1. Nhân chi sơ tính bản thiện
a/ Hỏi: Thưa Thầy, trong "Nhân chi sơ tính bản thiện" của Mạnh Tử, chữ Thiện ở đây có phải là lương thiện hay còn có nghĩa khác?
- Chữ THIỆN trong “tính bản thiện” không phải là khái niệm thiện ác tương đối trong tục đế mà là tính hoàn hảo trong chân đế. Chữ SƠ trong “nhân chi sơ” cũng không có nghĩa là trẻ sơ sinh, mà là bản nguyên của con người. Không phải chỉ người mà bất cứ gì "sơ" như nó vốn là chưa qua tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là… cũng đều hoàn hảo.
Nói cách khác, bản nguyên của các pháp đều hoàn hảo. Thí dụ như cái hoa này là như vậy, nó hoàn hảo trong chính nó, còn như nói hoa này xấu hay đẹp, to quá hay nhỏ quá v.v... là ý niệm mỗi người xen vào. Bất kỳ pháp nào đúng như bản chất tự nhiên của nó đều là pháp thực tướng, thực tánh. Còn cái gì qua tưởng là, cho là, phải là, sẽ là… đều không còn “chi sơ” nữa. Tất cả cái "chi sơ" như đá chi sơ, nước chi sơ... đều là thực tánh bản nguyên hoàn hảo của chính nó, là chân đế.
Khi đặt thêm cho nó khái niệm này khái niệm nọ là đã trở thành pháp chế định, tục đế. Con người thường muốn mọi sự mọi vật “hoàn hảo” theo tư kiến, tư dục của mình nên biến chúng trở nên bất toàn. Ví dụ trái mít lúc non, lúc già, lúc chín thì lúc nào là hoàn hảo? Người thích ăn mít chín thì cho lúc chín là hoàn hảo, người muốn mít non để nấu canh thì cho lúc non là hoàn hảo. Nhưng thực ra mọi khoảnh khắc của trái mít đều hoàn hảo với thời-vị-tính của chính nó.
b/ Hỏi: Thưa Thầy còn câu “Nhân chi sơ tính bản ác” của Chu Tử hiểu như thế nào ạ?
- Do hiểu lầm chữ sơ và chữ thiện trong “Nhân chi sơ tính bản thiện” của Mạnh Tử như đã nói trên, nên Chu Tử mới phản biện thành “nhân chi sơ tính bản ác”. Mạnh Tử nói theo sự thật rốt ráo (chân đế) còn Chu Tử lại hiểu theo sự thật tương đối (tục đế). Trong chân đế mọi sự vật đúng với thời gian, không gian và tính chất “gốc” (thời-vị-tính) của nó nên luôn hoàn hảo trong chính nó. Trong khi Chu Tử nói theo sự thật tương đối (tục đế) nên phân biệt thiện với ác của đứa bé sơ sinh. Ví dụ trong chân đế "tâm sân" và "tâm từ" Mạnh Tử đều chỉ thấy đúng với thời-vị-tính như nó đang là, còn Chu Tử thì lại phân biệt thiện-ác, đúng- sai theo khái niệm chế định. Mặc dù sống trong tục đế nhưng quan trọng là thấy được thực tánh. Ví dụ tâm sân hay tâm từ đều thấy thực tánh gốc "chi sơ" là thấy thực tánh. Cho nên có câu "nghiên cơ ư tâm ý, sơ động chi thời", muốn biết thực sự tâm mình là gì thì phải thấy ra khi tâm mới động lên hoặc chỗ từ đó tâm khởi động. Thấy tâm "sơ động chi thời" có hai nghĩa, một là thấy được tâm lúc mới động lên và hai là thấy được cả tâm lúc chưa động lên. Ví dụ tâm rỗng lặng trong sáng thì thấy rỗng lặng trong sáng, tâm khởi sân thì thấy khởi lên tâm sân. Lão Tử gọi đó là “căn” nơi động lên rồi trở về của tâm: “Các phục quy kỳ căn”. Đó chính là“tự tánh bản nguyên" của tâm mỗi người.
Thời Bách gia chư tử bên Trung Quốc có hàng trăm tư tưởng tranh luận với nhau, người nói "hữu" người nói "vô", người nói "thiện" người nói "bất thiện" v.v... Thí dụ thuyết kiêm ái và thuyết vị kỷ cái nào đúng? Mặc Tử nói nếu được mài từ đầu đến chân mà lợi ích cho thiên hạ thì ông sẵn sàng để cho mài. Còn Dương Tử nói dù nhổ một sợi lông mà lợi cho thiên hạ thì cũng không nhổ, người ta cho ông này là ích kỷ, vị ngã. Xét cho cùng, kiêm ái chưa hẳn đã tốt, vị kỷ chưa hẳn đã xấu. Nếu mỗi người phải tự học bài học của mình trong cuộc đời, thì kiêm ái lắm khi làm cho người ta sống ỷ lại và mất đi khả năng tiến hoá. Nếu mỗi người biết lo tự toàn chính mình thì xã hội tự nhiên ổn định và tốt đẹp hơn. Cho nên vị kỷ hay vị tha đều có mặt tốt mặt xấu của nó. Người trí biết khi nào nên vị kỷ lúc nào nên vị tha, không bao giờ chủ trương một chiều cố định. Đó là lý do vì sao trong Kinh Mật Hoàn đức Phật nói Ngài không tranh luận, dù thời bấy giờ các Đạo Sư Ấn Độ thường luận biện như “chẻ sợi tóc làm tư”.
2. Hiểu & Hành Đúng THIỀN ĐỊNH
- Câu hỏi rất đúng. Ví dụ sau đây có thể thuyết minh điều đó: Hàng ngày cứ xả rác bừa bãi đầy nhà, sau đó đến giờ quy định mới ra sức quét dọn, nếu không xả rác thì đâu cần định giờ quét dọn làm gì, phải không? Cũng vậy hàng ngày sống buông lung thất niệm, cứ xả không biết bao nhiêu là tham sân si… rồi tối đến ngồi cố tập trung thiền định, thì còn tệ hơn cả việc quét rác vì chỉ là lùa rác vào chỗ khuất tất không ai thấy thôi. Nên thiền định được ví như lấy đá đè cỏ, dồn nén các rác phiền não vào vô thức, chưa phải thật sự quét dọn cho sạch.
Nếu hàng ngày thường thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại thân-tâm-cảnh trong mọi sinh hoạt để thấy biết rõ ràng minh bạch, thì đã không xả tham sân si bừa bãi, nên tâm luôn an tịnh trong giới định tuệ rồi đâu cần phải chờ đến tối rồi mới ngồi chú tâm thiền định để dồn nén phiền não vào vô thức thành tập khí. Mọi khoảnh khắc trong đời sống đều trọn vẹn tỉnh thức, thì khi ngồi lại tâm liền an tịnh, không cần cố gắng tập trung tâm vẫn định dễ dàng.
Ví dụ đứa trẻ đi học, khi thầy giảng bài thì lơ đểnh không nghe. Khi học bài thì tâm phân tán, không chuyên chú, nên học bài không thuộc. Còn khi làm bài tập thì ham chơi, làm được nữa chừng rồi bỏ dở. Do vậy, dù ngồi đâu em cũng không thể yên tâm vì lo lắng chưa thuộc bài, chưa làm bài xong. Đó là lo vì quá khứ. Rồi sợ ngày mai đi học thầy kiểm tra sẽ bị phạt. Đó là lo vì tương lai. Bây giờ dù em có ngồi cố định tâm để quên đi nỗi sợ thì cũng không giải quyết được vấn đề. Tu tập cũng vậy, nếu chánh niệm tỉnh giác trong từng khoảnh khắc hiện tại thì đâu cần phải cố thiền định để rồi chỉ trầm không trệ tịch mà cũng không thể giải quyết được vấn đề sinh tử.
Cố thiền định để dồn nén phiền não hay để được an lạc tạm thời trong các chi thiền chỉ là định hữu vi hữu ngã trong Tam giới, giống em học sinh cố ngồi định tâm để quên nỗi sợ hãi, đó không phải là chánh định vô vi vô ngã mà đức Phật dạy trong Bát Chánh Đạo. Định hữu vi hữu ngã trong sắc giới và vô sắc giới là định do nỗ lực tập trung để an trú tâm trên một đối tượng hữu sắc hoặc vô sắc nhất định. Trong khi chánh định là xả ly, ly tham, đoạn diệt các dục và bất thiện pháp nên tâm vô vi vô ngã an tịnh tự nhiên trên mọi đối tượng, hoặc không cần đối tượng nào.
Ví dụ như ly nước đang sóng sánh chao động. Định hữu vi hữu ngã giống như cố nắm ly nước cho vững để giữ yên (tầm tứ hỷ lạc), không cho nước chao động (định xả). Còn định vô vi vô ngã giống như ngay từ đầu để ly nước xuống (buông xả - không vô tướng, vô tác, vô cầu), thì nước sẽ tự yên nhanh nhất (định) mà không cần nỗ lực tập trung gì cả.
Vậy tại sao không định xả ngay từ lúc đầu mà phải cố tập trung tầm tứ để đắc sơ thiền, rồi phải bỏ tầm tứ để được nhị thiền, và bỏ hỷ để được lạc trong tam thiền, cuối cùng lại bỏ lạc để đạt định xả trong tứ thiền làm gì? Chỉ trong trường hợp những người tâm quá động, quá lo lắng sợ hãi, quá tham lam sân hận – tức xả rác quá nhiều – thì mới phải nỗ lực tập trung để vượt qua các giai đoạn như thế, nhưng dù trấn áp được phiền não thì cũng chỉ đạt được định trong sắc, vô sắc giới mà thôi. Còn người hàng ngày thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trên mọi đối tượng đến đi trong đời sống – tức không xả rác – thì chỉ cần thân tâm buông thư là định tự đến. Đó mới là định giác ngộ giải thoát trong Bát Chánh Đạo.
3/ Đạo là yếu tố giác ngộ, thấy ra sự thật
Hỏi: Thưa Thầy theo con hiểu, Phật là tuệ giác và Đạo là con đường. Nếu hiểu đúng bản chất thật của đạo Phật là vô tâm không bám víu bất cứ cái gì ở đời, chỉ có trí tuệ là tôn chỉ để thực hành, nương tựa vào sự hiểu biết và phát triển con đường trí tuệ. Còn đạo khác thì nương tựa vào một đấng tối cao.
- Chữ "Đạo" được hiểu nhiều nghĩa khác nhau. Đạo trong Lão Tử Đạo Đức Kinh là Chân Lý tuyệt đối ngay trong đời sống bình thường. Lão Tử gọi đó là Thường Đạo – Đạo tự nhiên. Thiền Tông cũng nói “Bình thường tâm thị Đạo”. Còn Đạo theo Khổng Tử là cách “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đạo thường được dùng với nghĩa tôn giáo.
Đạo không phải là con đường như nhiều người hiểu lầm. Khái niệm con đường tạo ra ảo ảnh về hành trình đi đến một mục đích lý tưởng nào đó ở tương lai. Đạo mà đức Phật dạy là những yếu tố giác ngộ Sự Thật mà Sự Thật luôn có mặt nơi thực tại ngay đây và bây giờ. Chỉ cần xả ly, ly tham, đoạn diệt những nhận thức và hành vi sai xấu che lấp thực tại thì Sự Thật liền hiển bày ngay nơi thân thọ tâm pháp, không cần phải tìm kiếm đâu xa hay phải nỗ lực rèn luyện mới đạt đến. Đó là lý do vì sao Krishnamurti nói “Chân lý là mảnh đất không có đường vào”, vì Chân lý ở khắp mọi nơi chỉ thấy ra chứ không phải đi đến. Vậy Đạo là yếu tố để thấy ra chứ không phải con đường để đạt đến.
Trích: Trà Đạo Bửu Long 24/03/2019
Tác giả: HT. Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét