CÔNG ĐỨC - SỐNG Ở ĐỜI

CÔNG ĐỨC

& Một đệ tử của Ajaan Fuang kể lại rằng lần đầu tiên khi cô gặp sư, cô được hỏi, “Con thường đi đâu, làm gì, để tạo công đức?” Cô trả lời rằng cô đã hỗ trợ xây tượng Phật ở chùa này và đóng góp làm lò hỏa táng ở chùa kia, vân vân. Sau đó, sư hỏi thêm: “Sao con không tạo công đức ngay trong tâm mình?”


& Có lần Ajaan Fuang nhờ một đệ tử cắt giùm rễ cây cỏ, vì chúng mọc lấn hết sân chùa. Người đệ tử không sốt sắng mấy với công việc sư nhờ, nên vừa cắt cỏ, cô vừa tự hỏi mình, “Không biết tôi đã tạo nghiệp gì mà phải làm các công việc nặng nhọc như thế này?” Khi cô xong việc, sư bảo cô, “Việc con làm hôm nay cũng có chút công đức, nhưng không nhiều”.


“Dạ sao vậy sư? Sau bao nhiêu công sức đó mà con không được nhiều công đức sao?
“Nếu con muốn có đầy đủ công đức, thì công đức đó phải xuất phát từ tấm lòng của con”.

& Lần khác, Ajaan Fuang hướng dẫn các đệ tử ở Bangkok lên một ngọn đồi để dọn sạch khu vực quanh một ngôi tháp. Họ thấy một đống rác ai đã đổ đầy trên đó. Một thiền sinh trách, “Ai mà vô phép tắc quá, dám làm chuyện như vầy?” Nhưng Ajaan Fuang trả lời, “Con đừng trách ai đó làm chuyện này. Nếu họ không vứt rác lên đây, thì ta đâu có cơ hội lập công đức bằng việc dọn sạch chỗ này”.

& Có lần, sau khi danh tính Ajaan Fuang xuất hiện trên một tờ báo, một nhóm ba nam Phật tử từ Bangkok lái xe đến Rayong để đảnh lễ sư. Sau khi đảnh lễ rồi, ngồi chuyện trò một lúc, một người nói, “Đất nước ta vẫn còn các vị sư tu hành đúng đắn để chúng con được chia sẻ ba-la-mật của họ, có phải thế không, thưa sư?”

“Đúng vậy,” Ajaan Fuang trả lời, “nhưng nếu ta chỉ đòi hỏi chia sẻ ba-la-mật của người mà không tự mình phát huy nó, thì người ta sẽ coi ta chỉ là người ăn xin, và không muốn chia sẻ gì với ta nữa”.
& Một nữ Phật tử ở thị trấn Samut Prakaan, ngoại ô Bangkok, nhắn với các đệ tử của Ajaan Fuang rằng bà muốn cúng dường một số tiền lớn để giúp làm tượng Phật tại tu viện Dhammasathit. Bà yêu cầu Ajaan Fuang đến nhà bà làm lễ ban phước khi bà trao ngân phiếu cho sư. Sư từ chối lời yêu cầu, “Nếu muốn có công đức, thí chủ phải đi tìm nó. Không thể mong công đức đi tìm thí chủ”.

& Một Phật tử khác có lần điện thoại đến văn phòng tu viện Makut, báo rằng bà sẽ cúng trai tăng tại nhà, và muốn mời Ajaan Fuang đến vì bà nghe rằng sư là một hành giả chân tu. Sư từ chối và nói, “Cơm gạo của bà ấy quý lắm sao mà chỉ có hành giả chân tu mới có thể dùng?”


& Một đệ tử của Ajaan Fuang nói rằng cô muốn làm điều gì đó đặc biệt vào ngày sinh nhật của mình để tạo công đức. Sư nói, “Tại sao phải đợi đến sinh nhật? Nếu làm vào ngày khác, công đức con sẽ kém hơn sao? Nếu muốn tạo công đức thì cứ làm ngay. Đừng đợi đến sinh nhật, vì tử nhật có thể đến trước đấy”.


