BẢN ĐỒ TÂM LINH (Căn trần thức - Tứ Diệu Đế - Tứ Niệm Xứ)





CĂN-TRẦN-THỨC

Thế giới biểu hiện sự vận hành hỗ tương giữa lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý).  Lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, và pháp). Lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ  thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) gọi là 18 giới.

                 Căn (sinh lý) → Trần (vật lý) → Thức (tâm lý)
                                              ↓                        ↓
                 Nhãn                     sắc                   nhãn thức
                 Nhĩ                      thanh                nhĩ thức
                  Tỷ                      hương               tỷ thức 
                 Thiệt                    vị                    thiệt thức 
                 Thân                    xúc                 thân thức 
                   Ý                      pháp                 ý thức


Thí dụ khi mắt nhận biết một đoá hoa thì đoá hoa thuộc vật lý, mắt thuộc sinh lý và nhận biết thuộc tâm lý.
*

TỨ DIỆU ĐẾ

KHỔ ĐẾ - TẬP ĐẾ


(Sự vận hành của căn + trần + thức và nguyên nhân tạo ra sự đau khổ luân hồi sinh tử)

Khổ phát xuất từ, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Hay nói rộng hơn, khổ đau xuất phát từ mối quan hệ giữa mắt tai mũi lưỡi thân ý với sắc thanh hương vị xúc pháp.

 6 Căn + 6 Trần + 6 Thức  → KH LẠC X

Khi mắt tiếp xúc với sắc, nếu xúc ấy tạo một cảm giác khó chịu, ấy là khổ thọ, nếu dễ chịu thì lạc thọ. Nếu cảm giác trung bình không khó chịu, không dễ chịu, tức không khổ, không lạc, là xả thọ.
       
                                  - Khó chịu: Khổ thọ
Khi mắt thấy sắc →  - Dễ chịu: Lạc Thọ
                                  - Bình thường: Xả thọ

Chúng ta phải quan sát cho kỹ mới thấy rõ sự vận hành của nó.
Khi mắt thấy sắc thì chỉ có xả thọ thôi. "Cái thấy" chỉ có thọ xả, còn thân thức mới có khổ hay lạc. Xin lưu ý điều đó. Cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm hoàn toàn không thọ khổ, lạc chỉ thọ xả. Còn thân xúc mới thọ khổ hay lạc.
...Toàn bộ sự vận hành này của căn, trần, thức (trừ ý thức) đến khổ, lạc, xả phát sanh hoàn toàn tự nhiên thụ động. Hoàn toàn thụ động nên gọi là vô nhân. Vô nhân là vì nó không tạo tác, không gây nhân. Nó chỉ là kết quả thụ động hay gọi là dị thục.
                                  - khổ
  Căn trần + thức →  - lạc = vô nhân dị thục (không tạo nghiệp)
                                  - xả


KH → Phi hữu ái → Khổ Khổ

- Khi khổ phát sinh, thường bản ngã có ý chống lại cái khổ, nghĩa là muốn lẫn tránh hay  loại trừ cái khổ ấy. Theo danh từ nhà Phật, thì ước muốn loại trừ này gọi là phi hữu ái (abhava-tahā): muốn huỷ diệt cái khổ hay không muốn khổ tồn tại, cho nên phi hữu ái thuộc về tâm sân, làm nền tảng cho đoạn kiến.

* Khổ thọ sinh → muốn loại trừ = phi hữu ái. 

- Khi có khổ, nếu chúng ta muốn khẩn trương loại trừ nó, thì cảm giác khổ tâm lý (cái khổ do tượng tượng ra), càng gia tăng lên, nghĩa là đem phi hữu ái mà chồng lên khổ thọ thì thành ra khổ khổ

  Khổ thọ   +   phi hữu ái   =   khổ khổ 
  (sinh lý)                                   (tâm lý).


