Tìm sự giác ngộ - Không Có Gì Gọi Là Giác Ngộ - An Trú Trong Tâm Phật


Tìm sự giác ngộ
Rán sức tu hành, cố tọa Thiền để được giác ngộ, đều sai. Không có gì khác nhau giữa tâm của chư Phật với cái Phật tâm nơi mỗi con người. Mong cầu đạt giác ngộ là tạo ra một sự phân hai, thành ra có người giác ngộ và chân lý được giác ngộ (năng chứng, sở chứng). Khi còn đeo đẳng một chút nào cái ước muốn giác ngộ, thì lập tức đã giã từ cái Bất sinh, đi ngược lại Tâm Phật. Cái Tâm Phật mà bạn có từ thuở sơ sinh ấy chỉ là một, không có hai hay ba.

Không Có Mê Và Ngộ
Tất cả quý vị đều tưởng mình mới là Phật lần đầu tiên, song cái Tâm Phật mà quý vị có từ lúc cha mẹ mới sinh vốn đã Bất sinh, nên không có đầu cuối. Không thực có chút gì gọi là vô minh dù chỉ một tơ tóc. Vậy, hãy hiểu rõ rằng, không có gì khởi lên từ bên trong. Điều chính yếu là đừng vướng vào ngoại cảnh (tức là những gì có đối đãi, trong tâm cũng như ngoài tâm, như giác quan và đối tượng, hay cả những cảm giác phát sinh do ý xúc. ND) Cái gì không vướng vào thế giới ngoại tại chính là Tâm Phật, và vì Tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên khi bạn an trú trong Tâm Phật bản nhiên, thì không có mê hay ngộ. Khi an trú trong tâm bản nhiên ấy thì làm gì cũng là diệu dụng của Tâm Phật Bất sinh. Nhưng nếu bạn có một chút nào nôn nóng muốn trở thành một con người siêu việt, thì ngay khi ấy, bạn đã đi ngược lại cái Bất sinh và bỏ xa nó ngàn dặm. Trong Tâm Phật, không có vui, buồn, giận... không bất cứ thứ gì, chỉ độc một Tâm Phật chiếu diệu và phân biệt được mọi sự.
Bởi thế, khi bạn phân biệt những sự vật bạn gặp phải trong thế giới bên ngoài - như vui buồn giận hay bất cứ gì dưới mặt trời - thì đó là công năng linh hoạt của Tâm Phật chiếu diệu ấy, cái Tâm Phật mà bạn có từ khởi thủy.

Nước và Băng
Vì cái Tâm Phật mỗi người sinh ra đã có vốn không do tạo tác mà thành, nên nó không chứa đựng một chút mê lầm nào hết trọi. Bởi thế, người nào bảo "tôi mê lầm, vì tôi là một con người không được giác ngộ" là một người con hết sức bất hiếu vì đã phỉ báng cha mẹ mình. Về cái Tâm Phật mà mỗi người có sẵn từ lúc cha mẹ mới sinh, thì chư Phật quá khứ và những con người hiện tại đều có cùng bản chất, không gì khác nhau. Việc ấy cũng như nước ở đại dương: Giữa mùa đông, nước đông lại thành băng giá nên có những hình thù khác nhau như vuông tròn, nhưng khi băng tan, thì tất cả chỉ là một thứ nước biển. Khi bạn ngộ được bản chất Bất sinh của Tâm Phật, thì đó chính là nước như xưa nay nó vẫn là, và bạn có thể tha hồ thọc tay vào đó. (Nghĩa là, khi cái tâm trở về nguyên trạng của nó - như băng trở lại thành nước - thì nó trở nên lưu nhuận, trong suốt, không gì ngăn bít dòng chảy tự do của nó. Bankei ví cái tâm bị "đông cứng" thành những hình dạng đặc biệt cũng như nước đông lại thành băng ở trong một bình chứa, khi tan ra thành nước trở lại thì có thể thọc tay vào múc được. ND)

Chấm Dứt Tư Tưởng
Vì trong Tâm Phật Bất sinh chiếu sáng kỳ diệu ấy vốn không có một chút thiên kiến nào, nên nó tha hồ thích ứng, mỗi khi gặp cảnh là những tư tưởng lại ló ra. Nếu bạn không quan tâm đến chúng thì không sao cả; nhưng nếu bạn vướng vào chúng và tiếp tục triển khai những ý tưởng ấy thì bạn không thể dừng lại. Khi ấy bạn làm mờ cái công năng chiếu diệu của Tâm Phật và tạo nên si mê lầm lạc. Trái lại, vì từ khởi thủy, Tâm Phật vẫn chiếu sáng kỳ diệu, sẵn sàng soi sáng và phân biệt mọi thứ, nên khi bạn căm ghét những ý tưởng si mê đã khởi lên ấy, và cố ngăn chặn chúng, thì bạn bị vướng vào công việc ngăn chặn, tạo ra mâu thuẫn giữa người ngăn chặn (tức ý tưởng sau - ND) và cái bị ngăn chặn (ý tưởng trước - ND). Nếu bạn cố dùng ý tưởng để ngăn ý tưởng, thì sẽ không bao giờ đi đến cùng tận. Việc ấy cũng như dùng máu rửa máu, dù bạn tẩy được lớp máu trước, vẫn còn lại lớp máu sau.

Gương Sáng
Vì Tâm Phật vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên nó ngàn vạn lần sáng hơn một tấm gương, không có cái gì mà tâm ấy không nhận ra và phân biệt được. Với một mặt gương, hình thể của vật nào vừa đi qua trước mặt thì liền có bóng hiện ra. Gương không có ý định nhận vào hay bỏ ra vật gì, cũng không định phản chiếu hay không phản chiếu một cái bóng nào. Đấy là công năng của gương sáng. Vì không có ví dụ nào tốt hơn nên chúng ta đành phải mượn tấm gương để ví với diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật, kỳ thực Tâm Phật còn ngàn vạn lần kỳ diệu hơn thế nữa.
Với công năng chiếu sáng kỳ diệu của Tâm Phật, mọi đối tượng xuất hiện trước mắt bạn đều được nhận ra và phân biệt rành rẽ, bạn không cần phải làm bất cứ gì. Bởi thế mặc dù không cố ý, bạn vẫn nhận ra trăm ngàn ấn tượng khác nhau qua hình sắc hoặc âm thanh. Đấy là những vật thể có hình dáng. Nhưng ngay cả những thứ vô hình, như những gì xảy ra trong tâm người, cũng được phản chiếu rõ ràng. Dù bạn gặp nhiều gương mặt khác nhau đủ loại, những tư tưởng thiện hay ác của họ đều được phản chiếu nhờ Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu. Ví dụ trong chúng hội đang nghe pháp tại đây, nếu có người ho lên, thì mặc dù bạn không cố ý lắng nghe, mà vừa khi có tiếng ho, bạn có thể phân biệt ngay tiếng ho ấy là của đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ. Hoặc lấy ví dụ một người bạn đã hai mươi năm không gặp, nay tình cờ gặp lại trên đường, tự nhiên những biến cố thuộc hai mươi năm trước tuôn dậy rõ ràng trong ý thức. Việc này thật khác xa công năng của tấm gương!

Không Có Gì Gọi Là Giác Ngộ
Một vị Tăng từ Sendai đến bảo: Tôi nhớ đâu đó có một thành ngữ rằng: "Tâm bị lụy vì hình hài." (một câu trong bài thơ danh tiếng của thi sĩ Đào Tiềm, 371 - 427, nhan đề Quy khứ lai hề, Hãy trở về - ND). Tôi mong sống hợp với tâm nguyên thủy vào mọi thời, nhưng làm sao tu tập để được như thế? Xin Ngài chỉ giáo cho.
Sư dạy: Trong tông phái tôi, không có hình thức chỉ giáo nào đặc biệt về pháp tu, cũng không có phương pháp đặc biệt nào. Vì người ta không nhận ra rằng ngay trong chính mình đã sẵn đủ cái Tâm Phật mà họ có từ thuở sơ sinh, nên họ mất hết tự do giải thoát và nói về chuyện muốn sống hợp với tâm nguyên thủy. Khi bạn ngộ được rằng Tâm Phật bạn có từ cha mẹ sinh, vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, thì tay chân bạn vận hành thoải mái, và đấy là công năng của Tâm Phật chiếu sáng vốn Bất sinh. Bằng chứng là, vì muốn nghe Bankei, bạn đã từ Sendai lặn lội đến đây qua một đoạn đường dài. Nhưng khi bạn dừng chỗ này chỗ kia dọc đường để nghỉ, thì không phải lúc nào bạn cũng nghĩ đến Bankei. Ban ngày, bạn ngắm phong cảnh trên đường, và nếu có người cùng đi, bạn nói chuyện với họ. Mặc dù trong lúc đi, bạn không nghĩ gì về cuộc gặp gỡ với tôi, cuối cùng bạn vẫn đến chỗ tôi. Đây là ý nghĩa về Tâm Phật vốn Bất sinh và dàn xếp mọi sự một cách êm đẹp.
Lại nữa, ở Sendai bạn thấy những con cò màu trắng và những con quạ màu đen không cần ai nhuộm. Ở đây cũng vậy, mặc dù không cố ý phân biệt, vừa khi thấy chúng xuất hiện, bạn biết ngay con trắng là cò và con đen là quạ. Không cần dấy lên ý tưởng nào, tất cả điều đó được dàn xếp một cách trơn tru phải thế không?
Khi ấy vị Tăng hỏi: Tôi thấy không thể nào kiểm soát tất cả những sân si dục vọng trong tôi. Tôi phải làm sao, xin Ngài chỉ giáo.
Sư trả lời: Cái ý tưởng muốn kiểm soát của bạn chính là một vọng tưởng, đổi Tâm Phật thành ra vọng tưởng. Vọng tưởng vốn không có thực chất khi nó sinh khởi. Sự thật chúng chỉ là những cái bóng, những sự việc bạn đã thấy và nghe khi gặp cơ hội lại trồi lên.
Vị Tăng lại hỏi: Giác ngộ là gì?
Sư trả lời: Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng Tâm Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu - đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là si mê. Vì Tâm Phật nguyên ủy vốn Bất sinh, nên nó vận hành không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ. Vừa khi có ước muốn giác ngộ là bạn đã rời khỏi vị trí của Bất sinh và đi ngược lại với nó. Vì Tâm Phật là Bất sinh, nó tuyệt nhiên không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng là nguồn gốc của vô minh. Khi hết tư tưởng thì vô minh cũng diệt. Và khi bạn đã hết vô minh thì không cần gì nói đến mong muốn đạt giác ngộ, phải vậy không?

