Cội nguồn của đau khổ chính là những gì mà chúng ta gọi là avijja – vô minh, hay sự không biết về bản chất thực sự của sự vật. Vô minh, căn bản là do chúng ta không hiểu bản chất thật của chúng ta.
Chúng ta đau khổ vì quan niệm, ý kiến, thói quen và những hiện tượng mà chúng ta không hiểu.
Chúng ta sống cuộc đời của chúng ta trong tình trạng vô minh, không hiểu bản chất của sự vật. Nếu bạn thực sự chú tâm lắng nghe chính mình đôi khi bạn có thể nghe những câu nói như, “ tôi nên làm như thế này, tôi không nên làm như thế kia, tôi nên như thế này, không nên như thế kia” hoặc là thế giới nên khác hơn, cha mẹ chúng ta phải nên thế này, thế nọ và không nên giống như cái cách của họ hiện nay.
Chúng ta dường như luôn có thì của động từ đặc biệt [1] này văng vẳng trong tâm chúng ta do chúng ta luôn có ý niệm về cái gì nên là và cái gì không nên là trong đầu.
Trong thiền tập, hãy lắng nghe những ý kiến nổi lên trong chính tự thân bạn về cái gì nên và cái gì không nên, chỉ lắng nghe chúng mà thôi. Xu hướng của chúng ta là cố gắng trở thành một cái gì đó, vì vậy chúng ta đặt ra mục đích, tạo một vẻ lý tưởng cho những gì mà chúng ta muốn chúng ta phải trở thành. Có thể chúng ta nghĩ rằng xã hội phải nên khác với những gì như nó đang bây giờ. Mọi người phải tử tế, rộng lượng, hiểu biết, thương yêu nhau, người ta phải đối xử với nhau theo tình huynh đệ và con người không nên ích kỷ. Chính phủ cần phải có các nhà lãnh đạo khôn ngoan, thế giới cần có hòa bình và v.v… Nhưng thế giới đang như nó là trong trong khoảnh khắc hiện tại này cũng như sự vật đang như chúng thực là. Chúng ta không hiểu điều này và rồi chúng ta đấu tranh. Vì vậy, lắng nghe bên trong chính mình, lắng nghe tiếng kêu la liên tục “ Tôi như thế này, tôi không như thế này” và thâm nhập vào điều này “Tôi là, tôi không phải là “ với sự tỉnh giác.
Chúng ta có xu hướng phản ứng và cho rằng tất cả những gì thuộc về “tôi là” và “tôi không phải là” là sự thật. Chúng ta tự xây dựng cho chúng ta có một tính cách dựa trên những ký ức. Chúng ta nhớ những việc chúng ta đã học, chúng ta nhớ những gì chúng ta đã làm – thường là những điều cực đoan hơn mức bình thường, chúng ta có xu hướng quên những chuyện bình thường hơn mức bình thường. Vì vậy, nếu chúng ta làm những chuyện không tốt, độc ác, ngu ngốc, chúng ta sẽ có những ký ức khó chịu trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi. Và nếu chúng ta làm điều tốt đẹp, chẳng hạn việc từ thiện, những việc tử tế, chúng ta sẽ có những kỳ ức tốt. Khi bạn khởi sự quán chiếu về điều này, bạn sẽ phải cẩn thận hơn về những gì bạn làm và những gì bạn nói, bởi vì nếu bạn đã sống một cuộc sống điên rồ, hành động bốc đồng vì muốn có được sự hài lòng ngay tức thời, hoặc do bạn có ý định làm tổn thương hoặc gây ra bất hòa hoặc lợi dụng kẻ khác, bạn sẽ phải đối mặt với một tâm thức đầy với những ký ức rất khó chịu.
Những người đã sống một cuộc sống rất ích kỷ phải uống nhiều rượu hoặc dùng thuốc gây nghiện để tự giữ cho họ ở trong trạng thái thường xuyên bị chiếm đoạt bởi sự quên lãng, để họ không phải nhìn vào những ký ức xuất hiện trong tâm thức họ.
Trong quá trình thiền tập có sự nhận thức rõ ràng, có nghĩa là chúng ta đang đưa sự tỉnh giác đến các trạng thái của tâm trong khoảnh khắc hiện tại, mục đích là để hiểu cho được ý nghĩa thực sự của cái “tôi là, tôi không phải là “. Hãy quán chiếu những cảm giác đau hoặc sự hỷ lạc do các ký ức, từ sự suy nghĩ hoặc các quan điểm đem lại là vô thường, anicca. Ngắn ngủi, thoáng qua là đặc điểm phổ quát cho tất cả mọi hiện tượng. Bao nhiêu người trong số các bạn đã dành một ngày để cố tìm hiểu điều này bằng mọi cách trong khi đang ngồi, đứng hoặc nằm ?
Tìm hiểu những gì bạn nhìn thấy với mắt của bạn, âm thanh với tai , hương vị với lưỡi , mùi với mũi, cảm nhận và trải nghiệm sự xúc chạm với thân và sự suy nghĩ với tâm trí của bạn. Ý nghĩ “ tôi là” là một hiện tượng vô thường. Ý nghĩ “ tôi không phải là” cũng là một hiện tượng vô thường. Ý nghĩ, ký ức, cảm nhận từ sự suy nghĩ, ngay chính tự thân này, và các cảm xúc – tất cả mọi hiện tượng đều thay đổi. Trong thiền tập, bạn phải thật nghiêm túc, dũng cảm và can đảm. Bạn phải thực sự tìm hiểu, dám nhìn vào ngay cả những kinh nghiệm khó chịu nhất trong đời, thay vì cố gắng trốn chạy nó để tìm sự tĩnh lặng, hoặc để quên đi tất cả mọi thứ. Trong thiền Vipassanā, hành giả thực tập nhìn vào sự đau khổ, đó là một cuộc đối đầu với chính mình, với những gì chúng ta nghĩ về bản thân, với những ký ức của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, sự dễ chịu, sự khó chịu hoặc trung tính (không dễ chịu cũng không khó chịu). Nói cách khác, khi những đối tượng này sinh khởi, và chúng ta nhận biết sự khổ đau, chứ không xua đuổi, đàn áp hoặc lờ chúng đi, chúng ta dùng cơ hội này hội để nghiên cứu, học hỏi từ chúng.
Do đó, khổ đau chính là thầy của chúng ta. Nó dạy chúng ta, vì vậy chúng ta phải học bài học từ chính việc nghiên cứu sự đau khổ. Tôi luôn luôn ngạc nhiên khi thấy một số người nghĩ rằng họ không bao giờ bị đau khổ. Họ nghĩ, “ Tôi không đau khổ. Tôi không hiểu tại sao Phật tử lúc nào cũng nói về đau khổ . Tôi cảm thấy tuyệt vời, cuộc đời đầy sự đẹp đẽ và niềm vui. Tôi lúc nào cũng rất hạnh phúc. Tôi thấy cuộc sống là một kinh nghiệm tuyệt vời, một niềm vui đầy thú vị và bất tận". Những người này có xu hướng phiến diện chỉ chấp nhận mặt này của cuộc sống và chối bỏ mặt kia bởi vì chắc chắn những gì làm chúng ta vui thích sẽ biến mất và rồi chúng ta sẽ thấy hối tiếc. Mong muốn của chúng ta lúc nào cũng được sống trong một trạng thái vui sướng liên tục khiến chúng ta phải đối mặt với mọi loại vấn đề, đủ thứ khó khăn và thiên hình vạn trạng tình huống. Chúng ta đau khổ không phải chỉ bởi những những chuyện lớn lao như bị ung thư ở giai đoạn cuối, hoặc mất đi người ta yêu thương, đau khổ có thể xảy ra xung quanh những điều rất bình thường, chẳng hạn như ngay trong bốn tư thế ngồi, đứng, đi, nằm xuống. Không có gì cực đoan trong đó cả.
Chúng ta quán chiếu hơi thở bình thường của chúng ta và sự hay biết tự nhiên. Để hiểu được - sự hiện hữu - chúng ta quán chiếu những cảm giác, các ký ức và những ý suy nghĩ thông thường, bám vào sự suy nghĩ hoặc các ý tưởng tuyệt vời sẽ không giúp cho chúng ta hiểu những thái cực của sự hiện hữu. Vì vậy, chúng ta không bận tâm với những suy đoán về mục đích tối hậu của cuộc sống, về Thượng đế, ma quỷ, thiên đường hay địa ngục, hay những gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết hoặc tái sinh. Trong thiền Phật giáo, bạn chỉ cần quan sát ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Sự sinh và diệt đang xảy ra ở đây và ngay bây giờ chính là sự bắt đầu và kết thúc của những điều bình thường nhất.
Quán chiếu sự khởi đầu. Khi bạn nghĩ đến sự ra đời của bạn, bạn nghĩ rằng "Tôi được sinh ra", nhưng đó là sự ra đời vĩ đại của cái thân, mà chúng ta không thể nhớ. Còn sự ra đời trần tục của cái "tôi" mà chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày là cái “tôi muốn, tôi không muốn, tôi thích, tôi không thích. “ Đó là sự ra đời, hay là sự đi tìm để có được hạnh phúc. Chúng ta quán chiếu cái địa ngục trần tục của sự sân hận của chúng ta: Sự giận dữ sinh khởi, sự nóng bức của cơ thể, ác cảm, sự hận thù mà chúng ta cảm nhận trong tâm chúng ta. Chúng ta quán chiếu cái thiên đường trần tục mà chúng ta kinh nghiệm: Trạng thái hạnh phúc, hỷ lạc, nhẹ nhàng, vẻ đẹp trong khoảnh khắc hiện tại. Hoặc quán chiếu trạng thái uể oải của tâm, một dạng tình trạng lấp lửng, không vui cũng không hài lòng, nhưng buồn tẻ, chán nản và lãnh đạm, thờ ơ. Trong thiền Phật giáo chúng ta ghi nhận tất cả mọi thứ này ngay trong thân, tâm của chúng ta .
Chúng ta quán chiếu sự mong muốn có quyền lực và sự kiểm soát- kiểm soát người khác của chính mình - để chúng ta trở nên nổi tiếng hoặc trở thành một người có vị trí quan trọng nhất. Bao nhiêu người trong số các bạn, khi phát hiện ra một người nào đó có năng khiếu hơn mình, muốn đè người đó xuống? Đây chính là sự ghen tị. Những gì chúng ta phải làm trong thiền tập là ghi nhận thói đố kỵ đời thường này, hoặc sự hận thù chúng ta có thể có đối với một ai đó vì người đó lợi dụng chúng ta, hoặc làm phiền chúng ta. Chúng ta cũng ghi nhận sự tham lam, ham muốn chúng ta có thể cảm thấy với một người có sức hút đối với chúng ta. Tâm trí của chúng ta là như một tấm gương phản chiếu cả vũ trụ và bạn phải quán chiếu sự phản chiếu này. Trước đây, chúng ta nhận các hình ảnh phản chiếu này là thực vì vậy chúng ta trở nên mê đắm, hoặc xua đuổi chúng hoặc lãnh đạm với chúng. Nhưng trong thiền Vipassanā, chúng ta chỉ ghi nhận rằng tất cả những sự phản chiếu này đơn thuần là những hiện tượng thay đổi theo điều kiện. Chúng ta bắt đầu thấy chúng như là một đối tượng chứ không phải như là một tự ngã, ngược lại khi chúng ta đang còn bị vô minh che lấp, chúng ta có xu hướng bị đồng hóa với chúng.
Vì vậy, trong khi hành thiền có nghĩa là chúng ta đang quan sát vũ trụ như nó đang được phản chiếu trong tâm của chúng ta. Việc bất cứ ai khác ngẫu nhiên kinh nghiệm được điều gì đó không quan trọng. Một hành giả nào đó sẽ ngồi ở đây và trải nghiệm tất cả các loại ánh sáng màu sắc rực rỡ, thấy các hình ảnh hấp dẫn, như chư Phật, các vị Trời, thậm chí còn ngửi thấy các mùi hương tuyệt vời, và nghe âm thanh của cõi Trời, và nghĩ, “Thiền mới tuyệt vời làm sao, trước mắt tôi là một sự sáng chói , " ánh sáng chói lọi" - một vị Trời đang đến như một thiên thần rạng rỡ, chạm vào tôi và tôi cảm thấy sự ngất ngây này. Đó là kinh nghiệm ngất ngây tuyệt vời nhất mà tôi có được trong đời của mình ... tôi đã chờ đợi cả đời mình để có được kinh nghiệm này.
Trong khi đó, người ngồi bên đang suy nghĩ, “Tại sao chẳng có một cái gì giống như vậy xảy ra với mình nhỉ ? Tôi ngồi cả giờ đồng hồ trong sự đau nhức, với cái lưng đau, chán nản, muốn bỏ trốn, tự hỏi tại sao tôi lại muốn nói đến tham dự khóa thiền này? “ Một người khác có thể nói, "Tôi không thể chịu đựng những người có những ý tưởng và sự tưởng tượng này, họ làm tôi ghê tởm, họ chỉ làm cho tôi tăng thêm sự hận thù và ác cảm khủng khiếp trong tôi . Tôi ghét hình ảnh Đức Phật ngồi bên cửa sổ, muốn đập vỡ nó. Tôi ghét Phật giáo và thiền định!
Hãy xem trong ba người này, ai là hành giả tốt? Hãy so sánh người nhìn thấy các vị Trời nhảy múa trời ở trên thiên đường, với người cảm thấy buồn chán, dửng dưng và tẻ nhạt, và với người thấy đầy hận thù và ác cảm. Các vị Trời và các thiên thần nhảy múa trên thiên đường là vô thường, anicca. Sự nhàm chán là vô thường, anicca. Hận thù và ác cảm cũng là vô thường, anicca. Vì vậy, một hành giả tốt là người thực hành đúng cách, là người biết nhìn vào bản chất vô thường của các hiện tượng này.
Khi bạn nói chuyện với một người thấy được các vị Trời và ánh sáng rực rỡ, bạn bắt đầu nghi ngờ về sự thực tập của chính mình và nghĩ rằng, " Có lẽ mình không có khả năng giác ngộ. Có lẽ mình thiền không đúng cách. " Nghi ngờ tự thân nó là vô thường. Bất cứ điều gì sinh khởi đều hoại diệt. Vì vậy, một hành giả tốt là người nhìn thấy cái bản chất vô thường của sự hỷ lạc và hạnh phúc; hoặc kinh nghiệm sự uể oải của tâm hay kinh nghiệm sự giận dữ, hận thù và ác cảm, và rồi quán chiếu về bản chất vô thường của tất cả các hiện tượng này khi đang ngồi, đang đi hoặc đang nằm.
Xu hướng của bạn là gì? Bạn thấy mọi thứ đều tích cực? "Tôi thích tất cả mọi người ở đây. Tôi tin vào lời dạy của Đức Phật, tôi tin vào Pháp " - Đó là một loại đức tin của tâm. Nó tin, và loại tâm đó có thể tạo ra những điều hỷ lạc và trải nghiệm chúng rất nhanh. Bạn sẽ thấy một số nông dân ở Thái Lan, những người hầu như không có bất kỳ kiến thức thế tục nào, những người hầu không thể đọc và viết, nhưng đôi khi họ có thể trải nghiệm trạng thái hỷ lạc, kinh nghiệm được ánh sáng và thấy các vị Trời, mọi thứ mà họ tin. Khi bạn tin vào các vị Trời, bạn sẽ nhìn thấy họ. Khi bạn tin vào ánh sáng và cõi Trời, bạn sẽ thấy chúng. Khi bạn tin rằng Đức Phật sẽ cứu bạn, Đức Phật sẽ đến và cứu bạn. Những gì bạn tin sẽ xảy ra với bạn. Bạn có tin vào ma quỷ, tiên nữ, yêu tinh, nếu bạn không nghi ngờ gì chúng, bạn sẽ thấy những thứ đó xảy đến với bạn. Nhưng tất cả vẫn là vô thường, anicca, tạm bợ và không phải là tự ngã.
Hầu hết mọi người không tin vào các nàng tiên và các vị Trời và nghĩ rằng những điều như vậy thật là ngớ ngẩn. Đây là một loại tiêu cực của tâm trí, loại tâm đó là tâm nghi ngờ và hoài nghi, không tin vào bất cứ điều gì. "Tôi không tin vào các nàng tiên và các vị Trời. Tôi không tin vào bất cứ điều gì thuôc loại đó. Thật buồn cười! Hãy thử chỉ cho tôi thấy một nàng tiên đi “ Vì vậy những người có tâm nghi ngờ và hoài nghi không bao giờ nhìn thấy những điều như vậy.
Có đức tin, có sự nghi ngờ. Trong thiền tập của Phật giáo, chúng ta quan sát cả niềm tin lẫn sự nghi ngờ mà chúng ta kinh nghiệm trong tâm trí của chúng ta, và chúng ta thấy rằng đây là những hiện tượng đang thay đổi. Tôi đã quán chiếu vào chính sự nghi ngờ, và thấy nó như một dấu hiệu. Tôi thường đặt cho bản thân mình một câu hỏi như, "Tôi là ai? “ Và sau đó lắng nghe câu trả lời - đại loại câu trả lời là “Tỳ khưu Sumedho “. Sau đó, tôi nghĩ rằng, “Đó không phải là câu trả lời, bạn thực sự là ai? " Tôi thấy có một sự đấu tranh, một loại phản ứng theo thói quen để tìm câu trả lời cho câu hỏi. Nhưng tôi thường không chấp nhận bất kỳ câu trả lời nào mang tính khái niệm. “ Ai đang ngồi ở đây? Cái này là cái gì? Đây là gì đây? Ai đang suy nghĩ vậy ? Cái gì nghĩ đó? " Khi một tình trạng không chắc chắn hoặc nghi ngờ sinh khởi, tôi thường nhìn vào tính không chắc chắn của sự nghi ngờ đó như là một dấu hiệu, bởi vì tâm trí dừng lại ở đó và không còn nghĩ ra được điều gì khác, và sau đó sự trống rỗng sinh khởi [2].
Tôi đã tìm thấy một phương cách hữu ích để làm trống rỗng tâm trí của mình bằng cách tự đặt cho bản thân những câu hỏi không trả lời được, khiến cho sự nghi ngờ sinh khởi. Nghi ngờ là một hiện tượng vô thường. Hình tướng, những gì đã biết, là vô thường, những gì không biết cũng là vô thường. Ngày nọ, tôi ra ngoài và ngắm nhìn thiên nhiên, quan sát chính bản thân mình đang đứng ở đây, nhìn vào mặt đất. Tôi tự hỏi, “ Có phải mặt đất và tôi tách biệt nhau? “ “ Cái gì kia? Ai là cái kẻ đang nhìn mặt đất vậy? “ Kia có phải là mặt đất với đám lá cây không? Cái đám lá cây đó nhìn thấy ở bên trong hay bên ngoài tâm của tôi vậy?" “Cái gì thấy vậy? Có phải là nhãn cầu không? Nếu tôi lấy nhãn cầu ra, lấy ra khỏi hốc mắt, liệu cái thấy có còn là của tôi không ? Liệu tôi có còn nhìn thấy được đám lá kia không? Hoặc là nếu tôi không đang nhìn mặt đất liệu nó có ở đằng kia không ? “ Dẫu gì thì ai là người hiểu được điều này vậy nhỉ? (Ai ở trong đây nhỉ?) ” Và âm thanh. Tôi đã làm một số thí nghiệm với âm thanh. Bởi vì các đối tượng của thị giác có một độ bền vững nhất định như căn phòng này - có vẻ như khá thường hằng, bạn biết đó, chí ít là nó cũng tồn tại được trong ngày hôm nay. Nhưng âm thanh thực sự là vô thường – hãy cố gắng thấu hiểu âm thanh và ghi nhận nó.
Tìm hiểu các giác quan của tôi theo cách này - đôi mắt của tôi có thể nghe được âm thanh? Nếu tôi cắt đứt tai và màng nhĩ của mình, sẽ còn âm thanh chứ? Tôi có thể thấy và nghe trong cùng một thời điểm chính xác nào đó không? Tất cả các giác quan và đối tượng của chúng là vô thường, là những hiện tượng đang thay đổi. Ngay bây giờ hãy thử suy nghĩ , mẹ của bạn ở đâu? Mẹ của tôi bây giờ đang ở đâu? "Nếu tôi nghĩ về bà ấy đang ở trong căn hộ của bà ở California, đó là một khái niệm trong tâm trí. Thậm chí nếu tôi nghĩ rằng “ California ở đằng kia”, đó vẫn là tâm đang nghĩ về nơi đó ". Mẹ là một khái niệm, phải vậy không ? Vì vậy, mẹ bây giờ đang ở đâu? Bà ấy đang ở trong tâm: Khi từ "mẹ" xuất hiện, bạn nghe thấy một từ như một âm thanh và gợi lên một hình ảnh, hay một ký ức hoặc một cảm giác thích hoặc không thích hoặc lãnh đạm trong tâm.
