Hoàn thiện balamật - Nắm vững cốt lõi của sự tu tập

1. Hoàn thiện balamật

Có một chuyện như thế này. Có một bà cư sĩ đã đắc quả Tuđàhoàn, bà lấy một người chồng làm nghề thợ săn. Hàng ngày bà phải chuẩn bị cung tên, đồ ăn cho chồng đi săn. Một người thấy vậy đến hỏi Đức Phật hàng ngày người đàn bà kia hàng ngày sống và giúp chồng đi săn thì có cộng nghiệp với ông đó không. Đức Phật trả lời rằng điều này cũng giống như cái Vá ở trong nồi canh.
Mặc dù cái vá nằm trong nồi canh thiệt, nhưng nó không bị ảnh hưởng gì bởi nồi canh cả. Tại vì sao lại như vậy. Người đàn bà này đã đắc quả Tuđàhoàn, tại sao không ở luôn trong rừng mà tu lại đi lấy chồng rồi làm đủ thứ chuyện. Vì cái duyên nghiệp nó vậy, và trong đó sẽ học ra những bài học của nó để đắc quả TưĐàHàm. Ở người này còn thiếu một cái gì đó cần phải bổ túc, cần phải thấy ra nên phải trải qua như vậy mới được, cũng là để hoàn thiện balamật của mình. Cho nên Pháp là kỳ diệu, là bất khả tư nghì là vậy (không thể nghĩ bàn). Chứ không phải cứ A là A, B là B. Quan trọng là người biết được Pháp, biết được mình, biết được cái thực, biết được trình độ thực của mình. Nếu không thì mình vẫn là một kẻ giả dối, một kẻ đạo đức giả. Đạo đức giả ở đây không phải là mình lừa dối ai mà là không có thực.

Thầy Viên Minh

2. Nắm vững cốt lõi của sự tu tập

Hỏi : Kính bạch Thầy,... Con có một thắc mắc nhỏ trong quá trình tu tập, xin thầy giải đáp. Thấy, nghe như thật, như thực tại đang là, khi nghe chỉ biết nghe, khi thấy chỉ biết thấy, không để bản ngã xen vào sanh tâm phân biệt, như vậy làm sao cảm nhận được hay dở, đẹp xấu là những tính chất mầu nhiệm của cuộc sống? Hôm nọ đi dự một buổi nhạc thính phòng, con thấy con có cảm xúc (con biết đàn), con phân biệt âm thanh của từng loại nhạc khí, con cảm nhận sự tuyệt vời của từng nốt nhạc, con có sai không khi phân biệt hay dở, đẹp xấu? Rồi những buổi hoàng hôn nơi con ở, đẹp tuyệt thầy ạ, tâm hồn con tràn ngập sự rung cảm, sự biết ơn, tâm con quá phân biệt phải không thầy? Đó chỉ là một vài thí dụ nhỏ để Thầy hiểu con, vậy con phải sửa làm sao?
Con cám ơn và thành kính đảnh lễ Thầy. 

Thầy Viên Minh: Có hai sự phân biệt: Phân biệt theo thực tánh chân đế và phân biệt theo khái niệm tục đế. Tánh biết phân biệt thực tánh chân đế một cách tự nhiên và đồng nhất, còn tướng biết mà cụ thể là ý thức phân biệt hiện tướng theo khái niệm tục đế thì chủ quan và dị biệt. 
Trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe chính là phân biệt theo thực tánh chân đế, nhưng khi ý thức của bản ngã xen vào thì phân biệt theo nhận thức chủ quan với phản ứng thương-ghét, lấy-bỏ... nên mỗi người có thái độ phản ứng khác nhau... mà hình thành quan niệm.
Trong sự soi sáng thực tại con sẽ thấy ra 2 cách phân biệt này. Phân biệt tục đế của ý thức bản ngã đưa đến đúng-sai, vui-khổ, thiện-ác, dính mắc, trói buộc... Phân biệt chân đế của tánh biết đưa đến trí tuệ thanh tịnh giải thoát. Người giác ngộ chân đế vẫn phân biệt theo tục đế nhưng đó chỉ là tuỳ thuận chúng sanh mà thôi.