An Trú Trong Tâm Phật
Một vị Tăng hỏi: Con thường đọc kinh và tọa Thiền, vì con cảm thấy những việc này có công đức. Bây giờ con có nên dẹp hết vì vô ích chăng?
Sư trả lời: Tọa Thiền và xem kinh là việc tốt. Tọa Thiền là việc mà tất cả tu sĩ muốn uống nước từ nguồn Thích Ca đều phải thực hành không được coi khinh. Bồ Đề Đạt Ma quay mặt vào vách, Đức Sơn dẹp kinh, Gutei dơ lên một ngón tay, Lâm Tế hét... Mặc dù tất cả những pháp này thay đổi tùy hoàn cảnh khác nhau và tùy cách dạy của mỗi bậc Thầy, song tất cả đều liên hệ đến việc bạn phải tự mình thực chứng cái Tâm Phật Bất sinh duy nhất.
(Bồ đề đạt ma, vị sư Ấn vào thế kỷ thứ 6 đã mang đạo Thiền đến Trung Quốc, được tôn là sơ tổ của đạo Thiền Trung Hoa. Tương truyền Ngài đã quay mặt vào vách Thiền định suốt 9 năm tại chùa Thiếu Lâm thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay.
Đức Sơn Tuyên giám, 782 - 865, là một vị Tăng chuyên nghiên cứu kinh Kim Cương, nhân trong lúc hành cước đi vào một hàng quán xin ăn điểm tâm. Bà già bán quán hỏi: “Trong kinh Kim Cương Phật dạy tâm quá khứ tâm hiện tại tâm vị lai đều không thể nắm bắt, vậy Ngài điểm cái tâm nào?” Đức Sơn không trả lời được, bèn đốt hết các luận giải ông đã làm và về sau ngộ đạo.
Chuty hay Gutei, tương truyền đã ngộ đạo nhờ bị Thầy chặt đứt một ngón tay.
Lâm Tế Nghĩa huyền mất năm 866, là tổ sáng lập Thiền phái Thiên Thai, nổi tiếng về sử dụng tiếng hét để khai đạo - ND).
Bạn không lầm tiếng chuông với tiếng trống, tiếng chim sẻ với tiếng chim quạ, tất cả những âm thanh nghe qua, bạn đều nhận ra và phân biệt từng thứ một không sót tiếng nào. Đấy chính là cái Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu đang lắng nghe, cái Tâm Phật vốn Bất sinh. Những gì nói trong Lâm Tế ngữ lục và những gì tôi nói chỉ là một thứ không có gì khác nhau. Vấn đề duy nhất là bạn có đức tin hay không. Nếu bạn không thể an trú trong Tâm Phật Bất sinh mà khuấy động lên đủ thứ tư tưởng nuối tiếc quá khứ, lo lắng về tương lai, thì chính là bạn đang xoay vần biến hóa trong sinh tử mà không tự biết. Bạn đã đổi Tâm Phật thành ra những tư tưởng phù du, không bao giờ có một giây phút an ổn.
Bây giờ bạn có thể tọa Thiền đọc kinh, nhưng hãy an trú trong Tâm Phật mà bạn có, và thực chứng cái Bất sinh. Nếu bạn tọa Thiền hay đọc kinh, với mục đích hay hy vọng tích lũy công đức, thì thế là bạn đổi Tâm Phật lấy công đức, đổi Tâm Phật lấy tọa Thiền và tụng kinh! Thế đấy, nên điều bạn cần làm là nhận ra với niềm tin tưởng sâu xa rằng, mọi sự tự nó được nhận chân và được phân biệt mà không cần bạn phải để tâm suy nghĩ. Tất cả đấy là vì Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn Bất sinh, và thu xếp mọi sự một cách trôi chảy.

Khi Tư Tưởng Khởi Lên
Một chú tiểu 14, 15 tuổi hỏi: Khi con tọa Thiền, những tư tưởng lại khởi lên. Con phải làm sao?
Sư dạy: Phân biệt được và nhận ra được từng ý nghĩ khởi lên, đấy chính là công năng linh hoạt của Tâm Phật. Vì Tâm Phật vốn Bất sinh mà cũng chiếu sáng kỳ diệu nữa, nên bất cứ gì được lưu giữ trong tâm con bây giờ trồi lên. Trong Tâm Phật không có một tư tưởng hay một vật gì, bởi thế khi con không để mình vương vấn với chúng, tức là đã phù hợp với Tâm Phật Bất sinh. Đừng lo cố xua đuổi chúng hay ngăn chặn chúng.

Để Cho Mọi Sự Tự Xếp Đặt
Sư chỉ giáo một vị Tăng từ Tamba đến: Ông nghĩ rằng đã khó nhọc lặn lội từ xa đến đây, thì phải đạt giác ngộ càng nhanh càng tốt, thái độ ấy chính là bị lòng ham muốn thành Phật làm cho mê mờ. Mong muốn giác ngộ có vẻ là chuyện hoàn toàn tốt đẹp đáng khen, nhưng kỳ thực là si mê. Với tôi, tôi không bao giờ trích dẫn lời Phật tổ trong các kinh điển và ngữ lục. Nếu bạn muốn biết vì sao, thì chính vì tôi có thể hoàn toàn được việc bằng cách nhắm thẳng bản ngã của mỗi người, nên tôi chỉ nói với họ về chuyện ấy.
Sự mong muốn thành Phật của bạn trước hết là điều vô ích. Bởi vì Tâm Phật bạn có từ sơ sinh vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên chưa cần suy nghĩ, mọi sự đã được nhận ra rõ ràng mà không cần đến một thứ khôn lanh nào cả. Không cần bám vào những khái niệm mê hay ngộ, hãy ở nguyên trong tình trạng ở đó tất cả mọi sự đều được nhận ra và phân biệt rõ ràng. Hãy để cho mọi sự tự thu xếp lấy, bất cứ gì xảy ra sẽ được giải quyết trôi chảy - dù bạn muốn hay không. Đấy chính là sự vận hành của Tâm Phật và diệu dụng chiếu sáng linh động của nó. Cũng như một tấm gương bóng loáng, không cần phát sinh một ý tưởng nào cũng không cần ý thức, mà mỗi sự vật bên ngoài đều được phản chiếu rõ rệt. Vì không hiểu điều này, các bạn cứ tưởng chính mình dàn xếp mọi sự nhờ tài khôn lanh! Chính vì thế mà các bạn vẫn bị mê mờ. Nếu bạn hiểu rõ rằng tư tưởng là do chính bạn sản xuất khi vướng ngoại cảnh, và không chuyển Tâm Phật của mình thành ra một cái gì khác, thì đấy chính là căn bản của sự tu hành, và đó cũng là ý nghĩa của điều tôi nói rằng Tâm Phật là Bất sinh, bản năng nội tại chiếu sáng kỳ diệu nơi chúng ta.

Không Thực Chất
Một cư sĩ hỏi: Con rất đội ơn Ngài về giáo lý Bất sinh, nhưng con nhận thấy rằng tư tưởng dễ dàng khởi lên do hậu quả những thói xấu ăn sâu nơi con, và khi con bị những ý tưởng ấy đánh lạc hướng thì con không thể nào nhận ra được cái Bất sinh một cách rõ rệt. Làm sao con có thể tin tưởng hoàn toàn vào Tâm Phật Bất sinh?
Sư dạy: Khi cố ngăn tư tưởng đừng khởi lên, là bạn tạo một mâu thuẫn giữa cái tâm ngăn và cái tâm bị ngăn, nên bạn sẽ không bao giờ có được bình an. Chỉ cần tin rằng tự nguyên ủy, những ý tưởng vốn không hiện hữu, chúng chỉ tạm thời khởi diệt tùy theo những gì bạn thấy và nghe, tự chúng không có một thực chất nào.

Người Lữ Hành
Một vị Tăng hỏi: Con đã nghe rằng những bậc Thầy ngày xưa đã đạt giác ngộ nhờ tu hành gian khổ, và những bậc Thầy ngày nay cũng phải trải qua đủ thứ gian nan mới đạt đến thực chứng. Con không thể chấp nhận được quan niệm rằng một người như con, chưa giác ngộ gì cả, cũng chưa tu hành gì ráo, mà lại có thể thực chứng được Tâm Phật Bất sinh.
Sư bảo: Giả sử có một nhóm người lữ hành đi qua một dãy núi cao. Đến một nơi không có nước uống, tất cả đều khát cháy cổ. Một người đi xuống thung lũng xa để tìm nước. Sau khi khó nhọc tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng người ấy được một ít nước đem về cho bạn đồng hành uống. Có phải những người này cũng có thể giải được cơn khát dù họ chẳng cần nỗ lực không? Ngược lại những người ôm lòng hoài nghi không chịu uống nước, thì sẽ không thể nào giải được cơn khát của mình. Vì đã không gặp được người có tuệ nhãn, nên tôi mới đi lạc và làm những nỗ lực gian khổ cho đến khi cuối cùng tôi khám phá ra được Phật trong chính tâm tôi. Bởi thế khi tôi bảo các bạn cũng có thể thấy được Phật trong tâm mình không cần tu hành gian khổ, thì cũng giống như những người lữ hành uống nước và giải được cơn khát của họ mà không cần phải đích thân đi tìm nước. Cũng thế, khi bạn sử dụng Tâm Phật mà mọi người đều có và đạt đến sự bình an trong tâm hồn mà không cần phải nhọc công tu tập, quả là giáo lý chân thật quý báu phải không?

Cha Mẹ
Một Ni cô hỏi: Cha mẹ con đều còn sống. Làm sao con có thể giữ tròn đạo hiếu với cha mẹ con?
Sư trả lời: Không có cách nào đặc biệt để tỏ lòng hiếu thảo; chỉ cần an trú trong Tâm Phật mà cô có từ cha mẹ sinh, đấy là chân chính thực hành đạo hiếu, không làm được như vậy chính là bất hiếu.

Trở Thành "Một Cây" Vô Minh
Sư bảo đại chúng: Từ khởi thủy lúc mới sinh ra, tất cả quý vị không ai có một thứ si mê nào. Nhưng vì giáo dục xấu, quý vị đã chuyển cái Tâm Phật bẩm sinh thành ra một chúng sinh mê muội thượng hạng, bắt chước và thâu nhận vào đủ loại si mê xung quanh mình, tập tành những thói hư tật xấu đến nỗi cuối cùng trở thành "một cây" vô minh! Chính vì Tâm Phật có công năng kỳ diệu đang vận hành nên quý vị mới thâu thập được đủ thứ hành vi mê muội ấy, khiến chúng trở thành bản chất thứ hai của mình. Tuy nhiên khi nghe được giáo lý quý báu về Tâm Phật này, quý vị phát khởi niềm tin và quyết định không si mê nữa, thì liền khi ấy quý vị đã an trú trong Tâm Phật Bất sinh như nguyên ủy. Như thế thì, chính vì Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu mà quý vị đã bị mê mờ; và cũng vì Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu mà quý vị được giác ngộ. Chính vì quý vị không nhận ra sự quý báu của Tâm Phật nên quý vị xem những thứ si mê đang làm hại mình là vô cùng quý giá. Và quý vị xem trọng những mê lầm này đến nỗi quý vị trở thành một cây vô minh, vứt bỏ cuộc đời của mình! Có phải là điên rồ không?

Tâm Phật Sống Động
Sư bảo đại chúng: Với một người thực chứng Tâm Phật một cách rốt ráo vào mọi lúc, thì khi vị ấy đi ngủ, cũng đi ngủ với Tâm Phật; khi dậy là dậy với Tâm Phật; khi ở là ở với Tâm Phật; khi đi là đi với Tâm Phật; khi ngồi là ngồi với Tâm Phật; khi đứng là đứng với Tâm Phật; khi ngủ là ngủ với Tâm Phật; khi tỉnh giấc là tỉnh giấc với Tâm Phật; khi nói là nói với Tâm Phật; khi im lặng là im lặng với Tâm Phật; khi ăn cơm là ăn với Tâm Phật; khi uống trà là uống với Tâm Phật; khi mặc áo là mặc áo với Tâm Phật. Vào mọi lúc, vị ấy an trú liên tục trong Tâm Phật, không có lúc nào là vị ấy không ở trong Tâm Phật. Vị ấy hành xử ung dung tùy theo hoàn cảnh, cứ để mọi sự theo cách tự nhiên của chúng. Chỉ cốt là không làm những điều ác mà chỉ làm những việc lành. Nhưng nếu bạn tự hào về những việc lành của mình, bám víu vào đó và ghét cái xấu, thì thế là đi ngược với Tâm Phật. Tâm Phật không thiện cũng không ác, mà vận hành vượt ngoài cả thiện ác. Đó không phải là Tâm Phật sống động hay sao? Khi bạn đã ngộ được điều này không còn một chút nghi ngờ nào cả, thì ngay lúc ấy bạn sẽ mở được con mắt thấy suốt tâm người. Bởi thế mà tông phái của tôi được mệnh danh là tông Mắt Sáng.

Bankei

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét