“Nếu như tâm ta chỉ chú tâm về một hướng, thì tự chính nó sẽ trở thành một chướng ngại. Nó sẽ là một sự xao lảng, ngăn trở không cho ta thấy được mọi tình huống khác đang xảy ra. Cũng như đứng trước một khu rừng mùa thu, nếu như ta chỉ chú tâm nhìn vào một chiếc lá, ta sẽ thấy được mỗi chiếc lá ấy thôi. Và nếu như ta không vướng mắc vào một chiếc lá nào, thì cả khu rừng thu muôn màu kia sẽ hiển lộ một cách nhiệm mầu.”
... nhất tâm cũng là một thái độ rộng mở. Một thái độ rộng mở là điều kiện cho một cái thấy sáng tỏ, nó giúp ta có thể tiếp nhận được thực tại một cách trọn vẹn...
Thế nào là nhất tâm?
Thiền sư Tejaniya thường chia sẻ rằng trong phương pháp thiền của ông, cái biết, cái thấy của ta mới là quan trọng, chứ không phải là đối tượng nào. Ông nói, ta phải biết quan sát với một tâm rộng mở, và trọn vẹn với tất cả những gì đang xảy ra trong thân tâm, chứ không cần nên chú ý vào một đối tượng nhất định nào. Vì thật ra, vấn đề không hề tùy thuộc vào việc ta thấy biết những gì.
Có lần trong một khóa tu, một thiền sinh nghe vậy phát biểu rằng, điều ấy thật khó, vì từ xưa đến giờ anh vẫn cố gắng ôm giữ một đối tượng, nương tựa vào một phương cách trong lúc hành thiền, giờ phải buông bỏ nó đi thì thật là khó và cũng rất là nuối tiếc. Anh nói rằng, ông bắt anh phải buông bỏ một cái gì rất gần gũi và quý giá đối với mình trên con đường thực tập. Nhưng bạn biết không, thật ra vì muốn có được một cái thấy không xao lảng, trọn vẹn, mà ta lại cần biết mở rộng tâm mình ra hơn...
Trong thời Võ Sĩ Đạo ở Nhật bản có một vị tướng quân rất nổi tiếng và giỏi về kiếm thuật. Một buổi sáng ông bước ra sân và nhìn các học trò mình đang tập luyện những đường gươm. Ông bước đến gần một người đệ tử của mình và nói: “Sao hôm nay con tập có vẻ lơ đảng thế. Có gì đang làm cho con bận tâm chăng?”
Người học trò lộ vẻ ngạc nhiên đáp: “Dạ thưa Thầy, không! Trái lại con lại rất tập trung và nhất tâm kia mà. Tâm con hoàn toàn chú tâm vào mỗi đường gươm và cử động của mình! Con không hề để cho một cái gì bên ngoài làm cho mình xao lảng.”
Vị thầy hỏi tiếp: “Thế khi con đang tập, có một con chim sơn ca đang hót líu lo kia, con có nghe nó không?”
- Dạ, không.
- Thế thì đúng như ta nghĩ. Con vẫn chưa hiểu được thế nào là sự nhất tâm.”
Người học trò thắc mắc nói, “Dạ thưa Thầy, con không hiểu ý thầy muốn dạy gì?”
Vị thầy từ tốn đáp: “Nếu như tâm ta chỉ chú tâm về một hướng, thì tự chính nó sẽ trở thành một chướng ngại. Nó sẽ là một sự xao lảng, ngăn trở không cho ta thấy được mọi tình huống khác đang xảy ra. Cũng như đứng trước một khu rừng mùa thu, nếu như ta chỉ chú tâm nhìn vào một chiếc lá, ta sẽ thấy được mỗi chiếc lá ấy thôi. Và nếu như ta không vướng mắc vào một chiếc lá nào, thì cả khu rừng thu muôn màu kia sẽ hiển lộ một cách nhiệm mầu.”
Thật ra, nhất tâm cũng là một thái độ rộng mở. Một thái độ rộng mở là điều kiện cho một cái thấy sáng tỏ, nó giúp ta có thể tiếp nhận được thực tại một cách trọn vẹn. Và cũng nhờ vậy mà ta mới có thể thấy lại được rõ chính mình hơn. Vì như vị thiền sư nói, chính cái thấy của ta mới là quan trọng, chứ không phải ở nơi những gì mình đang thấy.
Nguyễn Duy Nhiên
Trích trong "Trên Núi Chớ Tìm Non"
Trích trong "Trên Núi Chớ Tìm Non"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét