Tu tập cũng giống như là nấu bánh – ta phải pha trộn từng chút, thực hành theo từng bước một, nhiệt độ đòi hỏi phải vừa đúng. Và chỉ có ta mới hiểu mình nhất, ta biết nhiệt độ cần thiết cho mình phải là bao nhiêu. Ta biết rõ mình cần gì. Hãy thành thật với chính mình...
Không có gì đặc biệt
Thầy của tôi qua đời khi tôi được ba-mươi-mốt tuổi. Mặc dù lúc ấy tôi muốn dồn hết tâm lực vào việc hành thiền tại tu viện Eiheiji, nhưng tôi phải trở về để nối nghiệp thầy tại ngôi chùa của người. Tôi đã trở nên rất bận rộn, cũng như mọi tuổi trẻ khác. Tôi gặp nhiều khó khăn. Những trở ngại này dạy cho tôi rất nhiều, nhưng không thấm vào đâu so với lối sống chân thật và tĩnh lặng tại tu viện.
Tu thiền đòi hỏi ta phải giữ một nếp sống đều đặn bình thường. Thiền không phải là một phương pháp náo động nào hết, mà nó dạy cho ta biết thận trọng, chú ý vào những công việc thường xuyên mỗi ngày của mình. Những khi ta quá bận rộn và kích động, tâm ta sẽ trở nên thô thiển và tã tơi. Điều ấy không tốt. Nếu có thể, hãy giữ cho mình được luôn tĩnh lặng và an vui, tránh những sự kích động.
Cuộc sống của ta mỗi ngày càng thêm bận rộn, nhất là giữa thời đại văn minh này. Nếu chúng ta có dịp về thăm nơi xưa chốn cũ sau một thời gian dài xa cách, ta sẽ giật mình vì những sự thay đổi của nó. Ta không thể nào ngăn chận được sự đổi thay. Nhưng nếu ta ham thích sự náo nhiệt, hay là ngay cả sự đổi thay của chính mình, ta sẽ bị cuộc đời chung quanh cuốn trôi theo, lạc về một phương trời vô định. Hãy giữ tâm cho được yên lặng, bằng sự thận trọng và tỉnh giác. Giữa một cuộc sống náo động và đổi thay, ta vẫn có thể sống thanh thản và quân bình được.
Thiền không phải là một phương pháp gì đáng để làm cho ta đam mê. Có người hành thiền vì tánh tò mò, nhưng hạng người này chỉ tự làm cho đời sống họ bận rộn thêm mà thôi. Nếu sự tu tập làm cho bạn mỗi ngày một bận rộn hơn thì vô lý quá. Tôi nghĩ rằng mỗi tuần ngồi thiền một lần cũng là đủ lắm rồi. Đừng đam mê tập thiền quá. Những người trẻ tuổi khi ham thiền rồi thì bỏ cả mọi chuyện, muốn trốn lên núi cao hay vào rừng sâu để tu tập. Sự đam mê ấy không chân thật. Hãy cứ tiếp tục công việc hằng ngày một cách tỉnh lặng và tự nhiên.
Tu tập cũng giống như là nấu bánh – ta phải pha trộn từng chút, thực hành theo từng bước một, nhiệt độ đòi hỏi phải vừa đúng. Và chỉ có ta mới hiểu mình nhất, ta biết nhiệt độ cần thiết cho mình phải là bao nhiêu. Ta biết rõ mình cần gì. Hãy thành thật với chính mình. Nhưng nếu bị kích động, ham mê quá, ta sẽ quên đi nhiệt độ phải giữ, và làm hỏng sự tu tập của mình. Điều ấy rất là nguy hại.
Đức Phật cũng giảng như thế về một người giữ trâu giỏi. Người chủ biết con trâu mình sức đến đâu và không bao giờ bắt nó chuyên chở những gì quá sức. Bạn biết được con đường của bạn đi và tâm trạng của bạn. Đừng mang vác nhiều quá! Đức Phật cũng nói rằng, chuyện xây dựng cho mình cũng như đắp một con đê. Ta phải cẩn thận. Nếu hấp tấp, muốn làm mọi việc cùng một lúc, con đê sẽ bị rỉ nước. Hãy cứ tự nhiên đắp những bờ đất cho thật cẩn thận và rồi cuối cùng ta sẽ có được một con đê thật vững chắc.
Phương pháp tu tập thận trọng, trầm tĩnh của ta trông có vẻ như là tiêu cực, nhưng không phải vậy. Đây là một phương pháp sáng suốt và hữu hiệu để ta tự tôi luyện một cách tự nhiên. Sự thật ấy rất là giản dị. Nhưng tôi thấy nhiều người không hiểu được điểm ấy, nhất là tuổi trẻ. Có người lại cho rằng phương pháp tôi nói thuộc về pháp môn tiệm ngộ, một con đường giác ngộ chậm. Điều ấy cũng không đúng. Thật ra đây chính là pháp môn đốn ngộ, vì khi ta tu tập một cách thận trọng và bình thường, thì ngay những gì ta tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày, tự nó cũng đã là sự giác ngộ rồi.
Thế cho nên đừng tìm kiếm một việc gì đặc biệt, cũng đừng cố gắng để đạt đến một thành quả nào. Tự tánh của bạn trong đó đã có đầy đủ hết. Hiểu được chân lý này ta sẽ thoát ra ngoài mọi sự kích động và sợ hãi. Những khó khăn, trở ngại vẫn còn đó nhưng sẽ không còn có một sự sợ hãi nào. Chỉ khi nào đối diện với những khó khăn mà ta không ý thức được, chúng mới thật sự là một trở ngại.
Có những hạng người bên ngoài biểu lộ một vẻ tự tin trong sự tu tập, họ cho rằng mình đang tinh tấn đi đúng đường, nhưng họ không biết rằng những việc họ làm đều phát xuất từ lòng sợ hãi. Họ đang sợ mất đi một vật gì. Nhưng nếu biết tu tập đúng cách, ta sẽ không sợ bất cứ một sự mất mát nào. Cho dù con đường ta đi có sai, nhưng nếu ý thức được, ta vẫn sẽ không bao giờ bị dối lừa. Không có gì để mất cả. Tất cả chỉ có một chuỗi dài của sự tinh cần tự nhiên mà thôi.
Trích từ “Thiền Tâm Sơ Tâm – Suzuki Roshi” – nguyễn duy nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét