... Theo chúng tôi, nếu ai đó một khi đã lãnh hội được ý chỉ của đức Phật, tức cái đích nhắm "bến bờ giải thoát" ở phía trước đã được xác định, không còn nghi ngờ gì về pháp cũng như chính sự hiểu biết của mình nữa, thì tự mỗi người sau đó nên biết tuỳ căn cơ, phúc đức của riêng mình mà bước tiếp một bước nữa, bằng cách mượn một pháp thích hợp nào đó trong những pháp tối thắng của Tổ, Phật mà thực hành. Điều cần nói ở đây là phải thực hành một cách chơn chánh nghiêm mật, không tự dối, hầu thâm nhập diệu lý của Phật pháp để tự thăng hoa, giải thoát, hơn là chỉ biết rành rẽ pháp Phật để cho có biết, cũng là cách làm giàu tri thức, để cuối cùng cũng phải tự mai một với chỗ biết ấy, là điều vô bổ.
Nghĩa là, hành trình tự tu tự chứng ở đây được ví, như một bộ hành đơn độc, mất phương hướng, đang loay hoay trong đêm tối, lần bước đưa chân, mong tìm một chỗ trú thân an ổn. Đang lúc cùng đường, sắp tuyệt vọng, thì may thay, gặp người hiểu biết, nên được chỉ cho bờ bến nọ là chỗ có thể an ổn dừng nghỉ trong tương lai, đồng thời cũng được chỉ bảo cho nhiều phương cách để tiếp cận cái chốn an lạc hạnh phúc kia, khiến kẻ bộ hành có thể chọn một cách trong số đó, tương thích với khả năng của riêng mình mà dấn bước, tự chèo chống đến đích cuối cùng.
Điều cần nói ở đây với chúng ta, những người đang trên bước đường tu tập đạo giải thoát, thì, được chỉ vẽ đường hướng cũng như phương cách để dẫn đến cái đích an lạc kia là một việc, còn kẻ bộ hành nọ có tự dấn bước tới đó bằng chính sức lực, đôi chân và trí tuệ của mình hay không lại là một việc khác nữa. Hoặc giả có thể nói, ai ai cũng đều biết rằng thuyền bè là phương tiện để độ người sang bờ kia. Ở bờ này, đã sẵn đủ mọi phương tiện cần thiết; thế nhưng từng mỗi người có sang được bờ kia hay không là do tâm ý của người ấy có muốn đi hay không, và khi đã quyết chí ra đi thì có biết nổ lực hết mình để tự chèo chống mà vượt qua hay là nhụt chí bỏ dở giữa chừng.
Với một người quyết chí tu hành, cứu cánh tự độ và hạnh nguyện độ tha, thì dù tại gia hay xuất gia, theo tôi, bước sơ cơ tham học là để hiểu rõ về lẽ nhơn quả, để biết phân biệt thiện ác chánh tà, để biết xác định được đâu là chân lý giải thoát, cũng như nhận định được hạng bậc căn cơ trí tuệ phúc đức của mình tới đâu để trạch pháp thích hợp, thì đó là công đoạn đầu tiên của một người học Phật. Còn sau đó có quyết tâm thực hành giáo lý ấy một cách chân chính, trọn vẹn để tự vượt thoát nhơn quả trói buộc hay không lại là một việc khác nữa, mà công đoạn thứ hai này còn khó khăn hơn gấp bội lần cái việc thông suốt lý lẽ ở phía trước.
Thí như một người biết thuộc lòng về lý thuyết cách thức làm đất, gieo giống, cấy mạ, gặt lúa, phơi, xay, giã, rồi vo gạo, đun lửa để nấu gạo thành cơm là một việc; còn chính bản thân người ấy có tuần tự làm được những công đoạn kia một cách thành thục để tạo ra những hạt gạo, rồi có biết tự nấu những hạt gạo ấy thành nồi cơm ngon lành, sốt dẻo, không sống, không nhão, không khê để được no nê, bổ khoẻ, hạnh phúc hay không, lại là một việc khác nữa.
Cái điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây một lần nữa, là việc tự thân cần nên thực hành các pháp môn tu của Tổ, Phật hơn là chỉ học lý thuyết để làm giàu tri kiến, dù đó là tri kiến giải thoát siêu việt của đức Phật đi chăng nữa. Bỡi vì, trong việc tu học, để cứu cánh giải thoát, dù ở thời nào cũng vậy, không tự thân thực hành để tự vượt qua năm cữa ải căn bản của đạo pháp là Giới, Định, Huệ, Tri kiến giải thoát và Giải thoát tri kiến giải thoát, thì không thể có giải thoát triệt để. Trong khi đó, như ai cũng đều biết, do cái tâm lý cầu an, giải đãi thường tình của thế nhân, là thích việc dễ, ngại việc khó, ham thích hiểu biết lý lẽ để làm giàu kiến văn, nhưng lại ghét việc thực hành những lý thuyếtấy, vì nhọc thân, khó làm. Mà việc khó nhất trong mọi việc khó ở đời lại chính là sự khắc kỷ trong tu hành, bỡi tâm lý cố hữu của con người thường tự "xí xoá, dễ dãi" với mình hơn là "hỷ xả" với người khác. Cho nên, rành rẽ lý giải thoát mà không thực hành lý ấy đến nơi đến chốn thì cũng chỉ là việc làm vô bổ.
