Trà Đạo ngày 10.09.2017 (Lời Phật dạy - Thể Tướng Dụng)


Lời Phật dạy

Hỏi: Thưa Thầy, tại sao trong Kinh Đại Niết-bàn của Phật giáo Phát Triển nói rằng Phật thuyết pháp 49 năm nhưng chẳng nói lời nào cả?

- Câu này không nên hiểu theo nghĩa đen, đó chỉ là nói ý thôi. Nhưng ý này rất hay. Đức Phật nói ra chỉ ứng vào căn cơ trình độ người đối diện, chủ yếu để người đó nhận ra Sự Thật Ngài muốn chỉ là xong, ngôn từ hoàn toàn không quan trọng. Cho nên nói cũng như không, thấy ra mới là chính yếu.

 Sống một đời chúng ta nói biết bao lời như mời ăn cơm, nhắc con đi học, dặn người làm đóng cửa v.v… nói xong, làm xong rồi thôi chứ có ai kể đời tôi nói được bao nhiêu lời đâu. Đức Phật cũng chỉ tùy duyên mà nói, nói đâu bỏ đó vì người khác có nghe cũng chẳng hiểu gì, giữ lại làm chi. Chân lý vốn hiển hiện khắp mọi nơi, dù không nói ai cũng thấy, chỉ vì “nhiều bụi trong mắt” nên không nhận ra thôi. Người sau không ngay đó mà tự thấy sự thật cứ chấp vào ngôn từ Kinh Điển nhưng lại hiểu theo ý mình rồi gán cho đó là lời Phật dạy. Nếu hỏi lại Phật có nói lời đó không chắc Ngài cũng sẽ trả lời Như Lai nói hồi nào đâu có nhớ!

Thể Tướng Dụng

Hỏi: Xin Thầy chỉ dạy chúng con hiểu “thể tướng dụng” của các Pháp?

- Pháp luôn đầy đủ “thể, tướng, dụng”. Thể (hay thể tánh) là bản chất nội hàm, tướng là hình dáng bên ngoài, dụng là lợi ích của mỗi pháp. Nói cách khác bất kỳ cái gì có hình thức biểu hiện gọi là tướng. Mỗi tướng đều có cái dụng riêng của nó. Như đất đá, cây xoài, cây ổi v.v… Còn bản chất bên trong của tướng gọi là Thể. Thí dụ như nước có tánh trơn ướt, kết dính. Đất có tánh cứng mềm, có trương độ. Gió có tánh chuyển động, linh hoạt. Lửa có tánh trưởng dưỡng hay huỷ hoại v.v… Đó là thể tánh.

Hỏi: Xin Thầy chỉ dạy thêm tánh tướng thể dụng của Tâm?

- Tánh của tâm là trong sáng. Thể của tâm là rỗng lặng. Tướng của tâm là thiện, bất thiện, vô nhân, duy tác. Dụng của tâm là thấy biết. 

Tìm vị Thầy chân chánh

Hỏi: Thưa Thầy, nơi con ở nhiều người khi chưa biết Đạo thì mê đời còn khi chán đời thì lại mê Đạo nên nặng hình thức mê tín. Chùa chiền thì luôn tổ chức lễ cầu an cầu siêu làm chị em vì lo làm công quả mà bỏ bê việc nhà. Nhiều Tăng Ni dạy học đạo là phải theo từng bậc, trước phải bố thí cúng dường, công quả ở chùa cho có phước, nên ai dù bận rộn mấy cũng cố gắng kiếm tiền cúng chùa, chứ không được học đạo. Tìm vị chân sư để tu học khó quá Thầy ơi, xin Thầy giúp con?

- Đi chùa chủ yếu là học đạo, có thông hiểu đạo lý thì mới sống đúng tốt, sống lợi mình lợi người được. Đạo đi trước đức mới theo sau, đưa phước ra trước để nhử khiến sinh lòng tham muốn được phước mà ham phước đã là tội rồi. Lo tu phước mà không có trí tuệ thì dù có phước cũng không hết phiền não. Tu tuệ thì mỗi người đã có sẵn Vô Sư Trí nên chỉ cần biết thận trọng, chú tâm, quan sát, sáng suốt biết rõ thực tại thân tâm thì sẽ tự thấy đâu là phước, đâu là tội, đâu là đúng, đâu là sai để sống lợi mình lợi người, không cần tìm đâu chân sư để học đạo. Nhưng khi đã thấy biết đúng thì sẽ tự biết đâu là chân sư.






Chánh Niệm và sự tập trung

Hỏi: Kính Thưa sư ông chỉ dạy về sự khác nhau giữa chánh niệm và tập trung?

- Tập trung là chú ý vào một đối tượng duy nhất để an trú định. Còn chánh niệm là trọn vẹn với thực tại đang là để tâm không vọng niệm. Tập trung cũng khác với chú tâm. Chú tâm không phải là chú ý hay tập trung tâm ý mà là tâm tĩnh lặng an nhiên không dao động hay không tán loạn. Như vậy định có 2 loại: Định chú tâm và định tập trung:

• Định Chú Tâm là định do tâm không động, tĩnh lặng, tịch tịnh trước mọi đối tượng và chỉ cần sát-na định (phi thời gian, vô vi, vô ngã) nên không cần tập trung mà chỉ cần tâm không động tức chú tâm. Đó là chánh định (Thánh định).

• Định Tập Trung là định do nỗ lực tập trung vào một đối tượng nhất định (có thời gian, hữu vi, hữu ngã) để đạt được và an trú vào tứ thiền bát định. Đó là định thuộc Dục giới (cận định), Sắc giới và Vô sắc giới (phàm định).


Chánh định không thể tách rời Bát Chánh Đạo. Tám yếu tố sống đạo này thường có trong nhau, dù là tám phương diện nhưng luôn hợp nhất. Thí dụ như đang đi thấy biết rõ đang đi là chánh kiến, hướng tâm hay suy nghĩ đúng đắn trên thực kiện đi là chánh tư duy, lúc đó im lặng hay nói năng về đi đều chánh ngữ, hành động đi là chánh nghiệp, đang sống đúng tốt trong đi là chánh mạng, buông tâm phóng dật trở về với thân đang đi là chánh tinh tấn, tâm trọn vẹn với thân đang đi là chánh niệm, và đang đi mà tâm vẫn không động là chánh định. Về sau người ta không thấy được tính toàn diện đó của Bát Chánh Đạo nên đã phân chia tông môn để chỉ tu riêng từng phần như giữ giới riêng, tham thiền riêng, niệm Phật riêng, hành định riêng, tu tuệ riêng v.v… nên gọi là thời Mạt Pháp.

Tác giả: Thầy Viên Minh