Những chướng ngại đối với thiền tập - Ba phương pháp đối trị

Cả thế giới xung quanh và thế giới trong tâm chúng ta đều chứa đầy những xung lực chống đối và thù địch, gây ra đau khổ và phiền não cho chúng ta. Từ những kinh nghiệm đau đớn của chính bản thân mình, chúng ta biết rằng mình không đủ mạnh mẽ để đối diện và chinh phục tất cả những xung lực thù địch trong một trận chiến công khai. Ở thế giới bên ngoài, chúng ta chẳng bao giờ có được mọi thứ y như mình mong muốn, trong khi ở thế giới bên trong, các tình cảm, xung động cảm xúc và những ý thích bất chợt thường đẩy qua một bên những yêu cầu của phận sự, trách nhiệm, lý lẽ và những khát vọng cao hơn của chúng ta.

Chúng ta còn hiểu ra được thêm một điều nữa rằng một trường hợp khó khăn sẽ chỉ càng xấu đi thêm khi sử dụng sức mạnh quá mức để chống đối lại nó. Những khao khát về tình cảm sẽ gia tăng thêm cường độ nếu chúng ta chỉ cố gắng dập tắt nó bằng sức mạnh ý chí. Những cuộc xung đột và cãi vã sẽ chỉ ngày càng dữ dội và kéo dài nếu cứ đổ thêm dầu vào lửa với những lời bắt bẻ, ăn miếng trả miếng, hay những cố gắng vô ích để phá họai vị thế của người kia. Một sự xáo động xảy đến trong khi làm việc, nghỉ ngơi hay hành thiền sẽ được cảm nhận mạnh hơn và có tác động lâu dài nếu chúng ta phản ứng lại nó bằng sự tức giận, bất mãn hay cố gắng đè bẹp nó.
Như vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp những hoàn cảnh mà ở đó mình không thể sử dụng sức mạnh để giải quyết. Song có cách làm chủ những thăng trầm của cuộc sống và những xung đột nội tâm mà không cần phải sử dụng đến sức mạnh. Những cách thức không dùng sức mạnh thường sẽ thành công khi các cố gắng cưỡng ép, cả bên trong lẫn bên ngoài, thường thất bại. Phương pháp không cưỡng ép để làm chủ cuộc sống và tâm mình đó chính là thiền Tứ Niệm Xứ (còn gọi là thiền vipassanā, hay thiền minh sát). Bằng cách thực hành phương pháp ghi nhận thuần túy, pháp hành cơ bản để phát triển chánh niệm, tất cả sức mạnh của cách tiếp cận không cưỡng ép sẽ dần dần hé mở cùng với những kết quả đầy lợi ích, những tác động rộng lớn và không ngờ. Ở đây, chúng ta chủ yếu bàn đến lợi ích của thiền Tứ Niệm Xứ trong việc làm chủ tâm và sự tiến bộ trong thiền nhờ quy trình thực hành không cưỡng ép. Song đôi lúc chúng ta cũng sẽ điểm qua những hệ quả của nó trong cuộc sống hàng ngày. Đối với những bạn đọc biết suy nghĩ, thì không khó đưa vào áp dụng cụ thể để giải quyết những vấn đề của chính mình.
Những xung lực đối nghịch xuất hiện và gây chướng ngại trong thiền thường có ba loại:

1. Những tác động của bên ngoài, như tiếng động…
2. Các loại phiền não (kilesa), như tham dục, sân, bất an-trạo cử, bất mãn hoặc dã dượi, buồn ngủ…có thể đến trong quá trình hành thiền.
3. Nhiều loại suy nghĩ lung tung, ngẫu nhiên, hay buông lung theo dòng tưởng tượng.

Những chướng ngại này là những viên đá cản đường rất lớn đối với những thiền sinh mới còn chưa có đủ khéo léo để xử lý chúng. Chỉ chú ý đến những chướng ngại này khi chúng đã thực sự khởi lên trong lúc ngồi thiền thì không đủ. Khi gặp chúng mà không được chuẩn bị trước, để tự vệ các thiền sinh thường vật lộn với chúng một cách lung tung và thiếu hiệu quả, cùng với một cảm giác bực bội mà chính nó cũng lại là một chướng ngại thêm nữa. Nếu những chướng ngại thuộc bất cứ loại nào ở trên và phản ứng không khéo của thiền sinh xảy đến nhiều lần trong một thời thiền, thiền sinh sẽ cảm thấy thực sự bất mãn, khó chịu và từ bỏ ý muốn tiếp tục hành thiền, ít nhất là trong thời thiền ấy.
Thực ra, ngay cả đối với những thiền sinh đã được đọc sách hoặc được thiền sư dạy tất cả chi tiết về đề mục thiền, vẫn thường thiếu sự chỉ dẫn về cách phải đối phó với những chướng ngại có thể gặp trong thiền như thế nào cho khéo. Cảm giác bất lực khi đối diện với chúng là khó khăn ghê gớm nhất đối với các thiền sinh mới. Khi đó nhiều thiền sinh đã phải chịu chấp nhận thất bại, từ bỏ mọi cố gắng tu tập. Trong các vấn đề của cuộc sống thế gian như thế nào thì trong thiền tập cũng như thế, cách đối phó với những “khó khăn ban đầu” thường lại là điều quyết định đối với thành công hay thất bại của con người.
Khi đối diện với những chướng ngại ở bên trong và bên ngoài, những thiền sinh thiếu kinh nghiệm hay thiếu sự hướng dẫn thường sẽ phản ứng lại theo hai cách. Đầu tiên anh ta sẽ gạt bỏ nó đi một cách nhẹ nhàng, và nếu vẫn thất bại, anh ta sẽ cố gắng dùng sức mạnh ý chí để áp chế chúng. Nhưng những chướng ngại này giống như những con ruồi láo xược: bằng cách xua đuổi – lúc đầu thì nhẹ nhàng, về sau thì ngày càng mạnh – chúng ta có thể đuổi chúng đi được một lúc, nhưng thường là chúng sẽ quay lại ngày càng dai, khiến người ta phải cáu tiết. Và công sức xua đuổi cùng sự phiền toái, bực mình sẽ lại chỉ làm tăng thêm những chướng ngại cho sự tĩnh lặng của thiền sinh.
Thiền Tứ Niệm Xứ, thông qua phương pháp ghi nhận thuần túy, đem đến một phương pháp không cưỡng ép thay thế cho những cố gắng vô ích và có hại nhằm trấn áp bằng sức mạnh. Phương pháp làm chủ tâm một cách không cưỡng ép, muốn thành công thì phải bắt đầu từ thái độ đúng đắn. Việc đầu tiên là phải ghi nhận đầy đủ và chấp nhận đúng thực tế là những nhân tố chướng ngại đó cùng tồn tại trong thế giới chúng ta đang sống, dù muốn hay không. Sự bác bỏ của chúng ta không thể làm thay đổi được thực tế đó. Một số chúng ta phải gọi tên ra, một số khác – là các phiền não – chúng ta phải học cách xử lý một cách hiệu quả cho đến khi hoàn toàn chinh phục được chúng.
1. Bởi vì chúng ta không phải là những con người duy nhất cư ngụ trên thế giới này, nên vẫn sẽ có những chướng ngại nhiều loại từ bên ngoài, chẳng hạn như tiếng động hay khách khứa làm gián đoạn thiền tập. Chúng ta không phải lúc nào cũng được ở độc cư một cách hoàn toàn khỏi “tiếng ồn ào của chó và con người”, hay sống ở trong những “tháp ngà” cao vút bên trên đám đông. Thiền chân chánh không phải là sự chạy trốn, nó không cung cấp một chỗ trú ẩn để tạm thời lãng quên thế giới. Thiền đích thực có mục đích rèn luyện tâm để đối diện, để hiểu và chinh phục chính cái thế giới mà chúng ta đang sống. Và cái thế giới này sẽ có vô số những chướng ngại cho cuộc sống thiền tập, đó là điều không thể nào tránh khỏi.
2. Đại trưởng lão Thiền sư Mahasi Sayadaw ở Miến Điện nói: “Ở trong thế giới chưa giác ngộ giải thoát này, chắc chắn là những phiền não trong tâm sẽ còn khởi lên lại nhiều lần. Thiền sinh phải đối diện với thực tế ấy và hiểu biết kỹ lưỡng các phiền não này để áp dụng nhiều lần phương thuốc thích hợp của thiền Tứ Niệm Xứ. Khi đó chúng sẽ yếu dần đi, mau chết sớm và cuối cùng sẽ phải biến mất”. Do đó, hay biết sự sanh khởi và bản chất của các phiền não đối với các thiền sinh cũng quan trọng như là hay biết về sự sanh khởi của các suy nghĩ cao thượng trong mình.
Bằng cách đối diện với các phiền não trong mình, chúng ta sẽ có thêm động lực để tăng cường nỗ lực diệt trừ chúng. Mặt khác, nếu vì sự hổ thẹn không chính đáng hoặc vì ngã mạn mà chúng ta cố tình quay mặt đi chỗ khác mỗi khi chúng ngóc đầu dậy, thì sẽ chẳng bao giờ thực sự giải quyết được nó, và sẽ vẫn luôn cố tránh né trận chiến quyết định cuối cùng. Tấn công một cách mù quáng, chúng ta sẽ chỉ tự làm mình kiệt sức và thậm chí còn tự làm mình bị thương nữa. Tuy nhiên, nhờ quan sát cẩn thận bản chất và cung cách hoạt động của chúng mỗi khi chúng khởi lên trong tâm, chúng ta sẽ được chuẩn bị tốt để đối mặt với chúng, và thường là sẽ ngăn chặn được và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn. Vì vậy, hãy đối diện với phiền não của bạn với cái nhìn tự do và rộng mở. Đừng xấu hổ, e ngại hay chán nản!
3. Nhóm chướng ngại thứ ba quấy nhiễu tâm hành giả là các suy nghĩ lan man và mơ tưởng. Chúng có thể bao gồm nhiều loại ký ức và hình ảnh của quá khứ, gần hay xa, cả những thứ nổi lên từ lớp sâu trong tiềm thức; các suy nghĩ về tương lai – dự tính, vạch kế hoạch, tưởng tượng, lo sợ, hy vọng; và cả những tác động giác quan có thể xảy ra trong thời gian hành thiền thường kéo theo cả một chuỗi dài suy nghĩ. Mỗi khi định tâm và chánh niệm bị suy thoái, các suy nghĩ lan man hoặc mơ tưởng sẽ xuất hiện và lấp đầy khoảng trống. Mặc dù tự thân chúng có vẻ như vô nghĩa, song do xuất hiện thường xuyên nên chúng trở thành một chướng ngại lớn, không những chỉ đối với các thiền sinh mới, mà còn đối với tất cả mọi thiền sinh mỗi khi tâm họ xáo động và bất an. Nhưng khi những kẻ xâm chiếm này bị khống chế, thì thiền sinh có thể hành thiền liên tục trong cả thời gian dài. Là một loại phiền não trói buộc (kiết sử), trạo cử (suy nghĩ lan man) chỉ bị loại bỏ hoàn toàn khi đạt đến đạo quả Alahán, chánh niệm hoàn hảo của vị thánh Alahán luôn luôn canh giữ liên tục không ngừng nghỉ ở cửa ngõ của tâm.
Bởi vì chúng khuôn định nên thái độ của chúng ta, nên tất cả mọi sự kiện liên quan đến ba loại chướng ngại này đều phải hết sức chú ý. Khi đó, từ trong những chướng ngại ấy, chân lý cao thượng về khổ (khổ đế) sẽ tự hiển bày trước thiền sinh một cách sâu sắc qua kinh nghiệm thực chứng của cá nhân vị ấy: “Muốn mà không được là khổ”. Ba chân lý còn lại (nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ) cũng sẽ được thể hiện trong cùng hoàn cảnh ấy. Theo cách như vậy, ngay cả khi phải xử lý những chướng ngại, thiền sinh vẫn ở trong lĩnh vực của Tứ Niệm Xứ. Thiền sinh sẽ quán niệm về Tứ Diệu Đế (bốn sự thật về khổ) – là một phần trong niệm Pháp (dhammānupassanā)[6]. Một đặc tính của chánh niệm, và cũng là một trong những nhiệm vụ của nó, là liên hệ giữa những kinh nghiệm thực trong cuộc sống với những chân lý của Pháp, và sử dụng những kinh nghiệm ấy như những cơ hội để chứng ngộ chân lý. Ngay trong giai đoạn sơ khởi để thành hình nên thái độ đúng đắn và lợi ích này, đầu tiên chúng ta đã thử nghiệm thành công vũ khí hòa bình của mình: khi hiểu rõ hơn về đối thủ, là chúng ta đã củng cố được vị thế của mình vốn đã bị suy yếu trước đó vì cách tiếp cận đầy cảm tính; và bằng cách biến kẻ thù thành vị thầy dạy chân lý cho mình, chúng ta đã chiếm được ưu thế ở ngay trận đầu.

Ba phương pháp đối trị

Nếu chúng ta được chuẩn bị tinh thần và có cách nhìn thực tế về những chướng ngại trong thiền, chúng ta sẽ bớt phản ứng ngay lập tức một cách khó chịu mỗi khi chúng xuất hiện. Về mặt cảm tính, chúng ta sẽ ở vị thế có lợi hơn để đối diện với chúng bằng những vũ khí phi bạo lực sẽ nói đến dưới đây.
Có ba cách để đối trị những chướng ngại nảy sinh trong thiền. Ba cách này nên được áp dụng lần lượt, khi áp dụng cách này không loại bỏ được chướng ngại thì áp dụng cách tiếp theo. Cả ba cách đều sử dụng ghi nhận thuần túy; chỉ khác nhau ở mức độ và khoảng thời gian chú tâm đến chướng ngại đó. Nguyên tắc chủ đạo ở đây là: không chú trọng đến chướng ngại quá mức độ mà tình huống đòi hỏi.

1. Đầu tiên, thiền sinh nên ghi nhận chướng ngại một cách rõ ràng, nhưng nhẹ nhàng: nghĩa là không quá chú trọng đến nó và không chú ý đến các chi tiết. Sau khi đã ghi nhận sơ qua về chướng ngại, thiền sinh nên quay trở lại với đề mục chính của mình. Nếu chướng ngại yếu hoặc định tâm trước đó của thiền sinh mạnh, thiền sinh sẽ thành công và có thể tiếp tục quán niệm trở lại. Ở giai đoạn này, bằng cách cẩn thận không bị lôi kéo vào những cuộc “đối thoại” hay cãi vã với kẻ xâm nhập, chúng ta sẽ không cho nó lý do để ở lại lâu; và trong nhiều trường hợp, những chướng ngại ấy sẽ sớm bỏ đi như một vị khách không được chủ nhà tiếp đón niềm nở. Việc tống khứ một cách ngắn gọn như vậy sẽ giúp chúng ta quay trở lại đề mục chính mà không bị tổn hại nhiều đến sự ổn định của nội tâm.
Phương pháp không sử dụng sức mạnh ở đây là: áp dụng ghi nhận thuần túy đối với chướng ngại, nhưng chỉ với sự đáp ứng tối thiểu, và với tâm hướng về rút lui. Đây chính là cách Đức Phật đối phó với những vị khách không thích hợp, như trong kinh Đại Không (Mahāsuññata Sutta)…. “với tâm hướng về viễn ly…và rút lui, cuộc đối thoại của Ngài hướng tới việc xua đuổi (những người khách đó)”. Tương tự, trong lời khuyên của Sāntideva về cách đối phó với những kẻ ngu: nếu không thể tránh được chúng, hãy đối xử với chúng “với vẻ lịch sự lạnh nhạt của một quý ông”.

2. Tuy nhiên, nếu chướng ngại vẫn còn tiếp tục, thiền sinh nên áp dụng ghi nhận thuần túy lại nhiều lần, một cách kiên nhẫn và bình tĩnh; và có thể chướng ngại sẽ biến mất sau khi đã cạn lực. Ở đây, thái độ đối diện với chướng ngại là sự lặp lại câu nói “KHÔNG”, kiên quyết từ chối không để bị kéo lệch khỏi con đường của mình. Đó là thái độ kiên quyết và kiên nhẫn. Sức mạnh của sự quan sát phải được bổ xung bằng sức mạnh của sự chờ đợi và bám chắc chỗ đứng của mình.
Nói chung hai phương pháp này đều thành công để đối trị những mơ tưởng và suy nghĩ lan man trong thiền, bởi vì về bản chất chúng tương đối yếu ớt; kể cả hai loại chướng ngại còn lại – những chướng ngại từ bên ngoài và phiền não bên trong – cũng sẽ thường phải chịu thua.

3. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, chúng không chịu thua cuộc, thiền sinh phải cố ý chú tâm hoàn toàn vào chướng ngại và biến nó trở thành một đề mục quan sát. Như vậy, thiền sinh chuyển đổi chướng ngại thành đề mục thiền chính thức. Chúng ta có thể tiếp tục hành thiền với đề mục mới này cho đến khi các nhân duyên bên trong hoặc bên ngoài khiến chúng ta phải chú ý đến chướng ngại đã chấm dứt, hoặc nếu thấy thích hợp, chúng ta có thể tiếp tục duy trì nó cho đến hết thời thiền.
Chẳng hạn, khi bị một tiếng động liên tục quấy rầy, chúng ta hãy toàn tâm toàn ý chú tâm vào tiếng động đó, song chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa đề mục (tiếng động) ấy và phản ứng của mình đối với nó. Ví dụ, nếu sân (khó chịu) sanh khởi, thì cần phải ghi nhận rõ ràng đúng tính chất của nó khi nó sanh lên. Thực hành như thế là chúng ta đang thực hành niệm pháp (dhammānupassanā) theo tinh thần kinh Tứ Niệm Xứ: “Vị ấy liễu tri nhĩ căn (tai) và âm thanh, và những trói buộc (sân) sanh khởi thông qua chúng”. Nếu tiếng động ngắt quãng hoặc thay đổi cường độ, thiền sinh có thể dễ dàng phân biệt được sự sanh và sự diệt (udayabbaya) trong đó. Bằng cách ấy, thiền sinh sẽ tăng cường tuệ quán trực tiếp về tính vô thường (aniccatā).
Phương pháp đối trị những phiền não thường tái diễn lại, chẳng hạn các suy nghĩ về dục hay sự bất an, cũng phải áp dụng tương tự như vậy. Chúng ta phải đối diện trực tiếp với chúng, song hãy phân biệt đâu là phiền não, đâu là phản ứng của mình như là: sự đồng thuận, nỗi sợ hãi, chống đối, bực bội, khó chịu. Thực hành như vậy, chúng ta đang áp dụng phương pháp “gọi tên” và sẽ thu được những lợi ích đã trình bày ở trên. Từ những đợt sóng cảm xúc hay bất an tái diễn ấy, dần dần chúng ta cũng sẽ học được cách phân biệt các giai đoạn “lên cao” và “xuống thấp”, thăng – trầm của chúng và có thể thu được những hiểu biết hữu ích về cách hoạt động chúng. Theo quy trình đó, thiền sinh vẫn hoàn toàn ở trong Tứ Niệm Xứ, bằng thực hành niệm tâm (cittānupassanā) và niệm pháp (dhammānupassanā: phần quan sát các triền cái).
Phương pháp chuyển đổi những chướng ngại trong thiền thành các đề mục để quan sát, vừa đơn giản lại vừa khéo léo, có thể coi là đỉnh cao của phương pháp thực hành không dùng sức mạnh. Đây chính là phương pháp thể hiện chính xác tinh thần của kinh Tứ Niệm Xứ: tận dụng tất cả mọi kinh nghiệm để trợ giúp cho con đường tu tập. Bằng cách đó, kẻ thù biến thành bạn bè, và tất cả những chướng ngại cùng với các động lực chống đối sẽ trở thành vị thầy của chúng ta, và dù chúng là ai chăng nữa, thì cũng nên được xem như là bạn bè.
Chúng ta không thể không trích dẫn ở đây một đoạn văn từ cuốn sách mỏng rất giá trị, cuốn Anh thợ khóa bé nhỏ, của Katherine Butler Hathaway, một cuốn sách rất cảm động về nghị lực và trí tuệ của con người trưởng thành từ đau khổ:
“Tôi cảm thấy sốc bởi sự ngu dốt và lãng phí mà những con người lẽ ra phải là người hiểu biết: họ vứt bỏ đi tất cả những gì mà họ không thích. Họ vứt bỏ những kinh nghiệm, con người, hôn nhân, các hoàn cảnh và tất cả mọi thứ chỉ bởi vì họ không thích. Khi bạn vứt bỏ một cái gì đó, nghĩa là nó đã mất. Ở nơi lẽ ra bạn có, thì bạn lại chẳng có gì. Trong tay bạn trống không; chẳng có gì để sử dụng cả. Trong khi đó, hầu hết tất cả những gì bạn vứt bỏ đều có thể sử dụng được nhờ một phép lạ nhỏ: chuyển đổi chúng trở thành cái ngược lại với chúng… Song hầu hết con người chẳng bao giờ nhớ rằng, trong hầu hết tất cả mọi hoàn cảnh xấu, vẫn luôn có khả năng chuyển hóa, biến cái không mong muốn trở thành cái mình mong muốn”.
Như chúng ta đã nói ở phần trên, ba loại chướng ngại trong thiền là không thể ngăn chặn được trong mọi lúc. Chúng là một phần của thế giới của chúng ta, chúng đến và đi theo những quy luật riêng của chúng, không phụ thuộc vào việc chúng ta có đồng ý hay không. Tuy nhiên, bằng cách ghi nhận thuần túy, chúng ta có thể tránh không bị chúng cuốn đi hay bị đánh bật ra khỏi thiền. Bám chắc vào nền tảng vững chắc của chánh niệm một cách trầm tĩnh, chúng ta sẽ lặp lại, trong một mức độ khiêm tốn hơn song về cơ bản sẽ giống hệt chiến thắng lịch sử của Đức Phật dưới gốc cây Bồ Đề năm xưa. Khi Ma Vương thống lãnh đội quân của hắn, giành giật ngôi bồ đoàn nơi Đức Phật ngồi và thành đạo, Đức Phật đã từ chối không rời khỏi chỗ ngồi ấy. Đặt lòng tin vững chắc vào sức mạnh của chánh niệm, chúng ta có thể tự tin lặp lại lời nguyện của Đức Phật khi ấy: Mā mam thānā acāvayi (nguyện cho Ma Vương không thể đánh bật tôi ra khỏi chỗ ngồi này- Padhāna Sutta, Sutta Nipāta).
Hãy cứ để những kẻ xâm nhập ấy đến rồi đi. Cũng như tất cả mọi tiến trình thân-tâm đang tiếp diễn vô tận, trôi qua trước con mắt quan sát của chúng ta trong pháp hành ghi nhận thuần túy, chúng sanh lên, sau khi sanh lên, chúng lại diệt đi.
Lợi thế của chúng ta ở đây là một sự thật hiển nhiên: hai suy nghĩ không thể nào tồn tại trong cùng một lúc. Nói một cách chính xác thì chánh niệm không phải là ghi nhận hiện tại mà ghi nhận khoảnh khắc vừa trôi qua tức thì. Chính vì vậy, nếu chánh niệm thống trị, thì sẽ không thể có “chướng ngại” hay “những suy nghĩ phiền não được nữa”. Điều đó cho chúng ta cơ hội để bám chắc vào chỗ đứng an toàn của “vị trí người quan sát” – “Bồ Đoàn giác ngộ” của chính mình.
Thông qua ảnh hưởng tịnh chỉ (làm yên lặng) và trung lập hóa của sự quan sát khách quan ở ba phương pháp trên, những chướng ngại làm gián đoạn thiền tập sẽ ngày càng bớt cắn trộm chúng ta và gây khó chịu, bực mình, và do đó sẽ giảm bớt tác động quấy rối của chúng. Đây quả thực là một hành động “ly dục” (virāga) đích thực, mà nghĩa đen của nó là “phai màu, nhạt màu”[7]. Khi những kinh nghiệm bị tước bỏ, phai màu những cảm xúc vốn kích động con người ta lao vào tham, sân, si, bất an và đủ loại phiền não trong tâm, chúng sẽ hiện nguyên hình bản chất thực sự - chỉ là những hiện tượng tự nhiên thuần túy (suddha-dhammā).
Phương pháp ghi nhận thuần túy không dùng sức mạnh mang đến cho thiền sinh một sự tiếp cận nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, vốn vô cùng cần thiết để làm việc với bản chất nhạy cảm, ương bướng và khó nắm bắt của tâm. Nó cũng giúp chúng ta đối phó một cách êm đẹp với những trở ngại và những tình huống khó khăn đa dạng trong cuộc sống thường ngày. Để minh họa cho mức độ nỗ lực cân bằng cần có để nhập vào các tầng thiền chỉ, bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đã tả lại một bài kiểm tra tay nghề của các sinh viên y khoa thời cổ. Người ta đặt một cái lá sen nổi trong chậu nước, người sinh viên phải dùng con dao mổ cắt ngang chiếc lá mà không được làm đứt rời nó hay nhấn chìm nó xuống nước. Người nào dùng lực quá mức thì sẽ cắt đứt chiếc lá hoặc ấn chiếc lá xuống nước, còn người nào nhút nhát thì thậm chí còn không dám làm xước chiếc lá. Thực tế, đối với việc tu tập tâm, phải cần đến một điều gì đó giống như bàn tay chắc chắn nhưng nhẹ nhàng của nhà phẫu thuật, và sự tiếp cận khéo léo, cân bằng này chính là kết quả tự nhiên của phương pháp thực hành ghi nhận thuần túy không dùng sức mạnh.

Trích:SỨC MẠNH CỦA CHÁNH NIỆM
Nguyên tác: THE POWER OF MINDFULNESS
Đại trưởng lão Thiền sư Nyanaponika
Sư Tâm Pháp dịch
http://sutamphap.com/