CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ

Chúng ta có thể tìm thấy con đường thoát khổ bằng cách sống hòa nhập với cuộc đời như nó đang diễn biến và sẵn sàng từ ái tiếp nhận cuộc đời như chính nó. Chúng ta sẽ không tìm được con đường thoát khổ bằng cách trốn đời và tránh né những hiểm nguy và bất an của cuộc sống. Người đời thường cho là các tu sĩ như chúng tôi đang trốn chạy cuộc đời vì chúng tôi không thể trực diện với cuộc đời. Nhưng thật ra, chúng tôi đang sống thật với thế gian nầy bằng cách mở rộng tâm thức của mình để từ ái đón nhận và tiếp thu toàn bộ cuộc đời. Qua việc thực hành giáo pháp, chúng tôi cảm thấy thoải mái khi được sống với mọi vật như nó đang diễn biến, thay vì luôn phải bám víu, chấp thủ, chống lại, hay bát bỏ nó.
Chúng tôi cảm thấy dễ chịu và an lạc bằng cách hòa nhập với cuộc đời như nó đang hiện hữu, thay vì tìm cách toan tính và dàn xếp mọi việc theo những quan điểm và ý kiến đặc thù có sẵn nào đó.
Thí dụ như tôi đặt câu hỏi, "Bạn sẽ làm gì nếu bạn bị nhốt trong một căn phòng nhỏ chung với một con rắn độc và con rắn nầy đang giận dữ?" Bạn có thể tìm cách giết con rắn độc để cứu mình. Nếu là một Phật tử và đã thọ giới không sát sanh, bạn có thể cảm thấy là mình không nên giết con rắn. Trước một vấn đề có tính cách giả thiết nầy, bạn có thể bị giao động và chao đảo, khi thì nghiêng về quyết định nầy khi thì nghiêng về quyết định kia. Nhưng trong hoàn cảnh khẩn trương như trên, dĩ nhiên bạn sẽ không có thì giờ để suy tính cặn kẽ là mình phải làm gì: lúc đó bạn phải dựa vào bản năng của mình. Bạn không thể tính toán trước được.
Có người đã hỏi tôi, nếu có một người điên đang tìm cách tấn công và hãm hại mẹ tôi, tôi có giết ông ta không? Nếu là người có lập trường bất bạo động (conscientious objector), tôi sẽ trả lời, "Tôi chỉ biết cầu nguyện thôi." Và người đó sẽ nói, "Ông muốn nói là ông sẽ để cho người điên đó cầm dao đâm vào người mẹ già, ốm yếu và đáng thương của ông?" Nhưng nếu người điên đó tấn công mẹ tôi, và lúcđó tôi đang có mặt ở đó, tôi tin là cái trí tuệ ngay chính giây phút đó sẽ hướng dẫn tôi ứng xử một cách đúng đắn. Tôi không thể nói là tôi sẽ làm gì vì tôi không biết được tất cả những yếu tố có thể tác động đến hoàn cảnh đó. Có thể lúc đó mẹ tôi sẽ bị nhồi máu cơ tim mà chết ngay, hay cũng có thể người điên đó bị mắc chứng động kinh và không thể tấn công mẹ tôi. Hay cũng có thể, người điên đó bất kỳ xuất ý nghĩ rằng, "Ta không thể hãm hại cụ già ốm yếu đáng thương nầy được. Con trai của bà đang đứng bên kia là một người bất bạo động, và vì thế, anh ta không thể đứng ra bảo vệ cho bà được." Hay cũng có thể, mẹ tôi đã từng là một võ công karate chuyên nghiệp, bà sẽ dùng võ công để chặt tên điên nầy thành hai mảnh. Hay cũng có thể nhân viên an ninh sẽ đến để cứu bà. Ai biết có thể được những gì có thể xảy ra -- điện thoại có thể reo hay cái chụp đèn trên trần nhà có thể rớt trúng đầu tên điên đó. Nếu chúng ta cứ suy đoán mãi thì đây là những gì có thể xảy ra phải không các bạn? Chúng ta có thể tiếp tục tưởng tượng tất cả những gì có thể xảy ra trong lúc đó, nhưng điều mà chúng ta có thể nói được là chúng ta không biết chắc những gì sẽ xảy ra. Hiện tại, chúng ta không biết chúng ta sẽ làm gì vì tất cả những điều kiện trên đều không có mặt. Nhưng chúng ta có thể biết những gì đang diễn tiến trong giây phút hiện tại, phải không các bạn? Chúng ta có thể mở rộng tâm thức để tiếp nhận thực tại ngay trong giây phút nầy mà không cần dựa vào một lập trường hay quan điểm nào hết.

CHỨNG NGỘ NIẾT BÀN

Trong nhiều giới nghiên cứu, Nibbana hay Niết Bàn (tiếng Phạn là Nirvana) thường được dùng để mô tả trạng thái xuất thần, nhập định, nhẹ nhàng và ngây ngất giống như trên thiên đường. Nhưng thật ra, từ Niết Bàn có nghĩa là "cái không bị giới hạn bởi những điều kiện của sự sanh và sự chết." Niết Bàn là sự chứng ngộ được trạng thái buông bỏ. Khi thật sự tỉnh thức và chánh niệm, chúng ta sẽ không còn nhu cầu, không còn khuynh hướng đồng hóa hay bám víu vào thân thể hay tâm thức -- thân và tâm chỉ tồn tại như vậy, thế thôi. Đây không phải là sự chối bỏ hay triệt tiêu thân và tâm, nhưng đó là cái thấy và biết thân và tâm chỉ như là thân và tâm mà thôi. Thân và tâm sinh rồi diệt; thân và tâm bắt đầu rồi chấm dứt, thế thôi.
Cái quán sát thanh tịnh đó, cái tỉnh giác của tâm thức đó -- hay nói khác đi, sự chứng ngộ Niết Bàn -- không phải là cái gì xa xôi cả. Nó không phải là cái gì nằm ngoài khả năng của bất cứ ai trong chúng ta. Nếu bạn cho là bạn không làm được việc nầy, dĩ nhiên bạn sẽ hành động và xử lý theo tư tưởng đó, và vì thế bạn sẽ không bao giờ chứng ngộ được. Nhưng Đức Phật đã khẳng định rằng giáo pháp của Ngài dành cho con người, cho những người có trách nhiệm đạo đức; cho những người có trí thông minh. Như thế thì bạn có phải là một trong những người nầy không? Nếu không thì có lẽ bạn nên cố gắng tu tập để trở thành tốt hơn -- không lẽ bạn cứ sống mãi như một người dễ duôi và buông lung trong cuộc đời nầy.
Do đó, Biết bàn không phải là một cảnh giới siêu nhiên và xuất trần ở trên trời cao, hay ở trong một không gian xa xôi nào đó, hay ở trong kiếp sau. Đức Phật luôn chỉ cho chúng ta thấy thực tại như nó đang xảy ra ngay bây giờ, thấy những gì mà mỗi người chúng ta đều có thể biết và nhận thức trong khả năng giới hạn của mình, ngay tại đây và ngay bây giờ. Bạn nên phát huy khả năng quán tưởng và nhìn thẳng vào thực chất của các pháp ngay tại đây và ngay bây giờ, để bạn có thể thật sự hiểu được chân lý, thay vì cứ suy đoán về chân lý -- hoặc đoán mò, hoặc tin, hoặc không tin. Bạn có thể bắt đầu quán tưởng và nhìn xuyên qua các pháp với đôi mắt trí tuệ, thể nghiệm được sự giải thoát và tự do bằng cách buông bỏ tất cả.

* Câu hỏi: Xin Sư giải thích ý nghĩa của sự giác ngộ.

Trả lời: Giác ngộ không là gì khác hơn là sự lớn lên và trở thành một con người thuần thục và trưởng thành. Công phu hoàn thiện cái nghiệp làm người sẽ dẫn chúng ta đến giác ngộ. Giác ngộ là trở thành một người thuần thục, có trách nhiệm và quân bình, một người có đạo đức và trí tuệ, không còn chạy đi tìm "một chỗ dựa tình thương nào khác bên ngoài mình."
Nhiều người trong chúng ta không có tình yêu, nên chúng ta muốn thay thế bằng tình yêu của Chúa. Họ nói, "Tôi tin Chúa vì Chúa thương tôi. Không ai thương tôi hết, chỉ có Chúa mới thương tôi." Nhưng điều nầy thể hiện sự thiếu trưởng thành -- họ vẫn khát vọng một tình yêu từ bên ngoài -- từ một người nào đó ngoài mình. Một người giác ngộ không cần tình yêu của Chúa hay của một người khác. Được người khác yêu thương là một điều tốt nhưng không phải là điều cần thiết.
Giác ngộ là cái gì rất thực tế; đó là cái mà ai cũng có thể thực hiện được. Tất cả chúng ta đều có thể tiến đến trạng thái tỉnh giác. Và khi có tâm tỉnh giác, quân bình, và trí tuệ, chúng ta đều có thể thương yêu. Đó là quá trình trưởng thành của con người. Khi có trí tuệ, chúng ta sẽ thương yêu người khác một cách tự nhiên. Tình thương chính là ánh sáng tự nhiên của trí tuệ.

Theo: Tâm và Đạo

Ajahn Sumedho
Người dịch: Supañña

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét