm. Với trí tuệ, bạn không phải ngồi đó để phác họa. Bạn nhìn và bạn hiểu. Bạn có thể vẽ thẳng từ sự hiểu biết của mình. Đó là cách nó phải là.
MÓN ƯA THÍCH
Đối tượng của thiền vắng lặng, nếu không phù hợp với tính cách của bạn, sẽ không làm phát khởi sự nhàm chán. Đối tượng phù hợp với tính cách là cái bạn nhận thấy mình thường xuyên nghĩ đến. Chúng ta thường không để ý đến điều này, nhưng ta nên thay đổi để được lợi ích từ đó. Giống như có nhiều món ăn được bày trên một cái khay. Bạn nếm thử món ăn từ mỗi dĩa, mỗi loại thức ăn, rồi bạn biết là mình thích món nào và không thích món nào. Bạn cho là món mình thích ngon hơn các món khác. Ở đây sư đang nói về các món ăn. Nhưng quý vị cũng có thể so sánh nó với việc hành thiền của mình. Đối tượng nào phù hợp với tính cách của mình sẽ khiến mình cảm thấy thoải mái.
BẮT TẮC KÈ
Phương cách để tập trung vào một đối tượng, để nắm bắt đối tượng, là làm quen với tâm, làm quen với các đối tượng của mình. Giống như cách người ta bắt tắc kè. Tắc kè nằm sâu trong ổ mối có sáu lỗ. Người bắt sẽ bít hết năm lỗ, chỉ chừa lại một cho tắc kè chui ra. Sau đó họ sẽ ngồi canh chừng lỗ hang đó. Khi tắc kè chui ra, họ có thể bắt nó.
Ta cũng phải chú tâm như thế. Nhắm mắt, bịt tai, đóng mũi, ghim lưỡi, thu thúc thân; và chỉ để tâm mở. Nói cách khác, hãy tập thu thúc các căn và chỉ chú ý đến tâm.
Hành thiền cũng giống như bắt tắc kè. Ta chú tâm vào hơi thở, chánh niệm tỉnh giác. Làm gì ta biết nấy. Cảm giác phát khởi trong tâm vào lúc ấy giúp ta ý thức ta đang làm gì. Cảm giác đó khiến ta tỉnh thức.
NƯỚC NHỎ GIỌT, NƯỚC THEO DÒNG
Mọi thứ đều ở ngay đây, bắt đầu với thân tâm này. Nói một cách đơn giản, ta cần giữ năm giới làm nền tảng. Quý vị không cần phải học kinh tạng Pali. Hãy giữ năm giới. Luôn cố gắng giữ giới. Giữ giới với tất cả sự cẩn trọng. Lúc đầu có thể ta vẫn còn lầm lỗi. Khi nhận biết điều đó, hãy dừng lại, quay về và bắt đầu trở lại. Có thể ta lại phóng dật, lại lầm lỗi. Hãy quay trở lại, mỗi lần và mọi lần đều như thế.
Chánh niệm của ta sẽ tăng lên, giống như nước ta đổ ra từ bình. Nếu ta chỉ hơi nghiêng bình để nước nhỏ giọt ra ngoài –tỏn… tỏn… tỏn - dường như có khoảng ngắt trong dòng chảy. Nếu ta nghiêng bình thêm chút nữa, nước chảy tỏn-tỏn-tỏn. Nếu nghiêng bình thêm nữa, sẽ không còn âm thanh đó. Nước đã chảy thành dòng. Không còn nhỏ giọt nữa. Các giọt nước đã đi đâu? Chúng không đi đâu cả. Chúng chỉ chuyển thành dòng nước chảy. Chúng chảy đều. Chúng hòa vào nhau thành một, đúng không? Đó là cách chảy của dòng nước.
CHĂN TRÂU
Việc tu hành cũng thế. Khi ta luôn quán sát tâm, luôn canh chừng tâm khi tỉnh thức, thì người biết xem chừng tâm đó sẽ thoát khỏi nanh vuốt của Ma vương.
Giống như chăn trâu, phải có:
1: ruộng lúa
2: trâu
3: người chủ trâu.
Trâu muốn ăn lúa. Lúa ruộng là thứ mà trâu muốn ăn. Tâm giống như trâu. Đối tượng tâm giống như ruộng lúa. Sự tỉnh giác, chánh niệm giống như chủ trâu. Khi chăn trâu, ta phải dõi theo nó để chắc rằng nó không ăn lúa ruộng. Ta không cột trâu, nhưng luôn trông chừng nó. Nếu trâu đến gần ruộng lúa, ta la trâu. Khi nghe ta la, nó sẽ lùi lại. Nhưng không thể chắc chắn về điều đó. Tốt nhất là không được ngủ trưa. Nếu bạn ngủ trưa, thì chắc chắn trâu sẽ ăn hết lúa ruộng.
ĐÁNH TRÂU
Tâm giống như trâu. Đối tượng tâm giống như ruộng lúa. Sự tỉnh giác giống như chủ trâu. Bạn sẽ làm gì nếu phải chăn trâu? Ta không cột trâu, nhưng luôn trông chừng nó. Nếu trâu đến gần ruộng lúa, ta la trâu. Khi nghe ta la, nó sẽ lùi lại. Nhưng không thể chắc chắn về điều đó. Nếu trâu cứng đầu, không nghe, thì ta phải lấy roi đánh nó.
Lúc đó, bạn nghĩ trâu sẽ đi đâu?
DẠY TRẺ
Theo phương cách tu tập này, ta được dạy phải ngồi. Đó là tọa thiền. Sau đó là tiếp tục quán sát. Sẽ có những cảm giác thoải mái và bực bội đan chen đúng theo bản chất tự nhiên của chúng. Đừng chỉ tán thán tâm bạn; đừng chỉ trách móc nó. Hãy cảm nhận thời gian và nơi chốn cùng tâm. Khi đến thời điểm cần tán thán tâm, hãy khen nó một chút –chỉ vừa đủ, đừng nuông chiều nó. Cũng giống như khi dạy một đứa trẻ. Đôi khi ta phải đánh nó. Hãy lấy một cây roi nhỏ để đánh nó. Bạn không thể không đánh nó. Nói cách khác, đôi khi bạn phải phạt nó.
Nhưng bạn cũng không thể phạt nó hoài. Nếu bạn làm thế, nó sẽ lì lợm. Nếu bạn cứ nuông chiều, cứ cho nó quà cáp, nó sẽ không thể tiến bộ.
CÁCH THỨC CHUẨN
Cách thức chuẩn để ngồi thiền là ngồi với hai chân tréo nhau, chân phải trên chân trái, tay phải trên tay trái. Ngồi thẳng lưng. Người ta nói bạn có thể thiền khi đi, khi ngồi, vậy khi quỳ bạn có thiền được không? Chắc chắn được rồi –nhưng bạn là thiền sinh mới. Khi bắt đầu học viết, ta phải thực hành viết các nét chữ rõ ràng, từng nét một. Một khi đã biết viết, và chỉ viết cho cá nhân mình đọc, thì nếu muốn, bạn có thể viết nguệch ngoạc. Không có gì sai. Nhưng trước tiên bạn phải học cách thức chuẩn.
XẠ LÚA
Ngồi quán hơi thở vào-ra. Ngồi thư giãn và thoải mái, nhưng đừng phóng dật. Nếu bạn bị lo ra, dừng lại. Hãy quán xét xem tâm đi đâu và tại sao nó không theo dõi hơi thở. Hãy tìm và mang nó trở lại. Hãy giữ nó luôn theo hơi thở, rồi có ngày một điều tốt đẹp gì đó sẽ xảy ra. Nhưng cứ hãy tiếp tục thực hành. Thực hành như thể bạn không trông đợi sẽ được gì từ đó, không có gì sẽ xảy ra, bạn không biết ai đang tu tập, thực hành –nhưng bạn cứ tiếp tục việc mình làm. Giống như lấy hạt giống trong kho thóc, rồi gieo xuống đất. Thấy như là bạn đang vứt chúng đi. Bạn rải khắp mặt đất như thể bạn không màng tới chúng. Nhưng rồi chúng sẽ mọc mầm, lên cây. Bạn trồng cây xuống ruộng, kết quả là bạn sẽ có gạo để ăn. Đó là cách sự việc vận hành.
DẠY TRẺ
Đôi khi hơi thở không bình ổn. Lúc quá dài, lúc quá ngắn, khiến bạn phát rồ. Đó là vì bạn gắn tâm vào hơi thở quá chặt, bạn chèn ép nó quá đáng. Giống như khi bạn dạy đứa trẻ cách ngồi thiền. Nếu bạn cứ đánh, mỗi khi nó làm sai, liệu nó có thông minh hơn không? Bạn kiềm chế nó quá chặt. Ở đây cũng thế. Hãy quán như thế này: Khi bạn đi từ nhà ra vườn hoa, hay từ nhà đến sở làm, sao bạn không bực bội với hơi thở? Là vì bạn không để ý đến nó. Bạn để nó tự vận hành. Cũng thế, những nơi trên thân cảm thấy đau nhức là vì bạn quan tâm, chú trọng đến chúng nhiều quá.
TIỄN NGƯỜI ĐI
Quán sát hơi thở. Chú tâm trên hơi thở. Mang tâm về với hơi thở. Chánh niệm đến hơi thở. Bạn không cần quan tâm đến thứ gì khác nữa. Tiếp tục tỉnh giác càng lúc càng sâu cho đến khi hơi thở thật vi tế, nhưng tâm vô cùng tỉnh thức.
Những nơi phát khởi đau nhức sẽ dần giảm bớt. Suy cho cùng, chúng ta quán sát hơi thở cũng giống như sau khi có người thân đến thăm, ta tiễn họ ra bến tàu hay bến xe buýt. Một khi tàu nổ máy, nó liền rời bến. Ta dõi theo cho đến khi nó đi khuất, rồi ta quay trở về.
Chúng ta theo dõi hơi thở cũng bằng cách đó. Trước hết, ta làm quen với hơi thở thô. Rồi ta làm quen với hơi thở vi tế. Khi hơi thở càng lúc càng vi tế, ta nhìn chúng qua đi. Hơi thở trở nên càng lúc càng nhẹ, nhưng ta giữ tâm càng lúc càng tỉnh giác. Ta tiếp tục theo dõi hơi thở càng lúc càng vi tế cho đến khi dường như không còn hơi thở. Chỉ có sự tỉnh giác, thực sự tỉnh giác.
LUÔN QUÁN SÁT
Nếu bạn thất niệm một phút, bạn điên đảo một phút. Nếu buông lơi chánh niệm hai phút, bạn điên đảo hai phút. Nếu lơ là nửa ngày, bạn điên đảo nửa ngày. Sự việc là như thế.
Chánh niệm có nghĩa là luôn giữ điều gì đó trong tâm. Khi hành động hay nói điều gì, bạn phải nhớ cảnh giác. Khi làm gì, bạn để tâm đến cái mình đang làm. Giữ điều đó trong tâm giống như có đồ vật muốn bán trong nhà. Bạn trông chừng đồ vật, quán sát người đến mua đồ, trông chừng kẻ cắp lấy đồ của bạn. Nếu luôn quan tâm đến những điều này, bạn sẽ biết người nào đến đây vì mục đích gì. Khi bạn có vũ khí trong tay giống như thế - nói cách khác, bạn luôn quan sát - thì kẻ cắp khi gặp bạn, chúng không dám làm gì.
Đối với các đối tượng trong tâm cũng thế. Nếu bạn cảnh giác, có niệm, chúng không thể làm gì. Bạn biết: Một đối tượng tốt đẹp không thể khiến bạn an vui mãi mãi. Chắc chắn như thế. Nó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Vậy thì tại sao ta phải bám lấy nó? “Tôi không thích điều này”: Không chắc như thế. Trong trường hợp này, hãy coi đối tượng như trống không, chỉ có thế. Ta cứ tiếp tục huân tập theo cách này, ta cứ chánh niệm, luôn quán sát bản thân: cả ngày, cả đêm, bất cứ lúc nào.
TIẾP KHÁCH
Hãy giữ tâm cảnh giác và cảnh giác. Phải luôn canh chừng nó. Nếu có ai đến thăm, hãy đuổi họ đi. Không có chỗ cho họ ngồi, vì chỉ có một chỗ ngồi duy nhất. Hãy cố gắng ngồi tiếp khách cả ngày ở đây. Đó là ý nghĩa của “buddho”. Trụ vững chãi ngay tại đây. Luôn cảnh giác để có thể trông chừng tâm. Khi bạn ngồi tại đây, tất cả mọi người khách đã từng đến thăm viếng từ rất xa xưa - khi ta bé tí, vừa có mặt trên đời - sẽ quay lại ngay đây nơi ta tự thân tỉnh thức.
Còn các vị khách, những người bất chợt đến, thêu dệt đủ mọi điều, bạn hãy để họ theo đuổi mối quan tâm của họ. Hành động của cái tâm đi theo với họ gọi là tâm sở cetasika. Dẫu nó là gì, dẫu nó đi đâu, ai mà quan tâm? Chỉ làm quen với những vị khách thực sự muốn đến và ở lại. Nhưng ta chỉ có một chỗ ngồi cho khách, nên lúc nào ta cũng chỉ tiếp được một vị. Những người khác không có chỗ để ngồi. Khi họ đến để gặp bạn, họ không còn được ngồi xuống. Lần khác họ đến, bất cứ khi nào họ đến, họ cứ gặp người ngồi đây, không bao giờ đi chỗ khác. Như thế liệu họ có còn muốn đến đây chỉ để trò chuyện với bạn không? Rồi bạn sẽ biết tất cả mọi người, những người đã từng đến từ xa xưa khi bạn vừa mới biết đến sự vật quanh mình. Tất cả đã đến thăm viếng bạn.
GÀ TRONG CHUỒNG
Khi chánh niệm và tâm hợp lại, sẽ có cảm giác phát sinh. Nếu tâm sẵn sàng để an tịnh, nó sẽ được ở trong một nơi an tịnh, giống như gà được bỏ vào chuồng. Gà không rời khỏi chuồng, nhưng nó có thể đi qua, lại trong chuồng. Sự đi lại đó không có vấn đề gì, vì nó vẫn ở trong chuồng. Các cảm giác của tâm khi ta dùng chánh niệm để giữ cho nó an tịnh, các cảm giác ấy không phải là thứ sẽ khuấy động ta. Nói cách khác, khi tâm cảm giác, khi nó nghĩ suy, hãy để nó cảm nhận trong tĩnh lặng. Không có vấn đề gì.
TRẺ HƯ
Tựa như một đứa trẻ hư đang quậy phá, chọc giận ta cho đến khi ta phải la hay đánh nó. Chúng ta phải hiểu đó chỉ là bản chất của trẻ con. Khi hiểu được thế, ta có thể để đứa trẻ được vui chơi. Cảm giác bực bội, tức giận sẽ biến mất vì bạn sẵn lòng chấp nhận bản chất của trẻ. Đó là cách các cảm giác của bạn về một vấn đề đã thay đổi.
Khi ta chấp nhận bản chất của sự vật, ta có thể buông, để yên cho chúng. Tâm ta có thể an tĩnh, mát mẻ. Điều đó có nghĩa là ta đã hiểu đúng. Ta có chánh kiến. Vậy là kết thúc những vấn đề ta phải giải quyết.
SỐNG VỚI RẮN ĐỘC
Hãy nhớ rằng: Tất cả mọi đối tượng của tâm, không kể chúng là thứ bạn thích hay không thích, đều giống như rắn độc. Nếu chúng tấn công, cắn bạn, bạn có thể chết. Các đối tượng giống như rắn cực độc. Các đối tượng mà ta thích có nhiều nộc độc. Các đối tượng mà ta không thích cũng có nhiều nộc độc. Chúng khiến tâm không được tự do. Chúng có thể khiến tâm đi lệch khỏi các giới luật của Phật pháp.
CHỚ ĐỤNG ĐẾN RẮN
Các đối tượng và trạng thái của tâm giống như rắn hổ mang có nộc độc cực mạnh. Nếu không có gì cản trở rắn, nó bò đi theo đúng bản chất của nó. Dầu có nộc độc, nó không biểu lộ ra ngoài. Nó không gây hại cho ta nếu ta không đến gần nó. Rắn chỉ lo công việc của rắn. Nó luôn theo cách đó.
Nếu thông minh, bạn để yên mọi thứ. Bạn để yên các việc tốt; bạn để yên các việc xấu; bạn để yên những thứ bạn thích, theo như cách bạn để yên con rắn độc. Bạn để nó bò đi theo đường của nó. Dầu có nộc độc, nó bò đi theo đường của nó.
LÒ NUNG
Hãy chú tâm. Chỉ ngồi với đôi mắt khép kín sẽ không giúp phát sinh trí tuệ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý luôn có mặt. Nếu luôn cảnh giác, ta sẽ học được nhiều điều từ chúng. Ở bên ngoài, ta thấy lá, ta thấy muông thú, và ta sẽ học nhiều điều từ chúng, nếu ta mang chúng vào trong và khiến chúng thành opanayika[1]: thích hợp cho nội tâm. Ta có thể thấy rõ ràng từ bên trong với trạng thái paccatam: rất cá nhân. Ngay cả khi những suy tưởng bên ngoài xuất hiện và lay động nội tâm, ta vẫn học được các bài học cho riêng mình. Ta không thải bỏ chúng.
Nói đơn giản, điều đó cũng giống như đốt lò than. Quý vị từng thấy lò than hay lò nung gạch chưa? Nếu làm đúng cách, thì khi người ta đốt lửa trước cửa lò với khoảng cách từ một hay hai thước, lò nung sẽ hút vào bên trong tất cả khói. Nếu họ xây lò nung đúng cách, theo đúng chỉ dẫn, thì dẫu họ đốt lửa hai hay ba thước trước cửa lò, thì ngay khi có khói, chúng bị hút hết vào trong lò, không có gì còn sót lại bên ngoài. Lúc đó tất cả sức nóng sẽ được tạo ra trong lò, không thoát ra ngoài được. Xây lò thiêu xác cũng thế. Nếu người ta làm đúng, thì tất cả lửa đều bị hút vào lò thiêu; sức nóng vào trong lò sẽ thiêu hủy xác người chết rất nhanh.
Các cảm giác của người hành thiền cũng giống như thế. Bất cứ khi nào có các cảm giác, tất cả đều bị hút vào chánh kiến. Ngay khi mắt nhìn thấy cảnh, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, tất cả đều bị hút vào và biến vào chánh kiến. Khi đã có chánh kiến, sẽ luôn có sự hướng dẫn để làm phát sinh tuệ theo cách đó.
XOÀI RỤNG
Hãy sử dụng sự tĩnh lặng bạn có được để quán chiếu cảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng mà bạn tiếp xúc, không kể là chúng tốt hay xấu, hạnh phúc hay khổ đau. Giống như có người đã trèo lên cây xoài và lắc mạnh cây để các trái xoài rơi xuống đất. Chúng ta ở phía dưới, có nhiệm vụ lượm xoài. Ta không lượm những trái hư rữa. Ta chỉ chọn trái tươi ngon. Chúng ta không phí sức vì không phải trèo lên cây xoài. Chúng ta chỉ lượm trái trên mặt đất.
NHỆN
Sư được một bài học hay từ việc quán sát những con nhện. Nhện làm tổ giống như một màn lưới. Nó dệt màn lưới rồi trải rộng ra các phía khác nhau. Có lần sư ngồi và quan sát một con nhện. Nó treo mạng lưới lên giống như một màn ảnh chiếu phim, và sau khi hoàn tất mạng lưới, nó lặng lẽ cuộn mình vào giữa mạng nhện. Nó không chạy loanh quanh. Ngay khi một con ruồi hay một con côn trùng nào đó bay vào lưới, màn nhện sẽ lung lay. Khi đó, con nhện lập tức chạy ra khỏi chỗ nằm và ăn thịt con mồi. Xong xuôi rồi, nó lại cuộn mình nằm giữa mạng lưới giống như trước đó. Không quan trọng là con gì đã bị sa lưới, con ong hay cái kiến: Ngay khi mạng nhện rung lên là con nhện chạy ra bắt mồi. Rồi nó sẽ trở lại chỗ cũ, chờ đợi trong lặng lẽ ở giữa mạng nhện nơi không ai có thể thấy nó, luôn như thế.
Quán sát cách hoạt động của con nhện như thế, sư hiểu được một điều. Sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tâm ở giữa. Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân trải rộng ra giống như giăng lưới. Các đối tượng giác quan giống như các con côn trùng. Ngay khi cảnh vừa lọt vào mắt, hay âm thanh vào tai, mùi vào mũi, vị đến lưỡi, hay một xúc chạm đến thân, thì tâm là cái biết. Sự vật lay động ngay đến tâm. Chỉ có vậy cũng đủ làm phát sinh sự hiểu biết.
Chúng ta có thể sống thu mình vào bên trong, giống như nhện thu mình trong mạng lưới của nó. Ta không cần phải đi bất cứ nơi đâu. Khi các con côn trùng chạy vào màn lưới, làm lay động tâm, rồi ngay khi nhận thức được điều đó, ta đi ra để bắt côn trùng. Sau đó ta trở về chỗ cũ.
Sau khi quan sát nhện, quý vị có thể áp dụng những gì mình đã học vào tâm. Cũng đại loại như thế. Nếu tâm cảm nhận được vô thường, khổ và vô ngã, tâm đã được khai mở. Tâm không còn là chủ của hạnh phúc, không còn là chủ của khổ đau, vì theo cách này tâm có thể thấy biết rõ ràng. Nó đã hiểu. Bất cứ quý vị làm gì, quý vị đều tự tại. Quý vị không còn ham muốn thứ gì nữa. Việc hành thiền của quý vị chỉ có việc thẳng tiến.
GÀ HOANG
Sư sẽ cho một thí dụ đơn giản. Giống như đám gà hoang. Ai cũng biết gà hoang như thế nào rồi. Không có giống vật nào trên vũ trụ này lại e dè với con người hơn gà. Khi sư mới về trú ở khu rừng này, sư đã huấn luyện mấy con gà hoang. Sư quan sát chúng và học được nhiều điều từ chúng.
Lúc đầu chỉ có một con dám đi ngang qua lúc sư đang đi kinh hành. Khi nó đến gần, sư giữ ý không nhìn về hướng của nó. Nó làm gì cũng mặc, sư không nhìn theo hướng của nó. Sư không làm động tĩnh gì khiến nó giật mình. Sau một hồi, sư đứng yên lại và nhìn nó. Mắt sư vừa chạm nó, nó liền chạy đi. Khi sư không nhìn nó nữa, nó sẽ bắt đầu cào đất, tìm mồi như trước đó. Nhưng mỗi lần sư nhìn là nó chạy mất.
Sau một hồi có lẽ con gà thấy sư yên lặng, nên nó không còn e dè mấy. Nhưng khi sư rải ít gạo về hướng nó, nó lại chạy mất. Nhưng sư không quan tâm. Sư cứ tiếp tục rải gạo cho nó. Sau một hồi, nó trở lại, nhưng chưa dám ăn gạo. Có lẽ nó không biết đó là gì. Chắc nó sợ sư bắt nó về nấu cà-ri. Nhưng sư không quan tâm việc nó có ăn gạo hay không.
Sau một hồi nó bắt đầu cào đất ngay chỗ có gạo. Có lẽ nó bắt đầu cảm nhận mấy hạt gạo đó là gì. Hôm sau nó trở lại chỗ cũ và ăn gạo sư rải ra. Khi hết gạo, sư rải thêm, thì nó lại chạy mất. Nhưng khi sư cứ tiếp tục lặp đi lặp lại việc rải gạo, nó chỉ hơi quay đi vài bước, rồi quay trở lại ngay để ăn gạo. Đó là khi nó đã hiểu biết.
Lúc đầu đám gà coi mấy hạt gạo như là kẻ thù vì chúng không quen thấy. Chúng không biết rõ đó là gì. Đó là lý do tại sao chúng cứ chạy mất. Nhưng khi chúng trở nên dạn dĩ hơn, chúng quay lại để xem mấy hạt gạo thực sự là gì. Đó là khi chúng hiểu, “Đây là gạo. Đây không phải kẻ thù. Không có gì nguy hiểm”. Đó là cách đám gà hoang ở đây học ăn gạo thóc từ ngày đó đến nay.
Qua đó sư học được bài học từ đám gà hoang. Ta cũng giống như chúng. Cảnh, âm thanh, mùi, vị, sự xúc chạm và ý nghĩ là những phương tiện giúp ta có hiểu biết về Pháp. Chúng đem lại những bài học cho bất cứ ai biết tu tập. Nếu ta nhìn thấy chúng rõ ràng theo đúng với pháp chân thật, ta sẽ thấy bản chất của chúng là như thế nào. Nếu ta không nhìn thấy chúng rõ ràng, chúng sẽ luôn là kẻ thù và ta sẽ luôn chạy trốn chúng.
KHỈ
Hãy để sư cho một thí dụ. Giả sử bạn có một con khỉ là thú nuôi nhà. Tu viện sư cũng có một con khỉ nuôi nhà. Khi bạn ở nhà thì chú khỉ không bao giờ chịu ngồi yên. Lúc nó nắm vật này; lúc nó nhảy chỗ kia – đủ mọi thứ chuyện. Giống khỉ là như thế. Giờ bạn đến thăm tu viện của sư. Sư cũng có một con khỉ, và con khỉ này cũng không chịu ngồi yên. Lúc nó lấy cái này; lúc nó chạy chỗ kia, nhưng nó không khiến bạn bực bội, đúng không? Tại sao? Vì bạn cũng có một con khỉ ở nhà. Bạn đã quen với tánh khỉ. “Khỉ ở nhà cũng giống như khỉ ở đây. Ở tu viện cũng giống như ở nhà. Cũng là khỉ”. Bạn biết chỉ một con khỉ, nhưng dầu đi đâu, bạn thấy khỉ cũng giống nhau, và nó không khiến bạn bực mình, đúng không? Đó là người hiểu khỉ.
Nếu ta hiểu khỉ, thì ta không trở thành khỉ. Nếu bạn không hiểu khỉ, thì ngay khi bạn thấy khỉ, chính bạn trở thành khỉ, đúng không? Khi bạn thấy nó lấy cái này, giựt cái kia, “Ồ!” Bạn bực mình. Bạn không vừa lòng vì khỉ. Đó là người không hiểu khỉ. Người hiểu khỉ thì nghĩ, “Cũng là khỉ. Con khỉ ở tu viện Diamond Light Cave cũng giống thế”. Vậy thì có gì phải bực bội? Bạn biết khỉ là như thế nào, vậy là đủ. Bạn có thể tự tại, an bình. Nếu khỉ có nhảy nhót trước mặt hay sau lưng, bạn đều tự tại. Bạn không bực mình với khỉ. Tại sao? Vì bạn hiểu khỉ - nên bạn không trở thành khỉ. Nếu bạn không hiểu khỉ, bạn bực bội. Khi bực bội, bạn trở thành khỉ - hiểu không? Đó là cách để sự việc trở nên dễ xử.
Chúng ta phải biết về các mối ưu tư của mình, hãy quán xét chúng. Có cái ta ưa thích; có thứ ta không, nhưng rồi thế nào chứ? Đó là việc của chúng. Đó là bản chất của chúng –giống như khỉ. Khỉ nào cũng giống nhau. Chúng ta hiểu các mối ưu tư, trạng thái của chúng như thế nào. Có cái ta ưa thích; có thứ ta không. Chúng là như thế. Chúng ta phải thành thuộc với chúng. Khi đã thành thuộc, hãy buông chúng: “Các mối ưu tư chẳng chắc chắn. Chúng vô thường, khổ và vô ngã”. Ta tiếp tục quán sát chúng theo cách đó. Nếu chúng gây phiền toái, nếu chúng luồn lách, chỉ quán sát chúng –chúng chẳng là gì cả. Bất cứ ta ngồi ở đâu, khi ưu tư, bận tâm nổi lên qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay tâm, ta nhìn, “Hừm. Chúng chẳng là gì”. Giống như khi quan sát mấy con khỉ. Con khỉ nào cũng giống nhau. Chẳng có gì quan trọng. Sau đó chúng ta có thể an bình.
CÂY TỰ NGÃ
Ham muốn và ái dục đưa ta đến khổ đau. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu, sự quán chiếu kéo ta ra khỏi ham muốn. Tâm quán chiếu ham muốn, nó trì kéo, vật vã ham muốn, khiến ham muốn biến đi hay tự giảm cường độ.
Giống như cái cây. Có ai bảo nó phải làm gì không? Có ai gợi ý gì với nó không? Chúng ta không thể bảo nó phải làm gì. Chúng ta không thể khiến nó làm gì. Nhưng nó ngã ra, tự kéo mình xuống. Khi ta nhìn mọi sự theo cách này, đó là Pháp.
KHIÊNG NẶNG
Chánh niệm và tỉnh giác giống như hai người đang khiêng một khúc gỗ nặng. Người thứ ba đứng cạnh, và khi anh ta thấy khúc gỗ nặng, anh đến giúp. Khi thấy khúc gỗ nặng như thế, anh ta không thể không giúp. Anh phải giúp. Người giúp đỡ đây chính là trí tuệ. Nó không thể đứng yên. Khi có chánh niệm và tỉnh giác, trí tuệ phải đến gia nhập.
NƯỚC ĐÓNG CHAI, NƯỚC SUỐI
Giống như đổ nước vào chai và đưa cho ai đó uống. Một khi đã uống xong, anh ta sẽ quay trở lại và xin thêm –vì nước này không phải là nước ngoài suối. Nó là nước trong chai. Nhưng nếu bạn chỉ cho người đó con suối và bảo anh ta lấy nước ở đó, anh ta có thể ngồi đó, uống đầy hơi và không hỏi xin thêm, vì nước ở suối không bao giờ cạn.
Cũng thế khi ta thấy vô thường, khổ và vô ngã. Điều đó thật sâu lắng, vì ta thực sự hiểu biết, ta biết tận tường. Sự hiểu biết thông thường không sâu lắng. Nếu ta biết tận tường, cái biết đó không bao giờ hư hoại.
Bất cứ điều gì khởi sinh, ta biết một cách đúng –và nó hoại diệt. Chúng ta biết một cách đúng không dừng nghỉ.
LẶNG YÊN, NƯỚC CHẢY
Bạn đã từng thấy nước chảy chưa? Nước chảy: Đã từng thấy chưa? Bạn đã từng thấy nước lặng yên? Nếu tâm bạn an tĩnh, nó giống như nước lặng yên. Bạn đã từng thấy nước chảy, lặng yên? (Cười) Đúng! Bạn chỉ thấy nước lặng yên và nước chảy. Chưa bao giờ thấy nước chảy, lặng yên. Ngay đó, ngay nơi bạn không thể suy nghĩ tới: nơi tâm đứng yên nhưng có thể phát triển trí tuệ. Khi bạn quán sát tâm, nó giống như nước đang chảy, tuy nhiên nó vẫn lặng yên. Nó giống như đang đứng yên, nó giống như đang chảy, vì thế nó được gọi là nước chảy, lặng yên. Nó giống như thế. Đó là nơi trí tuệ có thể phát khởi.
KHÚC CỦI TRÊN DÒNG KÊNH
Giống như chặt một khúc củi, vứt xuống một dòng kênh, và để nó xuôi theo dòng nước trong kênh. Nếu khúc củi không bị sâu bọ ăn, không mục, không bị va đập, không vướng vào bờ bên này hay bên kia, mà tiếp tục chảy xuôi xuống dòng kênh. Sư đoan chắc là cuối cùng nó sẽ ra được tới biển.
Chúng ta cũng thế. Nếu ta thực hành theo đúng cách của đức Bổn Sư dạy, nếu ta đi theo con đường của ngài, nếu ta xuôi theo dòng chảy, ta phải tránh hai việc. Gì là hai? Hai cực đoan mà Đức Phật dạy thiền giả không nên đắm chìm trong đó. Thứ nhất là đắm chìm trong khoái lạc. Thứ hai là tự hành xác. Hai thứ này là hai bờ kênh, hai bờ sông. Khúc củi chảy xuôi theo dòng nước, chảy ra sông, là tâm của chúng ta.
SÓNG BIỂN TRÀN BỜ
Khổ và căng thẳng tâm lý không chắc chắn. Chúng luôn thay đổi. Hãy nhớ điều này trong tâm. Khi những thứ này phát khởi, ta biết chúng ngay và để chúng qua đi. Tâm lực này sẽ ngày dần mạnh hơn. Khi nó đã phát triển, nó có thể chế ngự uế nhiễm cực kỳ mau lẹ. Với thời gian, bất cứ điều gì phát khởi ngay đây, sẽ qua đi ngay đây, giống như sóng biển tràn bờ. Ngay khi chúng vừa tới bờ, là chúng cũng tan rã. Một đợt sóng mới lại xô tới và cũng tan rã. Nó không thể đi xa hơn bờ biển. Vô thường, khổ và vô ngã là bờ biển. Còn các đối tượng giác quan khi kéo đến, cũng giống như sóng biển, chỉ có vậy.
CÁI CƯA
Nhưng khi tâm thấy và biết mọi thứ, nó không mang theo Pháp bên mình. Giống như cái cưa này: Người ta dùng nó để cưa gỗ. Khi tất cả gỗ đã được cưa, mọi thứ đã làm xong, người ta đem cất cưa. Họ không cần phải sử dụng nó nữa. Cái cưa là Pháp. Chúng ta phải nhờ đến Pháp để tu tập các con đường đưa đến các quả vị. Khi công việc đã thành tựu, ta để Pháp đó qua một bên. Giống như cái cưa đã dùng để cưa gỗ: Họ cắt thứ này, họ cưa thứ kia. Khi đã xong việc, họ cất cưa đi. Lúc đó, cái cưa là cái cưa; gỗ là gỗ.
Đây được gọi là đã tới điểm dừng, một điểm thật quan trọng. Đó là lúc chấm dứt việc cưa cắt gỗ. Ta không phải cưa gỗ nữa, vì đã cưa đủ. Ta đem cưa đi cất.
Tỳ Khưu Thanissaro (DeGraff Geoffrey)Chuyển ngữ từ Thái sang Anh Diệu Liên Lý Thu LinhChuyển từ Anh sang Việt2019-2020
LỜI NGƯỜI DỊCH
Thú thật, chúng tôi chọn dịch quyển sách này vì nghĩ rằng chắc sẽ dễ dịch và cũng dễ đọc đối với nhiều người. Tuy nhiên vì là văn nói nên có nhiều câu, nhiều ý trùng lặp, dễ khiến ta mất kiên nhẫn. Bạn nên đọc sách này khi thanh thản, không bận rộn để tưởng tượng vị lão sư đáng kính đang dạy ta những bài học thâm thúy, bằng những lời rất ư gần gủi, rất ư chân chất. Tuy nhiên vì một số đoạn là trích từ các bài pháp thoại dài hơi hơn, nên có những đoạn văn mở đầu dường như bất chợt, những ẩn dụ hơi khó hiểu.
Nhưng có ai bảo, đọc sách thiền là mình phải hiểu hết mọi điều trong đó. Có những bài, có những điều có lẽ mình cần thêm thời gian để thẩm thấu, cần thêm trải nghiệm để nắm bắt. Cũng xin đừng nghĩ rằng người dịch là phải hiểu hết ngọn ngành… Công việc dịch đối với chúng tôi chỉ là một cách học Pháp, còn hành thì phải tự nhận rằng mình chỉ mới thấy được biển khơi trước mặt, còn chạm tới được mặt nước biển, hẳn còn phải bao nhiêu a-tăng-kỳ kiếp nữa!
Nhưng thôi, hãy vui mừng, hãy biết ơn rằng mình còn có duyên lành được nghe, được đọc chánh pháp từ một vị trưởng lão thiền sư quá ư đạo hạnh. Hiểu được một chút gì đó trong trùng điệp hiểu biết của ngài cũng đã là phước báu trong kiếp này, cũng sẽ làm hành trang cho kiếp tái sinh của ta thêm đủ đầy.
Lần nữa xin cảm niệm công đức cao thượng của ngài thiền sư Ajahn Chah về những lời dạy quý báu, tỳ kheo Thanissaro về công phu chuyển ngữ, Ajahn Karunadhammo, sư trụ trì thiền viện Abhayagiri đã cho phép chúng tôi được dịch tác phẩm này, cô Huỳnh Như đã góp ý về việc dịch thuật, các đạo hữu gần xa đóng góp về vật chất cũng như tinh thần để sách được đến tay người đọc dưới dạng ấn tống như bao lần trước.
Nếu có chút công đức nào trong Pháp thí này, xin hồi hướng cho tất cả. Mong tất cả chúng ta đều tìm được niềm vui, hạnh phúc trong việc chia sẻ, có được duyên lành với Phật pháp trong nhiều đời, nhiều kiếp. Nguyện cho chánh pháp của Đức Phật luôn trường tồn và phát triển đến mọi con tim.
Diệu Liên Lý Thu Linh
11-2019
Nguồn: Thư Viện Hoa Sen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét