"Tuyết thượng gia sương"


...Nguyên tắc Vipassanā là trực chỉ sát-na thực tại hiện tiền, không qua bất kỳ phương tiện nào khác như các vị thiền sư cùng thời thường vận dụng. Nếu không nắm vững nguyên tắc cơ bản và rốt ráo này chúng ta rất có nguy cơ nhầm lẫn thiền Vipassanā với những lối thiền ám thị, thiền tinh tấn, thiền niệm, thiền định, và nhất là thiền tư duy quán tưởng.
Tuy nhiên, vì đây là giai đoạn cuối, đối đầu với cánh cửa thực tại nên ở đó thực tánh pháp rốt ráo vẫn luôn luôn sẵn sàng xuất đầu lộ diện, nhưng nếu chỉ còn một chút bụi trong mắt cũng đủ biến thành vô vàn hoa đốm giữa hư không, để rồi "Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương" (Trên đầu đội đầu, trên tuyết thêm sương) như các thiền sư thường cảnh báo.

Chính vì vậy, nếu chúng ta cảm thấy chưa đủ trình độ thì chớ nên gượng ép đối đầu với thực tại, lúc ấy dùng các phương tiện xem ra hữu ích hơn mà cũng tỏ ra biết lượng sức mình hơn. Bởi không, chúng ta sẽ cảm thấy thiền Vipassanā sao mà quá khó khăn, khô khan và dễ nhàm chán đến thế, trong khi những hành giả căn cơ đã chín mùi lại dễ dàng nhận ra ở đó - Sát-na thực tại hiện tiền - một chân trời thênh thang mầu nhiệm của cứu cánh giác ngộ giải thoát.


 Coi chừng Bản Ngã muốn sở hữu Tánh Biết 

Kính thưa Thầy cho con xin hỏi vài câu 


1) Con đã nghe nói nhiều về tánh biết trong mục hỏi đáp mà con chưa rõ biết nó là gì. Có phải trong khi vọng khởi lên mình thấy nó thì vọng liền tan biến sau đó thì an lạc, trống rỗng liền hiện lên thì mình cũng thấy rõ an lạc, như vậy có phải là tánh biết không thưa Thầy. Nếu đúng, thì mình làm sao để duy trì tánh biết hả Thầy? 
2) Tuyết thượng gia sương nghĩa là gì thưa Thầy? 
3) Sống trọn vẹn với đương thể của sự sống và đương thể tức không có phải đồng nghĩa không? Và hai câu nầy nghĩa là gì thưa Thầy? Xin Thầy hoan hỷ giảng dùm con, con xin tri ân Thầy

Trả lời:

1) Tánh biết luôn hiển hiện nhưng khó nhận ra vì chúng ta thường đồng hóa nó với ý thức thường nghiệm (lý trí). Nhưng rõ ràng là tánh biết có thể thấy được 6 thức, luôn cả vô thức, thấy 18 giới, thấy tất cả các tâm, tâm sở, sắc pháp, Sinh Tử và Niết-bàn. Vì nó không là gì cả, nên cứ để nó như nó là, đừng duy trì nó, đừng cho nó là, phải là, sẽ là... gì cả mới được. Coi chừng bản ngã muốn sở hữu tánh biết đó nhe!

2) Đã có tuyết lại còn thêm sương vào nữa là dư thừa, nên thiền còn nói là "đầu thượng trướ
c đầu" tức là trên cái đầu lại đội thêm một cái đầu nữa. Giống như chỉ là danh sắc mà còn chồng thêm cái ngã ảo tưởng lên nữa đấy. Chúng ta chồng lên tất cả mọi sự vật khái niệm của chúng ta đặt ra nên không thể nào thấy được thực tánh của sự vật được. Khi sân con không bình tĩnh sáng suốt để thấy sân thôi mà muốn giữ hay bỏ nó chính là "đầu thượng trước đầu tuyết thượng gia sương" đó. Tánh biết vốn tự có chánh niệm tỉnh giác lại gia thêm khái niệm chánh niệm tỉnh giác chủ quan của bản ngã lý trí vào nên thọc gậy bánh xe pháp là vậy. 

3) Đúng là khi con sống trọn vẹn với thực tại, thì mới nhận ra thực tại là không (tánh không chứ không phải không không - không có gì cả). Hai câu này không có nghĩa nào cả, chỉ khi nào con sống trọn vẹn với thực tại thì tự biết thôi.


"Không phương pháp vì tất cả đều là phương pháp"

Câu hỏi: Thưa Thầy! Giả sử một người nghiện thuốc phiện, dù người ấy có ý thức về tác hại của việc nghiện hút này nhưng vẫn không thể nào từ bỏ được. Theo con thì cái nhận thức hay sự quán chiếu về tác hại và sự đam mê này không thật sự sâu sắc, sáng tỏ đủ để người này dứt ra khỏi thói quen xấu. Vậy sự quán chiếu sâu sắc để dẫn tới hành động là vô cùng quan trọng.
Và vì vậy con thấy đối với những ai khi chưa có được cái bản lĩnh quán chiếu này thì cho dù có chánh niệm cũng không mang lại ích lợi gì hết. Tham vẫn hoàn tham, si vẫn hoàn si...
Chúng con là những người căn cơ không giống nhau, trình độ tu tập còn yếu kém, vọng tưởng còn quá nhiều, không thể chỉ dùng mỗi cái nguyên lý "chỉ cần có chánh niệm, hay trong thấy chỉ có thấy..." mà Thầy nêu ra. Cái chúng con mong Thầy chỉ dạy là những phương pháp. Dù con biết đó vẫn là những tham muốn, nhưng nếu như không có những tham muốn như vầy thì ngay như bản thân con đây có lẽ vẫn chưa biết đến Phật và đạo pháp, và vẫn chẳng có được sự chuyển hóa tốt đẹp nào trong cuộc đời.
Mong Thầy sẽ hiểu hơn cho tâm tư của chúng con trong những câu hỏi. Con chúc Thầy thân tâm luôn an lạc.

Trả lời:

Ở Adelaide, Australia thầy có giảng đề tài: "Không phương pháp vì tất cả đều là phương pháp" và trong một bài giảng khác cũng ở Adelaide thầy có nói: "Không phải là không có phương pháp, mọi hoạt động hàng ngày đều phải sử dụng phương pháp nhưng không kẹt vào 1 phương pháp nào. Đưa tay ra cầm chén cơm, dùng đũa để gắp thức ăn,... mọi hoạt động đó đều là phương pháp, nhưng khi không có đũa thì dùng muỗng, không có muỗng thì bốc tay, v.v... chứ không nhất thiết luôn luôn là đũa. Thầy không nói là không dùng phương pháp mà là không kẹt vào phương pháp nào cả..."
Khổ nỗi là trong khi có người mất công đi tìm cho ra một phương pháp để giác ngộ thì người khác chỉ thấy một ngọn lá rơi liền giác ngộ. Bởi vì thầy thấy ra tất cả pháp đều là phương pháp nên thầy không dám đưa ra một phương pháp nào để người ta phải mất công loay hoay với nó. Thầy thành thật xin lỗi đã làm con thất vọng vì thầy chẳng có một phương pháp riêng của thầy để truyền cho ai cả. Giữa đời này người ta đã đặt ra vô số phương pháp chế định rồi, con cứ chọn lấy một pháp nào đó mà theo là được. Cai nghiện thì chỉ cần tới các trung tâm cai nghiện có biện pháp hiệu quả nào đó là xong, nhưng hết nghiện thuốc phiện có thể nghiện qua thứ khác, thí dụ như nghiện thiền định thần thông chẳng hạn, còn giác ngộ là chuyện hoàn toàn khác. Không biết con có hiểu ra điều đó hay không?

 ...Chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thôi, thì bản ngã mới hết lăng xăng lấy bỏ. 

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con đọc thấy một câu hỏi vào ngày 02-01-2014 hỏi rằng "vì sức chánh niệm còn non yếu nên vẫn chạy theo những ham muốn, thói quen không tốt, mặc dù khi thực hiện những ham muốn này vẫn có chánh niệm." Con kính mong Thầy chỉ dạy thêm làm sao để tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đủ mạnh hơn và duy trì liên tục để khỏi chạy theo những ham muốn, mong cầu nữa. Phương pháp ấy con vẫn hiểu là phải tuỳ thuộc vào từng người mà khác nhau chứ sao lại hỏi Thầy, nhưng Thầy có thể đưa ra điển hình một vài phương pháp cụ thể, nếu chúng con, ai hợp phương pháp nào thì dễ ứng dụng hơn được không ạ?
Trả lời:Tuyệt đối không phải nhờ vào phương pháp nào mà là con có hiểu và sử dụng chánh niệm đúng hay không. Thầy thấy trong câu hỏi của bạn ấy và của con đều hiểu sai từ chánh niệm một cách trầm trọng. Không phải dùng tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác để xử lý đối tượng mà để trọn vẹn thấy ra bản chất thật của thực tại. Không phải chánh niệm để diệt tham muốn mà là con có đủ nhẫn nại, bình tĩnh, sáng suốt để thấy sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó hay không. Khi con chưa thấy ra hết bản chất thật của tham ái mà muốn "chánh niệm!?" để "trị" nó thì đó mới chính là tham muốn cuồng vọng nhất của bản ngã, và lúc đó cái con gọi là "chánh niệm" lại trở thành công cụ của bản ngã vô minh! Thầy đã nói chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thôi, thì bản ngã mới hết lăng xăng lấy bỏ. 

Cần nhận rõ rằng không lấy bỏ trong thái độ tâm lý lăng xăng

Câu hỏi: Kính Bạch Thầy,

Đầu năm con xin kính chúc Thầy được nhiều sức khỏe để dìu dắt chúng con trên con đường tu tập.
Con có điều chưa hiểu rõ, kính xin Thầy từ bi giảng giải cho con.
1) Nếu không dùng lý trí của ý thức để suy tư (vì lý trí là bản ngã và tư kiến) thì con làm sao chiêm nghiệm và học hỏi từ cuộc sống?
2) Nếu không nhìn lại qúa khứ (chỉ biết hiện tại như nó đang là) thì làm sao con rút ra được bài học nào cho mình?
3) Nếu khi đau khổ con chỉ trọn vẹn trở về với đau khổ đó, không lấy không bỏ, chỉ thấy nó như nó đang là, không suy tư thêm về nó thì làm sao con thấy được nguyên nhân từ đâu nó phát sinh? Có phải nguyên nhân là cái Ta ảo tưởng Thầy thường dạy chúng con, cần gì phải suy tư thêm nữa, phải không thưa Thầy?
Con xin thành kính tri ân và đảnh lễ Thầy.

Trả lời:


1) Có thể học hỏi, chứng nghiệm sự thật bằng trực giác (tuệ tri) với sự thận trọng chú tâm quan sát (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) một cách lặng lẽ tự nhiên mà không cần tư duy theo ý thức của bản ngã lý trí. Khi đã quan sát thấy bản chất thực kiện (chánh kiến) thì tư duy trên bản chất thực kiện ấy mới đúng (chánh tư duy), còn nếu tư duy trên khái niệm, kiến thức vay mượn và quan niệm của lý trí (thức tri và tưởng tri) thì không thể nào thấyđược bản chất thực của sự kiện được nữa (tà tư duy). <p>
2) Nếu quá khứ đã được tuệ tri (thực chứng) thì nó đã tự thể hiện một cách trọn vẹn trong hiện tại mà không cần cố gắng nhớ lại những kinh nghiệm hay kiến thức vụn vặt của thức tri và tưởng tri (lý trí). Chính vì trong quá khứchưa thực sự chứng nghiệm mà chỉ suy nghiệm hay góp nhặt kiến thức và kinh nghiệm nên bây giờ mới cần nhớ lại những thứ vụn vặt ấy. Khi con đọc một chữ thì không cần nhớ lại phải đánh vần lúc học mẫu giáo như thế nào, vì thành quả của việc học đánh vần đó đang thể hiện trong khi con đọc chữ ấy rồi.<p>
3) Chính đức Phật đã lấy ví dụ người bị trúng một mũi tên độc, người ấy không chịu xử lý vết thương ngay mà cứ ngồi tìm hiểu mũi tên làm bằng gì, do ai bắn, bắn từ hướng nào, bắn với mục đích gì, tại sao bắn, ai dạy cho anh ta bắn, anh ta tên gì, mấy tuổi, nam hay nữ, v.v... và v.v... thì anh ta chưa kịp biết nguyên nhân nào là đã chết mất rồi. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy: "Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây". Con cần nhận rõ rằng không lấy bỏ trong thái độ tâm lý lăng xăng, chứ không phải không lấy bỏ mũi tên độc đâu nhé.


Trong biết có ý chủ quan cho là, phải là, sẽ là... mới cảm thấy mệt và căng thẳng

Câu hỏi: Con kính lễ Thầy. Con là người mới tìm hiểu Phật giáo Nguyên Thủy nên chưa biết nhiều, có gì xin Thây fhoan hỷ chỉ dạy cho con. Theo con hiểu, con người là biết, làm việc gì thì biết việc đó, nhưng đối với con, vì biết mà cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng.
Trả lời:

Có hai hướng biết khác nhau: Một là biết theo hướng thực tánh với tuệ tri (tánh biết, trực giác), hai là biết theo hướng khái niệm của thức tri và tưởng tri (ý thức, lý trí). Vì con biết theo hướng thứ 2, hữu ý, hữu ngã do đặt hướng biết sai thực tánh (phi như lý tác ý) nên trong biết có ý chủ quan cho là, phải là, sẽ là... mới cảm thấy mệt và căng thẳng. Thí dụ khi biết có tham hay sân con không thấy nó như nó là mà luôn phê phán, kiểm duyệt hay giải quyết nó nên mới mệt.
Nếu con biết theo hướng thứ nhất, vô tâm, vô ngã do đặt hướng biết đúng thực tánh (như lý tác ý), nên trong biết không cho là, sẽ là, phải là... một cách chủ quan thì sẽ thấy an nhiên tự tại chứ không hề mệt mỏi căng thẳng gì cả. Thí dụ khi biết tham hay sân con chỉ biết nó như nó đang là một cách trong sáng, hồn nhiên, vô tâm nghĩa là không can thiệp, phê phán, kiểm duyệt hay có ý đồ xử lý gì cả thì sẽ con thấy nó đúng với thực tánh của nó, làm sao mệt mỏi căng thẳng được. 


Hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông