Chứng Đạo Ca "Ca khúc hoan hỷ giải thoát ra khỏi ngũ uẩn"

(Khandhavimutti Samangid)
Ngài Phra Ajaan Mun Bhùridatto Mahàthera (1870-1949) chắc chắn là nhà sư Phật Giáo được kỉnh mộ nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan, thời hiện đại. Ngài xuất gia vào năm 1893 và phần lớn sống du phương trong rừng tại Thái Lan, Miến Ðiện và Lào để hành thiền. Ngài có một số lớn đệ tử, và cùng với sư thầy -- Ngài Phra Ajaan Sao Kantasìla Mahàthera -- thiết lập truyền thống tu sĩ ẩn dật trong rừng, ngày nay lan rộng tại Thái Lan và nhiều quốc gia khác.hamma)





Mặc dầu nổi tiếng là một vị đạo sư, rất ít những lời dạy của Ngài được ghi chép lại cho hậu thế. Chỉ còn một quyển sách mỏng lưu truyền vài thời Pháp của Ngài, tựa đề Muttodaya (Tâm Giải Thoát) đã được ấn hành khi Ngài còn tại thế. Thông thường các đệ tử tin rằng chính Ngài không hề viết lại những lời dạy. Tuy nhiên sau khi Ngài viên tịch, bài thơ sau đây được tìm ra trong đám giấy tờ để lại. Như đã có ghi trên trang cuối cùng, bài thơ được soạn thảo nhân một lần Ngài tạm lưu ngụ tại Wat Srapatum (Chùa Ðầm Sen), Bangkok, có thể vào đầu thập niên 1930. Hình như vào lúc bấy giờ có một bài thơ nặc danh cũng đề cập đến pháp hành thiền, được ấn hành tại Bangkok, đã gợi nguồn cảm hứng cho Ngài. Vì cả hai bài thơ đều bắt đầu tương tợ nhau -- ba mươi chín hàng đầu khởi sự với đoạn "Thuở nọ có một người tự thương mình ... " Tuy nhiên bài thơ của Ajaan Mun sau đó phát triển theo một chiều hướng đặc biệt cho thấy có sự hiểu biết sâu xa và sắc bén hơn nhiều về công trình trau giồi rèn luyện tâm.
Công việc phiên dịch bài thơ gặp phải một số vấn đề khó khăn. Ðọc bản thảo rất khó. Ngài Ajaan Mun viết bằng tay, theo ngôn ngữ thời xưa khi tiếng Thái chưa được phổ cập đúng theo tiêu chuẩn hiện nay, chữ viết để lâu nét mực lem luốt khó đọc, và vài chữ về sau lại có người thêm thắt sữa đổi. Ðó là điểm khó khăn riêng biệt khi dịch bài thơ nầy. Còn điểm khó khăn thông thường là phải tìm danh từ Anh ngữ cho đúng với ý nghĩa của chữ Thái được dùng trong văn thơ. Những chữ Thái nầy đã được thận trọng chọn lọc để thích hợp với vần thơ, nhịp thơ, âm tiết và đôi khi không theo cú pháp. Văn phạm phần nào giống như lối văn chương dùng để đánh điện tín hay viết cái tựa lớn cho tờ báo. Lối hành văn nầy giúp cho câu thơ tiếng Thái, khi được đọc lên nghe nhẹ nhàng êm dịu và ý nghĩa dồi dào phong phú, nhưng lúc muốn chuyển dịch chính xác sang một ngôn ngữ khác thì quả thật là rối ren -- một bài học quý giá cho những ai cảm nghĩ rằng có thể diễn đạt chân lý qua ngôn từ.
Trong bản dịch sau đây tôi cố gắng theo sát ý nghĩa từng chữ càng nhiều càng tốt nhưng đôi khi cũng cần phải gọt giũa để người đọc bản tiếng Anh có thể hiểu dễ dàng. Bởi vì bài thơ được đặt theo lối văn nằm giữa hai hình thức -- klon và rai -- tôi cố gắng tạo hiệu quả tương tợ trong bản tiếng Anh bằng cách xen kẻ câu thơ không vần và câu thơ vần tự do. Kết quả có thể quá theo nghĩa từng chữ để giống như vần thơ, nhưng thiết nghĩ rằng người đọc sẽ quan tâm đến ý nghĩa nhiều hơn là hiệu quả của ngôn từ. Những trường hợp sửa đổi tự do nhất trong bài nầy được đặt trong dấu ngoặc như trong đoạn - mỉa mai đề cập đến cơn ghiền lầm lạc sửa chữa những sự vật -- theo bổn chánh hình như có sửa đổi.
Người đọc sẽ ghi nhận rằng ở một vài nơi bài thơ hình như đột ngột nhảy vọt từ vấn đề nầy sang đề tài khác. Trong vài trường hợp có sự đổi thay để thích hợp với vần thơ, nhưng ở nhiều nơi khác thật sự không phải nhảy sang một đề tài khác. Nên nhớ rằng bài thơ tác dụng trên nhiều tầng lớp. Ðặc biệt có hai tầng lớp theo song song nhau suốt bài. Ðó là: (1) phân tách sự lầm lạc bên ngoài, gom tâm nhắm vào lỗi của người khác thay vì nhìn lại lỗi của chính mình; và (2) thảo luận về sự lầm lạc bên trong tâm, nhìn vào (và chỉ trích) những uẩn như phần nào tách rời sự cố gắng của chính mình để hiểu biết nó. Những lời có chiều hướng nhắm thẳng vào một tầng lớp cũng gián tiếp áp dụng cho tầng lớp kia. Như vậy bài thơ thật sự bao gồm một phạm vi thực hành rộng rãi hơn là hình như nó là vậy nếu ta đọc thoáng qua. Ðây là một tác phẩm đáng được đọc tới đọc lui nhiều lần.
Nơi đây, tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ vô giá của Ngài Phra Ajaan Suwat Suvaco (Phra Bodhidhammàcariya Thera) đã rọi sáng cho tôi vài đoạn gút mắt trong bài thơ. Những điểm sai lầm còn lại dĩ nhiên là của tôi.

Thànissaro Bhikkhu
Mettà Forest Monastery
Valley Center, CA 92082-1409
U.S.A.

-ooOoo-

Thuật ngữ

Dhamma [*]: Pháp, một cách tổng quát danh từ nầy có nhiều tầng lớp ý nghĩa: đường lối của sự vật và chính tự sự vật là vậy; những lời dạy của Ðức Phật về đường lối, hay bản chất thiên nhiên, của sự vật; phương pháp thực hành những lời dạy ấy để trau giồi và rèn luyện tâm; và sự chứng ngộ trạng thái Bất Diệt, mục tiêu của pháp hành. Chín Pháp siêu thế là Ðạo và Quả của bốn tầng Giác Ngộ -- Nhập Lưu, Nhứt Lai, Bất Lai, và A-La-Hán -- và Niết Bàn (nibbàna - nirvàna).
[*] Thông thường danh từ Dhamma được dịch là Pháp. Theo sự giải thích trên có ba Pháp: 1. Pháp Học, những lời dạy của Ðức Phật; 2. Pháp Hành, phương pháp thực hành những lời dạy ấy; và 3. Pháp Thành, mục tiêu của pháp Hành, chứng ngộ trạng thái Bất Diệt. (Lời người dịch)
Jhàna: Thiền, trạng thái toàn định, vững chắc tập trung tâm an trú vào một cảm giác (thọ) hay một ý nghĩ.
Kamma: Nghiệp, hành động có tác ý, có chiều hướng dẫn đến sự tái sanh vào một kiếp sống mới.
Khandha: Uẩn, những phần hợp lại thành năm nhóm tri giác gọi là Ngũ Uẩn. Ðó là rùpa (sắc uẩn, những hiện tượng vật lý); vedanà (thọ uẩn, những cảm giác vui thích, đau khổ hay trung tính, không-lạc, không-khổ); sannà (tưởng uẩn, khái niệm, nhãn hiệu, dấu hiệu); sankhàra (hành uẩn, sinh hoạt tâm linh, những tiến trình); và vinnàna (thức uẩn, sự hay biết).

-ooOoo-

Chứng đạo ca
Ca khúc hoan hỷ giải thoát ra khỏi ngũ uẩn

Namatthu sugatassa
Panca dhamma-khandhàni


Con xin khấu đầu đảnh lễ Ðấng Thiện Thệ,
bậc Tối Thượng Sư, dòng Thích Ca,
bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác;
và chín Pháp Siêu Thế
cùng Giáo Hội chư Thánh Tăng.


Giờ đây xin giản lược trình bày
Pháp Ngũ Uẩn, theo như con được hiểu.

Thuở nọ có một anh chàng hết lòng tự thương mình
và kinh sợ phiền não. Anh muốn được hạnh phúc,
loại hạnh phúc vượt khỏi mọi hiểm nguy,
và như thế anh mãi mãi thênh thang đi tìm.
Nơi nào người ta nói có hạnh phúc.
là anh khát khao nóng lòng muốn đến,
nhưng bước thênh thang quả thật xa xăm diệu vợi.
Anh là hạng người tự thương mình
và thật sự sợ hãi cái chết. Anh thật lòng muốn
thoát ra khỏi cảnh già và chết.
Rồi ngày kia anh chợt tỉnh hiểu thấu chân lý
loại bỏ nguyên nhân của đau khổ và
các pháp hữu vi. Anh tìm thấy
một hang động đầy kỳ quan, thần diệu phi thường,
hạnh phúc vô cùng tận -- tức là thân nầy.
Trong khi mê mệt ngắm nhìn hang động kỳ quan,
nỗi khổ đau của anh tan biến, cơn sợ hãi dịu dần.
Anh nhìn đi và ngắm lại quanh hòn núi,
chứng nghiệm an lạc vô biên.
Ngại ngùng nếu đi gặp bạn bè và tường thuật câu chuyện,
họ sẽ bảo rằng anh khùng điên. Vì thế anh đơn độc
hưởng thụ tâm vắng lặng, từ bỏ ý định tiếp xúc với ai khác,
còn hơn là thơ thẩn vẩn vơ
giữa những người chỉ trích chê bai
và những người tâng bốc tán dương khen tặng,
mệt mỏi và chán nản phiền muộn.
Nhưng rồi có một người khác cũng sợ chết,
tâm hồn khô héo úa tàn và thất vọng.
Người ấy đến gặp tôi và thành thật
than thở với một giọng đáng thương. Anh nói,
"Từ lâu rồi Sư cố gắng hành thiền.
Vậy Ngài đã thấy được chưa
Giáo Pháp thật sự hằng mơ ước?"
(Ồ! Làm thế nào người nầy biết được tâm mình?)
Anh xin ở lại, và tôi đồng ý.
"Tôi sẽ đưa ông đến một hòn núi vĩ đại
với hang động kỳ quan huyền diệu tuyệt trần
không có khổ đau và ràng buộc:
chánh niệm thấm nhuần toàn thể châu thân.
Ông có thể ngắm nhìn nó trong khi nhàn rỗi
để làm mát dịu tâm hồn và chấm dứt ưu phiền.
Ðó là con đường của bậc Thánh Nhân.
Tùy ông đi cùng không,
Tôi không lừa gạt hay cưỡng bách,
chỉ nói cho ông biết sự thật là thế nào."
Thế rồi tôi hỏi đố ông vài câu bí ẩn: Trước tiên:

"Cái gì chạy?"

"Cái gì nhanh chóng chạy là vinnàna, thức.
Những tác động bước tới, từng hàng,
bước nầy kế tiếp bước kia.
Không nghi ngờ sannà, tưởng uẩn, tin chắc nó là đúng,
nên tâm bị chụp lấy trong khi lăng xăng chạy tới lui.
Tưởng, sannà, xông vồ tới, nắm chặt những sự vật bên ngoài
rồi kéo lôi vào trong để phỉnh gạt cái tâm.
Làm cho tâm suy nghĩ mơ hồ và chạy ra ngoài tìm kiếm,
rồi lang thang lạc lối.
Sanna, tưởng, giống như một ảo cảnh,
lừa dối phỉnh gạt tâm với nhiều hình ảnh khác nhau."

"Cái gì hoàn toàn thoát khỏi ngũ uẩn?"

"Dĩ nhiên là tâm, và duy nhất chỉ có tâm.
Tâm không nắm giữ hoặc rối loạn bị dính kẹt.
Không còn bị chất độc của quyền sở hữu,
không còn si mê,
đứng vững một mình.
Sannà, tưởng không còn có thể mê hoặc phỉnh lừa
quyến rũ chạy theo."

"Khi nói có sự chết, cái gì chết?"

"Sankhàras, hành uẩn chết, diệt trừ hậu quả của nó."
"Cái gì cột tâm vào vòng quanh?"
"Mánh khoé quỷ quyệt của sannà, tưởng, quay cuồng tâm.
Tâm lạc lối vì tín nhiệm sannà, tưởng,
nên bị vướng trong những gì nó ưa thích,
rời cảnh giới nầy của chúng sanh,
rồi đi đến cõi kia, mãi mãi xoay tròn
cho đến khi choáng váng mặt mày,
tự quên hẳn mình,
tự hãm mình hoàn toàn trong đêm tối.
Dầu tận lực cố gắng cách nào để tìm Giáo Pháp
cũng không thể nhoáng thấy."

"Cái gì khám phá ra Giáo Pháp?"

"Cái tâm khám phá,
cố tìm cho ra tại sao sannà, tưởng, nói 'tốt'
và tâm chụp bắt điều 'xấu'
rồi cưỡng bách tâm tự trói chặt vào thương và ghét."
"Ăn một lần và không bao giờ tìm ăn thêm nữa."
"Chấm dứt tình trạng muốn nhìn, muốn hiểu biết,
và hy vọng muốn biết thêm,
Chấm dứt tình trạng kẹt dính trong rối loạn.
Tâm ngồi yên trên cái bệ của nó,
buông bỏ, không vướng mắc.

"Một cái hồ bốn vách, nước đầy ngập đến miệng."

"Chấm dứt ham muốn, loại bỏ hoài nghi,
trong sạch, không vướng bụi trần, và thoát khỏi hiểm họa.
Sannà, tưởng, lắng đọng, sankhàra, hành, không khuấy rầy.
Như thế ấy, tâm tràn đầy tới miệng, không gì thiếu.
Yên tĩnh và vắng lặng, tâm không ý nghĩ buồn phiền:
điều đáng cho ta thích thú ngắm nhìn
ngày nầy qua ngày khác.
Dầu thọ lãnh hàng triệu kho báu ở cảnh trời
cũng không sánh bằng tình trạng hiểu biết thật sự
làm buông xả các hành, sankhàras.
Ðiều chánh yếu nòng cốt: chấm dứt tham vọng.
Nhãn hiệu nằm trong phạm vi của nó
và không xen vào can thiệp.
Cái tâm, không say mê với bất luận gì,
chấm dứt mọi tranh đua.
Cũng như ta lấy mặt gương
và nhìn phản ảnh của mình trong đó:
Không nên bám níu vào sannà, tưởng,
nó cũng giống như hình ảnh của ta trong mặt gương.
Không nên để những vấn đề của hành, sankhàra, nhiễm độc.
"Khi tâm hoạt động, ta có thể nhìn thấy
cái tâm chính thật, không giả mạo.
Ta biết chắc rằng sự di động nằm bên trong mình
vì nó đổi thay, biến chuyển.
Tình trạng thay đổi vô chừng
là tính chất của tâm,
Không cần phải chỉ trích ai khác.
Ta biết những loại uẩn khác nhau
trong sinh hoạt của tâm.

"Trước đây tôi ngỡ rằng tưởng, sannà, là tâm,
cái tâm dán nhãn đặt tên 'bên trong' và 'bên ngoài',
vì lẽ ấy tôi bị lừa gạt.
Giờ đây biết rằng tâm đảm trách nhiệm vụ,
không còn phân vân,
không hy vọng nương tựa vào bất luận sannà, tưởng, nào.
Bất cứ gì phát sanh và hoại diệt
không cần phải làm chủ
hoặc cố gắng ngăn ngừa nó."

"Cũng dường như leo tận đỉnh cao
của một ngọn núi thật sự khổng lồ và
nhìn trở xuống vùng đồng bằng phía dưới,
thấy mọi chúng sanh."

"Từ trên cao ngất trời nhìn trở xuống
Ta thấy tất cả mọi sự việc của ta
từ lúc sơ khai,
cấu thành một con đường,
giống như những nấc thang."
"Thủy triều của một con sông -- nước ròng rồi nước lớn --
có hợp với Chân Lý không?"

"Ta không thể sửa đổi tình trạng biến chuyển đổi thay
của sankhàra, hành.
Do nghiệp uốn nắn,
nó ra đời, không phải để làm cho ai phiền muộn.
Nếu ta nắm giữ lại
để đẩy nó đi đầu nầy đầu kia,
tâm phải trở thành ô nhiễm và lầm lạc.
Chớ nên nghĩ đến việc kháng cự
đường lối thiên nhiên của sự vật.
Hãy để cho cái tốt và cái xấu theo con đường của chính nó.
Ta chỉ giản dị
tự giải phóng.
Không để vướng víu trong hành uẩn:
Ðó là trạng thái thanh bình và mát mẻ.
Khi hiểu biết chân lý,
ta phải buông bỏ, để sankhàra, hành, trôi qua
vừa khi thấy sự biến chuyển của nó.
Khi đã mệt mỏi chán chê
ta sẽ để nó đi dễ dàng, không cần phải cưỡng bách.
Giáo Pháp mát mẻ.
Tâm sẽ dừng lại
vì phải chịu sự vật.

"Hoàn tất năm nhiệm vụ?"

"Các uẩn phân chia vấn đề
làm năm lãnh vực,
mỗi lãnh vực có những nhiệm vụ và phần việc của nó.
không còn chỗ cho cái nào khác,
bởi vì hai tay nó đã đầy --
không còn chỗ để nắm giữ
tài sản, địa vị, lời khen, hạnh phúc,
mất tài sản, mất địa vị, tiếng chê, đau khổ.
Ðể cho mỗi điều ấy theo bản chất thiên nhiên,
thích hợp với chân lý của nó.
Tâm không vướng mắc rối ren
với bất luận cái nào trong tám điều ấy,
vì sắc uẩn liên tục tạo cảnh già nua và bệnh hoạn,
không ngừng.
Danh uẩn không bao giờ nghỉ ngơi.
Cả hai làm việc như cái máy
vì phải gánh chịu nghiệp quả
của những gì nó đã làm:
Những điều tốt làm cho nó say mê và hoan hỷ,
Ðiều xấu khuấy động và làm cho tâm tối đen,
luôn luôn phải suy tư
giống như đang bị lửa thiêu đốt.
Tâm bị ô nhiễm và ngu si đần độn.
Thương và ghét của nó
là những gì tự chính nó suy tưởng nghĩ đến,
vậy thì có thể trách móc ai?
"Ta có muốn thoát ra khỏi cảnh già và chết không?
Ðiều ấy ngoài tầm mức có thể làm được,
cũng giống như muốn
tâm dừng bước thênh thang quanh quẩn và nghĩ suy,
muốn nó ở lại một nơi
và hy vọng tùy thuộc nương nhờ nơi sự đứng yên của nó.
Tâm là cái gì biến chuyển, hoàn toàn bất định.
Sannà, tưởng, chỉ thỉnh thoảng dừng lại một nơi.
Một khi ta trưởng thành trong sự hiểu biết bản chất
của tất cả năm uẩn,
tâm sẽ sáng tỏ và trong sạch,
không ô nhiễm, không còn vấn đề.
Nếu có thể thấu hiểu như vậy,
đó là mức tối thượng,
vì ta đã thấy chân lý,
buông bỏ, rút ra khỏi,
và chứng ngộ giải thoát.
Ðó là mức cuối cùng của con đường.
Ta không kháng cự đường lối thiên nhiên --
chân lý của sự vật.
Nghèo và giàu, tốt và xấu,
nối tiếp hàng dài theo diễn biến bên trong và bên ngoài,
tất cả đều phải trôi qua và tan biến.
Ta không thể nắm giữ lại bất luận gì
mà tâm nhắm đến.
"Giờ đây, khi cái tâm, vốn tự nó là vô chừng, bất định
-- di động, nhanh chóng -- và ta chụp bắt được nó,
đó là khi ta đã tìm được thoải mái cùng tột.
Chuyện nhỏ che tối hiểu biết của ta về những chuyện lớn.
Ngũ uẩn che tối Giáo Pháp hoàn toàn,
và vì lẽ ấy ta lạc nẻo.
Ta phung phí thì giờ
mãi ngắm nhìn ngũ uẩn mà không thấy Giáo Pháp.
Mặc dầu to lớn hơn ngũ uẩn,
Giáo Pháp, ta xem hình như cát bụi."
"Có đó, không đó. Không có, nhưng vẫn có."

"Ðến đây tôi hoàn toàn gặp khó khăn
và không thể hình dung tưởng tượng.
Xin Ngài vui lòng giải thích ý nghĩa của nó."

"Có sự ra đời

của những nguyên nhân và hậu quả khác nhau,
nhưng nó không phải là chúng sanh,
không tồn tại vững bền,
tất cả đều hoại diệt.
Ðiều nầy làm sáng tỏ
ý nghĩa của điểm thứ nhất:
Có đó, không đó.
Ðiểm thứ nhì, không có, nhưng vẫn có.
Ðoạn nầy hàm ý Giáo Pháp sâu xa,
mức cuối cùng của tam giới chúng sanh,
đến đây không còn sankhàra, hành
nhưng vẫn còn Giáo Pháp kiên cố, ổn định vững bền.
Ðó là Giáo Pháp Kỳ Diệu Vô Song, đúng thật là vô nhị.
Giáo Pháp là Một và không biến chuyển,
thù thắng hơn tất cả chúng sanh, vô cùng tĩnh lặng.
Ðó là đối tượng của cái tâm không chao động,
yên tĩnh và ngừng nghỉ,
vắng lặng và sáng tỏ.
Không còn bị mê hoặc,
không còn bị kích thích,
mọi tham vọng đều bị bứng nhổ tận gốc rễ,
không còn phân vân lưỡng lự,
những rối ren vướng mắc của nó với ngũ uẩn
tất cả đều chấm dứt và lắng dịu,
những phương tiện vào tam giới chúng sanh đều bị bẻ gãy,
vứt bỏ quẳng đi lòng ham muốn tự phụ,
chấm dứt thương ghét,
không còn sở hữu,
tất cả phiền toái đều được chữa trị
đúng như tâm đã ước nguyện."

"Xin Ngài vui lòng giải thích thêm con đường của tâm,
bằng một lối khác,
và nguyên nhân sanh đau khổ trong tâm
đã che lấp Giáo Pháp."

"Nguyên nhân sanh đau khổ quả thật nhiều vô số kể,
nhưng chỉ giản lược tóm tắt.
Chính là tình thương
hằng bóp nhói cái tâm,
làm tâm bận rộn lo âu sợ hãi cho ngũ uẩn.
Nếu Giáo Pháp luôn luôn ở với tâm
ắt chấm dứt mọi luyến ái,
và không còn nguyên nhân tạo đau khổ:
Hãy nhớ điều nầy: đây là con đường của tâm.
Ta không cần chạy theo quay quần với nó
đến độ choáng váng mặt mày.
Cái tâm, khi không có Giáo Pháp cùng ở với nó,
sẽ bám níu vào, luyến ái điều gì nó thích,
lo sợ cho ngũ uẩn,
và chìm sâu trong nguyên nhân sanh đau khổ.

"Như vậy tóm tắt, có đau khổ
và có Giáo Pháp
luôn luôn cùng ở với tâm.

Hãy quán tưởng, suy niệm điều nầy
cho đến khi thấy chân lý,
tâm sẽ hoàn toàn mát mẻ.
Tuy nhiên dù hạnh phúc và đau khổ
trọng đại to lớn đến đâu,
Nó không làm cho ta kinh sợ.
Không còn say sưa chìm đắm
trong nguyên nhân của đau khổ,
tâm sẽ suôn sẻ an lành.
Chỉ hiểu biết bấy nhiêu đó cũng đủ
làm dịu bớt cơn sốt trong lòng,
và an nghỉ trên đường tìm giải thoát.
Tâm hiểu biết Giáo Pháp quên đi
cái tâm luyến ái bụi trần.
Tâm hiểu biết Giáo Pháp dễ dàng
chắc chắn thấy rằng ngũ uẩn lúc nào cũng căng thẳng.
Giáo Pháp vẫn là Giáo Pháp,
ngũ uẩn là ngũ uẩn, chỉ thế thôi.


"Còn câu
'mát mẻ, thoải mái và thoát khỏi cơn sốt'
hàm ý rằng tâm tự nó cứu lấy nó,
vượt ra khỏi cơn ghiền lầm lạc
[sửa chữa những vật khác].

Hành uẩn, sankhàra, không mang lại hạnh phúc nào
và thật sự là đau khổ,
bởi vì nó phải già, bệnh, và chết mỗi ngày.
Khi tâm hiểu biết Giáo Pháp tối thượng,
tâm tự rút tỉa những lầm lạc ô nhiễm
đã làm cho cơn bệnh càng trầm trọng thêm.
Lầm lạc ấy là một lỗi lầm trọng đại của tâm.
Nhưng khi thấy rõ Giáo Pháp,
tâm loại trừ lầm lạc,
và sẽ không còn chất độc trong mình.
Khi tâm thấy Giáo Pháp,
dồi dào tốt đẹp và thoát khỏi mọi lầm lạc,
gặp được Giáo Pháp, nó bỏ rơi lại tất cả những sự vật
đã làm cho nó áy náy bồn chồn.
Tâm chú niệm và tự hay biết mình,
không vướng mắc rối ren bận rộn.
Tình thương đeo níu ngũ uẩn chấm dứt,
lòng ưa thích được chữa trị,
những mối lo âu không còn,
tất cả bụi trần đều phủi sạch.
Dầu tâm có suy tư theo đúng với bản chất của nó,
không nên cố gắng chận đứng nó lại.
Và khi ta không ngưng
nó sẽ không chạy nhảy hoang dại,
điều nầy tránh cho ta khỏi mọi khuấy động.

"Hiểu biết rằng điều bất thiện sẽ đến
do tình trạng kháng cự chân lý."

"Bất thiện pháp đến

vì ta không hiểu biết.
Nếu đóng chặt lại cánh cửa mở vào tình trạng
điên rồ đần độn, cuối cùng ắt có thoải mái dễ chịu.
Tất cả điều ác dần dần im lặng, tuyệt đối yên tĩnh.
Tất cả năm uẩn đều đau khổ,
không có hạnh phúc chút nào.
"Trước đây tôi ngu si đần độn và ở trong tình trạng tăm tối
giống như sống trong một hang động.
Lòng ham muốn ước mong được thấy Giáo Pháp,
tôi cố gắng chụp bắt cái tâm và giữ cứng nó lại.
Tôi chụp được và bắt những cái nhãn hiệu tâm linh
lòng ngỡ rằng đó là tâm
cho đến khi thành thói quen.
Tôi làm như thế trong một thời gian thật lâu,
say mê ngắm nhìn nó.
Những cái nhãn hiệu tinh thần giả mạo che mờ tâm
và tôi si mê đắm đuối chơi đùa
với các uẩn (khandha) --
Quả thật đáng thương hại cho tôi!
thật tội nghiệp cho tôi!
"Tự mình phấn khởi vô cùng tận,
Tôi đi quanh đi quẩn xét đoán người khác
nhưng không thành tựu được gì.
Nhìn lỗi của người khác
lòng đắng cay chua xót,
tựa hồ như chính mình tự thiêu đốt lấy mình,
và trở nên đen đúa như lọ nồi và cháy rụi.
Bất luận ai phải ai quấy, ai tốt ai xấu,
Ðó là chuyện của họ.

Công việc của chúng ta là giữ chắccho cái tâm tự canh chừng lấy nó.
Không nên để cho bất thiện pháp
lẩn quẩn khuấy rầy và ghé lại.
Hãy làm cho tâm thuần thục thiện xảo
trong phước báu và thiện nghiệp --
hậu quả sẽ là trạng thái thanh bình an lạc.
Thấy người khác xấu và chính ta là tốt
là một vết nhơ tinh thần,

bởi vì ta đã tự khoá chặt vào khandha, ngũ uẩn
và nó sẽ giữ lại vững chắc xét đoán ấy.
Nếu tự khóa chặt mình vào khandhas, ngũ uẩn
nó sẽ thiêu đốt ta, chắc như vậy,
vì tuổi già, ô nhiễm và chết chóc
sẽ xen nhập vào cuộc chiến:
đầy sân hận và tình thương, hiển nhiên là có lỗi lầm,
lo âu, phiền muộn và sợ sệt,
trong khi ngũ dục, năm hình thức cảm xúc,
đem đạo binh nhiều loại khác nhau đến.
Ta không thoát được ra khỏi khổ đau và hiểm họa
bởi vì đã nắm chặt ngũ uẩn, xem đó là của ta.
Một khi thấy lỗi lầm của mình, chớ nên chần chờ.
Hãy bám sát canh chừng
trạng thái bất thường của sankhàras, hành.
Khi tâm đã quen thuộc với điều nầy,
ta chắc chắn sẽ thấy Giáo Pháp Vô Song
đơn độc trong tâm.
" 'Bất thường' hàm ý là cái tâm
vì nó thay đổi nhãn hiệu.

Khi thấy điều nầy, hãy canh chừng,
lặp đi lặp lại canh chừng,
ngay vào lúc nó đổi thay.
Khi tất cả những đối tượng bên ngoài phai mờ,
Giáo Pháp sẽ xuất hiện.
Khi thấy Giáo Pháp, ta sẽ có khả năng chữa trị
chứng bịnh lo âu.
Chừng đó tâm không còn dính mắc vào cuộc tranh chấp.
Chỉ bấy nhiêu chân lý cũng có thể chấm dứt trò chơi.
Hiểu biết cái không-hiểu-biết
Ðó là phương thức thực nghiệm cho cái tâm.

Một khi thấy được, qua tình trạng bất thường,
căn-nguyên-của-tâm ngưng tạo thêm vấn đề.
Tất cả những gì còn lại là cái tâm nguyên thủy,
chân tâm, cái tâm thật và không biến đổi.
Hiểu biết căn-nguyên-của-tâm
đưa đến giải thoát ra khỏi mọi lo âu và lầm lạc.
Nếu đi lệch ra ngoài, đến mục-tiêu-của-tâm
tức khắc ta lạc lối.

" 'Ðêm tối' đến từ cái tâm
sở hữu chủ của những gì tốt đẹp.
Sở hữu nầy do mục-tiêu-của-tâm nghĩ đến.
Căn-nguyên-của-tâm đã là tốt
khi Giáo Pháp xuất hiện, xóa bỏ hoài nghi.
Khi thấy Giáo Pháp tối thượng,
vượt qua thế gian,
tất cả công trình tìm kiếm mơ hồ xưa cũ
bị đào bứng tận gốc rễ và buông bỏ.
Ðau khổ [duy nhất] còn lại là
nhu cầu ngủ nghỉ và ăn uống
theo đúng diễn tiến.
Tâm, được thuần hóa, ở gần căn-nguyên-của-tâm,
nghĩ suy, nhưng vẫn không ở chung với tư tưởng.
Bản chất của tâm là phải suy nghĩ.
Nhưng khi cảm nghe có căn-nguyên-của-tâm hiện hữu
thì nó thoát ra khỏi những buồn phiền,
cách xa những khuấy nhiễu, và tĩnh lặng.
Bản chất của sankhàra, hành,
khi xuất hiện
là biến tan.
Tất cả hành đều hoại diệt, không có gì còn lại.

Hãy coi chừng cái tâm

khi ta tập trung lại để làm cho nó tế nhị hơn,

vì lúc ấy ta có khuynh hướng ép buộc,
nó dính cứng trong tình trạng không lay động.
Hãy để tâm nhìn đi nhìn lại
tính cách bất thường của nó,
cho đến khi trở thành một thói quen.
Khi ta đến giai đoạn ấy "Ồ!"
nó sẽ đến tự chính nó:
Hay biết giọng hát của tâm,
như một ảo cảnh.
Ðức Phật dạy rằng những ô nhiễm của tuệ minh sát
giả dạng như thật,
trong khi nó không thật chút nào.
Sự hay biết những hiện tượng tâm linh
tự chính nó đến,
là trực giác, cái thấy trực tiếp,
không giống như sự nghe và sự hiểu biết
trên tầng lớp vấn đáp.
Sự phân tách những hiện tượng,
tinh thần và vật chất,
cũng không phải là tri kiến tự chính nó khởi phát:
như vậy, hãy nhìn.
Sự hay biết tự nhiên chính nó đến
không phải là giọng hát của tư tưởng.
Hiểu biết căn-nguyên-của-tâm,
và những chặp tư tưởng,
chân tâm ấy giải thoát ra khỏi phiền muộn.
Căn-nguyên-của-tâm ấy chắc chắn
là sự tự động hiểu biết các sankhàras, hành.
-- những công việc của sự đổi thay --
không phải là vấn đề phô trương ra ngoài
để thấy hay để hiểu biết một việc.
Nó cũng không phải là hiểu biết căn cứ
trên nhãn hiệu từng cặp.
Chính cái tâm tự hiểu biết
qua di động của bài ca.
Sự hiểu biết của tâm về di động
chỉ giản dị tiếp cận với những chặp tư tưởng.
Trong thực tế, chúng nó không thể bị phân chia:
Tất cả chúng nó là một và cùng một thứ.
Khi cái tâm là hai, điều đó được gọi là
những sự vật rối ren của tưởng, sannà.
Chính nó là bất thường, vậy tại sao tập trung vào gì khác?

"Khi nhìn thấy chính sự hoại diệt của nó
tâm thoát ra khỏi đêm tối.
Không còn muốn nếm hương vị của chúng
và từ bỏ hoài nghi.
Nó ngưng chạy tìm những vật bên trong và bên ngoài.
Buông bỏ mọi bám níu.
Xa lìa thương và ghét,
dầu nặng nhẹ thế nào.
Nó có thể chấm dứt những ham muốn,
những thảm sầu, tất cả đều tan biến
-- cùng với những gánh nặng lo âu
đã làm cho nó than van rên rỉ --
giống như trận mưa rào tưới mát tâm hồn.
Chính cái tâm tự nó nhận thức tâm mát mẻ.
Tâm mát mẻ vì không có nhu cầu

đi thênh thang quanh quẩn, nhìn người ta.
Biết rằng căn-nguyên-của-tâm trong hiện tại,
không chao động và không lo âu
với bất luận điều tốt hay điều xấu,
vì tốt hay xấu tất cả đều hoại diệt,
với tất cả những trở ngại khác.
Tuyệt đối tĩnh lặng, căn-nguyên-của-tâm
không suy tư cũng không diễn dịch.
Nó chỉ ở với công việc của nó: không trông đợi gì,
không cần phải vướng mắc hay rối loạn,
không cần nơm nớp canh chừng.
Ngồi hoặc nằm, nó suy nghĩ
trong cái tâm-căn-nguyên: 'Ðã giải thoát'.
"Lối giải thích của Ngài về con đường
quả thật thâm sâu, xuyên thấu, đầy đủ và rõ ràng.
Chỉ còn một điều nữa:
Xin Ngài vui lòng giải thích với chi tiết
cái tâm không giải thoát ra khỏi nguyên nhân của đau khổ."
"Nguyên nhân của đau khổ là bám níu và thương yêu,
vô cùng quyến rũ,
tạo nên những trạng thái chúng sanh mới
không biết mệt, không nhàm chán.

ở mức độ thấp, ô nhiễm là
nhục dục ngũ trần;
ở tầng cao hơn, là dính mắc trong thiền (jhàna).
Nói về những điều nầy
hoạt động như thế nào trong tâm:
Tất cả là chuyện của chúng sanh say mê với sankhàra, hành,
say mê với tất cả những gì xảy ra
trong một thời gian lâu, thật lâu dài --
thấy nó là tốt đẹp,
nuôi dưỡng tâm bằng sự lầm lạc,
làm cho nó đâm chồi nở mộng
trong tình trạng mê loạn không yên.
Bị lỗi lầm cắn rứt mà không biết hổ thẹn,
say mê, khâm phục ngắm nhìn
bất luận gì nó tưởng tượng --
say mê đến độ quên mình
và không sợ hiểm nguy;
say mê nhìn lỗi người khác,
bất mãn với những gì xấu của họ
còn lỗi của mình thì chẳng xem là gì cả.
Lỗi của người khác dầu to lớn đến đâu
không thể làm cho ta sa đọa địa ngục.
Trong khi đó lỗi của chính ta có thể đưa ta
thẳng xuống tầng địa ngục khắc khổ khốc liệt nhất,
mặc dầu nó không phải là rất ô nhiễm.
Vậy hãy canh chừng xem lỗi của mình
cho đến khi tự nhiên thấy nó đến.
Tránh xa những lỗi lầm ấy
và chắc chắn ta thấy
hạnh phúc mà không có
hiểm họa và lo âu sợ sệt.
Khi rõ ràng nhận thấy những lỗi của mình
hãy cắt ngay tức khắc.
Chớ nên hơ hỏng hay chần chờ
không quyết tâm như vậy không bao giờ ta thoát khỏi nó.

"Không ngừng muốn những điều tốt:
Ðó là nguyên nhân của đau khổ.
Ðó là lỗi lầm trọng đại: mãnh liệt kinh sợ điều xấu.

'Tốt' và 'xấu' đều là thuốc độc của tâm,
như vật thực quá nhiều làm bất an cơ thể.
Giáo Pháp không rõ ràng sáng tỏ
vì lòng ham muốn điều tốt của ta.
Sự ham muốn điều tốt, khi quá mãnh liệt,
kéo lôi tâm vào những suy tư khuấy động
cho đến khi tâm đầy ngập điều xấu,
và tất cả những ô nhiễm của nó sanh nở nhanh chóng.
Lỗi lầm càng trọng đại, nảy nở càng nhanh chóng,
Kéo lôi ta càng xa và càng xa cách dần
Giáo Pháp nguyên thủy."

"Lối giải thích
nguyên nhân của đau khổ nầy
gọt giũa, thanh lọc tâm tôi.
[Mới đầu] ý nghĩa có vẽ
rời rạc và rối loạn,
nhưng khi Ngài giải thích con đường
thì tâm tôi ngưng, không lay động:
thỏa mãn, yên lặng và thanh bình,
đến cùng."

"Ðiều nầy được gọi là thành tựu
tình trạng giải thoát ra khỏi ngũ uẩn,
Giáo Pháp vẫn ở yên một nơi,
không đến, không đi,
một bản chất thật sự -- chỉ duy nhất có một --
mà không gì làm sai lệch hay quay vòng."

Ðến đây chấm dứt câu chuyện. Ðúng hay sai,
xin vui lòng sáng suốt suy gẫm đến khi thấu hiểu.


Do Ngài Phra Bhùridatto (Mun) biên soạn
Wat Srapathum, Bangkok
Chuyển Dịch từ Thái sang Anh: Ajaan Thànissaro
Từ Anh sang Việt: Phạm Kim Khánh

Source : http://www.budsas.org/