Khi bàn đến vấn đề tự tại với sống chết, người ta thường dễ hiểu lầm. Có những người công bố trước ngày giờ họ sẽ chết, rồi đến lúc ấy, không đau ốm gì họ lăn ra chết thực; hoặc đôi khi triển hạn qua ngày khác mới chết. Rất nhiều người xem đấy là tự tại trong việc sống chết. Tôi không phủ nhận điều đó. Nói về tự tại, thì những người ấy quả là tự tại kinh khủng! Nhưng những chuyện như thế chỉ là do năng lực khổ hạnh nơi họ, và thường họ chưa mở được con mắt tuệ (Tuệ nhãn hay Pháp nhãn của bồ tát để thấy rõ thực chất mọi sự vật và để cứu độ hữu tình. ND). Ngay trong số những người thường, ta cũng thấy những trường hợp biết trước cái chết như vậy, trong khi họ chưa mở khai đạo nhãn. Tôi không chấp nhận điều này. Con người của Bất sinh thì siêu việt cả sống chết.
Bây giờ, có lẽ quý vị đang tự hỏi siêu việt sống chết là thế nào. Cái gì đã Bất sinh thì bất diệt, và cái gì bất diệt thì không chết, nên gọi là siêu việt sinh tử. Vậy một người tự tại trước sống chết theo tôi, là một con người khi chết không bận tâm về chuyện sống chết. Hơn nữa, vấn đề sống chết vẫn xảy ra hàng ngày với chúng ta, không phải đợi đến lúc ta chạm mặt với cái chết thực sự mới gọi là chết. Một người tự tại trong sinh tử là người không bao giờ bận tâm đến sống chết, vì biết khi còn được sống thì cứ sống, khi đến thời chết thì cứ chết, dù chết ngay bây giờ cũng được, cái chuyện lúc nào chết không quan trọng lắm. Người như thế cũng là người đã rốt ráo thực chứng cái Tâm Phật Bất sinh chiếu sáng kỳ diệu. Cứ nói và suy nghĩ về những chuyện vặt vãnh như bạn sẽ chết vào giờ ngày nào, quả thực là tâm lý hẹp hòi, phải vậy không?
Rồi lại có ý nghĩ cho rằng "Sinh tử là Niết bàn", đây cũng lại là một cái gì vẫn còn ràng buộc với sinh tử. Ai cũng biết cảnh giới của sinh tử không khác gì cảnh giới của Niết bàn. Cái lý do người ta phải nói lên như vậy là vì họ không thực chứng cái Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đã có và hiện tại đang giải quyết mọi sự với Bất sinh. Bị bao phủ, gói kín trong danh tự chữ nghĩa, họ cứ lang thang tìm khắp nơi cái sinh tử và Niết bàn ở bên ngoài, đổi cái Tâm Phật Bất sinh của họ để lấy những khái niệm về sống chết và Niết bàn, khiến họ tối ngày cứ lẩn quẩn trong lĩnh vực sinh tử không có giây phút nào bình yên. Nghĩ thật đáng thương xót.
Vì Tâm Phật đang dàn xếp mọi sự một cách hoàn toàn ổn thỏa với cái Bất sinh, nên nó không cần biết đến sinh tử hay Niết bàn. Từ vị trí Bất sinh, thì sinh tử và Niết bàn cũng chỉ là một mớ tư duy trống rỗng. Nên ngay cả một người mới hôm nào vẫn ngụp lặn trong sinh diệt, mà hôm nay nhận ra mình đã lầm, từ đó không còn đổi cái Tâm Phật Bất sinh thành ra ba độc (tham sân si) hay vướng vào sinh tử Niết bàn nữa, thì người ấy cũng sẽ an trú trong Tâm Phật Bất sinh. Khi ấy, lúc các yếu tố làm nên thân xác của mình đã đến thời tan rã, họ cứ để cho nó tan rã, và chết không chút lưu luyến. Đây là một con người mà đối với họ sinh tử là Niết bàn, một con người tự tại trước sống chết.
Bản Lai Diện Mục (Mặt Mũi Xưa Nay)
Cái được gọi là bản lai diện mục cũng không khác gì Tâm Phật Bất sinh. Cái mà bạn thừa hưởng của cha mẹ từ lúc mới sinh chỉ là Tâm Phật Bất sinh, không gì khác. Đây là từ ngữ mà một bậc Thầy ngày xưa đã đặt ra cốt làm cho người học nhận ra rằng Tâm Phật Bất sinh chính là mặt mũi nguyên ủy của mình, hay bản lai diện mục. Ngay danh từ cha hay mẹ cũng là những gì đặt cho cái đã sinh ra. Con người thực chứng được Tâm Phật thì ở tận ngọn nguồn của cha và mẹ, đó là lý do ta nói đến một cái "hiện hữu trước cả khi cha và mẹ ra đời". Cái đó không gì khác hơn là cái Bất sinh; bởi thế Tâm Phật cũng chính là Bản lai diện mục của bạn...
Những Lối Vào
Bây giờ nói về Ba quy y thì: về Phật, chúng ta nương tựa một vị Phật do mình chọn, về Pháp, ta nương tựa một pháp đặc biệt, về Tăng, ta nương tựa một đoàn thể đặc biệt nào đó. Tất cả gì tôi nói cho mọi người chỉ là Tâm Phật, vì lý do đó tôi không cần hạn cuộc vào một tông phái nào cả. Mỗi tông phái lập thuyết một cách khác nhau để dạy người, nhưng lý do duy nhất để thiết lập những giáo lý ấy là cốt làm cho người ta trực nhận được cái họ có sẵn từ lúc cha mẹ sinh ra, đó là Tâm Phật. Bởi thế, nói đến sự thiết lập những tông phái khác nhau, thì vì tất cả đều là những lối vào Tâm Phật, nên ta gọi các tông phái là những "lối vào giáo lý."
Quý vị Tăng sĩ từ khắp nơi tụ họp lại đây trong kỳ kiết thất này có lẽ thuộc nhiều tông phái. Khi nghe tôi giảng, có những vị sẽ xác nhận lời tôi nói đúng. Nhưng cũng có nhiều vị không đồng ý, và với những vị ấy, miễn sao họ không thối thất đức tin, thì tôi chắc có một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra. Khi ngày ấy đến, chắc những vị ấy sẽ nhớ lại tôi, vậy quý vị nên nghe kỹ những gì hôm nay tôi nói.
Trích: Tâm Bất Sinh (Ngữ Lục Bankei)
Tác giả: Thiền sư Bankei
Dịch giả: Thích nữ Trí Hải
Dịch giả: Thích nữ Trí Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét