TÂM NÀY LÀ PHẬT

Đại sư Hoàng Bá (Ảnh: Wikipedia)
Chư Phật cùng chúng sanh đều chỉ là một tâm. Chẳng có pháp chi khác nữa. Tâm này từ vô thỉ, không từng sinh, không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, chẳng có chẳng không, chẳng mới chẳng cũ, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn chẳng nhỏ, vượt hết thảy mọi đối đãi tung tích về hạn lượng, hình danh, ngôn ngữ. Ngay đó là đúng, động niệm là sai. Cũng như hư không, không có bờ mép, không thể đo lường.
Chỉ có một tâm duy nhất, đó chính là Phật vậy. Phật cùng chúng sanh vốn không khác biệt. Nhưng vì chúng sanh chấp trước sắc tướng, vọng cầu ngoại cảnh, cho nên càng cầu thì càng mất. Lấy Phật tìm Phật, lấy tâm bắt tâm, cùng kiếp sống, tận hỉnh hài, rốt vẫn không được, không biết rằng chỉ cần dứt vọng niệm, bặt tư lự thì Phật tự hiển hiện.

Tâm này là Phật, Phật là chúng sinh. Ở chúng sinh, tâm này không giảm; ở chư Phật, tâm này không tăng. Cho đến lục độ vạn hạnh1 , hà sa công đức, tâm này vốn cũng đã tự đầy đủ, không cần tu mới có, gặp duyên là tác dụng, hết duyên là ngưng bặt. Nếu không quyết định tin chắc đấy là Phật, lại chấp trước vào sắc tướng để tu hành, để cầu công dụng, thì đều là vọng tưởng, là trái với Đạo vậy.
Tâm này chính là Phật, không có Phật nào khác nữa. Tâm này sáng suốt thanh tịnh, cũng như hư không, không có chút sắc tướng hình mạo nào cả. Cử tâm động niệm liền sai nghịch với pháp thể tức là chấp trước sắc tướng; mà từ vô thỉ đến nay, không có Phật nào chấp trước sắc tướng. Nếu tu lục độ vạn hạnh để cầu thành Phật tức là theo thứ tự cấp bậc; mà từ vô thỉ đến nay, không có Phật nào theo thứ tự cấp bậc.
Chỉ cần ngộ một tâm này, ngoài ra không chứng đắc thêm một chút pháp chi nữa hết. Đó chính là chân Phật.
Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ: khi mặt trời lên, chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn, u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rãng không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng vậy. Nếu quán Phật mà thấy ra cái tướng thanh tịnh, quang minh, giải thoát và nếu quán chúng sinh mà thấy ra cái tướng ô nhiễm, cấu trọc, ám muội, sinh tử thì với kiến giải như thế, trải qua hằng hà sa số kiếp vẫn không đạt được chứng quả Bồ-đề. Đấy là vì chấp trước sắc tướng vậy.
Chỉ có tâm này mà thôi, ngoài ra không có chút mảy may pháp gì có thể đạt được. Tức tâm là Phật.
Nay người học Đạo nếu không ngộ được cái bản thể của tâm này mà sinh ra một cái tâm khác trên cái tâm này, tìm Phật bên ngoài, chấp trước sắc tướng mà tu hành thì đều là tà pháp, không phải đạo Bồ-đề.
Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một vị đạo nhân vô tâm. Vì sao? Vô tâm thì không có bất cứ một tâm gì. Cái thể như như, trong thì như gỗ đá, không động không lay, ngoài thì như hư không, không chướng không ngại, không năng không sở, không nơi không hướng, không tướng mạo, không được mất.
Kẻ tu hành không dám vào pháp môn này vì sợ rơi vào chỗ trống rỗng. Những trường hợp như thế thường là muốn rộng cầu tri kiến. Cho nên những người cầu tri kiến thì như lông mà người ngộ Đạo thì như sừng.
Văn-thù chuyên về lý. Phổ Hiền chuyên về hạnh. Lý là cái lý chân không vô ngại. Hạnh là cái hạnh ly tướng vô tâm. Quán Âm chuyên về đại từ. Thế Chí chuyên về đại trí. Duy-ma là Tịnh Danh. Tịnh là tính, danh là tướng. Tính tướng không khác nhau nên gọi là Tịnh Danh. Những gì các đại Bồ-tát biểu thị, con người đều có sẵn cả.
Không rời một tâm này, ngộ nhập vào đó là xong. Nay người học Đạo không hướng vào tâm mình mà ngộ nhập, lại cầu tìm bên ngoài, chấp trước vào sắc tướng, nắm bắt lấy ngoại cảnh nên đều trái nghịch với Đạo.
Như cát sông Hằng, Phật gọi đó là cát. Chư Phật, Bồ- tát, các trời Đế Thích, Phạm Thiên… dẫm lên đó mà đi, cát cũng không lấy đó làm vui. Trâu dê, kiến bọ đạp lên đó mà đi, cát cũng không giận. Châu báu hương thơm, cát cũng không ham; cứt đái hôi hám, cát cũng không ghét.
Tâm đó là tâm vô tâm. Xa rời mọi tướng, chúng sinh và chư Phật đều không khác. Chỉ cần được vô tâm thời đấy là cứu cánh. Người học Đạo nếu không ngay đó mà được cái tâm vô tâm thì tu hành kiếp kiếp, rốt cũng không thành Đạo, bị công hạnh tu tập của tam thừa2 trói buộc không thể giải thoát được.
Chứng được tâm này thì có mau có chậm. Có kẻ mới nghe pháp liền được vô tâm. Có kẻ đến thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng mới được vô tâm. Lại có kẻ đến hàng thập địa3 mới được vô tâm. Dù mau dù chậm, hễ cứ được vô tâm là an trụ ở đó chứ chẳng còn gì để tu, để chứng nữa. Thật không có gì sở đắc. Sự thực đúng như vậy, quả không hư dối.
Dù một niệm mà được cái vô tâm, hoặc mãi cho đến hàng thập địa mới được vô tâm thì cái công dụng ấy đều như nhau, không có sâu cạn gì cả. Thiệt là trải bao kiếp công phutu hành lao nhọc một cách oan uổng! Tạo ác nghiệp, tạo thiện nghiệp đều là chấp tướng. Chấp tướng mà tạo ác nghiệp thì thọ quả báo luân hồi một cách oan uổng. Chấp tướngmà tạo thiện nghiệp thì thọ sự lao khổ một cách oan uổng. Chung quy chẳng bằng nghe xong liền tự thể nhận lấy cái pháp bổn nhiên.
Pháp này là tâm. Ngoài tâm không có pháp. Ngoài pháp không có tâm. Tâm tự nó vô tâmmà cũng không vô tâm. Đem tâm này mà làm cho ra vô tâm thì tâm này lại thành ra hữu tâm.
Cứ âm thầm thể nhập mà thôi vậy! Muốn thế phải dứt bặt mọi nghĩ bàn, gọi là “Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành”4 . Tâm này là Phật thanh tịnh bổn nguyên, người người đều có. Hết thảy mọi sinh linh ngu tối đều cùng với chư Phật, Bồ-tát một thể không khác, nhưng chỉ vì vọng tưởng phân biệt mà tạo nên mọi thứ nghiệp quả. Nơi Phật bổn nguyên, vốn không có vật gì, rỗng rãng tịch tịnh, sáng suốt an lạc mà thôi.
Âm thầm thể nhập vào đó, ngay đó trọn vẹn, đầy đủ, không thiếu.
Dẫu cho tinh tiến tu hành suốt ba đại a-tăng-kỳ kiếp, trải qua các địa vị, đến lúc trong một niệm mà chứng ngộ được, thì chỉ là chứng ngộ cái Phật bổn lai của mình chứ chẳng có thêm tí gì nữa. Quay đầu nhìn lại những công trình tu tập bao nhiêu đời kiếp, thật chẳng khác gì vọng động chiêm bao.
Cho nên Như Lai dạy: “Ta nơi A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề thật chẳng chứng đắc cái gì cả. Nếu có chỗ sở đắc thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký5 cho Ta”. Lại dạy: “Pháp này bình đẳng không có cao thấp, gọi là Bồ-đề”.
Tâm này cùng với chúng sinh, chư Phật, cùng với sông núi, thế giới, cùng với hữu tướng vô tướng, khắp cả mười phương, hết thảy đều bình đẳng, không có tướng này tướng nọ.
Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường trọn vẹn, sáng suốt cùng khắp. Người đời không liễu ngộ được, chỉ nhận định cái kiến văn giác tri là tâm, bị kiến văn giác tri che lấp, cho nên không nhìn thấy cái bổn thể tinh minh6 . Chỉ cần ngay đây mà vô tâm thì bổn thể tự hiển hiện. Như vầng nhật giữa hư không, chiếu khắp mười phương, tuyệt khôngchướng ngại.
Nhưng nếu người học Đạo cho rằng kiến văn giác tri là tạo tác vọng động mà trừ khửkiến văn giác tri đi thì lại không còn lối nào để thể nhập vào tâm nữa vậy. Cứ việc nương vào kiến văn giác tri mà thể nhận bổn tâm mình, nhưng phải biết rằng bổn tâm khôngthuộc kiến văn giác tri, mà cũng không xa rời kiến văn giác tri. Đừng móng khởi kiến giảinơi kiến văn giác tri, cũng đừng xa rời kiến văn giác tri mà tìm tâm, đừng rời bỏ kiến văn giác tri mà thọ nhận pháp. Không phải chính đấy, không phải nơi khác, không y trụ, không chấp trước, cứ tung hoành tự tại, không có gì là không phải đạo trường.
Người đời nghe nói chư Phật đều truyền tâm pháp, ngỡ rắng ở trên tâm có một pháp nào khác nữa có thể chứng đắc được, bèn lấy tâm mà tìm pháp; chứ không biết rằng tâm chính là pháp, pháp chính là tâm. Không thể lấy tâm mà cầu tâm vì nếu lấy tâm cầu tâm thì suốt ngàn vạn kiếp, rốt cũng không có ngày nào tìm được. Không bằng ngay đó mà vô tâm thì chính là bổn pháp. Như người lực sĩ mê muội quên mất viên ngọc nơi trán của mình, lại tìm kiếm bên ngoài, đi khắp mười phương, rốt cũng không có ngày nào tìm được; đến khi gặp kẻ trí giả trỏ cho biết, lập tức thấy viên ngọc của mình như cũ. Cho nên người học Đạo mê muội mà quên mất bổn tâm mình, không nhận được mình là Phật, bèn tìm kiếm bên ngoài, khởi tu công dụng hạnh7 , y theo thứ đệ cấp bậc mà chứng quả, thì trải bao nhiêu kiếp cần mẫn cầu tìm, vẫn không bao giờ thành Đạo. Không bằng ngay đó mà vô tâm và biết chắc rằng mọi pháp vốn không sở hữu cũng không sở đắc, không y không trụ, không năng không sở, không dấy động vọng niệm mà chứng Bồ-đề. Đến lúc chứng Đạo thì chỉ là chứng Phật của bổn tâm mình. Công phu tu hành trải bao kiếp cũng đều oan uổng. Như lúc người lực sĩ kia được ngọc là chỉ được viên ngọc vốn ở trán mình, không dính chi đến sức cầu tìm bên ngoài. Cho nên Phật dạy, “Ta nơi A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề thật chẳng chứng đắc gì”. Ngài sợ người ta không tin nên mới viện dẫn chỗ thấy của năm mắt8 , chỗ nói của năm lời8 để khúc chiết khai thị, chứ kỳ thực lời kia chính là đệ nhất nghĩa đế, chân thực không hư dối.
Người học Đạo chớ nghi. Bốn đại làm nên thân người. Bốn đại không có ngã. Cái ngã cũng không có chủ. Cho nên thân này không có ngã cũng không có chủ. Năm ấm làm nên tâm người, năm ấm không có ngã cũng không có chủ. Sáu căn, sáu trần, sáu thức hòa hợp với nhau mà sinh diệt cũng đều như vậy. Mười tám giới đã không thì hết thảy đều không. Chỉ có cái tâm khoảng khoát thanh tịnh mà thôi vậy.
Có cái thức thực, có cái trí thực. Đã mang thân tứ đại tất đói phải ăn; tùy thuận theo đó mà không sinh tham trước gọi là trí thực. Phóng tứ buông trôi theo dục tình, chấp trướclấy vị hưởng lạc, khởi sinh vọng niệm phân biệt, chỉ mong cho đã miệng, gọi là thức thực.
Hàng Thanh văn nhân nghe pháp mà ngộ, cho nên gọi là Thanh văn, không liễu ngộđược tự tâm mình. Y nơi lời giảng dạy mà móng khởi kiến giải, hoặc nhân thần thông, hoặc nhân ngôn ngữ, cử chỉ, tướng đẹp của Phật mà nghe có Bồ-đề, Niết-bàn rồi ra công tu tập trong ba a-tăng-kỳ-kiếp để thành Phật Đạo, thế gọi là Đạo Thanh văn và Phật Thanh văn. Chỉ có liền đó trực ngộ cái tâm bổn nhiên là Phật, không có một pháp nào có thể chứng đắc được, không có một hạng nào có thể tu tập được, đó mới là Đạo vô thượng, đó mới là Phật vô thượng.
Người học Đạo hễ có một niệm vọng tâm là xa cách với Đạo, đấy là điều tối kỵ. Hết thảy mọi niệm đều vô tướng, mọi niệm đều vô vi, tức là Phật. Người học Đạo nếu muốn thành Phật thì hết thảy Phật pháp đều không cần phải học, chỉ cần học cái không mong cầu, không chấp trước là đủ. Không mong cầu thì tâm không sinh, không chấp trước thì tâm không diệt. Không sinh không diệt là Phật. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não, đấy chỉ là pháp môn giáo hóa tiếp dẫn. Vốn không có pháp nào, sự lìa bỏ chính là pháp, người biết lìa bỏ chính là Phật. Chỉ cần lìa bỏ mọi phiền nãothì không còn pháp gì để chứng đắc cả.
Người học Đạo nếu muốn biết yếu quyết, chỉ cần đừng chấp trước vật gì ở trong tâm. Nói rằng “Pháp thân chân thật cũng như hư không” là ngụ ý nói rằng Pháp thân chính là hư không, hư không chính là Pháp thân. Người ta thường cho rằng Pháp thân cùng khắp hư không, hư không bao hàm Pháp thân, chứ không biết rằng Pháp thân chính là hư không, hư không chính là Pháp thân vậy. Nếu cứ quyết bảo rằng có hư không, thì hư không không phải là Pháp thân.
Nếu cứ quyết bảo rằng có Pháp thân, thì Pháp thân không phải là hư không. Chỉ cần đừng khởi đến kiến giải chấp trước vào nghĩa hư không, thì hư không tức là Pháp thân. Cũng đừng khởi kiến giải chấp trước vào nghĩa Pháp thân, thì Pháp thân tức là hư không.
Hư không và Pháp thân không có tướng khác nhau. Sinh tử cùng Niết-bàn cũng không có tướng khác nhau. Xa rời hết thảy mọi tướng tức là Phật.
Phàm phu nắm lấy ngoại cảnh, đạo nhân nắm lấy tâm. Tâm, cảnh đều quên, chính là pháp chân thực. Quên cảnh thì còn dễ, quên tâm thực khó. Người ta không dám quên tâm, sợ rơi vào hư không không chỗ nắm níu, chứ không biết rằng không vốn vô không, chỉ một pháp giới chân thật mà thôi vậy. Cái tính linh giác này từ vô thỉ đến nay cùng lâu dài với hư không, chưa từng sinh chưa từng diệt, chưa từng có chưa từng không, chưa từng dơ chưa từng sạch, chưa từng động chưa từng tĩnh, chưa từng trẻ chưa từng già, không nơi chốn, không trong ngoài, không số lượng, không hình mạo, không sắc tướng, không âm thanh, không thể tìm, không thể cầu, không thể dùng trí tuệ mà biết, không thể dùng ngôn ngữ mà nắm, không thể dùng cảnh vật mà hiểu, không thể dùng công dụngmà tới.
Chư Phật, Bồ-tát cùng hết thảy mọi sinh linh mê tối đều cùng một tính Đại Niết-bàn này. Tính đó tức là tâm, tâm đó tức là Phật, Phật đó tức là Pháp. Một niệm xa rời cái chân thậtđó tức là vọng tưởng.
Không thể lấy tâm mà mong cầu tâm, không thể lấy Phật mà mong cầu Phật, không thể lấy Pháp mà mong cầu Pháp. Cho nên, người học Đạo ngay đó thể nhập cái vô tâm, âm thầm thể nhập mà thôi, chứ động niệm tức là sai vậy.
Lấy tâm truyền tâm, đó là chánh kiến. Coi chừng, chớ đuổi theo cảnh bên ngoài, nhận cảnh làm tâm, nhận giặc làm con. Vì có tham, sân, si nên mới lập giới, định, tuệ. Vốn không phiền não, há có Bồ-đề? Nên Tổ sư nói: “Phật nói hết thảy pháp để trừ hết thảy tâm. Ta không có tâm nào, vậy cần gì pháp nào?”. Nơi Phật bổn nhiên thanh tịnh, không có dính mắc một vật gì. Ví như hư không, dù có lấy vô lượng châu báu mà trang hoàng, rốt cũng không thể được. Phật tính cũng như hư không, dù có lấy vô lượng công đứcmà trang nghiêm cũng không thể được. Chỉ vì mê muội bổn tính mà thành ra không thấy vậy.
Đây gọi là pháp môn tâm địa. Vạn pháp đều dựa vào tâm này mà kiến tập. Gặp cảnh tức có, không cảnh tức không. Cho nên đừng hiểu lầm cái bổn tính thanh tịnh đó ra một cảnh tướng. Cái gọi là tác dụng chiếu soi của định tuệ thì rõ mồn một, vắng lặng, trong sáng, còn kiến văn giác tri thì y vào cảnh mà thấy biết. Nếu tạm dùng đó để dẫn dắt hạng có căn cơ trung bình trở xuống thì được, chứ nếu lấy đó mà thể chứng chân lý thì không thể được, vì đó đều là cảnh cả. Cảnh có chìm vào cõi có, cảnh không chìm vào cõi không. Đối với các cảnh, chỉ cần không thấy rằng có hay không có tức là thấy Pháp. 


Chú thích:
1. Lục độ vạn hạnh: Lục độ là sáu phương pháp để vượt khỏi (độ) luân hồi khổ hải đến giải thoát Niết-bàn: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Vạn hạnh chỉ hết thảy mọi phương pháp tu hành. 2. Tam thừa: Ba cỗ xe chuyên chở người đi đường (hành đạo): Thanh văn thừa (tiểu thừa); Duyên giác thừa (trung thừa); Bồ-tát thừa (Đại thừa). 3. Thập địa: Mười quả vị tu chứng. Có nhiều hệ thống khác nhau.Riêng về Đại thừa thì thập địa của Bồ-tát gồm: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa. 4. Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành: Nguyên văn, Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt. 5. Thọ ký: Sự việc chính Đức Phật đích thân chứngnhận, báo trước cho biết cái thời tiết nhân duyên thành tựu Phật quả của hành giả. 6. Tinh minh: Tinh anh, sáng suốt; cái tánh tinh minh chân như mà Phật và chúng sanh đều có đủ, đồng nghĩa với tự tánh thanh tịnh, phật tánh, Pháp thân, Như Lai tạng, Thật tướng, Pháp giới, Pháp tánh, Viên thành thật. 7. Công dụng hạnh: Hạnh nghiệp có ý thức nhằm mục đích công dụng hồi hướng vào cứu cánh. Đại thừa gọi công phu tu hành của Bồ-tát từ Sơ địa đến thất địa là Công dụng hạnh, còn từ Bát địa trở lên gọi là Vô công dụng hạnh. 8. Năm mắt, năm lời: Ngũ nhãn, ngũ ngữ. Ngũ nhãn là năm cấp độ nhận thức của tâm: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn (chỉ sự nhận thức ảo tướng của thực tại), Pháp nhãn (chỉ sự nhận thức lưu xuất từ chánh pháp, không cỏn lầm lạc vào tà ma ngoại đạo), và Phật nhãn (chỉ sự nhận thức chân tướng của thực tại). Ngũ ngữ hay ngũ chủng ngôn thuyết là năm loại ngôn thuyết: Tướng ngôn thuyết, Mộng ngôn thuyết, Chấp trước ngôn thuyết, Vô thủy ngôn thuyết và Như nghĩa ngôn thuyết; bốn loại ngôn thuyết trước là do hư vọng mà nói ra; riêng loại ngôn thuyết thứ năm là thực thuyết, nói thẳng vào chân lý. Ở đây, năm mắt năm lời đại khái chỉ cho những cấp độ nhận thức và những cấp độ đối tượng nhận thức của tâm.

Trích: Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu. 
Tác giả: Đại sư Hoàng Bá Hi Vận (…-850). Pháp danh là Hi Vận, pháp hiệu là Quảng Nghiệp; đệ tử của ngài Bách Trượng Hoài Hảivà là thầy của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền. Trước tu ở chùa Kiến Phúc (sau đổi thành Vạn Phúc); sau lại đến tu ở chùa Đại An núi Thừa Phong, tỉnh Giang Tây và đổi núi này thành núi Hoàng Bá. Có đến hơn ngàn môn đệ. Tịch vào năm Đại Trung thứ tư đời Đường Tuyên Tông, được sắc phong là Đoạn Tế Thiền sư.

Trần Tuấn Mẫn dịch

Theo: Thuvienhoasen