Các cấp độ của việc thấy Pháp như nó đang là

Khi tiếp xúc với ngoại cảnh (lục căn tiếp xúc với lục trần) thì người chưa có tu tập gì cả sẽ bị hoàn cảnh đó chi phối hoàn toàn. Thật ra cũng không phải bị hoàn cảnh chi phối mà là do mình. Hoàn cảnh vẫn vốn như vậy nhưng do mình thấy nó qua một khái niệm, hình ảnh hay là ảo tướng nào đó. Mình nhìn thấy sự vật qua ảo tưởng của mình nên sẽ sinh ra ảo tướng chứ không phải sự thật là như vậy.
Vô minh có thể định nghĩa bằng rất nhiều cách, trong trường hợp này vô minh có thể hiểu là: mọi sự vật, vốn như nó đang là, nhưng qua khái niệm, quan niệm hay tình cảm của mình thì mọi sự vật trở thành những hình ảnh do tâm tạo ra. Vì vậy mới có câu nói :”Nhất thiết duy tâm tạo”, mọi thứ do tâm tạo là vậy. Không phải là tâm tạo ra cái cây, tạo ra cục đá mà khi mình nhìn cái cây hay cục đá thì qua quan niệm của mình thì trong tâm xuất hiện ảo ảnh về cái cây, cục đá chứ không phải thật sự là chúng. Vì vậy mới xuất hiện phản ứng thương hay ghét, tham hay sân.

Khi có phản ứng thương-ghét, tham-sân tức là trong tâm đã xuất hiện ảo ảnh về những sự vật, hoàn cảnh xung quanh. Không phải mình thương sự vật đó mà thương cái ảo ảnh về nó được tạo ra trong tâm, ghét cũng như vậy. ”Thương thì trái ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo”, tức là sự thật luôn bị bóp méo qua lăng kính của quan niệm và tình cảm của mình.
Như vậy khi tiếp xúc với ngoại vật, hoàn cảnh, mọi người xung quanh thì chúng ta ít khi thấy được chúng đúng như nó là mà thường thấy qua lăng kính quan niệm, khái niệm của mình. Hầu hết những gì mình thấy, mình nghe đều là ảo ảnh như mình cho là, hoặc như mình mong muốn phải là, sẽ là, không phải thực như nó đang là. Những đối tượng xung quanh mà mình thấy-nghe-xúc chạm-biết vốn là thực nhưng qua nhận thức chủ quan của mình trở thành những ảo ảnh trong tâm, mình tưởng những hình ảnh này là thực nên mình chạy theo những ảo ảnh đó, tin tưởng vào những ảo ảnh đó, hành động theo những ảo ảnh đó mà tạo ra rất nhiều phiền não khổ đau.
Nếu tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, không bị ảnh hưởng bởi khái niệm-quan niệm thì nhận thức mọi vật đúng như nó là. Nếu tâm bị vướng bận bởi khái niệm-quan niệm-tình cảm thì sự vật sẽ được nhận thức qua lăng kính chủ quan của mình mà trở thành những ảo ảnh. Mọi sự vốn như thực đã trở thành những ảo tướng trong thế giới chủ quan của riêng mình. Đầu tiên phải mình tự thấy ra sự thật này, nếu không thì chính mình đang tự đánh lừa mình, chứ không phải ai khác.
Sở dĩ người ta bất đồng ý kiến với nhau, xuất hiện những tranh chấp, thương, ghét, giận hờn, vv… chính là bởi vì người ta không sống với nhau bằng cái thực mà tạo những mối liên hệ với nhau qua những ảo tưởng. Tất cả các mối quan hệ hoàn toàn đều dựa trên cái ảo xuất phát từ những quan niệm chủ quan của mỗi người, nếu chỉ dựa trên cái thật thì chỉ còn sự tương giao, chứ không cần mối quan hệ nào cả.
Khi có một quan niệm, suy nghĩ về một người nào đó, về một vật nào đó thì mối quan hệ được thiết lập với người đó, vật đó dựa trên những tưởng tượng chủ quan ấy. Vì vậy chỉ có 2 ảo tưởng gặp nhau, chứ không phải 2 con người thật gặp nhau. Thế giới được thiết lập từ những ảo tưởng chủ quan của người này va chạm với thế giới chủ quan của người kia chứ không phải sự giao thoa đồng điệu trong sự tương giao tự nhiên vốn có. Cuộc sống của mỗi chúng ta hiện đang là như vậy. Nếu không thấy ra điều này thì không thể hiểu được nguồn gốc những đau khổ trong cuộc đời.
Đau khổ luôn xuất phát từ những ảo tưởng ấy, chúng đưa đến sợ hãi, lo lắng và bất an. Ảo tưởng tạo ra ảo giác là nguyên nhân của mọi khổ đau kèm theo.

Mức độ trở về với thực tại đang là thứ nhất


Ở mức độ này, tâm trở về thấy rõ những ảo tưởng nói trên. Khi trọn vẹn với những hiện tượng này thì phát hiện ra ảo tưởng ở đây không phải là cái cây ảo, cái tường ảo hay con người ảo mà là những ảo tưởng do chính mình dựng lên về sự vật và con người. Những ảo tưởng này không nằm ở bên ngoài mà chính xuất phát từ những nhận thức, suy nghĩ, quan niệm chủ quan nơi mình mà ra.
Khi tâm trở về trọn vẹn trong sáng với chính như nó đang là, thì ở mức độ đầu tiên sẽ thấy ra cái đang là xấu ác, thiện hay bất thiện gì đó thực chất chỉ là ảo tưởng, là kết luận chủ quan xuất phát từ nhận thức, quan niệm của mình. Lợi ích đầu tiên khi trở về với thực tại chính là thấy rõ những ảo tưởng nơi chính mình. Điều này rất cần thiết, nếu không thì vẫn mãi dán nhãn những ảo tưởng, những quan niệm chủ quan của mình lên mọi sự, mọi vật, rồi chạy theo, hành xử theo chúng mà chuốc lấy phiền não khổ đau.
Thực tại đang là ở mức độ đầu tiên tiếng Pali gọi là sabhàva, tức thực chất như chúng đang là. Mức độ này giống như người đang chiêm bao chợt tỉnh giấc và phát hiện mình đang mơ, tất cả những gì mình thấy thực chất chỉ là ảo tưởng trong mơ mà thôi. Trở về với cái đang là ảo để phát hiện ra thực chất chúng là ảo, nên ngay đó không bị chúng đánh lừa nữa, là bước vô cùng quan trọng trong đời sống. Giống như cả đời mình đeo đuổi theo một danh vọng nào đó, theo đuổi một phương pháp tu nào đó, rồi chợt phát hiện nó chỉ là ảo tưởng. Pháp tu mà Đức Phật dạy không phải vẽ ra những con đường để hướng tới nơi chốn lý tưởng nào đó mà chính là trở về với thực tại để đầu tiên phát hiện tất cả các con đường và nơi chốn ấy chỉ là ảo tưởng.

Mức độ trở về với thực tại đang là thứ hai


Khi trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại, đầu tiên tâm sẽ phát hiện ra cái đang là tham, sân, si, thiện hay bất thiện gì đó thực chất chỉ là ảo tưởng, khi không còn bị những ảo tưởng này đánh lừa nữa, tức xa lìa khỏi những ảo tưởng, thì lúc đó sẽ tâm tiếp xúc được với mức độ thực tại đang là thứ hai tiếng Pali gọi là Paramattha.
Có hai loại Paramattha, Paramattha thứ nhất là những hình tướng, hiện tượng bên ngoài, những gì đang diễn ra nơi thân-thọ-tâm-pháp. Thí dụ khi đang đi, mình phóng dật nghĩ đến một chuyện gì khác và quên mất mình đang đi, lúc đó tâm đang ở trong ảo tưởng, rồi mình chợt tỉnh ra, lìa xa được những ảo tưởng đó thì tâm trở về cái thực đang là, tức là phát hiện ra mình đang đi.
Mức độ trở về với thực tại đang là thứ hai sâu hơn mức độ thứ nhất, tâm đã trở về với cái thực, nhưng vẫn chỉ là hình tướng, hiện tượng bên ngoài. Như thấy thân đang đau, tâm đang mệt mỏi, trời đang nóng, vv… Nếu tâm vẫn tiếp tục trọn vẹn trong sáng với những hình tướng, hiện tượng đang liên tục diễn ra nơi thân, thọ, tâm, pháp thì đến một lúc sẽ phát hiện ra tất cả những hình tướng, hiện tượng này đều vô thường, khổ và vô ngã, tất cả đều do duyên mà đến rồi do duyên mà đi, không có gì là bền vững cả.
Luôn trọn vẹn trong sáng với thực tại vô thường, khổ và vô ngã, dần dần tâm sẽ không còn tham ưu, không bám víu, không nương tựa vào bất cứ điều gì ở đời, lúc đó là cơ hội để trở về với thực tại đang là ở mức độ thứ 3.

Mức độ trở về với thực tại đang là thứ ba

Tâm trở về thực tại đang là ở mức độ thứ 3, sâu nhất, chính là khi xuất hiện cái thấy, hay còn gọi là bản tâm hay tánh biết, rỗng lặng trong sáng. Tiếng Pali gọi đó là Pabhassara Citta.
Cái đang là lúc này chính là thực tánh pháp, tức là loại Paramattha thứ hai. Lúc đó thấy mọi sự mọi vật đúng như thực với tất cả tánh, tướng, thể, dụng của chúng. Những gì đang xảy ra nơi mình với những gì đang xảy ra xung quanh mình là một tổng thể. Vẫn thấy, vẫn nghe nhưng không quá quan tâm, ứng xử với cái thấy, cái nghe đó. Tất cả những gì được thấy và chính cái thấy rỗng lặng trong sáng ấy đều thanh tịnh. Khi ”nội tâm thanh tịnh thì thấy tất cả các pháp đều thanh tịnh” là vậy. Lúc đó đi, đứng, nằm, ngồi đều thanh tịnh, thấy mọi sự xung quanh cũng đều thanh tịnh. Mọi sự, mọi vật không còn là những ảo ảnh của quan niệm, tình cảm chủ quan, mà chúng đúng như thực, vô thường và vô ngã.

Đó là tâm mà Đức Phật dạy:


”Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng”

Phúc lành cao thượng ở đây chính là Niết-Bàn, đúng như Đức Phật nói :”đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si chính là Niết Bàn” chứ không cần thay đổi cái gì cả. Cũng như thầy đã nói:”Nếu mọi thứ đều đúng như nó đang là thì tất cả đều hoàn hảo”.
Như vậy, cũng trên chính thực tại đó thôi, nhưng trong nhận thức của tâm có 3 mức độ, mức độ đầu tiên là ảo tưởng, khi không còn bám víu, xa lìa được những ảo tưởng này thì tới mức độ thứ 2, tiếp xúc với cái thực hình tướng, hiện tượng bên ngoài, khi tiếp tục không còn chấp trước, bám víu vào những hình tướng, hiện tượng vốn vô thường, khổ, vô ngã thì tiếp xúc được với tánh biết, bản tâm hay tự tánh thanh tịnh của tâm, đó là mức độ thứ 3, cũng chính là Niết-Bàn.

Cách thực hành trong đời sống hàng ngày

Cách thực hành mà Thầy đang truyền dạy hoàn toàn tương ứng với 3 mức độ trở về với thực tại đang là đã trình bày ở trên.
Khi tâm thất niệm, thiếu tỉnh giác, buông lung, phóng dật, chạy theo những ảo tưởng, vọng niệm thì chỉ cần buông tất cả những quan niệm, suy tư và kết luận chủ quan ấy ra, tâm liền tự trở về với thực tại như nó đang là.
Khi hữu sự, tức là khi làm công việc liên quan đến bên ngoài như lái xe, may áo thì chỉ cần thận trọng-chú tâm-quan sát, các vọng niệm, ảo tưởng sẽ không khởi lên. Nên lưu ý rằng thận trọng-chú tâm-quan sát sự tương giao giữa mình và những gì đang diễn ra trong công việc, nhưng hướng luôn là trở về để biết mình. Lúc đầu mức độ thận trọng-chú tâm-quan sát có thể chưa tự nhiên, làm một chút lại quên, hay do nỗ lực hơi quá nên tâm bị căng thẳng. Nhưng chỉ cần kiên nhẫn thực hành, theo thời gian dần dần quen rồi thì tâm sẽ tự ứng ra thận trọng-chú tâm-quan sát một cách tự nhiên với mức độ tùy theo đòi hỏi của công việc và hoàn cảnh. Giống như mới biết lái xe thì còn bị căng thẳng, khi nhuần nhuyễn rồi thì cứ thế mà lái một cách hoàn toàn tự nhiên. Lúc này tâm không còn bị lôi kéo bởi các ảo tưởng, vọng niệm nữa. Ba yếu tố thận trọng-chú tâm-quan sát chính là giới-định-tuệ ở dạng tùy dụng.
Khi vô sự, không cần phải làm công việc gì thì chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là. Dần dần tâm sẽ tự biết tất cả những gì đang xảy ra bên trong lẫn ngoài như một tổng thể với thái độ hoàn toàn sáng suốt-định tĩnh-trong lành. Ba yếu tố sáng suốt-định tĩnh-trong lành chính là giới-định-tuệ ở dạng tự tánh.
Khi đã buông xuống hoàn toàn, không còn để ý đến bất kỳ điều gì, không mong cầu bất cứ điều gì, cũng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì thì chỉ còn tâm rỗng rang-lặng lẽ-trong sáng, đó chính là giới-định tuệ ở dạng tịch tịnh. Đức Phật gọi lúc đó là an trú tính không, một loại đại định-tuệ. Đó chính là Niết Bàn với 3 yếu tố Không - Vô Tướng - Vô Tác.
Trong đời sống hàng ngày đều xảy ra cả 4 tình huống nêu trên chứ không thể lựa chọn một tình huống ưa thích nhất mà bỏ đi những tình huống còn lại. Người thực hành đúng thì biết tùy theo hoàn cảnh cụ thể trong đời sống mà ứng ra, tùy lúc mà buông ra để trở về trọn vẹn tỉnh giác với thực tại, tùy lúc mà thận trọng-chú tâm-quan sát, tùy lúc mà nghỉ ngơi vô sự một cách sáng suốt-định tĩnh-trong lành, tùy lúc mà hoàn toàn buông ra để tâm rỗng rang-lặng lẽ-trong sáng.
Tùy pháp hành theo 4 tình huống đã nói ở trên hoàn toàn tương ứng với 3 mức độ trở về với thực tại đang là, đầu tiên xa lìa ảo tưởng xuất phát từ quan niệm, tư tưởng chủ quan để trở về với hình tướng, hiện tượng đang xảy ra nơi thân-thọ-tâm-pháp, tiếp tục tùy lúc mà thận trọng-chú tâm-quan sát hoặc sáng suốt-định tĩnh-trong lành mà thấy ra được tất cả các hiện tượng và hình tướng bên ngoài đều vô thường, khổ và vô ngã, từ đó không còn bám víu, nương tựa vào bất cứ hình tướng nào, hoàn toàn buông xuống để trở về với tánh biết/bản tâm bất động vốn rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng.
Thực hành như vậy là hoàn toàn theo đúng hướng xả ly-ly tham-đoạn diệt-an tịnh-chánh trí-giác ngộ-Niết Bàn với đầy đủ 3 yếu tố Không-Vô Tướng-Vô Tác (Vô Nguyện/Vô Cầu). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với 5 đặc tính của pháp (sự thật) mà Đức Phật dạy, tức là:


  • Ehipassiko: Trở về mà thấy
  • Opanayiko: Thấy trên thực tại đang là ấy
  • Sanditthiko: Thấy ngay lập tức
  • Akaliko: Không qua thời gian
  • Paccata Veditabbo Viññuhi: Mỗi người tự cảm nhận như nó đang là
Trong quá trình trở về với thực tại (pháp) thì có thể thực tại đầu tiên là những vọng tưởng, thực tại thứ hai là những hình tướng, hiện tượng đang xảy ra, thực tại thứ ba chính là cái tâm (cái thấy) hoàn toàn rỗng lặng, trong sáng. Cái pháp cuối cùng mà mình trở về là khi bắt gặp cái thấy tịch tịnh, không chỉ thanh tịnh nơi mình mà tràn ngập khắp mọi nơi. Ở nơi mọi người cũng giống như nơi mình, ai ai cũng đang ở nơi thanh tịnh, hoàn toàn hoàn hảo, chỉ có tâm họ đang khởi lên vọng tưởng, tìm cầu mà rơi vào giấc chiêm bao đầy phiền não, khổ đau của chính họ thôi.
Sự thật ở khắp mọi nơi, luôn luôn đầy đủ và hoàn hảo, ở nơi mỗi người có những nhận thức sai lầm, hành vi sai lầm dẫn tới đau khổ, đó chỉ là thế giới ảo của riêng họ, còn sự thật thì họ vẫn luôn đang ở nơi hoàn toàn thanh tịnh. Chính vì vậy chỉ cần tỉnh thức, thoát khỏi chiêm bao, ảo mộng của chính mình thì liền trở về nơi thanh tịnh. Thế giới này không phải là ảo mà hoàn toàn chân thực và hoàn hảo, chỉ có mỗi người tự tạo ra ảo mộng về thế giới, mọi hạnh phúc và đau khổ trong cuộc đời đều được xây dựng trên những ảo tưởng đó.
Người nào hoàn toàn hiểu được hành trình khám phá đâu là ảo, đâu là thực này mới bắt đầu tu tập cho đúng được. Sự khám phá này cũng chính là khám phá ra bốn sự thật mà Đức Phật gọi là Tứ Diệu Đế. Đầu tiên mỗi người ngay nơi chính mình phải tự trở về để khám phá đâu là Tập Đế, Khổ Đế, tức là đâu là nguyên nhân gây ra những vọng tưởng, ảo giác dẫn đến phiền não khổ đau, đâu là Diệt Đế, Đạo Đế, tức đâu là trở về với cái chân thực trong sáng.
Cũng ngay nơi chính mình, trong một sát-na thôi, dù cái tâm đang vọng tưởng lung tung cỡ nào cũng chỉ cần trở về trọn vẹn với cái đang đi, đang ngồi, đang thở thì ngay đó là Niết Bàn. Có người trải qua không biết bao thời gian tu tập mới trở về được với Niết Bàn ấy, nhưng cũng có người có thể chợt tỉnh ra mà trở về nơi ấy ngay lập tức. Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, một trong những câu chuyện sinh động nhất được nhiều người biết đến, đó là chuyện Đức Phật cảm hóa tướng cướp Angulimāla được ghi lại trong Trung bộ kinh, số 86 và Trưởng lão Tăng kệ (Thera.80-câu 866 đến 891).

Tên cướp khét tiếng tên Angulimāla, là tay thợ săn bạo tàn, gặp ai giết nấy để thu thập ngón tay, khiến cho dân làng rất lo sợ. Tên sát nhân ghê rợn này theo đuổi mục đích phải thu thập cho được 1.000 ngón tay để kết thành tràng hoa ngón tay với ảo vọng thành đạt được điều gì đó ghê gớm. Hôm đó Angulimāla rượt theo Đức Phật để lấy ngón tay nhưng rượt mãi không được, hắn bèn gọi theo:”Hãy dừng lại! Sa-môn! Hãy dừng lại!”. Đức Phật trả lời :”Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi”. Vậy mà Angulimāla giật mình hiểu liền, không phải dừng là đứng lại mà là dừng chính những vọng tưởng, tìm kiếm của chính mình. Đức Phật đã đánh thức tên cướp khỏi giấc mơ của chính mình mà trở về với bản tính được liền.

Có thể trở về với thực tại đang là lâu hay mau còn tùy vào căn cơ nơi mỗi người nhưng dù căn cơ thấp đến thế nào thì cách duy nhất vẫn là phải trở về trọn vẹn với thực tại đang là, dù cái đang là ấy có là đau khổ, hung ác, tham-sân-si cỡ nào. Con đường giác ngộ giải thoát chính là trở về trọn vẹn hoàn toàn với thực tại đang là chứ không có đường nào khác.
Một số người vẫn còn thắc mắc hỏi Thầy :”Như vậy chỉ có trở về với thực tại đang là thôi sao, không có công đức, phước đức, không có cái gì hết sao? Mình không cầu tiến để đạt được những gì tốt đẹp hơn sao?”. Một người vẫn còn hướng ngoại, vẫn cho rằng mình cần phải đạt được cái gì đó, cái tâm ấy vẫn là tâm sinh tử nên không bao giờ có thể thấy được sự thật đang là, không bao giờ có thể giải thoát khỏi khổ đau và ảo mộng.

Hỏi & Đáp 

Thưa Thầy, khi mình có thể xa lìa những ảo tưởng và trở lại với thực tại đang là thì có tương ứng với quả vị Nhập Lưu Tu Đà Hoàn mà Đức Phật từng nói hay không?


Như Thầy đã nói rõ ở trên, trở về với thực tại đang là có thể thấy ra mình đang vọng tưởng, trở về với thực tại đang là có thể thấy ra mình đang đi, đứng, nằm, ngồi, đang ăn, đang thở, trở về với thực tại đang là cũng có thể thấy ra được một nội tâm hoàn toàn thanh tịnh, rỗng lặng, trong sáng. Thấy ra cái gì là tùy vào mức độ trở về của mỗi người, nhưng cách thực hành vẫn trở lại với cái đang là. Có người trở lại với cái đang là thì thấy pháp, có người trở lại với cái đang là thì đắc Tu Đà Hoàn, có người trở lại với cái đang là thì đắc Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, mỗi người mỗi khác, tùy vào căn cơ của mỗi người thôi.

Thầy đã từng nói mục đích cuộc đời của mỗi người là những bài học, để từ từ điều chỉnh nhận thức và hành vì để rồi cuối cùng có thể trở về với cái tâm tĩnh lặng, trong sáng có phải không ạ?

Đúng là như vậy, con người do ảo tưởng mà chạy đi tìm kiếm, khi tìm kiếm mới đụng phải cái thực, chính những va chạm đó là những bài học để hóa giải những ảo tưởng mà họ đang theo đuổi. Giả sử như hai vợ chồng do ảo tưởng mà hục hặc đau khổ với nhau, rồi họ đến gặp một vị thầy nào đó nhờ tư vấn và hòa giải. Các vị thầy thường hay khuyên nhủ:”Thôi bây giờ hai con về phải thông cảm với nhau, yêu thương nhau, phải thế này, thế kia…”, nhưng Thầy lại không khuyên như vậy. Bởi vì nếu không hiểu ra được vấn đề thì dù hai vợ chồng dù có cố gắng làm theo lời khuyên ấy thì vẫn chỉ là đóng kịch thôi chứ chưa phải là sống thực.
Đối với Thầy, hai vợ chồng cưới nhau với tờ giấy hôn thú thì là thực, nhưng về tình cảm họ kết hợp với nhau qua ảo tưởng của mỗi người, bây giờ khi sống với nhau họ đụng phải cái thực, nên cãi nhau mà đau khổ là chuyện đương nhiên và quá hay. Quá hay vì từ đó họ mới học ra bài học về mình, về người kia mà thoát khỏi ảo tưởng ban đầu. Hạnh phúc vợ chồng là khi người vợ sống đúng như ý muốn của chồng, hay ngược lại. Còn hạnh phúc đích thực lại không phải là khi người này luôn sống và hành động hoàn toàn theo ý người kia, mà là khi cả hai người đều thấy rõ bản chất thực của đời sống, bản chất thực con người mình và người bạn đời của mình. Khi đó họ sẽ không còn đòi hỏi hạnh phúc giữa vợ chồng nữa vì đó vẫn chỉ là hạnh phúc được nuôi dưỡng trên những ảo tưởng.
Chúng ta thường quên rằng cuộc đời là những bài học giác ngộ, nên luôn loay hoay tìm kiếm làm thế nào để được hạnh phúc như ý mình, mà chuyện đó là không bao giờ có. Giác ngộ thường ngay trên chính những đau khổ gặp phải trong đời sống, như người đang mơ thì đâu có biết mình đang mơ, chỉ có ai đánh một cái may ra mới tỉnh giấc, vì va chạm với những đau khổ trong cuộc đời mới giúp chúng ta thoát khỏi ảo mộng nơi chính mình.

Con mới bắt đầu tu tập, Thầy có thể hướng dẫn cho con nên bắt đầu như thế nào? Cần học những giáo lý cơ bản nào? đọc những sách nào?


Theo Thầy đầu tiên nên đọc cuốn Đức Phật & Phật Pháp của ngài Narada, nếu chưa quen với ngôn ngữ của Phật Giáo thì có thể đọc cuốn Con Đường Hạnh Phúc.

Thưa Thầy, nếu như ai cũng chỉ cần giác ngộ, không còn cầu tiến thì thế giới sẽ không còn tiến bộ nữa. Ai cũng chỉ sống làm sao cho thanh bình nơi mình, không còn quan tâm tới người khác nữa thì có phải là vô tâm không Thầy?

Hiện nay để đánh giá hạnh phúc và tiến bộ của một đất nước, người ta có đưa ra chỉ số thu nhập bình quân trên đầu người. Nhưng theo thời gian, họ lại phát hiện ra rằng, ngay cả ở những nước có chỉ số thu nhập bình quân rất cao nhưng người dân cũng chưa chắc đã thực sự hạnh phúc. Vậy là họ lại tìm cách khác, khi đưa ra chỉ số hạnh phúc trên đầu người để đánh giá sự tiến bộ một cộng đồng xã hội. Không cần biết anh thu nhập bao nhiêu, mà cần biết anh sống có thực sự hạnh phúc hay không? Người ta bắt đầu phát hiện ra dù cho có công nghiệp hóa, hiện đại hóa cỡ nào mà con người không thể sống hạnh phúc thì tất cả chỉ là hoang phí tiền bạc, sức lực, tài nguyên một cách hoàn toàn vô ích.
Một người thực sự hạnh phúc thì luôn sống lợi mình lợi người. Còn một người sống chỉ vì lợi mình mà hại người khác thì không thể sống hạnh phúc. Cho dù họ có thăng tiến trên tiền tài danh lợi tới đâu, mà làm hại người để lợi cho mình thì họ chỉ có thể sống hưởng thụ thành quả tiền tài danh lợi trên nỗi đau khổ của chính mình chứ không thể nào sống thực sự hạnh phúc được. Chính những người giác ngộ ra ý nghĩa của cuộc sống, hiểu rõ nguồn gốc những đau khổ nơi chính mình mới có khả năng thấu hiểu và thông cảm với những nỗi khổ của người xung quanh. Vì họ thông suốt được cái gì là đau khổ, cái gì thực sự là hạnh phúc nên họ có tâm hồn rộng lớn, sống không phải vì mình mà vì mọi người.

Thưa Thầy, sau khi làm xong một việc gì, hay đi qua một nơi nào đó thì những trải nghiệm về việc ấy, trải nghiệm về những nơi vừa đi qua ấy không có kết thúc ngay trong tâm con, mà chúng thỉnh thoảng cứ khởi lên khiến con không thể trọn vẹn với thực tại đang là. Con phải làm sao thưa Thầy?

Thí dụ một trái mít non rồi già đi một chút không có nghĩa yếu tố mít non bị mất đi mà nó đang trở thành ngày một già hơn. Thực tại đang là không phải là một trạng thái đứng yên, mà luôn là một tiến trình sự sống liên tục và sống động, không thể chia cắt. Trong thực tại đang là đã bao gồm tất cả những gì đã xảy ra trước đó rồi, vậy sao mình còn vấn vương quá khứ làm gì?
Sự sống chỉ tồn tại nơi thực tại đang là, tất cả mọi thứ ta cần đều tập trung nơi những gì đang xảy ra. Nếu không trọn vẹn với nó thì ta đã đánh mất sự sống, mà chỉ còn những ảo tưởng mà thôi. Khi mình còn vấn vương về quá khứ hay tương lai thì mình đang rơi vào sống ảo. Mình đánh mất sự sống không biết bao nhiêu lần trong một ngày, một phút, một giây.

Thưa Thầy, thực tại đang là nơi người này có giống với thực tại đang là nơi người kia không Thầy, hay nó là một thứ đồng nhất cả trăm người đều cảm nhận như một?

Điều này Thầy đã nói rõ ở trên, khi còn là ảo tưởng thì hoàn toàn sai khác, trên một hiện tượng thực mà trăm người nhìn vào, tùy vào quan điểm và định kiến chủ quan mà mỗi người sẽ thấy nó một cách khác nhau, ảo tưởng thì không ai giống ai.
Khi đã trở về được với những hiện tượng thực, trở về với cái đang đi, đang nằm, đang ngồi, đang thở thì thực tại đang là của mỗi người bắt đầu gần nhau hơn. Khi bắt đầu thấy rõ được tính chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi hiện tượng này thì thực tại đang là của mọi người lại càng giống nhau hơn nữa. Tuy là mỗi người mỗi khác, những con mắt khác nhau, những đôi tai khác nhau, nhưng cái thấy giống nhau, cái nghe giống nhau.
Khi trở về thực tại ở mức độ sâu hơn nữa sẽ thấy vạn vật chỉ còn xoay quanh các nguyên tố là đất, nước, lửa, gió, hư không và tánh biết. Và khi hoàn toàn trở về với thực tại đang là thì chỉ còn nội tâm thanh tịnh. Nội tâm thanh tịnh, trong sáng nơi mỗi người ai cũng như ai, hoàn toàn giống nhau không còn gì khác biệt nữa.
Như Thầy đã giảng ở trên, thực tại đang là có nhiều tầng bậc, giống như trong kinh Dịch. Nói từ trong ra thì bắt đầu từ Thái Cực, đến Lưỡng Nghi, rồi đến Tứ Tượng, sau đến Bát Quái, và sau đó đến 64 hiện tượng khác nhau. Càng đi xa trung tâm thì càng khác nhau, còn khi trở về bên trong, ở nơi Thái Cực thì hoàn toàn giống nhau. Sở dĩ mọi người còn chống đối với nhau, hại nhau vì họ còn đứng xa ở bên ngoài, dựa trên cái sai khác mà ứng xử với nhau. Nhưng người biết trở về bên trong với cái thanh tịnh, tự tại thì chỉ thấy mình và mọi người hoàn toàn bình đẳng, không có gì khác biệt cả.
Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh thì vạn pháp đều đồng, khi tâm khởi lên liền xuất hiện những chia biệt.
Như những con sóng lớn và sóng nhỏ, khi sóng nhỏ muốn trở thành sóng lớn cho thế là phát triển, cho thế là cầu tiến, nhưng điều đó thật sự không đi đến đâu cả. Quan trọng là sóng có thấy ra mình là nước hay không? Sóng nhỏ muốn thành sóng lớn mới là ích kỷ, còn khi sóng giác ngộ ra mình là nước rồi thì chỉ còn chan hòa với tất cả, chỉ còn sự tương giao hoàn toàn tự nhiên. Không còn phân biệt sóng nhỏ với sóng lớn, không còn ranh giới giữa người với người.

Hòa Thượng Thích Viên Minh

MP3: Các cấp độ của việc thấy Pháp như nó đang là