“Tâm tức là Phật” , câu nói bất hủ của cổ đức từ ngàn xưa để lại : “Tức Tâm Tức Phật” – nhưng làm sao nhận ra Phật trong tâm, khi muôn ngàn ma chướng vẫn còn vây bủa trong những vọng niệm trùng trùng, khi những cảm tính phan duyên còn bị lôi kéo trong sự quyến rũ của sắc thanh hương vị xúc pháp?
Việc chính của người tu là giác ngộ tánh Phật có sẵn, để có thể tự độ độ tha, tự giác giác tha. Nhưng thật khó mà đoán biết được thế nào là giác ngộ thực sự, bởi vì đó là điều không thể nghĩ bàn, không lời nào có thể diễn tả, không lý lẽ nào có thể luận ra được. Làm sao định nghĩa được cái không hình không tướng, không thanh không sắc, lúc ẩn lúc hiện? Tuy nhiên, dù kinh nghiệm giác ngộ có thể khác nhau, nhưng bản chất con người về thể chất cũng như tinh thần đều được cấu tạo như nhau, vì vậy, từ xưa người ta thường tìm đến những bậc cao tăng đạt đạo để xin khai thị, hoặc ấn chứng cho sự giác ngộ của mình. Những lời nói trao đổi danh tiếng giữa các bậc thiền sư và đệ tử đã được lưu truyền lại cho đến ngày nay, những câu hỏi vượt giòng thời gian có vẻ như ngây ngô, và câu trả lời dường như cũng vô nghĩa không kém, là một thách đố khiến cho kẻ hậu học phải miệt mài suy nghĩ, nghiền ngẫm những câu đó trong tâm, sống với chúng như bóng với hình, để rồi đến một ngày nào đó, khi duyên tới, mọi sự chợt hoát nhiên sáng tỏ…
Gần đây, có người gởi cho tôi bài thơ với những lời chú thích mang tính Thiền, và nhờ giải thích ý nghĩa đạo Phật trong những lời chú thích đó. Xin được ghi lại nơi đây, và những ý kiến thô thiển mạn bàn ở dưới để cùng chia xẻ.
Ngọc Bảo
Dạo:
Thân mang ngọc báu nào hay,
Khắp nơi khổ sở loay hoay kiếm tìm.
Cóc cuối tuần:
飮 月
雲 逃 玉 兔 展 姸 容,
一 隻 漁 舟 水 上 衝.
老 鶩 悾 悾 尋 暮 鼓,
殘 燈 苦 苦 望 晨 鐘.
庭 前 樹 折 人 亡 蔭,
火 裏 冰 消 佛 隱 蹤.
酌 酒 盲 翁 三 盞 喫,
不 知 飮 月 自 杯 中.
陳 文 良
Âm Hán Việt:
Ẩm Nguyệt
Vân đào, ngọc thố triển nghiên dung,
Nhất chích ngư châu thủy thượng xung.
Lão vụ không không tầm mộ cổ,
Tàn đăng khổ khổ vọng thần chung.
Đình tiền thụ chiết, nhân vong ấm,
Hỏa lý băng tiêu, Phật ẩn tung.
Chước tửu, manh ông tam trản khiết,
Bất tri ẩm nguyệt tự bôi trung.
Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
Uống Trăng
Mây chạy trốn, con thỏ ngọc (trăng) bày ra khuôn mặt đẹp đẽ,
Một chiếc thuyền câu xông pha trên nước.
Con vịt trời già ngu ngơ tìm (tiếng) trống chiều,
Ngọn đèn tàn buồn bã trông đợi (tiếng) chuông sớm.
Cái cây trước sân (bị) đổ, người mất bóng mát, (1)
Cục nước đá trong (lò) lửa (bị) tan, Phật ẩn giấu tung tích. (2)
Rót rượu, ông lão mù uống (luôn) ba chén, (3)
Chẳng biết rằng (mình) đang uống trăng từ trong chén.
Chú thích:
(1) Vô Môn Quan, tắc 37: Đình Tiền Bách Thụ
Cử:
Một ông tăng hỏi Thiền Sư Triệu Châu:
- Ý Tổ sư từ Tây sang là gì? (Hán văn: Như hà thị Tổ sư Tây lai ý)
Triệu Châu đáp:
- Cây bách trước sân. (Hán văn: Đình tiền bách thụ tử)
Lời Bình của Vô Môn Huệ Khai:
Nếu thấy rõ được chỗ trả lời của Triệu Châu thì trước không có Thích Ca, sau không có Di Lặc.
Bài Tụng của Vô Môn Huệ Khai:
Ngôn vô triển sự,
Ngữ bất đầu cơ.
Thừa ngôn giả táng,
Trệ cú giả mê.
Trần Tuấn Mẫn dịch:
Lời không tả chuyện,
Tiếng chẳng hợp duyên.
Đeo lời mất mạng,
Vướng câu tối lòng.
(2) Pháp Bảo Chư Tổ, Thượng Tọa Thích Minh Nhật biên soạn (http://www.thuongson.net/phap baochuto.htm):
Bài tụng của Trường Khánh Huệ Lăng:
Vạn tượng chi trung độc lộ thân
Duy nhân tự khẳng nãi vi thân
Tích thời mậu hướng đồ trung mịch
Kim nhật khán như hỏa lý băng
Bài dịch của TT Minh Nhật:
Chính nơi tâm thức bày một thân
Chỉ người tự nhận mới là gần
Lúc xưa lầm hướng ngoài đường kiếm
Giống tợ băng trong lửa cháy rần.
Lời Luận của TT Minh Nhật:
Muốn an lành hãy quay về tâm thức và thật lắng lòng. Muốn lắng lòng thì đừng hướng ngoại tìm kiếm sự an lành. Hướng ngoại tìm an lành nếu có, sẽ mất nhanh ngay, giống như nước đá đưa vào lửa sẽ tan biến mất.
(3) Vô Môn Quan, tắc 10: Thanh Thoát Cô Bần
Cử:
Ông tăng thưa với Hòa thượng Tào Sơn:
- Thanh Thoát nghèo đói, xin Sư giúp đỡ.
Tào Sơn gọi:
- Thầy Thoát!
Tăng đáp:
- Dạ.
Tào Sơn bảo:
- Rượu nhà họ Bạch ở Thanh Nguyên, uống xong ba chén mà sao còn bảo chưa dính môi ?
Lời Bình của Vô Môn Huệ Khai:
Thanh Thoát trình cơ như vậy, tâm ý là sao? Tào Sơn sáng mắt, biết ngay thâm ý. Tuy nhiên như vậy, đâu là chỗ thầy Thoát uống rượu?
Phỏng dịch thơ:
Uống Trăng
Trăng thu rờ rỡ tống mây bay,
Một bóng thuyền câu nhỏ quắt quay.
Vịt nhớ trống chiều, day dứt kiếm,
Đèn mong chuông sớm, nghẹn ngào lay.
Trước sân cây đổ, tâm không hiện,
Trong lửa tuyết tan, Phật chẳng bày.
Ông lão mù luôn tay cạn chén,
Vô tình nuốt vẹn mảnh trăng say.
Trần Văn Lương
Cali, 5/2017
Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư :
Đừng trách ông lão mù uống trăng mà không biết. Hầu hết chúng sanh nào có khác gì! Ai cũng mang châu báu vô giá trong mình mà không biết để phải chịu cơ khổ rách rưới. (*)
Hỡi ơi! Bính Đinh đồng tử đến xin lửa! (**)
Ghi chú:
(*) Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (gọi tắt là Pháp Hoa), quyển 4, phẩm thứ 8: Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
(Bản dịch của Tỳ kheo Thích Trí Tịnh):
8. Bấy giờ, năm trăm vị A-la-hán ở trước Phật được thọ ký xong, vui mừng hớn hở liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, đầu mặt lạy chân Phật ăn năn lỗi của mình mà tự trách : Thế-Tôn ! Chúng con thường nghĩ như vầy, tự cho mình đã được rốt ráo diệt độ, nay mới biết đó là như người vô trí. Vì sao? Chúng con đáng được trí huệ của Như-Lai mà bèn tự lấy trí nhỏ cho là đủ.
Thế-Tôn! Thí như có người đến nhà bạn thân say rượu mà nằm, lúc đó người bạn thân có việc quan phải đi, lấy châu báu vô giá cột trong áo của gã say, cho nó rồi đi. Gã đó say mèm đều không hay biết, sau khi dậy bèn dạo đi đến nước khác, vì việc ăn mặc mà phải gắng sức cầu tìm rất là khổ nhọc, nếu có được chút ít bèn cho là đủ.
