Từ Bi của chư Phật

Từ Bi của chư Phật không như người ta thường hiểu là cứu khổ ban vui, mà là qua khổ vui của cuộc sống khai mở cho họ thấy ra sự thật để giác ngộ, khi đã giác ngộ thì tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cái khổ cái vui tương đối ở đời, nên dù sống trong vui khổ của cuộc đời, người giác ngộ vẫn ung dung tự tại, có thế mới giúp chúng sanh tự biết chuyển mê khai ngộ cho mình và có thể thấy rằng “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”.


                               


Sư ông kính mến,

Hôm qua con nói chuyện với mẹ. Mẹ có nói vừa rồi sư ông ra Đà Nẵng có gặp ba con. Nghe vậy con vui lắm.
Hôm nay con có câu này muốn hỏi sư ông. Đối với những người con thương quý, con luôn chúc cho họ sức khỏe, thành đạt, đạt được những gì họ muốn: có người yêu và hạnh phúc, có công việc thu nhập tốt v.v... Người ta hay chúc nhau như vậy. Nên khi chứng kiến họ buồn, đau khổ vì không được những hạnh phúc trần thế, con rất đau lòng. Con rất dễ đau cái đau của người khác. Thật sự thì con cũng hiểu những đau khổ hạnh phúc của thế gian chỉ là nhất thời, mà sao con không kiềm được đau buồn khi thấy người mình thương yêu thất bại, con không thể ngăn con không mong người mình thương yêu hạnh phúc, đủ đầy và thành đạt.
Con biết cái con gọi là "thương người" đó không phải là từ bi thật sự. Nhưng nó có gì sai hả sư ông? Có gì sai trái khi ta buồn vì người khác khổ và mong cho họ sướng hơn? Mặc dù tự con cũng nhận thấy những tiện nghi vật chất, nhiều tiền, người yêu đẹp v.v... thực chất chỉ làm ta đang chìm đắm.
Mong sư ông cho con biết thế nào là "từ bi" của chư Phật. Và cho con biết con có cần tập nhìn mọi sự bình thường, không mong, không giúp người thân sướng hơn không? (Sướng theo nghĩa trần tục).

Mong sư ông giải đáp.

Con,
Bé Ulāra.


Bé Ulāra,

Người ta thường chúc nhau được trường thọ, tươi đẹp, an vui, mạnh khỏe… cũng hay đấy, vì ít nhất là họ còn có tâm tốt lành với nhau, còn hơn là cãi cọ nhau, ganh ghét nhau, thù hận nhau… đúng không con? Nhưng nếu đó là để phát triển tâm lành thôi thì được, còn nếu đó là mong mỏi, ước mơ, cầu khẩn sao cho người thân của mình được như ý thì chỉ là vọng tưởng, vì thực ra những ước mong đó khó có thể trở thành hiện thực nên rốt cuộc chỉ chuốc khổ vào thôi chứ không giúp gì cho họ được cả.
Mỗi người có duyên nghiệp riêng, hoàn cảnh riêng, tình huống riêng mà qua đó chỉ có người ấy mới học ra bài học về ý nghĩa cuộc sống trong tình huống riêng như là bài toán mà mỗi người phải giải cho chính bản thân mình. Giống như câu chuyện người học trò đi học nghề ăn trộm, vị thầy dạy học trò bằng cách nửa đêm dẫn nó đột nhập vào một nhà giàu để ăn trộm rồi gây ra tiếng động và nhanh chóng thoát thân. Trước tình huống đó người học trò phải tự mình học cách đào thoát thế nào cho an toàn nhất, và nhờ học bài học thực tế như vậy mà thành công.
Con hãy tin vào Pháp, Pháp biết cách điều chỉnh mọi người đúng lúc, đúng chỗ, đúng căn cơ trình độ của họ, còn duyên nghiệp của mỗi người có vay có trả khó mà can thiệp vào được, can thiệp không khéo lại cản trở họ khám phá ra nguyên lý vận hành của Pháp.
Không phải chỉ giàu có, mạnh khỏe, thành công… mới tốt, còn nghèo khó, ốm đau, thất bại… là xấu, mà dù giàu hay nghèo, khỏe hay ốm, thành hay bại đều học được bài học về chính mình và bản chất đời sống, học được thái độ trầm tĩnh sáng suốt trước mọi tình huống mới là tốt, bằng không thì càng giàu có càng khổ, càng mạnh khỏe càng hư, càng thành công càng hợm hĩnh chứ đâu có gì hay, phải không con?
Cho nên Từ Bi của chư Phật không như người ta thường hiểu là cứu khổ ban vui, mà là qua khổ vui của cuộc sống khai mở cho họ thấy ra sự thật để giác ngộ, khi đã giác ngộ thì tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cái khổ cái vui tương đối ở đời, nên dù sống trong vui khổ của cuộc đời, người giác ngộ vẫn ung dung tự tại, có thế mới giúp chúng sanh tự biết chuyển mê khai ngộ cho mình và có thể thấy rằng “Tự do là ungdung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Đó mới chính là lòng Từ Bi vô lượng của chư Phật.
Con cứ mong cho mọi người hạnh phúc, và cụ thể chia sẻ được gì cho họ thì tốt, nhưng đồng thời cũng để họ học ra bài học đau khổ do chính họ gây ra để thấy đâu là an lạc, là hạnh phúc chân thực. 


Chào bé!

Sư ông.


Thư Thầy trò (57)

Tác giả: Viên Minh - Ulārā