Một điều hết sức dễ hiểu, thí như hằng ngày tụng cả trăm bộ kinh Di-đà, mà tự thân thì không niệm Phật cho đến nhứt tâm bất loạn như lời Phật dạy trong kinh, thì làm sao đến lúc cận tử nghiệp có thể vãng sanh Cực lạc Tây phương được ? Hoặc tụng hàng nhiều ngàn lần bộ kinh Kim-cang Bát nhã trong đời, lúc nào cũng đọc thuộc lòng vanh vách lời Phật ân cần chỉ dạy, rằng, "ly nhứt thiết tướng tức danh chư Phật - lìa tất thảy tướng gọi là chư Phật", hoặc "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm - nên không chỗ trụ mà sanh tâm này" vv…và vv… cũng như hiểu rành cái lý lẽ không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ắc dễ dàng tự vượt thoát trói buộc nhơn quả, …….nhưng tự thân lại không hành theo lý ấy, tâm lúc nào cũng vọng động trụ chấp, câu trước vào tất thảy pháp, chẳng biết nương kinh để chuyển tâm từ động sang tịnh, thì làm sao có thể thâm nhập diệu nghĩa của kinh mà thấy tánh, để không lầm nhơn quả, vượt thoát vô minh?
Chúng sanh trong nghiệp báo biết rành rẽ giáo lý giải thoát của đức Phật mà tự thân không thực hành giáo lý ấy để tự vượt thoát trói buộc của vọng nghiệp sanh tử, thì có khác nào kẻ sắp chết đói nằm mơ thấy ăn cỗ, thấy ngon miệng no bụng mà vẫn bị chết đói. Thế nên cần phải thực hành giáo lý giải thoát, hơn là chỉ rành biết suông giáo lý ấy. Chỉ có thực hành thì tự thân mới có khả năng nhận ra được sự nhiệm mầu của Phật pháp cũng như biết như thật thế nào là sự linh diệu không thể nghĩ bàn của tâm Phật chúng sanh nguyên uỷ.
Trở lại với câu nói trên, ở đây, chúng ta nhân lời dẫn dắt đầu tiên của đức Phật mà tự xác định cho mình cái đích chân thật để hướng tới. Rồi một khi nhận ra được từ xa cái đích phải đến (cứu cánh thăng hoa, giải thoát tâm) bên cạnh những pháp phương tiện vi diệu, nhiệm mầu đã được đức Phật và những vị Tổ sau Ngài từ bi ban phát, thì việc tiếp theo phải nói là, thứ nhất, cần ở người cầu đạo giải thoát một tín tâm không gì lay chuyển nổi đối với chân lý đã được xác định ấy; thứ hai là cần biết trạch pháp, tức sáng suốt chọn lựa một pháp môn thuận hợp với căn cơ, trí tuệ và phước đức của từng tín hữu để thực hành, cứu cánh khai mở tuệ nhãn; thứ ba là cần sự quyết chí và nhất tâm hành trìpháp phương tiện của Tổ, Phật mà mình đã chọn, cho đến kết quả cuối cùng, dẫu có phải bỏ thân mạng ngay trong đời này vì sự nghiệp giải thoát tử sanh nhơn quả trong tương lai, cũng không nao núng.
Bằng sự hiểu biết nông cạn qua kinh nghiệm tu học ít ỏi, hời hợt của mình, đối trước mười phương Phật, tôi mạnh dạn cho rằng, dù chỉ là một thân cận của Phật đường, nhưng nếu ai đó tự biết mình có túc duyên với Đại thừa chánh pháp, lại biết tự bước đi theo sự dẫn dắt của ánh sáng Phật pháp đã được tích luỹ từ nhiều đời và trong đời này, bằng chính đôi chân của mình, tuần tự thực hành con đường giải thoát qua ba công đoạn trên một cách kiên cố, chơn chất, miên mật, không tự dối lòng (bằng bất cứ một pháp môn nào thích hợp với căn cơ của mỗi người) ắc không sớm thì muộn, ngay trong đờinày, cái tâm "không tâm" giải thoát sẽ bất chợt ập đến mình lúc nào không hay, cũng là tự làm nên một cuộc đổi đời không tiền khoáng hậu, vượt quá muôn kiếp trói buộc nhân sinh trong nháy mắt.
Nghĩa là ngay cái sát na quang-minh giải-thoát tuông ập lên mình, thì vô minh, cũng tức là cái "mầm biết" lầm lạc ngàn đời đeo đẳng, trói buộc nhơn quả lưỡng nguyên, khiến mình từng thấy phải sống chết, chết sống liên tục không biết bao nhiêu lần trong tiềm thức vọng nghiệp, thấy vọng cảnh khổ vui, cao thấp, sang hèn ..vv….bằng mảnh thức tâm phân biệt theo khái niệm vọng lập, bất chợt tan biến. Ngay sát na các pháp vỡ vụn, tuông xả, tan biến như ánh chớp, cái biết vô minh tăm tối lầm lạc từ vô thỉ trong các kiếphữu tình nhường chỗ lại cho tánh quang minh tuyệt đối, cũng là tánh biết nguyên uỷ hiển hiện, trùm khắp, xuyên suốt, thì liền tự biết như thật (tánh biết tuyệt đối biết như thật) chỉ vì một niệm mông mờ từ vô thỉ bất giác sanh khởi, đã khiến cái tâm Phật chúng sanhuyên nguyên, linh diệu, chơn không, thanh tịnh, vắng lặng, không một tướng nào, hốt nhiên duyên sanh vạn pháp huyễn hóa trùng trùng. Pháp pháp trùng trùng lưu xuất mà từng mỗi huyễn pháp đó chưa hề đánh mất tánh căn bản của Phật tâm.
Hay có thể nói, trong hiện tại trước mắt chúng ta đây, thì trọn tánh căn bản của Phật tâmsẵn chứa trong từng mỗi sắc tướng hữu tình chưa từng rời lìa chúng sanh tâm trong phút giây, gang tất nào. Nghĩa là từng mỗi chúng sanh tâm đều sẵn hàm tàng cái tánh nguyên uỷ của Phật tâm, vốn không sanh, không diệt, không sạch, không nhơ, không thừa, không thiếu, không đến, không đi, trong trẻo, vắng lặng, tự tại, thường hằng. Nhưng sở dĩ chúng sanh trong cảnh giới này không tự biết như thế để được tự do tự tại, chỉ vì hữu tình, cũng là những mảnh thức tâm kia (thức biết) mê mờ lầm lạc sâu đậm trong vọng cảnh sanh tử do thức biết vọng lập, nên quên mất bổn tánh thường hằng, phi sanh diệt của mình. Nghĩa là vì tập nhiễm vô minh và lưu lãng trong nhiều đời nhiều kiếp, mà từng chúng sanh tâm quên mất bổn tánh chơn thật của mình. Vọng thức mê lầmchạy theo một hướng bằng cái biết vọng, tự trói buộc với các huyễn pháp trong vọng nghiệp sanh tử do chính cái thức ấy biết vọng lập ban đầu, chấp các pháp kia làm thật có, cũng là liền tự xoay lưng lại với chính mình. Vì tự xoay lưng, tự đánh mất chính mình nên hữu tình mới không tự sáng tỏ được rằng bổn tánh nguyên uỷ, cũng là Phật tâmcùng chúng sanh tâm (đang có trọn đủ tánh căn bản của Phật tâm) thiệt chẳng phải một, chẳng phải hai, cũng không phải khác. Phật tâm và chúng sanh tâm có thể nói lúc nào cũng hoà "một" trong tánh căn bản linh diệu. Tâm tâm ấy đan xen, thông lưu, vô ngạinhau làm một, chưa từng rời lìa nhau phút giây, gang tất nào trong từng mỗi hữu tình. Chỉ vì một niệm bất giác sanh khởi mà Phật tâm tức khắc biến thành chúng sanh tâm; từ cái biết chân thật, "toàn biết" vô nhiễm, phi sanh diệt của tánh biết tuyệt đối, hốt nhiên tuông sanh những tướng biết bằng "thức biết" sanh tử, trói buộc vô minh nhơn quả, quên mất đường về. Tuy nhiên, nhờ cái thức biết này là bóng dáng, là cái dụng, là bản sao thu nhỏcủa tánh biết, gồm chứa trọn đủ mọi tánh căn bản của Phật tâm, thông lưu vô ngại "một" với Phật tâm trong chỗ bất khả thuyết, bất khả tư nghì, nên hễ thức biết này tự không sanh một niệm "biết" nào, hay nói cách chính xác hơn, từ trong một niệm chơn chánh của thức biết chưa từng vọng động, nghĩa là trước một niệm căn bản của "tâm Phật chúng sanh" không sanh niệm, sau niệm căn bản đó không dứt niệm, cũng là niệm niệmmiên mật không từng rời lìa nhứt niệm căn bản, thì ngay đó cũng là Phật tâm nguyên uỷ bất nhiên hiển hiện. Phật tâm hiển hiện, cũng là tánh quang minh tuyệt đối của tánh biết nguyên uỷ bất chợt trở về lại với chính mình, cũng là trực ngộ tánh biết bổn lai, thì ngay đó liền biết như thật, rằng, cái "ta", như chiếc bóng trong gương, là không là gì cả, ngoài mảnh thức biết huyễn hoá do từ diệu tâm tuyệt đối lưu xuất, cũng là cái dụng đến đi của một Phật tâm như như bất động này. Chợt biết như thật "cái ta" mà từ vô thỉ tự lầm chấp làm "thật ta" chỉ là cái bóng dáng huyễn hoặc, như bóng hình phản chiếu của hạt ngọclưu ly trong lăng kính vạn hoa, thì ngay đó cũng là hết lầm, tự sống trọn chân thật "một" pháp giới phi sanh tử. Còn nhìn lại cái sắc tướng này thì cứ để nó tuỳ duyên đến đi, còn mất, vì tự thể nó là thứ do duyên sanh, huyễn sanh, huyễn diệt với "thời và không" trong cảnh giới vọng lập, huyễn hóa, biến dịch. Còn tâm thức này khi ấy tự biết như thật, nó như là những con sóng trong đại dương, dung chứa trọn đủ mọi tánh căn bản của biển nước mênh mông, là một phần bất khả phân ly của biển nước, cùng một tánh ướt của nước, nên cứ để tuỳ thuận nhơn duyên mà vào ra cảnh giới nhơn quả huyễn hoặc để hành Bồ tát đạo, để độ lại những chiếc bóng mê như ta đã từng mê, mà thân tâm ấy chẳng khác như ánh chiếu của tấm gương đi vào không trung, trong tánh cách vô thưởng vô phạt, độ người mà chưa từng có chỗ độ, chưa từng có người được thiệt độ.
Nghĩa là, khi ấy chẳng vọng chấp có "ta" ở đâu đó, dù là ta trong chánh niệm, bỡi còn có chỗ thấy có ta thì ngay đó, sẽ như tên bắn trói buộc nhơn quả. Lại nói, cái "ta" có từ vô thỉ nhẫn đến ngày nay, nhưng thật ra, tự trong đây, trong tánh quang minh tuyệt đối, từ vô thỉ chí vô chung cũng chỉ là trọn vẹn trong một ánh chớp, cũng là "đồng một" pháp giớihư vô, phi thời gian, phi không gian, một niệm bất giác làm "một" chơn không, thuần khiết, hư vô, tịch lặng. Một niệm tinh anh, thanh tịnh đó cũng chính là trọn ba thời (qúa, hiện, vị lai) bất khả đắc, là cái tâm Phật chơn không, tịch lặng, tròn đầy bất khả thuyết bất khả tư nghì.
Bóng dáng chúng sanh, tức những mảnh thức tâm huyễn hoặc được phóng xuất, giống như những bóng hình của viên ma-ni bảo châu trong lăng kính vạn hoa, không phải thật có cũng chẳng phải thật không, mà, tự trong cảnh giới như không như có đó, đã mê mờ lầm lạc vì chấp tướng, chấp ngã chấp pháp làm thật có. Cũng tạm ví như những mảnh trăng chiếu soi trên biển nước, tự lầm chấp chúng làm thật có. Do lầm chấp ngã, pháp làm thật có nên chúng mới tự thấy có cảnh giới sanh diệt, thấy có đến đi, to nhỏ, tối sáng, lên xuống, mất còn. Bằng nếu những bóng dáng tròn sáng như-thật như-hư trong biển nước kia ngộ ra mình chỉ là cái bóng của trăng thật, có trọn đủ các tánh căn bảnnhư trăng thật, là ánh sáng trùm khắp hư không, chiếu soi, tịch lặng, không đến đi, không nhỏ to, không mất còn, thì tức khắc tự chúng không còn thấy có tướng xuống lên mất còn theo những con sóng nữa, mà tự thâu nhiếp làm một vào cái mênh mang rộng lớn của cả bầu trời sáng trăng vô cùng, vô tận, không đến, không đi, như như, tịch lặng (pháp giới). Ngay đó chúng liền biết như thật, cái "tướng" mà chúng đang đeo mang (bóng trăng trên biển nước) chỉ là dụng, là bóng huyễn của mặt trăng, trọn chứa đầy đủbản tánh của trăng thật, trong trẻo, tròn đầy, tịch lặng, thường chiếu, tự tại, nên liền ngay đó mặc tình tiêu dao trên sóng nước mà không ngại lên xuống, mất còn.
Vạn pháp trước mắt chúng ta, hữu tình vô tình, cũng như thế, không khác. Sự thật là vậy, nên đức Phật mới dạy rằng, sắc đây tức không, không kia tức sắc, sắc đó chẳng khác không, không đây chẳng khác sắc, vì nhứt thiết các pháp hữu vi (mọi sắc tướngsanh diệt) đều là huyễn pháp do một tâm này duyên sanh, không thật có, nhưng lại dung chứa trọn đủ mọi tánh căn bản của tâm Phật, chơn không, linh diệu, tự tại, hay khéo sanh muôn pháp. Rõ biết như thế thì có gì chẳng phải không từ pháp Phật xuất sanh, có gì chẳng phải là Phật pháp ?
Sở dĩ nói chúng sanh tâm cũng linh diệu, khéo sanh muôn pháp như Phật tâm, bỡi nếu từng mỗi chúng sanh tâm thông lưu vô ngại trong cái sắc tướng ngũ uẩn này mà không sẵn chứa các tánh căn bản của Phật tâm, thì thân tướng này ắc chẳng khác gì gỗ đá, chẳng thể lăng xăng vọng tưởng, chẳng thể sanh khởi các pháp vui buồn, mừng giận, thương ghét . . .vv, và nhất là chẳng thể tu hành để chuyển từ chúng sanh tâm sang Phật tâm. Tuy nhiên, giữa Phật tâm và chúng sanh tâm không có lằn ranh phân biệt. Nghĩa là, tự thuỷ uyên nguyên, Phật và chúng sanh đồng một tâm này. Chỉ vì một niệm bất giácsanh khởi mà có vô vàn chúng sanh tâm duyên khởi lưu xuất. Chúng sanh tâm lăng xăng, vọng niệm, vọng lập cảnh giới chúng sanh, vọng lập khái niệm để so sánh, phân biệt vì cái tâm chấp, chấp ngã chấp pháp làm thật có, nên mới tự thấy có sống chết đến đi, vui buồn, sướng khổ trói buộc nhị nguyên, nghiệp báo nhơn quả. Thế nhưng nếu một lúc nào đó, bằng một cách nào đó, chúng sanh tâm bất chợt ngừng bặt vọng niệm, không một niệm sanh khởi, hay nói đúng hơn, chúng sanh ấy chỉ sống trọn trong một niệm của tánh biết căn bản, mà trước niệm không sanh niệm, sau niệm không dứt niệm, cũng là trọn trong chánh niệm tròn đầy, thì liền ngay đó, tự biết thế nào là cái tâm Phật chúng sanh nguyên uỷ. Đó là chỗ linh diệu của Phật tâm, cũng là cái tâm nguyên uỷ của hữu tình. Thế nên đức Phật đã dạy một cách rõ ràng, rằng, ngay cả tham sân si cũng là tánh Phật vậy.
Có thể có bạn hỏi lại, tham, sân, si là ba món độc đã khiến chúng sanh phải vì nó mà luân hồi, trầm tịch trong ba đường khổ, sao lại nói là tánh Phật. Thiệt ra, chẳng pháp nào không phải là Phật pháp, nghĩa là chẳng pháp nào không phải từ một tâm Phật chúng sanh duyên sanh. Tham sân si cũng là pháp duyên thành từ mảnh thức tâm vọng động, vọng chấp. Mảnh thức tâm trong từng mỗi chúng sanh bất chợt dừng động, thì liền có chỗ thấy biết như thật tham, sân, si không có tự tánh, là huyễn pháp, vọng pháp, cũng từ một pháp duy nhất (độc hữu) diệu mầu tuông sanh. Há có gì trên cõi này chẳng phải từ trong pháp Phật lưu xuất ? Tất thảy pháp pháp đều do duyên sanh, đều từ một tâm này mà ra vậy.
Theo chỗ nghĩ suy nông cạn của người viết, thì những bạn đạo nào tự thấy mình là người căn cơ, trí tuệ, nhiều phước đức, có túc duyên với Đại thừa pháp, có thể mượn câu "tham, sân, si cũng là tánh Phật " dùng làm công án, thoại đầu để tham hỏi hầu tự khai mở bổn tâm, chí ít là biết mượn nó để tư duy, quán tưởng, chiêm nghiệm, ắc có lúcthâm nhập lẽ thật của vạn pháp.
Có một gợi ý. Tham sân si cũng là pháp, là vọng pháp, huyễn pháp do tâm duyên sanh. Tất thảy pháp đều do tâm duyên sanh, nên pháp pháp không có thật tánh, tướng thật của các pháp là không một tướng nào. Thế thì tham sân si là gì, từ đâu hiện tướng tham sân si? Hãy tự tư duy để lấy đó làm của báu cho riêng mình.
Cũng bỡi lẽ ấy mà khi đề cập tới các pháp, đức Phật đã dạy "gọi là tất thảy pháp đó, nhưng chẳng phải tất thảy pháp, chỉ tạm gọi là tất thảy pháp".
Những người căn cơ trí tuệ có thể chỉ cần tham hỏi những câu như thế này một cách miên mật, chơn chất trong một thời gian, Phật tâm ắc cũng có lúc bùng vỡ. Đến lúc ấyliền biết như thật tất thảy pháp đều là hoa đóm trong không, pháp Phật là phương tiệnquyền biến, thiện xảo của bậc đại Thánh trí hy hữu ngàn đời mà chúng sanh tạm mượn để tự giác ngộ Phật tâm phi sanh diệt. Chỉ có tánh biết là chơn thật, tự tại, nhưng bất khả thuyết bất khả tư nghì, là tuyệt đối, "VÔ".
Các huyễn pháp lưu xuất, tuông sanh, do tâm duyên khởi, chẳng khác như ta vô cớ tự nhấn mắt khiến thấy có muôn vàn hoa đóm xảy sanh trong không. Hoa đóm đương nhiên là không thật có, là thứ huyễn hoá, chỉ vì mắt duyên theo cái nhấn mà thành có, có mà không phải thật có. Con mắt của phàm phu (huyễn tướng, vọng thấy, vọng biết) nhận vạn pháp trong cảnh giới nhơn quả (vọng cảnh) làm thật có, là lẽ thường tình, bỡi vì trong cảnh giới huyễn hoá sanh tử kia, chúng sanh không tự biết mình là thứ huyễn hoá, chẳng phải thật có, vì chúng sanh ấy chẳng rõ được cái nghĩa "thật hữu" phải được hiểu là tột nghĩa, tức tự tại, bất sanh, bất diệt, là tuyệt đối. Còn dưới con mắt của tánh sáng Bát-nhã, với cái thấy biết sáng suốt, toàn biết, như như, vô phân biệt, vượt thoát lưỡng nguyên nhơn quả, lìa khái niệm, thì những chúng sanh kia, vạn pháp kia đương nhiên chỉ như hoa đóm trong không, không thật có. Thế nên, tuỳhai chỗ thấy biết, một cái thấy biết câu hữu vô minh, trói buộc nhơn quả vì vọng chấp ngã pháp làm thật có, và một cái thấy biết của con mắt Thánh trí, biết như thật vạn pháp huyễn hoá, như hoa đóm trong không, nên mới nói chúng sanh chẳng phải thật có, cũng chẳng phải thật không, hoặc như có, như không là nghĩa lý đó.
Thấu suốt cách minh bạch lẽ thật của vạn pháp, cũng là thấy biết vạn pháp đúng như "thật tướng không tướng nó-là", là tự bừng sáng tánh biết bổn lai, là tự sáng tỏ nguồntâm nguyên uỷ. Sáng tỏ nguồn tâm, tức ngộ ra bản tánh chân thật của vạn pháp, biết như thật vạn pháp không có tự tánh, tướng thật của vạn pháp là không một tướng nào, trong đó có cả cái pháp "ngã" mà từ lâu chúng ta đã ấp yêu, chấp lầm làm thật có. Sáng tỏnguồn tâm, một trạng thái chuyển biến bất chợt của tâm thể, được ví như, một sát natrước, màn đen bao trùm giữa đêm trừ tịch, có mắt cũng như mù. Một sát na sau, mặt trời không rõ gốc gát từ đâu, bất nhiên bừng sáng, soi tỏ vạn vật trước mắt. Thấu tỏ nguồn tâm, tức ngay sát na đó cũng liền biết như thật, nhất thiết pháp vô ngã, vạn pháplà thứ huyễn hoá, như có như không, không tự tại. Vạn pháp trước mắt, kể cả cái thân tướng như huyễn này đều do tâm duyên sanh, tức tự minh bạch hóa cái tánh căn bảncủa "ngã và pháp" để từ đó nhận ra chân lý duyên khởi của nguồn tâm, là chỗ căn nguyên xuất lưu của vạn pháp. Biết như thật vạn pháp do một tâm duyên sanh, tướng thật vạn pháp là không một tướng nào, cũng là nhất thiết pháp vô ngã, thì ngay đó tự sáng suốt, không lầm nhơn quả, liền tự vượt thoát vô minh.
Cảnh giới vô minh sanh tử, mà một sát na về trước chúng ta đang tự mê mờ, ngụp lặn trong nó, nhưng không tự biết mình đang câu trước vô minh, chẳng khác như cá sống trong biển nước mà không biết rành nước là gì. Vô minh đó, cũng chính là một tên gọi khác của cái "biết", mà một hữu tình trước khi sinh ra, cái mầm "biết" ấy vốn dĩ đã sẵn chứa trong cái sắc tướng ấy tự bao đời bao kiếp rồi. Cái biết của chúng sanh kia là cái biết thường tình mà ai cũng có, tức cái biết vọng, biết lầm kết buộc nghiệp báo nhơn quả. Cái biết ấy, cũng là nghiệp thức, theo dòng ngày tháng trong nhơn quả nảy nở hơn lên do tập nhiễm theo thế giới của từng chủng loài. Cái biết ấy là vọng thức phàm tình phân biệtcâu hữu vô minh tăm tối. Cái biết phân biệt ấy càng nhiều, càng cao, càng sâu thì cũng có nghĩa mảnh thức tâm sanh diệt ấy tự kết dệt vô minh ngày càng dày hơn, cái nghĩa "biết" trói buộc càng sâu thẳm, đen tối hơn với nghiệp thức mê lầm. Cái biết trói buộc ngã pháp đó cũng là sở tri chướng, là vật cản ngại trên con đường thâm nhập Phật tâm, mà điều kiện tiên quyết của người học Phật là cần giải thoát tất thảy mọi tri kiến, kể cả tri kiến giải thoát mà mình đang học. Phải hiểu, tri kiến giải thoát đó cũng chỉ là phương tiệntạm mượn để tự độ.
Nói một cách chính xác hơn, nếu không có dòng thức biết lưu lãng trói buộc vô minh kia "biết" đủ mọi thứ trên đời (dĩ nhiên đều là vọng biết, lầm biết) thì ắc hẵn đã không có cái thế giới vọng thức, vọng nghiệp này tồn tại vậy.
Cho nên, có một số pháp môn của nhà Phật có công năng làm cùn mòn, làm lu mờ đi cái "biết" của dòng vọng thức trói buộc nhơn quả, cũng tức là làm mỏng đi cái màng che lấpcủa vô minh, để đến một lúc nào đó gặp duyên lành, hành giả dễ dàng trực ngộ bổn tánh . Tham công án, khán thoại đầu, trì chú, niệm Phật…cũng là một trong những pháp môncó được cái công năng tối thắng ấy.
Lại cũng không nên quên rằng, vì đây là vô vi pháp, nên dù ở đâu và thời nào cũng vậy, tuỳ căn cơ, trí tuệ, phước đức cũng như công hạnh hành trì pháp này của từng mỗi người, thâm sâu hay hời hợt, miên mật hay giải đãi mà sự thông tỏ ý nghĩa cùng tột của nó, tức sáng tỏ Phật tánh, cũng có chỗ mau chậm khác nhau, có thật chứng thấp cao sai biệt. Nghĩa là, từ một lời dẫn dắt ban đầu của đức Phật, mà nội dung không kém phần bí áo, lạ lùng như những câu nói trên, nhưng tuỳ cách thức thâm nhập nó như thế nào mà hành giả có thể sáng tỏ lẽ thật của vạn pháp, cũng là vào cữa đạo bằng con đường trực tiếp hay gián tiếp, tức nhơn duyên để cứu cánh sang bờ kia bằng cái tâm đốn ngộ hay tiệm ngộ mà tự nó (những lời dẫn dắt trên cũng như những lời tương tự khác của đức Phật) trở thành Đại thừa pháp hay là thành Tối thượng thừa pháp. Và một khi sáng tỏđược lẽ thật của vạn pháp, cũng là thân chứng giải thoát tâm từ chân lý giải thoát của đức Phật, thì cũng ngay khoảnh khắc đó, tự thân bất giác thăng hoa, cũng là ngoảnh đầu trực nhập đạo pháp, là một bước đã ở bờ kia.
Người viết xin mở ngoặc ở đây một chút về việc dùng từ ngữ trong bài này, để rất mong tránh sự ngộ nhận có thể xảy ra, nếu có ai đó hay câu chấp vào ngôn từ. Nghĩa là, tự thuở khai thiên lập địa cho tới khi loài người xuất hiện, cũng như tự thuở chưa có chữ viết rồi có chữ viết để biểu thị ngôn ngữ và cho tới bây giờ, thì không có lời lẽ nào, chữ nghĩa nào có thể mô tả hay hình dung "đúng như thật" như lý tánh của tâm và sự vận hành bất khả thuyết, bất khả tư nghì của nó. Bỡi tự thể của nó là tánh chơn không, là tuyệt đối, nên không ai có thể biết được nó. Và cái "Tâm" mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là chơn tâm, là chỗ thật tánh thật tướng của vạn pháp, chứ không phải là cái vọng tâm lăng xăng, sanh diệt trong từng mỗi hữu tình. Chư Thánh ngày xưa lập ngôn cũng là một sự bất đắc dĩ vì không còn một phương tiện nào khác tối ưu và có thể phổ biến rộng rãi hơn, dễ dàng hơn hầu có thể dẫn dắt, chỉ đường cho chúng sanh tự giải thoát vọng nghiệp sanh tử, thì chúng ta ngày nay cũng nên hiểu, chỗ lập ngôn đó vẫn là phương tiệntạm mượn để hình dung về "nó", tức chân lý phi sanh diệt mà chư Thánh muốn trỏ về, mặc dù đối với bản thể chơn thật của nó thì sự chỉ trỏ kia không chỗ dính dấp, chẳng khác gãi ngứa ngoài giày. Chỉ khi nào tâm của người học đạo và ý chỉ muốn trỏ về của lời dẫn đạo trên kia tương ưng khế hợp làm một trong chỗ không thể nghĩ bàn của bản thể chơn thật của tâm, tức nguồn diệu tâm nguyên uỷ vô sai biệt của tất thảy tâm (quá, hiện, vị lai tâm) đang hiển hiện, tức chỗ thật tướng "một", chơn không, như nhứt, là tánh của tất thảy pháp, thì ngay đó mỗi mỗi tự biết như thật thế nào là lẽ thật của vạn pháp, cũng là khám phá tánh biết tuyệt đối mà không thể mở miệng. Hay nói một cách rõ hơn là ở đây, lúc này, ngôn ngữ, tri thức, tình tưởng, giác quan chẳng thể với tới cái chỗ "tuyệt một" mà chính ta lại tự đồng một trong nó, trong khi ta lại đang nói xa, nói gần về nó. Thế nên, diễn giảng hay nghị luận về nó, nên hiểu giùm, như chúng ta đang nói đang nghe đây, chỉ là phương tiện, chẳng khác mượn tay chỉ trăng hoặc nếu nói không ngoa, thì chẳng khác những người ngủ mê đang nói mớ cho những người trong mộng nghe biết sự việc xảy ra trong lúc thức mà thôi. Có nghĩa là cái sự nói kia hoàn toàn chẳng dính dấp một chút nào tới cái lý tánh "không" chơn thật của vạn pháp một cách "đúng-như-thật-tánh-nó-là". Đó là sự thật. Cho nên, trong bài này, tuy có những lời như "ngay đó chính mình" hoặc nói "tự thân" bất giác thăng hoa, thì cũng chỉ là một cách nói, một cách tạm miễn cưỡng mượn từ ngữ để mô tả diễn biến tâm linh từ bờ này sang bờ kia một cách hốt nhiên, chóng vánh, không thể nghĩ bàn mà thôi chứ chẳng phải một sự thần thông hay phép lạ gì cả. Thần thông hay phép lạ ấy có chăng cũng chỉ là việc, nhờ pháp Phật nhiệm mầu dẫn dắt, cũng như hành trì chơn chánh các pháp phương tiện mà Tổ, Phật đã chỉ bày, khiến có sự chuyển biến tâm linh từ chỗ trói buộc sanh tử vô minh là bờ này, bất giác ngộ nhập pháp thể thường hằng, phi sanh diệt là bờ kia.
Chỉ một chút đó, cái khoảnh khắc vi diệu không thể nghĩ bàn đó, còn nhanh hơn cái nháy mắt, mà biết bao đời chúng sanh còn chưa nhận ra, khiến phải trôi lăn trong vọng nghiệp sanh tử, làm đủ mọi thân tướng chúng sanh, thay hình đổi dạng theo từng loài, từng đời, từng nghiệp báo nhơn quả.
Vì thế ở đây chúng tôi muốn nói cho rõ, rằng, ngay cái chỗ tạm gọi là "khoảnh khắc" đó, cũng không hề thấy trong đây xuất hiện một ý niệm nhỏ nhất nào để chỉ thời gian. Bằng có ý niệm về thời gian hay không gian, dù chỉ là một khoảnh khắc hay một giới hạn nhỏ nhất mà tâm ý có thể bắt gặp, thì đối với "nó", tâm ý kia là vật ngoài, là những mảnh tình thức (hữu tình) còn trói buộc trong cảnh giới sanh tử của vọng thức, vọng nghiệp. Nghĩa là, nếu còn có ý niệm, dù là một niệm tưởng nhỏ nhất, vi tế nhất, là còn có ngã tướng và các tướng khác trói buộc, là đang ở bờ này, còn đối với bờ kia thì vẫn ngàn trùng cách xa biền biệt.
Hoặc nói "ngay đó chính mình" thì trong đây cũng chẳng thấy có gì là mình nữa, mà chỉ tạm gọi là mình trong phép dẫn dắt cho dễ hiểu mà thôi. Bỡi cái gọi là mình thì ngay đó đã tự tan biến không còn vết tích, vì bản chất của nó là huyễn hoá, hay nói rõ hơn, mình kia chỉ là cái bóng, được tánh biết "biết" một cách như thật, rõ ràng, xuyên suốt, như biết mọi sự vật khác, rằng tất thảy các pháp tướng (ngũ uẩn, lục trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ….các thức vv…của thân tâm này, cảnh giới này) đều như hoa đóm trong không, là những bóng dáng tự trong chỗ bất khả thuyết bất khả tư nghị duyên thành, cũng là từ lý tánh linh diệu của nguồn tâm duyên khởi, lưu xuất, không phải thật có.
Nghĩa là kẻ ấy hốt nhiên sang bờ kia một cách bất chợt không có ý, là trạng thái vô ý, vô tâm giải thoát, là vượt quá mọi kiến chấp ngã pháp, cũng như khái niệm về không gian và thời gian của một sát na trước đó, là trực ngộ pháp giới "chơn không, vô tướng, vô tác", cũng là bừng sáng tánh biết bổn lai, là không còn mê lầm nhơn quả.
Lại nữa, nói bờ này, bờ kia cũng chỉ là một cách nói để dẫn dắt mà thôi, chứ giữa hai bờ mê ngộ của tự tâm hoàn toàn không có ranh giới, không có khoảng cách trói buộc với "thời và không" như trong hiện tượng giới mà chúng ta đang đối mặt. Nghĩa là vì cái tội vô minh mê lầm theo vọng nghiệp, nên cái vọng tâm chấp ngã, chấp pháp (chúng sanhtâm) cứ chực chờ hễ chợt thấy, nghe, hay, biết đối đãi (thức trần huyễn hoặc) là liền đó vọng niệm trói buộc với tất thảy tướng, tức vọng khởi cái tâm cân, đong, đo, đếm, hay tự khởi vọng tưởng phân biệt theo khái niệm nhị nguyên, đối đãi. Điều ấy có nghĩa là, tự trong thức biết huyễn hoặc chẳng lúc nào rời lìa vô minh của từng chúng-sanh-tâm, thì từng mảnh thức tâm kia tuy vốn dĩ đã sẵn chứa đầy đủ tánh biết căn bản, uyên nguyên,sáng suốt của Phật tâm, hay nói chính xác hơn, bản thể chơn thật của những mảnh tình thức kia chính là bản thể của Phật tâm, không hai không khác, nhưng do mê mờ trói buộc nghiệp thức nhơn quả, cũng là tự xoay lưng lại với Phật tâm, xoay lưng với tánh biết bổn lai, nên ít ai tự nhận ra được "nó" cũng là "chính mình".
Hay nói rõ hơn, ít ai nhận ra cái thân tâm duyên hợp ngũ uẩn này chính thiệt là cái bóng theo hình, tức cái dụng của bản thể chơn thật mà mình "đang-là". Suy rộng ra đến vạn pháp, thì không một pháp nào chẳng phải từ một niệm bất giác của tâm Phật chúng sanhphóng xuất. Cho nên, khi biết mượn pháp Phật để học, rồi như pháp Phật mà hành trì, đến một lúc nào đó chợt ngộ bổn tâm, thì cũng là ngay đó bóng tối vô minh từ lâu đời che lấp tánh biết hốt nhiên tan biến, không quá sát na tánh biết chơn thật bừng sáng, tỏ rõ, liền biết thế nào là lẽ thật của vạn pháp, không lầm nhơn quả, hoàn toàn khác với cái biết của một sát na trước đó tự trói buộc nhơn quả, cũng là tự tuông chảy, nổi trôi theo vọng nghiệp sanh tử vô minh.
Nói "liền biết thế nào là lẽ thật của vạn pháp" là ai biết? Là tánh biết vốn sẵn chứa trong từng mỗi mảnh thức tâm bừng sáng, xua tan toàn bộ bóng tối vô minh, liền biết như thật. Tánh biết bất nhiên hiển hiện trong cái con người này, trong cái thân tâm vừa giác ngộnày, liền biết như thật, rằng từ lâu xa trong vô lượng kiếp ảo hóa của nghiệp thức, mảnh thức tâm kia chưa từng một phút giây nào rời lìa tánh biết chơn thật, cũng là bản thểchưa từng sanh diệt của chính nó, cũng là Phật tâm nguyên uỷ. Do mê theo vọng nghiệp trói buộc nhơn quả mà mảnh thức biết kia quên mất thể tánh chơn thật phi sanh diệt của mình. Chợt ngộ, tức ngộ một tâm này đồng như Phật tâm, cũng là ngộ cái biết này cùng tánh biết đồng một bản thể, không thêm không bớt, không nhơ không sạch, không thánh không phàm, …., ngộ tất thảy pháp trùng trùng tuông sanh khi diệu tâm này chợt động, cũng là tâm duyên động thì pháp pháp duyên thành, cũng là do lẽ duyên khởi mà có các pháp lưu xuất.
Hoặc như trong đây có dùng những từ ngữ như "vượt quá khái niệm không gian và thời gian", thì đó cũng chỉ là một cách nói, mà không nên chấp chặt vào chữ nghĩa khiến tự trói buộc vào thời không, nhơn quả. Nghĩa là, cũng trong một con người này, bên cạnh cái thấy biết phàm tình trước mỏ ác, nhờ pháp Phật dẫn dắt, hốt nhiên xuất hiện cái thấy biết phi phàm của trí huệ giải thoát, cùng với cái biết trước (thức biết phàm tình) thông lưu vô ngại nhau cùng trong một thân tâm này, mà ở đó, không gian và thời gian không còn có ý nghĩa ràng buộc nào đối với cái biết mới bừng sáng, cũng là bản thể chân thậtcủa mình, tuyệt đối, không đến đi, phi sanh diệt. Chợt sáng tánh biết thì cũng là ngay đó biết như thật, thực tại phi thời phi không, tất thảy hàm linh hữu tình, vô tình, sơn hà đại địa cho đến vi trần đều là các huyễn pháp do vọng tâm duyên sanh, không phải thật có, như hoa đóm trong không, như trăng trong nước, nên dẫu sơn hà đại địa có bể nát, nổ tung cũng chẳng dính dấp gì tới bản thể chơn thật mà kẻ kia ngay ấy "đang-là". Thí như bụi trong ánh sáng, biến hiện, lên xuống, mất còn nhưng bụi kia không làm tánh sáng của ánh sáng tăng giảm, còn mất. Vì lẽ đó nên nói là vượt lìa không gian và thời gian.
Để kết thúc bài viết dông dài, nhạt nhẽo, lộn xộn, không đầu không đuôi, làm mất thì giờquí báu của các bạn đạo, bằng với tất cả sự chân thật của mình, chúng tôi mong rằng những bạn nào đã hiểu rành lý nhơn quả rồi, đã xác định được đâu là chân lý giải thoátrồi, lại cũng đã tự biết căn cơ duyên phúc của chính mình rồi, thì không nên bỏ phí thời gian nữa, mà lo thực hành ngay một trong những pháp phù hợp với mình, để có cơ hội bừng sáng tánh biết, không lầm nhơn quả. Chợt hết lầm nhơn quả thì thân xác này dẫu có ra sao thì ra, bỡi ngay đó tự biết như thật "thật ta" không chỗ đến đi, mà dẫu có đến đi thì cũng chỉ là thực hành hạnh nguyện từ bi để trả ơn ba đời chư Phật, cũng như để tự trang nghiêm Phật độ của mình ở vị lai mà thôi.
Nhuận Bảo