Lúc sau người bạn thân gặp gỡ thấy gã bèn bảo rằng : "Lạ thay! Anh này sao lại vì ăn mặc mà đến nỗi này. Ta lúc trước muốn cho anh được an vui tha hồ thụ năm món dục, ở ngày tháng năm dó, đem châu báu vô giá cột vào trong áo anh nay vẫn còn đó mà anh không biết, lại đi nhọc nhằn sầu khổ để cầu tự nuôi sống thực là khờ lắm; nay anh nên đem ngọc báu đó đổi chác lấy đồ cần dùng thì thường được vừa ý không chỗ thiếu thốn.
(**) Bích Nham Lục, tắc 7: Huệ Siêu Vấn Phật
Trích lời Bình của Viên Ngộ Khắc Cần:
(Bản dịch của Thiền Sư Thích Mãn Giác)
...
Cũng như ông tăng giám viện Tắc tuy ở trong chúng hội của Pháp Nhãn song chưa từng xin nhập thất. Một hôm Pháp Nhãn hỏi ông ta, "Tại sao viện chủ không nhập thất?" Tắc đáp, "Hòa thượng không biết là hồi ở với Thanh Lâm đệ tử có chứng được đôi chút sao?" Pháp Nhãn nói, "Ông thử kể lại cho tôi nghe xem." Tắc nói, "Đệ tử hỏi Phật là gì?" Thanh Lâm nói "Bính Đinh đồng tử đến xin lửa." Pháp Nhãn nói , "Lời hay lắm song tôi e rằng ông hiểu lầm. Thử nói gì nữa xem sao." Tắc nói, " Bính Đinh là lửa, lấy lửa mà đi tìm lửa. Cũng như đệ tử đã là Phật rồi lại còn đi tìm Phật". Pháp Nhãn nói, "Quả nhiên là giám viện hiểu lầm rồi." Tắc không vui mới thu dọn hành trang bỏ qua sông. Pháp Nhãn nói: "Người này nếu trở lại thì còn cứu được, nếu không trở lại thì không cứu được nữa." Đến giữa đường Tắc tự suy gẫm: "người này là bậc thiện tri thức của năm trăm người, chẳng lẽ ông ta lại lừa mình sao?" Bèn trở lại, vào tham kiến Pháp Nhãn. Pháp Nhãn nói, "Ông cứ hỏi đi, tôi sẽ trả lời cho." Tắc hỏi, "Phật là gì?" Pháp Nhãn nói, "Bính Đinh đồng tử đến xin lửa." Nghe lời ấy Tắc bèn đại ngộ.
__________________________
Câu hỏi : Xin cho biết ý nghĩa Phật giáo qua những chú thích.
Mạn bàn :
Những bài thơ này dùng ngôn ngữ Thiền, lấy từ điển tích các công án Thiền . Ngôn ngữ Thiền là một ngôn ngữ đặc biệt, không thể lấy lý lẽ ra suy luận được. Vì đó là những lời nói khai thị, từ tâm truyền qua tâm giữa thầy và trò chứ không phải những lời nói bình thường . Trong pháp môn Thiền của đạo Phật có pháp tu "quán công án". Công án là tuyển tập những câu đối đáp nổi tiếng giữa thầy trò các vị đã đắc đạo ngày xưa với mục đích khai ngộ. Một câu nói mà khai ngộ được, tức là "trò" đã trải qua bao nhiêu công phu tu tập rồi, như ấm nước sắp sôi, chỉ chờ thêm tí lửa là sôi. Tâm của trò lúc đó cũng gần ngang với thầy, cùng tần số với nhau nên lời nói chỉ là phương tiện, tùy duyên lúc đó mà nói, như thấy cây tùng thì chỉ cây tùng, đang ôm bao gạo thì chỉ bao gạo vậy thôi. Người học đạo sau này tham cứu công án để học kinh nghiệm của người xưa, may ra cũng được khai ngộ phần nào - dĩ nhiên cũng phải qua một quá trình tham thiền lâu dài mới được. Bộ công án nổi tiếng nhất là "Bích Nham Lục" (100 công án) và Vô Môn Quan (48 tắc).
Muốn hiểu ý chính của Thiền và công án, ta phải hiểu ý chính của đạo Phật. Đạo Phật lập ra là vì Đức Phật đã tìm được con đường thoát ly khỏi những cái khổ của kiếp người trong vòng luân hồi sinh diệt, sinh lão bệnh tử. Làm sao có thể tự giải thoát được cho mình? Bằng cách nhận ra "tánh Phật" vốn luôn thường trú nơi mình, không có khởi đầu không có chấm dứt, không sinh không diệt. Tánh Phật ấy không có tướng, như hư không, không thể thấy được, cũng không thể dùng lý luận suy nghĩ mà đoán ra được, chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Sự nhận ra tánh Phật bằng trực giác ấy gọi là "giác ngộ". Sở dĩ mình có tính Phật mà không biết, hay không nhận ra được vì đầu óc lúc nào cũng suy nghĩ lung tung, vọng tưởng đủ thứ, lúc nào cũng bị lôi cuốn theo cảnh, theo những điều ham muốn v.v.. Vì tất cả những thứ đó che lấp nên không thấy được tánh Phật của mình, gọi là "vô minh". Không thấy nên gọi là "mù" nhưng có mù thật không? Chỉ vì bị che lấp mà không thấy thôi, chứ khả năng thấy vẫn có đó. Nên ví như "ông già mù uống trăng mà không biết".
Trong kinh Liên Hoa nói đến gã cùng tử con nhà giầu mà không biết mình giầu, có ngọc trong túi áo mà đi lang thang khắp nơi xin ăn. Ngọc trong túi áo dụ cho tánh Phật, gã cùng tử dụ cho phàm nhân chúng ta lang thang khắp sáu nẻo luân hồi mà không biết mình đã có Phật sẵn ở trong. Vì sao gọi là ngọc báu? Vì khi giác ngộ tánh Phật rồi, ta sẽ có trí tuệ bao la rộng lớn (trí bát nhã ba la mật) thấy rõ mọi sự thực hư mà xa rời ác nghiệp, đoạn trừ phiền não, tự tại sinh tử. Không có tiền bạc châu báu nào trên thế giới này có thể mua được điều ấy. Có giầu nhất thế giới cũng vẫn không thoát được cái khổ của con người. Cho nên tánh Phật còn hơn cả ngọc báu - và tất cả mọi người chúng ta đều có sẵn ngọc báu, nhưng một khi còn chưa nhận ra được tánh Phật của mình thì vẫn còn nghèo, còn khố rách áo ôm như gã cùng tử. Các thiền sư thường tự nhận mình là nghèo, nhưng đó không có ý nghĩa là nghèo vật chất. Một khi vẫn còn nghèo, vẫn còn "mù", tâm còn chướng ngại thì không thể tự coi mình đã là Phật. Phải qua một quá trình tu tập đến lúc "chín mùi" thì chỉ cần một câu nói khai thị đúng lúc là giác ngộ được . Cho nên cùng một câu nói, mà lúc Thanh Lâm nói "Lửa (bính đinh) đến xin lửa", ông tăng giám viện Tắc không hiểu, cho mình đã là Phật mà còn đi tìm Phật là sai, nhưng sau này Pháp Nhãn cũng dùng đúng câu nói ấy lại khai thị được.
Giác ngộ tánh Phật tuy không dễ, nhưng không phải là điều không thể được, vì tánh Phật vẫn luôn luôn ở đó, không được không mất. Muốn thấy Tánh trước hết phải tập nhìn thấy tâm. Cho nên ngôn ngữ Thiền dù nói lung tung những điều khó hiểu, nhưng cũng không ra ngoài ý nghĩa "giác ngộ tánh Phật " (trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật). Người nào đã uống nước mới biết nước nóng hay lạnh, còn không thì dù nói gì cũng không biết nước nóng hay lạnh ra sao. Những người đã trải qua cùng kinh nghiệm, không cần phải nói gì nhiều vẫn có thể hiểu nhau được. Sự ấn chứng giác ngộ là thế.
Nhưng nếu không Thiền, có thể nào giác ngộ được không? Đạo Phật có muôn vàn pháp tu, tất cả mọi con đường đều đi đến một cứu cánh. Niệm Phật tới nhất tâm bất loạn là thiền. Tâm thiền là gì? Là tâm Không, không bị vọng tưởng điên đảo làm chướng ngại, dù ở ngay trong niệm vẫn là vô niệm. Giác ngộ tánh Phật chính là giác ngộ tánh Không vậy.
Vài lời mạn bàn, tuy thô thiển nhưng hi vọng cho thấy một cái nhìn thoáng qua về những nét linh động trong sự tu tập thiền, qua sự lý giải những điều thâm diệu khó thể lý giải, ở ngay trong những sinh hoạt đời sống hàng ngày.
NB