LẠC → Hữu ái → Hoại Khổ

Khi có cảm giác lạc thì chúng ta thường muốn giữ cái lạc đó lại. Tham muốn duy trì, nắm giữ cái lạc đó lại chính là hữu ái, lòng ham muốn cái lạc đó tồn tại mãi thuộc về tham, làm nền tảng cho thường kiến.
Ví dụ: Khi  hành thiền, đắc được hỷ lạc, thấy người thoải mái, thích thú rồi ngày nào cũng  muốn lặp lại trạng thái đó. 
Khi lạc mà muốn giữ lại sẽ sinh ra 3 trường hợp:

1. Muốn kéo dài lạc → khổ 
Ví dụ: người tu thiền định hôm kia đắc được hỷ lạc, hôm nay cứ ngồi để mong lặp lại hoặc kéo dài thời gian hỷ lạc ấy, vì hỷ lạc quá hấp dẫn, thích thú. Vậy là cũng rơi vào hữu ái, là cái khổ do mong muốn lạc tồn tại lâu dài.
2. Sợ lạc mất đi → khổ
3. Lạc tồn tại quá lâu → khổ: tồn tại mãi sẽ sinh ra chán, muốn thay đổi. Ba cái khổ: muốn duy trì lạc, sợ lạc mất đi, và lạc lâu hóa khổ đều do nguyên nhân là tính chất biến hoại của các pháp hữu vi. Vậy lạc vốn luôn biến hoại mà chúng ta muốn nó tồn tại mãi (hữu ái) thì chắc chắn phải đối đầu 
với hoại khổ:
          Lạc thọ    +    hữu ái   =    hoại khổ
          (sinh lý)                               (tâm lý)

* X → Dục ái → Hành khổ

Khổ sinh ra khổ khổ. 
Lạc sinh ra hoại khổ. 
Xả không khổ không lạc, nhưng thường không ai chịu nổi cái không khổ không lạc đó cả, thấy chán chán là phải đi tìm kiếm là bản chất của con người. Rồi lại dính mắc vào… Cái lăng xăng tìm kiếm gọi là Dục ái, tạo tác ra cái Hành khổ. Hành nghĩa là tạo tác.

 Xả thọ  + dục ái = hành khổ 
(sinh lý)                    (tâm lý)

*Tóm lại, có 3 nguyên nhân sinh ra khổ là: 
   - Chống Lại (khổ khổ). 
   - Muốn Lưu Giữ ( hoại khổ). 
   - muốn Tạo Tác( hành khổ). 
*Trên thực tế là hầu như mọi người đang hành Tập Đế chứ không phải hành Đạo Đế. Đối tượng của Đạo Đế phải là Pháp. Mà Pháp thì phải là 4 tính chất (thấy ngay, không có thời gian, trở lại để thấy, thấy trên chính nó). Thực ra không phải nhiều người thấy ra điều này. Vì người ta tưởng rằng đang tu Giới Định Tuệ, mặc dù hình thức bên ngoài là Giới Định Tuệ nhưng bản chất bên trong lại là Tham Sân Si. Đối với cái khổ thì sân, với cái lạc thì tham và với cái xả thì si. Mà thực ra, cứ tham với sân là có si rồi. Ba cái này đi với nhau nên mới gọi là Vô Minh – Ái Dục.





TỨ NIỆM XỨ 

DIỆT ĐẾ & ĐẠO ĐẾ

Khi mắt, tai mũi lưỡi, thân gọi là Sắc (Thân). Ý và khổ, lạc, xả gọi là Danh (Tâm). 
Khi mắt thấy sắc, tai nghe thanh…. mà mình chánh niệm tỉnh giác gọi là niệm thân. Gọi là niệm thân vì nó thuộc về sắc. 
Còn thấy khổ lạc xả gọi là niệm thọ. 
Thấy hữu ái, phi hữu ái, dục ái gọi là niệm tâm

Trong bài kinh Tứ Niệm Xứ,  đi đứng nằm ngồi hoặc làm tất cả mọi việc mà chánh niệm tỉnh giác, tức là lúc đó  đang niệm thân. Nếu trên niệm thân mà chỉ thấy thân (Sắc) và cái thấy sắc đó là tâm ( ý) thì cái lúc đó chỉ còn là danh sắc ( thân – tâm) chứ không còn gì cả. Cho nên, người ta mới nói rằng một người đầy đủ chánh niệm tỉnh giác thì sẽ phát sinh cái tuệ gọi là tuệ thấy Danh – Sắc. Lúc đó chỉ thấy cái đang là thôi, ví dụ như khi đi thấy đi. Khi thở, chỉ thấy có Danh Sắc tức là có hơi thở và có cái biết hơi thở mà thôi.