& Nói về những người không thích hành thiền, nhưng rất sốt sắng giúp đỡ công việc xây dựng ở chùa, Ajaan Fuang có lần đã nói, “Mấy người này không thích các công đức nhẹ, nên ta phải tìm các công đứcnặng cho họ làm. Chỉ có cách đó mới làm họ vui lòng”.

& Không lâu sau khi ngôi tháp hoàn thành, một nhóm đệ tử của Ajaan Fuang ngồi ngắm công trình, hoan hỷ với tất cả các công đức họ tích lũy được vì họ đã góp tay vào việc xây dựng. Ajaan Fuang vô tình đi qua, nghe được câu chuyện, sư lên tiếng, không thực sự nhắm vào một ai, “Đừng quá chấp vào các thứ vật chất. Khi tạo ra công đức, chớ chấp vào công đức. Nếu để mình tự mãn với ý nghĩ, ‘Chính tay tôi đã giúp xây tháp đó’, hãy coi chừng. Nếu chết ngay lúc này mà trong đầu cứ nghĩ, ‘Ngôi tháp này là của tôi, của tôi’. Thì thay vì được tái sinh lên cõi phạm thiên với mọi người, thì ta lại tái sinh làm ngạ quỷ để canh giữngôi tháp một thời gian, vì tâm ta quá dính chấp vào vật chất”.

& “Nếu, khi làm thiện, ta lại chấp vào điều thiện đó, ta sẽ không bao giờ được giải thoát. Ta bị dính chấp ở đâu, thì ở đó có hữu và sinh”.

& Có một truyền thống cổ xưa trong Phật giáo –dựa trên các sự tích Apadana- rằng bất cứ khi nào ta cúng dường hay làm hành động thiện, ta nên hồi hướng công đức cho một ước nguyện nào đó. Nhiều khi Ajaan Fuang khuyên các đệ tử nên lặp lại ước nguyện của mình mỗi lần họ hành thiền, ước nguyện gì thì tùy cá nhân. Nhưng đôi khi, sư khuyên họ nên có ước nguyện giống như ước nguyện của vua Asoka lúc cuối đời rằng: “Trong các kiếp tương lai, mong rằng tôi có thể làm chủ tâm mình”.

Lúc khác thì sư dạy rằng: “Không cần phải có ước nguyện dông dài, rối rắm. Chỉ cần tự nhủ: Nếu tôi có tái sinh, mong cho tôi luôn được gặp Phật pháp”.

Nhưng không phải lúc nào Ajaan Fuang cũng khuyên đệ tử ước nguyện như thế. Có lần một đệ tử nói rằng khi bà tạo công đức, bà không có ước nguyện gì để hồi hướng công đức tới đó. Sư bảo, “Nếu tâm đã viên mãn, hoặc nếu bà không thích, thì không cần phải ước nguyện điều gì. Giống như khi ăn, dầu bà có ước muốn được no hay không, khi bà cứ tiếp tục ăn, thì không cách gì bà không được no”.

SỐNG Ở ĐỜI

& “Ngài Ajaan Mun đã từng nói, ‘Con người tất cả đều giống nhau, tuy không hoàn toàn như nhau, nhưng xét cho cùng, tất cả giống nhau’. Bạn phải quán tưởng khá kỹ về điều này trước khi có thể hiểu ý của ngài”.

& “Nếu bạn muốn phán đoán người khác, hãy phán đoán chủ tâm của họ”.

& “Khi bạn muốn dạy người khác điều thiện, bạn phải xem họ có thể tốt đến đâu. Nếu bạn cố làm cho họ tốt hơn khả năng có thể tốt của họ, thì bạn đúng là người thiếu trí”.

& “Không ích lợi gì khi quan tâm đến lỗi của người. Nếu bạn tự xét lỗi mình thì bạn có thể làm được nhiều điều ích lợi hơn”.

& “Người khác tốt hay xấu là chuyện của họ. Hãy quan tâm đến chuyện của mình thì tốt hơn”.

& Một đệ tử của Ajaan Fuang than phiền với sư về tất cả những vấn đề cô gặp phải ở chỗ làm. Cô muốn bỏ việc, sống lặng lẽ một mình, nhưng điều kiện không cho phép, vì cô còn phải lo cho mẹ già. Ngài thiền sư bảo cô, “Nếu con phải sống với những điều này, thì phải tìm cách sống sao để vượt lên trên chúng. Đó là cách duy nhất con có thể sinh tồn”.

& Lời khuyên cho một Phật tử bị trầm cảm vì áp lực công việc ở chỗ làm: “Khi làm việc gì đó, hãy làm chủ nó, chớ để nó làm chủ mình”.

& Một Phật tử khác gặp phải vấn đề nghiêm trọng, cả ở gia đình và chỗ làm, nên sư khêu gợi dũng khí của cô: “Người thực sự biết sống, phải biết đối đầu với những vấn đề thực sự sống còn trong đời”.

& “Khi gặp trở ngại, bạn phải đối mặt với chúng. Nếu bạn buông xuôi quá dễ dàng, cuối cùng là bạn cũng buông luôn cuộc sống của mình”.

& “Hãy tự nhủ mình là thân gỗ sồi, không phải gỗ ruỗng mục”.

& Một y tá trẻ, đệ tử của Ajaan Fuang, phải chịu đựng làm bia cho nhiều tai tiếng ở chỗ làm. Lúc đầu, cô cố bỏ ngoài tai, nhưng tình trạng ngày càng tệ, cô dần mất kiên nhẫn.

Một ngày, khi chuyện gièm pha thực sự khiến cô nổi giận, cô bỏ việc, đi học thiền với Ajaan Fuang tại chùa Wat Makut. Khi đang hành thiền, cô nhìn thấy mình trả đáp, trả đáp lại với thinh không, như thể cô bị kẹp giữa hai tấm kính song song. Cô chợt nghĩ có lẽ trong nhiều kiếp quá khứ cô cũng đã phải chịu đựng bao điều tai tiếng. Suy nghĩ này càng khiến cô thêm chán nản cho hoàn cảnh của mình. Nên khi mãn thiền, cô thưa với Ajaan Fuang về việc cô quá nản lòng khi bị người ta nói xấu. Thiền sư cố gắng an ủi cô rằng, “Những việc như thế này là một phần, một mảng của cuộc sống. Khi có khen, thì cũng có chê, có điều tiếng. Biết vậy rồi, sao con còn để mình phải dính mắc?”

Tuy nhiên, tâm trạng cô gái quá bức xúc, nên cô cãi lại với sư, “Con đâu có dính mắc với họ, thưa sư. Chính họ tìm đến và dây dưa với con!”

Nghe thế, sư liền hỏi ngược lại cô: “Vậy thì sao con không tự hỏi mình –trước tiên, ai bảo ta vác thân đến đây, sinh ra ở chốn này?”

& “Nếu người khác nói bạn không tốt, hãy nhớ là lời nói của họ chỉ ở đầu môi. Chúng không nhảy ra ngoài, chạm tới bạn được”.

& “Người khác phê bình ta xong rồi họ quên ngay chuyện đó, nhưng ta thì ôm chặt lấy chúng, luôn nghĩ về chúng. Giống như đồ họ đã ăn và nhổ phăng ra ngoài, còn ta thì lượm lên, ăn lại. Trong trường hợp đó, ai là kẻ ngu?”

& “Hãy xem như ta có đeo đá vào tai, nên ta không bị cuốn theo những điều mình được nghe nói”.

& Có lần, bỗng nhiên thiền sư Ajaan Fuang hỏi một đệ tử, “Nếu áo quần con bị rớt vào đống phân, con có lượm ngay lên không?”

Người đệ tử nghe vậy, không biết ý thiền sư thế nào, nhưng biết rằng nếu mình không cẩn thận khi trả lời, mình sẽ làm trò cười, nên người đó nói phân hai: “Còn tùy. Nếu con chỉ có một bộ duy nhất, con phải lượm lên. Nhưng nếu con có bộ khác, có lẽ con sẽ bỏ luôn. Thưa sư, ý sư thế nào?”

“Nếu con thích nghe những điều xấu về người khác, thì dầu con không dự phần gì vào nghiệp xấu của hành động đó, con vẫn dính mùi hôi”.

& Nếu bất kỳ đệ tử nào của Ajaan Fuang khó chịu về chuyện gì, sư sẽ bảo họ: “Con không thể hy sinh, chịu đựng chút chuyện nhỏ như vậy à? Hãy coi đó là một quà tặng. Hãy nhớ Đức Phật đã phải hy sinh bao thứ giá trị khi ngài là thái tử Vessantara, rồi sau đó tự nhủ mình, ‘Tâm sân hận của tôi không có giá trị gì cả. Tại sao tôi không thể dứt bỏ nó chứ?’”

& “Hãy suy nghĩ trước khi hành động. Đừng làm loại người hành động trước, rồi mới nghĩ sau”.

& “Hãy để ý đến sự tử tế té-giếng: đó là những trường hợp khi bạn muốn giúp đỡ người khác, nhưng thay vì bạn kéo họ lên, thì họ kéo bạn xuống”.

& “Khi người nói điều gì đó tốt, đó là ý kiến của họ. Còn ta, phải xét xem điều đó có thực sự tốt cho ta không?”

& “Nếu kẻ khác ghét bạn, đó là điều tốt, bạn khỏi dính dáng với họ. Bạn có thể đến hay đi tùy ý, không phải lo lắng họ có thể mong đợi, buồn phiền khi vắng bạn. Bạn cũng không phải lo mua quà cáp cho họ khi trở về. Bạn hoàn toàn tự do muốn làm gì thì làm”.

& “Cố gắng thắng người khác không ích lợi gì ngoài việc đem lại hận thù và nghiệp xấu. Tốt hơn là lo thắng chính mình”.

& “Dầu bạn đánh mất thứ gì, hãy để nó qua đi, đừng đánh mất tâm bạn vì điều đó”.

& “Nếu kẻ khác chiếm đoạt sở hữu của bạn, hãy coi như bạn đã làm quà tặng cho họ. Nếu không, hận thù sẽ không bao giờ chấm dứt”.

& “Tốt hơn là để kẻ khác chiếm đoạt sở hữu của mình, hơn là mình chiếm đoạt của người”.

& “Cái gì thực sự của bạn, nó sẽ thuộc về bạn trong bất cứ điều kiện gì. Nếu nó không thực sự thuộc về bạn, thì tại sao phải tranh giành làm gì?”

& “Không có gì sai nếu bạn nghèo vật chất, nhưng phải chắc rằng bạn không nghèo nội tâm. Hãy làm người giàu về đức hạnh, từ bi, và thiền định –là các kho báu của tâm”.

& Một đệ tử của Ajaan Fuang than thở với sư, “Nhìn quanh, con thấy ai cũng có cuộc sống dễ dãi. Sao đời con lại quá khổ?” Sư trả lời: “Cuộc sống ‘khổ’ của con, còn mười, hai mươi lần ‘tốt’ hơn đối với nhiều người khác. Sao con không nhìn những người khổ hơn con?”

& Khi các đệ tử của ngài thiền sư đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, sư thường dạy họ phải tự nhắc nhở mình: “Sao ta có thể oán trách ai khác được? Không ai bắt ta phải sinh ra cõi đời này. Chính ta tự muốn đến mà”.

& “Mọi thứ xảy ra ở đời đều có thời hạn. Nó không thể tồn tại mãi mãi. Khi hết thời hạn, nó sẽ tự qua đi”.

& “Có người bạn trong đời là khổ. Có người bạn tuyệt vời còn khổ hơn, do ta có sự bám víu vào đó”.

& “Dục lạc giống như ma túy: Chỉ thử một chút và ta đâm nghiện. Người ta bảo rằng ma túy khó bỏ, nhưng dục lạc thế gian càng khó bỏ hơn. Chúng ăn sâu vào tận xương tủy ta. Chúng chính là nguyên dokhiến ta có mặt ở nơi này, khiến ta luân hồi sinh tử qua bao kiếp. Không có thuốc chữa nào giúp ta từ bỏđược thói quen này, tẩy sạch nó khỏi thân tâm ta, trừ phương thuốc từ những lời dạy của Đức Phật”.

& “Khi thấy người Ấn Độ giáo thờ bộ phận sinh dục Siva, ta cho là lạ, nhưng thực ra tất cả mọi người trên thế gian đều thờ hình tượng đó –có nghĩa là mọi người đều thích sắc dục, chỉ có điều là người Ấn Độ giáokhông che giấu điều đó. Dục tính là kẻ tạo ra thế giới này. Lý do ta được sinh ra là v ta cũng thờ hình tượng đó trong tâm”.

& Một nữ đệ tử của Ajaan Fuang bị cha mẹ áp lực phải kiếm chồng, lập gia đình, sinh con cái, nên cô đến hỏi ngài thiền sư: “Thưa sư, họ nói có đúng không, rằng người phụ nữ sẽ có được nhiều công đức khi sinh con, vì người đó đã tạo cơ hội cho ai đó được sinh ra?”

“Nếu điều đó đúng,” sư trả lời cô, “thì mấy con chó cái sẽ có biết bao là công đức, vì mỗi lần chúng sinh ra cả bầy”.

& Sư cũng nói: “Lập gia đình không phải là cách để tránh khổ đau. Thực ra, việc đó còn khiến ta khổ hơn. Đức Phật đã dạy rằng năm uẩn (khandhas), là một gánh nặng, nhưng nếu ta lập gia đình, thì tự dưng ta có mười, mười lăm, hai mươi… gánh nặng”.

& “Bạn phải tự nương tựa vào mình. Nếu bạn là loại người phải dựa dẫm vào người khác, thì bạn phải có quan điểm giống họ, có nghĩa là nếu họ nhìn sai vấn đề, bạn cũng phải như thế. Vì thế hãy thoát ra khỏi sự trói buộc đó, hãy tự quán xét mình cho thấu đáo, cho đến khi mọi thứ đều sáng tỏ trong tâm bạn”.

& “Bạn có thể nghĩ, ‘Con tôi, con tôi,’ nhưng thực sự nó có phải là của bạn? Ngay cả thân bạn còn không thực sự là của bạn”.

& Một đệ tử của Ajaan Fuang, bị bệnh gan nặng. Cô nằm mơ thấy mình đã chết và được lên trời. Cô xem đó là tín hiệu xấu, nên lên chùa Wat Makut kể cho Ajaan Fuang nghe câu chuyện. Sư cố gắng an ủi cô rằng đó thực sự là tín hiệu lành. Nếu cô khỏi bệnh, có thể cô sẽ được lên lương ở sở làm. Nếu không, cô sẽ tái sinh vào cõi lành, với các điều kiện thuận lợi. Ngay khi sư vừa nói thế, cô rất bất bình và nói: “Nhưng con chưa sẵn sàng để chết!”

Thiền sư bảo cô: “Khi thời điểm đến, con phải đi thôi. Cuộc sống không phải là một sợi dây thun mà con có thể kéo giãn hay thun nó lại theo ý mình”.

& “Nếu có dục lạc nào mà bạn thực sự thèm khát, đó là dấu hiệu rằng bạn đã từng thích thú, hưởng thụ nó trong các kiếp sống trước. Nên giờ bạn mới nhớ tiếc nó như thế. Nếu bạn quán tưởng về điều này thấu đáo, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán, hết ưa thích nó nữa”.

Theo: TỈNH THỨC
AWARENESS ITSELF
Ajaan Fuang Jotiko
Tỳ Khưu Thanissaro (Geoffrey DeGraff)
Chuyển ngữ từ Thái sang Anh.
Diệu Liên Lý Thu Linh
Chuyển Ngữ từ Anh sang Việt
2018-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét