Bờ bên kia và bờ bên này

Làm sao con có thể đi sang bờ bên kia khi con đang cố gắng được ở đây bây giờ? Nó thành đống lộn xộn trong tâm trí con khi con nghĩ về điều đó, nhưng ở đâu đó trong tim con cảm thấy một loại thảnh thơi.
Deva Darpan, "bờ bên kia" chỉ là biểu dụ thôi. Không có bờ bên kia đâu; đây là bờ duy nhất có đó. Ở đây bây giờ là đi vào bờ bên kia đấy.


Chúng ta có thể sống theo hai cách: chúng ta có thể sống theo thời gian hoặc chúng ta có thể sống trong vĩnh hằng. Nếu chúng ta sống theo thời gian, nói một cách biểu dụ điều đó được gọi là "bờ bên này"; nếu chúng ta sống trong vĩnh hằng, nói một cách biểu dụ điều đó được gọi là "bờ bên kia." Cổng đi vào vĩnh hằng là ở đây bây giờ. Sống trong thời gian là sống hoặc trong quá khứ hoặc trong tương lai.
Tâm trí sống theo thời gian - tâm trí là thời gian. Nó bao giờ cũng dính líu tới quá khứ hoặc với tương lai - và cả hai đều không có. Quá khứ không còn nữa, tương lai thì chưa tới, và tâm trí sống trong cái gì đó không có. Sự tồn tại của tâm trí là sự tồn tại rỏm, rất mù mờ; nó chỉ là sự phản xạ trong tấm gương, mặt trăng được nhìn phản xạ trong hồ.
Ở đây bây giờ nghĩa là thoát ra khỏi thời gian. Bạn sẽ phải tự kéo mình ra khỏi quá khứ, bạn sẽ phải đi ra khỏi quá khứ. Bạn sẽ phải tụt ra khỏi quá khứ như con rắn tụt ra khỏi bộ da cũ. Và bạn sẽ phải rất tỉnh táo không bị dính líu vào tương lai - phóng chiếu, mơ mộng tương lai. Nếu bạn có thể tránh được quá khứ và tương lai thì bạn tỉnh táo, bạn nhận biết.
Đó là điều Phật ngụ ý bởi sammasati - nhận biết đúng. Thế thì bạn ở bây giờ và bạn ở đây. Bạn còn có thể ở chỗ nào khác được? Đó là nơi bạn thực sự hiện hữu!
Cho dù bạn cứ đi vào quá khứ và vào tương lai, tất cả những khoảnh khắc đó đều giống như giấc mơ. Bạn rơi vào buồn ngủ, bạn vẫn còn trong phòng của mình, nhưng trong giấc mơ bạn có thể vẩn vơ khắp trái đất, hay bạn có thể đi tới các hành tinh, tới mặt trăng, hay tới các vì sao. Nhưng vào buổi sáng khi bạn thức dậy bạn sẽ không thấy mình trên cung trăng. Bạn có thể trong cả đêm đã ở trong giấc mơ của mình trên cung trăng; bạn thức dậy trong phòng của mình. Cho nên khi bạn bước trên trăng trong giấc mơ, bạn vẫn ở trong phòng của mình - thực sự bạn vẫn ở trong phòng của mình.
Chúng ta bao giờ cũng trong hiện tại; không có chỗ nào khác để hiện hữu cả. Nhưng chúng ta có thể mơ, chúng ta có thể tưởng tượng, chúng ta có thể sống lại những kí ức, chúng ta có thể phóng chiếu trong tương lai những ảo tưởng lớn... nhưng chúng ta vẫn ở đây bây giờ! Cái ngày, cái khoảnh khắc bạn trở nên nhận biết rằng bạn ở đây và bạn không thể ở chỗ nào khác được, rằng bạn ở đây và bạn không thể ở đó, thì bạn chìm vào trong thực tại, bạn đi tới chiều sâu của bản thân thực tại, bạn thay đổi cơ cấu của mình từ thời gian sang vĩnh hằng.
Chữ thập theo nghĩa nguyên thuỷ của nó đã biểu thị cho thời gian và vĩnh hằng. Nó không biểu thị đơn thuần cho việc đóng đinh Jesus; chữ thập là một biểu tượng cổ hơn Jesus. Thực tế nó chỉ là một phần của biểu tượng phương Đông cổ đại, swastika, chỉ như một phần của nó. Swastika ở phương Đông bao giờ cũng biểu thị cho thời gian và vĩnh hằng; chữ thập cũng biểu thị thời gian. Thời gian là theo chiều ngang, nó là tuyến tính; nó đi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Và đường chiều dọc trên cây thánh giá biểu diễn cho vĩnh hằng - chiều sâu, chiều cao. Trong thời gian bạn bơi, trong vĩnh hằng bạn chìm.
Ở đây bây giờ đơn giản nghĩa là lỗ hổng này giữa quá khứ và tương lai, khoảng hở nhỏ này. Từ khoảng hở nhỏ này bạn đi vào trong một thế giới hoàn toàn khác - thế giới đó được gọi là "bờ bên kia."
Darpan, bạn không cần phân vân. Nhưng đôi khi nếu bạn bám lấy các biểu dụ quá theo từng chữ bạn có thể trở nên rất lẫn lộn. Và tôi phải dùng biểu dụ; không có cách nào để diễn đạt cái không thể thực sự được diễn đạt, để diễn đạt cái mà về nó quá trình đúng duy nhất là trở thành im lặng. Cách thức có thể duy nhất là dùng biểu dụ, ngụ ngôn, chuyện kể, bởi vì chúng cho bạn hướng dẫn gián tiếp.
Thực tại là mảnh mai và mong manh thế; nó giống như bông hoa rất mảnh dẻ. Nếu bạn cố bắt giữ nó một cách trực tiếp bạn phá huỷ nó. Bạn không thể giữ nó trong nắm tay của mình được; nó rất linh động. Bạn chỉ có thể đi vào theo cách rất gián tiếp, và chuyển động của bạn phải là rất tinh tế - thậm chí tiếng bước chân cũng phải không được nghe thấy. Bạn chỉ có thể thì thào với thực tại; bạn không thể kêu lên và bạn không thể tranh cãi.
Đó là điều biểu dụ là gì: cuộc đối thoại được thực hiện trong tiếng thì thầm, cuộc đối thoại được thực hiện theo cách thơ ca; không theo văn xuôi, không rõ ràng, không toán học - mơ hồ, huyền bí. Bạn không thể tấn công thực tại được; bạn chỉ có thể thuyết phục, bạn có thể quyến dũ thực tại. Nó là chuyện tình, không phải là cưỡng đoạt.
Đó là chỗ tôn giáo và khoa học khác nhau. Khoa học là một loại cưỡng đoạt thực tại. Nó cố gắng giành lấy chân lí từ thực tại bằng vũ lực, bạo hành; do đó nó phá huỷ sự thăng bằng tự nhiên, sự cân bằng tự nhiên. Nó phá huỷ sinh thái, nó phá huỷ sự hài hoà, sự hoà hợp của sự tồn tại. Nó là việc cưỡng đoạt, bởi vì khoa học nói theo ngôn ngữ của chinh phục.
Tôn giáo là chuyện tình, nó không phải là cưỡng đoạt. Tôn giáo tán tỉnh thực tại, thuyết phục, dần dần, dần dần theo cách rất gián tiếp. Người ta phải duyên dáng trang nhã, do đó mới có những biểu dụ này.
"Bờ bên kia" là một biểu dụ đẹp, nhưng để tôi nhắc bạn: đây là bờ bên kia, cái này là cái kia đấy. Bạn không thay đổi bờ đâu, bạn đơn giản dần thay đổi tâm thức của mình. Sự thay đổi phải không xảy ra ở bên ngoài - không phải là bạn đáp chiếc thuyền, chiếc phà, và bạn đi sang bờ bên kia đâu. Điều đó sẽ là sự thay đổi trong hoàn cảnh bên ngoài. Không, bạn vứt bỏ tâm trí và bạn trở thành tâm thức, và bờ bên kia đã tới. Bạn không phải đi cho dù một li, bạn có thể chẳng làm gì hết cả - bạn có thể đơn giản chỉ ngồi với mắt nhắm...
Đó là điều Phật đã làm khi ông ấy đạt tới bờ bên kia. Ở Bodhgaya ông ấy đã ngồi dưới gốc cây bên cạnh dòng sông Niranjana. Lúc đó là sáng sớm, buổi sáng đẹp, im lặng, và ông ấy mở mắt ra. Ngôi sao cuối cùng đang biến đi khỏi bầu trời; ông ấy thấy ngôi sao cuối cùng đang biến đi, và cái gì đó bên trong, trong ông ấy, cũng biến mất... dấu vết cuối cùng của bản ngã. Bầu trời trở thành trống rỗng, ông ấy trở thành trống rỗng, và hai cái trống rỗng này gặp gỡ, hội nhập, tan chảy vào nhau. Bầu trời đi vào ông ấy, ông ấy đi vào bầu trời.
Ở phía thấy được, phía bên ngoài, chẳng có gì thay đổi cả; mọi thứ đều đích xác như cũ. Sông Niranjana vẫn tiếp tục chảy, chim chóc phải vẫn tiếp tuch hót; thậm chí không một cái lá rụng khỏi cây, chẳng cái gì đã thay đổi... và tất cả đã thay đổi. Bây giờ Phật không còn là tâm trí nữa; ông ấy đã trở thành thiền. Ông ấy không còn trong ý nghĩ; ông ấy đã trở thành nhân chứng thuần khiết, một sakshin.
Đây là bờ bên kia mà tôi đang nói tới.
Đó là lí do tại sao khi bạn nghĩ, Darpan này, bạn cảm thấy chút ít bị lẫn lộn, nhưng khi bạn không nghĩ về nó bạn cũng cảm thấy một loại thanh thản. Hãy quan sát! Lẫn lộn phải còn lại trong đầu và thanh thản ở trong tim. Trái tim có lí do riêng của nó, cách thức riêng của nó để hiểu mọi thứ.
Khi tôi nói với bạn, tôi không chỉ nói cho tâm trí bạn - đó chỉ là phần bên ngoài thôi. Điều thực sự được truyền giữa tôi và bạn là cái gì đó của trái tim. Tâm trí được dùng như bậc đá đi tới trái tim, có vậy thôi. Tôi đang dùng lời như bậc đá, như phương tiện, không như mục đích trong bản thân chúng.
Đó là lí do tại sao hai điều này được bạn cảm thấy đồng thời: sự lẫn lộn trong đầu và sự thảnh thơi sâu sắc trong tim. Trái tim hiểu - trái tim hiểu rằng khoảnh khắc này, ở đây bây giờ, là bờ bên kia. Nhưng trái tim không thạo nói; cái đầu rất thạo nói. Đây là một trong những điều khó xử: cái đầu không thể hiểu được nhưng lại rất hay nói, còn trái tim có thể hiểu được nhưng lại không thạo nói. Nó hiểu nhưng việc hiểu của nó vẫn còn im lặng; thực tế nó càng hiểu điều đó nhiều hơn, nó càng trở nên im lặng hơn. Cái đầu chẳng hiểu gì; thực tế nó càng ít hiểu, nó càng ồn ào hơn. Bạn phải thấy ra điều này.
Hãy dùng cái đầu để đạt tới trái tim, nhưng đừng trở nên bị bắt rễ vào đầu. Đừng ở lại đó! Hãy dùng nó làm bậc đá, làm cầu thang, nhưng đừng làm nhà bạn ở đó; bằng không cả đời bạn sẽ toàn lẫn lộn, lo âu, khổ sở. Hãy dùng nó, và quên hết về nó đi. Hãy đi vào trong đầu và nghe điệu vũ im lặng của năng lượng trái tim. Hãy nghe bài ca thảnh thơi, thanh thản của trái tim, âm thanh vô âm, tiếng vỗ tay của một bàn tay.
Trái tim rất gần với bí ẩn của sự tồn tại; cái đầu là ở xa nhất. Cái đầu là bờ bên này và trái tim là bờ bên kia - nhưng bạn đã ở bờ bên kia rồi. Cái đầu đơn giảm mơ mọi thứ. Khi bạn thoát ra khỏi cái đầu bạn đơn giản thoát ra khỏi cái gì đó mà chưa bao giờ tồn tại ngay chỗ đầu tiên.

Trích từ "Dhammapada - Con đường của Phật - tập 4"