Con đường trung đạo

“Người biết canh tâm mình sẽ thoát khỏi lưới Ma Vương”. Tuy nhiên, cái biết ấy cũng chính là tâm, thế thì ai đang quan sát tâm? Những ý tưởng như vậy có thể khiến bạn cực kỳ rối trí. Tâm là một thứ; cái biết là thứ khác; nhưng cái biết ấy lại xuất phát từ chính cùng một cái tâm. Vậy thế nào là biết tâm mình? Đối diện với các cảm xúc và trạng thái tâm là thế nào? Khi không có cảm xúc phiền não thì như thế nào? Cái hiểu tất cả những điều đó, chính là “cái biết”. Cái biết quan sát tâm, và từ cái biết này, trí tuệ sẽ khởi sanh. Tâm là cái suy nghĩ và bị mắc kẹt trong các cảm xúc, cái này theo sau cái khác – giống y như con trâu của chúng ta. Bất cứ hướng nào nó lang thang tới, hãy luôn để mắt đến nó. Làm thế nào mà nó lang thang đi mất? Nếu nó bén mảng đến ruộng lúa, hãy quát nó. Nếu nó không nghe lời, nhặt cây roi và quất nó một cái. Đó chính là cách bạn vô hiệu hóa ái dục.
Huấn luyện tâm mình cũng không khác. Khi tâm có một cảm xúc và ngay lập tức bám víu vào cảm xúc ấy, công việc của “cái biết” là dạy nó. Hãy kiểm tra, xem xét trạng thái tâm ấy xem nó là tốt hay xấu...


Con đường giữa (trung đạo)


Đó là con đường ngắn nhất và thẳng nhất. Bạn đến và tranh luận với tôi về Phật Pháp, nhưng tôi sẽ không tham gia đâu. Thay vì tranh luận lại, tôi chỉ nói lên một số suy nghĩ để bạn xem xét. Hãy hiểu lời Đức Phật dạy: buông bỏ tất cả. Buông bỏ với chánh niệm và cái biết. Không có chánh niệm và cái biết, buông bỏ như thế cũng chẳng khác gì với sự buông bỏ của trâu bò. Không để tâm mình vào đó thì sự buông bỏ ấy là không đúng. Bạn buông bỏ bởi vì bạn đã hiểu được cái thực tại chế định, cái quy ước do con người đặt ra. Đó mới là không dính mắc. Đức Phật dạy, trong giai đoạn đầu thực hành pháp, bạn phải cố gắng rất nhiều, phát triển mọi phẩm chất tâm một cách kỹ lưỡng và phải gắn bó thật nhiều. Gắn bó với Phật. Gắn bó với Pháp. Gắn bó với Tăng. Gắn bó một cách sâu sắc và vững chắc. Đó là những gì Đức Phật dạy. Gắn bó một cách chân thành, chặt chẽ, kiên trì và nhẫn nại.
Trong quá trình đi tìm kiếm chân lý, tôi đã thử hầu hết mọi cách thức quán chiếu. Tôi hy sinh cuộc đời mình vì Pháp, bởi vì tôi có lòng tin vào sự giác ngộ và vào con đường đi đến đó. Những điều này thực sự tồn tại, như Đức Phật đã từng nói, chúng có thật. Nhưng để chứng nghiệm được điều đó cần phải có sự thực hành, thực hành đúng. Bạn phải cố gắng hết khả năng của mình. Phải có nghị lực và dũng cảm để tu tập, để suy xét và để chuyển hóa triệt để. Phải có đủ dũng cảm để thực sự làm những việc cần làm. Và bạn làm như thế nào? Huấn luyện tâm mình. Các suy nghĩ trong đầu bảo rằng chúng ta phải đi theo hướng này, nhưng Đức Phật bảo chúng ta phải đi hướng khác. Tại sao cần phải huấn luyện tâm? Bởi vì tâm mình vốn bị chìm ngập và che phủ bởi phiền não. Một cái tâm chưa được chuyển hóa nhờ tu tập là như thế. Nó không đáng tin cậy tý nào, vì vậy đừng có tin nó. Nó chưa phải là trong sáng và thánh thiện. Làm sao chúng ta có thể tin một cái tâm không thanh tịnh và thiếu sáng suốt? Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta chớ có đặt lòng tin ở một cái tâm phiền não và ô nhiễm. Lúc ban đầu, tâm chỉ là tay sai của phiền não, nhưng nếu chúng đi cùng với nhau một thời gian dài, tâm sẽ tự chuyển hóa để trở thành chính phiền não. Chính vì thế Đức Phật dạy chúng ta chớ có tin cái tâm mình.
Nếu nhìn kỹ vào giới luật xuất gia, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả là để huấn luyện tâm mình. Và bất cứ khi nào huấn luyện tâm, chúng ta đều cảm thấy bức bối và khó chịu. Khi vừa cảm thấy bức xúc, khó chịu, chúng ta đã bắt đầu kêu ca: “Này ông bạn, thực hành thế này khó quá! Không làm nổi”. Nhưng Đức Phật không nghĩ như thế. Ngài cho rằng khi sự tu tập làm chúng ta cảm thấy bức bối và khó chịu, điều đó có nghĩa là chúng ta đang thực hành đúng. Nhưng chúng ta thường không chịu nghĩ như thế. Chúng ta nghĩ rằng đó là dấu hiệu cho thấy có cái gì đó sai. Cái hiểu sai lầm này là cái làm cho sự thực hành của chúng ta trở thành khó khăn đến vậy. Lúc đầu, chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu, vì vậy chúng ta nghĩ mình thực hành sai. Tất cả mọi người đều muốn cảm thấy dễ chịu, nhưng họ lại ít quan tâm đến việc nó đúng hay sai. Khi chúng ta đi ngược lại ý muốn của phiền não và thách thức ái dục, thì tất nhiên chúng ta phải cảm thấy khổ sở. Chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu, bực mình và rồi bỏ cuộc. Chúng ta nghĩ mình đã đi sai đường. Tuy nhiên, Đức Phật nói mình đang đi đúng. Chúng ta đang đối mặt với phiền não của mình, và nó chính là cái đang cảm thấy bức xúc và khó chịu. Nhưng chúng ta thì lại cứ nghĩ mình bức xúc, mình khó chịu. Đức Phật dạy đó chính là phiền não đang bị quậy tung lên và khó chịu. Nó y như vậy đối với tất cả mọi người.
Đó là lý do việc thực hành pháp đòi hỏi rất cao. Mọi người thường không chịu xem xét mọi việc một cách rõ ràng. Thông thường, họ hay đi chệch sang một trong hai hướng là đắm chìm dục lạc hoặc tự hành xác mình. Họ mắc kẹt trong hai cực đoan này. Một mặt họ muốn chiều theo mọi đòi hỏi hưởng thụ của tâm mình. Thích cái gì là làm cái ấy. Họ thích ngồi tiện nghi và thoải mái. Họ thích nằm ườn và duỗi dài một cách lười biếng. Bất cứ cái gì họ làm, họ cũng đều tìm cách làm sao cho được thoải mái. Đó là sự đắm chìm trong hưởng thụ dục lạc: bám víu vào cảm giác dễ chịu. Đắm chìm như vậy thì làm sao tiến bộ được trong pháp hành?
Khi không chìm đắm trong sự hưởng thụ dục lạc và cảm giác dễ chịu, chúng ta cảm thấy bứt rứt không yên. Chúng ta thất vọng, tức giận và phát khổ phát sở vì điều đó. Đó là rơi khỏi con đường giữa để sang cực đoan tự hành xác mình. Đó không phải là con đường của các bậc thánh an tịnh, không phải con đường của những người bình an. Đức Phật cảnh báo chúng ta đừng để rơi vào một trong hai cực đoan đắm chìm hưởng thụ và tự hành xác như vậy. Khi có cảm giác dễ chịu, hãy hay biết nó với chánh niệm. Khi có tâm sân, ác ý, bất an, hãy hiểu rằng bạn không còn đi theo con đường của Đức Phật nữa. Đó không phải là con đường của người đi tìm chân lý, nó là con đường của người đời. Một nhà sư bình an không đi xuống con đường ấy. Họ đi thẳng con đường giữa, giữa một bên là hưởng thụ dục lạc và một bên là tự hành xác. Đó là sự thực hành đúng.
Nếu bạn muốn tu tập trong cuộc đời xuất gia, bạn phải đi theo con đường trung đạo, không để hạnh phúc hay đau khổ làm động tâm mình. Hãy đặt chúng xuống. Nhưng nó cảm giác như là chúng đang đá bạn lộn qua lộn lại. Đầu tiên nó đá ta từ bên này, “Ái chà!”, rồi nó lại đã tiếp từ bên kia, “Ối giời!”. Chúng ta thấy mình như cái mõ gỗ, bị đánh chao qua chao lại từ bên này qua bên kia. Trung đạo là buông bỏ cả hạnh phúc lẫn đau khổ, và cách thực hành đúng là thực hành theo con đường giữa. Khi sự khao khát hạnh phúc đập ta và chúng ta không làm nó thỏa mãn, chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn.
Đi theo con đường trung đạo của Đức Phật rất gian khổ và đầy thử thách. Chỉ có hai cực đoan tốt và xấu đó mà thôi. Nếu ta tin vào những gì chúng nói, chúng ta sẽ phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Nếu ta tức giận một ai đó, ngay lập tức chúng ta đi tìm một cây gậy để đập người ta. Không chút nhẫn nại. Khi yêu một ai đó, chúng ta muốn chăm sóc cô ấy/anh ấy từ đầu đến chân. Tôi nói có đúng không? Hai thái cực ấy hoàn toàn trượt qua trung đạo. Đó không phải là điều Đức Phật dạy. Lời dạy của ngài là dần dần buông bỏ những thứ đó xuống. Cách thực hành của Ngài là con đường thoát ra khỏi luân hồi, không còn tái sanh nữa – một con đường vượt ra khỏi sự trở thành, sanh hữu, vượt ra ngoài hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu.
Những người khao khát sinh tồn thường mù quáng, không thể nhìn thấy trung đạo. Họ rơi khỏi trung đạo về phía hưởng thụ và rồi lại trượt qua trung đạo sang phía bất an và bất toại nguyện. Họ lien tục bỏ qua điểm giữa. Nơi chốn thiêng liêng ấy vô hình đối với họ khi họ cứ lộn qua lộn lại như vậy. Họ không trụ lạiở nơi không có sanh hữu và tái sanh. Họ không thích nó, vì vậy họ không ở lại. Hoặc là họđi xuống khỏi nhàđể bị chó cắn hay bay lên cao để bị kên kên mổ đầu. Đó là sinh hữu.
Con người mù quáng không thấyđược cái vượt ra khỏi sự sinh tồn, không còn tái sinh. Tâm con người bị che mờ, vì vậy thường xuyên bỏ qua nó. Con đường trung đạo mà Đức Phật đã đi, con đường thực hành pháp chân chánh, vượt lên trên cả tái sinh và sinh hữu. Cái tâm đã vượt ra ngoài cả thiện và bất thiệnấy là cái tâm đã giải thoát. Đó là con đường của các bậc thánh nhân an tịnh. Nếu không đi con đườngđó, chúng ta không bao giờ trở thành những bậc thánh như thế. Sự bình an thanh tịnh đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trổ quả. Bởi vì sao? Bởi vì tái sinh và sinh hữu. Bởi vì sinh và tử. Con đường của Đức Phật không có sinh tử. Không có thấp và cao. Không có hạnh phúc vàđau khổ. Không có tốt, cũng chẳng có xấu. Đó là con đường trực tiếp, con đường thẳng. Con đường bình an và tĩnh lặng. Nó bình an, không cònđau khổ hay hạnh phúc, buồnđau hay sung sướng. Đó là cách chúng ta thực hành pháp. Khi chứng nghiệm điều này, tâm ta sẽ dừng lại. Nó sẽ dừng lại không cònđặt câu hỏi nữa. Không còn cần tìm kiếm câu trả lời. Ngay đó rồi! Chính vì vậy Đức Phật nói rằng Pháp là chỉ những người có trí mới tự mình giác hiểu. Không cần phải hỏi ai hết. Chúng ta tự mình hiểu rõ không chút hồ nghi rằng mọi thứ đều chính xác như Đức Phật đã nói.

Cống hiến hết mình cho pháp hành

Tôi đã kể cho các bạn nghe những câu chuyện về cách tôi đã thực hành pháp như thế nào. Tôi chẳng có nhiều kiến thức. Tôi không học nhiều. Cái tôi học thực sự chính là cái tâm này của tôi, và tôi học hỏi một cách tự nhiên thông qua những kinh nghiệm thực tế, những thử nghiệm và sai lầm. Khi tôi thích một cái gìđó, tôi liền quán sát xem cái gìđang diễn ra trong tâm mình và nó dẫn mìnhđi tớiđâu. Điều không thể tránh khỏi là nó luôn luôn dẫn tôi đi tới một nỗi khổ nàođó trong tương lai. Cách thực hành của tôi là quan sát chính bản thân mình. Khi hiểu biết và tuệ giác trở nên ngày càng sâu sắc, dần dần tôi hiểu được chính mình.
Hãy thực hành hết mình, hãy cống hiến hết mình cho pháp hành. Nếu bạn muốn thực hành Pháp, vậy thì hãy cố gắngđừng nghĩ quá nhiều. Nếu trong khi hành thiền, bạn phát hiện mìnhđang cố gắng phấnđấuđểđạtđược một kết quả nàođấy, thì tốt nhất là hãy dừng lại. Khi tâm đã lắng xuống và bình yên trở lại, bạn hãy suy xét: “Đó, chính nóđấy! Có phải chính là nó hay không?”, rồi dừng lại. Dọn hết tất cả mọi kiến thức lý thuyết và sự phân tích của bạn, gói kín lại và cất kín nó vào trong tủ. Vàđừng lôi nó ra để mà bàn luận hay để dạy người. Đó không phải là loại trí tuệ xuyên thấu vào bên trong tâm. Nó là loại kiến thức khác hẳn.
Khi thấy ra sự thật về một cái gì đó, thì nó lại chẳng giống như những điều được mô tả trong sách vở. Chẳng hạn, chúng ta viết từ “hưởng thụ dục lạc”. Khi dục lạc thực sự làm chủ tâm chúng ta, cái từđó chẳng thể nào chuyển tảiđược nguyên ý nghĩa như thực tế. “Sân” cũng như thế. Chúng ta có thể viết từấy lên bảng, nhưng khi chúng ta thực sự nổi sân thì kinh nghiệm ấy lại chẳng giống thế chút nào. Chúng ta không thể đọc từ ấyđủ nhanh, mà tâm thì đã ngập đầy bởi cơn sân.
Đây là điểm cực kỳ quan trọng. Những lời dạy của Đức Phật về lý thuyết thì hoàn toàn chính xác, nhưng điều quan trọng là phải đưa nó vào trong tâm mình. Nó phải được thẩm thấu vào bên trong. Nếu Pháp không được mang vào bên trong tâm, bạn sẽ không thực sự hiểu được nó. Không thực sự thấy pháp. Tôi cũng như vậy, không khác. Tôi không học nhiều hiểu rộng, song tôi cũng họcđủđể qua được vài kỳ thi về giáo lý. Một ngày nọ, tôi có cơ hộiđược nghe một bài thuyết pháp của một vị thiền sư. Trong khi đang nghe pháp, bỗng một vài suy nghĩ bất kính xen vào. Tôi không biết cách nghe một bài thuyết pháp thực sự như thế nào. Tôi không thể hiểu nổi vị thiền sư du tăng nàyđang nói về cái gì. Ngài dạy cứ như thể nó xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp của chính mình, cứ như là ngàiđang đi cùng chân lý.
Thời gian trôi qua, mãi về sau khi đạtđược những kinh nghiệm đầu tiên trong thiền tập, tôi đã tự mình thấyđược sự thật về những gì vị thiền sư năm xưa đã nói. Tôi mới hiểuđược thế nào là hiểu biết. Rồi theo sau sự trỗi dậyđó, những tuệ giác đến dần. Pháp đã ăn sâu bén rễ trong tâm tôi. Phải mất một thời gian rất, rất lâu tôi mới nhận ra được rằng tất cả mọi điều mà vị thiền sư du tăng thuyết hồi đó là từ chính những gì ngàiđã tự mình chứng nghiệm. Pháp mà ngàiđã giảng dạy đến từ kinh nghiệm thực tế của chính ngài chứ không phải từ sách vở. Ngài nói theo những hiểu biết và tuệ giác của ngài. Khi chính mình bướcđi trên con đườngđó, tôi đã gặp qua tất cả mọi chi tiết mà ngàiđã mô tả và phải công nhận rằng ngài đã đúng. Vì vậy, tôi tiếp tục thực hành.
Hãy cố gắng tận dụng tất cả mọi cơ hội bạn có thể có để cố gắng thực hành Pháp. Dù rằng có bình an hay không, ở thời điểm nàyđừng lo lắng về điều đó. Ưu tiên hàng đầu là khởi động việc thực hành pháp và tạo nhân duyên cho sự giải thoát trong tương lai. Nếu bạn đã làm những việc cần phải làm, thì cần gì phải lo lắngđến kết quả. Đừng lo rằng mình sẽ không đạt kết quả. Lo lắng không phải là bình an.

Trích: SỰ BÌNH AN KHÔNG GÌ LAY CHUYỂN
Thiền sư Ajhan Cha
Người dịch: Sư Tâm Pháp