Hỏi: Con xin được đảnh lể Sư!
Thưa Sư, con có chút tâm nghi chưa được thông suốt xin Sư giúp con thông tỏ.
Trong tiến trình hành trì tâm pháp, khi ngộ ra được phần nào chân lý con đều cảm thấy xót xa và thương tưởng đến mọi người, mọi loài vô cùng. Con thấy thực sự đây là một vấn đề, một con đường quá khó cho hết thảy mọi người hướng đến và điều con muốn biết rằng những người tu tập như con có ảnh hưởng chút nào đến tâm, tánh của chúng sanh đang hoàn toàn mờ mịt với chân lý, giải đãi với việc tu tập không nữa?
Con xin đảnh lễ.

Th
ầy Viên MinhNhư vậy là còn thấy Ngã - Nhân, chưa thấy pháp tánh như thị - chưa thấy tánh bình đẳng của tất cả chúng sanh.

***
Nhận thức có hai hướng: Hướng chân đế rốt ráo và hướng tục đế tương đối. Trong tương giao, con nhận thức mọi sự với tâm rỗng lặng trong sáng thì thấy pháp chân đế như nó đang là, hoàn toàn không có phiền não khổ đau, nhưng trong mối quan hệ đối đãi, ý thức phân biệt theo khái niệm khởi lên nên con thấy pháp tục đế như con cho là, phải là..., lúc đó nếu con cho là phải là đúng tốt thì chuyện sẽ êm đẹp, còn nếu cho là phải là sai xấu thì sẽ chuốc lấy phiền não khổ đau.
Như vậy, tánh biết giúp con thấy được sự thật rốt ráo mà không cần tạo tác gì cả, còn tướng biết (ý thức, lý trí) giúp con biết cách ứng xử sao cho đúng tốt ở đời, nên vẫn còn tạo tác nghiệp thiện ác tương đối trong tục đế. Trong hai cách nhận thức thì chủ yếu thấy biết trung thực vẫn là chính. Từ thấy biết sự thật con nhận ra đâu là ảo để buông, đâu là pháp duyên khởi tương đối để tuỳ duyên đối trị hay ứng xử cho đúng tốt, và đâu là pháp tánh như chân như thật chỉ thực chứng chứ không thể can thiệp được.

Hỏi: Thưa Thầy,
Con cũng không có thắc mắc gì cả nhưng con cũng mong muốn được Thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm cho con về sống tuỳ duyên thuận Pháp. Hàng ngày con vẫn thường hay biết thân tâm nhưng cũng rất nhiều lần con cũng quên mất. Từ ngày phát hiện ra bản ngã đến nay, con không còn chạy theo ảo tưởng nữa mà con lại thấy tâm con có nhiều sân hận, độ kỵ, nhiều cái xấu xa... ẩn ngầm. Càng ngày con càng thấy nhiều điều bất toại nguyện trong tâm ngay khi khởi lên một vọng tưởng. Ngẫm nghĩ lại con cũng thấy do Ta tạo ra nhưng con chỉ thấy thôi và sống trọn vẹn với nó chứ con vẫn chưa buông xuống được, nó vẫn con rất dai dẳng. Con chỉ có cách thay đổi thái độ thì từ từ cũng sẽ chuyển hoá được nhiều sân hận. Con rút ra bài học cho mình là không cần tu gì nữa mà chỉ hay biết thân tâm và thấy tất cả những tập khí xấu xa và chuyển hoá nó.
Con kính mong Thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm cho con. Kính mong Thầy thân tâm thường an lạc.

Thầy Viên Minh: Như vậy là con đã nắm vững cốt lõi của sự tu tập rồi đó. Chỉ quan sát để thấy ra bản chất thật của pháp như nó đang là thôi thì đó mới thật là tu.