Điều ấy cũng có nghĩa là giác ngộ không phải là kết quả của sự tu tập. Khi ta có ý niệm rằng giác ngộ là "kết quả" của sự tu tập, nó sẽ trở thành một chướng ngại. Đó là một bài học lớn.
Thật ra giác ngộ chính là sự cởi bỏ hết mọi thành đạt, mọi nút cột trong ta. Ví dụ như trong kinh có nói đến thập địa, dasabhumi, mười quả vị tu chứng của một vị bồ tát. Khi ta đạt đến quả vị thứ hai, nó cũng không có nghĩa gì khác hơn là ta đã tháo gở được nút cột của quả vị thứ nhất. Khi nào ta buông bỏ được quả vị thứ hai thì ta sẽ bước lên quả vị thứ ba. Và khi nào ta tháo mở được nút cột của quả vị thứ mười, thì có lẽ đó được gọi là "giác ngộ." Giác ngộ không phải là một kết quả, mà nó chính là tự tánh chân thật của mình. Và vì vậy mà có gì để ta gọi là mình đạt được đâu, vì nó bao giờ cũng vẫn là của mình? Nếu chúng ta làm việc gì cũng muốn phải có một kết quả (result-oriented) thì thái độ ấy lại chính là một trở ngại lớn cho ta. Mà thật ra không những nó chỉ là một trở ngại thôi, mà nó còn là một viên nam châm thu hút thêm nhiều chướng ngại khác nữa.
Trên con đường tu học, sự mong cầu sẽ làm lên men và tạo nên những sự mê mờ rất vi tế, cũng giống như một thứ rượu nho giữ cất lâu ngày, khiến ta không còn nhận thấy được những hạnh phúc đang có mặt trên con đường mình đang đi.
The Strawberry Dilemma
Dzongsar Khyentse Rinpoche
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
http://www.sinhthuc.org/