NGÔN NGỮ THIỀN

“Ngôn ngữ thiền” là một thứ ngữ ngôn mà ta sẽ không bao giờ tìm thấy một định nghĩa, một qui cách, hay có thể đóng khung nó trong thế giới tỷ lượng. Nó luôn vượt lên trên, nằm ngoài mọi nắm bắt, vang vang nơi vô tận, nó không nằm trong kho tàng luận thuyết của tâm thức.
Thông thường, ta chạy theo ngôn ngữ, sống với ngôn ngữ, với những niềm tin, cảm xúc tùy hứng theo kẻ khác, do vì không làm chủ được chính mình, nên ta thường xuyên lo sợ bất an, và như thế ta sẽ đau khổ.

Khi nào nhận chân ra được sự “mờ mịt của tâm thức”, những rối bời của xúc cảm, sự lọc lừa, dối trá của những tư tưởng. Và biết quay về sống với nội-tâm, với chánh-niệm, kiểm soát những hưng khởi ở bên trong, không để tâm bất an, phiền toái; như thế phần nào ta giảm bớt được đau khổ. Bởi lẽ, những gì xuất phát từ bên trong, thường đi qua quá trình kiểm chứng ở nội-tại, nhờ tư duy thẩm thấu nên được chính chắn, sáng suốt, do vậy mà hậu quả ít phiền não hơn.
Nếu biết tất cả đều là vô thường, huyễn mộng, do duyên tương hợp, thì sao ta không sống thật với chính mình, không bằng lòng với chính mình. Cứ mãi chạy theo cảnh theo người, theo vui buồn của xúc-cảm, hay tại căn bệnh ưa đổ thừa cho nghiệp, một thứ tập khí còn đọng lại do huân tập từ trước, để tự hành hạ mình.
Đó chỉ là sự phát khởi không kiềm tỏa của tâm-thức, ta xử dụng chúng như một công cụ chỉ nhằm thoả mản bản năng vô-minh, tham sân si mà thôi. Khi nào được soi sáng bởi tuệ giác, khám phá ra sự-thật, thân tâm đong đầy sự an lành tươi mát, thì ngôn hành mới trở nên thuần khiết, thăng hoa, chia sẽ sự an lạc cho nhân thế, mang lại hạnh phúc thật sự cho chính mình.
Ở vào vị thế đối đãi, cái thế nói-nín, hể mở miệng nói, lập tức bị kẹt rồi “nói ra là bị kẹt” để rồi “không nói cũng không xong”. Tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm trầm hùng diện bích, Tổ Vô Ngôn Thông ít khi mở lời, bậc Cổ đức tại sao khước từ sự nói năng, không thèm nói, lặng yên, là tại làm sao? Có phải, trong thế đứng chênh vênh nào đó của ngôn ngữ, hể mở miệng thì đã rơi vào đối đãi, bế tắc, làm cho dòng tâm-thức, cảm-xúc, tư-tưởng, thường xuyên nhiễm ô!
Nhưng muốn biết thì cần phải nói năng, phải bày tỏ, diễn đạt, dù ở dạng này hay dạng khác. Ở đây, chúng ta không phủ nhận ngôn ngữ, văn tự. Mà là sự vượt thoát, đạt ý quên lời, không để dính mắc, không vướng bận, một sự tự do toàn triệt, trần trụi nguyên mẫu, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả đến được. Điều bất đắc dĩ, nhằm để cảnh tỉnh, răn dạy nhắc nhở, nên mới mở miệng, tạm thời xử dụng ngôn ngữ, mang trọn tính khế-lý khế-cơ, để ta nương theo đó đi tìm ra chân-lý, tự mình soi tìm lại chính mình, và đó cũng là nguyên do sự có mặt của các kinh điển, ngữ lục.
Nhằm ghi dấu lại tiến trình tâm-linh, sự chuyển-hóa thân tâm, giúp ta theo đó dập tắt mọi khổ đau, những ẩn dụ, mật ngôn, những công án, những thiền ngữ, liên tục đánh động vào tận cùng tâm-thức, khiến ta choàng mình chợt tỉnh, nhận ra được toàn thể vấn đề, đâu là giá trị đích thực tối hậu, một cách tự nhiên, nguyên vẹn. Trong đó, chỉ có sự thẩm-thấu vi diệu, bừng sáng của tâm trí, vẹn nguyên của ban sơ; dĩ tâm truyền tâm, cái lý-tính chơn như tuyệt vời, vượt ra ngoài mọi phạm trù sai biệt, những định nghĩa phù phiếm, luận bàn huyễn mộng. Mọi năng động trôi nỗi của ý-thức bị đánh bật ra, sự bày biện của ngôn ngữ bị đẩy bung xuống hố thẳm, đâu đó mất hút tự bao giờ, chìm bặt hết. Khi ấy, chỉ có một sự vắng lặng “rổng không” toàn triệt, không có gì để phải nói năng, để phải suy nghĩ, không còn gì để phải luận bàn, một sự lặng thinh tuyệt vời lan tỏa, không bến bờ ngằn mé.
Tất cả đều do tâm làm chủ, tâm toàn quyền định đoạt, không một đấng tối cao, quyền năng nào, có thể thay đổi, xúi dục và làm khác đi được. Ta không cần phải bám theo, tôn thờ lạy lục một ai, không cần phải dẫm theo lối mòn đi lại của kẻ khác, dù đó là nhà tư tưởng vĩ đại. Ta chỉ việc dõi theo bằng định-lực của giác-ngộ đang rộng mở trong ta, một khung trời lắng đọng của tâm ý. Lên đường bằng sự bùng vỡ của giác ngộ, bằng chất liệu cao cả của “yêu-thương và tỉnh-thức”, rõ biết một cách sáng suốt về thực tại tối hậu. Bởi lẽ, sự giác ngộ đến từ trong ta, ở trong ta và do ta định đoạt, chính ta mới đủ thẩm quyền làm cho mình giác ngộ, về với giác ngộ, được giác ngộ, sống trong giác ngộ, làm theo giác ngộ.
Muốn được giác ngộ ta phải chuyển hóa, phải làm mới tâm-thức và con người của mình. Phải thay đổi thói hư tật xấu, đoạn trừ vô minh, phiền não – tham sân si, để cho trí tuệ phát khởi; bằng lòng với những gì đang hiện hữu, sống an nhiên với những gì đang có, đang tới, sẽ tới, phải tới, và nó phải được thành tựu từ một tâm-hành an lạc chói sáng, thánh thiện, để hoàn thành đại nguyện cứu mình và độ người.
“Mọi cảm-xúc là một dạng bùng vỡ của tâm khi nắm bắt thực tại”. Nhưng cái thực tại nầy đôi khi được bày biện, vẽ vời ra bởi cái cảm xúc, một dạng tâm lý thông tục, lúc nào cũng chất đầy trong ta, đợi chờ cơ hội là trỗi dậy. Nếu cảm xúc không dâng cao độ, không phá vỡ biên giới, không thể nhập vào thực tại, không tinh tế thâm sâu, không vựt dậy những chôn dấu trong tận cùng, thì ngôn ngữ ấy sẽ không trở mình thức dậy, sẽ không trãi mật đơm hoa, sẽ không mang hương sắc đến cho đời. Nó chỉ dừng ở đó, ở những cảm xúc trá hình, ở những đổi thay bất chợt, nó sẽ chết ngộp trong thổn thức của bản-năng.
Nói cho cùng, cảm xúc chỉ là một tiến trình, một sự kết hợp phát sinh khi đủ nhân duyên, căn-trần-thức gặp nhau, những tín hiệu, những nắm bắt của cảm-xúc và cảm-thọ. Nó là phần trôi nỗi, biến động đi hoang trong tâm-thức. Thông thường, nếu khởi đi từ cảm xúc thông tục, tức là còn bị điều khiển bởi bản năng, tâm lý bất định, thì hậu quả sẽ gieo rắc thêm đau khổ. Bởi lẽ, nó đang đầy dẫy cảm thọ về khổ đau, hỷ, nộ, ái, ố, cảnh luôn quyện vào tâm, tâm sống cùng cảnh, và đây là dạng tâm-thức có sẵn trong ta.
Nếu ta cứ sống với dòng tâm thức bất định, thì nó sẽ vây quanh, quấn vào mình lúc nào chẳng hay, khó lòng thoát ra được. Tâm của ta luôn chất đầy những lo toan phiền lụy, nó mở ra đóng lại trong từng sát na, từng vi tế khởi diệt, ngày đêm không một phút giây nào ngừng nghĩ, nên tâm thức của ta sẽ khô kiệt, héo úa, rã rời.
Ta đã bồi dưỡng, o bế tấm thân tứ đại bằng sự ăn uống, bằng những chất dinh dưỡng, béo bổ hằng ngày. Nhưng ta bỏ đói tâm, ta vét khô, làm nó cạn kiệt, ngày đêm tìm phương kế, dày vò tra tấn, ta nuôi dưỡng tâm bằng cách làm tăng thêm sự thoả mãn cho bản ngã, sự hiếu chiến, năng động, hoang tưởng. Những gia cố thêm cái bản năng, bản ngã đầy lòng tham và dục vọng, để cho vô minh phiền não tham sân si ngự trị, sẽ dẫn ta mãi trôi lăn trong luân hồi sinh diệt. Ta luôn đàn áp, khống chế, ức hiếp cái tâm ấy, bắt tâm ấy chạy theo những ảo tưởng không thật, cho nên tham-sân-si đang cuồn cuộn trãi đầy ở trong ta, để mặc cho nó đi hoang, chạy theo nghiệp quả bất thiện. Ta để mặc cho tăm tối luôn ngự trị, sống với quá khứ một thời hào nhoáng, mơ tới một tương lai không có gì bảo chứng, nắm bắt ảo vọng ở hiện tại, khiến cho cái tâm ấy mỏi mòn, đau khổ.
Bằng cách, kiểm soát mọi chiều hướng đi lại, tới lui của tâm, không phong tỏa bế lối, cứ để nó thong dong, chúng ta chỉ việc bám theo, dẫn lối, hướng đến chân lý thực tại, hòa nhập thành một khối nhất như, trong sáng. Ta buông bỏ hết, rũ sạch những phiền lụy lo toan, những gần xa níu kéo, để cho thân tâm được nhẹ nhàng thư thả, không vướng bận, có như thế thì định-tuệ mới phát sinh và chính nó sẽ dẫn ta đi đến an lạc, giải thoát.
Khi đã biết dõi theo, làm kẻ soi đường dẫn lối, trở về với tự tánh, về với cái chân tâm thường hằng bất biến, về với uyên nguyên bản lai diện mục, lúc đó ta mới thấy trọn vẹn được tất cả, soi tỏ được tất cả. Tâm là tất cả, tất cả là tâm, tâm tạo ra mọi thứ, tâm làm chủ, tạo tác; cũng cái tâm nầy mà ta phiền não tử sinh, cũng cái tâm nầy mà ta được an lạc giải thoát, cái tâm là của ta, ta toàn quyền định đoạt. Khi đã biết buông nhẹ thân tâm, lắng nghe những vi diệu phát tiết đi lại trong tâm, an trú ở phút giây tỉnh thức tuyệt vời trong hiện tại, thấy được sự mầu nhiệm ngay từ đây, từ giây phút này, ở ngay đây.
Ngôn ngữ thiền, không có trong quan niệm, không có khẳng định hay phủ định, không rắp thêm mệnh đề như trên đầu còn chồng thêm một cái đầu; mà ở đây là sự diệu dụng, phổ quát, không giới hạn, hiển bày bản chất sáng tỏ từ nội tâm siêu thoát, đẩy “tâm thức” của ta vượt tung ra ngoài, bay bổng lên tận hư không, không nơi trụ bám. Chính trong phút giây cùng cực đó, bỗng nhiên ta nhìn rõ chân tướng của thực tại, nhìn rõ được bản thể vi diệu của các pháp. Không phải tự nhiên trong thiền đầy những thuật ngữ, nhiều khi ta cho là phi lý, nhưng những gì ta cho là phi lý, biết đâu chính cái phi lý lại là có lý. “Để miệng đóng mốc”, “được cá quên nơm”, “lông rùa sừng thỏ”, “hoa không đỏ liễu không xanh”… không phải vô cớ mà người xưa đặt ra; với dụng ý gì, và để làm gì? Có phải đó là thuật ngữ, kỷ thuật, những xảo ngữ, chỉ ra điều vi diệu mà ngữ ngôn không thể chuyên chở, không thể diễn đạt, nó cũng có thể làm ta dễ bị nhầm lẫn, đưa đến sự ngộ nhận, chấp trước, lo bám chặt vào đó không chịu dứt ra.
Rõ ràng thiền ngữ chỉ là phương tiện dẫn lối, chất xúc tác, nó bắt cái tâm của ta phải bật dậy, thu cái tâm về một mối, chính mình tự đào bới, tự mình mở cửa, tự mình quán chiếu nội tâm, tự mình tìm đến cứu cánh. Thiền ngữ chỉ là chiếc bè qua sông, nương những biểu đạt đó để tự mình tìm cách thể nhập vào giác ngộ, tạo năng lực kích động để giác ngộ khởi động, tự trãi nghiệm, mở ra những bí ẩn đang phong kín. Một khi qua được bên kia, đến được bờ kia rồi, tất cả thuyền bè phương tiện đều bỏ lại, ngay cả cái ý niệm đó cũng phải xóa nhòa, cưu mang theo để làm gì, vác theo để làm gì cho mệt xác, nhọc công, vướng bận.
Thiền là sự thong dong, nhẹ nhàng, không cần tìm cầu đâu xa, ở đây, tại đây, ngay trong con người và tâm thức nầy. Trong hữu hạn vốn ẩn chứa cái vô hạn, trong vô thường có chân thường. Đất trời không hề có nói năng mà vẫn dung chứa cả sơn hà đại địa, muôn loài, có ai sai bảo mà bốn mùa vẫn nhịp nhàng luân chuyển? Có những lời chưa kịp cất lên đã chìm vào tịch lặng, có những ngôn từ chưa kịp phát ra đã rơi vào tan loãng, trở thành quá khứ. Sự yên lặng không nói năng nhiều khi giá trị hơn vạn lời, vô ngôn mà hành lại vượt cả liên thành.
Với thiền, ngôn ngữ không là ngôn ngữ mà cũng chẳng phải ngôn ngữ, và càng không thể dùng ngôn ngữ để chứng minh, biện luận, suy diễn. Thiền vốn khước từ tất cả, mọi thước đo, ngăn cách, phạm trù, quan niệm, nhị nguyên. Ngay cả cái công cụ tạm dùng để diễn đạt, cũng không còn là công cụ, chẳng có gì gọi là công cụ, vì không có năng-sở, đối tượng, nhận thức, sắc-không, trong-ngoài, không là gì cả, không dấu vết, không hề lưu lại, bặt tăm.
Thiền còn đi xa hơn nữa, xóa nhòa mọi chặng đường dấu vết, chấp pháp chấp ngã, san bằng tất cả, đạp tung tất cả. Bởi lẽ ngôn ngữ, nói cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của suy tưởng, những biến động của tâm thức, nên nó bị giới hạn và bất lực, ở bình diện giác ngộ nó đành phải chào thua, không thể mon men lại gần. Cuối cùng tất cả chỉ là sự lặng thinh trở về với tự tánh, về với bản thể nhất-như nguyên vẹn, một khi vượt ra ngoài nhơn-ngã-bỉ-thử, ngã chấp, pháp chấp thì không còn gì cả.
Do vì được hình thành từ nội tâm của những con người giác ngộ, được phủ vây bởi năng lượng tỉnh thức, được an trú trong lắng đọng tuyệt vời, nên được tôn nghiêm, vượt thoát, thánh thiện. Những kết quả mà hành giả có được đến từ chính bản tâm, từ sự đào bới mãnh liệt nơi nội tâm, sự quật khởi liên tục, ra công gắng sức khiến mọi cơ năng trong ta bừng bừng trổi dậy, làm một cuộc lên đường đập vỡ càn khôn, nhận chân thực tại, làm cho bản thể chân như hiển lộ vẹn toàn.
Mở được cánh cửa nội tâm, kiến chiếu vào tự tánh, vào nơi thâm sâu của bản thể vi diệu, là cả một quá trình siêu việt, một thứ nghệ thuật, vượt ra ngoài những phạm trù, định hướng. Bởi lẽ, dưới ánh sánh của giác ngộ nội tâm thực chứng, thì tất cả mọi ngôn ngữ, chữ nghĩa bổng biến mất. Không còn ngón tay chỉ mặt trăng, không còn chiếc bè để qua sông. Ở một chừng mực nào đó, thì ngón tay cũng chỉ là ngón tay, chiếc bè vẫn là chiếc bè, đều là trò chơi của chữ nghĩa, của giả định, nó xa tít tận cõi mù không.
Cái riêng của đất trời trở thành cái chung của vạn hữu, bốn mùa lúc nào cũng nồng nàn hương sắc. Đất trời có quy luật riêng, cái quy luật riêng ấy lại thành cái chung của muôn vật. Chung và riêng vẫn là những hổ tương cần thiết mà một khi phân chia, ngăn cách nó sẽ không tự tồn tại, chỉ gây thêm hụt hẫng, đớn đau.
Nói cho cùng, chổ cùng tuyệt nhứt, không bao giờ được nói nên lời, chẳng có mặt trong ngôn ngữ, hoàn toàn mất lối, bặt tăm, nhưng vẫn đong đầy trong cõi có-không vô tận, thấm sâu qua từng chuyển động, thong dong trong cõi mịt mùng, tròn đầy, thâm sâu, vắng lặng. Ngôn ngữ tuyệt vời nhứt, là ngôn ngữ trong đó không có ngôn từ, không nằm trong sinh diệt. Vô ngôn, hữu ngôn, thị ngôn… tất cả đều nhạt nhòa, tan biến tự bao giờ._

Như Hùng