Mọi khái niệm trong tâm mà chúng ta cho nó là thực phải được tìm hiểu: Hãy biết khái niệm đóng vai trò gì đối với tâm. Hãy chú ý đến những niềm vui mà bạn có được từ việc suy nghĩ về một số khái niệm nào đó và sự không hài lòng mà các khái niệm khác mang lại. Bạn có định kiến, thành kiến về chủng tộc, quốc tịch - tất cả đều là khái niệm, hay là sự phát triển nhanh chóng của khái niệm. Đàn ông có thái độ và thành kiến nhất định về phụ nữ, và phụ nữ có thái độ và những thành kiến nhất định về đàn ông – đây chỉ là điều vốn có trong các bản sắc văn hóa. Nhưng trong thiền định, 'nữ' là một khái niệm, và 'nam' là một khái niệm, một cảm giác, một sự nhận thức trong tâm trí. Vì vậy, trong thực hành thiền Vipassanā, bạn đang thâm nhập vào bên trong bản chất của sự vật, thô hoặc tế. Quán chiếu sâu vào bên trong phá vỡ những ảo tưởng mà các khái niệm đem lại cho chúng ta, những ảo tưởng mà chúng ta cho rằng chúng là thật.
Nói như vậy, mọi người có thể đặt câu hỏi: " Vậy làm thế nào để bạn sống trong xã hội này, nếu mọi thứ đều không thật?"Đức Phật đã chỉ ra một sự phân biệt rất rõ ràng giữa thực tại quy ước (thực tại chế định) và sự thật tuyệt đối (chân đế). Ở mức độ chế định của sự hiện hữu, bạn sử dụng các quy ước giúp đem lại sự hài thuận cho chính mình và cho xã hội mà bạn đang sống. Loại quy ước nào mang lại sự thuận hòa? Đó là những thứ được cho là tốt, là chánh niệm, không làm những điều gây bất hòa, chẳng hạn như trộm cắp, lừa dối người khác, lợi dụng người khác. Có sự tôn trọng đối với người khác, có sự tuân thủ luật pháp, cố gắng để giúp đỡ người khác:Tất cả các quy tắc này mang lại sự thuận hòa. Vì vậy, trong giáo lý Phật giáo về mức độ chế định, chúng ta sống một cách tốt đẹp là làm điều tốt tránh làm điều ác về mặt thân và khẩu. Vì vậy, sẽ là không phải là nếu chúng ta từ chối thế giới chúng ta đang sống này “ tôi không muốn dính dáng gì đến nó bởi vì nó chỉ là một ảo tưởng. "Suy nghĩ rằng thế giới của sự quy ước này là ảo tưởng là một ý tưởng khác.
Trong sự thực hành của chúng ta, chúng ta thấy rằng suy nghĩ là suy nghĩ, “thế giới là ảo tưởng” là một sự suy nghĩ, “ thế giới không phải là ảo tưởng” cũng là một suy nghĩ. Nhưng trong khoảnh khắc này đây, hãy nhận thức rằng tất cả những gì mà chúng ta đang ý thức về chúng đều đang thay đổi. Sống chánh niệm, nỗ lực và tập trung vào những gì bạn làm, cho dù bạn đang ngồi, đi bộ, nằm xuống hoặc làm việc. Cho dù bạn là một người đàn ông hoặc một người phụ nữ, một thư ký, bà nội trợ của một người lao động phổ thông, hay một nhà điều hành hoặc bất cứ bạn là gì, hãy nỗ lực và tập trung. Làm việc tốt và tránh làm điều ác.
Đây chính là đường lối mà một Phật tử sống theo các dạng quy ước của xã hội . Nhưng họ không bao giờ còn bị đánh lừa bởi cái thân của họ hay bởi xã hội, hoặc những điều đang diễn ra trong xã hội , bởi vì Phật tử là người nghiên cứu và học hỏi vũ trụ bằng cách học hỏi ngay chính cơ thể của mình.
Ajahn Sumedho
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Supañña Thiện Trí
Chú thích:
[1] Động từ đặc biệt đây trong bản tiếng Anh là động từ to be. Trong tiếng Anh, động từ be có nhiều nghĩa tùy theo ngữ cảnh. Trong bài này động từ be có nghĩa "thì, llà", mang tính hiện hữu.
[2] Quán chiếu sự nghi ngờ xem nó như là một dấu hiệu: Khi tâm của tác giả không trả lời được các câu hỏi mà tác giả đặt ra tâm trí dừng lại, và tác giả xem đó là một dấu hiệu báo rằng tâm của hành giả sắp bước vào trạng thái rỗng không
Theo Thiền Viện Phước Sơn