Chánh niệm tỉnh giác (sáng suốt định tĩnh trong lành) thì tập đế và khổ đế không sinh tức là diệt đế. Ngay chỗ đó thôi, không phải đi tìm gì hết. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, khổ lạc xả đều là cái đang sẵn có, nếu đang sáng suốt định tĩnh trong lành đối với Pháp thì ngay lúc đó, tập đế không sinh, tức là Phi hữu ái, hữu ái, dục ái không sinh thì Khổ đế cũng không có, đó chính là Diệt đế.  Cho nên, ngay khi đang đi, nếu đầy đủ sáng suốt định tĩnh trong lành thì toàn bộ Diệt đế và Đạo đế đang ở ngay đây. Nhưng khởi tâm đi tìm kiếm, cố gắng để đạt đến nên mới sinh ra luân hồi sinh tử.

* Trong Pháp hành Tứ Niệm Xứ (Vipassana) thì 3 yếu tố Giới định tuệ hay 3 yếu tố sáng suốt định tĩnh trong lành này được thể hiện dưới 3 tên gọi khác nhau, nhưng thực ra nội dung vẫn như vậy, đó là Tinh tấn – Chánh Niệm – Tỉnh giác hay Thận Trọng Chú tâm Quan sát.
- Thận trọng chính là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Chú tâm trọn vẹn là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Quan sát rõ ràng, không bị ảo tưởng xen vào thì đó chính là trí tuệ, Quan sát chính là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Thực hiện Thận trọng – Chú Tâm – Quan Sát chính là thực hiện Giới – Định – Tuệ và thực hiện Bát Chánh Đạo.






* TÂM (Pabhassara Citta) = TÁNH BIẾT thấy Thực Tánh của các Pháp. Tánh biết thể hiện qua rất nhiều mức độ nhận thức khác nhau: Liễu tri, tuệ tri, thắng tri, thức tri, tưởng tri, giác tri.
   

   - 6 Căn + 6 Trần + 6 Thức = 18 GIỚI → Khổ Lạc Xả
   - Sắc Thọ Tưởng Hành Thức = 5 UẨN
Sắc thuộc về sắc pháp. Thọ, tưởng, hành thuộc về tâm sở, thức thuộc về tâm vương. Khi một tiến trình năm uẩn khởi lên từ sự tiếp xúc của sắc (5 sắc căn + 5 tiền trần) đến phản ứng của các tâm sở (thọ, tưởng, hành) như thế nào thì cuối cùng gọi là tâm (thức) gì. Thí dụ tai tiếp xúc tiếng chửi (sắc), cảm thấy khó chịu (thọ khổ), nhận biết nghĩa khái niệm của tiếng chửi (tưởng), rồi bị chạm tự ái nên tức giận (hành) thì đó là tâm sân (thức).*
   - Lục căn + Lục Trần = 12 Xứ
   - Pháp trần (1) là Thực Tướng
   - Pháp trần (2) là Pháp trần (1) được lưu lại trong tâm thức. 
   - Biết qua mắt tai mũi lưỡi thân ý là TƯỚNG BIẾT. Tướng biết tùy duyên căn trần mà sinh diệt. Biết được tướng biết là tánh biết, tánh biết không lệ thuộc vào duyên căn trần nên không sinh diệt. Không sanh vì nếu sanh thì phải thường biết, không diệt vì nếu diệt thì lấy gì biết được.
- Trong những tiến trình tâm hữu thức (tướng biết) qua mắt tai mũi lưỡi và nhất là ý được lưu trữ vào tiềm thức Bhavanga hay tàng thức Alaya thì ý thức không còn biết được nữa, nhưng kho vô thức rộng lớn này vẫn tiếp tục hoạt động trong tánh biết. Ngay cả khi tiến trình tâm xảy ra thì ý thức cũng chỉ biết được một phần nhỏ, còn những phần khác tự động làm việc mà ý thức không hề biết được. Trong khi tánh biết vô hạn và bao trùm cả hoạt động của hữu thức lẫn vô thức thì tướng biết chỉ ý thức được một phần rất giới hạn. Cho nên, so với tánh biết thì tướng biết quá nhỏ bé.

Lược trích từ Thực Tại Hiện tiền & Pháp thoại của Thầy Viên Minh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét